Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .

Chiến lược tâm công của đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Gandhi, bà Aung San Suu Kyi, và đức Dalai Lama

(Trích đăng)
Phan Quang Việt

--  ‘Bệ-hạ nói câu ấy thì thật là lời nhân đức, nhưng mà Tôn-miếu Xã-tắc thì sao? Nếu Bệ-hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng!’

-- ...‘Cách ấy cốt phải tự lúc bình thì khoan sức cho dân, để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là cái thuật giữ nước hay hơn cả.’ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (1232-1300)

-- ‘Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân mà thay cường bạo.
Ta mưu phạt tâm công,
Không đánh mà người phải khuất'. Nguyễn Trãi (1380 - 1442)

-- ‘Tâm là chủ của thân. Thân là dụng của Tâm. Tất cả mọi việc lành, việc dữ đều do Tâm mình tạo ra. Tâm mình tu thiện thì thân mình an vui. Tâm mình làm ác thì thân mình khốn khổ. Đạo do Tâm học, Đức do Tâm chứa, Công do Tâm tu, Phưóc do Tâm tạo, Họa do Tâm làm.  Tất cả công đức đều do Tâm của mình tự tu lấy, chứ không phải ngoài mình ra mà tìm kiếm được. Tất cả Đạo vô thượng đều từ trong Tâm mình phát xuất ra. Tâm ấy vô cùng tận, không thể phá hoại, không thể tạp nhiễm.’ (tài liệu tham khảo số 1)

-- Muốn thực hiện được Chiến lược Tâm Công, chúng ta phải có Tâm thành thật, Tâm bình đẳng (thương yêu đồng loại, kẻ thù hay người thân như nhau), Tâm thương người, vật và tôn trọng sự sống (Tâm Từ Bi), Tâm sáng suốt hành động (Tâm Trí Tuệ) và Tâm dũng cảm tự tồn, không còn sự sợ hãi (Tâm Dũng Lực).

-- Những bậc thánh nhân đầy đủ Tâm từ Bi, Trí tuệ, Dũng lực, Tâm Thành Thật và Tâm Bình Đẳng đã dùng Chiến lược Tâm Công như chiến lược lấy sức mạnh của Tâm (Tâm lực, heart-force) để kết hợp lòng người, thay đổi lòng dạ độc ác và hung tàn của con người, hoán chuyển nghịch cảnh thành thuận cảnh và đi đến mục đích cuối cùng để chấm dứt bạo lực, chiến tranh và hận thù hầu đem lại hạnh phúc cho sinh dân.


 

A. Chiến lược tâm công của đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn

Vào thế kỷ thứ 13, đời nhà Trần nước Việt Nam chúng ta đã phải đương đầu với ba lần xâm lăng của đạo quân hùng mạnh và thiện chiến Mông Cổ nhưng quân dân nước ta đã đánh bại cả ba lần xâm lăng vào những năm 1257, 1284, 1287 (theo tài liệu sử sách tham khảo số 5 và 6) trong khi đế quốc Mông Cổ (hoàn thành năm 1280) đã thôn tính 40 quốc gia (kể cả Trung Hoa) từ Đông sang Tây tạo dựng một đế quốc trải dài từ Á sang Âu châu. (6)

Khi học lại những trang sử oai hùng của công cuộc chiến tranh kỳ vĩ do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lãnh đạo để chống quân Nguyên (Mông Cổ), người viết xin được ghi chép lại và đóng góp những nhận định hết sức tổng quát và đơn giản về chiến lược Tâm Công đời nhà Trần. Đây chính là quốc bảo để giữ nước và dựng nước mà tất cả người Việt đều có quyền hãnh diện thừa hưởng, học hỏi và áp dụng.

 

A.1 Tương quan lực lượng của quân Việt Nam và quân Mông Cổ

Dân số nước ta vào thế kỷ 13 (1284) có thể ước lượng là vài triệu người nhưng theo sử chép thì tổng số quân lực dưới quyền lãnh đạo của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chỉ có 20 vạn quân (5), (6).

Với 200,000 quân số như vậy mà nước ta phải đương đầu với 500,000 quân của đoàn quân xâm lược thiện chiến Mông Cổ thì quả là một sự chênh lệch quá lớn trong tương quan lực lượng của quân ta và quân Mông Cổ.

 

A.2 Chiến lược tâm công của Đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn

Trần Hưng Đạo là một thiên tài quân sự đã nghiên cứu chiến lược, chiến thuật và binh pháp của tất cả những nhà quân sự thời bấy giờ (2 & 3) và Vương đã viết Hịch Tướng Sĩ (2), hai quyển Vạn Kiếp Bí Truyền (5),(6) và Binh Thư Yếu Lược (3) để huấn luyện và thao dượt quân sĩ. Sau này theo Phan Huy Chú trong sách Lịch Triều Hiến Chương Văn Tịch Chí thì Vạn Kiếp Bí Truyền, Binh Thư Yếu Lược cùng bao nhiêu sách vở của nước Nam từ nhà Trần về trước đều bị quan quân nhà Minh thu lấy cả rồi đem về Kim Lăng trong thời kỳ nhà Minh đô hộ nước ta (1414-1427). (5)

Dựa vào những dữ kiện lịch sử , chúng ta có thể đi đến kết luận là những chiến lược sau đây đã do chính Trần Hưng Đạo dâng lên để Vua Trần Nhân Tông và triều đình xử dụng:

Hội nghị Bình Than (tháng 10 năm Nhâm Ngọ 1282): ‘Trần triều trước tình thế cấp bách và nghiêm trọng, triệu tập các vương hầu và bá quan văn võ bên sông Bình Than. Nơi họp có tính cách bí mật vì cần tránh tai mắt của bọn gián điệp đối phương. Hội nghị này là hội nghị để thăm dò ý kiến của các vương hầu, tướng lĩnh. Các quan có người bàn không nên nghịch ý Mông Cổ nghĩa là cho mượn đường và giúp lương. Có người bàn nên đem quý vật sang cống để hoãn binh. Duy chỉ có Trần Quốc Tuấn và Trần Khánh Dư chủ chiến và xin đem quân giữ các nơi hiểm yếu.’ (6)

Hội nghị Diên Hồng (tháng chạp năm Giáp Thân 1284) hay chiến lược Đồng Tâm Trước thế giặc Nguyên hết sức mạnh, Thượng Hoàng (Vua Trần Thánh Tông) đã cho triệu tập các bô lão về họp ở điện Diên Hồng để trưng cầu dân ý cùng tham khảo chiến lược trước cơn quốc nạn (Tâm Trí). Các bô lão đều đồng thanh xin đánh. Qua hai hội nghị Bình Than và Diên Hồng, quyết định chung của toàn dân và toàn quân là quyết chiến và hy sinh để bảo vệ đất nước và nền độc lập, tự chủ. (Tâm Trí và Tâm Dũng) Lời bài ca Hội Nghị Diên Hồng còn vang lên hùng khí của tiền nhân : ‘Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến? Quyết chiến! Quyết chiến! Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh? Hy sinh! Hy sinh!’

Hội nghị Diên Hồng có thể được xem như là hội nghị dân chủ đầu tiên trong lịch sử nước ta để biết ý dân vì các bô lão thực sự là những đại biểu của dân, đã sống cả cuộc đời gắn bó với quê hương và dân tộc, đã hiểu được cái Đạo Sống của dân tộc, luôn được dân chúng kính trọng và nghe lời dạy bảo. Thượng Hoàng (Vua Trần Thánh Tông) đã không cho triệu tập các thành phần sĩ, nông, công, thương trong xã hội nước ta vào thời đó vì lý do này. ( Tâm Trí )

Hội nghị Diên Hồng đã mở ra chiến lược Đồng Tâm, áp dụng chiến lược ‘Tâm truyền Tâm’ để kết hợp toàn dân trong tình thế hết sức nguy khó khi đất nước có thể rơi vào trong tình trạng bị đô hộ bởi ngoại bang và có thể mất nền độc lập, tự chủ vừa mới giành lại được từ thời Ngô Quyền năm 939.

Khi các bô lão trở về làng của mình đã truyền giảng thông điệp quyết chiến và hy sinh của hội nghị Diên Hồng và đã hoàn thành chiến lược Đồng Tâm để kết hợp và điều động toàn dân bảo vệ bờ cõi chống xâm lăng. (Tâm Trí và Tâm Dũng)

Chiến lược này đã giúp cho nước ta đương đầu với cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ mặc dù trong những giai đoạn đầu quân ta không thể chận được những cuộc tấn công của quân Mông Cổ và đã thua ở nhiều mặt trận kể cả kinh thành Thăng Long cũng đã bị thất thủ và Trần Hưng Đạo đã phải rước xa giá và bảo vệ nhà Vua dời đi nơi khác. (5), (6)

Sau khi tham dự Hội nghị Diên Hồng, các bô lão đã giải quyết được vấn nạn truyền thông đại chúng cho triều đình nhà Trần để đưa thông điệp quyết chiến và hy sinh đến toàn dân và đã hoàn thành chiến lược Đồng Tâm vì vào thế kỷ 13 đây là một vấn đề rất khó giải quyết khi chưa có các phương tiện truyền thông đại chúng (như báo chí, hệ thống truyền thanh, truyền hình,...) và tất cả nguồn nhân lực, tài nguyên quốc gia đều phải đổ vào cuộc chiến tranh tự vệ.

Khi nghe tin Hưng Đạo Vương lui quân khỏi Lạng Sơn và chạy về Vạn Kiếp, Vua Trần Nhân Tông liền xuống chiến thuyền nhỏ ra Hải Đông (tức là Hải Dương), rồi cho vời Hưng Đạo Vương đến bàn quốc sự. Vua Nhân Tông nói: ‘Thế giặc to như vậy, mà chống với nó thì dân sự tàn hại, hay là Trẫm hãy chịu hàng đi để cứu muôn dân.’ ( Tâm Từ Bi )

Hưng Đạo Vương tâu rằng: ‘Bệ-hạ nói câu ấy thì thật là lời nhân đức, nhưng mà Tôn-miếu Xã-tắc thì sao? Nếu Bệ-hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng!’ (Tâm Dũng). Vua nghe lời nói trung liệt như vậy, trong bụng mới yên. (5) (Tâm an Tâm)

Sau đó Hội Nghị Quân Sự ở Vạn Kiếp được nhóm họp để chỉnh bị lại hàng ngũ, duyệt xét lại toàn bộ các mặt trận cùng chiến lược, chiến thuật sẽ được xử dụng sau những kinh nghiệm về các trận đánh cùng quân Nguyên ở mặt trận Lạng Sơn. (6) (Tâm Trí)

 

Hịch Tướng Sĩ hay là Chiến Lược Toàn Quân

Sau hội nghị Bình Than (tháng 10 năm Nhâm Ngọ 1282), ‘Vua Trần Nhân Tông thân chinh đốc xuất các vương hầu huy động toàn thể quân đội thủy lục được tất cả 20 vạn mở cuộc tập trận. Trần Quốc Tuấn được tấn phong làm Quốc Công Tiết Chế thống lĩnh lực lượng quân sự toàn quốc, sau đó Vương đã viết và cho truyền ra Hịch Tướng Sĩ, lời hịch đầu tiên kêu gọi tinh thần ái quốc và kỷ luật của các tướng sĩ và toàn quân vào tháng 8 năm Giáp Thân 1284 trước cơn quốc nạn. (6) (Tâm Trí).

Mặc dù bản văn Hịch tướng Sĩ đã được viết hơn 7 thế kỷ trước để hiệu triệu tướng sĩ và toàn quân thế mà đến ngày nay người đọc vẫn cảm nhận được hùng khí của tiền nhân gói trọn trong những nét hay và vẻ đẹp của văn chương.

Qua Hịch tướng Sĩ, Trần Hưng Đạo đã đưa ra một Chiến Lược Toàn Quân vì Vương đã dùng hịch này để hiệu triệu toàn quân phải hết lòng chiến đấu để dẹp tan quân giặc (Tâm truyền Tâm , Tâm Dũng). Vương đã dạy cho quân sĩ chiến thuật và chiến lược chống xâm lăng qua việc học hỏi và thao luyện những điều mà Vương đã tổng hợp các sách quân sự đương thời trong quyển Binh Thư Yếu Lược (Tâm Trí):

‘Nay ta soạn hết các binh pháp của các nhà danh gia hợp lại làm một quyển gọi là Binh Thư Yếu Lược. Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này, theo lời dạy bảo, thì mới phải đạo thần tử; nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời dạy bảo, thì tức là kẻ nghịch thù.’ (2)

Trần Hưng Đạo cũng là một nhà chính trị lỗi lạc và chính trị của Vương luôn đặt tinh thần yêu nước và sự an vui, hạnh phúc của toàn dân làm đầu: ‘Hưng Đạo Vương là một người danh tướng đệ nhất nước Nam, đánh giặc Nguyên có công to với nước, được phong làm Thái Sư, Thượng Phụ, Thượng Qưốc Công, Bình Bắc Đại Nguyên Súy, Hưng Đạo Đại Vương. ... Khi Vương sắp mất, Vua Anh Tông có ngự giá đến thăm, nhận thấy Vương bệnh nặng, mới hỏi rằng:‘Thượng Phụ một mai khuất núi, phỏng có quân Bắc lại sang thì làm thế nào?’ Hưng Đạo Vương tâu rằng:

‘Nước ta thuở xưa, Triệu Võ Vương dựng nghiệp, Hán Đế đem binh đến đánh. Võ Vương sai dân đốt sạch đồng áng, không để lương thảo cho giặc chiếm được, rồi đem đại quân sang châu Khâm, châu Liêm, đánh quận Tràng Sa, dùng đoản binh mà đánh được, đó là một thời. Đến đời Đinh, Lê, nhiều người hiền lương giúp đỡ, bấy giờ nước Nam đang cường, vua tôi đồng lòng, bụng dân phấn chấn; mà bên Tàu đang lúc suy nhược, cho nên ta đắp thành Bình Lỗ (thuộc Thái Nguyên) phá được quân nhà Tống, đó là một thời. Đến đời nhà Lý, quân Tống sang xâm, Lý Đế sai Lý Thường Kiệt đánh mặt Khâm, Liêm, dồn đến Mai Lĩnh, quân hùng, tướng dũng, đó là có thế đánh được. Kế đến bản triều, giặc Nguyên kéo đến vây bọc bốn mặt, may được vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước đấu sức lại mà đánh, mới bắt được tướng kia, cũng là lòng trời giúp ta mới được thế. Đại để, kẻ kia cậy có tràng trận, mà ta thì cậy có đoản binh; lấy đoản chống nhau với tràng, phép dùng binh thường vẫn phải thế. Còn như khi nào quân giặc kéo đến ầm ầm, như gió, như lửa, thế ấy lại dễ chống. Nếu nó dùng cách dần dà, như tằm ăn lá, thong thả mà không ham của dân, không cần lấy mau việc, thế ấy mới khó trị ; thì ta nên dùng tướng giỏi, liệu xem quyền biến, ví như đánh cờ, phải tùy cơ mà ứng biến, dùng binh phải đồng lòng như cha con một nhà, thì mới có thể đánh được. (Tâm Trí) ‘Cách ấy cốt phải tự lúc bình thì khoan sức cho dân, để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là cái thuật giữ nước hay hơn cả.’ (5) (Tâm Từ Bi)

Vua Anh Tông chịu lời ấy là rất phải. Được mấy hôm thì Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn mất vào ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (1300). Từ nhà Vua cho đến dân chúng ai cũng thương tiếc. Nhân dân nhiều nơi lập đền thờ phụng để ghi nhớ công đức của Ngài. (5)

Thực hiện chiến lược Tâm Công để kết hợp toàn dân và toàn quân, Thượng Hoàng (Vua Trần Thánh Tông), Vua Trần Nhân Tông và triều đình đời Trần đã giao trọng trách điều khiển lực lượng quân sự toàn quốc cho Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Lịch sử đã ghi chép vào thế kỷ 13, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới đã đánh bại quân xâm lăng Mông Cổ ba lần để giữ vững nền tự chủ và bờ cõi.

 

B. Chiến lược tâm công của đức Lê Lợi và Nguyễn Trãi

Khi học lại những trang sử oai hùng của công cuộc kháng chiến kỳ vĩ để lật đổ chế độ đô hộ của nhà Minh (1414 - 1427) do Bình Định Vương Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh đạo (1418 - 1427), người viết xin được ghi chép lại và đóng góp những nhận định hết sức tổng quát và đơn giản về chiến lược Tâm Công do Nguyễn Trãi dâng lên cho Lê Lợi, người anh hùng áo vải ở đất Lam Sơn, để thực hiện công cuộc kháng chiến 10 năm đầy gian khổ và chưa từng có trong lịch sử xưa nay. Đây chính là quốc bảo để lấy lại nước, giữ nước và dựng nước mà tất cả người Việt đều có quyền hãnh diện thừa hưởng, học hỏi và áp dụng.

B.1 Bình Định Vương Lê Lợi: ‘người ở làng Lam Sơn, huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đã mấy đời làm nghề canh nông, nhà vẫn giàu có, lại hay giúp đỡ cho kẻ nghèo khó, cho nên mọi người đều phục,... Ông Lê Lợi khảng khái, có chí lớn, quan nhà Minh nghe tiếng, đã dỗ cho làm quan, nhưng ông không chịu khuất, thường nói rằng: ‘Làm trai sinh ở trên đời, nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chứ sao lại chịu bo bo làm đầy tớ người!’ (5) (Tâm Trí)

B.2 ‘Bèn giấu tiếng ở chỗ sơn lâm, đón mời những kẻ hào kiệt, chiêu tập những kẻ lưu vong. Đến mùa xuân năm mậu tuất (1418), ông Lê Lợi cùng với tướng là Lê Thạch và Lê Liễu khởi binh ở núi Lam Sơn tự xưng là Bình Định Vương, rồi truyền hịch đi gần xa kể tội nhà Minh để rõ cái mụch đích của mình khởi nghĩa đánh kẻ thù của nước.’ (5) (Tâm truyền Tâm)

B.3 Bình Định Vương Lê Lợi là bậc anh hùng hội đủ tất cả những đức tính cần thiết để thực hiện chiến lược Tâm Công giải phóng đất nước ra khỏi ách đô hộ của nhà Minh do Nguyễn Trãi dâng lên cho Vương trong ‘Bình Ngô Sách’.

B.4 Trước khi đi gặp Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã hoàn tất chiến lược cứu nước qua tác phẩm Bình Ngô Sách. (Tâm Trí)

Tiếc thay, bản chiến lược Bình Ngô Sách này đã thất lạc. Tuy không biết Bình Ngô Sách trình bày những nhận định gì về con đường cứu nước và về tình hình ta và địch. Nhưng điều may mắn nhất của chúng ta là vẫn còn biết được yếu chỉ hành động của Bình Ngô Sách nhờ bài tựa của Ngô Thế Vinh (viết năm 1833) trong Ức Trai Di Tập (quyển 1): ‘Bình Ngô Sách hiến mưu chước lớn, không nói đến việc đánh thành, mà lại khéo nói đến việc đánh vào lòng người, cuối cùng nhân dân và đất nước của 15 đạo nước ta đều đem về cho ta cả.’ (7) (Chiến lược Tâm Công)

B.5 Sau khi Bình Định Vương Lê Lợi đã dẹp xong giặc Minh năm 1427, Người đã ra lệnh cho Nguyễn Trãi soạn thảo bài tuyên cáo cho toàn dân biết và Nguyễn Trãi đã minh định chiến lược này qua bản Bình Ngô Đại Cáo (1427):

...‘Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
‘Lấy chí nhân mà thay cường bạo. ...
‘Ta mưu phạt tâm công , không đánh mà người phải khuất. ...(Tâm Công)
‘Tướng giặc bắt tù, xin thương hại vẫy đuôi cầu sống,
‘Uy thần chẳng giết, lấy khoan hồng thể bụng hiếu sinh. ... (Tâm Từ Bi)
‘Chúng đã sợ chết xin hòa, thực thà cầu sống,
‘Ta muốn toàn quân làm cốt, ngơi nghỉ cùng dân.
‘Chẳng những mưu kế cực sâu xa,
‘Cũng là cổ kim chưa nghe thấy. ...’ (4) (Tâm Trí, Tâm Từ Bi )

B.6 Trong Bình Ngô Đại Cáo, Tâm Từ Bi đã thể hiện hết sức mạnh mẽ trong Chiến lược Tâm Công qua sự bừng nở của Tâm Trí Tuệ áp dụng trong chiến tranh chưa từng nghe thấy từ xưa đến nay để bảo toàn lực lượng khởi nghĩa, giữ đúng lệnh khoan hồng cho các trấn thành cùng quan quân đối phương đầu hàng, giảm thiểu những tổn thất về sinh mạng cho cả hai bên đang trong cuộc chiến, chấm dứt chiến tranh, đi đến chiến thắng sau cùng và mang lại hạnh phúc cho toàn dân.

B.7 ‘Tới giai đoạn này viện quân của Minh triều bị đại bại, tinh thần của đối phương ở nhiều trấn thành sa xuống rất mạnh. Nhiều tướng lĩnh Minh xin quy phục, chỉ còn 4 thành: Tây Đô, Cổ Lộng (nền cũ của thành này còn ở làng Bình Cách, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), Đông Quan và Chí Linh vẫn chưa xao xuyến lắm. Đáng lẽ quân ta tổng tấn công các thành đó trong lúc quân dân của chúng ta đang thừa hăng hái, Bình Định Vương sai viên thông sự Đặng Hiếu Lộc dẫn Thôi Tụ, Hoàng Phúc và một số lớn tù binh cùng quả ấn song hổ và cờ kiếm, sổ sách đưa vào thành Đông Quan....’ (6) ‘Mưu thuật này đạt được đúng kết quả mong muốn là đánh một đòn nặng vào tâm lý địch giữa lúc họ đang khủng hoảng tinh thần. Biết tình thế hoàn toàn đổ vỡ, Vương Thông, Sơn Thọ cử phái viên là Thiên Hộ họ Hà đến đại bản doanh của Bình Định Vương đề nghị thành thực cầu hòa và xin mở đường cho chúng lui binh về nước.’ (6) (Tâm Trí)

B.8 ‘Tướng sĩ và nhân dân tỏ ý không tán thành cuộc hòa giải vì lòng người còn căm giận sự tàn bạo trước đây của giặc Minh. Dư luận còn đang phân vân, Nguyễn Trãi bàn: ‘- Giặc Minh tàn bạo nhân dịp này giết hết chúng đi là phải, nhưng phải nghĩ nước mình nhỏ, nước chúng lớn gấp mấy chục lần thì xung đột với chúng chỉ là sự bất đắc dĩ. Nếu mối thù ngày một thêm sâu, giặc mất thể diện lại kéo binh sang nữa thì cuộc chiến tranh biết bao giờ mới dứt được. (Tâm Trí). Sao bằng chấp thuận cuộc hòa hiếu để tạo phúc cho sinh linh hai nước. (Tâm Từ Bi).

B.9 ‘Tha Vương Thông và đồng bọn về, hẳn chúng không còn lòng nào trở sang nữa. Xem như bài biểu dấu trong thỏi sáp của y gửi về Minh triều có câu: ‘ Xin thôi đừng vì miếng đất ‘hẻo lánh một phương mà làm nhọc nhằn quân lính đi xa muôn dặm. Bấy giờ muốn đánh lại phải huy động đại quân như buổi ra đi, đại tướng phải sáu bẩy người vào hạng Trương Phụ. Nhưng dù lấy lại được thì sự giữ sau này cũng vẫn khó lòng...’ (6) Bình Định Vương Lê Lợi gật đầu khen phải, nói: ‘Phục thù báo oán là cái thường tình của mọi người, nhưng bản tâm người nhân không muốn có việc giết người bao giờ, huống hồ người ta đã hàng mà giết thì không hay. Thỏa cái giận một lúc mà đeo cái tiếng muôn đời giết kẻ đầu hàng, sao bằng cho muôn vạn người cùng sống để tránh cuộc chiến tranh cho đời sau, lại còn được tiếng thơm lưu truyền sử xanh mãi mãi.’ (6) (Tâm Từ Bi và Trí Tuệ)

 

C. Chiến Lược Tâm Công trong thế kỷ 20

C.1 Mahatma Gandhi đấu tranh bất bạo động ở Ấn Độ

Mahatma Gandhi tên thật là Mohandas Karamchand Gandhi, sinh ngày 2 tháng 10, 1869 ở Porbandar, Ấn Độ, nhưng nhà thơ Tagore (giải thưởng Nobel Văn Chương về Thi Ca năm 1913) đã dùng hai chữ Maha (nghĩa là lớn) và Atma (tâm hồn) và nối nhau thành Mahatma (Great Saint, bậc Thánh) như một danh hiệu để vinh danh Người. (8)

Tháng Giêng năm 1915, sau khi cuộc đấu tranh thành công về quyền làm người cho những người dân da đen và các chủng tộc khác kể cả người di dân Ấn Độ ở vùng Transvaal, Nam Phi Châu bị người da trắng kỳ thị và đàn áp, Mahatma Gandhi đã được đảng Quốc Đại Ấn Độ (Indian National Congress) mời trở về Ấn Độ để tham gia vào công cuộc đấu tranh giành độc lập. (8)

Trong cùng thời điểm với cuộc khởi nghĩa ngày 10 tháng 2,1930 của Việt Nam Quốc Dân Đảng mà sau đó thất bại và bị bắt, đảng trưởng Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí đã hiên ngang hô to câu "Việt Nam vạn tuế" khi lên đoạn đầu đài ở Yên Báy vào ngày 17 tháng 6,1930 và hàng ngàn đảng viên bị đày đi Côn Đảo,Sơn La và Lao Bảo. (6)

Tháng 3 năm 1930,Mahatma Gandhi đã khởi sự cuộc đấu tranh áp dụng tinh thần BẤT BẠO ĐÔNG (AHIMSA, non-violence) và Người cũng đã xử dụng CHIẾN LƯợC TÂM CÔNG:

- ngày 12 tháng 3, 1930 Mahatma Gandhi cùng 78 nam thành viên trong ngôi làng (ashram), mà tên tuổi được công bố trên báo Young India, bắt đầu cuộc đi bộ 241 dặm (miles = 386 cây số) trong 24 ngày để đi xuống bờ Ấn Độ Dương và đến bờ biển ở vùng Dandi ngày 5 tháng 4 để làm muối cùng với các nhà lãnh đạo của đảng Quốc Đại Ấn và mấy ngàn người dân Ấn Độ từ hơn ba trăm ngôi làng mà phái đoàn Người đã đi qua, năm đó Người 61 tuổi;

những hạt muối Ấn Độ Dương đã là điểm tựa cho đòn bẩy là dân tộc Ấn Độ trang bị bằng CHIẾN LƯợC TÂM CÔNG và tinh thần BẤT BẠO ĐÔNG để đánh bật tảng đá là chế độ đô hộ và thuộc địa của Anh Quốc; Cuộc đấu tranh đã xử dụng ưu điểm của dân tộc Ấn Độ là SỨC MẠNH TÂM LINH (mà tiếng Ấn Độ là SATYAGRAHA, SATYA (gốc là chữ SAT) có nghĩa là sự thật, lẽ phải, GRAHA có nghĩa là quyết tâm; chuyển sang tiếng Anh là SOUL FORCE, SỨC MẠNH TÂM LINH).

Cuộc tranh đấu đã áp dụng chiến lược Dân Chúng không khuất phục, Dân Chúng Bất Cộng Tác (civil disobedience, civil non-cooperation) bằng những cuộc đình công, bãi thị toàn diện (general strike) để làm tê liệt guồng máy cai trị của chế độ đô hộ của người Anh. Chiến lược Dân Chúng Bất Cộng Tác áp dụng song song với sức mạnh của Bất Bạo Động, lẽ phải và sự thật khiến cho dân tộc Ấn Độ không còn mang mặc cảm bị đô hộ, bị đàn áp và đã hiên ngang đứng lên đòi độc lập và tự do;

Gandhi đã muốn có một nước Ấn Độ mới ngay vào thời điểm lúc đó, chứ không phải chỉ một nước Ấn Độ tự do trong tương lai. Người tin rằng tự do thật sự cho Ấn Độ phải chính là những người dân Ấn Độ với tinh thần hoàn toàn mới và tự do.

Người đồng ý với nhà thơ Tagore là gông cùm đeo nặng lên dân tộc Ấn Độ là do chính tự mình làm ra. Tagore viết: ‘Người tù hỡi, ai là người đã đem đến xích xiềng không thể phá vỡ này? Chính tôi, người tù nói, đã trui rèn (tôi luyện) xiềng xích này rất kỹ lưỡng.’ (Prisoner, tell me who was it that brought this unbreakable chain? It was I, said the prisoner, who forged this chain very carefully.) (8)

Ngày 15 tháng 8,1947, dân tộc Ấn Độ đã thành công trong việc giải phóng đất nước ra khỏi ách đô hộ của người Anh và đạt được nền độc lập, tự chủ mặc dù Ấn Độ bị chia cắt ra thành hai quốc gia: Ấn Độ và Pakistan.

Gandhi chủ trương hoà giải với Pakistan theo Hồi Giáo và Người đã bị bắn chết ngày 30 tháng 1, 1948 bởi những thành phần quá khích.

 

C. 2 Bà Aung San Suu Kyi đấu tranh cho tự do và dân chủ ở Miến Điện

Năm 1989, chế độ độc tài quân phiệt Miến Điện, Hội Đồng Phục hồi Luật Pháp và và Trật Tự Quốc Gia (State Law and Order Restoration Council, SLORC), củng cố quyền lực bằng việc bắt giam Bà Aung San Suu Kyi, ái nữ của Aung San vị anh hùng quốc gia của Miến Điện, và lúc đó Bà là Tổng Thư Ký của Liên Minh Quốc Gia Dân Chủ (National League for Democracy, NLD). Bà đã bị quản thúc tại gia từ tháng 7,1989 và không được vận động tranh cử trong cuộc bầu cử năm 1990. (11)

Mặc dù bị ngăn cản không được vận động tranh cử nhưng Bà Aung San Suu Kyi đã áp dụng CHIẾN LƯợC TÂM CÔNG và được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của dân chúng Miến Điện và nhiều chính phủ trên thế giới. NLD đã toàn thắng trong cuộc bầu cử ngày 27 tháng 5,1990. Sau đó chế độ độc tài quân phiệt (SLORC) hứa hẹn mơ hồ là sẽ trao quyền sau khi hiến pháp mới được soạn thảo. (11)

Sau cuộc bầu cử , SLORC bắt giam phần lớn các lãnh tụ đối lập và Bà Aung San Suu Kyi tiếp tục bị quản thúc tại nhà.

Tháng 7,1991, chính phủ Úc, Gia Nã Đại và Cộng Đồng Âu Châu đã ủng hộ lời kêu gọi của Hoa Kỳ đến sáu quốc gia thành viên của Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á Châu (ASEAN), khối giao thương chính của Miến Điện, phải làm áp lực với SLORC để chấm dứt nạn cai trị độc tài. Trong cùng tháng 7,1991 SLORC ban hành đạo luật tước bỏ chức vụ dân biểu trong quốc hội của các thành viên đối lập và không cho họ được ứng cử.

Tháng 10,1991 Bà Aung San Suu Kyi, lúc đó đã bị quản thúc tại nhà hơn hai năm, được trao giải Nobel Hòa Bình. SLORC từ chối không cho Bà đi Na Uy để nhận giải, và đã bắt giam nhiều người ủng hộ Bà ở Rangoon khi con trai Bà là Alexander Aris đã đại diện Bà để nhận giải Nobel Hòa Bình. (12)

Khác với Thánh Gandhi và Đức Dalai Lama đã và đang phải đấu tranh với hai chế độ ngoại xâm, khác chủng tộc và khác văn hóa là chế độ thuộc địa của Anh Quốc và Trung Quốc, Bà Aung San Suu Kyi đã và đang phải đấu tranh với chế độ độc tài quân phiệt Miến Điện cùng chủng tộc, ngôn ngữ, và văn hóa.

 

C.3 Đức Dalai Lama đấu tranh ở hải ngoại để giải phóng dân tộc Tây Tạng ra khỏi ách thống trị của Trung Quốc

Đức Dalai Lama, His Holiness Tenzin Gyatso, sinh năm 1935, và lúc hai tuổi đã được xác nhận là Đức Dalai Lama tái sinh, Người đã phải thương thảo với Mao Trạch Đông năm Người mới 19 tuổi đời về tương lai của đất nước Tây Tạng, sau khi Trung Quốc đã xâm lăng và chiếm đóng Tây Tạng từ năm 1950 cho đến ngày nay. (9)

Năm 1959, sau khi những cuộc đàm phán thất bại, Trung Quốc đàn áp đẫm máu những cuộc nổi dậy của dân tộc Tây Tạng mà hàng chục ngàn người đã hy sinh, Đức Dalai Lama đã phải rời bỏ Tây Tạng và sang sống lưu vong ở Dharamsala, Ấn Độ vì Người sợ rằng dân Tây Tạng sẽ phải bạo động trong tuyệt vọng nếu Trung Quốc bắt và giam giữ Người. (9)

Đức Dalai Lama, vị lãnh đạo tinh thần của hơn 6 triệu người Tây Tạng, nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1989 cho những nỗ lực tranh đấu không ngừng cho quyền làm người trên toàn thế giới, và nhất là cho nền tự chủ của dân tộc Tây Tạng thoát ra khỏi ách thống trị của Trung Quốc.

Đức Dalai Lama luôn luôn chủ trương áp dụng tinh thần Bất Bạo Động (non-violence) trong công cuộc đấu tranh cho nền tự chủ (self-rule) để quốc gia Tây Tạng và nền văn hóa truyền thống Phật Giáo khỏi bị diệt vong. (9) Người cho rằng sức mạnh của dân tộc Tây Tạng là Lẽ Phải, là Sự Thật (truth) trong tinh thần Bất Bạo Động. (10)

Mặc dù cuộc đấu tranh của Đức Dalai Lama và dân tộc Tây Tạng chưa đạt được nền tự chủ nhưng đã và đang đem lại nhiều thành quả đáng kể nhờ Người luôn luôn áp dụng CHIẾN LƯợC TÂM CÔNG để nêu cao chính nghĩa luôn sáng ngời và được toàn thể thế giới kính phục . Gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền Trung Quốc muốn thương thảo với Đức Dalai Lama để đi đến một giải pháp cho Tây Tạng.

(. . .)

Phan Quang Việt

-- Bắt đầu viết vào những đêm cuối mùa Đông 1998, viết xong bản thảo vào những đêm đầu mùa Xuân, tháng 9 năm 1998.

-- Tiếp tục sửa chữa, bổ túc xong vào ngày Phật Đản 2643, ngày 15 tháng 4, năm Kỷ Mão, (29 tháng 5, 1999), mùa Thu ở Sydney.

-- Sửa đổi, bổ túc và hoàn tất ngày Tết Nguyên Đán, Xuân Canh Thìn (5 tháng 2, 2000), mùa Hạ ở Sydney, Úc Đại Lợi, Nam Bán Cầu.


Tài liệu học hỏi và tham khảo

-- Thích Viên Giác dịch, Đại thừa Kim Cang Kinh Luận, Chùa Đức Viên, Hoa kỳ.

-- Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Hịch Tướng Sĩ, 1284.

-- Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Binh Thư Yếu Lược, 1284, Quê Mẹ, Paris.

-- Nguyễn Trãi, Ức Trai Di Tập, Quân Trung Từ Mệnh Tập, Bình Ngô Đại Cáo,1427.

-- Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược (quyển 1&2), Bộ Giáo Dục, Sài Gòn,1971.

-- Phạm Văn Sơn, Việt Sử Toàn Thư, Thư Lâm Ấn Thư Quán, Sài Gòn, 1960.

-- Louis Fisher, Gandhi: His Life and Message for the World, Mentor Book, 1954.

-- Giáo Sư Robert A. F. Thurman, Bài phỏng vấn Đức Dalai Lama, Columbia University.

-- The Dalai Lama His Holiness Tenzin Gyatso, A Human Approach to World Peace, Tibet House, Wisdom Publications, London 1996.

-- Burmar (Myanmar), SBS World Guide 1996.

-- Mark Baker, The invisible man of the fight for Burma, báo Sydney Morning Herald, 11 September 1998, (bài viết nói về Cố Giáo Sư Michael Aris, phu quân của Bà Aung San Suu Kyi, khi Ông sang Úc Châu để nhận bằng Tiến Sĩ Danh Dự về Luật Pháp được viện đại học Melbourne trao tặng cho Bà).

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/003-tamcong.htm

 


Cập nhật: 1-6-2000

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang