Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Nietzsche and Buddhism: Prolegomenon to a comparative study. Honolulu: University of Hawaii Press, 1984.

 

            Nietzsche là một trong số rất ít triết gia tài danh phương Tây không những chỉ hiểu biết về Phật giáo mà lại còn nhắc đến các triết thuyết của Phật giáo trong các tác phẩm chính của ông. Những dẫn chứng của ông rất được chú ý và phổ biến, chứng tỏ một phong trào giao lưu ý vị giữa triết lý Đông và Tây đã thịnh hành trong thế kỷ vừa qua. Tuy nhiên, Nietzsche chỉ đọc Phật giáo qua cái nhìn của C. F. Koeppen, H. Oldenberg, và ngay cả Schopenhauer nữa, cho nên sở tri kiến của Nietzsche về tôn giáo phương Đông này - một sở tri kiến không trực tiếp từ văn bản gốc Pàli hay Phạn ngữ; mà lại qua các bản dịch nhiều sai lạc thời đó hay các tư liệu phụ, khiến cho công trình tiếp nhận Phật học của Nietzsche không đọc được hoàn toàn, như Max Ladner đã từng cảnh cáo trong quyển Nietzsche under Buddhismus (Zurich, 1933) của ông. Trong nhiều trường hợp, Nietzsche đã hiểu sai lạc hoặc thuyết giải lầm lẫn về đạo Phật. Dẫu sao, ta cũng phải nhìn nhận rằng thái độ của nhà triết gia Đức đối với Phật giáo là có phần hàm hồ, bởi vì, một mặt ông cho rằng Phật giáo là một tôn giáo lỗi thời và tiêu cực, mặt khác ông lại cố công tìm kiếm và nêu ra nhiều dẫn chứng để xưng tán tính cách thực tế đầy từ bi và triết thuyết hiện tượng học của Phật giáo. Điều đáng chú ý là, như trong Der Antichrist (Người Nghịch-Chúa), Nietzsche lại cả quyết rằng đạo Phật đáng được khen ngợi hơn là Ky-tô-giáo (Christianity).

            Trong tác phẩm Nietzsche and Budhdhism này, Mistry ghi nhận những phản ứng tích cực của Nietzsche đối với đạo Phật, dựa theo đó thẩm định tương quan giữa triết lý của Nietzsche phát triển qua những công trình viết lách của ông và triết lý Phật giáo. Sự hiện hữu của những tương quan đó, dĩ nhiên, là điều mà chính Nietzsche cũng không thực sự tự biết được. Tuy rằng có những dị biệt mà Mistry cho rằng chỉ là trong chi tiết, nhưng mà tư tưởng giữa Nietzsche và sơ thời Phật giáo - đại biểu là các bộ A Hàm - đã biểu lộ rõ ràng một khuynh hướng tránh xa những siêu hình học biện luận vô ích để tập trung vào một đạo lý thực tiễn về tự độ.

            Sách chia làm 6 chương, mỗi chương chuyên về một tiêu đề đặc biệt, trình bày rất hệ thống công cuộc tỷ giảo giữa triết học của Nietzsche và sơ thời Phật giáo. Những tiêu đề của các chương như: "Siêu việt siêu hình học và hư vô luận", "Con người và vũ trụ", "Thực nghiệm về chân lý và lý luận", "Khổ", "Đạo lý của sự tái hồi vô cùng tận", và "Tiến trình từ khổ đến Niết bàn", lập thành một khuôn khổ cho một cuộc giao lưu lý thú giữa hai nền triết học, không những chỉ qui hội để gặp gỡ nhau mà còn phân tán để triển khai thêm nữa. Cả Nietzsche và đạo Phật đều có cùng ý thức chung về sự mâu thuẫn tiềm tàng trong lý luận biện chứng và cùng đề nghị không chấp nhận những ý niệm bảo thủ về một thần chủ (god) và sự khống chế của thần chủ này đối với con người, như cho rằng ông ta tạo dựng con người cho nên con người phải quy lụy ông ta. Nietzsche kêu gọi một định nghĩa mới về "linh hồn" mà theo ông là chỉ do một nhóm những yếu tố năng lượng tập hợp nhau mà thành; điều này, phản ảnh thật trung thực nguyên lý về vô ngã (anattà) của nhà Phật. Đó là điều cho thấy Nietzsche đến gần với đạo Phật hơn là những triết gia phương Tây khác. Hơn thế nữa, lý thuyết về sự tái hồi vô cùng tận của linh hồn, theo Nietzsche, thì cũng không sai khác với nguyên lý về luân hồi theo Phật giáo.

            Cả hai, Nietzsche và Phật giáo, cùng quan niệm rằng, chính sự hiện hữu liên tục của sinh-tử tử-sinh và nỗi thống khổ mà con người - con người suy tư - đang kinh nghiệm trong thế gian này, lại cũng chính là một khả thể tiên quyết và cần thiết, để con người siêu việt nó. Nếu không có nỗi khổ vì sinh tử luân hồi, nếu chỉ có một kiếp sống này, rồi thôi, thì con người không cần phải cố gắng để làm gì cả, chỉ biết xuôi tay đầu hàng hoàn cảnh, vì mọi sự đều đã có vị thần chủ kia an bài rồi, con người không có một chút giá trị gì cả trong cuộc đời này. Mà con người là con người có ý chí, nên lúc nào cũng muốn vươn lên, muốn thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn trong khổ não sinh tử luân hồi, cho nên một khi đã vượt thoát, đó là lúc Nietzsche gặp được cuộc tìm kiếm Niết bàn của Phật giáo mà đích điểm hội tụ là lý tưởng La hán.

            Mistry đã tỷ giảo những điểm tương liên giữa Nietzsche và Phật giáo như thế và kết luận rằng, không một tư tưởng gia châu Âu nào có thể đến gần Phật giáo qua kinh nghiệm "Niết bàn ngay trong luân hồi" bằng như Nietzsche cả. Tuy nhiên, những khái niệm khác, như Trung đạo, Nghiệp, Nhân duyên, Từ bi hay Thiền quán, thì Nietzsche lại không có gì cống hiến. Ngoài ra, tuy Mistry cho rằng Nietzsche và Đức Phật đều là những vị xứng đáng là "nhà sáng tạo chỉ trích những sùng bái thần tượng", nhưng mà điều quan trọng là chúng ta cần nhận định rằng, Đức Phật là một triết gia hướng dẫn tinh thần lúc nào cũng chuyên chú đến hạnh nguyện tế độ chúng sinh, trong lúc đó, Nietzsche chỉ là một thiên tài trần tục, không chú trọng đến đạo đức, bản tính nổi loạn, có khả năng sáng tạo và biện luận, như khi ông phê bình những hệ thống triết học phương Tây nhưng mà vẫn không thể thoát ra khỏi bối cảnh truyền thống trí thức của Tây phương. Ông bị đóng khuôn trong khuôn khổ giá trị đó, không bao giờ vượt thoát được, trong khi Đức Phật đã siêu việt mọi bối cảnh tôn giáo mà ảnh hưởng lớn mạnh nhất là Bà La Môn giáo, để trở thành một Đấng Chánh Biến Tri, Thế Tôn.

            Tuy rằng giữa Nietzsche và đạo Phật không làm nổi bật được một sự áp dụng thực tiễn nào cho phương pháp tỷ giảo triết học, nhưng công trình của Mistry cũng thích ứng cho những ai thích thú về bộ môn này. Theo đó, không ai có thể bỏ qua được tác phẩm của Mistry, bởi vì đây là một trong những bước đầu phối hợp những hệ thống tư tưởng thuộc nội dung văn hóa và thời đại khác nhau - giữa Đông và Tây, từ hơn hai ngàn năm trăm trước cho đến hai ngàn năm trăm sau - để thấu triệt những điểm tương đồng, siêu việt thời-không. Đây là một trong một số còn rất ít những tác phẩm thuộc bộ môn tỷ giảo triết học Đông Tây cần có trong tủ sách nghiên cứu của học giả Phật học gia. [Viết theo Vijitha Rajapakse trong Philosophy East & West, v. 34 (July 1984): 332-335].

http://www.buddhismtoday.com/viet/diemsach/Nietzsche.htm

 


Vào mạng: 1-2-2002

Trở về mục "Điểm sách"

Đầu trang