Tsong-Khapa
Blo-bzab-grags-pa (1357-1419). SPEECH OF GOLD: REASON AND ENLIGHTENMENT IN THE TIBETAN
BUDDHISM. Translation with Introduction by Robert A. F. Thurman. Delhi: Motilal
Banarsidass, 1989. (Reprint of Tsong-Khapa's Speech of Gold in the Essence of True
Eloquence. Princeton Library of Asian Translations).
Người đọc: Phật-Điển
Hành-Tư
Tsong-Khapa được xem là người thiết
lập và tổ chức lại toàn bộ các tông phái đương thời tại Tây Tạng.
Ngài thọ Ngũ giới với Tổ Rolpe Dorje Karmapa thứ 4 (1340-1382), nhưng thành
lập và trở thành sáng tổ phái Gelupa, là tác giả các bộ luận Bồ đề
đạo thứ đệ (Lamrin chenmo), Chân ngôn đạo thứ đệ (Ngagrim
chenmo), v.v… Ngài chủ trương xét lại toàn bộ Đại tạng kinh điển Tây
Tạng, cũng như chủ trương một Tỳ kheo xứng đáng được cúng dường cần
phải làu thông 5 ngành học (ngũ minh), phải biết lắng nghe các lời khai
thị, biết tự mình suy xét biệt biện, thực hành thiền định và sống
đời chân chính đúng theo giới luật (Vinàya).
Tsong-Khapa đã kết hợp triết thuyết
Trung quán và Du già hành (tức Duy thức) để tạo nên bộ luận Bồ đề
đạo thứ đệ (Lamrin chenmo), mà giáo sư Alex Wayman đã dịch là Calming
the Mind and Discerning the Real, tạm dịch Tịnh tâm và thực chứng,
xuất bản năm 1978. Chưa đầy một thập niên, giáo sư Thurman lại trùng dịch,
thêm nhiều lập luận mới về Lamrin chenmo và đề tựa lại, Speech
of Gold: Reason and Enlightenment in the Tibetan Buddhism.
Luận Lời Vàng này của
Tsong-Khapa nghiên cứu các học phái lớn của Đại thừa như Duy thức
(Vijniàptivàda) và Trung quán (Màdhyamika), và giải thích về biện giải
Trung quán của phái Pràsanghika (Cụ Duyên hay Ứng Thành tông). Bản dịch của
giáo sư Thurman và chương Dẫn nhập của ông bổ túc thêm cho nhận thức của
chúng ta về Phật giáo, đó là một tôn giáo quán tưởng và thần mật, đồng
thời cũng là một hệ thống triết học biệt biện, thâm nghiêm. Luận nhấn
mạnh đến sự quan thiết của Trung quán biện chứng, siêu việt thời
gian, và nhất là rất thích ứng ngay cả trong thời đại của chúng ta. Luận
trình bày một học phái của tư tưởng Phật giáo Ấn Độ từ lâu đã bị
niêm kín nơi Tây Tạng, không thể tìm thấy bên ngoài đất nước thần bí
này cho đến thời gian gần đây, vì hoàn cảnh hay vì đủ duyên, Phật
giáo Tây Tạng đã hoàn toàn cởi mở và rầm rộ hoằng bá tại các nước
Tây phương.
Theo Tsong-Khapa, thì lý luận bằng
biện giải và trực nhận bằng thiền quán là thiết yếu bổ túc cho nhau
để đạt đến giác ngộ. Luận cũng nhắc đến các tư tưởng gia đương
thời và những tranh luận, những kiến giải của họ, cùng là những đoạn
văn quan trọng trích dẫn từ các tác phẩm quan trọng trong các tông phái
Ấn Độ và Tây Tạng.
Luận Lời Vàng: Lý trí và Giác
ngộ trong Phật giáo Tây Tạng này là công trình trên 10 năm nghiên cứu,
dịch giải, chú thích và giới thiệu một bản văn quan trọng và cao thâm
của giáo sư Thurman. Chúng ta cũng có thể đọc thêm: Alex Wayman. Calming
the Mind and Discerning the Real. New York: Columbia University Press, 1978.
http://www.buddhismtoday.com/viet/diemsach/019-Tsong-Khapa.htm