Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt    

   

...... ... ..  . ..  .  .
GÓP VÀI Ý KIẾN VỀ BÀI GIẢNG “BÁT KỈNH PHÁP”
Của Tỳ Kheo THÍCH NHẬT TỪ
Người Hà-Nội

Tôi sinh ra ở Hà-Nội, nhưng hiện sống ở nước ngoài.  Tôi là một cư sĩ Phật Giáo, đúng vậy, vì trên hình thức, tôi đã quy y Tam Bảo, nhưng vốn liếng của tôi về Phật Giáo chỉ vừa đủ dùng cho tôi, vừa đủ thôi chứ không nhiều, không ít, chẳng thừa mà cũng chẳng thiếu.  Vì bận rộn với công việc làm ăn, kể cả làm “việc Chùa”, cho nên tôi không có nhiều thì giờ rảnh rỗi.   Thỉnh thoảng tôi mới có dịp ghé thăm, hoặc trang nhà Phật Giáo như Đạo Phật Ngày Nay (Buddhismtoday.com), hoặc Quảng Đức (Quangduc.com), hoặc Thư Viện Hoa Sen (thuvienhoasen.org), hoặc Buddhasasana (Budsas.org) v..v.. để tìm hiểu và học hỏi thêm về Đạo Phật.

Gần đây, vào trang nhà Đạo Phật Ngày Nay, tôi có đọc bài “Về bài giảng "Giáo đoàn Tỳ kheo-Ni và Bát Kỉnh Pháp”” và  2 bài “Nói Thêm Về Các Ngụy Biện Của Nhóm Pháp Thoại” của Tỳ Kheo Thích Phước Huệ.  Từ đó tôi tìm hiểu vấn đề và đọc thêm trên phapthoai.net thì được biết là bài giảng về "Giáo đoàn Tỳ kheo-Ni và Bát Kỉnh Pháp” của Tỳ Kheo Thích Nhật Từ đã gây nên một sự chống đối trên trang nhà phapthoai.net.  Tôi nói là chống đối chứ không phải là một cuộc thảo luận trí thức để cùng nhau tìm hiểu lẽ thật qua tinh thần “Kiến hòa đồng giải” và “Ý hòa đồng duyệt” trong Lục Hòa của Phật Giáo.  Vì vậy, không ngại ngùng vì chỉ là một cư sĩ thấp kém, tôi xin phép được góp vài ý kiến, dựa trên sự hiểu biết rất giới hạn của tôi về Kinh Điển Phật Giáo. 

Thật ra, đọc mấy bài của Tỳ Kheo Thích Phước Huệ cũng đủ để cho chúng ta nhận định rõ vấn đề và thực chất bài giảng của Tỳ Kheo Thích Nhật Từ cũng như thực chất của phapthoai.net.  Nhưng tôi vẫn cảm thấy thiếu một tiếng nói của cư sĩ.  Viết bài này, tôi không dám gửi đến các trang nhà Buddhismtoday.com hay phapthoai.net vì tôi tin rằng các trang nhà đó sẽ không đăng.  Các quý thầy thường không coi tiếng nói của cư sĩ vào đâu, vì nam cư sĩ ngày nay đã trở thành hàng thấp kém nhất trong Tứ Chúng, dưới cả Ưu Bà Di..  Chẳng vậy mà có một quý thầy viết trên phapthoai.net dưới tên anhsangbinhminh đã phán: “Nếu là 1 cư sĩ họ không biết gì về giới luật họ chỉ nghe nói mà họ lên tiếng thì chúng tôi không có đề cập, cho dù có đề cập với vị cư sĩ đó cũng vô ích mà thôi.”  Biết là vô ích, nhưng vô cũng là hữu, cho nên tôi chỉ còn nước đánh liều gửi bài cho trang nhà Giao Điểm [giaodiem.com], may ra Giao Điểm có mở lượng hải hà cho đăng chăng, vì bài viết này không phải chỉ vì nghe nói mà lên tiếng, mà thật ra tôi cũng biết chút ít về giới luật, vừa đủ để dùng cho mình thôi. 

Trước khi đi vào phần góp ý kiến, tôi nghĩ rằng tôi cần phải tự nhắc lại để khỏi quên [tôi nghĩ, chắc nhiều người cũng đã quên]  vài điều căn bản trong Phật Giáo mà tôi tin rằng không ai trong chúng ta có thể phủ nhận. 

Thứ nhất là Kinh Phật thuyết cho người dân Kalama.  Đây là một Kinh rất quen thuộc trong Phật Giáo.  Quý độc giả có thể tìm đọc Kinh này trong hầu hết các cuốn sách viết về Kinh Điển Phật Giáo.  Tỳ Kheo Thích Nhật Từ cũng viết Kinh này dưới tên Nền Tảng Đức Tin trong cuốn Kinh Tụng Hằng Ngày, Đạo Phật Ngày Nay, Phật Lịch 2546, trang 98-99, trong đó có những điều đặc biệt sau đây:

-            Hai là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống.

-           Bốn là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được ghi lại trong kinh điển hay sách vở.

-           Bảy là, chớ vội tin một điều gì, khi mà điều đó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt.

-           Tám là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy phù hợp với định kiến của mình.

-           Mười là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết.

Thứ nhì, tôi cũng còn nhớ đã đọc là chính Đức Phật đã nói: ““Đừng vì lòng tôn kính mà chấp nhận những giáo lý của Ta, mà trước hết hãy thử những giáo lý đó như người thợ vàng thử vàng vậy.”

Thứ ba, Kinh điển Phật Giáo, nhất là Luật Tạng, đã cho thấy rõ là:  “Nguyên thủy, Đức Phật không đưa ra một luật nào.   Khi Tăng đoàn trở nên lớn thì có nhiều vấn đề xảy ra, trong nội bộ Tăng đoàn cũng như trong khi Tăng thực hành hạnh tu của mình.  Cho nên giới luật mà Đức Phật đưa ra hầu hết là để giải quyết những khó khăn gặp phải khi Đức Phật còn tại thế, trong xã hội và trong Tăng Đoàn của Đức Phật thời đó.  Đức Phật cũng có nói: “Về sau những tiểu luật không còn thích hợp thì phải bỏ.”  [Trên thực tế, nhìn quanh chúng ta thấy ngày nay “người ta” đã bỏ đi rất nhiều luật của Đức Phật rồi, chẳng phải chỉ là tiểu luật mà cả đại luật nữa] 

Và cuối cùng, đây là diểm quan trọng nhất:  Đức Phật không hề viết một chữ.  Các Kinh sách chỉ xuất hiện sau khi Đức Phật đã tịch diệt nhiều trăm năm và sau nhiều lần kết tập để ôn lại những lời Phật dạy.  Do đó,  thật là ngây thơ nếu chúng ta cho rằng Kinh điển Phật Giáo mà chúng ta có ngày nay hoàn toàn không có gì sai lầm hay không có gì mâu thuẫn vì trải qua hơn 2500 năm con người có rất nhiều cơ hội để cho những điều này xảy ra.  Lẽ dĩ nhiên, những thêm thắt sai lầm hay mâu thuẫn không phải là của Đức Phật.  Điều mà các học giả nghiên cứu về Phật Giáo ngày nay không còn nghi ngờ gì nữa là:  “Một số điều trong Luật Tạng – bao gồm một số Luật – không thể được coi là chính những lời của Phật dạy, mà được thêm thắt vào sau này.   Những sự thêm thắt này không chỉ giới hạn trong Luật Tạng, mà còn thấy trong các Kinh điển khác.”  Tỳ kheo Sangharakshita có viết đoạn trên trong cuốn Who Is The Buddha?, Barnes & Noble Books, New York, 2003, trang 90:  “As far as modern scholars can discern, some of the material in the Vinaya – and this includes some of the rules – cannot be counted as literally the actual word of the Buddha, but was added later by disciples.  This later incorporation of extra material is not unique to the Vinaya, incidentally, but applies to practically all branches of the Scriptures.”  Tỳ kheo Sangharakshita là tác giả của nhiều cuốn sách rất có giá trị về Phật Giáo và đã thuyết giảng về Phật Giáo ở nhiều nơi trong 50 năm qua.  Từ 1964, Ngài là một khuôn mặt lớn trong nỗ lực diễn giảng truyền thống Phật Giáo cho Tây Phương (Since 1964, he has been a major figure  in the effort to interpret Buddhist tradition for the West.) 

Với vài điều căn bản trên, nay chúng ta có thể đi vào bài giảng về "Giáo đoàn Tỳ kheo-Ni và Bát Kỉnh Pháp” của Tỳ Kheo Thích Nhật Từ và tìm hiểu tại sao bài giảng đó lại gây ra sự chống đối trên trang nhà phapthoai.net.  Đọc kỹ bài giảng và những luận cứ chống đối, tôi thấy nguyên nhân của sự chống đối là sự bất khả tương hợp trong vấn đề tin và hiểu Phật Pháp, hay nói đúng hơn, trong lãnh vực học thuật và tín ngưỡng.  Được đào tạo trong môi trường đại học, Tỳ Kheo Thích Nhật Từ tất nhiên quen thuộc với vấn đề học thuật (scholarship) trong giới trí thức khoa bảng mà những điều căn bản trong học thuật là nghiên cứu, phân tích để tìm ra lẽ thật trong sự lương thiện trí thức.  Vấn đề nghiên cứu một cổ Kinh của Phật Giáo, thí dụ như Bát Kỉnh Pháp,  trong lãnh vực học thuật, không thể chỉ đặt trên tiền đề đó là Kinh Phật nên chỉ cần hiểu được ý nghĩa,  mà còn phải xét trên nhiều phương diện khác, thí dụ như: ngữ pháp Đức Phật thường dùng, bối cảnh xã hội trong thời Đức Phật còn tại thế, trường hợp thuyết Kinh và đặt trong toàn bộ tư tưởng thuyết giảng của Đức Phật xem có sự mâu thuẫn nào không, rồi mới có thể đưa ra một kết luận.  Trong nhiều trường hợp, những kết luận trong học thuật có thể gây nên những cú “sốc” trong đại chúng, hay ngay cả trong tôn giáo của mình, trong lớp người không ở trong lãnh vực học thuật.  Cũng vì vậy, bài giảng của Tỳ Kheo Thích Nhật Từ  đã gây nên một cú “sốc” trên trang nhà phapthoai.net.

Đây là vấn đề rất thường xảy ra trong thế giới Âu Mỹ.  Tôi xin lấy một thí dụ.  Trước sự tiến bộ trí thức của nhân loại, Giáo Hoàng Công Giáo John Paul II đã phải lên tiếng tuyên bố là không làm gì có thiên đường trên các tầng mây, cũng như không làm gì có hỏa ngục dưới lòng đất.  Ngài cũng đã chính thức lên tiếng công nhận thuyết Big Bang về nguồn gốc vũ trụ, và thuyết Tiến Hóa về nguồn gốc con người.  Điều này không gây nên phản ứng gì trong giới trí thức và hầu hết trong các cấp lãnh đạo Công Giáo.  Nhưng đối với đa số tín đồ Ki Tô Giáo nói chung thì những lời tuyên bố trên là một cú “sốc” nặng cho họ, nhất là đối với Tin Lành, vì Tin Lành tin rằng cuốn Thánh Kinh là những lời của Thượng đế nên không thể sai lầm.  Một thí dụ khác:  Hội Jesus Seminar gồm trên trăm tu sĩ, học giả Ki-Tô đã mang Tân Ước ra nghiên cứu, phân tích v..v.. và đưa ra kết luận:  “Hơn 80% những lời mà chúng ta tin là của Giê-su nói thật ra không phải là của Giê-su”.  Điều này cũng không gây phản ứng gì trong giới trí thức nhưng cũng gây ra một làn sóng phẫn nộ trong nhiều cộng đồng Ki-Tô.

Cho nên, tôi không lấy gì làm lạ khi trang nhà phapthoai.net có những phản ứng chống đối, chống đối với nhiều văn phong không thể gọi là Pháp Thoại, và lẽ dĩ nhiên không thuộc lãnh vực học thuật.  Để cho vấn đề được rõ ràng, tôi xin phép được trích dẫn vài đoạn trong bài giảng của Tỳ Kheo Thích Nhật Từ cũng như vài “luận cứ” chống đối.

Trước hết là đoạn sau đây trong bài giảng:

Đề tài sự thiết lập Ni đoàn Phật giáo và Bát kỉnh pháp khá hấp dẫn. Hấp dẫn vì nó đề cập đến một số vấn đề gây tranh luận về học thuật giữa các trường phái Phật giáo và nó tạo ra rất nhiều tiền đề của nghị sự. Khi đề cập đến đề tài nay thì chúng tôi cố gắng trình bày một cách rất là khách quan, không hề có dụng ý là bài bác các quan điểm trước đây, lại càng không có dụng ý ủng hộ Ni giới, mà chỉ phân tích một vấn đề đặt ra trong nền tảng của lịch sử với nhiều vấn nạn mà chúng tôi cho rằng, nếu chúng ta không dám mạnh dạng đặt ra thì sự bất lợi cho Phật giáo nói chung là chúng ta không thể tránh khỏi. Đặt vấn đề đó trong một bối cảnh lớn hơn, quan trọng hơn thì chính tác giả của vấn đề được gán cho đức Phật thì có thể tạo ra rất nhiều nỗi oan trái ở trong cuộc đời này (3p:11s). Cho nên mạnh dạng nói, mạnh dạng phân tích là một trong những cách thức mà chúng ta cần phải được mời gọi. Sự đồng tình hay không là thuộc quan điểm của rất nhiều người. Rất là khó tìm được tiếng nói đồng tình của Tăng bộ bởi vì Bát kỉnh pháp dường như tạo ra nhiều ưu quyền cho Tăng chúng dữ lắm. Trong khi đó khi trình bày đề tài này thì dĩ nhiên là Ni giới sẽ hoan hỉ hơn, vì họ cảm thấy rằng mình được quan tâm. Các vấn đề trong lịch sử được đặt lại, sự trình bày của chúng tôi không nằm trong chỗ là không ủng hộ quý Thầy mà ủng hộ chư Ni, chuyện đó không có. Chỉ có con đường duy nhất là ủng hộ Phật pháp thôi. Nói những gì cần nói và nói một cách khách quan có cơ sở dữ liệu chứ không có nói theo cảm tính.

Tỳ Kheo Thích Nhật Từ đã khẳng định rất rõ ràng mục đích của mình khi giảng bài "Giáo đoàn Tỳ kheo-Ni và Bát Kỉnh Pháp”.  Sau một phần có thể nói là Dẫn Nhập điểm qua một số khía cạnh liên quan đến xuất xứ của Bát Kỉnh Pháp [Xin quý độc giả đọc nguyên bản trong trang nhà phapthoai.net do “AnhSangBinhMinh” ghi lại], Tỳ Kheo Thích Nhật Từ đã đi vào từng điều một trong Bát Kỉnh Pháp, trước hết nêu lên những luận cứ bảo vệ  rồi đưa ra những luận cứ phản biện với những lý luận rất chặt chẽ, phân tích rõ ràng, để đi đến kết luận.  Nếu đọc kỹ, chúng ta thấy chủ đích của bài giảng này không gì khác hơn là đánh giá đúng trí tuệ và vị thế của Đức Phật, cùng lúc trả lại công bằng cho vai trò của Giáo Đoàn Ni trong Phật Giáo mà trong quá khứ đã không được đánh giá đúng mức vì sự chấp chặt vào Bát Kỉnh Pháp, được cho là do chính Đức Phật tuyên dạy.  Đây là một việc làm rất sáng suốt và cần thiết trong thời đại ngày nay và cần phải có nhiều kiến thức Phật Giáo, nghị lực, và dũng cảm lắm mới có thể làm nổi.  Nhưng tiếc thay, công việc đòi hỏi nhiều khả năng trí tuệ trong lãnh vực học thuật này đã gây nên sóng gió trong một lãnh vực khác, và sự chống đối đã nổi lên.  Chỉ có điều, tất cả các sự chống đối đều không đi vào những luận điểm của Tỳ Kheo Thích Nhật Từ để thảo luận và tìm ra lẽ thật đúng sai, mà chỉ phản ảnh cảm tính cá nhân, qua văn phong đáng lẽ không nên dùng, và qua sự hiểu biết có vẻ khá thiếu sót về Phật Pháp.  Tôi cũng còn cho rằng, đa số những người chống đối bài giảng của Tỳ Kheo Thích Nhật Từ có vẻ như hoặc là không đọc kỹ bài giảng của Tỳ Kheo Thích Nhật Từ, hoặc là chưa đủ trình độ để “đối thoại” với Tỳ Kheo Thích Nhật Từ trong lãnh vực học thuật.  Cũng vì vậy mà đã có những lời lên án Tỳ Kheo Thích Nhật Từ một cách hỗn hào có tính cách chụp mũ là: “Thầy kết án đức Phật thiếu từ bi, thiếu trí tuệ như giọng điệu của những kẻ ngoại đạo tà giáo.”

 Bây giờ, để thấy rõ vấn đề, chúng ta hãy xét đến vài đoạn chống đối trên trang nhà phapthoai.net:

1.  Của TieuTang [Tiểu Tăng ?]:

Thầy [Nhật Từ] quên rằng ngữ cảnh của nữ giới khác với ngữ cảnh của nam giới chứ, vì chúng lệ thuộc vào nghiệp lực ngữ cảnh của hai giới tính đó. Trên mặt tánh, thì chúng bình đẳng nhưng trên mặt tướng thì chúng phải khác nhau do nghiệp lực mà hiện thân tướng Thầy không hiểu điều này sao? và đức Đạo sư cũng căn cứ vào tướng nghiệp của chúng sinh mà cho thuốc. Vậy thì Bát kỉnh pháp chính là thuốc để đối trị với nghiệp mang thân nữ của họ (sic).  Có lẽ Thầy không học về luật của Tỳ-kheo và Tỳ-kheo Ni nên không nắm vững được thâm ý của đức Đạo sư. Tại sao Luật tỳ-kheo đức Phật chế ra 250 giới ngược lại luật Tỳ-kheo-ni đức Đạo sư lại chế ra 348 giới. Sự khác biệt về giới tướng này đã nói lên được sự chính xác của Phật trong vấn đề chế ra Bát kỉnh pháp (sic) và đó cũng chính là lòng từ bi của đức Đạo sư đã thể hiện, trong khi theo lý luân của Thầy vì sợ hãi thời đại khoa học, mà Thầy kết án (sic) đức Phật thiếu từ bi, thiếu trí tuệ như giọng điệu của những kẻ ngoại đạo tà giáo. Vì giới luật đức Phật luôn luôn căn cứ vào tướng phạm của Tỳ-kheo và Tỳ-kheo Ni để chế giới, chứ Ngài không bao giờ chế giới trước khi đệ tử của mình phạm (sic). Vậy giữa 250 giới và 348 giới là một sự cách biệt khá lớn (sic), có lẽ Thầy không nhận thấy điều này, và cũng chính đều này đã nói lên những nhận thức sai lầm què quặt thiếu hiểu biết của Thầy là một điều đáng hổ thẹn cho một con người mang danh học vị tiến sĩ. Thật ra Thầy có kiến thức rộng đó nhưng không có chiều sâu, nên cẩn thận mà sống mà thể hiện kiến thức của mình. Thầy cứ nghĩ rằng học vị Tiến sĩ của mình là nhất cho nên muốn nói sao thầy nói cũng đúng được hay sao??!!! Có lẽ vì Thầy và quí sư cô trẻ thấy vấn đề này đã lỗi thời vì thời gian, và trong hiện tại việc bình đẳng nam nữ được mọi người trên thế gian các các ngoại đạo đang quan tâm trên tòan thế giới và họ cố gắng xóa bỏ những qui luật trọng nam khinh nữ bất công trong xã hội được chừng nào hay chừng đó, để mở ra một trang sử mang bộ mặt khoa học tiến bộ và sợ đạo mình sẽ tụt hậu, nên đã được Thầy đặt lại vấn đề có nên hay không nên bỏ bát kỉnh pháp chăng?

Điều rõ ràng là đây không phải là tinh thần đối thoại trí thức, mà là “ám sát uy tín cá nhân” [character assassination].  Do đó, tôi tin rằng Tỳ Kheo Thích Nhật Từ sẽ không lên tiếng hồi đáp vì hai lý do: văn phong không thích đáng, và kiến thức về giới luật chưa đủ trình độ.  Để nhận rõ vấn đề, tôi xin mạn phép quý Thầy và quý độc giả để phê bình vài câu trong đoạn trên, phê bình về kiến thức Phật Giáo chứ không phê bình văn phong.

Phải chăng Bát kỉnh pháp chính là thuốc để đối trị với nghiệp mang thân nữ của họ?  Đối trị như thế nào?  Chính Đức Phật cũng từ thân nữ mà ra chứ chẳng phải từ trên trời rớt xuống.   Tại sao đến thời buổi này mà còn có thể viết lên một câu như vậy?  Nam nữ khác nhau về sinh lý, không về nghiệp.  Phải chăng vì “nghiệp mang thân nữ” cho nên dù họ có tu 100 tuổi hạ cũng phải đứng giậy chắp tay cúi đầu đảnh lể một Tiểu Tăng mới xuất gia  được một ngày? [Điều thứ nhất trong Bát Kỉnh Pháp]  Phải chăng vì “nghiệp mang thân nữ” cho nên  cứ hai tuần họ phải đến thọ giáo Tiểu Tăng để học viết loại văn phong như trên? [Điều thứ ba trong Bát Kỉnh Pháp]. Nếu chúng ta chưa thành Phật thì ít nhất chúng ta cũng nên dè dặt, đừng lấy cái hiểu hời hợt của chúng ta mà gán cho Phật.  Thật vậy, sự giác ngộ không tùy thuộc mang thân Nam hay mang thân Nữ, mà tùy thuộc ở căn trí, nghiệp quả và duyên lành.  Trong Kinh Pháp Hoa, Tiểu Long Nữ mới 8 tuổi đã ngộ Đạo.  Và trong Kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử đi học Đạo Giải Thoát của các Bồ Tát với 53 Thiện Tri Thức, trong số này có một Tỳ Kheo Ni và 4 nữ cư sĩ.  Và theo “Ngũ Thời Thuyết Pháp” của Thiên Thai Tông thì Kinh Hoa Nghiêm là Kinh đầu tiên mà Đức Phật thuyết giảng (Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật). Vậy cái “nghiệp mang thân Nam” có gì hay ho hơn cái “nghiệp mang thân Nữ” mà Tieu Tang mang “nghiệp mang thân Nữ” ra mà dè bỉu và bắt Đức Phật phải “đối trị” theo ý Tieu Tang?  Trong Kinh Điển Phật Giáo chúng ta cũng thấy có nhiều chỗ tỏ sự kỳ thị phân biệt Nam Nữ nhưng đó là phản ảnh của thực tế xã hội Ấn Độ thời bấy giờ chứ chẳng phải do Đức Phật chủ trương.  “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật Tánh”, câu này loại bỏ mọi sự kỳ thị trong Phật Giáo. 

TieuTang viết: Tại sao Luật tỳ-kheo đức Phật chế ra 250 giới ngược lại luật Tỳ-kheo-ni đức Đạo sư lại chế ra 348 giới?…. Vì giới luật đức Phật luôn luôn căn cứ vào tướng phạm của Tỳ-kheo và Tỳ-kheo Ni để chế giới, chứ  Ngài không bao giờ chế giới trước khi đệ tử của mình phạmVậy thì các nữ đệ tử của Đức Phật đã phạm 348 giới nên Đức Phật mới phải chế ra 348 giới cho Tỳ Kheo Ni.  Và các nam đệ tử của Phật cũng đã phạm 250 giới cho nên Đức Phật mới phải chế ra 250 giới cho Tỳ Kheo?  Nhưng thử hỏi trong bộ giới luật thì có bao nhiêu giới luật được chế ra nguyên do vì phạm giới?  Tôi xin hỏi, Tieu Tang đã đọc kỹ bản giới luật cho Tỳ Kheo và cho Tỳ Kheo Ni chưa?  Tôi tin rằng chưa.  Này nhé, Giới luật thứ 51 trong 100 Giới Học ngăn cấm Tỳ Kheo Ni không được đứng mà đại tiện hay tiểu tiện.  Phải chăng Đức Phật thấy Tỳ Kheo Ni, hay được báo cáo là Tỳ Kheo Ni, đã đứng mà đại tiện hay tiểu tiện nên ra luật cấm này?   Mà có thật là Đức Phật đã chế ra 348 giới luật cho Tỳ Kheo Ni không?  Theo bản dịch của Tỳ Kheo Thích Trí Quang thì trong phần 100 Giới Học, từ Giới thứ 60 [Không được ngủ nghỉ trong tháp Phật, trừ ra để coi giữ, phải học.] và những giới cấm như sau: 74.- Không được đại tiện tiểu tiện nơi tháp Phật, phải học. Thứ 75.- Không được hướng về tháp Phật mà đại tiện tiểu tiện, phải học. Thứ 76.- Không được đại tiện tiểu tiện bốn phía tháp Phật để hơi thối bay vào, phải học. Thứ 77.- Không được mang ảnh tượng của Phật đến chỗ đại tiện tiểu tiện, phải học. Thứ 78.- Không được ở nơi tháp Phật mà xỉa răng, phải học. Thứ 79.- Không được hướng về tháp Phật mà xỉa răng, phải học. Thứ 80.- Không được bốn phía tháp Phật mà xỉa răng, phải học. Thứ 81.- Không được nơi tháp Phật mà hỉ mũi khạc nhổ, phải học. Thứ 82.- Không được hướng về tháp Phật mà hỉ mũi khạc nhổ, phải học. Thứ 83.- Không được bốn phía tháp Phật mà hỉ mũi khạc nhổ, phải học… đến Giới Thứ 84.- Không được ngồi duỗi chân trước tháp Phật, phải học. đều liên quan đến “Tháp Phật” hay “ảnh tượng” của Phật.  Vậy “Tháp Phật” và “ảnh tượng” của Phật là gì, có trong khi Phật còn tại thế hay là sau khi Đức Phật đã tịch diệt?  Vậy mà TieuTang dám phê phán Tỳ Kheo Thích Nhật Từ là “Có lẽ Thầy không học về luật của Tỳ-kheo và Tỳ-kheo Ni nên không nắm vững được thâm ý của đức Đạo sư”  và “nhận thức sai lầm què quặt thiếu hiểu biết của Thầy là một điều đáng hổ thẹn cho một con người mang danh học vị tiến sĩ.”  Ai sai lầm què quặt thiếu hiểu biết ở đây?   Chỉ có bộ Giới Luật của Tỳ Kheo Ni mà cũng chẳng đọc kỹ, chẳng hiểu tác giả là những ai mà cũng tỏ vẻ cao ngạo chê bai người có sở học chân truyền.  Tôi tin chắc Tỳ Kheo Thích Nhật Từ không thể không biết đến những mâu thuẫn và giới cấm bất khả thi trong 348 giới cấm cho Tỳ Kheo Ni mà người ta thường cho là chính Đức Phật đã tuyên dạy, khoan nói đến Bát Kỉnh Pháp.. Ai muốn nghĩ sao thì nghĩ chứ thực tình tôi không thể tin là một người đã đi đến tột đỉnh giác ngộ như Đức Phật lại còn phải quan tâm đến những việc nhỏ nhặt như đi đại tiện, tiểu tiện, hay xỉa răng của Tỳ Kheo Ni, trong khi còn bao nhiêu điều quan trọng hơn cho vấn đề tu tập mà Người cần dạy cho các đệ tử.  Nên nhớ, những điều Người dạy cho đệ tử mới chỉ là nắm lá trong tay so với những hiểu biết như lá trong rừng của Người.  Những đoạn trích dẫn ở trên về “tháp Phật” và “ảnh tượng của Phật” chứng tỏ rằng đó không thể là Phật ngôn.  Vậy mang hai con số 250 và 348 ra để chất vấn Tỳ Kheo Thích Nhật Từ thì có vẻ hơi yếu, vì đã được đặt trên một căn bản sai lầm.

Trong số những người chống đối bài giảng của Tỳ Kheo Thích Nhật Từ thì TieuTang là người năng nổ nhất.  Nhưng tiếc rằng trình độ và văn phong chưa xứng nên tôi cho rằng những sự chống đối của TieuTang không có mấy giá trị đối với một cư sĩ thấp kém như tôi, khoan nói đối với các bậc xuất gia đạo cao đức trọng.

2. Của Dieu Ho Que Huong:

Người năng nổ thứ hai trên phapthoai.net chống đối bài giảng của Tỳ Kheo Thích Nhật Từ là Dieu Ho Que Huong.  Chúng ta hãy bỏ qua đoạn chụp mũ cộng sản theo sách lược của thế lực đen ở hải ngoại: không hợp ý mình thì tất nhiên phải là cộng sản, một đoạn không đáng để phê bình, mà chỉ xét vài “tư tưởng” của tác giả trong đoạn sau đây.

Đức Thế Tôn vì lòng từ bi mở bày bao nhiêu là phương tiện pháp môn để dẫn dắt chúng sanh vào dòng Phật, chứng đắc giải thoát. Có thể nói đại lượt là theo hai con đường : Tuỳ pháp hành và Tuỳ tín hành,và có Tứ y, để xác định, dù là tuỳ pháp hay tuỳ tín đều phải có lòng tin quyết định, nếu lòng tin không kiên cố, thì dầu ở trong Phật pháp cũng không gặt hái được lợi ích gì, vì thế mà Ngài Mã Minh làm ra Đại Thừa Khởi Tín, Ngài Tăng Xán làm Tín Tâm minh… tất cả đều nhằm cho kẻ hậu học chúng ta có Tín Tâm kiên cố, kẻ có Tín Tâm như người có hai tay, ngừơi không có tín Tâm như kẻ cụt tay, người học đạo ở trong Phật pháp mà không có Tín, thì không gặt hái được kết quả gì, như ngừơi cụt tay mà vào núi báu, khi về chẳng mang được gì cả . Cho nên đức Thế Tôn trải tam a-tăng-kỳ kiếp tu hành thành đạo Chánh Đẳng Chánh giác, không nói a-tăng-kỳ là bao nhiêu năm hễ tu tập thành tựu được Tín bất thối là một a-tăng-kỳ thứ nhất, vậy như thế nào là Tín bất thối thử hỏi vị TS Nhật Từ đã hiểu chưa? Và như thế nào là bình đẳng? TS Nhật Từ đã hiểu chưa? Nếu chưa hiểu thì hãy nên thành tâm sám hối những lời nói ngông cuồng của mình, rồi quán chiếu tu tập để được có trí tuệ mà thấu triệt những lời dạy của Phật. Nếu đã cho là mình thấu hiểu rồi, thì khỏi cần bàn nữa, vì những kẻ này chỉ là hạng nhất xiển đề đối với Tam bảo không có lòng tin, chỉ là những ma quân đầu thai vào Phật pháp để phá hoại, nói như vậy, vì xét theo lịch sử truyền thừa hơn 2500 năm chưa có vị Tổ sư nào dám sửa đổi luật do Đức Phật nói ra, bây giờ TS Nhật Từ là thứ nhất, phải nói vị này chưa có một lòng tin nào về Phật, chưa hiểu được danh từ “Phật bảo” là như thế nào?

Trước hết, tôi thành thực khuyên Dieu Ho Que Huong hay đọc lại Kinh Phật thuyết cho người dân Kalama và lời dạy sau đây của chính Đức Phật: ““Đừng vì lòng tôn kính mà chấp nhận những giáo lý của Ta, mà trước hết hãy thử những giáo lý đó như người thợ vàng thử vàng vậy.” để hiểu rõ về chữ Tín trong Phật Giáo.  Dieu Ho Que Huong mấy lần hỏi Tỳ Kheo Thích Nhật Từ là “đã hiểu chưa?”, vậy chắc hẳn là Dieu Ho Que Huong đã hiểu rồi, hiểu cả thế nào là Tin Bất Hối của hàng Bồ Tát, nghĩa là tin vào Đạo Quả Bồ Đề chứ chẳng phải tin vào Bát Kỉnh Pháp, có phải không?  Trong Phật Giáo không có chuyện mù lòa tin bướng tin càn [lời của Thượng Tọa Thích Mật Thể] mà chữ Tín này phải là kết quả của sự hiểu biết qua quán chiếu, suy tư và thực nghiệm.  Không phải cứ bảo rằng đây là Kinh Phật là cứ việc nhắm mắt mà tin.  Cần phải biết xem đó có đúng là Kinh Phật hay không, có đúng là Phật nói như vậy không, có thể áp dụng được không, áp dụng có lợi hay có hại v..v.. rồi bấy giờ mới có thể tin, nếu sự áp dụng chúng mang lại lợi ich cho người cho ta và giúp ta thăng tiến trên con đường tu học.  Đây chính là lãnh vực của học thuật ngày nay.  Mặt khác Kinh Hoa Nghiêm cho chúng ta một con số chính xác về một a-tăng-kỳ nếu biết tính toán một chút..  Nhưng mà tại sao Dieu Ho Que Huong chống đối bài giảng của Tỳ Kheo Thích Nhật Từ.  Có phải là vì cho rằng mình đã thấu hiểu đúng mà Tỳ Kheo Thích Nhật Từ hiểu sai.  Vì vậy mới chống đối chứ, có phải không.  Nhưng “Nếu đã cho là mình thấu hiểu rồi, thì khỏi cần bàn nữa, vì những kẻ này chỉ là hạng nhất xiển đề đối với Tam bảo không có lòng tin, chỉ là những ma quân đầu thai vào Phật pháp để phá hoại”  Vậy là Dieu Ho Que Huong đã tự mình xếp hạng mình rồi đó.  Đúng vậy, nếu đúng là Luật của Đức Phật và ngày nay vẫn còn áp dụng được trong bước đường tu hành thì không ai có thể sửa được luật đó.  Nhưng nếu Luật đó không do Đức Phật nói ra, thì Tỳ Kheo Thích Nhật Từ có mang tội sửa đổi luật của Đức Phật không?  Ai dám khẳng định là Bát Kỉnh Pháp cũng như 348 giới luật cho Tỳ Kheo Ni là do chính Đức Phật nói ra. 

3. Của Mary:

Rồi lại có một Sư Cô pháp danh Thích nữ Đàm Lan góp ý kiến dưới tên Mary (Sư cô có lẽ không ý thức được rằng mình đã dùng tên của Mẹ Thiên Chúa trong Ki Tô Giáo, hay còn dụng ý nào khác?) như sau, sau khi khẳng định Bát Kỉnh Pháp do chính Đức Phật chế ra:

Có thể nói: chính Bát Kỉnh Pháp đã ăn sâu vào tư tưởng của số đông chư Tăng ngày nay, nên nữ giới khó có thể phát huy được tài năng của chính mình. Đó cũng là sự khác biệt rõ ràng giữa Tăng sĩ thời đức Phật và Tăng sĩ thời hiện đại. Cho nên ý tưởng bỏ Bát Kỉnh Pháp hoàn toàn không hợp lý mà chỉ có thể thay đổi.

Dieu Ho Que Huong khẳng định là xét theo lịch sử truyền thừa hơn 2500 năm chưa có vị Tổ sư nào dám sửa đổi luật do Đức Phật nói ra và lên án Tỳ Kheo Thích Nhật Từ là người thứ nhất dám sửa đổi luật của Đức Phật, dù rằng Tỳ Kheo Thích Nhật Từ chẳng có chỗ nào ngỏ ý muốn sửa đổi luật của Đức Phật.  Nhưng Sư Cô Mary ở đây không những không muốn sửa đổi mà còn muốn cả thay đổi luật của Đức Phật nữa.  Như vậy là thế nào?  Tôi chỉ đặt câu hỏi chứ không dám phê bình, vì đụng tới Mary phiền lắm.  Người ngoại đạo có thể đánh tôi mất mạng.  Đức Phật có nói được sinh ra làm người hiếm quý lắm, tôi không muốn hi sinh vô ích vì những chuyện đâu đâu.

Sau hết, tôi xin phép được trả lời câu hỏi của TieuTang: Tại sao Luật tỳ-kheo đức Phật chế ra 250 giới ngược lại luật Tỳ-kheo-ni đức Đạo sư lại chế ra 348 giới.?

Trước hết là Phật Giáo có 6 Bộ Giới Luật khác nhau: Luật Pali, Luật Tứ Phần, Luật Thập Tụng, Luật Ngũ Phần, Luật Tăng Kỳ, Luật Hữu Bộ.  Trong 6 Bộ Luật này, con số giới điều của Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni đều khác nhau.  Con số mà TieuTang dua ra hỏi là nằm trong Bộ Luật Tứ Phần mà tôi vừa chứng minh ở trên là những điều luật từ số 60 tới 84, hay 85, không thể nào là do Phật chế ra.  Nếu khôn ra thì TieuTang đã hỏi về Bộ Luật Pali.  Bộ Luật Pali không có những điều trên trong Bộ Luật Tứ Phần và gồm có 227 giới luật cho Tỳ Kheo và 311 giới luật cho Tỳ Kheo Ni, như vậy tránh được cái kẹt về những điều luật liên quan đến “tháp Phật” và “ảnh tượng Phật”

Một câu hỏi tương tự đã được đặt cho Tỳ Kheo Chatsumarn Kabilsingh, Ph. D., về Bộ Luật Pali:  “Tại sao Tỳ Kheo Ni phải tuân theo nhiều giới luật hơn Tỳ Kheo?” (Why do bhikkhunis follow more precepts (sikkhapada) than monks?).  Và phần trả lời như sau:

Trong Phật Giáo Nguyên Thủy, Tỳ Kheo có 227 giới luật và Tỳ Kheo Ni có 311 giới luật.  Sự khác biệt này dẫn đến sự hiểu lầm là thật ra Đức Phật không muốn cho phụ nữ gia nhập Giáo Đoàn cho nên đã đặt ra những luật như là hàng rào để ngăn giới phụ nữ ngay từ đầu.

Trong công cuộc khảo sát đối chiếu giữa Ba-la-đề mộc xoa [Giới Phẩm] cho Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni (được trình bày trong cuộc Hội Thảo Quốc tế về Thái Lan, Chiengmai, ngày 14-17 tháng 10, 1996), đếm từng phần, hay nhóm, Giới Phẩm cho Tỳ Kheo có tám phần so với bảy phần cho Tỳ Kheo Ni.  Một phần dành riêng cho Tỳ Kheo gọi là “Bất Định” (Aniyata).  Trong phần này, có hai luật của Visakha, một nữ cư sĩ nổi bật trong thời đầu của Phật Giáo.  Một luật cấm Tỳ Kheo không được ở một mình với một phụ nữ trong nhà đóng kín và một luật khác cấm Tỳ Kheo không được ở với một phụ nữ dù không ở nơi đóng kín nhưng không được xa ngoài tầm nghe của những người khác. [Vậy 2 luật này không phải là do Phật chế ra. TCN]

Trong Phần đầu tiên của Ba-la-đề-mộc-xoa, Phần “Ba-la-di”,  viết về những vi phạm nghiêm trọng nhất mà Tỳ Kheo hay Tỳ Kheo Ni nào vi phạm bất cứ một điều nào đều bị khai trừ ra khỏi Giáo đoàn ngay khi vi phạm. Có 4 điều luật cho Tỳ Kheo và 8 điều luật cho Tỳ Kheo Ni.   4 điều luật mà Tỳ Kheo Ni phải tuân hành thêm so với Tỳ Kheo cũng được áp dụng cho Tỳ Kheo nhưng lại được xếp  trong Phần “Tăng Tàng”, phần thứ hai của Ba-la-đề-mộc-xoa, ít nghiêm khắc hơn.   Vi phạm những luật này, Tỳ Kheo tạm thời tự đặt mình ra khỏi Giáo đoàn.  Tưởng cũng nên ghi rằng thật dễ dàng để nhận ra là sự sắp xếp như vậy là tác phẩm trong thời kỳ sau của giới Tỳ Kheo.

Trong Phần “Hối Quá”, có 8 giới luật cho Tỳ Kheo Ni, nhưng nội dung những luật này chỉ kể là một và được xếp trong Phần “Chúng Học” đối với giới Tỳ Kheo.  Đó là một lý do mà số giới luật cho Tỳ Kheo Ni nhiều hơn số giới luật cho Tỳ Kheo.

Trong Phần “Tội Đọa” , có 166 giới luật cho Tỳ Kheo Ni và 92 giới luật cho Tỳ Kheo.   Trong số này có 70 luật chung cho cả hai giáo đoàn.  Rồi Tỳ kheo có thêm 22 giới luật riêng cho Tỳ Kheo, và Tỳ Kheo Ni có thêm 76 giới luật riêng cho Tỳ Kheo Ni.  Trong số 76 giới luật này chúng ta nhận thấy là có nhiều giới luật về qui chế xuất gia mà Tỳ Kheo cũng phải theo nhưng không được kể trong Ba-la-đề-mộc-xoa cho Tỳ Kheo.  Điều này cũng đưa đến kết quả  là số giới luật cho Tỳ Kheo Ni có vẻ nhiều hơn.

Vì những lý do trên, Tỳ Kheo Ni có nhiều giới luật  trong Ba-la-đề-mộc-xoa hơn là Tỳ Kheo, nhưng trên thực tế, cả hai giáo đoàn đều theo một tập hợp giới luật giống nhau.

(In Theravada, monks follow 227 precepts and bhikkhunis follow 311 precepts. This difference often leads to misunderstanding that the Buddha in fact did not want women to join the Order, and so he set up rules as barrier to fence off women right at the start.

From a comparative study between the monks and nuns patimokkha (presented at an International Conference on Thai Studies, Chiengmai, Oct. 14-17, 1996) it is shown that counting by section, bhikkhus observe eight sections as compared to seven sections by nuns. One section exclusively for monks is called "Aniyata." In this section, there are two rules introduced by Visakha, the leading female lay supporter in early Buddhism. One of them forbids the monks from staying alone with a female in a covered place and another one forbids monks from staying alone with a female in an open place beyond hearing of others.

In Parajika, the first section of the patimokkha which is concerned with the most severe offences, any monk or nun who has transgressed any one of these rules is "defeated" at the moment of committing that act. There are four rules for monks and eight rules for nuns. The extra rules that nuns have to observe in this section may be found for monks also but are classified under Sanghadisesa, the second section which is less severe. Having transgressed it a monk will have to go through 'manatta' period, a temporary self-expulsion from the Sangha. It is worth noting that classification of the rules can easily be the work of a later period at the hands of the monks.

In Patidesaniya section, there are eight rules for bhikkhunis. Bhikkhus have the same content of the rules but they are counted as one and classified under Sekhiya, another section. This is one of the reasons responsible for the bloated number of rules for bhikkhunis.

In the Pacittiya section, bhikkhunis follow 166 rules as compared to 92 for bhikkhus. There are 70 common rules shared by both Sanghas. Then bhikkhus have another set of 22 exclusively for bhikkhus and bhikkhunis have another set of 76 rules exclusively for bhikkhunis. Within 76 rules exclusively for bhikkhunis, it is notable that there are many rules regarding ordination requirements which the bhikkhus also have to follow, but for bhikkhus they are not counted in the Patimokkha. This also results in a seemingly larger number of Patimokkha rules for bhikkhunis.

Due to the above reasons, the bhikkhunis carry a higher number of rules in the Patimokkha than the monks, but in reality they follow a similar set of rules.)

Hi vọng phần trả lời trên có thể giải đáp phần nào câu hỏi về sự khác biệt về con số giới luật áp dụng cho Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni.  Nhìn vào thực tế, xã hội truyền thống Ấn Độ thời Đức Phật còn tại thế khác xa với xã hội của chúng ta ngày nay, và ngày nay có vị Tỳ Kheo Việt Nam nào theo đủ 250 giới , và có vị Tỳ Kheo Ni Việt Nam nào theo đủ 348 giới, giả thử cho rằng tất cả là do chính Đức Phật nói ra. Riêng về Bát Kỉnh Pháp cũng vậy, ngày nay có Sư Ni nào theo đúng 8 điều trong đó, và nội dung những điều đó có thực tế không, có còn áp dụng được không.  Nếu không còn áp dụng thì có giữ cũng chỉ để làm một cây kiểng mà thôi.   Người cư sĩ Kính Phật, Trọng Tăng nhưng đâu có phân biệt Tý Kheo Ni với Tỳ Kheo.  Tại sao trong nội bộ Giáo hội còn có khuynh hướng duy trì một bản Kinh mà nội dung đã đặt Giáo đoàn Tỳ Kheo Ni hoàn toàn phụ thuộc vào Giáo đoàn Tỳ Kheo? 

Trong phần trả lời một câu hỏi khác về cách đối xử của Tỳ Kheo đối với Tỳ Kheo Ni khi mới gia nhập Giáo đoàn, Tỳ Kheo Chatsumarn Kabilsingh cho biết, theo truyền thống Ấn Độ thời bấy giờ, các Tỳ Kheo coi Tỳ Kheo Ni như những người hầu hạ, dọn giường, quét nhà, giặt quần áo v..v..  Về sau, giới cư sĩ (chúng tôi) thấy thế không được ổn, nên đến trình sự vụ với Đức Phật, xin Đức Phật giải quyết vấn đề.  Đức Phật bèn tập hợp cả hai giáo đoàn Tăng Ni lại và giải quyết vấn đề như sau:

Người bèn đặt luật cho Tỳ Kheo không được đòi hỏi Tỳ Kheo Ni phải làm những việc trong nhà.  Mỗi người đều phải tự làm những điều căn bản cần thiết cho mình và để thì giờ để tu tập đi đến giác ngộ.  Đòi hỏi các Tỳ Kheo Ni hầu hạ Tỳ Kheo là ngược lại mục đích mà Đức Phật cho phép phái nữ gia nhập giáo đoàn, căn bản là để cho họ học hỏi và thực hành giáo lý của Người. 

(He then laid down vinaya for the monks not to ask the bhikkhunis to perform such service… Each ordained person is to take care of his or her own basic requirement and spend time to pursue one's spiritual goal, namely to strive for enlightenment… To expect the bhikkhunis to serve the bhikkhus contradicts the underlying principle by which the Buddha allowed women to join the Order, basically to allow them to study and practice His teaching.. )

Dù trong thời Đức Phật còn tại thế, Bát Kỉnh Pháp có thể thích hợp để bảo vệ Giáo đoàn Tỳ Kheo Ni trong hoàn cảnh xã hội Ấn Độ thời đó, phù hợp với xu hướng Nam trọng Nữ khinh đã ăn sâu trong xã hội Ấn Độ, nhưng ngày nay, trên thực tế, những điều luật đó đã không còn hợp thời, không còn hợp với những hoàn cảnh xã hội hiện đại, và  không còn được áp dụng theo đúng tinh thần của Bát Kỉnh Pháp, dù người ta cho đó chính là  Kinh Phật, điều mà những nghiên cứu trong lãnh vực học thuật đã đặt nghi vấn.  Với trình độ của con người ngày nay, những phương pháp nghiên cứu trong lãnh vực học thuật không thể bỏ qua, dù đối với những Kinh điển mà người ta thường cho là Kinh Phật.  Bởi vì điều cần thiết đối với chúng ta ngày nay là phải tìm ra lẽ thật, xem lời nào đích thực của Đức Phật và lời nào được thêm thắt về sau.  Điều này không những có lợi cho Phật Giáo trong vấn đề áp dụng đúng giáo lý của Đức Phật mà còn có tác dụng ngăn ngừa ngoại đạo từ xưa tới nay luôn luôn tìm cách diễn giải xuyên tạc Kinh điển Phật Giáo để hạ thấp giáo lý của Đấng Từ Phụ.

Để kết thúc bài góp ý kiến này, tôi muốn kể một câu chuyện trong Phật Giáo không xa mấy với nội dung bài viết của tôi.  Phật Giáo có nhiều chuyện hay lắm, nhưng chuyện rất quen thuộc sau đây có vẻ vui vui, và hi vọng tạo được sự thoải mái trong đầu sau khi đọc.  Câu chuyện có thể không đúng nguyên văn nhưng xin quý độc giả hội ý xả lời.

Có 2 vị sư, một đã đứng tuổi, trông rất hiền từ, tôi tạm gọi là Từ Tăng, và một còn trẻ và vóc người hơi nhò, tôi tạm gọi là Tiểu Tăng, trong một cuộc hành trình, đi đến ngang một bờ suối.  Suối không rộng lắm, không sâu lắm, và nước cũng không chảy xiết lắm.  Bên bờ suối 2 vị sư thấy một cô gái trẻ đẹp, có thể tên là Ma-Ly, đang lúng túng loay hoay không biết làm thế nào đi qua bờ suối bên kia, có thể vì sợ ướt bộ quần áo thướt tha trên người, mà cũng có thể sợ hư đôi giép da đang mang.  Không biết là vị Từ Tăng đề nghị hay cô gái Ma-Ly nhờ giúp mà vị Từ Tăng đã bồng cô gái mang sang bờ suối bên kia.  Sau đó hai vị sư tiếp tục cuộc hành trình.  Đầu óc của Tiểu Tăng cứ bị ám ảnh bởi hình ảnh Từ Tăng bồng cô gái sang suối .  Sau một lúc lâu,   không nhịn được nữa, Tiểu Tăng lên tiếng trách cứ Từ Tăng: “Tại sao sư ca lại có thể bồng cô gái đó qua suối, giới luật của Đức Phật là không được đụng vào, hay cọ xát thân thể phái nữ kia mà?”  Vị Từ Tăng cười xòa trả lời: “Ta đã đặt cô gái đó bên bờ suối từ lâu rồi, mà sao nhà ngươi vẫn còn mang cô ta trong đầu.”

Trong bài này có chỗ nào không phải, không hợp ý, cúi xin quý vị Tăng, Ni, Cư Sĩ, độc giả trong đạo ngoài đạo  v..v.. đánh cho chữ xả và đại xá.

 


Vào mạng: 18-1-2005

Trở về mục "Đạo đức-Tâm lý học Phật giáo"

Đầu trang