Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

Strong, John S Belmont., The Experience of Buddhism: Sources and Interpretations. CA: Wadsworth, 1995. 367 P.

Phật Ðiển Hành Tư


 

            Tác phẩm này thuộc loạt "The Religious Life in History Series" (Đời sống tôn giáo trong lịch sử), nguyên trước là "The Religious Life of Man Series" (Đời sống tôn giáo của con người), được trình bày như là một sách hướng dẫn cho quyển "The Buddhist Religion" của Richard H. Robinson; sau khi Robinson chết trong một tai nạn như người ta thường nói "tài hoa mệnh bạc", The Buddhist Religion được Willard Johnson và một số học giả khác duyệt phẩm lại1, khoáng đại thêm và với mục đích là "thay thế" quyển The Buddhist Experience của Stephen Beyer.

            Vào đầu thập niên 1960, Dickenson là người đầu tiên có viễn kiến thành lập một loạt các tác phẩm nghiên cứu về các tôn giáo lớn trên thế giới, và chỉ định Fred Streng làm giám thư trưởng cho xê-ri này. Theo đó, Fred Streng viết Understanding Religious Man phát hành năm 1969, sau tái bản nhiều lần dưới tựa Understanding Religious Life; vì tác phẩm không chỉ là một quyển sách giáo khoa mà nó đã đóng góp đáng kể trong khi nêu lên khái niệm về "tôn giáo" (religion) như là một đề tài có đầy đủ cơ sở để học tập và nghiên cứu và là một bộ môn học thuật có tính cách khoa học, chứ không phải là một thần học chỉ dựa trên đức tin. Sở dĩ nói là viễn kiến, vì trước đó, tại phương Tây, hễ nói đến "religion" thì tất cả đều nghĩ đến "Christianity" (Ky-tô giáo), bởi vì "tôn giáo" này đã ảnh hưởng hầu hết các nền văn minh tại châu Âu và châu Mỹ. Cho nên sau thời gian thừa hưởng công trình của các học giả đi trước như Louis de la Vallée-Poussin, Étienne Lamotte, hai ông bà Rhys-Davids, v.v..., nhưng người được cho là thuộc trường phái cựu học châu Âu, bấy giờ đến lượt các học giả Mỹ định nghĩa lại ngữ từ "tôn giáo" một cách rộng rãi và ý thức hơn. Rồi Fred Streng khởi xướng ý nghĩ đưa Phật giáo vào chương trình đại học một cách nghiêm túc và mời Richard Robinson viết một tác phẩm chuyên đề, bắt đầu cho một trào lưu tân học về Phật giáo.

            Richard Robinson bấy giờ như con rồng trong loài người, vẫy vùng trong số còn rất ít Phật học gia Mỹ thuộc trào lưu mới, đương thời đảm nhiệm chương trình tiến sĩ về Phật học (Ph.D. program in Buddhist Studies)2 tại đại học Wisconsin, địa phận Madison (University of Wisconsin at Madison)3 đã trình bày Phật giáo như là Phật giáo, qua tác phẩm The Buddhist Religion, chứ không phải như là tôn giáo trong ý nghĩa có những thuộc tính như Ky-tô giáo. Phật giáo qua trí thông minh siêu việt của Robinson, cũng không phải chỉ là một mớ những bản kinh văn bằng Pàli, hay Tây Tạng, hoặc Hán văn rời rạc được mỗi truyền thống Nam tông, Mật tông hay Bắc Tông tôn sùng riêng biệt mà thôi. Richard Robinson đã chứng tỏ là một tác giả lỗi lạc khi kết cấu quyển The Buddhist Religion theo chương trình hậu-cử nhân mà ông đã sáng lập tại University of Wisconsin at Madison, theo đó ông bắt đầu bằng cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, theo lịch sử và theo huyền thoại, rồi đến sự thành lập Tăng đoàn, một tổ chức liên tục và cổ xưa nhất thế giới, tiếp theo là lịch sử phát triển của đạo Phật theo ba truyền thống Pàli, Tây Tạng và Trung Hoa, dựa trên sự chọn lựa của sinh viên khi họ chuyên về mặt ngữ học nào trong 3 truyền thống này.

            Có thể nói quyển The Buddhist Religion của Robinson trình bày có ý nghĩa hơn là quyển Buddhism: Its Essence and Development4 của Edward Conze; nhà cựu học này tuy có nhiều đặc điểm trong tác phẩm đó của ông nhưng lại cũng nhiều thiên kiến, và nhất là không nắm vững phần Hán tạng. Trong khi đó thì Robinson đã thành công vì quán triệt toàn thể bộ môn gọi là Phật học (Buddhist Studies) và đã cố gắng tìm hiểu thế nào là Phật giáo tính trong đạo Phật bằng cách nghiên cứu Phật giáo qua quan hệ tương liên theo dòng lịch sử trải dài từ trước đến nay và giữa các nền văn hóa Phật giáo khắp nơi, chứ không bắt chước theo những người khác đã, và vẫn đang còn, có thái độ thông thường là giới hạn nó trong một thời gian nào đó và một nền văn hóa nào đó. Thái độ của Robinson có thể gọi là phương pháp luận [phê] bình sử [học]. Về sau, Roger Cordless lại đề nghị một phương pháp phê bình lịch sử khác, trình bày trong quyển The Vision of Buddhism,5   theo đó ông cũng căn cứ trên cuộc đời của Đức Phật, được chia làm 12 giai đoạn, mỗi giai đoạn tiêu biểu cho một thời hóa đạo của Ngài cùng các nguyên lý được thuyết giảng vào lúc đó mà về sau dựa vào nó, kinh điển các tông phái và triết lý Phật giáo được tập thành.

            Đùng một cái, Stephen Beyer, một thiên tài khác, cự phách, cuồng ngạo, khó trị, nghênh ngang cho nổ bùng một quả bom văn hóa Phật học gọi là The Buddhist Experience, rất độc đáo, lỗi lạc, sáng chói đến độ rồ dại nên gây kích động, khiến nhiều người phẫn nộ. Đây là một tác phẩm nghiên cứu thật xuất sắc, bởi vì không những các bản phiên dịch đều mới mẻ, độc đáo, như những câu thơ tuyệt vời của Bashô được dịch sang Anh ngữ6 hay phê bình triệt tiêu triết thuyết Trung quán của Long Thọ đến thảm hại, cùng là không đề cập gì đến các bản kinh mà giới học giả cho là trọng tâm của Phật giáo như kinh Chuyển Pháp Luân, Tâm kinh v.v... thay vào đó lại có những đoạn trích văn trong Kinh tạng thật xa lạ ngay cả đối với những học giả tài ba đương thời.

            Tuy nhiên, giới trí thức đàn anh không chấp nhận thái độ phóng túng, khơi động và khiêu khích của Beyer cho rằng họ, nhóm tự xưng là trí thức đó, cần phải "tái phẩm", phải có một cách nhìn khác, về Phật giáo. Thế là công trình có thể nói là tuyệt tác (vào thời đó) của Beyer bị dìm, không được họ nhắc nhở đến để gợi tò mò và thích thú cho số sinh viên tiếp nối cho thế hệ trí thức Phật giáo trong tương lai, và rồi dĩ nhiên bị rơi vào quên lãng, để cho John Strong bắt đầu lộ diện, xây dựng tác phẩm của mình trên đống xương tàn văn hóa của Beyer. Là một học giả đủ khả năng, nên tác phẩm của Strong tuy là một tuyển hầu như đầy đủ các bản kinh văn Phật giáo đại biểu, thông dụng và phổ biến, nhưng nó chỉ có tính cách giáo khoa mà không xúc tác một thách thức nào cho học giới phải giật mình "ngồi thẳng lên" và bắt đầu chú ý, như đối với quyển của Beyer.

            Strong đã trung thành với phương thức trình bày của Robinson, với dụng âm là cố ý sửa sai những khuyết điểm của Beyer; ông liệt kê 9 chủ đề cho mỗi chương mà ông dành cho Phật giáo theo địa phương, như phần I, nói về "Kinh nghiệm của Phật giáo tại Trung Á", phần II, "Sự phát triển của Phật giáo bên ngoài Ấn Độ", để cho sinh viên thực tập trong lớp và tìm đọc thêm về chủ đề đó. Tuy nhiên, có nhiều chủ đề nghe cũng lạ tai, như "Mythic History", thật ra thế nào là "Mythic History"? Lịch sử là lịch sử, còn lịch sử hoang đường là như thế nào? Có phải chăng đấy chỉ là những lối chơi chữ của những người mệnh danh là "học giả"? Tác phẩm của Strong có những bản kinh chủ đạo mà Beyer cố tình bỏ qua, nhưng thỉnh thoảng lại cũng chèn vào một vài bản dịch lạ của Beyer mà Strong phải ngấm ngầm sửa đổi một vài chỗ cho có vẻ không phải là do Beyer dịch gì cả. Những vấn đề về Phật giáo hiện đại và địa vị của phụ nữ trong Phật giáo là hai điểm đáng biểu dương của Strong. Nhưng cũng cần nói thêm là Phật giáo Hàn Quốc cũng như Phật giáo Việt Nam đều không được nói đến.

            Thế là cuối cùng, ta có được gì? Chẳng qua là thêm một sách giáo khoa rất thực tiễn để dùng cho những bàn cãi trong lớp học, là một "Robinson nới rộng" mà thôi. Nó không có gì đặc sắc, mà chỉ là một sách hợp tuyển trình bày cho chúng ta biết tất cả về Phật giáo, nhưng lại không cho biết tại sao. Tại sao lịch sử lại được dành cho một địa vị đặc quyền như là phương pháp chắc thật nhất để giới thiệu Phật giáo cho sinh viên? Chỉ vì sinh viên họ yên chí với và tin tưởng nơi bộ môn này hay sao? Nhưng mà, có phải chăng bổn phận của giáo sư đại học là phải đánh thức sinh viên, phải lay chuyển mọi thứ được cho là nền tảng cơ bản bằng cách đặt thành vấn đề những câu hỏi hóc búa, khó chịu, khó trả lời ngay, để cho sinh viên phải tự biết suy nghĩ, tìm tòi, để phải kiếm ra cho được câu trả lời, hay sao? Nếu chỉ tôn sùng lịch sử như là một bộ môn đại học, phi thần học, khách quan và vô tư, thì chúng ta bị mất mát hết bao nhiêu những gì mà Phật-giáo-phi-lịch-sử, như hình thức tôn giáo, triết thuyết, nghệ thuật v.v..., đã cung ứng cho chúng ta, qua thời gian? Cả hai tác phẩm, của John Strong và của "Robinson nới rộng" (do Willard Johnson duyệt thẩm) đều không giải đáp thỏa mãn cho chúng ta vấn đề này.

            (Viết theo Roger Cordless, Department of Religion, Duke University).

 

[1]- Robinson, Richard H. The Buddhist Religion: a Historical Introduction, 4th ed. Revised & enlarged by Willard Johnson et al. Belmont: Wadsworth, 1997.

2- Richard Robinson đương thời là giáo sư hướng dẫn cho một số sinh viên làm luận án tiến sĩ mà ngày nay đều thành danh rực rỡ, trong số phải kể Charles Prebish (editor tạp chí Journal of Buddhist Ethics), Charles Mueller (chương trình ...), Roger Cordless, Stephen, Acker, Tiến sĩ Lê Mạnh Thát, v.v...

3- Cách tổ chức các đại học tại Mỹ sơ lược như sau: Những đại học công lập của mỗi tiểu bang đều lấy tên của đại học đó, rồi kèm theo tên của địa phận mà cơ sở đại học đó thành lập. Thí dụ: tại tiểu bang Wisconsin, có University of Wisconsin at Madison, University of Wisconsin-Eau-Claire, University of Wiscon-Milwaukee, ...; tại tiểu bang California, có University of California-Berkeley, University of California-San Diego, v.v...   

4- Oxford: Cassirer, 1951.

5- New York: Paragon, 1989.

6- Matsuo Bashô, Tùng Vĩ Ba Tiêu (1644-1694), thi hào Nhật nổi danh với các Hài cú (haiku) đượm nhuần tinh thần Thiền.

http://www.buddhismtoday.com/viet/diemsach/Experience_of_Buddhism

 


Vào mạng: 1-1-2002

Trở về mục "Điểm sách"

Đầu trang