- Mấy ghi nhận sau khi đọc
"Linh Mục Trần Lục – Thực Chất Con Người & Sự Nghiệp"
của Bùi Kha và Trần Chung Ngọc. Hoa Kỳ: Giao Điểm, 1999.
- Nguyễn Văn Hóa
Ghi nhận một: đối thoại là cuộc
chạy đua về lý luận
Theo các từ điển Hán Việt đã xuất bản, từ "đối"
trong đối thoại có một định nghĩa chung là sự đáp lại, trả lại, một
cặp, một đôi; "thoại" là lời nói, nói chuyện. Trong ngôn ngữ
Anh Mỹ, danh từ dialogue (đối thoại) ý nghĩa được mở rộng ra là một
cuộc trao đổi hay tranh luận giữa những người có ý kiến khác nhau.
Nếu đang là một cuộc tranh luận, đối thoại chưa hẳn sẽ
đi tới kết luận chung cuộc là ai đúng, ai sai; nhưng ít ra nó cũng trình
bày cho những người tham dự hay chiếu cố tới cuộc đối thoại những sự
kiện, lý lẽ, chứng minh một lập luận để tìm ra chân lý (sự thật).
Tuỳ theo tính chất của các cuộc đối thoại, lập luận ở mỗi phía sẽ
tạo ra những tiền đề và tổng hợp đề khác nhau; nhưng tổng hợp đề
này vẫn nằm trong phạm trù tư duy, lý luận. Sử học không dừng lại ở
phạm trù tư tưởng, bởi mỗi một biến cố lịch sử là tác động do
con người tạo nên. Tác động ấy là kết quả từ tư tưởng, và cũng có
thể là nguyên nhân cấu tạo tư tưởng. Nghiên cứu lịch sử còn là sự
khảo sát các biến cố ấy: nguyên nhân, sự kiện và hậu quả của nó.
Đọc trong Kinh Thánh Cựu Ước có đoạn : "Chúa trời
là người đàn ông của chiến tranh. Gia Vê là tên của ông ta. Bàn tay phải
của Người, ôi Gia Vê, xé tan từng mãnh quân thù" (Moses, Exodus 15:
3,6-7). Nếu chỉ nghiên cứu về tư duy tôn giáo thuần tuý, đoạn Kinh Thánh
này vẫn còn thuộc phạm trù lý luận; nhưng nếu nghiên cứu sự hình
thành và phát triển của đạo GiaTô La Mã (lịch sử tôn giáo), buộc lòng
người nghiên cứu phải liên hệ các biến cố lịch sử đẫm máu của đạo
này tạo nên, có quy luật biện chứng nào không giữa tư duy (Kinh thánh)
và các biến cố cụ thể (lịch sử). Do đó nghiên cứu sử học trước hết
là truy tầm về sự thật của quá khứ.
Vậy thì những người viết sử mà không tôn trọng sự thật,
không biết hoặc là cố tình không dùng đến các phương pháp, phương tiện
để khảo sát sư kiện, không có bằng cớ, chứng tích của sự thật thì
không thể gọi là những nhà sử học. Tệ hơn nũa, có người viết sử lại
bóp méo sự thật, dùng một phần của sự thật để xuyên tạc, biện
minh cho sự bất chính của quá khứ, mong cầu cho một tương lai vô minh, người
ta đã nôm na gọi họ là những nhà nguỵ sử.
Sử học không thể là "một môn học lý giải và tiên
liệu mọi biến chuyển của xã hội, từ quá khứ qua hiện tại, suốt đến
tương lai" (Đỗ Thái Nhiên, "Người trí thức", Nhân Văn tháng
8/1991, tr.16). Nếu sử học là một môn học lý giải các biến cố, sự kiện
do con người tác động, người ta có thể lý giải các biến cố, sự kiện
ấy từ xấu thành tốt, từ bất chính thành chính nghĩa, từ phản dân hại
nước thành những kẻ có công với đất nước.
"Cụ Sáu" Trần Lục là một nhân vật xuất thân từ
Phát Diệm miền Bắc Việt Nam, một linh mục Gia Tô giáo, kẻ đã hộp tác
với thực dân Pháp, với Giáo hội Mẹ (Vatican) để chống lại những người
yêu nước bằng các hành động cụ thể (mà hầu như một học sinh trung học
hay đại học Việt Nam có học đến sử Việt, đều biết đến ít nhiều)
– giờ đây được tuyên dương là một vĩ nhân của dân tộc là một việc
làm phản lại sử học. Cuốn sách "Trần Lục" (một tuyển tập của
22 nhà trí thức GiaTô, từ khoa bảng cho đến các chức tôn giáo, xuất bản
năm 1996 ở hải ngoại) đã làm công việc phản sử học này.
Cho nên khi đọc "Linh mục Trần Lục..." của hai tác
giả Bùi Kha và Trần Chung Ngọc, tôi không cho đó là một cuộc đối thoại
giữa sự khác biệt về tư duy và chính kiến, mà là một vạch trần
xuyên tạc sự thật lịch sử.
Ghi nhận hai: một phương pháp
không mới, nhưng rất khoa học trong vấn đề viết sử
Sau khi đi sâu vào nội dung của "LM Trần Lục: Thực chất...",
tôi rút ra được một số phương pháp mà hai tác giả của cuốn sách này
đã áp dụng như sau:
+ Sử dụng nguồn tài liệu có
giá trị
Thế nào là một tài liệu sử có giá trị ? Theo tôi, tài
liệu đó phải xuất phát từ nhiều liên hệ tới biến cố lịch sử
trong thời điểm xảy ra. Tựu trung có ba lập trường chính: một, của phe
liên hệ (trong trường hợp này tài liệu xuất phát từ Gia Tô giáo); hai,
phe đối nghịch (là tài liệu sử của Cộng Sản, của triều Nguyễn và
các phong trào Văn Thân, Cần Vương, của Phật Giáo [thật ra Phật Giáo
không có tinh thần đối nghịch với Gia Tô, trái lại Gia Tô coi Phật Giáo
như kẻ thù, nên tạm xếp vào đây], của những phong trào kháng chiến nhưng
không có màu sắc Cộng Sản); phe khách quan (không có lập trường chính kiến,
nhưng tôn trọng sự thật lịch sử). Giá trị còn được chứng thực không
chỉ riêng ở các công trình nghiên cứu được thử nghiệm qua thời gian,
mà còn ở tiểu sử, công trình nghiên cứu và sự nghiệp của chính tác
giả.
+ Yếu tố thời điểm lịch sử
và bối cảnh xã hội
Thời điểm mang tính thống nhất trong biến cố lịch sử,
vì cùng một biến cố không thể có hai sự kiện khác nhau. Nếu thời điểm
là mô hình, xương sống của các sử gia, thì bối cảnh xã hội chung quanh
thời điểm đó là những cơ phận để tạo nên nhân dáng hoàn chỉnh,
trung thực.
+ Phương pháp đối chiếu và tổng
hợp
Đối chiếu là sử dụng mọi nguồn tài liệu dẩn chứng
để so sánh sự kiện (biến cố), tính chất (phong trào quần chúng, cách mạng),
vấn đề (tôn giáo, hiện tượng xã hội). Thẩm định sự đối chiếu có
giá trị hay không tuỳ thuộc vào yếu tố sử dụng nguồn tài liệu có
giá trị hay không. Từ đó, qua đối chiếu sự tổng hợp sẽ đưa tới một
kết luận chân xác.
Tác giả Bùi Kha sau khi đưa ra sáu nguồn sử liệu để so
sánh và phân tích về nhân vật Trần Lục đã đưa tới kết luận bảy tội
của Trần Lục đối với dân tộc Việt Nam. Trần Chung Ngọc đã đưa ra
năm tội. Tựu trung, tính chất của các tội này mang những tính chất rất
giống nhau, mặc dầu hai tác giả đã làm việc trong hoàn cảnh riêng lẻ.
Điều đó chứng minh có một điểm chung (common ground) khi người ta đứng
trên lập trường dân tộc để nhìn vào lịch sử.
+ Phương pháp loại suy
Ba yếu tố nói trên sẽ là trụ chống cho phương pháp loại
suy. Tác giả trần Chung Ngọc đã sử dụng phương pháp này một cách chặt
chẻ, khúc chiết: Nếu bạn đọc đã đọc xong cuốn sách "Trần Lục"
(của 22 tác giả Gia Tô), thấy còn lấn cấn về các suy nghĩ như: Trần Lục
thưcự là một vĩ nhân ? Thế nào là một vĩ nhân ? Vĩ nhân nhờ vào
thành quả: công trình kiến trúc xây nhà thờ Phát Diệm, một linh mục nhưng
được triều đình nhà Nguyễn phong đến bốn tước vị; người đã đóng
góp tích cực vào việc truyền đạo, mở mang nước Chúa ở miền bắc Việt
Nam, thì hai tác giả Bùi Kha và Trần Chung Ngọc (trong "LM Trần Lục: thực
chất con người & sự nghiệp" đã chứng minh cho thấy các yếu tố
TL là một vĩ nhân, yêu nước, đạo đức đã bị loại trừ (exclusive); để
chỉ còn phơi bày thực chất Trần Lục là tu sĩ phản quốc, kẻ gây đại
họa cho dân tộc.
Xét về Trần Lục như một "anh tài" văn học: Tài
văn học của Trần Lục được các tác giả Gia Tô dựa trên "ba tác
phẩm lớn": Hiếu Tự Ca (1085 câu), Nữ Tắc Thường Lễ (1016 câu), Nịch
Ái Vong Ân (440 câu). Nội dung ba tác phẩm lớn này là những bài vè làm
theo thể lục bát. Vì là những bài vè dông dài như vậy, cho nên tôi chỉ
nêu ra một số câu tiêu biểu mà tôi cho là hay nhất trong số vài ngàn
câu trên:
- "Phần hồn thì Chúa sinh ra
- Xác này Chúa phó mẹ cha sinh thành..."
Để răn dạy phụ nữ Gia Tô:
- "Đường kim mũi chỉ đàn bà
- Nhiều khi đã thấy như là đỉa ngôi
- Thôi thì học lấy cho rồi
- Khéo người làm thợ, vậy tôi vá quần..."
thật là khó cho tôi không biết phải diễn tả thế nào
cho phải về "anh tài văn học" của ông Trần Lục qua ba tác phẩm
nói trên. Vậy xin nhờ nhà lý luận văn học Nguyễn Hưng Quốc, hiện ở
nước Úc, kẻ từng gây "chấn động" giới văn học hải ngoại và
trong nước qua tài biến bài thơ "Con Cóc" thành bài thơ hay, may ra
tài văn học của Trần Lục sẽ được thể hiện.
Tóm lại, với phương pháp loại suy trong tác phẩm LMTL, đã
đặt yếu tố con người thành hai vế đối nghịch và người đọc đã
có thể dễ dàng chọn lựa câu trả lời chân xác (có yếu tố này thì
không thể có yếu tố kia)
- Hèn mọn/ Vĩ nhân
- Tiểu tốt/ Anh tài
- Phản quốc/ Yêu nước
- Sát nhân/ Đạo đức
- Giảo hoạt/ Chân thật
- Kẻ cuồng tín ngu muội/ Yêu Chúa sáng suốt.
Ghi nhận ba: trí thức Gia Tô và
"vết lăn trầm"
Mặc cảm là một khái niệm của phân tâm học. Freud đã
khai triển khái niệm này và phân chia thành hai loại: Mặc cảm Oeudipe và mặc
cảm Electra. Mặc cảm của con người là khởi động xuất phát từ một
"ẩn ức sinh lý", mặc cảm Oeudipe là mặc cảm của con trai yêu mẹ
ghét cha được Freud triển khai trong vở kịch Hamlet của Shakespeare; hay mặc
cảm Electra là mặc cảm của con gái yêu cha ghét mẹ. Theo khái niệm mặc
cảm phổ quát, các nhà tâm lý học phân chia mặc cảm có hai cực: tự
tôn (superior complex) và tự ti (inferiority complex). Mặc cảm tự tôn và tự
ti là hai trạng thái tâm lý rất khó phân biệt, dễ lẩn lộn, nên có nhiều
"thức giả" đã sử dụng nó để gán ghép cho người khác nhiều
khi không đứng đắn và chính xác. Thí dụ sau khi chế độ miền Nam sụp
đổ, người ta đã cho rằng các cán binh, dân chúng miền Bắc do mặc cảm
tự ti vì sự quê mùa, nghèo nàn và lạc hậu qua cách ăn bận, cử chỉ, vóc
dáng... của họ nên đâm ra thù ghét dân chúng miền Nam... Mặt khác, các
thành phần lãnh đạo ở miền Bắc vì tự tôn qua chiến thắng, nên trong
các bài tham luận diễn văn, lúc nào cũng dùng danh từ đao to búa lớn: đánh
cho Mỹ cút, Nguỵ nhào v.v... Người nghèo có mặc cảm tự ti về sự thua
kém kinh tế. Người giàu có tự tôn về sự giàu sang...
Có người (phần nhiều là thành phần trí thức Gia Tô) cho
rằng Phật Giáo vì mặc cảm "thua kém" quyền lực, giàu sang, địa
vị xã hội, học vấn...(họ thí dụ như các tu sĩ Phật Giáo "ít học",
không biết chữ Tây, chữ La Tinh, toán học, âm nhạc...[sic] như các tu sĩ
Gia Tô) nên đố kỵ và thù ghét với đạo Gia tô La mã. Dư luận này rất
gần gủi với tinh thần của cựu giáo sư khoa trưởng Lê Hữu Mục trong
cách phân tích hạ nhục phong trào Văn Thân và Cần Vương và đề cao ông
"cụ Sáu" Trần Lục mà Trần Chung ngọc đã vạch ra. Đây là đề
tài chỉ sợ giới đồng bào bình dân lầm lẫn thôi, cho nên cho phép tôi
được nhắc lại rằng tinh thần Phật giáo là tinh thần "vượt ngã",
tự thắng lấy bản thân của mình. Những lời Phật dạy chỉ là phương
tiện để đạt tới chân lý. Và sự đánh mất mặc cảm (tôn hoặc ti) chỉ
là nổ lực nhỏ, bước đầu trong chiều dài nổ lực để tự thắng lấy
bản thân. Dĩ nhiên những người trí thức Gia tô không chấp nhận con đường
tự thắng như vậy, bởi họ không thể đạt được nổ lực tự thắng bản
thân nếu không có sự "hiệp thông" qua ý muốn của Thiên chúa hay
nhận được ân sủng ban phát của mẹ Maria. Vậy nhìn qua phạm trù con-người-phổ-biến
(trong đó bao gồm trí thức Gia tô), không có năng động để tự thắng mình,
ta có thể gọi con người trí thức Gia tô là con người hội tụ của mặc
cảm tự ti lẫn tự tôn, như một bàn tay sấp ngữa, không có ranh giới
phân định.
Tinh thần mặc cảm này được thể hiện qua thực tính
(nói theo ngôn ngữ triết học) và lý luận:
+ Mặc cảm tự ti về nguồn gốc (nghèo khổ, bần cùng).
Theo đạo có gạo mà ăn là một sự kiện lịch sử chứ không phải là
chuyện dèm pha, bôi bác.
+ Phản dân, hại nước: Theo đạo còn là hình thức tôn
sùng các linh mục truyền giáo (cha cố) nước ngoài như thành phần lãnh đạo
của mình (phần hồn lẫn phần xác), mà các linh mục này với đội quân
đi xâm chiếm đất đai chỉ là một, dù hai bên có công tác và mục tiêu
khác nhau; do đó sự hợp tác giữa thành phần theo đạo bản xứ với đội
quân xâm lược là điều không thể tránh khỏi. Triều đình nhà Nguyễn chống
lại quân xâm lược Pháp (là việc hiển nhiên) và chống luôn cả đạo
Gia tô (có lý lẽ lịch sử khác nữa) đã làm cho hành động theo Pháp chống
lại triều đình nhà Nguyễn và chống luôn những người yên nước (như
Văn Thân, Cần Vương, Kháng chiến...) của người Gia tô là có "chính
nghĩa" theo lý lẽ riêng của họ.
+ Đánh mất căn tính dân tộc: Đạo Phật truyền bá đến
Việt Nam từ bên ngoài. Tư tưởng Lão, Khổng cũng vậy. Tuy vậy tính chất
tôn giáo và căn nguyên lịch sử rất khác biệt với Gia tô giáo. Điều
quan trọng là tính chất của "Tam giáo" ấy là căn tính của văn hóa
dân tộc, gọi là dân tộc vì nó đã trở thành "xương thịt" của
con người Việt Nam. Như vậy tính chất dân tộc không xác định từ yếu
tố tôn giáo truyền bá từ ngoài hay không, nhưng từ bản chất và nội
dung của tôn giáo ấy. Tính chất thờ phượng, tôn kính, giáo lý của đạo
Gia tô làm cho họ (nhất là thành phần trí thức) luôn luôn cảm thấy con
người đích thực của chính mình bị đánh mất. Con người thực của mình
không còn, thì văn hóa dân tộc (Việt) trở thành yếu tố ly tâm .
+ Mặc cảm thua trận: Nếu tất cả chúng ta đều đồng ý
một cách dễ dãi rằng – chỉ có đạo Gia tô mới chống Cộng [thật ra
đây là một lầm lẫn từ hệ quả lịch sử] thì người Gia tô Việt Nam
chính là những kẻ thua trận. Mặc dầu đây là sự kiện lịch sử bi hài
hết sức, nhưng nó ẩn và động trong chiều sâu tiềm thức của trí thức
Gia tô (điều này không thể lầm lẫn: đa số các chức vụ trọng trách
trong hai chế độ chống Cộng miền Nam đều nằm trong tay các tín đồ Gia
tô: hành chánh, quân sự, chuyên môn). Thua Cộng sản có nghĩa là mọi giá
trị "tự tôn xưng" của họ bị sụp đổ trước một giá trị
mà họ cho là "ngu dốt, ma quỷ, tàn ác..." Chạy ra nước ngoài, thế
lực Gia tô càng thành công về mặt vật chất thì càng cay đắng về mặt
tinh thần. Ở đất người, Chúa ổ cận kề, sao vẫn thấy u uất, đắng
cay khao khát về một quê hương cho chính xương thịt và tâm hồn mình (!).
Có lẽ đây là niềm đau lớn nhất của chất xám Gia tô.
+ Mặc cảm tự tôn: Sự tự ti nếu không bộc lộ ra bên
ngoài, nó lại được che đậy qua ngôn từ, dưới dạng ẩn dấu trong tiềm
thức. Trái lại sự tự tôn như một trái banh xì hơi, nó tuôn ra hết ở
bên ngoài. Sự tự tôn của người Gia tô đến từ một thực thể: từ
nghèo hèn đã trở thành những kẻ giàu sang, từ thất học (hoặc không thể
học) đã trở thành những trí thức khoa bảng : tiến sĩ, giáo sư, khoa
trưởng, bộ trưởng, tổng thống...Phú quý sinh lễ nghĩa. Sự tự tôn của
trí thức Gia tô gia tăng, chồng chất theo trọng lượng vật chất tích lũy.
Chất xám Gia tô bỗng dưng tự cưu mang cho mình một trọng trách về tinh
thần: xóa bỏ triệt để hết nguồn gốc, dấu vết lịch sử không đáng
nhớ, cố mang thêm một bộ áo văn hóa dân tộc vào lớp da bọc của
mình. Nhìn thấy được hiện tượng này, chúng ta sẽ không còn thảng thốt
qua những câu văn như "chỉ tiếc một điều đạo Công giáo chưa kịp
ăn sâu vào lòng dân tộc như đạo Phật, cho nên các nhà văn chưa viết
được một cuốn "Hồn Bướm Mơ Tiên" thứ hai"... (1), hay bộc
lộ một mặc cảm lịch sử vô phương cứu chữa "Người dân Phát Diệm
nào cũng mang trong lòng dòng máu hai hình ảnh quê hương: một quê hương của
Lê Lợi, Quang Trung và một quê hương của Trần Lục, Lê Hữu Tù, Hoàng Quỳnh
và Nguyễn Minh Luân"... (2).
Trong tâm cảm "tìm về dân tộc", hay khát khao một
biểu tượng anh hùng dân tộc, người trí thức Gia tô có thể vấp phải
những cái mâu thuẫn, dấm dớ, đôi khi lố bịch... vì Dân tộc, Anh hùng
Dân tộc là những thứ họ thiếu hoặc không thể có. Tận đáy lòng của
một người Việt Nam, chúng ta sẵn sàng tha thứ, bởi có những đau
thương đẫm máu mà qua thời gian vẫn có thể xóa nhòa, độ lượng với
nhau, huống chi là những đoạn văn vụng về, những ý tưởng bơ vơ, lạc
loài. Nhưng chúng ta không thể chấp nhận sự vụng về, lố bịch ấy bỗng
một ngày biến thành một hệ thống tư tưởng nhằm sửa đổi lịch sử,
đổi trắng thay đen, biến tội ác trở nên lương thiện, biến phản quốc
trở thành yêu nước, biến một kẻ tầm thường, tiểu tốt trở thành vĩ
nhân của dân tộc !
- Nguyễn Văn Hóa
- 9/2000
Ghi chú
(1,2) Nguyễn Trọng, Phát Diệm
là gì ? tr. 197, Kỷ Yếu Phát Diệm 1891- 1991, tuyển tập, Nguyệt san ĐMHCG
phát hành 1992, Hoa kỳ.
http://www.buddhismtoday.com/viet/diemsach/009-TranLuc.htm