TÁM BÀI KỆ CHUYỂN HÓA TÂM
của GESHE LANGRI THANGPA
1.- Quyết tâm thành tựu uớc nguyện cao
quý,
Mang lợi lạc tới cho chúng sanh.
Quý giá hơn bảo châu như ý,
Tôi xin trân quý lý tưởng này không ngừng nghỉ.
2- Khi nào tiếp xúc với mọi người,
Tôi xin được coi mình thấp kém hơn tất cả.
Và tự thâm tâm,
Tôi xin kính quý hết mọi tha nhân.
3.- Tôi xin nguyện thẩm xét tâm mình,
Ngay khi các khổ đau vừa hiện khởi.
Ngay khi chúng có thể nguy hiểm cho người,
Xin cho tôi đối trị và ngăn cản được chúng.
4- Khi tôi thấy những con người khó chịu,
Bị khổ đau và phiền não thống trị.
Xin cho tôi coi họ như người thân,
Như bảo châu hiếm khi tôi được gặp.
5- Khi người ta vì ghen ghét,
Ðã lạm dụng, vu cáo, miệt thị tôi.
Xin cho tôi nhận phần thua thiệt,
Và tặng họ phần thắng lợi vinh quang.
6- Khi nào người tôi đã giúp đở,
Hoặc tôi đã hy vọng nhiều.
Cư xử tệ hại khiến tôi khổ tâm,
Xin cho tôi vẫn thấy họ là bậc thầy quý.
7.- Tóm lại, tôi xin hiến tặng lợi lạc và niềm vui,
Cho tất cả các bà mẹ ruột thịt hay mẹ gián tiếp của tôi.
Xin cho tôi lặng yên nhận chịu,
Tất cả những khổ đau của hiền mẫu.
8.- Xin cho các ước nguyện kể trên,
Không bị bát phong làm ô nhiễm.
Xin được hiểu thấu tánh huyễn của các pháp,
Ðể được tự do, không còn chút dính mắc nào. |
* * *
ÐỨC ÐẠT LAI LẠT MA XIV
Thuyết giảng
"TÁM BÀI KỆ CHUYỂN HÓA TÂM"
Cho tới nay chúng ta đã nói về những
điều căn bản có thể giúp ta chuyển hóa tâm, về sự cần thiết huân tập
tâm thức. Ðiểm thiết yếu nhất là ta cần phát triển Bồ đề tâm, ý hướng
vị tha muốn đạt tới giác ngộ để độ chúng sanh. Ðiểm này được phát
khởi nhờ huân tập hai ước nguyện giúp người và đạt đạo.
Chúng ta được dạy nên áp dụng việc thực tập này trong đời
sống hàng ngày, trong mọi hành xử và áp dụng cho cả ba nghiệp thân, khẩu
và ý. Về khẩu ta nên đọc các kinh văn như: "Tám bài kệ về chuyển
hóa tâm" ở đầu trang này như những lời nhắc nhở thường trực về
sự quan trọng của quán tưởng.
Ta hãy xét vị trí của việc tu tập Bồ đề tâm trong toàn bộ
Phật giáo Tây Tạng. Ðạo Bụt Tây Tạng có thể coi là hệ thống Phật
giáo đầy dủ nhất vì nó chứa đựng đủ các tông phái, kể cả Kim Cang
thừa1.
Tứ Diệu Ðế, giáo pháp cốt tủy của các tông phái không
thuộc Ðại thừa, cũng thực sự là nền tảng của đạo Bụt. Cùng với
sự tập huấn của đạo đức, Tứ Diệu Ðế được dùng như nền tảng
của sự tu tập, thực hành Bồ Ðề tâm.
Phát triển Bồ Ðề tâm là con đường chánh và là căn bản
của Phật pháp. Khi bắt đầu phát khởi Bồ Ðề tâm rồi, hành giả nổ
lực áp dụng nguyên lý vị tha trong suốt cuộc đời họ. Từ đó đi tới
lý tưởng Bồ Tát, gồm sáu phép tu đại hạnh hay Lục độ Ba la mật 2:
đại hạnh Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Ðịnh, Trí Tuệ
Ba la mật. Trong sáu phép tu này, có lẽ hai loại cuối cùng quan trọng nhất
trong Kim cang thừa vì nó gồm hai yếu tố đại định và giác ngộ.
Ta có thể nói Kim cang thừa giảng dạy nhiều pháp môn tinh tế
để kiện toàn sự định tâm và phát triển tuệ giác. Pháp môn cao nhất
trong Phật giáo Tây Tạng được giảng giải trong cuốn "Du Già Mật
Tông cao cấp" (Highest Yoga Tantra-Anuttarayoga tantra), đề cập tới những
tầng lớp vi tế của các Thức.
Ðây là điểm tôi muốn nhấn mạnh: hành xử từ bi chính là
trái tim của toàn thể đạo Phật. Các phép tu khác đều hoặc đơn sơ quá,
hoặc chỉ là nền tảng hay ứng dụng của pháp môn căn bản này.
Tôi cũng có thể nói rằng tất cả các tông phái Phật giáo
đều nhất trí như vậy, kể cả các tông phái Ðại thừa hay không Ðại
thừa. Từ bi là nguồn cội của Phật pháp, nhưng chỉ trong lý tưởng Bồ
Tát, chúng ta mới nhấn mạnh vào chuyện phát triển tâm từ bi bằng cách
nuôi dưỡng Bồ đề tâm.
TÁM BÀI KỆ
CHUYỂN HÓA TÂM
1.- Với quyết
tâm thành tựu ước vọng cao quý
Mang lợi lạc tới cho chúng sanh
Quý giá hơn bảo châu như ý
Tôi xin trân quý lý tưởng này không ngừng nghỉ.
Bốn câu đầu nói về Tôi, cái ngã mà chúng ta đã nói sơ
ở chương I. Nay chúng ta đi sâu hơn một chút. Sự phân tích về bản chất
và sự hiện hữu của cái Tôi rất quan trọng để hiểu Phật pháp. Chúng
ta có thể nói có hai phe chính về vấn đề này trong Phật pháp.
Một gồm những tông phái tuy chối bỏ sự hiện hữu của một
cái ngã, một linh hồn bất tử, nhưng họ lý luận rằng cái Tôi, cái ngã
hay con người phải được nhận diện qua các uẩn 3 thân và tâm
của cá nhân đó. Chẳng hạn như có nhóm quan niệm con người là tổng hợp
của ngũ uẩn. Một vài nhóm lại cho rằng các tâm thức mới là con người,
là cái ngã thực sự.
Ðạo sư Ấn độ Bhavaviveka chẳng hạn, sau khi phân tách rốt
ráo, đi tới sự nhận diện một con người bằng sáu tâm thức3a
của họ. Tuy nhiên, có trường phái khác như tông Duy Thức không hài lòng
với lối nhận định này. Họ công nhân một thức khác gọi là Thức căn
bản A lại da3a là tâm thức bất biến, luôn luôn hiện diện và
liên tục. Thức này trung tín, hoạt động như một cái kho chứa đủ các
khuynh hướng trong dòng sông tâm tưởng của ta.
Nhóm Phật giáo trên muốn coi cái ngã như một đối tượng tâm
thân phức tạp. Vì sao trong đó, phái Duy Thức lại thấy cần thừa nhận
cái thức căn bản ngoài sáu thức kia? Ðó là vì họ đã thấy trong nhiều
trường hợp - nhất là nơi các thiền giả đã nhập định Tánh Không một
cách hoàn hảo, khi các thức không còn bị vẩn đục chút nào nữa - mà họ
vẫn không thể đạt tới đại ngộ, như vậy nghĩa là những tâm hành ô
nhiễm và các dấu vết của chúng vẫn còn tiềm ẩn trong một chỗ nào đó.
Vậy nên họ thấy cần phải thừa nhận một cái thức riêng
biệt, có bản chất trung tín, gọi là tàng thức A Lại Da.
Nhóm thứ hai có phái Trung Quán (Qui Mậu Luận Chứng)4.
Họ chối bỏ sự cần thiết phải công nhận một cái ngã có tự tánh hiện
hữu thường hằng. Họ lý luận rằng chúng ta không thể công nhận ngã
hay pháp (things) như những thực tại độc lập.
Ta phải hiểu cái ngã của con người là một tập hợp phức
tạp của thân tâm, của những gì bắt nguồn từ đó nhưng nó không hiện
hữu độc lập, không có tự tánh thường hằng.
Từ quan điểm thứ hai sâu xa hơn đó, ta có thể nói ngã là
cái tên chỉ những uẩn phức tạp của thân và tâm.
Nhóm Trung Quán duy trì quan điểm "Ta không thể nào tìm
được cái gì có thể gọi là ngã chân thật, dù cho ta có tìm tòi trong những
hiện hữu hiển nhiên của thân và thức". Họ trình bày về ngã qua
quan niệm phân tích bảy điểm5 và cuối cùng nhận định rằng
"Tuy ta không thể tìm thấy cái ngã khi phân tích thân thể và tâm tư,
nhưng ta không nên kết luận cái ngã đó không hiện hữu chút nào, mà nó
có hiện hữu trong một vai trò nào đó".
Một trong những hàm ý ta rút ra từ triết thuyết trên là đừng
quá phân tích hay áp đặt một chân lý siêu hình vào cái ngã. Thay vào đó,
chúng ta hãy chấp nhận thực tướng của cái ngã như là một quy ước
chung, không cần nghiên cứu về nó.
Vậy khi bạn bắt đầu chấp nhận cái ngã thực tế trong quy
ước và ngôn ngữ thông dụng, bạn sẽ nhận ra là không ai có thể gán
cho ngã cái thực thể thường hằng được. Và xa hơn nữa, bạn sẽ thực
sự hiểu cái ngã không có tự tánh độc lập hay hiện hữu vĩnh cửu. Con
người không hiện hữu tự họ mà chỉ hiện diện trong bối cảnh ngôn từ
và trong sự hiểu biết phổ thông sinh động của thế giới. Phân tích
này là phương tiện rất thiện xảo để có tuệ giác về sự trống rỗng
trong Tánh Không của con người.
Phái Trung Quán quan niệm con người không phải là một hiện
thực nhưng là một thực thể trong tên gọi, trong nhận thức. Quan điểm này
hơi khác với các trường phái cho rằng tính chất của ngã chỉ có tính
cách trừu tượng, ngoài cái tên và ý niệm về ngã.
Ta cần phải hiểu cho rõ ràng, không bị rối trí trong chuyện
này dù trong các tông phái, có khi họ dùng cùng một từ ngữ nhưng ý nghĩa
có thể khác nhau tùy theo bối cảnh và thời gian mà các triết gia bình giải.
Thực thế, chẳng hạn như chữ bản chất thực tại
Svabhava6, có khi các triết gia Trung Quán cũng dùng, nhưng họ vẫn
không công nhận có gì hiện hữu vĩnh cửu. Ta phải có nhận xét tinh tế
về cách dùng các từ ngữ của họ.
Vậy, khi ta nói tới cái Tôi trong tám bài kệ, chúng ta đừng
cho đó là một có ngã có thật, một hiện hữu chắc chắn. Ta nên luôn nhớ
đó chỉ là một con người theo quy ước mà thôi.
Trong đoạn kệ này, bạn mong được tôn quý mọi người khác,
đặt họ lên trên bạn, vì nhờ họ bạn có thể hoàn thành mục tiêu cao
cả: mang lợi ích tới cho chúng sanh. Mục tiêu này còn đáng quý hơn viên
ngọc như ý7 vì dù ngọc đó quý giá tới đâu, nó cũng không
thể mang được cho bạn sự đạt ngộ về tâm linh.
Ðoạn này cũng nói tới lòng nhân hậu của các chúng sanh mà
chúng ta đã đề cập ở phần trên. Ðối với một hành giả tu theo Ðại
thừa thì chính nhờ chúng sanh, bạn có thể phát triển lòng từ bi vô lượng,
đạt tới trình độ tâm linh cao nhất, và cũng nhờ chúng sanh bạn có cơ
hội phát triển Bồ đề tâm, khuynh hướng vị tha.
Do đó, bạn phải căn cứ vào những liên hệ, vào phản ứng
hổ tương với người khác để đạt tới sự thành tựu đạo nghiệp cao
cả. Trong quan điểm đó, lòng nhân hậu, tử tế của chúng sanh thật là vĩ
đại.
Chúng ta có thể tìm thấy nguyên tắc tương tự trong các
phép hành trì khác như "Ba phép huấn luyện cao đẳng"8 về
đạo đức, thiền định và tuệ giác. Vai trò của người khác rất quan
trọng trong ba loại huấn tập này, ngay từ bước khởi đầu.
Hãy coi trong sự luyện tập cao cấp về đạo đức mà căn bản
là giới luật. Trong đó có những giới luật cấm làm hại người khác, cấm
làm mười điều bất thiện. Ðiều thứ nhất là cấm sát sanh, nó có
liên quan trực tiếp tới giá trị của người khác.
Hơn nữa, trong Phật giáo, một số những điều tốt đẹp mà
chúng ta thường mong ước được hưởng như sống thọ, xinh đẹp, đầy
đủ và giàu sang... là kết quả của những nghiệp dĩ tạo ra do liên hệ
giữa ta với người. Thí dụ như sống thọ là do ta giữ giới không sát
sanh; xinh đẹp là ta đã có kiên nhẫn với người khác; đầy đủ sung túc
là ta đã rộng rãi với mọi người từ kiếp trước v.v... Vậy thì, ngay
cả các lợi lạc thế tục, chúng cũng là kết quả của sự tương quan giữa
ta với tha nhân.
Khi nói về ý tưởng tôn quý người khác, điều quan trọng
ta cần hiểu đó không phải là lòng thương hại đôi khi khởi lên trong
ta, đối với những người không may mắn bằng mình. Khi thương hại, ta có
khuynh hướng nhìn xuống đối tượng của lòng thương và ta có cảm tưởng
mình hơn người. Trân quý mọi người ngược lại với quan niệm đó.
Trong phép tu tập này, ta nhận biết lòng nhân từ của người
khác và hiểu ta không thể thiếu họ nếu muốn tinh tấn tu hành. Ta sẽ hiểu
và biết trân quý sự hiện diện quan trọng đầy ý nghĩa của họ, và tự
nhiên ta sẽ thấy họ ở một vị thế cao hơn mình. Vì nghĩ như thế về
tha nhân chúng ta có thể coi họ như người thân đáng được chúng ta kính
quý. Do đó, có những câu kệ sau đây:
2.-Khi nào tiếp
xúc với mọi người
Tôi xin được coi mình thấp kém hơn tất cả
Và tự thâm tâm
Tôi xin kính quý hết mọi tha nhân.
Bài kệ này đề nghị cho ta thái độ tử tế mà tôi mới giảng
xong. Ý tưởng coi ta kém người khác không nên dẫn tới chuyện tự coi thường
mình, bỏ quên mọi nhu cầu, cảm xúc của mình, coi mình như không còn
chút hy vọng. Trái lại, như tôi đã giảng, thái độ coi mình thấp kém đó
bắt nguồn từ tấm lòng can đảm của bạn trong liên hệ với người khác,
và từ khả năng có thể giúp ích tha nhân trong bạn. Xin đừng hiểu lầm
về chuyện này. Ðiều tôi đề nghị ở đây là sự cần thiết của tánh
khiêm cung chân thành.
Tôi xin kể một câu chuyện cho rõ hơn. Có một vị đại sư
thuộc phái Dzochen từ vài ba đời trước đây tên là Dza Paltrul Rinpoche.
Không những ngài là một vị thầy lớn mà ngài còn có rất đông đệ tử,
thường giảng dạy cho hàng ngàn học trò. Ngài cũng là một thiền giả,
nên đôi khi biến đi ẩn tu ở một chỗ, khiến cho các đệ tử phải đi
tìm kiếm khắp nơi.
Trong một kỳ nghỉ ngơi, ngài đi hành hương và ghé lại nhà
một Phật tử vài ngày, giống như các vị tăng Tây Tạng thời đó. Trên
đường đi, các tăng sĩ thường xin cư trú trong một gia đình, nhận cơm
nước cúng dường và để đổi lại, giúp ích việc cho gia chủ. Dza
Paltrul Rinpoche cũng vậy, ngài làm một số việc giúp cho gia đình tiếp đải
ngài, trong đó có việc thường đi đổ bô cho bà cụ mẹ gia chủ.
Tình cờ, có mấy học trò ngài đi tới vùng đó, nghe tin
ngài đang ở quanh đâu đây, bèn đi tìm và cuối cùng tới được nhà
Rinpoche đang trọ. Họ hỏi bà cụ:
- Bà có biết Dza Paltrul Rinpoche đang ở đâu không?
Bà cụ trả lời:
- Tôi không thấy có Rinpoche nào ở quanh đây cả?
Các tăng sĩ liền tả con người Rinpoche cho bà cụ nghe rồi hỏi
tiếp:
- Chúng tôi nghe nói ngài ở trọ đây trên đường hành hương
mà?
- Trời ơi! người đó là đại sư Dza Paltrul sao?
Lúc đó hình như ngài đang đi đổ bô giúp cụ. Bà mẹ gia chủ
hoảng vía lên và liền chạy trốn.
Câu chuyện chứng tỏ rằng ngay một vị đại sư như Dza
Paltrul Rinpoche, người có hàng ngàn môn đồ, đã từng ngồi giảng trên
ngai cao, chung quanh bao nhiêu tăng sĩ v.v... ngài cũng vẫn hết sức khiêm
cung. Ngài không ngần ngại gì khi làm một việc tầm thường như đổ bô
cho bà lão.
Có nhiều phương cách đặc biệt các hành giả có thể tập
luyện để thấy mình thấp kém hơn người. Hãy cứ coi một thí dụ đơn
giản. Ai trong chúng ta cũng đã kinh nghiệm khi chú ý tới một đối tượng
hay một người nào, tùy theo góc độ của cái nhìn mà ta thường có những
nhận thức khác nhau. Ðó chính là bản chất của các suy nghĩ.
Tư tưởng của ta không có khả năng nhìn thấu toàn diện
các sự vật. Bản chất của tư tưởng có tính cách lọc lừa. Nó có thể
chọn ra những tính chất đặc biệt của một đối tượng trong thời điểm
nào đó, chứ không thể có cái nhìn quán triệt về toàn thể đối tượng.
Bản chất của tư tưởng là chọn lọc. Khi bạn hiểu được
như vậy, bạn sẽ thấy bạn thấp kém hơn mọi người ở một vài điểm,
ngay cả khi so sánh với loài côn trùng.
Tỷ dụ bây giờ tôi so sánh mình với loài sâu bọ. Tôi là một
Phật tử, một con người có khả năng suy nghĩ và giả thiết là có thể
biết cái gì sai, cái gì đúng.
Ðáng lý tôi cũng phải có một số hiểu biết về Phật
pháp và trên lý thuyết, tôi đã cam kết hành trì tu học. Khi tôi nhận ra
các khuynh hướng bất thiện khởi lên trong tâm hay khi tôi hành xử theo
các nghiệp lực của chúng, thì lúc đó, quả thực tôi thấy mình kém
loài sâu bọ. Vì sao?
Loài sâu bọ không có khả năng phán xét giữa cái sai và đúng
như loài người, chúng không nghĩ đường dài được và không thể hiểu
đươc những lời Bụt dạy. Theo quan điểm Phật giáo, các loài côn trùng
đó chỉ làm theo thói quen của các nghiệp quả trong chúng mà thôi.
So sánh với chúng, loài người có khả năng quyết định việc
mình làm, vậy nên khi hành xử xấu ác, thì có thể nói mình tệ hơn sâu
bọ! Suy nghĩ như thế, bạn sẽ thấy căn bản thật sự của cái nhìn
"mình thấp kém hơn mọi chúng sanh".
Ðây là bài kệ thứ ba:
3.- Tôi xin
nguyện thẩm xét tâm mình
Ngay khi các khổ đau hiện khởi
Ngay khi chúng có thể nguy hiểm cho người
Xin cho tôi đối trị và ngăn cản được chúng.
Bài này có nghĩa là các tư tưởng và cảm xúc bất thiện thường
bộc phát mạnh mẽ trong ta, dù cho chúng ta đã tu tập, đã mong ước thoát
được những cảm ý, nghiệp lực khổ đau đó. Vì các tập khí lâu đời,
và vì thiếu kiên trì trong việc trừ khử chúng, những nghiệp bất thiện
có thể lôi chúng ta theo chúng, về hướng phiền não.
Bài kệ dạy ta nên có ý thức về sự kiện này, ta phải có
chánh niệm luôn luôn. Chúng ta nên tự xét mình và ghi chú khi bắt gặp
mình khởi tâm bất thiện. Làm như vậy, ta sẽ không chịu thua chúng, tỉnh
thức để giữ khoảng cách với chúng Ta cũng sẽ không tạo thêm sức mạnh
cho chúng, không bị bùng nổ lên vì quá xúc động, không bị chúng thúc đẩy
khiến cho ta phải nói ra hay hành động một cách tệ hại.
Nhưng bình thường không như thế. Dù cho có ý thức là các cảm
xúc tiêu cực đều có hại, khi chúng chưa dữ dội lắm, ta vẫn thường
nghĩ: "Ồ, chuyện này có lẽ không sao đâu".
Vấn đề là khi ta càng quen với phiền não của mình, bạn
càng dễ trở thành con mồi để cho chúng hiện ra nữa, bạn thường dễ có
khuynh hướng buông thả theo chúng. Vì vậy các tính bất thiện kéo dài
mãi mãi. Vậy, điều quan trọng là bạn phải tỉnh thức, như bài kệ đã
dạy. Bạn cần tỉnh thức để ngay khi các cảm nghĩ bất thiện khởi lên,
bạn có thể ngay lập tức đối đầu và chuyển đổi chúng.
Trước đây tôi đã nói chuyện ta cần phải hiểu Phật pháp
tương quan với sự giải thoát khổ đau, và trái tim của sự hành trì Phật
pháp là ta cần phải "làm việc" với các khuynh hướng bất thiện
trong ta.
Ðối với các Phật tử đang hành trì, điều quan trọng là bạn
phải luôn tự xét mình trong cuộc sống hàng ngày, theo dõi những tư tưởng,
tình cảm, ngay cả trong giấc mơ nếu có thể. Khi bạn áp dụng chánh niệm9
trong việc thực tập, dần dần bạn sẽ quen với sự tỉnh thức, xử dụng
nó được nhiều hơn và hiệu quả của chánh niệm cũng gia tăng hơn.
Ðây là bài kệ tiếp theo:
4.- Khi tôi thấy
những con người khó chịu
Bị khổ đau và phiền não thống trị
Xin cho tôi coi họ như người thân
Như bảo châu hiếm khi tôi được gặp.
Bài này nới tới những con người đứng bên lề xã hội vì
những hành xử, diện mạo bề ngoài, nỗi cơ cực hay bệnh tật nào đó của
họ. Những ai muốn rèn luyện Bồ dề tâm, phải chăm sóc những con người
đó một cách đặc biệt như thể gặp kho tàng vậy. Thay vì tránh xa, người
thực sự tu luyện lòng từ bi sẽ tự thách đố mình để giữ liên hệ với
họ. Phản ứng của ta đối với loại người đó có thể giúp ta tiến
nhanh trên con đường thực nghiệm tâm linh.
Trong bối cảnh này tôi muốn nêu lên những tấm gương lớn
của các huynh đệ Thiên chúa giáo, đang làm công việc trực tiếp chăm sóc
những kẻ ngoài lề xã hội. Tấm gương của thời đại chúng ta là Mẹ
Teresa, cả đời săn sóc cho người cùng khổ. Bà là người thể hiện lý
tưởng diển tả trong bài kệ trên.
Ðó là điểm tôi thường nêu lên khi gặp các hội viên của
những trung tâm Phật giáo khắp nơi trên thế giới. Tôi thường nêu lên vấn
đề: một trung tâm Phật giáo chỉ giảng dạy hay thiền tập thôi không đủ.
Tất nhiên có những trung tâm Phật giáo rất đáng nể, có những
tu viện mà các tăng sĩ Tây phương có thể thổi được cả thứ kèn cổ
truyền Tây Tạng! Nhưng tôi vẫn nhấn mạnh tới chuyện phải mở rộng chương
trình sinh hoạt ra để các nguyên lý trong Phật giáo của Bụt có thể đóng
góp cho xã hội.
Tôi vui mừng được biết đã có các trung tâm Phât giáo bắt
đầu áp dụng đạo Bụt vào mục tiêu xã hội. Chẳng hạn như ở Úc
châu, tôi nghe có một trung tâm Phật giáo đang thành lập các nhà An dưỡng
(Hospice), giúp những người ở cửa Tử và chăm sóc những bệnh nhân bị
Aids.
Tôi cũng nghe nói có trung tâm dạy thiền trong nhà tù, họ tới
giảng và chỉ dạy cho tù nhân. Ðó là những tấm gương tốt. Thật là đại
bất hạnh cho những con người bị xã hội ruồng bỏ như vậy, nhất là
những người bị tù tội.
Không chỉ đau đớn cho họ, mà nhìn rộng ra, thì còn là sự
mất mát cho xã hội nữa. Chúng ta không cung cấp cho những con người đó
có cơ hội phục vụ xã hội, dù họ có khả năng. Tôi nghĩ cộng động xã
hội chúng ta nói chung không nên ruồng bỏ những người như vậy, mà nên
bao bọc và chấp nhận khả năng đóng góp của họ. Như thế họ sẽ cảm
thấy họ có chỗ đứng trong xã hội, và họ có thể bắt đầu thấy mình
có gì để hiến tặng.
Bài kệ tiếp theo:
5.- Khi người
ta vì ghen ghét
Ðã lạm dụng, vu cáo, miệt thị tôi
Xin cho tôi nhận phần thua thiệt
Và tặng cho họ phần thắng lợi vinh quang.
Ðiều này dạy ta cho dù kẻ khác khiêu khích bạn vô lý hay
không có nguyên do, thay vì phản ứng một cách tiêu cực, người tu tập vị
tha có thể tha thứ cho họ. Bạn nên bình tâm, không bị rung động vì
cách đối xử của họ. Bài kệ sau đây dạy ta không những bao dung mà ta
còn nên coi họ như các vị thầy tâm linh của ta nữa:
6.- Khi nào người
tôi đã giúp đở
Hoặc tôi đã hy vọng nhiều
Cư xử tệ hại khiến tôi khổ tâm
Xin cho tôi vẫn thấy họ là bậc thầy quí.
Trong cuốn "Hướng dẫn vào Bồ Tát đạo" của ngài
Tịch Thiện Shantideva, có phần bình giải rất quan trọng về phương cách
làm sao ta phát triển được các thái độ nói trên, làm sao ta lại nhìn những
kẻ hại ta như các đối tượng để học hỏi về tâm linh.
Và trong đoạn thứ ba của cuốn "Ðường vào Trung
Quán", ngài Nguyệt Xứng Chandrakirti đã giảng nhiều bài rất hiệu quả,
đầy hứng khởi cho việc thực tập nhẫn nhục bao dung.
Bài kệ thứ bảy tóm tắt những phép thực tập mà ta đã học:
7.- Tóm lại,
tôi xin hiến tặng lợi lạc và niềm vui
Cho tất cả các bà mẹ ruột thịt hay mẹ gián tiếp của tôi
Xin cho tôi lặng yên nhận chịu
Tất cả những khổ đau của hiền mẫu.
Bài kệ này trình bày phương pháp cho và nhận Tonglen10.
Do việc hình dung hóa sự cho và nhận, chúng ta luyện tập tánh bình đẳng
và phép hoán chuyển giữa ta và người.
Sự hoán chuyển này không có nghĩa là mình trở thành người
kia hay ngược lại, vì chuyện đó không thể thực hiện. Ðây chỉ có nghĩa
là ta thay đổi thái độ cố hữu mà ta thường có đối với mình và người
khác.
Ta thường coi cái gọi là "Tôi" này như một thứ rất
đáng quý, rất cần được chăm sóc, đôi khi lấn sang cả sự an vui của
người khác. Trái lại đối với người, ta thường vô cảm, may lắm thì
cũng có chút quan tâm nhưng chỉ ở mức cảm xúc mà thôi. Nói chung, ta
không để ý tới sự an vui của người ngoài, không coi nó là quan trọng.
Sự thực tập hoán chuyển có nghĩa là ta thay thế thái độ
quá bám víu, vướng mắc vào cái Tôi, cố gắng đổi nó, coi bình an của
kẻ khác là quan trọng và cần để tâm tới.
Khi thực tập theo phương pháp nhận những khổ đau thua thiệt
về mình, tôi cho rằng bạn phải coi xét kỹ và hiểu cho thấu đáo.
Trong khi tu học theo con đường tâm linh, học cách quan tâm tới
phúc lợi của tha nhân, bạn có thể gặp một số khó khăn đôi khi phiền
não. Vậy nên bạn cần được sửa soạn đầy đủ để chấp nhận chuyện
này. Bài kệ không dạy bạn ghét mình hay đặt mình vào các khó khăn, đau
khổ, như để tự hành mình. Không, xin nhớ không phải như vậy.
Một tỷ dụ khác về chuyện không nên hiểu lầm ý nghĩa của
đoạn văn tôi trích sau đây trong một tác phẩm nổi tiếng của Tây Tạng:
"Xin cho tôi can đảm sống thêm đời đời kiếp kiếp,
ngay cả trong hỏa ngục nếu như đó là chuyện cần thiết". Câu này
có ý nghĩa: nếu con đường vị tha cần tới sự can trường vô thời hạn
như vậy, thì bạn cũng cần có ý chí và quyết tâm chấp nhận.
Cái hiểu thấu đáo những đoạn văn như vậy rất quan trọng,
vì nếu không, bạn có thể vì chúng mà tự ghét mình, nghĩ rằng cái Tôi
thể hiện những ý tưởng vị kỷ thì cần phải bỏ nó luôn đi.
"Ðừng quên mục tiêu tối hậu của con đường tâm
linh là đi tìm nguồn hạnh phúc cao nhất cho ta và cho người". Người
nào mưu cầu hạnh phúc chân thực cho mình, cũng là tìm hạnh phúc cho người
khác vậy.
Ngay trong quan điểm thực tế, ta cũng thấy là ai muốn phát
triển lòng từ bi đối với người khác, đều phải biết căn bản của sự
huân tập lòng từ bi là khả năng liên kết được sự quan tâm về mình với
sự để ý tới người khác.
Nếu ta không thể làm như vậy thì làm sao ta tới với người
khác và chăm lo cho họ? Quan tâm tới người khác đòi hỏi ta phải biết tự
lo đã.
Sự thực tập phép cho và nhận Tonglen bao gồm sự huân tập
lòng từ bi, tập phần "cho" tức là tập từ bi. Ngài Tịch Thiên
Shantideva đề nghị một phương pháp rất hay trơng cuốn "Hướng dẫn
vào Bồ Tát đạo": dùng phương pháp hình dung quán tưởng để hiểu
những thiếu kém của sự vị kỷ và làm sao đối trị đưiợc nó.
Một bên, bạn hình dung ra con người bạn, chỉ biết để ý
tới sự tốt lành của mình, chỉ thể hiện cái ngã và hoàn toàn dửng dưng
với phúc lợi của người khác. Ðó là cái ngã chỉ biết có mình, đôi
khi đi tới chỗ khai thác người khác một cách quá đáng, để đạt mục
tiêu vị kỷ.
Mặt khác, bạn hình dung ra một nhóm người đang đau khổ, không
có gì hỗ trợ, không biết nương tựa vào đâu. Bạn có thể chú ý tới
từng cá nhân nếu bạn muốn. Tỷ dụ bạn hình dung tới một người bạn
thân đang bị phiền não. Hình dung người đó như một đối tượng để bạn
thực tập phép cho và nhận.
Sau nữa, bạn hình dung mình như một cá nhân thứ ba, trung
dung, không liên hệ với hai bên, chỉ đóng vai quan sát vô tư để xem coi bên
nào quan trọng hơn. Tách con người mình ra, đứng ở vị trí quan sát vô tư,
bạn sẽ dễ nhìn thấu được những giới hạn của các hành xử vị kỷ.
Và bạn sẽ thấy chuyện để tâm tới phúc lợi của đám đông là điều
hợp lý, công bằng hơn nhiều.
Kết quả của phép hình dung này là bạn sẽ bắt đầu có
thiện cảm với tha nhân và thông cảm sâu xa với những khổ đau của họ.
Tới đây, bạn có thể bắt đầu thiền quan về phép 'Cho và Nhận"
được rồi.
Có một phép hình dung ích lợi hơn để có thể quán về phưong
pháp Nhận, mang vào mình những khổ đau của người khác: Trước hết bạn
chú tâm vào những người đau khổ, ráng phát triển tâm từ bi đối với
họ, cho tới lúc bạn thấy như không chịu nổi cái đau khổ đó nữa.
Ðồng thời, bạn nhận ra là mình không giúp gì được họ một
cách thực tế. Vì vậy, do lòng từ bi thúc đẩy, và để cho có hiệu năng
hơn, bạn hình dung đem vào mình những đau khổ đó, kể cả các căn duyên
gây khổ và những cảm nghỉ bất thiện của chúng v.v... Bạn có thể tưởng
tượng tất cả những khổ đau ấy như một nguồn khói đen, tưởng tượng
nó tan hòa vào trong con người bạn.
Trong phép thực tập này, bạn cũng có thể hình dung để chia
sớt cho người khác những phước thiện của bạn. Bạn có thể nghĩ tới
một việc công đức nào bạn đã làm, các tiềm năng thiện lành có thể
có trong bạn, các hiểu biết về tuệ giác tâm linh mà bạn đã đạt được.
Bạn hãy gởi những thứ đó cho chúng sanh để họ cũng được
hưởng phúc lợi. Bạn có thể tưởng tượng các thiện tính đó như một
nguồn suối hoàn toàn ánh sáng trắng tuôn chảy và thấm nhuần vào chúng
sanh. Ðây là sự thực tập bằng cách hình dung phép "Cho và Nhận"
Tonglen.
Dĩ nhiên sự luyện tập này không có ảnh hưởng vật chất
gì tới người khác, vì nó chỉ là những quán tưởng bằng hình ảnh. Nhưng
nó có thể giúp bạn gia tăng sự quan tâm và cảm thông với người khác,
cũng như giảm thiểu năng lượng của sự vị kỷ trong bạn. Ðó là những
phúc lợi của tu học.
Ðây là cách huấn luyện tâm linh để nuôi dưỡng ước vọng
vị tha muốn giúp đở người khác. Khi ước vọng này phát khởi cùng với
nguyện vọng được giác ngộ, thì bạn đã thực hiện được Bồ đề tâm
- tức là ý hướng vị tha muốn giác ngộ để độ trì cho tất cả chúng
sanh.
Chúng ta hãy đọc bài kệ chót:
Xin cho các ước
nguyện kể trên
Không bị bát phong11 làm ô nhiễ
Xin cho hiểu thấu tánh hư huyễn của các pháp
Ðể được tự do, không còn chút dính mắc nào
Hai câu đầu trong bài này rất quan trọng cho những người tu
tập nghiêm thâm. Bát phong hay "tám ngọn gió, tám thói đời" thường
điều khiển chúng ta trong cuộc sống. Ðó là sự tự hào khi được ca ngợi;
buồn nản khi bị chê bai hay nhục mạ; hạnh phúc khi thành công; phiền
não khi thất bại; vui sướng khi có thêm tài sản; mất tinh thần khi bị
nghèo khổ; hài lòng với danh vọng và tủi hổ khi ít người biết tới.
Một con người tu tập thực sự chắc chắn sẽ không bị những
tư tưởng trên làm ô trược tới sự phát triển Bồ đề tâm của mình.
Tỷ dụ như khi tôi giảng bài pháp này, nếu tôi có một chút tư tưởng nào
trong tâm: hy vọng mọi người sẽ kính phục tôi, thì điều đó chứng tỏ
là động cơ giảng dạy của tôi đã bị thói đời làm ô trược.
Việc kiểm soát chính mình để không rơi vào tình trạng đó
rất ư quan trọng. Tương tự như vậy, một hành giả vẫn thường áp dụng
lý tưởng vị tha trong đời sống hàng ngày, bỗng nhiên anh ta suy nghĩ:
"Mình tu giỏi quá rồi", thì lập tức "bát phong" của thế
tục làm cho việc hành trì của anh bị ô nhiễm.
Chuyện này cũng giống như khi anh ta khởi lên ý tưởng mong
được người đời ca tụng vì anh đã cố gắng hành trì và tinh tấn.
Tám thói đời ấy làm hỏng công trình tu tập của chúng ta,
nên ta phải làm sao để được thanh tịnh, không bị chúng phá hoại.
Như các bạn đã biết, những bài giảng trong Lo-jong về
Chuyển hóa tâm có hiệu quả rất mạnh. Nó thật sự làm cho bạn phải
suy nghĩ. Ðây là một đoạn thí dụ:
"Xin cho tôi được vui vẻ khi có người xúc phạm, xin cho
tôi không thích thú khi có người khen ngợi - vì như vậy tôi đã làm tăng
lên trong tôi sự kiêu hảnh, ngạo mạn và tự phụ. Tôi vui vẻ với những
bình phẩm vì ít nhất tôi được mở mắt ra để biết những khuyết điểm
của mình".
Cho tới nay, chúng ta đã bàn về tất cả những phương pháp
tu tập liên quan tới sự phát triển cái gọi là Bồ đề tâm theo quy ước
- nghĩa là khuynh hướng vị tha muốn đạt tới giác ngộ để độ cho hết
thảy chúng sanh.
Hai câu dưới của bài kệ chót liên hệ tới việc phát triển
Bồ đề tâm tối thượng (Ultimate Boddhichita), tức là sự phát triển tuệ
giác về bản chất chân như của thực tại.
Việc phát triển trí tuệ là một phần lý tuởng của Bồ
tát, thể hiện trong việc hành trì sáu pháp Ba la mật như đã trình bày
ở trên. Tuy nhiên, thông thường chúng ta đã biết, có hai khía cạnh của
con đường tu tập theo đạo Phật: phương tiện và trí tuệ.
Cả hai đều có trong định nghĩa của giác ngộ - là sự bất
nhị của hình tướng hoàn thiện và trí tuệ viên mãn. Tu tập trí tuệ tiến
tới cùng với sự hoàn thiện của tánh giác và thực hành các phương tiện
thiện xảo liên hệ tới sự hoàn thiện của các hình tướng.
Phật pháp thường được trình bày trong khung cảnh của ba loại
Pháp12, gồm có giáo pháp (nền tảng), hành pháp (con đường) và
chứng pháp (kết quả). Trước hết ta khai triển sự hiểu biết về chân
lý thực tại trong hai quan niệm tục đế và chân đế13, đó
là nền tảng.
Rồi tới hành pháp, ta dần dần thực hành thiền quán cả
hai khía cạnh trí tuệ và phương tiện. Chứng pháp, kết quả sau cùng của
hành giả là sự bất nhị giữa hình tướng tuyệt đối và trí tuê viên
mãn.
Hai hàng chót của tám bài kệ trên:
"Xin cho
tôi hiểu thấu tánh hư huyễn của các pháp,
Ðể được tự do, không còn chút dính mắc nào".
Ở đây nhấn mạnh tới hành trì phát triển trí tuệ về bản
chất của thực tại nhưng bề ngoài, hai câu trên hình như giải thích phương
cách ta liên hệ với thế giới sau khi thiền định.
Phật giáo dạy ta có hai ý nghĩa khác nhau về bản chất thực
tại: một là trong thiền quán nhất điểm về Tánh Không, hai là trong những
thời gian ngoài khóa thiền, trong đời sống thực tế.
Hai dòng trên liên hệ trực tiếp tới tương quan của hành giả
với thế giới sau khi đã quán tưởng về Không - Mọi sự coi như huyễn
ảo, đó là nhận thức của thiền giả về bản chất thực tại, sau khi
quán tưởng về một điểm "Tánh Không hay trống rỗng".
Theo tôi, đây là những chi tiết quan trọng vì đôi khi người
ta tưởng rằng, chỉ cần chú tâm thiền quán về Không trong các thời kỳ
tĩnh tọa mà thôi. Họ không để ý tới chuyện áp dụng kinh nghiệm này
sau các khóa thiền. Dù sao, tôi vẫn cho là những thời gian ngoài khóa thiền
tập rất quan trọng.
Ðiểm chính yếu trong thiền quán về bản chất thực tại
là để giúp bạn không bị các hình tướng bề ngoài làm cho điên đảo,
và bạn sẽ hiểu được bề ngoài của đối tượng mà bạn thấy, nó
khác với bản chất thực sự của nó ra sao. Ðạo Bụt cho là hình tướng
bên ngoài có thể làm cho ta lầm lẫn.
Sau khi hiểu sâu hơn về thực tại, bạn có thể vượt qua các
hình tướng và bạn sẽ có những liên hệ thích hợp, hữu hiệu và gần
thực tế hơn
Tôi thường đưa thí dụ về liên hệ với hàng xóm của ta.
Hãy tưởng tượng ta sống ở một khu đô thị không thể có liện hệ gì
với hàng xóm. Thực ra bạn nên tìm cách liên hệ tới họ hơn là bỏ lơ
họ.
Tương quan tốt xấu tùy theo bạn hiểu người hàng xóm đó
ra sao? Nếu người đó rất phong phú, thì khi kết thân với họ, bạn sẽ
được hưởng.
Nếu bạn biết trong thâm tâm họ có tánh lừa dối, thì sự
hiểu biết về con người đó càng quý giá vì bạn sẽ biết cách giữ
liên hệ thân tình, nhưng làm sao cho họ không lợi dụng được bạn. Nói
khác đi, khi bạn có sự hiểu biết về bản chất thực tại, thì sau các
thời thiền quán, khi sống với thế tục, bạn sẽ biết cách liên hệ với
mọi người và mọi việc một cách thích hợp và thực tế hơn.
Bài kệ nói tới sự huyễn ảo của mọi hiện tượng, tiếp
theo nói tới tánh chất huyễn chỉ được nhận ra khi bạn đã tự do,
không còn dính mắc vào quan niệm : "các hiện tượng có tự tánh độc
lập" nữa.
Một khi bạn đã thoát được ràng buộc đó, nhận thức về
bản chất huyễn ảo của thực tại sẽ tự động phát khởi. Dù cho chuyện
gì tới với bạn, dù nó có vẻ độc lập và hiện hữu thực sự nhưng
sau khi thiền quán, bạn sẽ hiểu là nó không thật như thế.
Bạn sẽ thấy mọi chuyện không có bản chất và bền vững
như bạn tưởng. Chữ "Huyễn" ở đây chỉ về sư khác biệt giữa
nhận thức của bạn về sự vật và thực tướng của chúng.
PHÁT TRIỂN
TÂM GIÁC NGỘ
Ðối với những ai quý trọng các lý tưởng tâm linh trong
tám bài kệ Chuyển hoá tâm, quý vị nên tụng đọc nó hàng ngày để phát
triển trí tuệ. Các Phật tử hành trì đạo Phật nên đọc tụng và quán
chiếu về ý nghĩa bài kệ, đồng thời cố gắng phát triển tâm vị tha
và từ bi. Những vị có tôn giáo khác, nên tìm học trong giáo pháp của
mình và cũng nên cố gắng hành trì, nuôi dưỡng những ý tưởng vị tha
trong lý tưởng từ bi giúp người.
Với ước
nguyện giải thoát hết mọi chúng sanh,
Con xin mãi mãi quy y Tam Bảo:
Phật, Pháp và Tăng,
Cho tới ngày con đạt được Chánh giác.
Trước đức Phật từ bi trí tuệ viên mãn,
Con xin phát khởi tâm chánh niệm,
Vì lợi ích của tất cả các chúng sanh.
Khi còn thế giới,
Khi còn chúng sanh.
Con nguyền ở lại,
Giúp đời bớt khổ.
(Kệ của ngài Tịch Thiên Shantideva).
Ðể kết luận, những vị nào như tôi đây, tự cho mình là
Phật tử, thì nên ráng hết sức để tu tập và hành trì. Nếu các bạn
theo một tôn giáo khác, tôi xin khuyên "Hãy học tập tôn giáo của bạn
một cách nghiêm chỉnh và hết lòng". Ðối với những ai không có tín
ngưỡng, tôi xin các bạn hãy ráng sống cho tử tế, nhân đức. Tôi xin bạn
điều đó vì nó thực sự sẽ đem hạnh phúc lại cho chúng ta. Như tôi đã
nói: lo cho người thì mình sẽ được hưởng.
GHI CHÚ:
1.- Kim cang thừa: Vajrayana trong Phật giáoTây Tạng Kim cang thừa
hay Mật Thừa được coi là giai đoạn chót của Ðại Thừa, nhằm khai mở
rốt ráo lòng từ bi và chuyển đổi tâm thức thành trí tuệ viên mãn. Chỉ
có các vị Tổ và Bồ tát mới đi được con đường này.
Trong Kim cang thừa, các thiền giả chuyên chú vào việc phát
triển Bồ đề tâm. Quí vị đó hành thiền, tụng niệm và trì chú rất
nghiêm mật, rốt ráo để đạt đước đại ngộ. Nhờ nhiều phép tu thiện
xảo và biết phối hợp âm thanh (Chú) với cử chỉ (Ấn quyết) và tâm ý
(Tam ma địa) mà thân, khẩu, ý các vị thanh tịnh, dứt trừ hết các vọng
niệm và phát triển trí tuệ Bát nhã.
Kim cang thừa thường bị hiểu lầm là chiếc thang máy, là
con đường tắt đưa người ta tới Niết bàn... Theo sách Mật tông thì sau
khi trải qua nhiều kiếp tu hành, nay được một minh sư hướng dẫn và dốc
lòng tu tập, người ta mới theo Kim cang thừa mà đạt tới quả vị Phật.
Lúc đó, các thức đã biến thành các Trí:
- A lại Da
(Alaya) thành ra Ðại Viên cảnh trí - Giác ngô viên mãn.
- Mạt Na (Manas) thành Bình đẳng tánh trí (Phi nhất phi dị) - Không còn vấn
đề ngã hay vô ngã.
- Ý thức (Vijnana) thành ra Diệu quan sát trí: có sự hiểu biết thường trực
về Y tha khởi, đạt tới cái thấy của Viên thành thật...(Xin xem tiếp
các sách ở mục tham khảo).
2.- Lục độ Ba la mật: sáu phép qua bờ (Lục đáo bỉ ngạn
pháp - six perfections), sáu phép tu để từ cõi u mê (vô minh) qua được bờ
giác ngộ. Ðây là sáu phép tu của người có hạnh nguyện Bồ tát, nhờ
đó quý vị có thể tự độ và giúp được bao người. Sáu phép tu gồm
có:
- Bố thí Ba la
mật: Dana paramita.
- Trì giới Ba la mật: Sila paramita.
- Nhẫn nhục Ba la mật: Kshanti paramita.
- Tinh tấn Ba la mật: Virya paramita.
- Thiền định Ba la mật: Dhyana paramita.
- Trí tuệ hay Bát nhã Ba la mật: Prajna paramita.
Bốn phép tu đầu thuộc về các đức tính, khi ta khai triển
được bốn phép tu này thì sẽ thực hành được Thiền định và hướng
đến trí tuệ toàn vẹn, thể nhập được tự tánh, chân như.
3.- Uẩn (ngũ uẩn hay ngũ ấm: five aggregate - skandhas): năm yếu
tố kết hợp tạo nên con người, gồm có:
- Sắc: thân thể.
- Thọ: các cảm giác, cảm thọ.
- Tưởng: tri giác, nhận biết.
- Hành hoặc tâm hành: gồm tất cả những hoạt động tâm lý của con người.
Có tất cả 51 tâm hành trong đó có thọ và tưởng, là hai tâm hành quan trọng
nhất được tách riêng.
- Thức: cái biết.
3a.- Sáu thức, A lại da thức: là những dòng cảm giác hay bản
thể hiểu biết phân biệt sự vật. Khi các giác quan (Căn) tiếp xúc với
các đối tượng của chúng (Trần hay cảnh) thì thức (cái biết) phát
sanh. Theo tông Duy Thức (Mind Only School - một trong hai trường phái lớn của
Phật giáo Ðại thừa), có 8 thức hay 8 tâm thức cũng gọi là tâm vương:
- Nhãn thức
(Eye consciousness): cái biết sanh ra khi mắt (nhãn căn) tiếp xúc với hình sắc
của cảnh vật (sắc trần).
- Nhĩ thức (Ear consciousness): cái biết sanh ra khi tai (nhĩ căn) tiếp xúc với
âm thanh (thanh trần).
- Tỷ thức (Nose consciousness): cái biết do mũi (tỷ căn) tiếp xúc với mùi
(hương trần).
- Thiệt thức (Tongue consciousness): cái biết do lưỡi (thiệt căn) tiếp xúc
với các đồ ăn uống (vị trần).
- Thân thức (Body consciousness): cái biết do thân thể (thân căn) tiếp xúc với
mọi vật (xúc trần).
- Ý thức (Mind consciousness): cái biết do ý căn (Mạt na) tiếp xúc với
pháp trần.
-Mạt na thức (Manas - thức thứ 7): bản năng chấp ngã, trực giác chấp
ngã hay bản năng tự tồn, có mặt ngay từ khi ta mới ra đời. Mạt na là
trung tâm của các nhận thức sai lầm - phân biệt đối đải (ta và người,
trước sau, trên dưới, sanh diệt v.v...) và Mạt na cũng là nền tảng cho mọi
hành động của sáu thức trên.
- A lại da (Alaya hay tàng thức - thức thứ 8): đây là thức nền tảng của
mọi nhận thức và mọi hiện tượng tâm sinh, vật lý... Tâm lý học Tây
phương nói tới "tiềm thức, vô thức, nhịp sống..." mới chỉ
là các khái niệm gần giống với A lại da, vì Tàng thức sâu kín, rộng lớn
và sinh động hơn nhiều. Nó là bản chất hiện hữu của sinh mạng và của
môi trường trong đó sinh mạng tồn tại...(Xem các sách trong mục tham khảo).
4- Trung quán (Madhyamaka): một trong hai triết thuyết lớn của
Phật giáo Ðại thừa, do ngài Long Thọ khai triển, dựa vào nguyên lý
Prasanga (là một thuật ngữ có nghĩa là Quy mậu luận chứng - biện luận
tới cùng), nên có khi Trung Quán được gọi là Prasangika Madhyamaka. (Triết
học Trung Quán của Jaidev Singh, Thích Viên Lý dịch, Viện Triết lý QT xuất
bản).
5.- Phân tích bảy điểm: phương pháp phân tích cái ngã theo bảy
điểm phủ định, từng bước một. Ðó là:
- Ta không nhận
diện được cái ngã qua những phần tử tạo nên nó.
- Ngã không khác với các phần tử đó.
- Ngã không phải là bản chất của chúng.
- Ngã cũng không luôn luôn tùy thuộc các phần tử tạo ra nó.
- Các thành phần đó không thuộc quyền sở hữu của ngã.
- Ngã không mang hình dáng của các phần tử tạo ra nó.
- Và ngã cũng không phải là một hỗn hợp của chúng. (Ghi chú bản tiếng
Anh).
6.- Svabhava: tự tánh, bản chất của thực tại. Ðó là một
thực tại tuyệt đối. Phái Trung Quán không chấp nhận tự tánh của một
vật là do cái gì khác đem lại, hay có liên hệ, tùy thuộc vào một vật
khác. Từ định nghĩa đó, phái Trung Quán dùng chữ Svabhava đi đôi với chữ
Không. Svabhava-Sunya có nghĩa là tự tánh không: trên thế giới không có vật
thể nào tự mình tồn tại được, không thứ gì có tự ngã độc lập vì
tự tánh tuyệt đối của nó là trống rỗng, là không. (Trích sách Triết
học Trung Quán của Jaidev Singh, Thích Viên Lý dịch).
7- Ngọc như ý: viên đá quý (ngọc) có phép thần thông, giúp
bạn thực hiện mọi lời ước nguyện.
8.- Ba phép huấn luyện cao đẳng (three higher trainings) về đạo
đức, thiền định và trí tuệ - tương đương với sự hành trì giới luật,
thiền quán và sự khai mở trí tuệ bằng cách học hỏi kinh luận, thực
chứng để đi tới giác ngộ. Ðó là con đường của các Phật tử chân
chánh.
9.- Chánh niệm; tỉnh thức, tỉnh giác hay tự biết, nghĩa là
có ý thức về những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta. Chánh niệm
thường được dịch sang Anh ngữ là Mindfulness, Awareness. (Trong cuốn Trái
tim của Bụt, Hòa thượng Nhất Hạnh giảng dạy về Chánh niệm rất cặn
kẻ, cụ thể và đầy đủ trong nhiều chương).
10.- Tonglen: phép đem những an vui hạnh phúc của bạn cho người
khác và nhận vào mình những phiền não, khổ đau của họ. Ðó là một
phép tu "Từ bi quán" cao thượng, do thiền sư Geshe Chekhawa của Tây
Tạng (thế kỷ 11) khai triển và truyền lại cho các đệ tử sau khi chứng
nghiệm hiệu quả lớn lao của nó. (Sách Tạng Thư Sống Chết của Sogyal
Rinpoche, Sư cô Trí Hải dịch, Thanh Văn xuất bản).
11.- Bát phong hay bát pháp: tám thứ gió hay tám thói đời,
ngăn cản không cho hành giả đạt tới giác ngộ Tiếng Hán Việt diễn tả
bát phong là: Lợi, Suy (yếu), Hủy (chê), Dự (khen), Xưng (ca tụng), Cơ (chế
diễu), Khổ, Lạc. (Xem sách Pháp số căn bản của Hạnh Cơ - Làng Cây
Phong xuất bản).
12- Ba loại pháp (Tam pháp): thâu tóm tất cả Phật pháp, gồm
có:
- Giáo pháp: tất cả những nền tảng (gồm 12 phần) Phật đã giảng dạy
suốt cuộc đời hành đạo của ngài.
- Hành pháp: các phép tu như Lục độ, Thập nhị nhân duyên...
- Chứng pháp: những kết quả do tu hành mà chứng được quả Bồ đề, quả
Niết bàn...
(Theo Tự diển Phật Học Hán Việt, nhà xất bản Khoa học xã hội).
13.- Tục đế, chân đế:
- Tục đế
(Samvrti-satya): chân lý tương đối, sự thật trong cuộc đời thế tục, do
phân biệt, khái niệm mà có.
- Chân đế (Paramartha-satya): chân lý hay sự thật tuyệt đối, sự thật
vượt khỏi khái niệm của thế giới pháp tánh, nhìn từ bản tánh không
phân biệt.
Tục đế (hay thế đế, thế tục đế) và chân đế (hay thắng
nghĩa đế, đệ nhất nghĩa đế) là hai khía cạnh của chân lý. Trong các
bài giảng tùy vào các nhân duyên (thời gian, khung cảnh, thính chúng nghe
pháp) mà Bụt đề cập tới tục đế hay chân đế. Khi học kinh điển, chúng
ta phải có khả năng phân biệt hai sự thật đó thì mới không bị lộn xộn.
(Theo Trái tim Mặt trời, HT Nhất Hạnh).
SÁCH THAM KHẢO
1.- Thích Nhất
Hạnh:
- Vấn đề nhận thức trong Duy Thức học - Lá Bối 1978.
- Trái tim mặt trời - Lá Bối 1982.
- Trái tim của Bụt - Lá Bối 1997.
- Thiết lập Tịnh Ðộ - Lá Bối 2000.
2- Jaidev Singh,
Thích Viên Lý: Ðại cương Triết học Trung Quán, Viện Triết lý VN và thế
giới, 1998.
3.- Hạnh Cơ:
Pháp số căn bản, Làng Cây Phong, 1996.
4.- Sogyal
Rinpoche, Thích nữ Trí Hải: Tạng thư sống chết, Thanh Văn, 1996.
5.- Geshe Tsultim
Gyeltsen: Mirror of the Wisdom, Thubten Shardye Ling Publication.
6- Các sách Anh
ngữ của Ðạt Lai Lạt Ma như:
- Fundamental Wisdom of the Midle Way, Oxford University Press, 1995.
- The Power of Compassion, Thorsons, London, 1995.
- Four Noble Truths, Thorsons, 1998.
- Heart of the Buddha's path, Thorsons, 1999.
* * * *
Trích dẫn: CHUYỂN HÓA TÂM
(Phát khởi lòng Từ Bi) của ÐẠT LAI LẠT MA thứ 14. Nguyên tác:
TRANSFORMING THE MIND (Teachings on Generating Compassion), Anh ngữ: Geshe Thupten
Jinpa. Việt ngữ: CHÂN HUYỀN dịch, nhà xuất bản: Làng Cây Phong, 2001.
Sưu tầm và đánh
máy: Thanh Sơn.