Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt    

   

...... ... ..  . ..  .  .
TÂM VÀ ĐẠO
QUÁN TƯỞNG VỀ CUỘC SỐNG TRONG ĐẠO PHẬT
Ajahn Sumedho

Tâm dẫn đầu các pháp
Tâm là chủ, tạo tác
Nếu nói hay hành động,
Với tâm niệm bất tịnh,
Khổ não liền theo sau,
Như xe theo bò vậy
 
Tâm dẫn đầu các pháp.
Tâm là chủ, tạo tác.
Nếu nói hay hành động,
Với tâm niệm thanh tịnh,
An lạc liền theo sau,
Như bóng chẳng rời hình
Kinh Pháp Cú, 1- 2

 


Phần I: Tiếp Cận Với Đạo
Chương 1
Đạo Phật có phải là một tôn giáo không?

 

Chúng ta thường dễ dãi nghĩ  là mình đã hiểu biết về tôn giáo vì tôn giáo có ảnh hưởng rất sâu rộng trong đời sống văn hóa của chúng ta.  Tuy nhiên, nhín chút thì giờ để  quán niệm và suy tưởng về mục đích và mục tiêu thật sự của tôn giáo vẫn là điều hữu ích.

Có người thường xem tôn giáo là niềm tin vào một Đấng Thượng Đế hay những vị thần linh và từ đó, họ cho rằng bất cứ tôn giáo nào chủ trương tin vào thần thánh, hay nói khác đi, có quan điểm hữu thần,  mới thật sự là tôn giáo.  Vì thế, các tôn giáo hửu thần thường cho đạo Phật là đạo vô thần, hay thậm chí không phải là tôn giáo.  Họ xem Đạo Phật như là khoa triết học hay tâm lý học vì   đạo Phật không chủ trương tin vào thần linh hay thượng đế.  Đạo Phật không dựa trên một lý thuyết siêu hình hay giáo điều nào đó mà chỉ dựa trên một kinh nghiệm chung của toàn thể nhân loại--đó là sự đau khổ.   Tư tưởng nền tảng của Đạo Phật là qua việc suy tưởng, quán niệm, và hiểu biết  về  kinh nghiệm khổ đau chung đó, loài người có thể vượt lên trên những ảo tưởng tâm lý đã tạo nên chính sự khổ đau của họ.

 

Từ "tôn giáo" hay "religion" có gốc từ tiếng La tinh "religio" có nghĩa là "mối liên hệ", "sự nối kết" hay "sự kết hợp."  Nó hàm ý về quan hệ giữa con người và một đối tượng thiêng liêng và ảnh hưởng bao trùm của quan hệ nầy trên toàn bộ nhân cách của người đó.    Để trở thành một người thật sự "tôn giáo",  bạn phải tìm cầu và thiết lập quan hệ với một đối tượng thiêng liêng, hay một thực tại tuyệt đối, dâng hiến đời mình và sống trọn vẹn với quan hệ đó cho đến lúc bạn đạt được sự hiểu biết tối thượng.  Tất cả tôn giáo đều nói về "sự giải thoát" và "sự cứu rỗi."  Những danh từ đại loại như thế nhằm truyền đạt  ý nghĩa về sự tự do và giải thoát  khỏi những mê lầm và ảo tưởng tâm lý, sự tự do tuyệt đối và viên mãn, sự hiểu biết  toàn bộ về thực tại tuyệt đối.  Trong đạo Phật, chúng ta gọi đó là giác ngộ.

 

TÌM HIỂU VỀ BẢN CHẤT CỦA  SỰ KHỔ ĐAU

Đạo  Phật là đạo suy tưởng và quán niệm về sự khổ đau vì đó là kinh nghiệm chung của toàn thể nhân loại.  Trong đạo Phật, khổ đau không nhất thiết phải là một tấn thảm kịch lớn hay một nỗi bất hạnh khủng khiếp.  Nó đơn giản chỉ là một  tình cảm bất toại nguyện, không hạnh phúc, và thất vọng  mà tất cả chúng ta đều cảm nhận nhiều lần trong cuộc đời.  Khổ đau là kinh nghiệm chung của cả nam lẫn nữ,  cả người giàu lẫn người nghèo.  Dù chúng ta khác biệt về màu da và dân tộc, khổ đau vẫn là sợi dây chung ràng buộc chúng ta lại với nhau.

Vì thế trong Đạo Phật, khổ đau được xem là một sự thật thánh thiện.  Nó không phải là sự thật tuyệt đối.  Khi Đức Phật giảng dạy về khổ đau như một sự thật thánh thiện,  Ngài không có ý muốn buộc chúng ta vào khổ đau và mù quáng tin vào đó như một sự thật tuyệt  đối.   Trái lại, Ngài dạy chúng ta dùng kinh nghiệm khổ đau như  một chân lý thánh thiện để suy tưởng và quán niệm. Chúng ta quán tưởng:  Khổ đau là gì?   Thực chất của nó là gì?  Tại sao ta đau khổ?  Đau khổ về cái gì?

Hiểu biết  được bản chất của khổ đau là một cái nhìn trí tuệ quan trọng.  Với kinh nghiệm sống riêng của bạn, bây giờ bạn hãy thử suy nghĩ.  Trong đời, bạn đã dành bao nhiêu thời gian để tránh né hoăïc chạy trốn khỏi những điều phiền lòng hay những gì bạn chống ghét?  Xã hội mà chúng ta đang sống đã bỏ ra biết bao công sức  để đi tìm hạnh phúc và lạc thú ở đời và trốn tránh những điều khó chịu và những gì chúng ta không ưa thích?  Chúng ta có thể cảm thấy hạnh phúc trong một khoảnh khắc nào đó, say mê miệt mài trong một khoảnh khắc nào đó, đạt được những điều mà chúng ta cho là không phải khổ đau chẵng hạn như  một tình cảm sôi nổi và hứng thú, một mối tình lãng mạn, một cuộc phiêu lưu kỳ thú, những khoái lạc về  thân xác, ăn uống, nghe âm nhạc, hay nhiều thứ khác nữa.  Nhưng thật ra, chúng ta làm tất cả những điều nầy chỉ là để trốn tránh và xua đuổi những  nỗi sợ hãi , bất mãn, lo âu, và phiền muộn luôn là bóng ma lãng vãng trong  tâm thức chưa giác ngộ của chúng ta.  Ngày nào mà con người còn sống trong vô minh và không chịu cố gắng nhìn thẳng vào và tìm hiểu bản chất của khổ đau,  con người sẻ tiếp tục bị ám ảnh và không ngừng lo âu và sợ hải về chính cuộc sống của mình.

Để hiểu được khổ đau đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận thay vì tìm cách xua đuổi và chối bỏ nó, hay đổ lỗi cho người khác.   Chúng ta sẽ nhận ra rằng khổ đau có nguyên nhân của nó, rằng nó tùy thuộc vào một số điều kiện nào đó--những điều kiện tâm lý do chúng ta tự tạo hay do nếp sống văn hóa và gia đình của chúng ta huân tập. Kinh nghiệm sống và quá trình huân tập nầy bắt đầy ngay từ lúc chúng ta lọt lòng mẹ.  Gia đình, tập thể, cộng đồng, trường học, tất cả những định chế này đã gieo trồng và nuôi dưỡng trong tâm chúng ta những định kiến, thiên kiến, và quan điểm--cả thiện lẩn bất thiện.

Giờ đây, nếu chúng ta không thật sự nhìn thẳng vào những điều kiện tâm lý nầy, xem xét và tìm hiểu bản chất thật sự của chúng, dĩ nhiên chúng ta sẽ tiếp tục bị chúng sai khiến, chúng ta sẽ hiểu và diễn giải kinh nghiệm sống của mình qua những cái nhìn lệch lạc.  Nhưng nếu chúng ta xem xét và tìm hiểu chính bản chất của sự đau khổ,  chúng ta sẽ bắt đầu làm quen với những tình cảm như nỗi kinh sợ, lòng khát khao, và sự ham muốn, và rồi chúng ta sẽ khám phá ra rằng bản chất thật sự của chúng ta không phải là những dục vọng hay nỗi sợ hãi nầy. Bản chất thật sự của chúng ta là không tùy thuộc vào bất cứ điều kiện nào.

 

PHÁP HỮU VI, PHÁP VÔ VI, VÀ Ý THỨC CON NGƯỜI

Các tôn giáo thường lấy quan hệ giữa thế giới hửu vi (thế giới duyên sinh và hửu hạn) và thế giới vô vi (thế giới không bị giới hạn và chi phối bởi thời gian và những điều kiện vật chất và tâm thức) làm đối tượng chính.  Điều nầy có nghĩa là nếu đi vào tận cốt lỏi của bất cứ  tôn giáo nào, bạn sẽ thấy là tất cả đều đặt trọng tâm vào điểm chấm dứt của cuộc sống, hay sự ngừng nghỉ của thế giới hửu vi.  Sự chấm dứt của thế giới hữu vi cũng là điểm bắt đầu của sự chứng ngộ và hiểu biết về thế giới vô vi. Thuật ngữ đạo Phật có ghi:  " Có pháp vô vi; và nếu không có pháp vô vi, thì cũng không có pháp hữu vi."  Pháp hữu vi sinh và diệt trong pháp vô vi, và qua đó, chúng ta có thể thấy được quan hệ giữa thế giới hữu vi và thế giới vô vi.  Đã sinh ra làm người, chúng ta phải chịu sự chi phối  của những giới hạn và điều kiện của thế giới dựa trên giác quan.  Sự ra đời của chúng ta có nghĩa là chúng ta thoát sinh từ thế giới vô vi và thị hiện dưới dạng một sắc thân riêng biệt   và tùy thuộc vào nhiều điều kiện.   Và có sắc thân con người nầy cũng có nghĩa là chúng ta có ý thức.

Ý thức luôn xác định  quan hệ giữa chủ thể và khách thể, và trong Đạo Phật,  ý thức được xem là một chức năng phân biệt của tâm.  Ngay bây giờ,   bạn hảy suy nghĩ về điều nầy. Bạn đang ngồi đây và lắng nghe những lời nầy.  Đây là kinh nghiệm của ý thức.  Bạn có thể cảm thấy hơi nóng trong phòng, bạn có thể nhìn quang cảnh xung quanh, bạn có thể nghe những âm thanh.  Tất cả điều nầy có nghĩa là bạn đã được sinh ra trong sắc thân con người và từ đây cho đến cuối đời, ngày nào mà sắc thân nầy còn sống,  nó sẽ tiếp tục ghi nhận cảm thọ và ý thức sẽ tiếp tục sinh khởi. Ý thức luôn cho ta cái ấn tượng là có chủ thể và khách thể, vì thế nên khi chúng ta không chịu khó quan sát và tìm hiểu bản chất thật sự của sự vật, chúng ta sẽ bị kẹt trong cái nhìn nhị nguyên "Sắc thân nầy là của tôi, cảm thọ nầy là của tôi, ý thức nầy là của tôi."

Do đó, thái độ nhị nguyên sinh khởi từ ý thức.  Và để rồi, với khả năng hiểu biết, ghi nhớ, và nhận thức của tâm, chúng ta xây dựng cho mình một cá tính hay nhân cách.  Thỉnh thoãng chúng ta rất  yêu thích và thú vị về nhân cách của mình.  Nhưng đôi khi chúng ta lại sợ hãi một cách vô lý,  có cái nhìn sai lệch, và lo âu về chính con người của mình.

 

ƯỚC VỌNG CỦA TÂM THỨC CON NGƯỜI

Trong  tất cả xã hội có đời sống vật chất phát triển cao hiện nay, phần lớn các nỗi thống khổ và tuyệt vọng của con người đều bắt nguồn từ sự kiện là chúng ta--những con người hiện đại--thường không thể hướng đến với một cái gì cao hơn ngoài cái hành tinh mà chúng ta đang sống và ngoài sắc thân làm  người nầy của chúng ta. Xã hội hiện đại không thật sự khuyến khích con người ước mơ và hướng về sự hiểu biết tối thượng hay quả vị giác ngộ.   Ngược lại, hình như người ta thường ngăn cản mong ước nầy.

Vì không liên hệ được với một sự thật cao hơn cuộc đời bình thường nầy, cuộc sống của chúng ta trở thành vô nghĩa. Nếu chúng ta không thể liên hệ được với một cái gì khác hơn ngoài những kinh nghiệm của một thân xác con người sống trên trái đất, trong cái vũ trụ đầy bí ẫn nầy, tất cả ý nghĩa của cuộc sống sẽ chỉ là để sinh ra rồi chết.    nhiên,  câu hỏi kế tiếp sẽ là mục đích của cuộc sống là gì?  Ý nghĩa của cuộc đời là gì? Tại sao chúng ta phải quan tâm về vấn đề nầy? Tại sao cuộc sống phải có một mục đích? Tại sao cuộc đời phải có ý nghĩa? Tại sao chúng ta muốn cuộc sống phải có ý nghĩa?   Tại sao chúng ta tạo ra những ngôn ngữ, triết học, và tôn giáo? Tại sao chúng ta mong mỏi hay ước mơ về sự giác ngộ tối thượng nếu tất cả những gì đang có hay có thể có chỉ là kinh nghiệm sống dựa trên cái nhìn của tự ngã? Phải chăng  việc chúng ta được sinh ra trong sắc thân làm người nầy, với những giới hạn của nó, chỉ là một ngẩu nhiên trong cái hệ thống hành tinh vượt ngoài tầm kiểm soát của chúng ta?

Chúng ta không thể hiểu được tường tận cái vũ trụ mà chúng ta đang sống.  Chúng ta chỉ có thể nghi vấn về nó.  Chúng ta có thể trực cảm và ngắm nhìn vũ trụ, nhưng chúng ta không thể nào thu  nó nhỏ lại thành viên thuốc.  Đầu óc của chúng ta cũng không ghi nhận hết  được nó.  Vì thế,  cách suy nghĩ   duy vật khuyên chúng ta càng không nên đặt ra những câu hỏi nầy.  Ngược lại, nó thúc đẩy chúng ta diển giãi tất cả kinh nghiệm của cuộc đời nầy bằng lô gích và lý luận, dựa trên những giá trị của chủ nghĩa duy vật và khoa học thực nghiệm.

 

KINH NGHIỆM TỈNH  THỨC

Đạo Phật chỉ cho chúng ta thấy cái kinh nghiệm chung hay phổ biến của tất cả chúng sinh, đó là khổ đau.  Đạo Phật cũng trình bày cho chúng ta con đường đi ra khỏi khổ đau. Khổ đau là kinh nghiệm có sức mạnh làm thức tỉnh con người. Khi chúng ta đau khổ, chúng ta bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi.   Chúng ta có khuynh hướng đi tìm, xem xét, nghi vấn, và thử tìm giải đáp.

Trong câu chuyện của Thái tử Siđdattha (tên của Đức Phật trước khi Ngài giác ngộ), chúng ta được kể khi còn là thái tử, Ngài sống trong khung cảnh chỉ có dục lạc, sắc đẹp, tiện nghi, và ân sủng--nói khác đi, Ngài có tất cả những gì tốt đẹp nhất trên đời.  Và rồi, như câu chuyện tiếp tục kể, vào lúc hai mươi chín tuổi, Thái tử Siđhattha rời cung điện hoàng gia đi tham quan ngoại thành, và trong chuyến đi nầy, Ngài gặp và biết được những sứ giả hiện thân của tuổi già, bệnh tật, và sự chết.

Ngày nay, có người sẽ nói là chắc chắn Đức Phật phải biết về tuổi già, bệnh tật, và sự chết trước năm Ngài hai mươi chín tuổi.  Theo cách suy nghĩ của chúng ta ngày nay, rõ ràng là từ lúc còn nhỏ, ai cũng biết là mọi người đều lớn lên, già đi, bị bệnh, rồi chết. Tuy nhiên, trong trường hợp của Đức Phật, Thái tử Siđattha đã bị cách ly khỏi những kinh nghiệm này từ lúc còn nhỏ, và mãi cho đến lúc Ngài tiếp cận trực tiếp với những kinh nghiệm trên, Ngài mới thật sự bừng ngộ.

Cũng tương tự như thế, chúng ta có thể sống cả đời cho rằng mọi việc đều ổn thỏa.  Ngay cả những đau khổ hay thất vọng thường gặp cũng không nhất thiết làm chúng ta thức tỉnh.  Chúng ta có thể suy nghĩ phớt qua về chúng, nhưng chung quanh chúng ta có quá nhiều cơ hội để chúng ta không tìm hiểu và không để ý đến chúng.  Phải chăng đổ lỗi cho người khác đã gây đau khổ cho chúng ta là một việc dễ làm? Chúng ta có thể đổ lỗi cho nhà nước, cha mẹ, bạn bè hay kẻ thù của chúng ta, cho những thế lực từ bên ngoài.   Nhưng chúng ta chỉ bừng tỉnh với cái khổ đau của tuổi già, bệnh tật, và sự chết khi  chúng ta biết là những điều này sắp xảy đến cho chúng ta. Và sự bừng tỉnh này đến không phải chỉ như  một ý niệm trừu tượng mà là một tình cảm thật sự trào lên từ chính gan ruột  của chúng ta, là một cái nhìn trí tuệ thật sự rằng đây là những gì  xảy đến cho tất cả mọi người.  Những gì sinh ra sẽ già nua, suy thoái, và chết.

Sứ giả thứ tư mà Đức Phật gặp trong chuyến tham quan ngoại thành là một vị sa môn.  Sa môn là một tu sỉ, hay một người tầm đạo, một người dâng hiến đời mình cho lý tưởng đi tìm sự thật tuyệt đối.  Trong câu chuyện về cuộc đời Đức Phật,  vị Sa môn được mô tả như một tu sỉ cạo đầu và mặc y.

Bốn vị sứ giả nầy là bốn biểu tượng trong Đạo Phật:   Tuổi già, bịnh tật, sự chết, và vị sa môn.  Nó có nghĩa là sự thức tỉnh của tâm thức con người về một lý tưởng tôn giáo, về ước mơ nhận thức được sự thật tuyệt đối, về ước vọng được tự do và giải thoát  khỏi tất cả si mê và đau khổ tiềm ẩn trong trái tim của tất cả nhân loại.

 

VIỆC TU TẬP TRONG ĐẠO PHẬT

Ngày nay, nhiều người có xu hưóng mô tả việc thiền định trong đạo Phạât  như là sự rời bỏ cuộc đời nầy để phát triển một trạng thái tâm thức vắng lặng và tập trung cao độ, trong một khung cảnh được lựa chọn, điều chỉnh, và kiểm soát cẩn thận.  Vì thế ở Mỹ và một số nước khác nơi mà việc tu thiền Phật  giáo ngày càng phổ biến, người ta quyết đoán rằng thiền định trong đạo Phật là  một trạng thái vắng lặng và tập trung của tâm trong đó kỷ thuật thiền và việc kiểm soát thân tâm là rất quan trọng.

Kỹ thuật thiền là tốt và cần thiết. Nhưng nếu tâm của bạn đã bắt đầu phát huy được một số năng lực quán chiếu thì bạn thường không cần, hoặc thậm chí không nên mất thì giờ để tinh luyện bằng cách đè nén tất cả những gì thô thiển hay khó chịu xảy ra trong tâm.   Trái lại, bạn nên triển khai và phát huy tối đa năng lực quán chiếu và nhạy cảm của tâm để biết rằng, ngay bây giờ, những điều kiện mà bạn nhận thức được--hay nói khác đi, những gì bạn đang cảm xúc, thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm, và suy nghĩ--đều là vô thường.

Vô thường là đặc tính chung của tất cả hiện tượng, cho dù đó là niềm tin vào Thượng Đế hay ký ức về quá khứ; tư tưởng sân hận hay tình cảm thương mến; cao hay thấp, thô thiển hay vi tế, xấu hay tốt, dễ chịu hay đau đớn.  Bất kỳ tính chất của nó là gì, bạn đang quán sát nó như một sự vật khách quan.    Tất cả những gì có sự bắt đầu sẽ có sự chấm dứt.  Nó là vô thường.  Và bây giờ, như một phương pháp hành trì và quán niêïm về cuộc sống, việc khai mở tâm thức sẽ giúp bạn nhìn thấy rỏ được tình cảm và tư tưởng, bản chất của sắc thân, cùng với những đối tượng giác quan của bạn.

Chúng ta hãy trở lại vấn đề ý thức.  Khoa học hiện đại hay khoa học thực nghiệm xem thế giới vật chất mà chúng ta thấy, nghe, và cảm nhận được mới là thế giới có thật.  Vì thế, thế giới khách quan nầy được xem là một thực tại.  Chúng ta có thể trông thấy thế giới vật chất, đồng ý với nhau về tính chất của nó, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm nó, hay thậm chí đồng ý với nhau về cảm nhận hay tên gọi mà chúng ta dành cho nó.  Nhưng phải chăng cảm nhận về thế giới nầy cũng vẫn là một sự vật khách quan (sinh khởi trong tâm thức của chúng ta)?   Vì ý thức cho chúng ta cảm tưởng là có chủ thể và khách thể nên khi quan sát về thế giới vật chất, chúng ta nghĩ  là chúng ta đang quan sát một cái gì đó tồn tại bên ngoài và biệt lập với chúng ta.

Trong khi giãng dạy giáo lý, Đức Phật đã đưa quan hệ chủ thể và khách thể đến điểm tận cùng của nó. Ngài dạy rằng tất cả cảm nhận, tất cả trạng thái khởi lên trong tâm thức, tất cả tình cảm, tất cả cảm xúc, tất cả đối tượng thế giới vật chất mà chúng ta nghe và thấy đều là vô thường. Ngài nói, "Những gì có sự bắt đầu sẽ có sự chấm dứt." Và Đức Phật luôn nhắc đi nhắc lại trong giáo lý của Ngài rằng đây là một cái nhìn trí tuệ rất quan trọng.  Nó giải thoát chúng ta khỏi tất cả những si mê.   Những gì có sự bắt đầu sẽ có sự chấm dứt.

Ý thức cũng có thể được định nghĩa là khả năng thấy biết của chúng ta hay kinh nghiệm của sự thấy biết.  Chủ thể thấy biết khách thể.  Khi chúng ta nhìn vào những sự vật và cho chúng tên gọi, chúng ta nghĩ   là chúng ta biết về chúng.  Chúng ta nghĩ là mình biết người nầy hay người nọ vì chúng ta biết tên của họ hay ghi nhớ họ trong ký ức. Chúng ta nghĩ   chúng ta biết tất cả mọi việc trên đời vì chúng ta ghi nhớ được chúng.  Nhiều lúc, khả năng thấy biết của chúng ta bị giới hạn--chúng ta chỉ có thể biết  "về" thay vì  biết trực tiếp bản chất của sự vật.

Tu tập trong đạo Phật là an trú trong sự tỉnh giác thanh tịnh nơi đó có một loại hiểu biết đặc biệt mà chúng ta gọi là trí tuệ, hay tri giác trực nhận. Đó là một loại tri giác không dựa trên cảm nhận, tư duy, lập trường, hay học thuyết, mà chỉ có thể có qua sự tỉnh giác hay chánh niệm.  Tỉnh giác hay chánh niệm có nghĩa là khả năng không dính mắc vào bất cứ đối tượng nào, dù đó là vật chất hay tinh thần.  Khi không bị dính mắc, tâm sẽ ở trong trạng thái tỉnh thức, hiểu biết, và trong sáng thuần tịnh.  Đó chính là tỉnh giác hay chánh niệm.  Tâm tỉnh giác là tâm thanh tịnh, dễ tiếp thu, và nhạy cảm với những gì xảy ra chung quanh. Nó không còn là cái tâm bị giới hạn, quy định, và chỉ biết phản ứng lại với những lạc thú và đau nhức, với những lời khen và chê, với hạnh phúc và đau khổ.

Thí dụ nếu bây giờ bạn đang nổi giận, bạn có thể chạy theo cơn giận.  Bạn có thể cho mình giận là đúng và tiếp tục nuôi dưỡng mãi cái tình cảm đặc thù đó, hoặc là bạn có thể đè nén cơn giận và tiềm cách tiêu diệt nó vì bạn lo sợ hoặc không thích sự giận dỗi.  Tuy nhiên, thay vì chọn một trong hai cách trên, bạn có thể quán tưởng về cơn giận như là một đối tượng quan sát. Và bây giờ, nếu cơn giận là bản ngã thật sự của chúng ta, thì chúng ta  không thể nào quan sát  nó được;  đây chính ý nghĩa của những gì  mà tôi gọi là "quán tưởng". Cái gì  có thể quan sát và suy tưởng về tình cảm giận? Cái gì có thể theo dõi và xem xét tình cảm, sức nóng trong thân thể, hay trạng thái của tâm?  Cái có thể quan sát và xem xét  nầy chính là tâm quán tưởng.  Tâm của con người là tâm có khả năng quán tưởng.

 

SỰ HIỂN LỘ CHÂN LÝ CHUNG CHO TẤT CẢ TÔN GIÁO

Chúng ta có thể đặt câu hỏi:  Tôi là ai? Tại sao tôi sinh ra trong cuộc đời nầy?  Đời sống thật ra là gì?  Điều gì sẽ xảy ra khi tôi chết ? Cuộc sống nầy có mục đích hay ý nghĩa gì không? Vì chúng ta có khuynh hướng nghĩ  là chỉ có người khác mới biết những vấn đề nầy còn bản thân mình thì mù tịt, nên chúng ta thường đi tìm lời giải đáp từ   bên ngoài thay vì tự khai mở tâm thức của mình và kiên nhẫn chánh niệm nhìn sự thật hiễn lộ. Qua việc chánh niệm và tỉnh giác thật sự, chân lý sẽ được hiển bày.  Và sự hiển lộ chân lý nầy cũng chính là sự chứng đắc về tâm linh. Khi chúng ta dâng hiến đời mình cho một lý tưởng thánh thiện và sống trọn vẹn trong đó, chúng ta tạo điều kiện cho chân lý hiển lộ mà chúng ta còn gọi là trí tuệ--trí tuệ sâu sắc và thật sự--soi sáng vào bản chất của sự vật. Chân lý hiển lộ không thể diễn tả bằng lời.  Ngôn ngữ không đủ khả năng diễn đạt kinh nghiệm chứng ngộ.  Chính vì thế mà kinh nghiệm chứng ngộ có thể rất khác nhau.   Ngôn từ và cách thức diễn đạt kinh nghiệm chứng ngộ là biến thiên không lường được.

Vì thế mà những kinh nghiệm chứng ngộ của người Phật tử nghe rất là Phật giáo, của người Ky tô giáo nghe rất là Ky tô giáo, và điều nầy cũng hợp lý thôi.  Không có gì sai trái cả.  Nhưng chúng ta cần chấp nhận giới hạn của quy ước ngôn ngữ.  Chúng ta cần hiểu rằng ngôn ngữ không phải là sự thật tuyệt đối;  nó là một cố gắng để truyền đạt cái thực tại không thể diễn đạt bằng lời nầy đến người khác.

Theo dõi con người ngày nay đi tầm đạo là một điều thú vị.  Một nước như nước Anh nơi mà đa số dân là Ky tô giáo giờ đây lại có rất nhiều tôn giáo.  Tại đất nước nầy, tín đồ của các tôn giáo khác nhau đã nhiều lần tìm cách gặp gở và cố gắng tìm hiểu về  đức tin của nhau.  Chúng ta có thể dừng lại ở mức độ đơn giản và chỉ cần biết là người Hồi giáo tin ở đấng Allah, người Ky tô giáo tin ở Chúa Jesus Christ và người Phật tử tin ở Đức Phật Thích Ca.  Nhưng điều mà tôi quan tâm ở đây là việc chúng ta đi vượt lên trên những quy ước và tập tục tôn giáo để tiến đến một sự hiểu biết thật sự, sự hiểu biết sâu sắc về chân lý tuyệt đối.  Và đây là cách nói của người theo đạo Phật.

Ngày nay chúng ta có dịp cùng nhau đi tìm chân lý chung cho tất cả tôn giáo; tất cả chúng ta có thể bắt đầu giúp nhau.  Hình như đây là lúc mà việc tìm cách thay đổi đức tin của người khác hay tranh giành ảnh hưởng tôn giáo không còn ích lợi hay có giá trị gì cả.  Thay vì tìm cách thay đổi đức tin của người khác, tôn giáo cho chúng ta cơ hội để thức tỉnh về bản chất thật sự của chúng ta, về sự tự do thật sự, về lòng từ ái và bi mẩn.  Đó là một cách sống với tất cả sự nhạy cảm và tất cả khả năng đón nhận, để chúng ta có thể hân hoan và mở rộng con người của mình với cái bí ẩn và kỳ diệu của vũ trụ trong suốt phần còn lại của cuộc đời chúng ta.

 

 

Câu hỏi:  Đạo Phật có phải là một tôn giáo/triết học chỉ nhìn vào nội tâm con người?

Trả lời:  Mới thoạt nhìn thì hình như là thế vì trong thiền định Phật giáo, bạn ngồi xuống, nhắm mắt lại, và nhìn vào bên trong.  Nhưng thật ra, thiền định là để giúp bạn hiểu được bản chất của các sự vật, bản chất của tất cả sự vật trên đời.

Như là con người, bạn đang sống trong một sắc thân rất mong manh và nhạy cảm.  Thân xác nầy rất yếu ớt, và tồn tại trong một hệ thống vũ trụ bao la mà chúng ta không thể nào hiểu hết được.  Chúng ta dễ bị rơi vào cái bẩy xem thế giới nầy như một cái gì đó tồn tại bên ngoài chúng ta.  Khi bạn suy nghĩ theo cách nầy, nghĩa là theo cách nhìn "bên trong" và "bên ngoài", thì  đi vào nội tâm hình như không quan trọng bằng nhìn ra bên ngoài.  Cái thế giới mà bạn sắp đi vào hình như nhỏ bé so với cái vũ trụ bao la nằm bên ngoài chúng ta.

Nhưng qua việc buông bỏ những nhận thức, tức là trạng thái bị quy định của tâm thức, bạn sẽ cảm nhận rất mới lạ về vũ trụ nầy.  Nó sẽ trở thành một cái gì đó khác hơn hơn là cái bề ngoài phân chia thành chủ thể và khách thể.  Chúng ta không có đủ từ ngữ để mô tả cảm giác đó ngoại trừ từ "chứng ngộ".  So sánh tốt nhất là thí dụ của máy thu thanh (radio).  Thân thể chúng ta nhạy cảm giống như  máy thu thanh và thu hình (television).  Các sự vật đi qua sắc thân chúng ta sẽ được thể hiện lại tùy theo thái độ, nỗi lo sợ, và lòng ham muốn cá biệt của chúng ta.   Khi tâm thức của chúng ta không còn bị ràng buộc bởi những trạng thái tâm bị quy định nầy, chúng ta sẽ bắt đầu cảm nhận là thân thể chúng ta đang tiếp nhận những làn sóng của trí tuệ và từ bi.

 

Câu hỏi:   Thế thì người Phật tử tin tưởng điều gì?

Trả lời:  Đây là một câu hỏi thông thường nhưng không dễ trả lời.  Nếu chúng tôi nói chúng tôi không có tín điều, người ta sẽ bảo là " Vậy là ông không tin tưởng gì hết."  Và nếu chúng tôi nói:  "Không, không phải vậy.  Chúng tôi cũng không cho là không có gì hết." Và họ sẽ bảo là, "Vậy thì ông tin là có một cái gì đó;  có phải ông tin ở Thượng Đế?"  Và chúng tôi trả lời rằng chúng tôi không cảm thấy cần phải tin ở Thượng đế.   Thế là  họ sẽ bảo, "Vậy là ông không tin có Thượng đế?" Và chúng ta cứ cải qua cãi lại như thế vì người đời thường nghỉ tôn giáo là phải tin vào một cái gì đó:  tin ở giáo lý và thái độ hữu thần hay tin ở thái độ vô thần.  Đây là hai thái cực của tâm thức con người--một là tin vào sự vĩnh hằng , hai là tin vào sự tịch diệt.

Tuy nhiên,   khi nói về Đạo Phật,  bạn không thể dùng những khái niệm về các tôn giáo khác vì chúng không thể nào áp dụng được.  Chúng ta tiếp cận với Đạo Phật từ một góc độ khác.  Chúng ta không muốn  tin  vào các tín điều hay những giáo lý đến từ người khác.  Chúng ta muốn tự mình đi tìm chân lý.

Chúng ta phải tìm ra cho được chân lý  của vạn pháp.  Nếu không, chúng ta sẽ chỉ là những chúng sinh lạc loài và bơ vơ trong vũ trụ đầy bí ẩn nầy, không thể nào hiểu được những gì xảy đến với chúng ta hay tại sao sự vật xảy ra như nó đang xảy ra.  Có phải sự có mặt của chúng ta chỉ là một tình cờ của vũ trụ, hay có một cái gì hơn thế nữa?  Loài người cảm thấy rằng có một cái gì đó đi xa hơn và vượt lên trên thế giới dựa trên cảm giác nầy.  Trong những xã hội mông muội và xã hội hiện đại, chúng ta bắt gặp tình cảm tôn giáo vận hành như một luồng năng lượng hướng đến một cái gì đó hay một cố gắng để vươn đến một cái gì cao hơn.  Tất cả chúng ta đều nằm trong cái bí ẩn vô biên đó và chúng ta muốn tìm cách liên hệ và tiếp cận với nó.

Thế thì chúng ta phải làm gì trong tư thế của mình-- cái tư thế bị giam hãm trong sắc thân làm người trong suốt sáu, bảy, tám, chín chục năm trời? Nếu có chân lý, chắc chắn chúng ta sẽ mở rộng, tiếp nhận, và hiểu được nó.  Trái lại, nếu chúng ta cứ luôn sống trong ảo tưởng và lầm mê, thì kiếp người nầy quả thật là đáng buồn và không có mục đích.  Không có chân lý, cuộc đời không có nghĩa gì hết, và dù bạn làm gì đi nữa;  cuộc sống vẫn không có giá trị gì hết.  Mặc dù bạn có thể chọn thái độ hư vô cho rằng cuộc đời nầy chẳng có nghĩa gì hết,  nhưng phải chăng bạn vẫn không chắc chắn về điều  nầy?  Có thể bạn rất muốn tin là cuộc đời nầy không có ý nghĩa gì hết, thay vì tin là nó có một ý nghĩa nào đó, nhưng bạn vẫn không biết chắc về nó.  Những gì mà bạn có thể biết chắc trong giờ phút nầy là bạn không biết về cuộc đời nầy, và đó là tình trạng hiện tại của bạn.

Phải chăng con người có hiểu biết?  Con người có trí thông minh.  Con người có khuynh hướng đi tìm cái Thiện và cái Mỹ.  Ai cũng muốn trốn tránh sự khổ đau và những điều xấu xa thấp hèn.  Con người luôn ước vọng về một cái gì cao hơn.  Chúng ta chống ghét chính chúng ta khi chúng ta sống đời thấp hèn, trụy lạc, và đáng ghê tởm. Chúng ta cảm thấy xấu hổ khi làm những điều ác độc hay hẹp lượng và không muốn ai biết về những gì chúng ta làm.   Nếu quả thật cuộc đời nầy là vô nghĩa thì chúng ta đâu cần phải xấu hổ?  Chúng ta có thể làm bất cứ điều gì và chả cần đếm xỉa gì đến ai cả.  Nhưng chúng ta vẫn cảm thấy là có những việc chúng ta làm là đáng bị chê trách hay thiếu sáng suốt, nên chúng ta luôn tìm cách vượt lên trên những thôi thúc bản năng của chính mình.

Chúng ta có trí thông minh của con người; chúng ta có thể tư duy về những điều hay ho và cao siêu nhất.  Đầu óc chúng ta có thể nghĩ ra những giải pháp tốt đẹp nhất cho con người.  Thể chế dân chủ, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản--đây là kết quả của quá trình tư duy cao cấp nhất về những hình thức nhà nước chính đáng và công bằng nhất.  Điều này không có nghĩa là nhà nước chúng ta đã đạt được mục tiêu lý tưởng  của họ, nhưng họ đã có cố gắng.  Chúng ta cũng biết thưỡng ngoạn những gì tinh tế và đẹp đẽ:  cái hay và đẹp trong âm nhạc, nghệ thuật, và văn chương.  Tât cả điều này nói lên ước vọng của con người về một cái gì đẹp hơn và toàn thiện hơn.  Chúng ta có thể ước mơ về một nhân sinh quan rộng lớn và phổ biến hơn:   một trái đất, một hệ thống sinh thái, và một gia đình chung cho toàn nhân loại.  Ngày nay, những nhận thức nầy ngày càng trở nên phổ biến.   Về nhiều mặt, nhân loại ngày nay đang trở thành một đại gia đình:  những gì xảy ra ở Mông Cổ hay Argentina (Nam Mỹ) đều ảnh hưởng đến toàn thế giới.

Chúng ta có thể mở rộng khả năng nhận biết của mình, từ cái nhìn dựa trên cá nhân, trong đó, chúng ta chỉ biết có mình, đến cái nhìn toàn cầu. Với cái nhìn nầy, chúng ta mở rộng và tiếp nhận tất cả loài người vào trong gia đình của chúng ta, thay vì chỉ có gia đình riêng hay chỉ có quốc gia của mình.  Khi tâm thức được khai mở, nhận thức và tư tưởng chúng ta sẽ từ ái và bi mẩn hơn, và vượt lên trên tình cảm chỉ biết lo cho cá nhân mình.  Chúng ta có thể vượt lên trên việc chỉ biết lo cho gia đình của mình, tập thể của mình, giai cấp của mình, hay chủng tộc của mình.  Chúng ta có thể mở rộng tâm thức của mình để tiếp nhận tất cả loài người, và rồi tất cả chúng sinh.  Tâm chúng ta sẽ trở thành phổ biến và vô biên.

 


Vào mạng: 3-1-2002

Trở về mục "Đạo đức-Tâm lý học Phật giáo"

Đầu trang