Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt    

   

...... ... ..  . ..  .  .
CHỮ TÂM TRONG KINH LĂNG GIÀ

 

Học thuyết Duy tâm là một trong những lý thuyết chủ yếu và hầu như xuyên suốt cả bộ kinh Lăng già. Những mục của Lăng già không phải hướng đến trình bày một lý thuyết. Mục đích của nó là chú tâm đến Vô ngã – không và nhấn mạnh đến sự tự chứng, tự nội, tự thực hành thể nghiệm hay tự chứng cảnh giới. Sự tự chứng, tự nội ấy, theo Lăng già, chính là sự nhận ra rằng « ba cõi là chính cái tâm », « tâm sinh ra ba cõi » ; và đều này chỉ nhận thức trực tiếp về chân lý mà không thể chia sẻ cho người khác bằng lý luận. Nó vượt ra ngoài nhận thức phân biệt của con người.

Thật là khó luận bàn về cảnh giới giác ngộ của tự tâm khi mà tâm thức của chúng ta còn quá nhiều phân biệt và ô nhiễm. Thế nhưng, chỉ nhận định suông rằng cái chân lý được thể chứng trong tâm thức thâm sâu tạo thành lý do của đời sống Phật giáo thì hoàn toàn không đủ để thuyết phục được người khác. Do đó, để phù hợp với truyền thống triết học thông thường của Phật Giáo đại thừa,Lãng Già đã biện minh về học thuyết Duy Tâm như là một lời tuyên bố khác về kinh nghiệm tự nội.Hành giả có thể nương theo nghĩa lý trong đó mà tự khám phá nội tâm của mình.

Bây giờ, ta thử khảo sát xem Duy Tâm là gì ?

Duy tâm là không có gì được nhìn thấy ngoài cái tâm,là chỉ có tâm mà thôi,tất cả đều do tâm hiển hiện.Những gì có thể được quan niệm, tư duy hay nhìn thấy qua các quan năng như thân thể, tài sản, đất đai, nhà cửa...thuộc thế giới bên ngoài đều là giả ảo.Chúng chỉ là phóng ảnh của tâm thức.Kinh nói : « thân thể, tài sản và nhà cửa những thứ này không có gì khác hơn là những cái bóng của tâm, họ chẳng định hay bác bỏ và sở dĩ như thế là do bởi  cái tâm mà thôi. Ngoài cái này thì không thể có gì nữa cả.

Thế nhưng, khi Lăng Già tuyên bố, không có cái gì được nhìn thấy ngoài cái tâm, thì tâm ở đây nghĩa là gì ?Theo Lăng Già tâm gồm Citta, mạt na thức và 5 thức giác quan. Trong danh từ Citta (=tâm), nó có nghĩa là cái kho chứa của tất cả các ý tưởng, cảm thọ, ham muốn, bản năng.v.v...Từ Citta có căn ngữ « ci » nghĩa là suy nghĩ, nhận thức, nhưng cũng có thể dùng căn ngữ « cit », có nghĩa là chồng chất, thu góp, sắp đặt.Vậy Citta hay tâm có nghĩa là thu thập chất chứa nhận thức.Và trong nghĩa này, tâm được đồng hoá với Alaida(tàng thức), Mạt na thức (ý thức) và có khi đồng hoá với năm thức giác quan nữa. Vậy thị Duy Tâm mà Lăng Già trỏ đến là nhằm vào đối tượng nào trong những thứ trên ?

Tâm trong Lăng Già, theo ý nghĩa tông quát là chỉ cho toàn bộ hệ thống hoạt động của 8 thức đang vận hành.Trong nghĩa này, tâm gồm một trung tâm là thức thứ 8, Alaida, tự trong bản chất nguyên gốc của nó (tự tính) thì tĩnh lặng, thanh khiết và vượt lên trên cái nhị biên của chủ thể và khách thể. Thế nhưng, ở đây lại xuất hiện một cái gọi là « cảnh giới » hình thành từ « hành động », « hành tác » mà ta quen gọi là nghiệp, và những cơn gió nghiệp này đã thổi vào biển tâm (Chơn Như) làm gợn sóng phân biệt và biến thành 8 thức. Alaida, mạt na, mạt na thức và 5 thức giác quan ; và đồng thời những sự biến hoá này, toàn bộ vũ trụ hiện hữu với những hình tướng đa thức của nó. Sự liên kết vận hành của 8 thức tạo thành tâm theo nghĩa tổng quát. Do đó, trong phạm vi tâm lý học của kinh Lăng Già, Duy tâm có nghĩa là chỉ có sự vận hành của các thức, Duy tâm chính là Duy thức vậy.

Tuy nhiên , trong ý nghĩa đặc biệt và cũng là ý nghĩa căn bản, tâm mà Lăng Già chú trọng chính là Alaida, tức căn bản thức hay Như Lai tạng. Alaida được ví như một cái kho chứa hàng hoá, nó chứa tất cả các tập khí, tư tưởng, tình cảm, ước muốn, hành vi...từ xa xưa của con người một cách không phân biệt. Nó không có hoạt tính tích cực và không mang tính phân biệt nhị nguyên. Nó là đối tượng trong tâm của hành giả để đạt đến tự chứng. Do vậy, về bản chất Duy tâm có nghĩa là chỉ có Alaida, hay Duy tâm là duy Alaida vậy.

Như đã đề cập, mục đích của kinh Lăng Già là tự chứng thánh trí cảnh giới, cái trạng thái tâm thức trong đó tâm lý sâu kín nhất được hiển bày trực tiếp trong tâm người ta. Lần theo chỉ dẫn của Lăng Già, chúng ta tự khám phá ra tự tâm của mình, tức là chơn tâm. Chúng ta biết, chân tâm có thể nhìn thấy hai mặt : mặt hiện tượng (sinh diệt) và mặt tự tánh (chân như). Hiện tượng từ nơi tự tánh mà có. Hiện tượng và tự tánh không phải là một, không phải là hai.Đó là Alaida. Alaida có nghĩa là hàm chứa và làm phát hiện tất cả các pháp. Đây chính là ý nghĩa « Tam giới Duy tâm ».

Sự trình bày về Duy tâm như thế đã khiến cho nhiều người hiểu lầm Phật Giáo chủ trương hữu ngã. Thật ra Tâm hay Alaida cũng là duyên khởi là vô ngã Do đó, khi nói tâm, các thức, Alaida, thực ra không có sự khác biệt giữa các thức,tâm và Alaida : « cũng như không có sự khác biệt trong các sóng biển, cũng thế không có sự khác biệt nào trong tâm về các thức » (Lăng Già kệ1O5). « Tâm, mạt na, mạt na thức được nói đến như là khác nhau do bởi các hiện trạng của chúng, nhưng thực ra, 8 thức không có dấu hiệu định tính cũng không có cái gì được định tính » (Lăng Già kệ 104). Hiểu rõ được vấn đề này là thấy được tự tánh vô ngã của các pháp con đường dẫn đến tự chứng, tự nội hay giác ngộ.

Mặt khác theo chức năng phân biệt của Duy tâm là chỉ cho sự cấu thành và liên đới hoạt động của 8 Thức.Các thức lại là sáng tạo của Alaida : « Lấy Alaida làm  chỗ nương tựa, ý phát triển, dựa vào tâm và ý, hệ thống thức phát triển » (Lăng Già kệ 269). « Từ Alaida, tất cả các hoạt động của tâm thức sinh khởi lên giống như những cơn sóng, do tập khí làm nguyên nhân, tất cả sự vật được sinh ra phù hợp với các điều kiện của nhân duyên » (Lăng Già kệ 871). « Với cái Citta làm nguyên nhân của nó và trợ nó. Mạt na tiến bước vào Citta, Citta được Vijnana làm cho vận hành và có một sự hỗ tương tuỳ thuộc giữa hai thứ này » (Lăng Già kệ 180).

Từ những điều này, chúng ta thấy rõ rằng, mạt na dựa vào Citta mà hiện hữu và đồng thời Citta lấy mạt na làm đối tượng hoạt động của nó. Không có mạt na thì sẽ không có tâm thức, và không có tâm thức thì sự hiện hữu của chính là Citta sẽ không được biết đến. Cái này phụ trợ cho cái kia và đồng thời được cái kia phụ trợ. Mặt dù vậy, Bản chất của Alaida vẫn thanh tịnh bình đẳng : « cái tâm, tự bản tính là thanh tịnh và thoát khỏi cái phạm trù xác định và vô định, là cái chúng sinh hữu tình hiểu một cách lầm lạc » (Lăng Già kệ750) .

Vậy thì, do đâu mà các thứ nghiệp được tích tập ? Kinh nói : « tâm tự bản tính thanh tịnh, do vì chúng mà các thứ nghiệp được tích tập và kết quả là hai thứ bất định hay ô nhiễm » (Lăng Già,kệ 754).

Như vậy, khi Như Lai tạng được nối kết với 7 thức thì nhị biên sinh khởi từ sự chấp trước (của mạt na) và sự phân biệt (của mạt na thức); và rằng khi nhận thức thông suốt điều này thì gở bỏ được sai lầm. Từ đây, chúng ta tìm ra manh mối để thanh tịnh hoá tâm thức, để cho nó trở về với bản tính chơn như, như nhất của nó. Đó là nhờ vào sự quán chiếu của ý thức và mạt na thức, về tư tánh y tha khởi, tạo ra những động lực chuyển hoá tận gốc rễ của các thức ấy trong chiều sâu của alaida. Và chính lúc này, hành giả chợt nhận ra rằng : « Thế giới như chúng ta thấy nó không hiện hữu, các đa tính của sự vật sinh khởi từ cái tâm đang được nhìn thấy theo bề ngoài : Thân thể, tài sản, nhà của đều biểu hiện ra cho chúng ta thấy, là của thức alaida » (Lăng Già, kệ 125).

 


Vào mạng: 10-3-2002

Trở về mục "Đạo đức-Tâm lý học Phật giáo"

Đầu trang