Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .

Sadakata Akira. BUDDHIST COSMOLOGY: PHILOSOPHY AND ORIGINS. Tokyo: Koosei Publishing Co., 1997. 224 pages.

Người đọc: PHẬT-ĐIỂN HÀNH-TƯ


 

Sách này nguyên là dịch bản của tác phẩm Shumisen to Gokuraku (Tu di sơn dữ Cực lạc), xuất bản lần đầu tiên tại Đông Kinh, Nhật Bản, năm 1973, nhưng dịch bản đã được hiệu đính và gia tăng thêm nhiều tài liệu tham khảo mới. Sách chia làm 2 phần chính: a. Vũ trụ quan tiền-Đại thừa, từ chương 1 đến chương 4 và, b. từ chương 5 đến 9 về Vũ trụ quan trong thời Đại thừa; mỗi chương phân chia hầu như đồng đều nhau về số trang (khoảng 20-25 trang mỗi chương) chứng tỏ tác giả rất cẩn trọng ngay cả đến hình thức là kết quả của một cô đọng nhưng súc tích về nội dung của sách.

Phần đầu, tác giả phân tích chi tiết về vũ trụ quan Phật giáo tìm thấy trong A-tì-đạt-ma Câu-xá luận (Abhidharmakosa-sàstra) của Thế Thân (Vasubandhu) và bản Hán dịch của Đại-tì-bà-sa (Mahàvaibhàsà). Đây là một tổng hợp nhận thức về vũ trụ quan của Nhất thiết hữu bộ (Sarvastivàda) và Tì-bà-sa (Vaibhàsika). Chương đầu mô tả thế giới vật lý: thuyết nguyên tử của Phật giáo và vật lý của địa cầu, như núi Tu-di (Mount Sumeru), các đại dương (oceans), 5 bộ châu (continents) như Diêm phù đề, Nam thiện bộ châu, v.v...

 

Chương 2 nói về lục đạo luân hồi: điều cần ghi nhận nơi đây là, từ gần ba thập niên trở lại đây, số người Tây phương không Phật giáo càng ngày càng tin vào thuyết tái sinh của Phật giáo, mà trước kia họ bị tôn giáo của họ dạy cho rằng chỉ có một kiếp sống này thôi, chết rồi thì linh hồn "lảng vảng đâu đó" chờ ngày phán xét cuối cùng để được lên thiên đàng hay xuống địa ngục. Mà ngày tận thế thì họ chờ hoài vẫn chưa xảy ra; trong thời gian chờ đợi mòn mỏi đó, linh hồn của thân nhân họ "lảng vảng ở đâu" ? Những điều tra có tính cách khoa học dẫn chứng nhiều trường hợp tái sinh với nhiều bằng cứ cụ thể đáng tin khiến số người tin thuyết luân hồi này gia tăng nhiều. Chương 2 bàn tiếp về nguyên do của tái sinh vốn do nghiệp (karma) dẫn và sự khả thể giải thoát khỏi nghiệp lực này.

Chương 3 nói đến quan niệm về thời gian trong Phật giáo, từ khái niệm sát na (ksana), - theo kinh điển cho rằng 1/16 của một giây mà trước nay ta cứ ngỡ như là gian kỳ ngắn nhất, nhưng nay đã bị công năng của vi tính có thể đạt đến hàng triệu phần của một giây -, cho đến lịch kỳ của tháng, mùa, năm, để bàn đến những khái niệm về kỳ tiếp (kalpa), a tăng kỳ kiếp (asamkalpa), Phật kiếp (Buddhakalpa), v.v... vô cùng tận của vũ trụ. Khi bàn đến những khái niệm này, tác giả không nghiêm chỉnh trong phương cách nghiên cứu giai đoạn sơ thủy của vũ trụ quan Phật giáo, được tìm thấy trong bổn bộ kinh Pàli, hay trong các bộ A Hàm theo hệ Hán văn, cũng không đề cập đến những hệ thống phát triển về sau trong các tông phái thuộc Thượng tọa bộ. Dĩ nhiên là có nhiều điểm trùng hợp nhau về hệ thống vũ trụ quan giữa Nhất thiết hữu, Tì-bà-sa và Thượng tọa bộ, tuy nhiên Sadakata lại không hề nhắc đến hệ thống của Thượng tọa bộ, trong khi ông lại mô tả tận tường và chi tiết về hai bộ kia. Như thế có nghĩa tác giả không thể nào hoàn thành công cuộc tra cứu về nguồn gốc và sự phát triển của vũ trụ quan Phật giáo. Thế nhưng, thỉnh thoảng ông lại đề cập đến những điểm tiền lệ và giống nhau trong các bản văn Phật giáo và không Phật giáo. Thí dụ như tác giả bàn về địa ngục (các trang 41-54), liệt kê tên và mô tả các tầng địa ngục được nhắc đến trong Kinh tạng (Suttanipàta) cũng như trong bộ luận Manusmrti của Bà La Môn giáo và trong các kinh Uttarajjhayana và Suuyagada của Kỳ Na giáo. Tác giả cũng đề cập đến khái niệm nguyên tử và tái sinh trong triết học Hy Lạp và liên hệ của chúng với triết học Ấn Độ.

Chương 4, Sadakata bàn về các cõi trời trong vũ trụ trong tương liên với các tầng thiền mà cá nhân thiền giả đạt đến, theo quan niệm Nhất thiết hữu và Tì-bà-sa; tuy nhiên chương này lại không nhắc đến khái niệm về cõi Tịnh cư (Suddhàvàsa) là một cõi thiền thuộc sắc giới mà bậc Bất lai (Anàgàmin) đạt đến; và là cõi mà các văn bản Đại thừa gọi là Sắc Cứu cánh thiên (Akanistha), cõi trời cao nhất nơi Bồ tát chứng quả Phật. Trong đây, tác giả cho rằng vô sắc giới (àrùpya-dhàtu) là cơ sở để đạt đến giác ngộ, nhưng mà lại nhắc đến quan niệm "bất nhị" trong các văn bản Bát Nhã (Prajnõịàpàramità) và Duy Ma Cật (Vimalakìrtinirde'sa) một cách hàm hồ, không mạch lạc.

 

Phần hai, khuynh hướng cục bộ địa phương nổi bật, khi Sadakata chú trọng đến những phát triển trong Phật giáo Nhật Bản có liên quan đến vấn đề. Chương năm, tác giả đề cập đến cõi Tịnh độ (Sukhàvatì) của Đức Phật A Di Đà, và nêu ý rằng có thể là khái niệm này phát triển tại Trung Hoa, từ đó truyền sang Nhật Bản, là do ảnh hưởng của Ai Cập và Hy Lạp xuyên qua vùng Trung Á. Chương 6 nói về chư Phật và chư Bồ tát mười phương, về Tam thân Phật, về Long vương (Nàgas), Càn thát bà (Gandharvas), và Dạ xoa (Yaksas) trong vai trò hộ pháp của họ. Chương 7 bàn về thế giới "Liên hoa tạng" nơi pháp thân Phật Tì-lô-xá-na (Vairocana) ngự trị, theo trong kinh Hoa Nghiêm. Chương 8, Sadakata nhắc đến quan niệm về địa ngục và Diêm vương trong đức tin của người Nhật ở thế kỷ XI và XII, mà Sadakata cho rằng có thể là bị ảnh hưởng của Hy Lạp và Ba Tư trên nền văn hóa Trung Hoa và từ đó truyền sang đến Nhật.

Chương cuối cùng, chương 9, tổng kết những vấn đề được đặt ra khi truyền thống Vũ trụ quan Phật giáo gặp gỡ những vũ trụ quan của khoa học hiện đại, theo đó, Sadakata đề nghị là vũ trụ quan Phật giáo là những mô tả chân lý thực tại bằng biểu tượng mà khoa học khám phá ra; tức là, nếu chúng ta gạn bỏ hết mọi diễn đạt thần bí, giáo điều, siêu nhiên trong các kinh như Pháp Hoa hay Di Đà, v.v..., thì chúng ta sẽ còn lại không ít khái niệm rất là phù hợp với những khám phá và kết luận của khoa học và tân vật lý học ngày nay. Thí dụ như quan niệm về những hệ thống thái dương hệ (solar systems), vân hà (nebulas), sự sinh khởi của các thiên thể (heavenly bodies) từ các thiên sa (cosmic dust), và về hàng triệu hàng tỷ năm ánh sáng, v.v... (tr. 181).

Nhìn chung, phần đầu của tác phẩm này rất hoàn hảo, nhất là trong việc trình bày quan điểm vũ trụ quan của Nhất thiết hữu - Tì-bà-sa. Đặc biệt là ở phần này, những mô hình và đồ họa diễn đạt các phương diện khác nhau trong vũ trụ rất rõ ràng và giúp ích cho độc giả rất nhiều. Ngược lại, phần hai nêu quá nhiều vấn đề cho nên không được mạch lạc, nhiều nơi còn hàm hồ. Tuy có một vài khuyết điểm, nhưng tác phẩm của Sadakata là một nỗ lực đầy đủ và hệ thống về Vũ trụ quan Phật giáo. Nhất là trong tình trạng còn quá ít các tác phẩm về đề tài này, công trình của Sadakata quả rất hữu ích và tiện nghi, là một đóng góp quan trọng cho một đề tài rất khó khăn ít ai dám nêu lên, cho nên đáng được khích lệ và hoan nghênh. Ngoài sách này, còn có một ít tác phẩm khác viết về Vũ trụ quan Phật giáo như Buddhist Cosmology: From Single World System to Pure Land của R. Kloetzli (Delhi: Motilal Banarsidass, 1983), hay của Rupert Gethin viết về "Cosmology and Meditation: From the Agganõnõa Sutta to the Mahàyàna"; trong History of Religions 36 (1997): 183-219, v.v... chứng minh Phật giáo luôn luôn tồn tại, thực tiễn, và rất khoa học.

(Viết theo Rupert Gethin, Lecturer in Indian Religions, University of Bristol, U.K. rupert.gethin@bristrol.ac.uk)

Chân thành cám ơn Hải Hạnh đã đánh máy

 


Cập nhật: 1-7-2001

Trở về mục "Điểm sách"

Đầu trang