- Tham luận của Hội Phật Tử Việt Nam Tại
Pháp
- trong Đại Hội Đại Biểu Toàn Quốc GHPGVN lần
thứ IV
Nam Mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch chư Tôn Đức Trưởng Lão Hòa thượng trong Hội
đồng chứng minh và Hội đồng Trị sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt
Nam.
Kinh thưa Đoàn Chủ tịch,
Kính thưa Quí vị Đại biểu,
Chúng tôi là những Phật tử từ xa trở về, từ một
ngôi chùa cách đây hàng vạn dặm, tận mãi xứ trời Tây. Ngôi chùa này một
số quí vị hiện diện ở đây cũng đã biết tới, chùa mang tên là Trúc
Lâm Thiền Viện, cách thành phố Paris hai mươi cây số về phía nam, nhưng
là một ngôi chùa Việt Nam, Việt Nam trong nhiều nghĩa:
Trúc Lâm Thiền Viện do người Việt xây, do kiến trúc sư
Việt vẽ, tượng Phật do thợ Việt làm, lại mang nặng nghĩa tình với
nhiều chùa trong nước, vì các pho tượng Phật, tượng Bồ Tát, La Hán
cùng các pháp khí như câu đối, hoành phi, đại hồng chung, khánh, trống...
đã được các tổ đình, các tự viện như Trường Tín, Quảng Bá, Châu
Long, Báo Quốc, Vĩnh Nghiêm Sài gòn, Thiên Thai-Bà rịa... gửi tặng, lúc mới
khởi công.
Trúc Lâm cũng là tên của nhiều thiền viện tại Việt Nam
ngày nay. Đây không phải là một ngẫu nhiên, vì tất cả cùng nguồn gốc;
vì Trúc Lâm trước hết là nơi xây dựng Tinh xá đầu tiên của đức Phật
cùng Tăng chúng, nơi đức Phật giảng nhiều bài pháp quan trọng; vì Trúc
Lâm cũng là tên của một dòng thiền Việt Nam nổi tiếng ngày xưa.
Trong ý nghĩa đó, Trúc Lâm Thiền Viện, dù chẳng thể so
sánh với các ngôi chùa cổ trong nước, vẫn mang nặng tâm tình của những
người Phật tử tha hương nhưng lòng lúc nào cũng hướng về quê cha đất
tổ, gắn bó tình cảm mình với tình cảm của dân tộc, giềng mối đạo
mình với giềng mối đạo của đất nước Việt Nam.
Phương châm của người Phật tử Trúc Lâm từ hơn ba
mươi năm qua, là " Thể Hiện Đạo Pháp, Hướng Về Dân Tộc ".
Nó được thể hiện trong phong cách hành trì chính pháp, trong chương trình
giảng dạy, nghi lễ, trong các hoạt động tương trợ từ thiện, các sinh
hoạt như báo chí, hội thảo về các vấn đề Phật Giáo và thời đại
v.v... và có thể cô đọng trong những tiêu điểm sau đây:
1- Thể hiện một đạo Phật Việt Nam trong sáng
2. Vận dụng giáo lý Phật để tìm câu trả lời cho các vấn
đề lớn của thời đại.
-oOo-
1- Thể hiện một đạo Phật Việt
Nam trong sáng
Trong phần này chúng tôi triển khai ba điểm :
Trước hết, vì sao hành trì theo truyền thống đạo Phật
Việt Nam. Sau đó, thế nào là một đạo Phật Việt Nam trong sáng. Cuối
cùng là "vấn đề tụng kinh bằng chữ Việt".
a-Hành trì theo truyền thống đạo Phật
Việt Nam
Trong vài thập niên vừa qua, Phật giáo phát triển mạnh
ở Tây phương.
Theo thống kê mới nhất, có 2 triệu người Pháp có cảm
tình nhiều với đạo Phật, vài chục ngàn người tự nhận là Phật Tử,
hầu hết chịu ảnh hưởng truyền thống Nhật bản, Tây tạng. Tại Pháp
có hàng trăm ngôi chùa, chùa Nhật Bản, chùa Tây tạng, chùa Trung Quốc,
chùa Pháp v.v...
Vậy tại sao phải xây chùa Việt Nam, hành trì theo truyền
thống nghi lễ của đạo Phật Việt Nam? Có hai lý do:
Lý do thứ nhất, đối với chính mình, những người Việt
sống ở nước ngoài, chúng tôi muốn quay về nguồn gốc để tìm lại
quân bình trong đời sống.
Sống nơi xứ người thì bắt buộc phải hội nhập vào
xã hội người, đó là điều kiện sống còn, không tránh khỏi. Nhưng dù
có "hòa mà không đồng", làm sao quên được nơi chôn nhau cắt rốn,
làm sao quên được những hình ảnh âm thanh thân thương của quê hương và
gia đình. Cùng vang vọng trong một kỷ niệm ấy có những tiếng chuông
chùa lắng quyện trong nếp sống tâm linh.
Những người Phật tử Việt Nam, tại Pháp cũng như tại các
nước Âu Mỹ khác, đã tụ họp trong tình quê lẽ đạo, dưới mái chùa
Việt Nam, và hành trì một đạo Phật với bản sắc Việt Nam, một đạo
lý đã hòa nhập trong nền văn hóa dân tộc Việt từ hơn 18 Thế kỷ qua.
- Lý do Thứ hai, đối với con em, những thế hệ hai, thế
hệ ba sinh trưởng tại đất Pháp, sớm chiều sống chung với bạn Pháp,
nói tiếng Pháp giỏi hơn tiếng Việt, thậm chí nhiều khi còn không nói
được tiếng Việt, vấn đề đặt ra là làm sao cho chúng không quên nguồn
gốc, tổ tiên. Mái chùa truyền thống, lời kinh tiếng kệ, tạo cho tâm thức
chúng quen với những hình ảnh của quê cha đất mẹ, tiếng nói của tổ
tông, văn hóa đạo đức của dân tộc.
b-Thể hiện một đạo Phật Việt Nam
trong sáng
Trở về cội nguồn, nhưng phải chăng là cứ tiếp thu tất
cả? Đạo Phật Việt Nam, theo dòng thăng trầm của dân tộc, không hẳn
lúc nào cũng sáng chói, truyền thống không hẳn lúc nào cũng tinh thuần,
do đó sự trở về cũng có gạn lọc, nhất là Đức Phật đã dạy ta
trong kinh Kalama, "không phải cứ truyền thống là phải tuân theo".
Đạo Phật đã lâu đời hội nhập vào văn hóa Việt, đã
có thời kỳ là sức mạnh trí tuệ, là sức mạnh tinh thần nung đúc lòng
kiên cường của dân tộc. Nhưng đến thời Pháp thuộc thì đạo đã bị
quá nhiều tệ đoan xâm nhập, tạo một màn u minh dày đặc che lấp ngọn
đuốc của Như Lai. Vào những năm 30-40, một trong những mục tiêu chính của
Phong trào Chấn Hưng Phật Giáo là bài trừ mê tín dị đoan, gần đây qua
sách báo, chúng tôi biết vấn đề này vốn là mối quan tâm lớn của
Giáo Hội.
Tiếp nối đường hướng của Phong trào Chấn Hưng, noi
gương Giáo Hội trong nước, người Phật tử Trúc Lâm cố gắng thể hiện
một đạo Phật trong sáng, không mê tín dị đoan.
Tại Trúc Lâm Thiền Viện, không có đồng bóng, không cúng
sao giải hạn, không đốt vàng mã, không xin xâm xin quẻ, không phổ biến
loại lịch có ngày tốt ngày xấu v.v...
c-Tụng niệm bằng chữ Việt
Trở về cội nguồn, cũng là để giữ mình còn là người
Việt Nam. Mà người Việt Nam thì nói tiếng Việt Nam, chuyện này quá hiển
nhiên.
Nói năng sinh hoạt thì như thế, nhưng còn khi tụng niệm
thì sao? Nhìn quanh, người Trung Quốc họ tụng niệm bằng tiếng Trung Quốc,
người Pháp họ tụng niệm bằng tiếng Pháp, còn mình? Có nên tụng niệm
bằng tiếng Việt không?
Tiếng Việt Nam, tiếng nước tôi, tiếng mẹ ru từ lúc nằm
nôi, tiếng mẹ cha khuyên nhủ dắt dìu ta từ tấm bé cho đến lúc nên người,
đó cũng là tiếng hò dựng nước của ông bà tổ tiên, hay tiếng hát đối
đáp của dân quê trong mùa cấy gặt, trong hội hè đình đám. Vậy mà những
lúc linh thiêng nhất, khi đem cả tấm lòng thành kính cúng dường ba ngôi
báu, ta không thể dùng thứ tiếng nói đó được sao?
Về tình là như vậy, còn về lý, mục đích của việc tụng
niệm là để hiểu lời Phật dạy và phát biểu một cách chân thành những
ý nguyện cao đẹp của mình, cao xa hơn là để giao cảm với các bậc
giác ngộ. Do đó, ta nên tụng niệm bằng chữ Việt để khi tụng ta hiểu
được ngay những lời hay ý đẹp của kinh. Như vậy, sự "xông ướp"
tâm linh mới có nhiều kết quả tốt đẹp.
Chính vì vậy mà Nghi thức tụng niệm của Trúc Lâm Thiền
Viện hoàn toàn bằng chữ Việt.
Thưa quí vị,
Từ hơn ba mươi năm qua, người Phật tử Trúc Lâm tụng niệm
hoàn toàn bằng chữ Việt, bằng tiếng nước ta, với những buổi lễ có
khi lên đến hàng bẩy tám trăm người, hay những buổi cầu siêu, cầu an,
trong gia đình, nơi nghĩa trang... Trong những buổi lễ này, các cụ già quen
nghi lễ truyền thống cũng không bỡ ngỡ, các thanh thiếu niên tâm tình vốn
gắn bó nhiều với lối suy nghĩ phương Tây cũng không thấy lạ tai...
Nghi thức của Trúc Lâm được soạn dịch như hiện nay nhằm
những đặc điểm: ngắn gọn, dễ hiểu và thực tiễn, đáp ứng đúng
nhu cầu sinh hoạt và trình độ của việt kiều phật tử. Nghi thức này,
xét ra cho cùng, chỉ là sự tiếp nối con đường đã được vạch ra từ
lâu ở trong nước.
Ngoài bản Tâm Kinh Đại Trí Tuệ Siêu Việt (Bát Nhã Ba La
Mật Đa Tâm Kinh) được dịch hoàn toàn ra chữ Việt và các bản kinh dịch
từ Pali, như kinh Từ bi, Kinh Chơn Hạnh Phúc,... còn có rất nhiều bài tán
tụng quen thuộc bằng chữ Việt, được trích ra từ các tập nghi thức
thông dụng ở Việt Nam, như: "Cúng Hương Tán Phật", "Kỳ Nguyện",
"Sám Hối Phát Nguyện", "Niệm Phật", "Tự Quy",
"Hồi Hướng"...
Dĩ nhiên lúc khởi đầu, tụng kinh hoàn toàn bằng chữ Việt
không tránh khỏi bỡ ngỡ, nhưng chỉ qua một thời gian rất ngắn, với sự
hướng dẫn của tăng ni, Phật tử đã hoan hỉ tiếp nhận và công nhận sự
tiện dụng của tiếng Việt .
Thưa quí vị,
Năm 1990, Hội đồng Chứng minh và Hội đồng chỉ đạo
Phiên dịch và Ấn Hành Đại Tạng Việt Nam ra đời, khởi đầu công tác
thực hiện một Đại Tạng Việt Nam. Đây đã là một bước tiến dài cho
việc tìm học kinh Phật trên đất nước ta.
Chúng tôi tin rằng việc tụng niệm bằng tiếng Việt sẽ
là một bước tiến dài cho việc hành trì Chính Pháp.
2-Vận dụng Giáo lý Phật để tìm
câu trả lời cho các vấn đề lớn của thời đại
Trong vòng vài chục năm gần đây, các luồng tư tưởng nẩy
sinh với "xã hội tiêu thụ" đã làm lung lay đến tận gốc rễ các
nền văn hóa truyền thống phương Tây. Mất định hướng, nhiều thanh thiếu
niên rơi vào cái bẫy của ma túy, của đời sống thụ hưởng, phóng dục
tối đa, hay ngả theo những tà phái (secte) điên cuồng.
Từ các nước phương Tây hiện tượng này đã mau chóng
lan ra mọi nơi.
Cơn nước lũ "toàn cầu hóa" hiện tại không phải
chỉ truyền bá đi những tiến hóa kỹ thuật, những tư tưởng khai sáng
mà còn cuốn theo mọi tệ đoan xã hội, mọi tư tưởng điên rồ. Những vấn
đề của người, trong một thời gian rất ngắn rất có thể là vấn đề
của chính ta.
Cùng lúc đó, tiến triển của khoa học kỹ thuật mỗi
ngày một đi nhanh, nhất là những tiến triển về sinh học, và y học từ
50 năm nay, đã đặt ra nhiều vấn đề mới cho xã hội, cho loài người. Tại
Pháp, năm 1983, nhà nước đã phải thành lập một "Ủy ban tư vấn quốc
gia về đạo đức sinh học và y học" nhằm cố vấn các cơ quan chức
trách trong những đạo luật liên quan đến những vấn đề đạo đức
sinh học như: trợ tử, trao tặng và lắp ghép các bộ phận lên con người,
nghiên cứu và thí nghiệm di truyền, thụ thai nhân tạo, thụ thai trong ống
nghiệm và chuyển phôi, thí nghiệm trên con người và động vật v.v...
Những " Ủy ban tư vấn quốc gia về đạo đức sinh học
và y học" cũng được thành lập tại các nước Đan Mạch, Úc, Thụy
Điển, Ý, Gia Nã Đại v.v...
Ngoài ra còn nhiều vấn đề khác như Ô nhiễm môi trường,
Nghèo đói, Si đa, Kỳ thị chủng tộc, Kỳ thị giới tính v.v...
Trong những điều kiện đó, người Phật tử cần phải có
thái độ đúng đắn về những vấn đề được đặt ra.
Những thái độ này chỉ có thể có qua những cuộc trao đổi
tư tưởng, dưới mọi hình thức như báo chí, hội thảo, v.v... giữa những
người Phật tử, trong cũng như ngoài nước, trong tinh thần phá chấp,
không tiên kiến, không e ngại, trong tinh thần của đạo lý Giác ngộ.
Đã ba năm nay, Trúc Lâm Thiền Viện tổ chức mỗi năm một
buổi hội thảo về các vấn đề lớn, các thao thức của thời đại, với
sự tham gia của các Phật tử, Giáo sư, học giả tại Pháp và Châu Âu,
có sự hiện diện của các vị thành viên trong Giáo Hội từ trong nước
sang tham dự.
---
Kính bạch chư Tôn Đức Trường Lão Hòa thượng trong Hội
đồng chứng minh và Hội đồng Trị sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt
Nam.
Kinh thưa Đoàn Chủ tịch,
Kính thưa Quí vị Đại biểu,
Để chấm dứt bài phát biểu, chúng tôi xin phép nêu lên
sáu điểm sau đây trong chương trình tốt đạo đẹp đời của giáo hội:
1- Xúc tiến soạn thảo một nghi lễ chung cho sự tu trì hằng
ngày của Phật tử toàn quốc và hoàn toàn Việt hóa nghi lễ tụng niệm.
2- Xây dựng chùa "xanh", bảo vệ thiền cảnh thiền
lâm, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái của cuộc sống.
3-Nhanh chóng hoàn thành và phổ biến rộng rãi Đại tạng
Kinh Việt Nam nhất là cho Phật tử Việt kiều.
4-Phát huy thiền định, giữ gìn thiền phong Việt Nam trong
nếp sống tăng ni.
5- Khuyến khích truyền thọ bốn phần dự lưu cho Phật tử
tại gia, tăng cường giáo dục thanh thiếu đồng niên.
6- Xem nặng vấn đề giao lưu văn hóa Phật Giáo Việt Nam
và các nước phương Tây mà phương tiện thuận lợi nhất là những cộng
đồng người Việt sống ở nước ngoài.
Xin kính chúc Quí vị pháp thể thường an, chúng sinh dị độ,
và đại hội thành công.
Nam Mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/004-thamluan.htm
Chân thành cảm ơn cư sĩ Lại Như Bằng
đã gởi tặng phiên bản điện tử của bài viết này. ĐPNN, 25-6-2000