Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
ĐỌC “THIỀN TÔNG VÔ MÔN QUAN DỊCH GIẢI” CỦA LÝ VIỆT DŨNG

Vô Môn Quan của thiền sư Vô Môn Tuệ Khai là một tuyển tập quý hiếm, gồm 48 công án nổi tiếng trong chốn thiền môn, đã từ lâu được quan niệm như sách gối đầu giường của nhiều thế hệ thiền gia.

Cấu trúc của Thiền Tông Vô Môn Quan Dịch Giải gồm hai phần chính. Phần một do thiền sư Vô Môn Tuệ Khai soạn, gồm các công án (cử tắc) với các lời bình (niêm) và kệ tụng (tụng). Phần hai của dịch giả Lý Việt Dũng, gồm lời gợi ý và chú thích điển tích và thuật ngữ. Mặc dù nói là hai phần, nhưng nội dung của chúng không hề tách biệt nhau. Mặc dù gọi khiêm tốn là “phần gợi ý,” nội dung này mang tính khai sáng các ý tưởng mới, mà độc giả hiếm có thể tìm thấy trong phần bình và kệ tụng của nguyên tác. Nhờ phần chú thích về nhân danh, địa danh và dụng ngữ thiền của người dịch chú, độc giả không phải tốn thì giờ tra khảo các sách nghiên cứu chuyên ngành, vẫn có thể trực nhận được ý tưởng trọng tâm của tác phẩm. Có vài công án, dịch giả cố tình không ghi phần gợi ý và chú thích, nhằm đánh thức tiềm năng hành trì và trực ngộ ở hành giả.

48 tắc công án trong tác phẩm này vốn được tập đại thành từ nhiều điển tích thiền và sách thiền khác nhau, giới thiệu một cách bao quát các cảnh huống phương tiện dẫn đến khai ngộ bằng phương pháp quán chiếu về thực tại hiện tiền. Vì tính chất quan trọng và giá trị khai phóng tâm cho hành giả, các công án này đã trở thành điển tích thiền khá quen thuộc với lịch sử thiền tông.

Lời bình giải của thiền sư Tuệ Khai có thể được xem là cẩm nang thiền lý sâu sắc về các công án được giới thiệu trong Vô Môn Quan. Có nhiều lời bình giải rất cô đọng và súc tích, nhưng toát lên được tuệ giác của một hành giả có kinh nghiệm hướng dẫn tâm linh thiền cho người thực tập.

Các bài kệ tụng trong Vô Môn Quan mang hai phong cách khác nhau, tuỳ theo bản chất của từng công án. Một số kệ tụng mang phong cách “trùng tụng” tức tóm tắt nội dung của tắc công án bằng một bài thi kệ súc tích, với chức năng hỗ trợ cho hành giả tập trung vào cốt lõi của thiền lý trong tắc công án. Một số kệ tụng mang tính “trực chỉ” rất cao, không nhất thiết tóm tắt hay liên hệ đến nội dung công án. Có nhiều kệ tụng có giá trị như một “công án mới,” theo nghĩa độc lập nội dung với công án nguyên tác được nêu ra.

Đóng góp của ngài Tuệ Khai không chỉ đơn thuần ở việc tuyển soạn các công án đặc sắc, gây ảnh hưởng lớn trong lịch sử phát triển thiền tông Trung Quốc, đặc biệt là tông Lâm Tế, mà còn ở chỗ ngài đã cung cấp cho hành giả thiền tông những lời “khai thị” giản dị nhưng mang tính “điểm tâm” rất nghệ thuật.

Điều quan trọng hơn là, ngài Tuệ Khai không bao giờ có ảo tưởng nâng những lời bình giải của mình về các công án trong quá khứ là “cánh cửa giải thoát” bằng cách xác quyết rằng đó không phải là cánh cửa hay pháp môn tuyệt đối. Ngay cả bản thân của các công án được giới thiệu trong tuyển tập này cũng không nên quan niệm là cánh cửa. Quan niệm về cánh cửa vào đạo tuyệt đối đã sai lầm ngay cách thức trí óc nhị nguyên của con người đặt vấn đề và lý sự về nó. Thông điệp quan trọng của “Vô Môn Quan” là nhằm nhắc nhỡ hành giả hãy thể nhập đạo thiền bằng trực tâm để chuyển hoá nỗi khổ niềm đau.

“Vô môn quan” có hai nghĩa. Theo nghĩa chơi chữ, “Vô Môn Quan” (chữ Vô Môn viết hoa) là cái cánh cửa thiền lý của Vô Môn (Tuệ Khai), tác giả của sách “Thiền Tông Vô Môn Quan,“ tuyển chọn từ tinh hoa thiền thư. Theo nghĩa ngữ cảnh, “vô môn quan” (vô môn viết thường) là “cái cửa ải không có lối vào.”  Yêu cầu của cuộc chơi “ải không cửa” của ngài Tuệ Khai rất cao. Nếu hành giả nào vượt qua được “ải không cửa” thì người đó đã xem thường Vô Môn Tuệ Khai (Nhược thấu đắc vô môn quan, tảo thị độn trí Vô Môn). Nhưng nếu không vượt qua được “ải không cửa” thì hành giả đã cô phụ và hạ thấp chính mình (Nhược bất thấu đắc vô môn quan, diệc nãi cô phụ tự kỷ). Không vượt qua được cái “ải không cửa” như rơi vào ma trận của chữ nghĩa, chắc chắn sẽ hỏng. Vượt qua được “ải không cửa” thì phỏng có giá trị gì, khi điều đó đã làm cho thiền sư Vô Môn trở nên độn trí? Trong ma trận chữ nghĩa hay vô ngôn này, vấn đề trọng tâm không nằm ở chỗ vượt qua hay không vượt qua được cái ải không cửa, mà chính là thấu hiểu được bản chất ma trận của cái ải không cửa mà thôi. Thấu hiểu được rồi thì ra vào tự tại, đến đi thong dong, không bị vướng víu, không bị câu thúc, thể và dụng không hai, lý và sự viên dung, cửa và không cửa tương tức.

Trên bản chất, các công án thiền tông Trung Quốc là các cửa ải (quan). Nếu hành giả bám vào cửa ải như bản thân chân lý, hành giả sẽ không có cửa để vào (vô môn). Cái ải của ý thức nhị nguyên thông qua sự nhào nắn của tâm vọng tưởng và hý luận đã làm cho con đường vào cửa giác ngộ đã bị bịt lối. Buông rơi cửa ngỏ có thể bị lạc mất đường vào. Nhưng khi nhào bám vào cửa thì cửa bị nghẽn bít. “Lỗi và phải” không nằm ở cửa hay không cửa, mà nằm ở chỗ hữu trước hay vô trước vào cái “ải không cửa” mà ra.

Trong cái “ải không cửa” của thiền, mọi giả định, quy nạp, loại suy và tổng hợp của óc phân tích trở nên rắm rối và trói buộc. Phủ định thì rơi vào đoạn kiến. Khẳng định lại rơi vào thường kiến. Thường hay đoạn thì cái nào cũng chấp cả. Hễ chấp thì không còn cửa để vào!

Trong cái ải không cửa của thiền, nhiều hành giả càng nỗ lực chạy qua thì càng bị vấp té; càng gắng sức bám vào thì bị văng ra. Cái ải không cửa này tuy không có lính gác và miễn hộ chiếu xuất nhập cảnh nhưng không phải ai cũng có thể đi lọt qua dễ dàng! Khi ý thức vừa ngẩng đầu lên thì cái không cửa đó đã trở thành vòng kim cô xiết chặt. Khi ý thức gắng gượng đòi tách ly thì ải không cửa trở thành ổ khoá. Ý thức về cửa ngỏ và không cửa ngỏ đã làm cho nhiều thế hệ hành giả quên mất đường về chân tâm thường trú, mãi mê với biết bao hý luận ven đường.

Chính vì thế để thể nhập được và thưởng ngoạn cái ải không cửa như một ma trận của tâm, hành giả cần có sự hướng dẫn của người thầy có kinh nghiệm. Nếu không tìm được người thầy như ý, quyển sách Thiền Tông Vô Môn Quan Dịch Giải của Lý Việt Dũng sẽ là người đồng hành không thể thiếu cho bất kỳ ai muốn vào được cái ải thiền vô môn thoát tục và dung thông. Đóng góp quan trọng của dịch giả, ngoài việc hiệu đính các điểm dịch sai của một số bản dịch trước đây, chính là ở chỗ cung cấp cho người đọc chiếc chìa khoá mở cái ải không cửa đã bị thói quen chấp trước và vô minh của con người đóng bít từ lâu.

                                                                              Rằm tháng 11 năm 2005

                                                                                     Thích Nhật Từ

http://www.buddhismtoday.com/viet/diemsach/vomonquan_lyvietdung.htm

 


Vào mạng: 1-2-2006

Trở về mục "Điểm sách"

Đầu trang