- MƯỜI HAI YẾU TỐ SỐNG
HẠNH PHÚC
******
Hạnh phúc là niềm mơ ước, niềm khoắc khoải muôn thuở của con
người. Không ai sống trên quả địa cầu này lại không mang niềm ước
mơ hạnh phúc. Bởi hạnh phúc là cái rất thân thiết mà con người không
thể thiếu được. Nhưng hạnh phúc không phải là món quà do người khác
ban tặng, mà hạnh phúc chính do sự tạo dựng của mỗi người. Vì vậy
để có được một đời sống hạnh phúc thật sự đòi hỏi mỗi người
phải có sự nỗ lực lớn, nhiều lúc cần vận dụng tất cả ý chí mới
mong đạt được. Đồng cảm với những ưu tư, khoắc khoải đó của mỗi
người, kinh Hạnh phúc Đức Phật đề cập đến mười hai yếu tố nhằm
giúp con người sống hạnh phúc. Tìm hiểu và áp dụng các yếu tố này
vào đời sống hằng ngày sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều trên con đường
kiến tạo hạnh phúc, an lạc.
* Yếu tố thứ nhất: Luôn luôn thành thật với chính mình.
Thành thật với chính mình là ý thức quay trở về để thấy
rõ mình, nhìn nhận mình và bắt đầu cho một cuộc cách mạng tự thân.
Có nghĩa là không tự dối gạt mình, không che dấu những tật xấu mình
đang có mà luôn luôn mạnh dạn nhận lãnh những lỗi lầm của mình và
quyết tâm sửa đổi. Chẳng hạn như ta là một người ích kỷ, không
chân thật thì ta phải biết chấp nhận đó là những tánh xấu của ta và
quyết tâm sửa đổi chứ không bào chửa biện minh. Thành thật với chính
mình là yếu tố giúp chúng ta cải thiện không ngừng để trở thành một
người hoàn thiện. Người có đức thành thật với chính mình tức sẽ tạo
niềm tin yêu, kính mến người khác. Kinh Pháp Cú ghi : "Thành
tín là bạn chí thân" chính là ý nghĩa này. Muốn có hạnh phúc
thật sự bạn phải luôn luôn thành thật với chính mình.
* Yếu tố thứ hai: Biết hổ thẹn và ăn năn sửa đổi lỗi lầm.
Đã là người, là :"Nhân vô thập toàn", không ai
không khỏi có những lỗi lầm. Nhưng điều cao quý và quan trọng là khi vấp
phải một lỗi lầm nào liền phải biết hổ thẹn, ăn năn sửa đổi các
lỗi lầm ấy. Hổ thẹn là yếu tố tâm lý thiện rất quý báu và rất cần
thiết mà mỗi người cần luôn biết làm cho dấy khởi. Có những người
vấp phải những lỗi lầm nhưng họ không biết hổ thẹn ăn năn, cho nên
từ những lỗi lầm này kéo theo những lỗi lầm khác lần hồi sẽ đưa
đẩy họ vào con đường đau khổ khôn nguôi. Làm điều lỗi lầm, xấu
ác mà không biết hổ thẹn hối cải là người ác nhất và sẽ gánh chịu
những hậu quả khổ đau nhất trên đời.
Ở đời người không tạo nên lỗi lầm rất là hiếm có. Họ là những
vị Thánh sống. Đức Phật thường ca ngợi, tán thán những người có lỗi
lầm, có ác ý làm việc ác nhưng sớm biết ăn năn hối cải. Biết hổ thẹn
và hối cải lỗi lầm là hạt giống tốt, là một yếu tố cần thiết để
làm nẩy nở hoa trái hạnh phúc. Biết hổ thẹn và ăn năn, sửa đổi lỗi
lầm là điều rất quan trọng và rất khó làm, nhất là điều xấu ác ấy
đã quá gắn chặt, và trở thành tập quán mà Duy Thức học gọi là
"chủng tử" thì lại càng khó thay đổi. Cho nên để sửa đổi, hối
cải những lỗi lầm không cho tái phạm trở lại đòi hỏi phải có một
ý chí rất lớn, đôi lúc phải đem cả bản thể, sinh mệnh mới mong vượt
thoát được.
Đừng bao giờ có tư tưởng rằng: "Đã lỡ rồi cho lỡ
luôn", mà phải luôn biết dừng lại và cải hối tự thân để vươn
lên. Phải nên nhớ rằng, không ai thương ta bằng chính ta cả. Vì vậy có
đôi lúc cho dù người khác không chấp nhận sự ăn năn hối cải của mình,
thì cũng đừng nên bận tâm, miễn là tự mình biết thắp sáng ý thức sửa
đổi để làm lại cho tốt là đủ lắm rồi. Hãy nỗ lực để trở nên
người hoàn thiện, là nguồn hạnh phúc cho chính mình, cho mọi người.
* Yếu tố thứ ba: Tin vào khả năng tốt của mình.
Đức tự tin là một đức tính vô cùng quý báu. Tin tưởng mình có
khả năng tốt thì hẳn nhiên sẽ giúp mình làm nhiều điều tốt. Trong mỗi
người đều có sẵn những đức tính tốt như tâm thương yêu, tâm hiểu
biết, tâm vui tươi và tâm bao dung cởi mở. Những đức tính này rất quý
báu, rất mầu nhiệm, nó có khả năng hóa giải được tâm giận hờn,
tâm cố chấp, tâm âu lo, tâm ích kỷ và bảo thủ. Những hạt giống quý
báu và mầu nhiệm ấy đang bị che phủ bởi những tập quán xấu, bất
thiện như tham lam, giận dữ, si mê. Vì vậy, trong đời sống hằng ngày ta
phải luôn định tỉnh, quán sát, theo dõi để loại trừ dần các tâm bất
thiện và phát triển những hạt giống thiện. Cần phải luôn ý thức rằng
những đức tính tốt là yếu tố đưa đến hạnh phúc, an lạc. Những đức
tính xấu là yếu tố đưa đến đau khổ, bất an. Kinh Hoa nghiêm Đức Phật
đã ngợi ca về khả năng tốt đẹp của con người khi nói: "Nhân thị
tối thắng" là lời xác quyết hùng hồn làm cho chúng ta vững
tin hơn. Hãy tin vào khả năng tốt của chính mình và hãy phát triển khả
năng ấy để tạo dựng hạnh phúc cho chính mình và đồng loại.
* Yếùu tố thứ tư: Quyết xa lánh bạn xấu ác.
Tục ngữ của dân tộc ta có câu: "Gần mực thì đen, gần đèn thì
sáng" là một lời khuyên nhủ rất quan trọng mà ta phải hết sức
cẩn thận. Trong cuộc đời, ta vẫn thường thấy sự thành công hay thất
bại của một người thì phần nhiều nhờ yếu tố hoàn cảnh bên ngoài.
Những người được gặp gỡ, gần gũi những bạn tốt, những bậc đại
nhân thì quả là một may mắn rất lớn. Bởi những người bạn tốt thì
luôn luôn khuyến khích, un đúc chí hướng thượng cho ta, giúp ta phát triển
những đức tính tốt, ngăn ngừa không cho ta làm các điều xấu ác. Ngược
lại, bạn xấu ác là những người trong lòng chứa nhiều điều bất thiện,
tâm họ thường nghĩ điều ác, miệng nói lời ác và thân làm việc ác. Nếu
thân cận với những kẻ ấy sớm muộn gì bạn cũng sẽ trở thành người
xấu như họ. Lúc nào tâm ta chưa được tự chủ hoàn toàn, bản chất đời
sống của ta chưa được thánh thiện thì
xa lánh bạn xấu ác là cách hay nhất để không bị nhiễm các tánh xấu.
Trong xã hội ngày nay, do đời sống vật chất bên ngoài tác động, nên
không những tìm được người bạn tốt rất khó, mà tìm môi trường tốt
để cho chúng ta sinh hoạt cũng rất hiếm. Vì vậy hãy quyết tâm xa lánh bạn
xấu, xa lánh môi trường xấu và hãy chọn bạn lành để thân cận, nương
tựa. Nếu không tìm được bạn tốt, thì thà làm bạn một mình chứ nhất
quyết đừng làm bạn với kẻ xấu. Thân cận bạn lành và xa lánh bạn xấu
là yếu tố quan trọng để hoàn thiện con người của chúng ta.
* Yếu tố thứ năm: Yêu thương đi đôi với trí tuệ và lòng
chân thật.
Yêu thương là một loại tình cảm rất đẹp đẽ, cao quý mà bất cứ
ai cũng có. Nhưng tình cảm ấy cần phải được nuôi dưỡng bằng trí tuệ
và lòng chân thật thì mới được bền vững. Thương ai thì ta phải đem
trí tuệ và lòng chân thật của ta để làm cho người đó được hạnh phúc.
Cha mẹ thương yêu con phải để nhiều thì giờ săn sóc con, dạy bảo con
bằng lời lẽ hiền dịu đúng đắn,
bằng sự sống trong sạch và bằng tất cả tấm lòng chân thật của
mình. Thương cha me, thương anh em, thương vợ chồng, thương thầy bạn
cũng luôn đem tình thương trong sáng, tình chân thật ấy đối đải mới gọi
là thương.Thương nếu không đi đôi với trí để soi chiếu, không đem lòng
chân thật để đối đải lẫn nhau thì càng thương càng đưa đến xung đột,
đau khổ và thù oán cho nhau. Cho nên thương phải luôn đi đôi với trí tuệ
và lòng chân thật thì tình thương ấy mới được vẹn toàn vững bền.
* Yếu tố thứ sáu: Rèn luyện ý chí vượt thoát và không sợ
hãi.
Sợ hãi là một tập quán cố hữu của con người. Sợ hãi nên thường
né tránh sự thật, sợ hãi nên chạy trốn với chính mình, sợ hãi nên
nói dối và cũng từ sợ hãi nên có thể gây tạo nên nhiều điều tội lỗi.
Người thường ôm lòng sợ hãi sẽ không sống an ổn hạnh phúc và hướng
thượng được. Muốn chấm dứt tâm lý sợ hãi phải rèn luyện ý chí vượt
thoát những cố chấp thường tình. Phải rèn luyện sống đời sống chân
chánh, tập nói sự thật, nhìn thẳng sự thật và sống với sự thật của
chính mình. Hãy quyết không nói dối để được người thương, không nói
dối để được lòng người, không nói dối để tránh trách nhiệm. Sợ mất
uy tính, sợ cô đơn, sợ bị người coi thường, sợ chết chóc... Đó là
căn bệnh trầm trọng của nhiều người. Luyện ý chí để vượt thoát
qua sự sợ hãi đòi hỏi phải có một sự nỗ lực lớn. Quán về vô thường,
về nhân quả sẽ giúp chúng ta thấy rõ được sự thật của các pháp, từ
đó tâm được định tỉnh tự chủ.
*Yếu tố thứ bảy: Vun bồi và phát triển lòng từ bi.
Lòng từ bi là một loại tình cảm rất đặc sắc trong đạo
Phật. Tình cảm này vượt ra ngoài tình yêu nam nữ, người thân. Chỉ thương
người thân mình, bản thân mình là một thứ tình cảm đáng khuyến
khích, nhưng loại tình cảm này nếu không được trau dồi và quán chiếu
rộng lớn hơn thì dễ rơi vào đau khổ oan trái. Từ bi là lòng thương yêu
bao trùm khắp tất cả, không phân biệt kẻ sơ, người thân, quốc gia, chủng
tộc mà chỉ có lòng mong muốn đem an vui đến cho tất cả. Lòng từ bi là
tâm trắc ẩn thương người, thương đời, thương cả muôn vật cỏ cây.
Nhờ có tâm trắc ẩn thôi thúc mà phát tâm làm các điều lành cứu giúp
người khốn khổ một cách bình đẳng. Vun bồi và phát triển lòng từ bi
có nghĩa là vun bồi và phát triển nguồn an lạc và hạnh phúc của chính
mình và người.
* Yếu tố thứ tám: Thường giữ lòng hoan hỷ.
Hoan hỷ là lòng luôn vui tươi, bao dung, cởi mở và nụ cười
tươi mát luôn nở trên môi. Để có được lòng hoan hỷ thì trong tâm phải
có đủ hai yếu tố là hiểu biết và thương yêu. Thương người vì hiểu
hoàn cảnh của người, hiểu người để thương mà không có thành kiến,
không bắt buộc người mình thương phải tùy thuận theo ý muốn của
mình. Từ bỏ được lòng tham, lòng sân, tà kiến và cố chấp thì cõi
lòng sẽ luôn tươi mát, tự tại, bình an và hoan hỷ. Thường quán chiếu
để thấy được các pháp vốn là vô thường, giả ảo, duyên khởi thì
tâm sẽ không bị vướng mắc, rồi từ đó ứng xử với mọi người theo
tinh thần ấy thì sẽ giúp mình và người sống an lạc hoan hỷ. Thường
giữ lòng hoan hỷ sẽ giúp ta lạc quan giữa bộn bề phiền toái của cuộc
sống.
* Yếu tố thứ chín: Sống theo hạnh xả chấp.
Hành trình sống của con người cũng như một con thuyền ra khơi giữa
sóng to gió lớn. Nếu không khéo lèo lái và trút bỏ những hành trang
không cần thiết, thì chiếc tàu sẽ dễ bị chìm đắm. Cũng vậy, trong cuộc
đời nếu chúng ta cứ ôm nắm, chấp giữ quá nhiều những giận hờn,
trách móc, những bất như ý mà người khác vô tình hay cố ý đem đến
cho ta thì ta sẽ khổ đau ray rứt mãi. Vì vậy muốn được an lạc hẳn
nhiên chúng ta phải nỗ lực loại bỏ tất cả những chấp trước gây thương
tích khổ đau cho mình. Hãy học hạnh xả chấp, yêu thương với tất cả
ngay cả với những người đem đến điều bất hạnh cho mình. Sự sống
là một dòng biến chuyển tiến hóa không ngừng. Kẻ cố chấp là người
không bao giờ tiến bước lên phía trước được. Người xả chấp là người
biết hòa mình vào dòng tiến hóa không ngừng.
* Yếu tố thứ mười: Nương theo pháp lành và sống chơn chánh. Sống chân chánh và sống nương theo pháp lành
là lý tưởng sống mà người Phật tử cố thực hiện theo. Người Phật
tử phát nguyện nương theo Phật, nương theo giáo pháp, nương theo những vị
xuất gia chân chánh là để trau dồi tâm ý và để sống đời sống hướng
thượng thanh cao. Đó là nền tảng vững chắc của pháp lành, của hạnh
phúc chân thật. Hạnh phúc chân thật là hạnh phúc lâu dài, đem đến an
vui cho mình và người trong hiện tại cũng như trong tương lai. Sống theo pháp
lành chắc chắn sẽ có được nguồn hạnh phúc thật sự. Sống chân
chánh là sống đúng theo chánh pháp, làm nghề nghiệp sinh sống một cách
chân chánh. Tài sản kiếm được do công lao làm việc khó nhọc của mình,
do tâm hồn và trí tuệ trong sạch phát kiến, do thừa kế sự nghiệp chứ
không do sát sanh, trộm cướp hay bán thân mà có. Muốn có hạnh phúc thật
sự phải nương theo pháp lành, để sống một đời sống chân chánh, lương
thiện, cho dù vật chất có thiếu thốn đi nữa, nhưng tinh thần sẽ rất
thanh thản, an vui.
* Yếu tố thứ mười một: Trau dồi thân tướng và giữ gìn sức khỏe
Một người có thân tướng tốt đẹp là do họ đã gây tạo nhiều
nhân tốt, nó phát sinh từ tâm hồn đẹp và nhân cách cao quý. Có người
có sắc diện đẹp, nhưng không có thân tướng sáng vì nhân cách thấp
kém và tâm hồn không trong sạch. Một người có tướng dẹp, tướng sáng,
tướng quý là do họ biết gieo trồng nhiều điều lành, tâm hồn rộng lượng,
thành thật, nhân ái và chánh trực. Chính nhờ vậy nên họ luôn luôn là
người có sức khỏe tốt và sống lâu. Cho nên để trau dồi, giữ gìn sức
khỏe được thật tốt, ngoài việc luyện tập thân thể, ăn uống điều
độ... còn có một cách tốt nhất đó là tránh không làm điều xấu ác
và giữ tinh thần luôn được vui tươi, định tỉnh. Những tâm lý như buồn
rầu, lo lắng, tức giận, ích kỷ... là những độc chất nguy hại đến sức
khỏe và dung nhan của chúng ta rất mãnh liệt mà chúng ta cần nên loại bỏ.
* Yếu tố thứ mười hai: Sống hòa hợp với thiên nhiên.
Chưa có lúc nào con người cảm thấy môi trường sống của mình bị
đe dọa như lúc này. Các nhà môi sinh đã kêu gọi các nước trên thế giới
hãy cùng nhau bảo vệ môi trường thiên nhiên một cách khẩn cấp. Cho thấy
tầm quan trọng của thiên nhiên như thế nào. Nhờ thiên nhiên con người mới
sống, hít thở được không khí trong lành, làm sạch buồng phổi và có
tinh thần sảng khoái không bị căng thẳng. Đức Phật là hiện thân của
một đời sống hòa hợp với thiên nhiên, cuộc đời Ngài luôn gắn liền
với thiên nhiên, Ngài đản sanh, xuất gia, thành đạo và nhập Niết bàn
đều ở giữa thiên nhiên với rừng cây bao bọc. Thiên nhiên là nguồn sống
vô tận, có công năng nuôi dưỡng thân thể và sự sống của chúng ta. Ở
xã hội Tây phương hiện nay, người ta đua nhau tìm về với thiên nhiên cũng
vì lý do này. Sống hòa hợp và bảo vệ thiên nhiên chính là bảo vệ hạnh
phúc của chúng ta và của thế hệ sau này.
Trong thời đại khoa học điêïn toán hôm nay, nền khoa học kỷ nghệ
đã đạt được những thành quả lớn lao nhưng không phải nhờ những
thành quả này mà con người có được một đời sống hạnh phúc.
Con người vẫn còn đó
những bế tắc về tâm lý, những ray rứt âu lo về tinh thần, những xung
đột giữa các quốc gia, giữa con người và con người, giữa con người và
môi trường sống. Chính vì vậy nên các phương pháp để giải tỏa những
bế tắc của con người sẽ mãi hoài còn nguyên giá trị. Mười hai yếu tố
gieo và trồng để tạo nguồn hạnh phúc như Đức Phật đã đề cập rất
là cần thiết cho con người hôm nay trong công trình kiến tạo hạnh phúc
chân thật. Áp dụng được các yếu tố này vào trong đời sống ngày nay
thì chắc chắn con người sẽ sống tự tin hơn, thương yêu, bao dung và cởi
mở với nhau hơn, là những điều mà thế giới hôm nay rất cần đến.
(Thanh Sơn trích dẫn Tuyển
tập Uống nước nhớ nguồn của Võ Hồng và nhiều tác giả)