Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Philosophical Meditations on Zen Buddhism, by Dale S. Wright. Cambridge: Cambridge University Press, 1998.

              Một trong những tác phẩm có giá trị về Thiền khoảng giữa thế kỷ XX phải kể là quyển The Zen Teaching of Huang Po on the Transmission of Mind của John Blofeld[1], giải thích về Truyền tâm pháp yếu của Hoàng Bá Hy Vận (?-850). Sách này biểu lộ, ngoài cốt tủy về Thiền của Hoàng Bá, qua Truyền tâm pháp yếu, một tác phẩm nòng cốt thời nhà Ðường, còn phản ảnh một đời dấn thân tu tập tư tưởng huyền học của chính cá nhân Blofeld. Từ ấy đến nay hầu như không nghe ai nhắc đến Hoàng Bá nữa, cho đến khi quyển Philosophical Meditations on Zen Buddhism của Dale S. Wright chào đời, được xem như là một trong những sách hay nhất về Thiền vào cuối thế kỷ XX, phê bình một cách triết lý tư tưởng thiền của Hoàng Bá và công trình dịch thuật cùng thuyên giải Truyền tâm pháp yếu vốn gây nhiều cảm ứng nhưng cũng tạo nhiều vấn đề của Blofeld.

            John Blofeld là một trong rất ít học giả phương Tây đã đến với đạo Phật rất sớm và chuyên tu mật hạnh. Trong quyển Kwanyin, the Compassionate Buddha[2], ông cho biết là thuở nhỏ ông theo song thân đến Trung Hoa làm việc trong Tòa Ðại sứ Anh; một hôm đi vào một ngôi chùa nhỏ, trong khi ông còn lạ lùng nhìn ngắm các pho tượng Phật khi đó còn là thần bí đối với ông thì bỗng nhiên ông thấy hình như tượng Ðức Quán Âm nhìn ông gật đầu; ông tưởng mình hoa mắt, nên chăm chú nhìn lần nữa, lại thấy Ngài gật đầu. Từ đó ông theo đạo Phật. Các sách ông viết không chuyên về nghiên cứu, mà thiên về diễn đạt nội tâm cho nên có khuynh hướng cường điệu hóa và quảng diễn hóa nội dung của các nguyên bản kinh văn Trung Hoa mà ông giới thiệu cho độc giả Anh-Mỹ; cho nên ngay nơi quyển The Zen Teaching of Huang Po on the Transmission of Mind của Blofeld, tuy vẫn còn nhiều người dùng làm tham khảo, nhưng Wright khám phá ra là đôi khi Blofeld mâu thuẫn, nhiều lúc ngụy tạo, vì không biết tách rời những gì là giả định có tính cách lãng mạn với nhiều diễn đạt ướt át để đi thẳng tới tư liệu gốc vốn thường khô khan và có vẻ như tầm thường.

            Ðó là lý do mà Wright phải viết Philosophical Meditations on Zen Buddhism để thẩm định lại giá trị của Truyền tâm pháp yếu và vị trí của Hoàng Bá Hy Vận trong Thiền sử và Thiền văn bản sử Trung Hoa. Sách của Wright tượng trưng cho cao điểm của cách tiếp cận của học giới phương Tây đối với nền triết học phương Ðông mà Blofeld là một thí dụ điển hình. Nó cũng đánh dấu một sự chuyển tiếp vào thiên niên kỷ mới một phương pháp triết học luận rất bén nhạy đối với sắc thái của văn bản sử, mang ý nghĩa một cuộc phê phán về các vấn đề siêu hình khi tìm hiểu tính chất lịch sử của cuộc đời và thời đại Hoàng Bá.

            Hoàng Bá là đại biểu cự phách của hệ phái Thiền đốn ngộ của Mã Tổ, một hệ phái thiền nổi danh bởi những thoại đầu có vẻ như bất kính đối với Phật, và đả phá những tôn sùng thần tượng ngoại tại, như câu "phùng Phật sát Phật", để quay lại với chính con người chân thật bừng ngộ Phật tính nội tại của chính mình, với "bình thường tâm thị đạo", câu thiền ngữ nổi tiếng của Nam Tuyền Phổ Nguyện (738-835). Thái độ phá chấp triệt để này trở thành một phong trào và pháp môn Thiền được gọi là Tổ sư Thiền, để phân biệt với Như Lai thiền với lối thực tập trầm lặng, tĩnh lự mà Ðức Phật Thích Ca xiển dương hơn ngàn năm trước, để tập thành những công án siêu lý, những thoại đầu hóc búa, phi logic của văn học Phật giáo và Thiền tông đời Tống. Ðiều mâu thuẫn là trong khi Thiền chủ trương "bất lập văn tự" thì thực tế, số lượng các tác phẩm của thiền gia và về thiền, như ngữ lục (Trịnh châu Nam Tuyền Phổ Nguyện thiền sư quảng lục, Vô Môn quan, Bích nham lục, Truyền đăng lục...), thi ca (Vĩnh Gia Huyền Giác chứng đạo ca...) lại nhiều gấp bội số lượng văn bản của các tông phái khác cộng chung lại.

            Trong hệ phái Thiền đốn ngộ mà sau này gọi là phái Hồng Châu, Hoàng Bá đứng hàng thứ ba trong Tứ gia Hồng Châu: nhưng vai trò của vị thiền sư này bị lu mờ bởi ba nhà tài danh kia: Mã Tổ Ðạo Nhất (709-788), nổi tiếng với những hành động thô bạo: hét, vặn mũi, đánh; Bách Trượng Hoài Hải (720-814), với câu bất hủ: "một ngày không làm, một ngày không ăn", là người đầu tiên hoạch định thanh quy cho thiền viện, và mấy lần bị đệ tử là Hoàng Bá vả mặt; Lâm Tế Nghĩa Huyền (?-867), đệ tử Hoàng Bá, sáng lập hệ phái Lâm Tế, cũng lừng danh với những phương pháp đầy bạo lực, và cũng đã từng vả mặt thầy là Hoàng Bá. Lâm tế còn để lại cho đời sau quyển Lâm Tế ngữ lục, có thể gọi là quyển gối đầu nằm của tất cả thiền giả, làm giềng mối cho pháp hệ Lâm Tế của Tổ. Chỉ có Hoàng Bá là người quê Hồng Châu, Phúc Kiến, nhưng sau khi hai vị trước, Mã Tổ (tịch trước khi Hoàng Bá tìm đến) và Bách Trượng cùng đệ tử Lâm Tế nổi danh thì họ lại được sử gia gọi là hệ phái Hồng Châu, cho thấy Hoàng Bá giữ một vai trò nòng cốt và quan yếu trong việc truyền bá pháp môn Thiền đốn ngộ này của họ.

            Theo Cảnh Ðức truyền đăng lục, Hoàng Bá cao đến hơn 2 thước (7 feet Anh), trước trán có nổi một cục u tròn như hạt châu tượng trưng cho trí tuệ; có lần đả kích một Tăng sĩ dùng thần thông đi trên mặt nước. Hoàng Bá chủ trương thuyết "Nhất tâm" là đại sự của thiền gia bởi vì "Nhất tâm" bao gồm tất cả mọi vấn đề căn bản của ngôn từ, tư duy, thực tế và hành động. Quyển Truyền tâm pháp yếu của Hoàng Bá thuyết giải rất mạch lạc và rõ ràng ý niệm bất nhị triệt để của Mã Tổ về "tức tâm tức Phật" hay "bình thường tâm thị đạo" của Phổ Nguyện. Ngài viết: "Nếu người không thể cởi bỏ tâm niệm về thế nào là bình thường, thế nào là giác ngộ, thì ngươi không thể nào đạt đến giác ngộ rằng thật ra không có Phật nào khác hơn là Phật tại tâm của ngươi" (tr. 192).

            Tuy rằng thông điệp của cả hai nhà tư tưởng Lâm Tế và Hoàng Bá đều nghịch lý, nhưng mà Hoàng Bá bình tĩnh hơn; ngài giải thích ý nghĩa của nghịch lý, trong khi Mã Tổ chỉ giáng cho những đòn nghịch lý khiến hành giả "tá hỏa tam tinh", rồi thôi. Tuy nhiên, Blofeld đã không truyền đạt được quan điểm của Hoàng Bá một cách thích đáng, có lẽ do vì ông bị mắc kẹt trong một thế giới nhãn quan đóng khung bởi hai khuynh hướng của học giới phương Tây thời ông: logic khoa học và tự nhiên lãng mạn. Bị thu hút bởi nhãn quan tài tử khiến không thể có được cái nhìn khách quan trên phương diện sử học, Blofeld đã không thể thấu triệt tư tưởng của Hoàng Bá qua nội dung văn bản của Truyền tâm pháp yếu, do vì ông bị lôi cuốn theo những ồ ạt lãng mạn về "văn minh chữ nghĩa" của thời trung cổ Trung Hoa, do đó mà không thể thấu triệt được những gì mà Hoàng Bá thật sự muốn truyền đạt: truyền đạt bằng trực tiếp đến chân tâm của mỗi hành giả, chứ không qua văn tự thuyên giải vô nghĩa lý.            

            Theo truyền thuyết Truyền tâm pháp yếu là do đệ tử đắc pháp là tướng quốc Bùi Hưu thu tập (khoảng những năm 842-848) từ những lời giảng hóa của Hoàng Bá mà, theo ý của Wright, "ngay chính Hoàng Bá cũng không muốn ghi lại" (tr. 17). Bởi vì, triết lý hay thiền tập thì sống động, linh hoạt, trực nhận, mà một khi đã bị đóng khuôn vào lịch sử văn bản, lịch sử học, và lịch sử văn hóa, thì trở thành những ngôn từ cứng đọng, phản ý nghĩa của ngay chính những lời giảng hóa đó. Và đó cũng chính là lý do mà các thiền gia chủ trương "bất lập văn tự" để rồi, cũng giống như bao chủ trương lý tưởng khác, trở thành chính nạn nhân thực tế của chủ trương đó: số lượng đồ sộ của văn học và văn bản thiền trong thiền sử Trung Hoa đã nói lên nỗi mâu thuẫn biện chứng mà nếu Tứ gia Hồng Châu có sống lại, chắc cũng phải hét lên một tiếng rồi đốt rụi chúng đi.

            Wright cũng đả kích Blofeld đã quá ngưỡng vọng đến độ thần tượng hóa sự minh triết của phương Ðông, một thái độ cực đoan không những không vinh danh được mà trái lại còn làm nhẹ thể ngay chính nền văn minh phương Ðông. Thái độ cực đoan này có khuynh hướng cường điệu hóa, thường khi ngụy tạo, ý nghĩ rằng sự giác ngộ bằng Thiền quán tượng trưng cho một sự siêu việt phi sử tính, bất cần ngôn từ, không nương tựa vào một trung gian nào cả. Ý nghĩ này của Blofeld là xem giác ngộ từ quan điểm cứu cánh với một tâm hồn tài tử, lãng mạn, cá nhân; còn Wright thì lại chứng minh rằng "Thái độ hầu như bất cần đời của Thiền thật sự là kết quả của một tiến trình tu tập hết sức kiềm chế và khắc kỷ của hành giả" (tr. 123), một tiến trình tu tập có thể dài lâu suốt trọn đời người, luôn luôn phản tỉnh không ngừng, cho đến giây phút chứng đắc giác ngộ mới bừng sáng ra, lột bỏ hết tất cả những ràng buộc quy ước, vượt thoát mọi thông lệ để đạt đến siêu việt. Những cái đánh, tát, hét, ..., chỉ có thể áp dụng một cách hiệu quả khi hành giả qua giai đoạn dài tu tập khắc kỷ bước được đến ngưỡng cửa sắp chứng đắc đó, mà chưa mở vào được, cho nên phải cần một cái "đẩy" thật bất ngờ, thật đúng lúc, mới có thể bật tung ra được. Và chỉ có thiền sư đã vào bên trong rồi mới biết được khi nào là đúng lúc để bất ngờ "đẩy" hành giả cho bật tung cửa, bước vào trong, mà thôi.

            Wright đã vượt ra ngoài và bên trên những thái độ không phê phán, ưa lãng mạn của một số người đi trước, trong đó có cả D.T. Suzuki, để xây dựng lại lịch sử tư tưởng của Thiền, với đề nghị rằng một sự phân tích về truyền thống Thiền mà chỉ dựa trên triết lý của Thiền không thôi thì không thể. Ðáng tiếc là, tuy phê phán Blofeld như vậy mà Wright cũng không phiên dịch lại quyển Truyền tâm pháp yếu theo cách tiếp cận của ông để độc giả có thể tự phân biệt sai khác giữa ông với cách dịch lãng mạn của Blofeld như thế nào.

            Tóm lại, Philosophical Meditations on Zen Buddhism, qua cách viết tỉnh táo, gợi ý, không dùng thuật ngữ Thiền, không bóng bẩy vô nghĩa, sẽ là một tác phẩm tiêu chuẩn về nghiên cứu chi tiết và chuyên sâu trong giới học thuật, bởi một học giả hàng đầu về tư tưởng Thiền thời cổ đại hoàng kim.

            (Viết theo Steven Heine, Florida International University, <heinesỴfiu.edu>).


[1] New York: Grove Press, 1959.

[2] New York: Grove Press, 1963.

http://www.buddhismtoday.com/viet/diemsach/PhilosophicalMeditations.htm

 


Vào mạng: 1-6-2002

Trở về mục "Điểm sách"

Đầu trang