Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt    

   

...... ... ..  . ..  .  .
ASHTA GARU DHARMA -
TÁM ĐIỀU LUẬT KHẮT KHE DÀNH CHO CHƯ NI
Tiến sĩ Amasiri Weeraratne

 

Lời người dịch: Bát Kính Pháp đã từng là đề tài cho nhiều nhà nghiên cứu Phật học Đông Tây quan tâm. Không phải một mình Sư Cô Thích Chiếu Huệ ở Đài Loan đề nghị bỏ Bát Kính Pháp mà từ trước và cho đến nay nhiều nhà nghiên cứu đã phân tích, đánh giá và soi sáng vấn đề dưới nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó ngầm ý kêu gọi nên xoá bỏ Bát Kính Pháp. Trong số những bài khảo cứu về chủ đề này, chúng tôi xin dịch bài Ashta Garu Dharma – The Eight Strict Rules for Buddhist Nuns của tiến sĩ Amarasiri Weeraratne đăng trong tạp chí Yasodhara (Newsletter on International Buddhist Women’s Activities) Vol. 14, No. 4 (no. 56), July - Septemper, 1998 do Cô Chatsumarn Kabilsingh, người Thái biên tập. Các cước chú trong bài này đều do chúng tôi  thêm vào để  giúp cho độc giả có thêm nguồn tư liệu chính xác.

Tiến sĩ Amasiri Weeraratne là nhà nghiên cứu Phật học nổi tiếng ở Tích Lan từ nhiều thập niên trước đây. Ông đã đóng góp khả năng của mình cho nền Phật học trên nhiều lĩnh vực. Trong bài này, ông khẳng quyết rằng Bát Kính Pháp hoàn toàn do chư Tăng bịa đặt ra, rồi gán cho đức Phật. Điều đó cần phải loại bỏ, vì như vậy là làm hoen ố đức tính từ bi và trí tuệ của một bậc Giác Ngộ.  Tuy nhiên, ông quá gay gắt và thiếu căn cứ cho rằng chư Tăng kiết tập Kinh  điển lần thứ nhất là những vị khinh ghét phụ nữ và muốn toàn quyền lãnh đạo Tăng đoàn, thậm chí muốn nô dịch hoá phụ nữ. Ông rất đúng khi cho rằng Bát Kính Pháp do các nhà biên tập sau này đặt ra, nhưng không thuyết phục độc giả khi cho rằng chính các nhà biên tập Kinh điển lần thứ nhất bịa đặt ra và gán cho đức Phật. Theo như lịch sử  kiết tập Kinh điển lần thứ nhất ghi lại, trong kỳ kiết tập này các vị được mời dự hội nghị đều chứng Thánh quả A-la-hán, không còn các tâm niệm nhiễm ô như khinh ghét phụ nữ hoặc muốn lãnh đạo giáo đoàn, v.v… Do đó, chúng ta có thể kết luận Bát Kính Pháp không phải do chính đức Phật  ban hành cho Di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề, nhưng cũng không thể kết tội là do các vị Thánh Tăng thời kỳ kiết tập Kinh  điển lần thứ nhất đề ra. Lịch sử kiết tập Kinh  điển thành văn trải qua  nhiều giai đoạn khác nhau và  do nhiều nhà biên tập sau này. Chúng ta vẫn chưa có cơ sở nào để quy kết chính các vị Thánh Tăng trong thời sơ kỳ Phật giáo đưa ra Bát Kính Pháp. Để xác định được thời gian nào Bát Kính Pháp được áp dụng cho Ni đoàn và được ghi lại thành điều luật, sự việc này cần phải có những công trình nghiên cứu chuyên sâu hơn.

Lại nữa, kỳ kiết tập Kinh  điển lần thứ nhất toàn là các vị Thánh Tăng A-la-hán, không có sự tham dự của Tỳ-kheo-ni, điều đó có thể có nhiều lý do, đặc biệt là  do hoàn cảnh xã hội, chứ chưa hẳn là do các Thánh Tăng có thành kiến đối với Tỳ-kheo-ni. Nếu chúng ta tin tưởng các vị đại đệ tử của đức Phật là những bậc A-la-hán thì không thể nào nói rằng, qua kỳ kiết tập này chúng ta thấy được bản chất khinh ghét phụ nữ của những vị có nhiệm vụ kiết tập Kinh  điển thời bấy giờ như quan điểm của ông.

Mặc dầu bài viết chưa giải quyết hết mọi vấn đề mà chúng ta mong muốn, nhưng dù sao ông cũng mạnh dạn kiến nghị một phương án thực tiễn có thể thực hiện việc khôi phục Ni đoàn ở các nước theo truyền thống Thượng Toạ Bộ, đặc biệt là ở Tích Lan. Theo người dịch, chính nhờ tiếng nói tích cực của các Phật tử hảo tâm này mà Phật giáo Tích Lan ngày nay đã mở rộng cánh cửa tâm linh cho nữ giới đúng với tinh thần của đức Phật hơn.

********

Câu chuyện đức Phật thành lập Ni đoàn được ghi lại trong Luật Tạng ở tập Cullavagga (Tiểu Phẩm) quá khó hiểu, có nhiều điểm mâu thuẫn và không nhất quán. Bát Kính Pháp đi ngược lại với mục tiêu của đức Phật được trình bày trong Kinh  Luật. Nhiều học giả Đông Tây đã nêu ra và phê bình những mâu thuẫn này. Các học giả cho rằng, câu chuyện thành lập Ni đoàn và việc chế định Bát Kính Pháp được nói là do đức Phật tuyên thuyết, thật sự là do chính các vị Tăng lãnh đạo Tăng đoàn chế ra sau khi đức Phật nhập niết-bàn. T. W. Rhys Davids, bà I. B. Horner, Thượng Toạ Dharmananda Kosambi, tác giả của tác phẩm Bhagavan Buddha (Lịch Sử Đức Phật); Đại Đức bác học Narawila Dharmaratana và Đại Đức U. Wangeesa - tác giả của tác phẩm Bhikshuni Sasanaya (Sự Tồn Tại của Tỳ-kheo-ni ) là những học giả nổi tiếng đều đứng về quan điểm này.

Trước khi chế định những điều khoản cho giáo đoàn, đức Phật đã quan sát kỹ lưỡng rồi Ngài mới chế định, chứ không phải Ngài tự đặt ra một cách tùy tiện. Do đó, nếu đức Phật đã cân nhắc và sắp đặt trước một cách cẩn thận rồi thì Ngài đã không rút lại quyết định khi tôn giả Ànanda đại diện cho Di mẫu và 500 thể nữ cầu xin dùm cho họ được xuất gia làm Tỳ-kheo-ni. Câu chuyện trên kể rằng đức Phật từ chối ba lần đối với Di mẫu Gotami và ba lần từ chối đối với tôn giả Ànanda. Tất cả là sáu lần từ chối chỉ vì việc cho nữ giới gia nhập Tăng đoàn, và cuối cùng Ngài đã chấp nhận lời cầu xin thông qua lời biện hộ của tôn giả Ànanda.  Tình tiết này làm cho chúng ta phải nghi ngờ, nó không thể nào xảy ra được. Ni đoàn của Kỳ-na-giáo đã được Nigantha Nàtaputta (Mahàvìra) thành lập trước rồi. Do đó, đối với các tôn giáo ở Ấn Độ, đức Phật không phải là nhà cải cách và tạo ra một mô hình mới lạ gì. Thật là vu khống cho một bậc toàn giác và đầy lòng nhân ái, khi chúng ta cho rằng đức Phật không muốn thành lập Ni đoàn và tôn giả Ànanda phải cầu xin một cách khó khăn rồi đức Phật mới chấp nhận.

Chúng ta hãy bàn thảo vài chi tiết của vấn đề này. Đức Phật bị cho là Người thành lập Ni đoàn một cách miễn cưỡng. Với sự kiện này, Ngài bị người ta gán cho Ngài câu nói sau: đáng lẽ chánh pháp (saddharma) của Ngài được tồn tại 1000 năm, bây giờ chư Ni được phép gia nhập Tăng đoàn thì chánh pháp của Ngài sẽ bị giảm một nửa, nghĩa là chỉ còn 500 năm. Lời tiên đoán này cho thấy một điều hết sức vô lý. Ở Tích Lan, Ni đoàn được tồn tại 1200 năm ở  Anuràdhapura trước khi giặc ngoại xâm Nam Ấn chiếm đóng thủ đô này. Ở Trung Hoa, Triều Tiên và Đài Loan, Ni đoàn vẫn tồn tại và hoạt động liên tục mà vẫn tuân giữ giới luật. Vì vậy rất khó thuyết phục chúng ta tin rằng chính đức Phật lại tiên đoán thật buồn cười như vậy. Điều này quả thật là do các vị Tăng biên tập đã thêm thắt giai thoại này trong Cullavagga rồi gán cho đức Phật nói. Sau này các nhà sớ giải phát hiện ra lời tiên đoán trên là không thật, các vị đó đã vạch ra nhiều điều khập khiễng, và nói rằng chánh pháp (saddharma) nghĩa là chứng đạt được con đường và quả vị dẫn đến niết-bàn (nirvàna). Những lý luận như vậy là cách biện giải chẳng có sức thuyết phục để khoả lấp một chuyện bịa đặt gán cho đức Phật. Đức Phật không có nói một điều như thế này mà có nghĩa như thế kia. Những điều này là mưu mẹo của  giới Tăng lữ trong Phật giáo đặt ra. Bây giờ chúng ta hãy khảo sát Bát Kính Pháp (Ashta Garu Dharma).

Điều luật thứ nhất

Điều luật này quy định một vị Tỳ-kheo-ni dù trăm tuổi đạo vẫn phải cuối đầu lễ bái một vị Tăng dù mới thọ giới một ngày. Đây là một điều luật căm ghét phụ nữ không thể tưởng. Đối với điều luật này, ngay cả một con người bình thường có  tư cách, biết cư xử công bằng và bình đẳng cũng không ban hành một điều luật như vậy. Thật ra, Cullavagga ghi lại rằng, một thời gian sau đó Di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề bạch đức Phật nên rút lại điều luật bất hợp lý này. Đức Phật được nói là Ngài đã từ chối lời thỉnh cầu của Di mẫu, vì Ngài cho rằng ngay cả những vị đạo sư của ngoại đạo (Tirtaka) thời đó cũng không cho phép nữ giới được quyền tự do như vậy. Về phương diện tôn ti trật tự trong giáo đoàn Phật giáo, tuổi đạo (Upasampada) được xem là quan trọng nhất. Ngay cả lúc đi đường các vị Tăng nhỏ tuổi đạo phải đi sau các vị lớn tuổi đạo. Các vị Tăng nhỏ tuổi đạo phải đảnh lễ các vị Tăng lớn tuổi đạo. Sự bất khả xâm phạm đến các vị lớn tuổi đạo là một đặc trưng của Luật trong Tăng đoàn đã bị điều luật bất hợp lý này vi phạm. Câu chuyện đức Phật chế định Bát Kính Pháp đã ngầm huỷ hoại tính thẩm quyền của Cullavagga. Điều luật này đã phủ nhận lời dạy của đức Phật về ý nghĩa của khái niệm “bình đẳng” (samanatmata)[1] trong Tứ Nhiếp Pháp (Satara Sangraha Vastu), đó là, bố thí (dana); ái ngữ (priyavachana); lợi hành (artachariya); và bình đẳng (samanatmata). Theo điều luật này thì không có một vị Tỳ-kheo-ni trưởng thượng nào, mặc dù vị ấy là một vị A-la-hán với phẩm hạnh cao viễn đi nữa cũng không thể nào được một vị Tăng cung kính, bởi vì vị ấy có thân tướng nữ lưu. Đức Phật không có tính căm ghét phụ nữ như vậy. Đó là sự bịa đặt của những người theo chủ nghĩa bá quyền trong Tăng đoàn, họ muốn chư Ni phải hoàn toàn lệ thuộc và bị nô lệ, và để tán thành sự thống trị của nam giới trong Tăng đoàn.

Đức Phật tỏ lòng tôn kính đối với Di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề vào nhân dịp bà đến viếng thăm Ngài lần cuối trước khi bà nhập diệt. Vào dịp đó đức Phật đã cung kính tiễn đưa Di mẫu đến cổng Tịnh xá. Nếu đức Phật chế định điều luật thứ nhất trong Bát Kính Pháp cấm Tỳ-kheo tôn kính lễ bái chư Ni, sao chính Ngài lại vi phạm điều luật này và đề ra một tiền lệ xấu xa như vậy?  Điều luật này không thể do đức Phật chế định. Đó là công việc của những người có tính căm ghét phụ nữ đã đặt ra trong kỳ kiết tập Kinh  điển lần thứ nhất. Chúng ta nên nhớ rằng không có vị Tỳ-kheo-ni hoặc vị A-la-hán ni nào tinh thông Pháp và Luật  được chính đức Phật tôn trọng lại được chấp nhận tham gia kiết tập Kinh  điển lần thứ nhất. Chư Tăng trong kỳ kiết tập Kinh  điển lần thứ nhất đã cho chúng ta thấy bản chất thật của họ thể hiện qua việc khiển trách tôn giả Ànanda về việc đại diện cho chư Ni cầu xin đức Phật cho họ xuất gia và đã cho phép họ xem thi hài của đức Phật [2] trước để họ có thể trở về Ni viện sớm.

Điều luật thứ hai

Điều luật này chế định rằng chư Ni không được ở xa một trú xứ mà không có chư Tăng, trú xứ của chư Ni phải gần trú xứ chư Tăng để chư Ni có thể được chư Tăng hướng dẫn hoặc cố vấn đời sống tâm linh. Điều luật này cũng được chế định trong giới thuộc tụ Ba-dật-đề [3] của Giới Bổn Tỳ-kheo-ni. Nội dung của điều luật này cũng gần gũi với điều luật thứ ba là chư Ni phải thưa hỏi chư Tăng để xác định ngày Bố-tát cầu xin giáo thọ. Theo điều luật thứ tư, sau mùa an cư chư Ni phải đến trước nhị bộ Tăng Ni làm lễ Tự tứ. Điều luật thứ năm quy định chư Ni nếu phạm giới phải đến trước nhị bộ Tăng Ni cầu xin sám hối để giải tội.

Bốn điều luật này đề cập về an cư, tự tứ, quyết định tội và xử trị. Khi thành lập Ni đoàn, các giới cho Tỳ-kheo-ni chưa được đức Phật chế định cho chư Tăng và chư Ni. Theo như  Kinh  điển ghi lại, giới luật được chế định sau 20 năm đức Phật thành đạo. Cách cử tội và cách xử trị những tội được thi hành sau khi đức Phật chế định giới luật.

Do đó, nếu căn cứ vào Luật tạng thì cách cử tội và cách xử trị một tội chưa xảy ra là một  điều không hợp lý. Rõ ràng thật là vô lý trong khi các thủ tục như vừa nói trên được đề cập khi luật chưa được đức Phật chế định. Thượng Toạ U. Wangeesa, tác giả cuốn Bhikshuni Sasanaya nêu lên những điểm không tương ứng này, Thượng Toạ đã khẳng định câu chuyện đức Phật chế định Bát Kính Pháp trong Cullavagga  không thể nào chấp nhận là có thật được. Những thủ tục như tự tứ, sám hối nửa tháng được quy định trong Bát Kính Pháp chứng tỏ rằng Bát Kính Pháp không phải do đức Phật chế định mà do chư Tăng ở Kỳ kiết tập Kinh  điển lần thứ nhất đề ra, rồi biện hộ là do đức Phật quy định. Mục đích của họ là để cố bám lấy quyền lãnh đạo trong Tăng đoàn, và cốt buộc chư Ni dưới quyền của họ.

Điều luật thứ sáu

Điều luật thứ sáu nói rằng một Thức-xoa-ma-na (Sikkhamana) phải tuân giữ 6 giới trong hai năm, sau đó cô có thể được thọ giới Tỳ-kheo-ni. Nhưng điều luật này không được 500 thể nữ cùng xuất gia với Di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề tuân thủ. Thế mà Di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề và đoàn tuỳ tùng của bà được nói là họ đã tuân giữ Bát Kính pháp suốt đời ! Nhưng trên thực tế, chúng ta thấy các vị đó đâu có tuân giữ điều luật này. Trong tiểu sử của chư Ni, chư Tỳ-kheo-ni đệ tử trực tiếp của đức Phật và các đệ tử của họ được ghi trong Sớ giải của Therìgàthà (Trưởng Lão Ni Kệ) và một số tác phẩm tương tự không  hề đề cập đến việc tuân giữ điều luật này. Không có một vị Tỳ-kheo-ni nào được đề cập là đã tuân thủ điều luật của Thức-xoa-ma-na. Lần đầu tiên chúng ta nghe việc tuân giữ Thức-xoa-ma-na trong hai năm qua cuộc đời của Sangamitta. Thức-xoa-ma-na phải tuân giữ 6 giới trong hai năm. Như vậy tại sao có giới quy định là “Không được cho thọ giới một người nữ có thai hay một người nữ có con nhỏ”? Nếu chư  Ni bắt buộc phải tuân giữ 6 giới trong hai năm thì điều luật thứ sáu trong Bát Kính Pháp trở thành dư thừa và không cần thiết. Ở đây chúng ta cũng thấy giữa Bát Kính Pháp và các giới trong Luật Tạng không nhất quán và không ăn khớp với nhau. Vì vậy chúng ta có thể suy luận điều luật thứ sáu trong Bát Kính Pháp được chế định sau khi đức Phật nhập diệt.

Điều luật thứ bảy

Điều luật thứ bảy quy định dù bất cứ trong trường hợp nào chư Ni cũng không được chửi rủa hay sỉ vả chư Tăng. Điều luật này đã được chế định trong giới của tụ Ba-dật-đề cho Tỳ-kheo-ni rồi. Trong Sớ giải có ghi lại là giới này được chế định vì có một số Ni đã rủa xả tôn giả Ưu-ba-li (Upàli), vì sự bất bình họ đã phản đối tôn giả. Ngay cả tôn giả Đại Ca-diếp (Mahà Kassapa) cũng bị chư Ni rủa chửi. Một điểm thật lạ có liên hệ đến bản chất căm ghét phụ nữ, đó là vấn đề cho phép những người nam có bản chất bá quyền buộc tội tôn giả Ànanda trong kỳ kiết tập Kinh  điển lần thứ nhất. Họ đã buộc tội tôn giả Ànanda về việc cầu xin đức Phật cho phụ nữ gia nhập Tăng đoàn và đã mở ra cánh cửa giác ngộ cho phụ nữ trong Phật giáo.

 Các điều luật thứ hai, thứ ba và thứ bảy đều là những điều luật  được sao chép lại từ các giới trong Giới Bổn Tỳ-kheo-ni. Dường như khi kiết tập Luật ở kỳ kiết tập Kinh  điển lần thứ nhất, các vị Trưởng Lão biên tập và  có thẩm quyền về Kinh  tạng đã quên rằng chư Ni đã chấp nhận tuân giữ Bát Kính Pháp rồi. Những sự không nhất quán này chứng minh rằng đức Phật không phải là người chế định Bát Kính Pháp mà là do những vị Tăng có bản chất chủ nghĩa bá quyền chế ra. Nếu Bát Kính Pháp tồn tại trong thời đức Phật, hoặc chư Ni vào thời của Ngài tuân thủ, thì một điều rất lạ là tại sao chư Ni coi thường giới luật như thể Bát Kính Pháp chưa từng hiện hữu. Nếu Bát Kính Pháp do đức Phật chế định thì đâu cần phải tái hiện chúng trong Giới Bổn Tỳ-kheo-ni. Theo điều luật thứ bảy, một vị Ni bị cấm không được khiển trách một vị Tăng dù cho vị Tăng này có đối xử rất bất công đối với vị Ni này. Dù việc bất công này to lớn đến đâu đi nữa, cô cũng không có quyền than phiền hay tố cáo. Nếu quả vậy, thật không tưởng tượng được, đức Phật là một người quá bất công và làm một việc trái với công lý như vậy. Làm sao Ngài có thể gọi là bậc giải thoát cho phụ nữ mà không đánh lừa chúng ta? Ngay cả một con người có tâm bình đẳng bình thường cũng không có ban hành những điều luật tồi tệ như vậy. Đây là một điều luật bất nhân và nhẫn tâm. Điều luật này hạ thấp chư Ni để nô lệ vĩnh viễn dưới những người đàn ông có bản chất chủ nghĩa bá quyền trong Tăng đoàn. Làm sao chúng ta lại gán cho đức Phật  một đặc tính hoang dã như vậy?  Ngài là vị đạo sư nhân từ, không đối xử phân biệt  giữa người với người  vì vấn đề giai cấp, dòng tộc, hay giới tính. Bát Kính Pháp đã làm cho đức Phật và giáo pháp của Ngài bị hoen ố.

Điều luật thứ tám

Điều luật thứ hai và thứ ba được rút ra từ điều luật thứ tám dưới một hình thức khác. Điều luật này quy định chư Ni không được phép khuyên bảo chư Tăng, và họ luôn luôn nhận sự khuyên bảo từ chư Tăng. Ở đây, chúng ta thấy cùng một ý tưởng nhưng được lập lại trong ba cách khác nhau. Ba điều luật này có thể dễ dàng sát nhập lại thành một. Chúng ta thấy chư Tăng có trách nhiệm với giáo pháp sau khi đức Phật nhập diệt, họ muốn kiềm chế  chư Ni nên ban hành những điều luật chống lại chư Ni, hạn chế sự tự do của chư Ni, không cho phép chư Ni có được sự tự do như chư Tăng. Chúng ta thấy Bát Kính Pháp đáng được xoá bỏ vì nhiều lý do. Đại Đức bác học Dhammananda Kosambi, tác giả cuốn Bhavaga Buddha (đã được dịch sang tiếng Anh và tiếng Tích Lan), phát biểu trong cuốn sách trên rằng Bát Kính Pháp chỉ có giá trị về phương diện lịch sử. Do đó, Bát Kính Pháp khó có thể chấp nhận là do đức Phật chế định. Chúng ta thấy nội dung của một điều luật mà lại chia chẻ thành nhiều luật khác nhau. Một số điều luật trong Bát Kính Pháp lại được lặp lại trong Giới Bổn. Khi sáng lập Ni đoàn, Di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề đã không thừa nhận Bát Kính Pháp. Đức Phật  không tuân theo điều luật đã chế định, tôn kính tiễn đưa Di mẫu ra đến tận cổng tu viện. Do đó, tính thẩm quyền của câu chuyện Bát Kính Pháp do đức Phật chế định đã bị nghi ngờ và cần phải xem xét lại. Cách  tuân thủ các hình phạt khi phạm giới trong Luật Tạng  là quá trình xảy ra sau này trong Tăng đoàn, nhưng chúng ta thấy những cách xét xử này lại có mặt trong trong các điều luật của Bát Kính Pháp. Những điều này làm cho chúng ta phải nghi ngờ về Bát Kính Pháp là do các vị Tăng sau này đặt ra. Giới luật được chế định sau khi đức Phật thành đạo hai mươi năm. Ni đoàn được thành lập vào năm thứ năm sau khi đức Phật thành đạo. Do đó, các điều luật được liệt kê trên làm cho chúng ta nghi ngờ về tính xác thực của Bát Kính Pháp. Những người nam có bản chất bá quyền trong Tăng đoàn đặt ra để duy trì sự thống trị cả hai Tăng đoàn của đức Phật.

Các học giả nghiên cứu về lịch sử của Tăng đoàn Phật giáo đã vạch ra Phật giáo đã trải qua ba giai đoạn phát triển như dưới đây:

1. Giai đoạn đời sống du phương.

2. Giai đoạn thành lập tu viện.

3. Giai đoạn phân phái.

Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn của đức Phật và sau đó 100 năm, nghĩa là cho đến khoảng thời gian kiết tập Kinh   điển lần thứ hai xảy ra. Giai đoạn thứ hai là giai đoạn khi chư Tăng bỏ đời sống du phương, ổn định đời sống tu viện. Trong giai đoạn này rất nhiều điều luật được chế định để kiểm soát và điều chỉnh đời sống tu viện. Các điều luật này có lẽ là do các nhà biên tập có thẩm quyền thêm vào mà lại gán cho là do đức Phật chế định. Giai đoạn ba là giai đoạn phân phái trong Tăng đoàn. Sự  phân hoá Tăng đoàn xảy ra đầu tiên vào kỳ kiết tập Kinh  điển lần thứ hai do vấn đề Thập Sự Phi Pháp của nhóm Tỳ-kheo Bạt-kỳ (Vajji). Kết quả là Tăng đoàn bị chia thành hai bộ phái: Thượng Toạ Bộ (Theriya) và Đại Chúng Bộ (Mahàsangha). Sau đó cả hai bộ phái chính này phân hoá thành nhiều bộ phái nhỏ nữa. Những bộ phái thuộc Đại thừa Phật giáo (Mahàyàna) xuất phát từ bộ phái chính là Đại Chúng Bộ. Thượng Toạ Bộ cũng bị phân chia thành nhiều bộ phái nhỏ, gọi chung là Tiểu Thừa Phật Giáo (Hìnayàna). Hiện nay chỉ có Thượng Toạ Bộ vẫn còn giữ nguyên vẹn trong các nước Tiểu Thừa Phật Giáo, trong khi đó một số bộ phái thuộc Đại Thừa Phật Giáo phát triển trong các nước theo truyền thống Bắc Phương Phật Giáo.

Do đó, phải thừa nhận rằng các giới luật được chế ra trong giai đoạn đời sống tu viện do đức Phật chế ra là một điều không đáng tin cậy. Bát Kính Pháp là tám điều luật hầu như không liên hệ đến thời đức Phật, tám điều luật này chỉ là những điều luật đặt ra để xác định và hướng dẫn cho đời sống tu viện. Chư Tăng lấy lợi thế của các điều luật trong Bát Kính Pháp này nô lệ hoá chư Ni. Hiện nay chư Tăng dựa vào điều luật thứ sáu trong Bát Kính Pháp và những giải thích sai lầm để ngăn cản việc phục hồi Ni đoàn ở các nước theo truyền thống Theravàda. Điều luật này quy định một vị Ni muốn thọ Tỳ-kheo-ni giới phải có sự chứng minh của nhị bộ Tăng Ni. Vì hiện nay hội chúng Tỳ-kheo-ni trong truyền thống Theravàda không còn tồn tại, không có truyền thọ giới phẩm Tỳ-kheo-ni trong truyền thống này, trừ khi mời được chư Ni từ các nước Đại Thừa Phật giáo đến để truyền giới. Chỉ có phụ nữ xuất gia thọ sa-di-ni giới thì được và không có điều luật nào cấm cản. Các bậc chức sắc trong Theravàda trở nên mù loà đối với vấn đề này, và nói rằng chư Tăng không thể truyền giới Sa-di cho phụ nữ. Thật ra, họ có thể và có đủ quyền làm những việc như vậy. Khi nhị bộ Tăng Ni hoạt động ở Ấn Độ và Tích Lan, Tăng đoàn sắp xếp truyền giới cụ túc cho các sa-di-ni. Đó chỉ là một sự sắp xếp tuỳ nghi. Không có một điều luật nào quy định như vậy. Nhưng khi hội chúng Tỳ-kheo-ni của Theravàda không còn tồn tại thì chư Tăng không  có quyền mà cũng không có từ chối việc truyền giới sa-di-ni cho phụ nữ. Nói rằng Ni đoàn theo truyền thống Theravàda không thể phục hồi được vì sự vắng mặt của chư Tỳ-kheo-ni trong truyền thống này, là một lý lẽ không đúng và không đứng vững được. Trong những giai đoạn đức Phật chế định giới luật, chư Tăng có thể thâu nhận nữ giới cho gia nhập Ni đoàn trở thành sa-di-ni. Tôi nhắc lại, không có điều luật nào ngăn cấm điều này. Chư Tăng vẫn truyền giới Tỳ-kheo-ni cho các vị sa-di-ni mà không có sự chứng minh của Ni đoàn. Sự cho phép của đức Phật về vấn đề này được ghi lại trong Cullavagga ở phần Vagga-Bhikkhunì Khanda (kiền-độ Tỳ-kheo-ni): “Anujanami Bhikkhave bhikkhuna bhikkhunìya upasampadetum” nghĩa là “Này các Tỳ-kheo, ta cho phép, hãy truyền giới Tỳ-kheo-ni cho chư Ni” [4], câu nói này vẫn còn có giá trị. Điều luật này chưa bao giờ bị sửa đổi hay huỷ bỏ. Do đó, Ni đoàn Tỳ-kheo-ni ở Tích Lan có thể được phục hồi bằng hai phương án  như sau:

1. Việc phục hồi Ni đoàn Tỳ-kheo-ni có thể được thực hiện bằng sự chứng minh của chư Tỳ-kheo thuộc truyền thống Theravàda và  các Ni Sư ở Trung Hoa, Đài Loan hay Triều Tiên.

2.  Giả như cho rằng mấy vị Sư Ni của Phật giáo Đại Thừa là tà đạo, việc  truyền giới cho chư Ni bị phản đối, thì nên chọn phương án khác, tức là các cao Tăng   của Thượng Toạ Bộ nên truyền giới cho Sa-di-ni trước, sau đó truyền cụ túc giới cho các Ni được chọn.


[1] Khái niệm này được dịch sang tiếng Anh là equality, equanimous hoặc even of mind có nghĩa là bình đẳng hoặc xả, hoặc là trạng thái bình thản của tâm. Trong Phật giáo Đại Thừa, Tứ Nhiếp Pháp phần lớn được ghi: bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự,  chứ không phải là “bình đẳng” hoặc xả.

[2] Trong nhiều tài liệu nói do vì tôn giả Ànanda cho Ni giới xem âm mã tàng của đức Phật nên bị khiển trách, chứ không phải đơn giản chỉ thi hài của đức Phật.

[3] Dựa theo bản  tiếng  Anh Bhikkhunì-Vibhanga của  Thượng  Toạ  Bộ, giới này là giới  thứ 56 trong tụ Ba-dật-đề.

[4] Lời dạy này được tìm thấy trong Cullavagga X, trang 357, bản dịch của bà I. B. Horner.

http://www.buddhismtoday.com/viet/ddtamly/

 


Vào mạng: 1-7-2002

Trở về mục "Đạo đức-Tâm lý học Phật giáo"

Đầu trang