Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
de Jong, J. W. A Brief History of Buddhist Studies in Europe and America. Tokyo: Koosei Publ. Co., 1997. 184 pages.

 

            Tập sách này gồm 6 chương trải dài niên biểu của Phật học tại phương Tây từ thời cổ xưa cho đến 1990. Chương 1 viết về buổi sơ thời từ khi kinh điển được kết tập lần đầu vào thế kỷ thứ III trước Tây Lịch cho đến 1877. Chương 2 viết về trung kỳ (1877-1942) và chương 3 về những thập niên cận đại: A, từ 1943-1973. Cùng với chương 4, “Viễn kiến tương lại”, bốn chương này đã được ấn hành trong các số tháng 5 và tháng 10 năm 1974 của tạp chí The Eastern Buddhist (Người Phật tử phương Đông), và đã gây tiếng vang cũng như đánh giá cao trong giới Phật học sử gia. Chương 5, Những thập niên cận đại: B, từ 1973 đến 1983, xuất hiện mười năm sau, cũng trên The Eastern Buddhist vào năm 1984, và chương 6, viết về thời kỳ từ 1984 đến 1990, ấn hành trong Chùô gakujutsu kenkyùjo kiyô năm 1990. Tập hợp các bài viết trải dài hơn 15 năm như thế và phát hành thành một quyển sách quả là rất hữu ích cho những ai nghiên cứu về đề tài “Lịch sử nghiên cứu Phật học phương Tây”.

            Nhìn chung, các chương này bao gồm một số lượng rất nhiều các tác phẩm – sơ khảo, biên tập, phiên dịch văn bản – với hơn 500 học giả Anh, Pháp, Đức, ngoài ra còn có mặt của cả các học giả Hà Lan, Ý, Nhật, Nga, Tây Ban Nha, v.v… Với một nội dung phong phú như thế, việc điểm sách trở nên vô cùng khó khăn, mà ngay cả chính tiêu đề của sách, cũng cần phải thẩm định lại. Bởi vì, chỉ có thế, ta mới thấy được sự phong phú cũng như làm sáng tỏ một vài hạn cuộc theo nội dung của sách. Lý do: tiêu đề “Lịch sử nghiên cứu Phật học tại châu Âu và châu Mỹ” (“A Brief History of Buddhist Studies in Europe and America” quả thật là không chỉnh. Chính xác hơn, phải là “Nghiên cứu các văn bản Phật học Ấn Độ tại châu Âu và châu Mỹ): lịch sử thư tịch” (“The Study of Indian Buddhist Texts in Europe (and America): a Bibliographic History”). Sau đây là những lý do về đề nghị này.

            1. Trước tiên, ngay giáo sư de Jong cũng nhìn nhận và lặp đi lặp lại nhiều lần, rằng sách này không phải là nghiên cứu chung về lịch sử phát triển Phật giáo tại Âu-Mỹ, mà là về các văn bản đạo Phật đã được các học giả phiên định, giám tu, dịch thuật, v.v… đặt trọng tâm về triết học Phật giáo. Kết quả, có một vài học giả mà tác phẩm ta tin chắc sẽ tìm thấy trong đây lại không hề được nhắc đến, như quyển nổi tiếng về Barabudur của Paul Mus, hoặc Art Gréco-boudhique du Gandhara của Alfred Foucher chẳng hạn. Cả những nghiên cứu về phương diện nhân chủng học, như bộ ba Precept and Practice của Richard Gombrich1, Buddhism and the Spririt Cults của Stanley Tambiah2 và Buddhism and Society của Melford Spiro3, đã thay đổi quan niệm và cách nhìn về sinh hoạt Phật giáo trên phương diện xã hội và nhân chủng học thuộc các nước Phật giáo Nguyên thủy vào đầu thập niên 1970, cũng bị bỏ quên. Điều này có thể do vì giáo sư de Jong đã thiên về chiều hướng tôn trọng môn ngữ văn hay văn bản học, xem đây như là điều kiện quan thiết để tìm hiểu đạo Phật. Giáo sư khẳng định rằng “ta không thể thấu hiểu một tôn giáo như đạo Phật nếu không nghiên cứu tường tận về kinh điển Phật giáo”, và nêu lên rằng, những người chỉ biết dựa vào quan sát cá nhân hay làm thống kê về một sinh hoạt Phật giáo địa phương nào đó, hoặc phỏng vấn các tăng sĩ sở tại về khuynh hướng hoằng pháp đương thời, mà không dựa vào nội dung của các bộ kinh điển thì sẽ chẳng biết chi về đạo Phật cả. Các bộ kinh điển đây, theo y giáo sư de Jong, là những bộ chính yếu của các bộ phái dùng để học tập, thuyên giải (interpret), phân tích, chứ không phải để cầu cúng, sùng bái. (Như cho rằng tụng kinh Pháp Hoa thì cầu gì cũng được toại nguyện). Những gì mà nội dung của các bộ kinh điển như thế cung ứng cho trí tuệ chúng ta cũng chính là những gì chúng ta có thể biết về đạo Phật. Quan niệm này làm cho tác phẩm tăng thêm giá trị, bởi vì nó giúp cho giáo sư chọn lọc các sách thuộc phương diện mà ông có thẩm quyền và hiểu rõ nhất: sách về Phật học. Dĩ nhiên, không ai có thể đọc hết tất cả các sách đã xuất bản về một bộ môn nào đó, nhưng mà hình như giáo sư de Jong đã làm gần được điều này. Nói cách khác, cho dầu có một vài chỉ trích nào đó, ta cũng được học hỏi nhiều – rất nhiều – từ nơi nội dung súc tích của quyển sách này, tuy rằng, đây là một nội dung hạn chế trong bối cảnh văn bản học mà thôi.

            2. Lý do thứ hai là, nhan đề của tác phẩm cần phải được đặt để rõ ràng hơn, đó là sách chú trọng đến Phật học Ấn Độ – phần Phạn văn và Pàli văn – mà không nói gì đến các truyền thống Phật học khác như Trung Hoa, Nhật Bản và Tây Tạng. Điều này, giáo sư de Jong cũng đã nhắc đến nhiều lần, và sẵn sàng nhường lại cho các học giả khác làm các công trình tương tự đối với văn bản học phi Ấn Độ. Khi hạn chế mục tiêu như vậy, ông đã thành công trong việc tập trung vào các công trình thuộc văn bản học (textual studies) theo hệ Phạn và Pàli văn; và không đề cập đến các tổ sư hay tác giả của Phật học Trung Hoa, Nhật Bản và Tây Tạng. Kết quả là một học giả tài ba như giáo sư Jeffrey Hopkins, với nhiều tác phẩm viết dịch về Phật học Tây Tạng, lại không hề được nhắc đến. Còn các văn bản thuộc các ngôn ngữ bản địa như Sinhalese, Thái, Myanmar, v.v… lệ thuộc theo Phạn hay Pàli văn, cũng chỉ được phớt qua mà thôi.

            Dĩ nhiên là giáo sư de Jong rất hiểu rõ về điểm này nên đã đề nghị, trong chương cuối, một kế hoạch khả dĩ có thể thực hiện để tập thành một thư tịch quốc tế về Phật học thật đầy đủ và bao quát. Đề nghị này, nếu thực hiện, chắc chắn phải cần quy tụ một số không ít các học giả Phật học tầm cỡ và chuyên ngành để phân chia công tác, theo sở trường chuyên môn, mới có thể được phần nào thành công mà thôi. Bởi vì số lượng các tác phẩm lập thành một nền văn học Phật học phương Tây – giám tu và thẩm định kinh điển nguyên văn, dịch bản, sáng tác, chuyên thể tài (như văn chương Phật giáo), địa phương (Phật học tại Nga chẳng hạn), luận án, v.v… bằng các ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức, Ý, Nga, v.v… hiện nay đã là một gia tài văn hóa khổng lồ cho nhân loại, không ai có thể phủ nhận được. Còn các tác phẩm thuộc loại phổ biến, có tính cách hoằng pháp thì lai nhiều lần gấp 5, 10 lần, tạo thành một bộ môn văn học Phật giáo bình dân thì ta chưa vội bàn đến.

            3. Lý do thứ ba, giáo sư de Jong cũng ít khi nhắc đến các công trình nghiên cứu văn bản học Ấn Độ của các học giả người Mỹ. Chỉ có 15 hay 20 trong số hơn 500 học giả được giáo sư nhắc đến là người Mỹ; ngay cả đến Richard H. Robinson, một học giả tài hoa bạc mệnh, với quyển Early Màdhyamika in India and China4, là tác phẩm được đánh giá như một mốc nối giữa Phật học cổ điển và Phật học tân thời tại Tây phương5, cũng chỉ được nhắc đến như là một bài phân ưu mà thôi. Khuyết điểm này lại cũng là một dịp để sinh viên và học giả người Mỹ học hỏi được rất nhiều về Phật học tại Đức và Pháp, mà họ thường mù tịt. Cho nên tựa sách của giáo sư de Jong cũng có thể thêm một phụ đề là “Lịch sử thư tịch Phật học Ấn Độ cho nghiên cứu gia người Mỹ”, thay vì là “Lịch sữ thư tịch tại châu Âu và châu Mỹ)” như đề nghị ghi trên. Bởi vì nội dung của sách là một công cụ quan trọng nhằm mở mắt và nhắc nhở cho người Mỹ những sinh hoạt nghiên cứu văn bản Phật-Ấn học (Study of Indian Buddhist texts) tại châu Âu. Theo đó, tác phẩm của giáo sư, và nhất là mỗi một văn bản mà giáo sư điểm qua trong tác phẩm đó, cần phải được liệt vào danh sách “phải đọc” (reading list) bắt buộc các sinh viên làm luận án, nhất là sinh viên Mỹ, phải đọc học qua.

            4. Cuối cùng, tiêu đề của sách này cũng cần phải được hiểu rõ ràng, rằng đây không phải là một quyển về lịch sử Phật giáo, mà là về lịch sử thư tịch Phật giáo. Nói cách đơn giản, giáo sư chú trọng đến “ai” đã viết dịch sách “gì”; phần “tại sao” thì chỉ nhắc đến trong 4 chương đầu, tức trước 1974; hai chương cuối cùng, viết cho thời kỳ 1974-1990, chỉ là một liệt kê và mô tả sơ lược các tác phẩm chứ không thẩm định và phê bình chúng như công trình ở 4 chương trước. Bốn chương này rất thú vị, bao gồm từ sơ thời đến 1973, nêu rõ lập luận và đường hướng mà các học giả bộc lộc trong tác phẩm của họ. Thí dụ như giáo sư de Jong trình bày nơi chương 2 toàn bộ quan niệm khác nhau giữa Emile Senart và Hermann Oldenberg về lịch sử của Đức Phật với một nhãn quan thật khởi sắc và đầy thông tin hữu ích. Cũng vậy, ở chương 3, giáo sư de Jong lại làm nổi bật những tranh biện của các học giả chung quanh quyển Buddhist Hybrid Sanskrit của Franklin Edgerton. Trong các chương này, de Jong cũng hăng say bàn đến các học giả đàn anh hay đương thời với ông, như Eugène Burnouf, Sylvain Lévi, John Brough, v.v... Kết quả là ta có một tác phẩm sống động và rất nhiều thông tin hữu ích về lịch sử thư tịch Phật học.

            Để kết luận, ta có thể nói một tác phẩm như của de Jong - một học giả cự phách và đầy đủ thẩm quyền - rất đáng được hoan nghênh và cần tái bản nhiều lần cũng như cập nhật hóa cho thời kỳ 1990-2000 và cứ tiếp tục thế cho những thập niên sau, để giúp các nhà nghiên cứu có được một kiến thức sâu rộng về những công trình của các học giả đi trước và đồng thời về văn bản học Phật giáo Ấn Độ cũng như gợi ý và khuyến khích cho những công trình tương tợ về sau.

            (Theo ý kiến của giáo sư John S. Strong, Department of Religion, Bates College, Lewiston, Maine. <jstrong@bates.edu>).

 

[1]- Gombrich, Richard F. Buddhist Precept and Practice. Delhi: Motilal Banarsidass, 1991. Về hiện trạng Phật giáo tại Sri Lanka.

2- Tambiah, Stanley, Buddhism and the Spirit Cults in Northeast Thailand. Cambridge: Cambridge University Press, 1970. Về những tín ngưỡng địa phương tại miền Đông Bắc Thái Lan.

3- Spiro, Melford. Buddhism and Society. New York: Harper & Row, 1970. Về hiện trạng Phật giáo bị biến dạng theo tín ngưỡng địa phương tại Myanmar.

4- Robinson, Richard H. Early Màdhyamika in India and China. Delhi: Motilal Banarsidass, 1967.

http://www.buddhismtoday.com/viet/diemsach/BuddhistStudiesinEuropeandAmerica

 


Vào mạng: 1-1-2002

Trở về mục "Điểm sách"

Đầu trang