- Các Nguyên Tắc
Đạo Đức của Phật Tử Tại Gia
Lời
Giới Thiệu
Là người mới bắt đầu học Phật,
tôi nhận thấy quyển sách nhỏ này thể hiện tốt tinh thần vừa giáo dục
vừa khai sáng. Mặc dù đạo Phật có bề dày lịch sử phong phú, đầy những giá trị,
điều cần thiết đối với người học Phật ngày nay vẫn là làm thế
nào để ứng dụng lời đức Phật dạy vào đời sống hàng ngày. Quyển Các
Nguyên Tắc Đạo Đức của Phật Tử Tại Gia này giúp tôi hiểu tầm
ảnh hưởng của đạo Phật đối với cuộc sống thường nhật của con
người. Nó có thể được xem như quyển sổ tay hướng dẫn chúng ta sống
cuộc đời theo chánh pháp.
Các nguyên tắc này được trình
bày giản dị, dễ hiểu, nhưng cống hiến những kiến thức cần thiết không
chỉ để đọc mà còn để ứng dụng. Việc thực hiện đúng vai trò của
Phật tử ngày nay là một thách thức lớn đối với mọi người, và quyển
sách này như là bước đường đáp ứng thách thức đó. Bằng giáo pháp,
đạo Phật sẽ dìu dắt bạn trong cuộc hành trình tìm ra chánh đạo. Đó
là điểm vĩ đại của giáo pháp đức Phật. Giáo pháp đó vẫn luôn phù
hợp với mọi thời đại.
Chính vì thế, bất cứ khi nào bạn
có nghi vấn (đức Phật khuyến khích bạn đặt câu hỏi), quyển sách này
giúp bạn bước đầu trên con đường tìm ra câu giải đáp.
Gleg Kleven
7-1994
Lời Đầu
Sách
Niềm tin là một trong những con
đường đi vào Đạo, là chất xúc tác hữu hiệu của khoa học thực nghiệm,
phát minh, và còn là nền tảng của mọi lãnh vực tiến triển xã hội. Đối
với đạo Phật, để niềm tin phát huy khả năng chủ đạo đặc biệt này,
người có niềm tin phải có một thái độ tư duy khách quan, khoa học, như
đoạn kinh dưới đây mô tả:
Này các thiện nam, tín nữ, khi nghe
một điều gì, các vị phải quan sát, suy tư và thể nghiệm. Chỉ khi nào,
sau khi thể nghiệm, quý vị thực sự thấy lời dạy này là tốt, lành mạnh,
đạo đức, có khả năng hướng thiện, chói sáng và được người trí
tán thán; nếu sống và thực hiện theo lời dạy này sẽ đem đến hạnh
phúc, an lạc thực sự ngay hiện tại và về lâu về dài, thì lúc ấy quý
vị hãy đặt niềm tin bất động và thực hành theo. (Kinh Bộ Tăng Chi, A.
I. 188)
Do đó, để trở thành một người
Phật tử, các bạn cần phải có một thời gian nhất định để tìm hiểu
đạo Phật. Sự tìm hiểu giáo pháp của đức Phật là điều cần thiết
và tất yếu. Đây là động cơ tốt thúc đẩy người Phật tử ứng dụng
lời Phật dạy vào đời sống thường nhật của mình, để đem lại an lạc
và hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội.
Phát xuất từ suy nghĩ căn bản đó,
chúng tôi biên soạn Các Nguyên Tắc Đạo Đức của Phật Tử Tại Gia
này, trước là đáp ứng nhu cầu tìm hiểu vừa nêu, và sau là mong rằng tập
sách nhỏ này như là người bạn, là hành trang, là chỉ nam giúp người Phật
tử tại gia hoàn thiện nhân cách bản thân, đem lại sự đầm ấm hạnh
phúc gia đình và để góp phần xây dựng một xã hội thái bình, an lạc
trong chánh pháp của đức Phật.
Về nội dung, chúng tôi chủ yếu
đúc kết tinh thần các lời dạy quý báu của đức Phật qua hai truyền thống
kinh điển Nam tông và Bắc tông và thể hiện chúng dưới hình thức các
nguyên tắc và điều lệ để quý Phật tử dễ nhớ và áp dụng.
Với 18 chương, gồm 100 điều lệ,
tập sách nhỏ này sẽ giới thiệu với quý Phật tử các nội dung đạo
đức căn bản theo tinh thần Phật dạy. Có chương cho biết các yêu cầu cần
và đủ của một người Phật tử. Có chương giới thiệu nội dung của
Ba Ngôi Báu. Có chương đề cập năm điều đạo đức. Có chương hướng
dẫn cách thờ phượng Phật, Bồ-tát và thánh tăng. Có chương đưa ra
chương trình học Phật ngắn gọn. Có chương trình bày cách thức sinh hoạt
hữu hiệu. Có chương mô tả về những trách nhiệm thiêng liêng của các
bậc cha mẹ. Có chương dạy về cách sống hiếu thảo, đền ơn cha mẹ
ngay hiện tại và tương lai. Có chương hướng dẫn đời sống hôn nhân và cách thức tổ chức lễ cưới. Có chương
dạy về cách bảo vệ hạnh phúc lứa đôi. Có chương nói về bổn phận
thiêng liêng của thầy trò. Có chương dạy cách tương giao bạn bè. Có chương
qui định về khế ước lao động giữa người chủ là người làm việc.
Có chương gợi nhớ tình quê hương, làng xóm.
Có chương trình bày thái độ ứng xử và giao tế. Có chương hướng dẫn
cách tổ chức lễ tang đúng chánh pháp. Có chương giới thiệu cách tu trì
và có chương đưa ra 10 điều tâm niệm làm phương châm tu học hiệu quả.
Nhìn chung, các điều lệ này nhằm hướng đến một đời sống nhân bản
toàn thiện.
Trước khi trở về sống nương tựa
Ba Ngôi Báu và phát nguyện vâng giữ năm điều đạo đức, các bạn nên
có thời gian vài ba tháng về chùa tìm hiểu giáo lý, nghe giảng pháp tại
các trung tâm truyền bá Phật giáo, tự nghiên cứu lời Phật qua các phương
tiện truyền thông đại chúng của Phật giáo, và tìm hiểu kỹ các nguyên
tắc đạo đức này. Có như vậy, sự trở về đạo Phật của quý vị mới
bền và nhất là mới có thể đem lại lợi ích cho chính bạn, gia đình bạn,
ngay hiện tại cũng như trong tương lai.
Chúng tôi chân thành cảm ơn quý đại
đức Thiện Hữu, Thiện Quý, Trung Đạo, Phong Nhã, Sư Trí Quảng, sư Giác
Hoàng, thầy Hồng Sơn, thầy Thanh Trúc đã cho nhiều nhiều ý kiến hay khi
chúng tôi biên soạn tập sách này. Đặc biệt, chúng tôi xin chân thành cảm
ơn đại đức Nguyên Tạng, đã hoan hỷ chuyển bản dịch tiếng Anh đến
GS. Greg Kleven, người đã tận tâm chữa chánh tả cho bản dịch. Nhân đây,
chúng tôi cũng xin cảm ơn ông bà giáo sư Lý Phúc Điền đã phát tâm chuyển
dịch tập sách nhỏ này ra tiếng Hoa, để nó có thể phục vụ cho nhiều
người hơn. Chúng tôi cũng xin chân thành tán thán Sư cô Như Phước và Phật
tử chùa Giác Ngộ đã ấn tống tập sách này.
Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng
chắc rằng tập sách còn nhiều thiếu sót và cần phải được bổ sung. Kính
mong chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức tăng ni, Phật tử và
các bậc thức giả chỉ giáo để tập sách này thật sự là người bạn
tin cậy của người Phật tử tại gia.
Mong rằng tập sách nhỏ này sẽ
giúp quý Phật tử nói riêng và tất cả mọi người nói chung sống an
lành, phúc lạc trong cuộc sống bằng chất liệu chánh pháp của đức Phật.
Viết tại chùa Giác Ngộ
Mùa hạ năm 1994
Tỳ-kheo Thích Nhật Từ
Kính ghi
CÁC NGUYÊN
TẮC ĐẠO ĐỨC CỦA PHẬT TỬ TẠI GIA
-- Để đảm bảo đời sống đạo
đức, văn hóa, trí huệ, hạnh phúc, an lạc, giải thoát của người Phật
tử;
-- Để thực hành và phát huy tinh
thần khế lý, khế cơ, ứng thế độ sanh, thắp sáng mãi thông điệp từ
bi cứu khổ của đức Phật;
-- Căn cứ tinh thần ứng dụng giáo
lý qua tám mươi bốn ngàn pháp môn, nhằm xây dựng một tịnh độ cho tự
thân, gia đình và xã hội;
Luật này qui định các nguyên tắc
đạo đức của Phật tử tại gia như sau:
CHƯƠNG I: QUI ĐỊNH
TỔNG QUÁT
Điều 1: Trước khi đi theo đạo Phật,
bạn cần phải tìm hiểu, suy tư lời Phật dạy và luật tắc đạo đức
này. Chỉ khi nào bạn nhận thấy rằng đạo Phật là lý tưởng, là chân
lý, là sự sống, là sự trưởng thành đạo đức và trí tuệ, bạn hãy
phát nguyện trở về sống với gia đình của đạo Phật.
Điều 2: Người Phật tử nên đến
với đạo Phật bằng thái độ chánh kiến, chánh tư duy; vâng giữ và thực
hành lời vàng Phật dạy, phù hợp với nếp sống chánh pháp, góp phần
làm trong sạch và an lạc xã hội.
Điều 3: Người Phật tử là người
sống phù hợp và trung thành với lý tưởng chánh pháp, thể hiện đạo đức,
văn hóa, trí tuệ, hạnh phúc, an lạc và giải thoát của bản thân, gia đình
và xã hội ngay hiện tại và về sau.
CHƯƠNG II: NƯƠNG TỰA
BA NGÔI BÁU
Điều 4: Người Phật tử nương tựa
đức Phật, bậc đạo sư của trời người, từ nay cho đến trọn đời
không nương tựa Trời, Thần, Tiên, Quỷ, vật v. v. . .
Điều 5: Người Phật tử nương tựa
chánh pháp của đức Phật, chân lý tối thượng, từ nay cho đến trọn đời
không nương theo các học thuyết của các tôn giáo, tín ngưỡng dân gian,
và các chủ nghĩa khác.
Điều 6: Người Phật tử nương tựa
cộng đồng Tăng, những bậc chân tu, người kế thừa và truyền bá chánh
pháp của đức Phật, từ nay cho đến trọn đời không nương theo thầy tà,
bạn xấu và người không thuộc đạo Phật.
Điều 7: Người Phật tử nên có
lòng bao dung, phóng khoáng; không kỳ thị chủng tộc, giới tính, màu da,
tôn giáo và ý thức hệ v.v. . . Trái lại, người Phật tử nên có tinh thần
và thái độ cởi mở, thân thiện, tôn trọng, tìm hiểu, giúp đỡ mọi
người để họ có thể nhận ra và sống theo lời Phật dạy dưới tất cả
các hình thức.
CHƯƠNG III: VÂNG GIỮ
NĂM ĐIỀU ĐẠO ĐỨC
Điều 8: Người Phật tử ý thức
và phát nguyện không sát hại sự sống của con người, động vật và
thiên nhiên. Phải thể hiện tình thương, tôn trọng và bảo vệ sự sống
của muôn loài.
Điều 9: Người Phật tử ý thức
và phát nguyện không lấy của không cho, của phi nghĩa, không lường
gạt, dối trá, tham nhũng, đút lót, cờ bạc, chứa đồ gian, vay không trả.
Phải thể hiện lòng tôn trọng sở hữu tài sản của người khác, sống
bằng nghề lương thiện và chân chánh.
Điều 10: Người Phật tử ý thức
và phát nguyện không sống ngoại tình, không lang chạ với vợ hay chồng của
người khác. Phải tôn trọng hạnh phúc gia đình người khác như của gia
đình mình; sống chung thủy một vợ một chồng.
Điều 11: Người Phật tử ý thức
và phát nguyện không nói sai sự thật, không nói lời vô ích, không nói lời
tục tĩu, không nói lời chia rẽ, gây hận thù. Phải tôn trọng sự thật,
giữ gìn chữ tín. Khi nói thì nói đúng với chánh pháp, khi không thể nói
thì phải im lặng như sự im lặng của bậc thánh.
Điều 12: Người Phật tử ý thức
và phát nguyện không uống rượu và không sử dụng các chất kích thích tố
có tác dụng hủy hoại sức khỏe, tinh thần, trí lực và nhân cách như á
phiện, ma túy và các độc tố khác. Phải tự trọng, bảo vệ sức khỏe
và giữ gìn nhân cách.
CHƯƠNG IV: THỜ PHƯỢNG
Điều 13: Người Phật tử chỉ thờ
phượng ảnh tượng Phật, Bồ-tát, A-la-hán và Thánh Tăng để chiêm bái,
học hỏi hạnh nguyện cao cả của quý ngài, để làm chỗ dựa tinh thần
và hộ trì đạo đức cho bản thân và gia đình.
Điều 14: Người Phật tử không thờ
một thần hay nhiều thần của các tôn giáo và tín ngưỡng khác. Không thờ
Thượng đế, Phạm thiên, Chúa Trời, đấng Allah, đấng Jahovah v.v. . . Không
thờ Thần Tài, Thổ Địa, Táo Quân, Cửu Thiên Huyền Nữ, Mẹ Sanh Mẹ Độ,
bà Chúa Xứ, Quan Thánh v. v. . . Không lễ Miếu, Đình, Đồng cốt. Không
bói quẻ, xin xăm. Không tín ngưỡng những nơi được đồn là linh thiêng.
Người Phật tử nên hiểu không có cội nguồn ban phước giáng họa. Chỉ
tin vào chân lý nhân quả và cố gắng hoàn thiện nhân cách của chính
mình.
Điều 15: Người Phật tử nên thờ
Phật ở nơi thoáng cao, trang nghiêm, sạch sẽ, dễ thấy, thuận tiện cho
việc dâng cúng hoa quả và lễ bái.
Điều 16: Người Phật tử nên thường
xuyên quét dọn nơi thờ Phật, thắp nhang đèn, cúng hoa quả, lễ bái. Trước
khi cúng hay lễ Phật phải tắm gội, ăn mặc tươm tất, sạch sẽ; thân
và tâm phải thanh thản và thuần khiết.
Điều 17: Người Phật tử nên để
chuông mõ ở trang hay bàn Phật. Không để kinh sách, chuỗi niệm Phật, áo
tràng một cách tùy tiện hay ở nơi thiếu tôn nghiêm, thanh tịnh.
CHƯƠNG V: HỌC PHẬT
Điều 18: Người Phật tử nên
chuyên cần học hỏi và thực hành lời Phật dạy. Xem kinh, luật, luận
là sự sống tinh thần và nền tảng cho sự hướng thượng của bản thân.
Điều 19: Người Phật tử nên khắc
phục hoàn cảnh, siêng học chánh pháp của Phật ở các trung tâm văn hóa
Phật giáo, từ các phương tiện truyền thông Phật pháp, từ các lớp
giáo lý phổ thông ở các chùa, các khóa huấn đức, tu thân, các buổi
thuyết pháp vào ngày sám-hối, ngày vía Phật, Bồ-tát và các mùa an cư kiết
hạ của quý Thầy Cô.
Điều 20: Người Phật tử nên có
bổn phận, trách nhiệm hướng dẫn, khích lệ vợ/chồng mình, con cái, cha
mẹ, thân quyến và bạn bè mình tìm hiểu, học hỏi và thực hành chánh
pháp của đức Phật.
Điều 21: Người Phật tử nên siêng năng ứng dụng, thể nghiệm,
tiêu hóa và biến chánh pháp của đức Phật thành thức ăn và máu huyết
cho sự sống của bản thân, gia đình và xã hội.
Điều 22: Người Phật tử không
được chỉ trích, chống đối những người tu tập theo các pháp môn và
tông phái của Phật giáo. Phải tôn trọng, tìm hiểu pháp môn Phật giáo
khác với truyền thống tu tập của mình, để hoàn thiện lẫn nhau, để
cho chánh pháp của đức Phật tỏa sáng khắp nơi bằng nhiều cách.
CHƯƠNG VI: SINH HOẠT
Điều 23: Người Phật tử nên
phát huy đời sống chánh nghiệp, chánh mạng. Không sống phi pháp, phi nghĩa
dưới mọi hình thức.
Điều 24: Người Phật tử nên sinh
sống và tạo ra của cải, tài sản bằng công sức của bàn tay và trí
khôn của khối óc, đúng với chánh pháp và phù hợp với luật pháp xã hội.
Không nên cho vay nặng lãi, bắt chẹt người khác trong hoàn cảnh túng quẫn,
khó khăn.
Điều 25: Người Phật tử nên sống
căn bản, điều độ, ít muốn, biết đủ, tương thân và tương trợ. Không
quá chuộng hay lệ thuộc hình thức.
Điều 26: Người Phật tử nên
nâng cao đời sống tinh thần, phát huy cảm thọ hạnh phúc cao thượng để
cuộc sống thật sự có ý nghĩa và giá trị.
Điều 27: Người Phật tử nên tham
gia sinh hoạt gia đình Phật tử vào các ngày chủ nhật cũng như các sinh
hoạt cộng đồng, sinh hoạt văn hóa Phật giáo.
Điều 28 Người Phật tử nên làm
chủ nhận thức, sinh hoạt và làm chủ cuộc sống. Sống theo, sống đúng
và sống phù hợp với chánh pháp của đức Phật.
CHƯƠNG VII: CHA MẸ
Điều 29: Người Phật tử làm cha
mẹ phải có bổn phận thương yêu, nuôi nấng, giáo dục con cái trưởng
thành về thể chất, thể trí, nhân cách, đạo đức; tạo dựng nghề nghiệp
và khả năng tự lập cho con cái.
Điều 30: Người Phật tử nên
giáo dục con cái khi còn trong thai bằng đức hạnh và chánh niệm của
mình. Truyền thụ cho con cái nét đẹp văn hóa, đạo đức của Phật giáo,
của truyền thống dân tộc và của gia đình.
Điều 31: Khi con được một tuổi,
người Phật tử nên đem con đến chùa làm lễ khai tâm và ghi vào sổ bộ
của bổn tự. Khi con được năm tuổi, người Phật tử nên dẫn con đến
chùa học giáo lý, song song với chương trình thế học. Khi con lên sáu tuổi
nên hướng dẫn con làm lễ quy y Ba Ngôi Báu, để con cái chính thức trở
thành Phật tử.
Điều 32: Người Phật tử nên truyền
chất Phật cho con qua các lễ thôi nôi, khai tâm, lễ quy y và qua cuộc sống
thường nhật. Dạy con ý thức học giáo lý, đi chùa, lạy Phật, đọc tụng
kinh Phật, ăn chay kỳ, làm phước và tu đức.
Điều 33: Người Phật tử làm cha
mẹ không nên cản trở con cái nếu chúng có ý thức và muốn xuất gia,
làm tu sĩ. Trái lại, cha mẹ nên tạo thuận duyên cho con cái mình thành đạt
chí nguyện xuất trần.
CHƯƠNG VIII: CON CÁI
Điều 34: Người Phật tử làm con
phải hãnh
diện, thương kính và tận
tình phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ còn sống.
Điều 35: Người Phật tử nên hiếu
thảo, vâng lời cha mẹ dạy. Không chơi bời, hút sách, xa xí. Phải cố gắng
học hành và lập nghiệp chân chánh để phụ giúp và đền ân cha mẹ.
Điều 36: Người Phật tử nên hết
lòng chăm sóc, điều trị, sớm thăm tối viếng cha mẹ khi cha mẹ già yếu
và đau ốm, để cha mẹ an vui mà chóng khỏi bệnh.
Điều 37: Người Phật tử nên có
ý thức trách nhiệm trong việc duy trì, phát huy truyền thống văn hóa, đạo
đức của Phật giáo, dân tộc và gia đình.
Điều 38: Nếu cha mẹ không có
chánh kiến, chánh tín, chánh nghiệp . . . Người Phật tử nên kiên trì,
khôn khéo can gián để cha mẹ trở về sống với chánh pháp.
Điều 39: Khi cha mẹ qua đời, người
Phật tử nên tổ chức lễ tang đơn giản, đúng chánh pháp, để tạo hành
trang tái sanh tốt cho cha mẹ.
Điều 40: Người Phật tử nên tổ
chức các lễ tưởng niệm cha mẹ vào dịp các tuần thất, một trăm ngày,
giỗ hằng năm . . . tại chùa. Trong trường hợp
tổ chức tại nhà, người Phật tử nên mời quý Thầy Cô và ban hộ niệm
về nhà tụng kinh. Phẩm vật dâng cúng nên thuần chay. Người Phật tử
cũng nên tu phước, bố thí, cúng dường Ba Ngôi Báu, để hồi hướng công
đức cho cha mẹ.
CHƯƠNG IX: HÔN NHÂN
Điều 41: Người Phật tử trước
khi tiến đến hôn nhân, phải có ý thức và ổn định nghề nghiệp và khả
năng tự lập vững, để đời sống gia thất về sau không phải gặp khó
khăn và trở ngại.
Điều 42: Người Phật tử nên có
thời gian tìm hiểu nhau chín chắn về ba phương diện: tính tình, lý tưởng
và hạnh nguyện trước khi đính hôn, để đời sống hôn nhân cũng như đời
sống của con cái sau này có được hạnh phúc thật sự và lâu dài.
Điều 43: Để người bạn đời phù
hợp tính tình, lý tưởng và hạnh nguyện với mình, người Phật tử nên
chọn người theo đạo Phật. Nếu người bạn sắp cưới không có đạo
hoặc theo tôn giáo hay tín ngưỡng khác thì nên thuyết phục người ấy cùng
trở về quy y và nương tựa Ba Ngôi Báu, để đôi giai ngẫu cùng nhìn,
cùng sống và cùng hưởng một chân lý.
Điều 44: Trước ngày lễ cưới, người Phật tử nên
đến chùa thưa thỉnh thầy bổn sư về việc tổ chức lễ cưới và thân
mời huynh đệ Phật tử khác cùng tham dự.
Điều 45: Trong ngày lễ cưới, hai
đàng trai gái phải đến chùa làm lễ chứng hôn trước Ba Ngôi Báu và Phật
tử để nghe giáo huấn quý báu về cách giữ gìn, bảo vệ và phát triển
hạnh phúc lứa đôi và cho hạnh phúc của con cái.
CHƯƠNG X: VỢ CHỒNG
Điều 46: Vợ chồng phải sống tôn
trọng, thương yêu, hiểu biết và chia xẻ niềm vui, nỗi buồn cũng như
thuận lợi và khó khăn cho nhau, để đời sống hai người trở nên khối
thủy chung duy nhất, không gì chia cách được.
Điều 47: Vợ chồng phải biết
thương kính, nhường nhịn nhau, rộng lượng, tha thứ và bỏ qua lỗi lầm
của nhau mỗi khi ai vi phạm sai lầm, sơ suất. Vợ chồng phải sống vì hạnh
phúc cho cả hai và cho con cái.
Điều 48: Chồng phải thương yêu vợ
hết lòng, giúp vợ làm tốt việc nội gia và sắm sửa trang sức cần thiết
cho vợ tùy theo khả năng tài chánh.
Điều 49: Vợ phải thể hiện tốt
bổn phận của mình; khéo tiếp đãi giao tế; cùng chồng giáo dục con cái
cũng như tạo ra tài sản và làm lớn mạnh tài chánh gia đình.
Điều 50: Vợ chồng phải sống tiết
hạnh, ít muốn, biết đủ; giúp đỡ nhau thăng tiến trên đường đời
cũng như đường đạo.
CHƯƠNG XI: THẦY TRÒ
Điều 51: Thầy giáo phải gánh vác
trách nhiệm thiêng liêng trong việc đào tạo cho gia đình, quốc gia và xã
hội những mẫu người hoàn thiện về tri thức, nhân cách và phẩm chất
“uống nước nhớ nguồn” ở học trò.
Điều 52: Thầy giáo phải truyền
trao cho thế hệ trẻ những tinh hoa văn hóa, đạo đức của Phật giáo, của
dân tộc và của loài người; khơi dậy những phẩm chất cao quý và khả
năng sáng tạo của thế hệ trẻ, để góp phần làm giàu mạnh đất nước
và an lạc xã hội.
Điều 53: Thầy giáo phải kích
thích tính ham hiểu biết, học hỏi, nghiên cứu của học trò; dạy học
trò bằng tất cả bầu nhiệt huyết; tận tâm, kiên nhẫn và không giấu
giếm bất cứ kiến thức gì mình có được.
Điều 54: Thầy giáo phải là người
chói sáng về gương hạnh đạo đức; là người mẫu mực của học trò về
những gì mình đã học, đã biết và đã dạy; không ngừng rèn luyện tri
thức và phẩm cách đạo đức của mình.
Điều 55: Học trò phải lễ độ,
kính trọng và biết ơn dạy dỗ của thầy giáo. Học trò phải học hành
chăm chỉ, cần cù với tinh thần khoa học, khách quan để khám phá và đi
vào thế giới vô tận của tri thức và nhân cách.
Điều 56: Học trò phải học tập
không mệt mỏi, để trở về cội nguồn dân tộc, dòng giống, tổ tiên
và đạo Phật, và sống sao cho xứng đáng với các cội nguồn đó.
Điều 57: Học trò phải học tập
nhằm tu dưỡng bản thân, đền ơn giáo dưỡng của thầy và báo đáp
công ơn sanh thành, nuối nấng của cha mẹ, và góp phần làm giàu mạnh gia
đình, đất nước và xã hội.
CHƯƠNG XII: BẠN BÈ
Điều 58: Bạn bè đến với nhau bằng
sự tìm hiểu, cảm thông, tôn trọng, thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau, để
cùng tiến tiến bộ, lớn mạnh và cảm nhận phúc lạc trong cuộc sống.
Điều 59: Người Phật tử nên đến
người bạn tốt để học hỏi; đến người bạn xấu để chuyển hóa;
tìm người trí đức để giao du; tìm người thua kém để giúp đỡ.
Điều 60: Bạn bè phải thành tín,
không tính chuyện hơn thua, xây dựng và hoàn thiện nhân cách, đạo đức
và trí huệ cho nhau; thủy chung nhau trong chí hướng và lý tưởng.
Điều 61: Người Phật tử nên can
gián, ngăn chặn khi bạn làm điều xấu; sẵn lòng tùy hỷ khi bạn làm điều
hay; quan tâm giúp đỡ khi bạn gặp khó khăn; rộng lượng, tha thứ khi bạn
vấp phải sai lầm.
CHƯƠNG XIII: CHỦ THỢ
Điều 62: Chủ phải tôn trọng sức
lao động, chất xám, nhân cách đạo đức của thợ. Giao việc cho thợ phù
hợp với khả năng và sở trường.
Điều 63: Chủ phải trả tiền
lương, chế độ thù lao và nghỉ ngơi hợp lý. Không được cưỡng bức,
bắt chẹt, bóc lột sức lao động của thợ.
Điều 64: Chủ phải thương yêu, săn
sóc và chữa trị khi thợ mắc bệnh; chia xẻ thức ăn, tặng quà vật vào
những dịp cần thiết.
Điều 65: Thợ phải nhiệt thành,
say mê công việc; làm việc bằng tất cả sức lực, trí tuệ và lòng yêu
nghề của mình.
Điều 66: Thợ phải thể hiện nhân
cách, phẩm chất đạo đức của mình, làm tốt hợp đồng; biết ơn và
hài lòng với những gì chủ tặng cho; làm việc với tâm nguyện đem lại
lợi nhuận và danh tiếng cho chủ như cho chính mình.
CHƯƠNG XIV: LÀNG
XÓM-QUÊ HƯƠNG
Điều 67: Người Phật tử nên thương
yêu, nhường nhịn, đùm bọc lẫn nhau. Đối xử nhau bằng tấm lòng nhân
hậu. Sống vì lợi ích và an lạc cho mọi người.
Điều 68: Người Phật tử nên xem
láng giềng như họ hàng; xem mọi người như người thân; lấy trí nhân
thay hung bạo; đem đạo nghĩa thắng hung tàn.
Điều 69: Người Phật tử mang ơn
ai thì nhớ trả; làm ơn ai thì không để lòng; thương người như thể
thương thân; giúp người như tự giúp. Người Phật tử nên quan niệm rằng
tất cả là quyến thuộc, do đó, sống đoàn kết, hòa hợp như một đại
gia đình.
Điều 70: Người Phật tử nên xem
quê hương là cội nguồn sự sống, là nơi chôn nhau cắt rốn, và trưởng dưỡng của
mỗi người. Người Phật tử thành kính biết ơn, trả ơn và trung thành với
quê hương và dân tộc.
Điều 71: Người Phật tử dù ở nơi
đâu cũng phải nhớ đến quê hương, hướng về quê hương. Sống, làm việc
vì lợi ích, vì sự trưởng thành, vì sự lớn mạnh của quê hương. Duy
trì và phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức của dân tộc. Làm lớn
mạnh tinh thần độc lập, tự chủ của dân tộc. Xóa bỏ óc bảo thủ,
định kiến, nô lệ văn hóa. Bất khuất trước các thế lực đồng hóa,
xâm lăng. Thể hiện tính dân tộc ở mọi nơi, ở mọi khía cạnh của cuộc
sống.
CHƯƠNG XV: GIAO TẾ
Điều 72: Khi ứng xử và giao tế với
đời, người Phật tử nên quan niệm Ba Ngôi Báu là tối thượng; năm điều
đạo đức là phương châm của một đời sống an lạc; từ, bi, hỷ, xả
là chỉ nam soi đường; nhiệt thành, kiên trì và hỗ trợ mọi người là
nếp sống thực tế.
Điều 73: Người Phật tử đổi oán
thù thành bè bạn; chuyển ganh ghét thành thương yêu; nhẫn nhịn, hòa thuận,
bình đẳng, không kỳ thị, phân biệt; khoan dung và độ lượng.
Điều 74: Người Phật tử luôn sống
trong tôn trọng, hiểu biết, cảm thông những nét sai biệt của người khác;
sẵn lòng hợp tác, giúp đỡ và tùy hỷ việc làm tốt của mọi người.
Điều 75: Người Phật tử nên đề
cao đức tính bi, trí, dũng và nhân nghĩa. Phải sống tinh thần vô úy, bất
khuất trước mọi thế lực gian ác. Sống trung thành và hy sinh cho chân
lý, cho sự an lạc, giải thoát của bản thân và tha nhân.
Điều 76: Người Phật tử nên gần
gũi người kém hơn để giúp đỡ; gần
gũi kẻ xấu để chuyển hóa; từ bỏ
điều xấu, phát triển điều tốt; thương yêu, bổ sung nhau, dìu dắt nhau
trên đường đạo và đường đời.
Điều 77: Người Phật tử khi gặp
quý Thầy, quý Sư cô và các đạo hữu nên chấp tay trước ngực xá chào,
để cho nét đẹp văn hóa tỉnh thức này được phổ biến và tỏa sáng.
Điều 78: Người Phật tử không
nên kêu quý Thầy bằng anh, chú hay bác; không nên kêu quý Sư cô bằng chị
hay gì. Tự xưng mình bằng con đối với quý Thầy Cô bằng tuổi mình trở
lên. Tự xưng bằng pháp danh đối với quý Thầy Cô nhỏ tuổi hơn mình.
Nói năng từ tốn và lễ độ.
CHƯƠNG XVI: TANG CHẾ
Điều 79: Người Phật tử khi lâm
trọng bệnh và sắp sửa mệnh chung nên chánh niệm, tỉnh giác, hướng về
Ba Ngôi Báu; giữ tinh thần thản nhiên, không lo sợ cái chết; xả bỏ tất
cả ý niệm về bản ngã, sở hữu tài sản, để có thể ra đi một cách
nhẹ nhàng.
Điều 80: Khi người thân quyến gần
mạng chung, người Phật tử nên thành kính hướng về Ba Ngôi Báu, mời
quý Thầy Cô tụng kinh trợ niệm và tiếp dẫn để người bệnh khi mãn
phần được sanh về cảnh giới chư Phật hay cảnh giới tốt. Nếu nhà
quá xa chùa, không tiện thỉnh mời quý Thầy Cô, người Phật tử nên mở
băng tụng kinh và nhắc nhở người thân của mình về nguyên lý vô thường,
vô ngã, để người sắp mạng chung có thể ra đi dễ dàng.
Điều 81: Ngay lúc tắt thở và
trong suốt thời gian tang lễ, con cháu, vợ/chồng và thân quyến không nên
khóc lóc, kể lể, để không làm động tâm người vãng sanh. Trái lại
nên thành tâm, bình tĩnh, đồng niệm Phật thật rõ ràng để trợ tiến
người ra đi.
Điều 82: Gia đình người quá cố
nên thay mặt người quá cố làm các việc phước báu, bố thí, cúng dường,
từ thiện xã hội, để hồi hướng công đức cho người mạng chung.
Điều 83: Tang lễ nên tổ chức
theo tinh thần Phật giáo. Không phô trương hay chú trọng hình thức, đãi
cúng mặn, tế thần. Không cúng tam sên (sinh), đốt giấy vàng mã, mở cửa
mã. Chỉ nên cúng đồ chay, tụng kinh, quán tưởng để duy trì thuần phong
mỹ tục của đạo Phật.
Điều 84: Lễ nhạc thì tùy nghi, nhưng
nên đơn giản. Tốt nhất là bãi miễn. Đặc biệt, trong lúc qúy Thầy Cô
tụng kinh, không nên trỗi nhạc và ngưng tất cả việc đãi đằng, để tạo
trang nghiêm cho khóa lễ.
Điều 85: Sau khi tống táng, người
Phật tử nên tiếp tục cúng bảy tuần thất và giỗ hằng năm để tưởng
nhớ. Các lễ cúng nên tổ chức tại chùa.
CHƯƠNG XVII: TU TRÌ
Điều 86: Người Phật tử nên
siêng năng đọc tụng và thực hành lời Phật dạy vào cuộc sống thường
nhật; biến giáo pháp thành sự sống của bản thân và tha nhân.
Điều 87: Người Phật tử nên khắc
phục khó khăn; nhẫn nại, kiên trì thực hành và trung thành với chân lý
của đức Phật. Không kích bác, phỉ báng người theo pháp môn khác.
Điều 88: Người Phật tử nên đến
chùa lễ Phật, tụng kinh, nghe pháp, ít nhất một lần trong tuần; nên tham
dự đầy đủ các buổi sám-hối, lễ tưởng niệm Phật, Bồ-tát,
A-la-hán và Thánh tăng, và nên ăn chay ít nhất một ngày trong tháng.
Điều 89: Người Phật tử muốn tu
trì miên
mật thi nên đi chùa tụng
kinh, ngồi thiền mỗi ngày, tu tập tám điều đạo đức (bát quan trai giới),
vâng giữ mười điều lành, thọ lãnh đạo đức Bồ-tát (Bồ-tát giới);
tu hạnh xuất gia.
Điều 90: Khi dự các khóa lễ, người
Phật tử nên mặc áo tràng. Tâm nên chí thành, tỉnh thức, không loạn niệm,
tạp tưởng, để khóa lễ thật sự có ý nghĩa, lợi ích, đem lại phước
báu, an lạc thân tâm.
CHƯƠNG XVIII: MƯỜI
ĐIỀU TÂM NIỆM
Điều 91: Người Phật tử luôn
quan niệm rằng mọi sự vật hiện tượng trên thế gian này luôn vận động,
chuyển biến, đổi thay, không có thực thể, không có bản ngã, và thường
dẫn đế sự không thỏa mãn. Quán chiếu như vậy để từ bỏ thái độ
chấp ngã và ngã sở hữu.
Điều 92: Người Phật tử luôn
quan niệm rằng không có một đấng sáng tạo nào tạo dựng nên thế giới,
con người và vạn
vật. Thế giới được
hình thành bằng nguyên lý duyên khởi, tương thuộc, không có khởi thủy,
không có chấm dứt.
Điều 93: Người Phật tử luôn
quan niệm rằng sự thiên sai vạn biệt trong vũ trụ là do các hành vi có
chủ ý (nghiệp) của từng cá nhân. Chúng sanh là chủ nhân của đau khổ và
hạnh phúc. Không ai có thể ban phước giáng họa, ngoài hành vi thiện hay
ác của chính chúng ta.
Điều 94: Người Phật tử luôn
quan niệm rằng thế giới hiện tượng này thường có mặt của đau khổ
và an vui. Người Phật tử nên có ý thức chấm dứt đau khổ, hướng đến
an lạc. Nguyên nhân của các đau khổ này là các tâm lý xấu xa như khát
ái, tham, sân, si, v.v. . . Sự chấm dứt toàn bộ đau khổ và nguyên nhân của
nó là niết-bàn, niềm an lạc tuyệt đối. Con đường dẫn đến sự an lạc
của niết-bàn này là con đường trung đạo gồm tám yếu tố, đó là:
quan niệm chân chánh, tư duy chân chánh, lời nói chân chánh, hành vi chân
chánh, nghề nghiệp chân chánh, nỗ lực chân chánh, tỉnh thức chân chánh
và thiền định chân chánh.
Điều 95: Người Phật tử luôn
quan niệm rằng con đường trung đạo là con đường xa lìa sự tham đắm dục
lạc và khổ hạnh ép xác, và các cực đoan cũng như nhị biên. Đây là
con đường duy nhất hướng đến giải thoát, niết-bàn.
Điều 96: Người Phật tử ý thức
rõ ràng rằng con đường tu học trải qua nhiều gian nan và thử thách, do
đó, không hoài vọng về tương lai cũng như không truy ức về quá khứ;
trái lại, an trụ thân tâm vào từng phút giây tỉnh thức và chánh niệm của
hiện tại.
Điều 97: Người Phật tử nên ý
thức rõ ràng rằng sự sống của con người tồn tại trong khoảnh khắc của
thời gian, do đó, cố gắng tu tập và gột bỏ các bợn nhơ của tâm ngay
bây giờ và tại mọi nơi, chứ không đợi đến lúc tuổi già mới tu tập.
Điều 98: Người Phật tử nên duy
trì chánh niệm, tỉnh thức trong từng hành vi và cử chỉ; không để cho các
tâm niệm tham, sân, si và các tâm lý bất thiện khống chế và ngự trị
thân tâm mình.
Điều 99: Người Phật tử nên ý
thức và dang rộng đôi tay giúp đỡ mọi người với tinh thần vô ngã và
vị tha. Hãy mạnh dạn "nói với nhau" thay vì "nói về
nhau" để tháo gỡ mọi hiểu lầm,
rút ngắn khoảng cách phân chia, tìm đến sự hiểu biết, cảm thông và
tôn trọng lẫn nhau. Hãy từ bỏ thái độ tiếc rẻ. Hãy đối diện với
thực tại, nhận chân và vượt qua mọi trở ngại. Hãy dụng tâm
vào việc tu học, để không phải hối hận về sau.
Điều 100: Người Phật tử nên xem
bệnh khổ như thuốc trị tham dục, xem khó khăn và hoạn nạn như lò luyện
ý chí, xem nghịch duyên như nguồn thử lửa, xem ma quân như bạn đạo, xem
kẻ ác độc và người chống đối như thiện tri thức, xem sự xả bỏ
như vinh hoa, xem trí tuệ và đạo đức là tài sản quý nhất và xem đạo
Phật là con đường giải thoát cứu cánh.
PHỤ LỤC
CÁC NGÀY ĂN CHAY
- Hai
ngày: 1 và 15.
- Bốn
ngày: 1, 14, 15 và 30.
- Sáu
ngày: 8, 14, 15, 23, 29 và 39.
- Tám
ngày: 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24 và 30.
- Mười
ngày: 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29 và 30.
- Một
tháng: tháng giêng hay tháng 4 hay tháng 7 hay tháng 10.
- Ba
tháng: tháng giêng, tháng 7 và tháng 10.
- Bốn
tháng: tháng giêng, tháng 4, tháng 7 và tháng 10.
- Trường
trai: quanh năm suốt tháng.
Người ăn chay phải
giữ tâm trong sạch, tránh điều tội ác, làm việc nhân từ, thương người
mến vật, tu tập công đức, để ánh sáng từ bi và trí tuệ của đạo
Phật tỏa sáng khắp nhân loại và chúng sanh.
Tác giả khuyến khích
các hình thức ấn tống và truyền bá tác phẩm này trong tinh thần vô vụ
lợi
http://www.buddhismtoday.com/viet/ddtamly/daoductaigia.htm