Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Nói với đàn hậu tấn (*)
Vĩnh Minh Trí Giác Thiền Sư
      Thích Nguyên Hiền dịch

 

N ếu không thể nhập vào được cội nguồn đạo cả thì mãi đắm chìm trong sanh tử miên man, thác sanh vào các loài mang thai, đẻ trứng, ẩm thấp, hóa sanh, mang thân những loài xương sống đi ngang, đi dọc, bay trên không hay lội dưới nước. Trong các loài ấy, số không được mang thân người thì nhiều như đất cả đại địa, số may mắn mang thân người chỉ bằng chút cáu bẩn đầu ngón tay. Những kẻ được mang thân người phần nhiều lại sanh vào nơi biên địa hạ tiện. Như có phước được sanh vào nơi có Phật pháp lưu hành thì lại thọ thân người nữ, kẻ được thọ thân nam thì gù què tàn tật. Giả sử đầy đủ mười tướng trượng phu thì lại sanh vào thời tao loạn tàn khốc, kiếp số trược phiền, lấy xác thịt làm thân, lấy khí huyết làm mạng. Một đời vụt qua như lửa đá lập lòe, như đèn lay trước gió, như sóng nước bọt tan, như hơi tàn chớp mắt. Trong thời gian dun rủi ấy, những kẻ chết yểu chết oan nhiều khôn kể xiết. Ví như tuổi trời thọ quá 70(1) vạn người chỉ một. Người sống được đến tuổi Tri thiên mệnh(2), trừ khoảng thời gian bé bỏng non nớt, chẳng cần biết 30 tuổi hào hoa, 40 tuổi giàu có, gói ghém chừng 30 năm đã có quá nửa thời gian tật bệnh tai ương, hoạn nạn muộn sầu, ưu buồn khổ não… Do vậy người xưa có nói : “Lao đao trong một tháng, cười vui được mấy ngày”. Bởi thế, mừng vui thoáng chốc, phiền muộn dằng dai, khổ não dặm dài, an nhiên mấy chút, như cheo leo dốc cao vạn trượng, tợ bèo bọt sóng biển nghìn trùng. Phỏng được chút vui lại lo trôi dạt. Vả lại, cái sanh làm lao lung mình lúc ở trong thai, cái lão lại đoạt mất đi sắc thần thời trai tráng. Cái bệnh làm tổn hao hình hài diện mạo, cái chết làm bại hoại thần thức anh linh. Có vinh thì thao túng sự kiêu sa, có nhục thì bại hoại hết ý chí, hiển quý khiến cho người kiêu mạn, nghèo hèn bẻ gãy hết hành tung, giàu sang lung lạc sự tham lam, bần cùng bấp bênh những phước báo. Có niềm vui thì làm dấy động tâm tình, có nỗi khổ ắt khiến nhói đau thần thái, khen thì làm mình cống cao ngã mạn, chê thì mình bị mất hết thanh danh. Chưa nói, lạnh thì buốt giá tấm thân, nóng thì toái phiền tấm áo, khát thì khô cổ họng, đói thì sót ruột lòng, kinh thì khiếp cả hồn, sợ thì lạc cả vía. Ưu buồn làm quấy nhiễu tinh thần, khổ não làm bại hoại chí khí. Gặp thuận cảnh thì nuôi lớn lòng tham ái, đụng chuyện trái thì dấy khởi nỗi oán hờn, thân thiết thì kéo tình cảm dây dưa, xa lạ lại móng tính khí hằn học. Gặp chuyện hại thì tấm thân thương tổn, vướng nỗi sầu thì gan ruột rối bời, buông lòng cho ngộ cảnh sanh tâm, hờ hững để tùy tình động niệm. Dở hay tốt xấu cũng chẳng làm chi, chỉ tổ nới rộng vòng quay nghiệp dĩ, đều là cắt đứt nguồn cội đạo tâm. Có khi trong những cảnh ấy còn lừa lọc vua quan, dối gạt cha mẹ, thừa cơ nước đục thả câu, gió chiều nào xoay chiều ấy, tâm tính sài lang, ý thức khỉ vượn, cẩu thả vì lợi lộc, tàn lụi bởi thanh danh, dối trá mọi người, khinh suất các hạnh, a dua người quyền thế, rẻ rúng kẻ cô bần, đào sâu những tai ương, chất chồng bao nghiệp dĩ, quạt bừng lửa nóng, thổi lộng gió đi, lao đầu vào cõi bụi trần, quay lưng với bờ giác ngộ, đi lệch ngoài thánh chủng, chảy ngược với nguồn chơn, chỉ lo nhìn phía trước, chẳng nghĩ chuyện mai sau, toàn tính chuyện ra đi, chẳng nghĩ ngày trở lại, chăm chăm mưu cầu sự sống mà hờ hững nghĩ chuyện diệt vong. Thế thì khơi hào đào hố trước mỗi bước chân đi, luộc tan đốt cháy từng phút giây động niệm.

Ngày nay ví được sống sát-na nào giữa cõi đời này thì phải chứa nhóm đức nhân, nuôi dưỡng lòng từ, hướng tâm tu thiện, trừ bỏ điều ác. Sách xưa có dạy : “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ”. Đó là do thế gian thuận nghịch, nhân duyên chằng chịt, luống thọ thân tâm, khổ não hư vọng. Đều là do không biết ba cõi đều lưu xuất từ một chữ tâm này. Do năm thức Nhãn Nhĩ Tỷ Thiệt Thân và Thức thứ 8 đều là cái thấy biết bằng Hiện lượng, không có pháp nào ngoài tâm, do Minh liễu ý thức (thức thứ 6) tỷ lượng suy lường mà thành ngoại cảnh, toàn là phỏng theo sự tưởng tượng mà có. Nếu không có tưởng tượng thì vạn pháp vô hình. Cho nên trong kinh có nói : “Khi cái Tưởng diệt thì hoàn toàn tĩnh lặng, khi ý thức dừng thì hết thảy vô vi”. Kinh lại nói : “Các pháp không bền chắc, do niệm mà an lập, khéo hiểu rõ pháp không, tất cả không tưởng niệm”. Nếu liễu ngộ được diệu chỉ Nhất tâm này, ngoài tâm không có pháp nào bày hiện, há lại có những chuyện ham thích để trong lòng, chuyện thị phi chen vào ý ?

Phật nói kệ rằng :

                   Chưa đạt cảnh duy tâm

                            Khởi vô vàn phân biệt

                            Đạt cảnh duy tâm rồi

                            Tâm phân biệt cũng hết

                            Liễu đạt cảnh duy tâm

                            Xả hết tướng ngoại trần

                            Từ  đó  dứt  phân  biệt

                            Ngộ chân như bình đẳng”.

Cho nên Luận Khởi Tín nói : “Tất cả cảnh giới đều do tâm vọng động, nếu tâm không khởi thì tất cả cảnh giới đều diệt”. Chỉ có chơn tâm trùm khắp các cõi, vì thế cho nên Ba cõi là hư ngụy, đều do tâm tạo ra. Lìa tâm tức không có cảnh giới Lục trần cho đến tất cả phân biệt. Tức phân biệt là từ nơi tâm, tâm mà không thấy tâm thì không có cái tướng nào để thấy. Cổ đức có dạy : “Ngoài tâm có pháp, sanh tử luân hồi, ngoài tâm không pháp, sanh tử dứt tuyệt”. Kinh nói : Sự sanh khởi các pháp là do tâm hiển hiện. Luận nói : Ba cõi không có pháp nào khác, chỉ là do tâm tạo tác. Nếu đã tin được Nhất Tâm thì phải thầm hợp với Thiền định. Như kinh dạy : “Nếu có thể giáo hóa chúng sanh trong ba ngàn đại thiên thế giới tu hành Thập Thiện, chẳng bằng trong chốc lát nhất tâm vắng lặng thể nhập pháp môn Nhất tướng”. Nếu có thể liễu đạt tự tâm một cách chắc thật, cùng với định huệ tương ưng thì có năng lực không dấy động trần lao, liền thành Chánh giác. Những điều chứng ngộ được trong một đời tu hành không gì vượt qua chỗ này. Xin khuyến tấn khắp các bậc hậu hiền phải khắc cốt ghi tâm.

                                                                             Mạnh  Đông  năm  Kỷ  Mão.

                                                                               Hậu học Thích Nguyên Hiền


(*) Nguyên tác tựa đề này là Cảnh Thế (răn đời), người dịch xin đổi lại đề tựa này cho nhẹ nhàng.

(1) Nguyên văn là “Nhĩ thuận”, lấy ý từ câu “Thất thập nhi nhĩ thuận”, tức 70 tuổi thì nghe gì cũng thuận tai.

(2) Nguyên văn là “Tri mệnh”, lấy ý từ câu “Ngũ thập tri thiên mệnh”, tức 50 tuổi thì biết   mệnh trời.

 


Vào mạng: 1-10-2001

Trở về mục "Đạo đức-Tâm lý học Phật giáo"

Đầu trang