Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Tam Bảo là chuẩn đích cho phát triển
Phật Giáo Việt Nam (1)
HT Thích Thiện Châu

Đề tài của buổi hội thảo hôm nay là "Hướng phát triển Phật Giáo Việt Nam".

Vấn đề được đặt ra trước hết là "Ta có một nền Phật Giáo Việt Nam hay không?" Tôi trả lời là có, và chỉ cần hai chữ thôi cũng đủ chứng minh điều này:

Một là chữ "Chùa". Trong khi người Quảng Đông gọi là "Miếu", người vùng Bắc Kinh gọi là "Tự", người Lào và người Căm-Pu-Chia gọi chùa là "Đền", thì người Việt Nam ta gọi là "Chùa", chúng ta đọc trại từ chữ Phạn là Stupa ra "Chùa".

Hai là chữ "Bụt". Trong khi người Trung Quốc gọi là Phật, chúng ta gọi là Bụt giống chữ Boud của Bouddha.

Như vậy chúng ta có một nền văn hóa Phật Giáo, và có một nền Phật Giáo Việt Nam rõ ràng. Chúng ta có một ông sư Việt Nam khác với ông sư Lào, khác với ông sư Căm-Pu-Chia, khác với ông sư Trung Quốc.

Trong những giai đoạn qua, hoặc vì hoàn cảnh đất nước, hoặc vì văn hóa bị đàn áp, bị chèn ép, chúng ta chưa phát triển được Phật Giáo Việt Nam. Giờ đây, ta có chủ quyền, thống nhất, nhất là có hòa bình và có cơ hội cho văn hóa Việt Nam phát triển, do đó chúng ta mới nghĩ tới vấn đề phát triển Phật Giáo Việt Nam.

Dĩ nhiên trong thời Phật Giáo phục hưng, Phật giáo đã phát triển, đã có định hướng; nhưng bây giờ đất nước cũng như thế giới đã qua một giai đoạn mới, do đó phải định hướng lại phát triển như thế nào?

Tôi lấy một thí dụ, như ngôi chùa Trúc Lâm này; sở dĩ chúng tôi không xây ở trong thành phố Paris, mà phải ra đây, xa xôi, đi lại khó khăn, là vì chúng tôi có định hướng. Chúng tôi không thể mua một căn phố tại Paris để sửa lại thành chùa vì làm như vậy là phản bội tổ tiên ông bà và văn hóa Việt Nam. Chúng tôi muốn xây dựng một cơ sở cho sự phát triển Phật Giáo Việt Nam, như vậy, phải có một ngôi chùa thực sự Việt Nam, phải có đất chùa, có cảnh chùa, phải có môi trường, có sinh thái, phải có rừng, có cây, nếu được có suối thì tốt, nếu có sông thì càng tốt, nghĩa là phải có một ngôi chùa Việt Nam như chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, chùa Linh Mụ, chùa Linh Sơn Đà Lạt, chùa Trúc Lâm Đà Lạt, chùa Tam Bảo ở Hà Tiên v.v...

Phật

Có chùa rồi, chúng ta phải phát triển Phật (chúng ta còn gọi là Bụt). Bổn sư của chúng ta là Thích Ca Mâu Ni. Nhiều khi quá khoan hòa chúng ta quên mất ý niệm lịch sử; vì vậy, có nhiều người đi chùa mà không biết Phật là ai, ai là người lập ra Đạo Phật. Có Nam mô Phật, có Nam mô A Di Đà Phật, có Nam mô Đấu Chiến Thắng Phật,... nhưng quên mất và cũng không hiểu rõ rằng người sáng lập ra đạo Phật là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.

Chúng ta quan niệm rằng Phật nào cũng giống Phật nào, cũng quá khứ, hiện tại, tương lai. Nhưng đối với thời đại khoa học này, chúng ta phải tập trung làm sáng tỏ Đức Bổn sư của chúng ta, vì Đức Bổn Sư quá đẹp, quá cao, quá siêu việt. Chúng ta có thể thờ tất cả các vị Bồ Tát, nhất là Bồ Tát Quan Thế Âm, nhưng đừng để những đức tánh của các vị Bồ Tát hay hình tượng các Ngài che lấp ánh sáng Đức Bụt của chúng ta; ví dụ như bên đạo Thiên Chúa, nói cho dễ hiểu, nhiều khi Notre Dame đã lấn Jésus.

Trong Phật Giáo bây giờ cũng đã có hiện tượng là nhiều khi có chùa mà không thờ Phật hoặc thờ Phật mà không được rõ ràng, không được chú tâm tới Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Vì vậy, cũng đừng lấy làm lạ khi có người nghi ngờ tôi không phải là tu sĩ, người ta tới chùa không thấy tôi niệm A Di Đà Phật. Tôi biết Đức Phật A Di Đà rất quý, rất đẹp, là một nơi cho nhiều người quy hướng, nhất là về tuổi già và hy vọng cho đời sau. Nhưng tôi không niệm A Di Đà Phật vì tôi muốn , tôi cố ý, làm cho Đức Bổn Sư lịch sử, cũng như hình tượng Ngài được nổi lên rõ ràng, để chúng ta theo đó mà tu hành. Làm sao cho lịch sử Đức Phật và tất cả những cái đẹp của Ngài được sáng ra để làm định hướng cho sự phát triển, cho sự tu dưỡng của chúng ta.

Pháp

Thứ hai là Pháp , trong Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Chúng ta quan niệm đạo Phật là một cây lớn; chúng ta không chia phần gốc là phần quan trọng, hay phần cành là quan trọng. Chúng ta nhìn một cây, nó có gốc, có cành, có hoa, thì chúng ta chấp nhận cái cây như là một cái cây: thân thì đỡ, cành ra lá, từ ra lá đó nó mọc hoa.

Vì vậy chúng ta không nhắc đến Đại thừa, Tiểu thừa, ngay cả Nhất thừa, cho đến Tối Thượng thừa chúng ta cũng không nói đến; chỉ nhắc đến giáo pháp của Phật là phương pháp đạo lý để giải thoát và giác ngộ, tùy theo căn cơ mình tu tập.

Cái nhìn của chúng ta về đạo Phật là một đạo Phật toàn thể, không phân chia bộ phái, không chia ra thừa; không khi nào nói là Tiểu thừa, không khi nào gọi là Đại thừa, một cách gọi theo quan niệm khinh miệt Tiểu thừa. Giáo lý của chúng ta dựa trên giáo lý của đức Phật, nên có đầy đủ ; Việt Nam ta phải hấp thụ toàn bộ giáo lý từ căn bản cho đến phát triển, nghĩa là từ Nguyên thủy cho đến Đại thừa, phải theo đó mà phát triển. Bây giờ trong Đại tạng VN cũng đã phát triển theo chiều hướng đó, có Nikaya, Agama, có kinh Pháp Hoa, kinh chữ Hán, tất cả được phát triển, được học tập.

Chúng ta không nên chỉ phát triển một tông phái, hoặc là Tịnh Độ hoặc là Pháp Hoa, hoặc là Thiền Tông (Thiền định khác Thiền Tông), mà nên phát triển toàn bộ giáo lý với căn bản của nó là Giới Định Tuệ; như vậy chúng ta có thể hấp thụ được tất cả những gì hay đẹp Đức Phật tìm ra. Phát triển phải theo chiều hướng đó. Nếu phát triển theo kiểu Nhật bổn, phát triển một tông này mà không phát triển một tông khác, hay phát triển tu tập Tịnh độ mà bỏ tu dưỡng theo Giới Định Tuệ là không được đầy đủ.

Tăng

Điều thứ Ba, về quan niệm một ông thầy, một ông Tăng. Nói đến Tăng thì mình đã có một hình thức Tăng rồi. Bây giờ, nếu toàn bộ Tăng VN mà sống theo Tăng của Căm-Pu-Chia thì không được, vì khác biệt văn hóa. Khất thực rất là tốt, nhưng bây giờ trở lại khất thực toàn bộ, chỉ có phái khất sĩ của chúng ta chấp nhận. Nếu muốn tất cả Tăng của VN trở lại là khất sĩ thì cũng rất khó, mà không biết sau này, khi đất nước hiện đại hóa và công nghiệp hóa rồi thì có thể làm được nữa hay không.

Đạo Phật Căm-Pu-Chia là quốc giáo nên Tăng rất được trọng; vậy mà sau một thời kỳ vài ba năm, Pôn Pốt đã làm cho bị tiêu diệt. Trong khi đó ở Việt Nam sau bao nhiêu năm chiến tranh, bao nhiêu biến chuyển mà Tăng vẫn còn, chùa vẫn còn, Phật tử vẫn còn. Điều đó chứng minh rõ là lối sống của Tăng qua đạo phong của một vị thiền sư, trong một cảnh chùa với đời sống nhẹ nhàng giải thoát, khất thực cũng có, mà không khất thực sống tự túc cũng có, có thể tồn tại lâu dài được.

Phải duy trì và phát triển nó lên, chứ không thể đào tạo một ông Tăng thành một ông giám đốc xí nghiệp kiểu ông tân Tăng Nhật bản được. Ông Tăng VN không là ông Tăng lái xe taxi, như là ông tân Tăng Nhật bản, và ông Tăng VN không thể có vợ có chồng như là một ông Pasteur mục sư, rõ ràng là như vậy. Ông Tăng VN còn một cái khó nữa là không trường trai không được, chính vì vậy mà các phái nguyên thủy rất khó phát triển, khó phát triển là vì không có trường trai ; tuyệt dục thì có, mà không có trường trai.

Hình thức Tăng của chúng ta, trong cái đạo phong của một vị thiền sư là hình thức rất ổn, có thể sống ở Tây phương được, có thể sống trong những nước không phải là Phật giáo được, mà đạt được, chúng tôi nghĩ rằng đó là một hình thức phát triển được. Vì vậy vấn đề giáo dục phải hướng về đó, không thể đào tạo một ông Tăng trở thành một vị giáo sư đại học, không thể đào tạo một ông Tăng để làm tuyên úy như ngày xưa, như thời kỳ trước đây, khi ông Tăng bận đồ quân phục, lái xe jeep; chuyện đó rất khó coi, không thể trở lại như vậy. Ông Tăng là ông Tăng.

VN có ông Tăng có tu hành, có đạo Phật; như vậy là chúng ta đã có cơ sở rồi ; cũng như có cây Bồ Đề, có cây đa rồi mà bị khô héo đi, hoặc bị người tới liệng ông Táo, Bình vôi; chúng ta phải dọn dẹp nó, cành nào khô thì để xuống, cây chùm gởi thì gỡ đi, để cho cây được phát triển, để có bóng mát cho dân làng, cho người qua đường ngồi nghỉ. Chúng ta đã có gốc, đã có cơ sở để phát triển và không cần chạy theo ai hết, và cũng không cần phải bắt chước một Phật Giáo nào, ngay cả Phật giáo của Ấn Độ. Phật Giáo Ấn Độ vào thế kỷ thứ 9, thứ 10 vẫn còn, cho đến bây giờ vẫn còn, chỉ còn rất ít chưa tới một phần trăm. Đó là những người Phật tử mới, trong khi đó PGVN chúng ta hiện diện suốt 2000 năm qua một giai đoạn rất khó khăn, vì chiến tranh, vì thay đổi, mà vẫn sống còn được.

Tôi nói thêm một điều về phong trào Phật học, xuất phát từ miền Trung và truyền ra cả nước, một phong trào cư sĩ , đó là phong trào Gia Đình Phật Tử. GĐPT làm cho đạo Phật được lan rộng và được áp dụng từ cuộc sống gia đình, từ trong tuổi thơ. Về mặt này chúng ta cũng phải phát triển. Người cư sĩ là người tu ở nhà, có câu "Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa", vì vậy không thể nói là ở nhà mà không tu được mà chỉ có tu ở chùa. Do đó, chúng ta có cơ sở để phát triển về mặt cư sĩ.

Trong kinh có truyện Ma Na Đê Na về thăm Phật. Ông dắt theo 500 người bạn, Phật tiếp ông Ma Na Đê Na như là một cư sĩ, 500 người kia không phải là đệ tử mà là bạn đạo của Ma Na Đê Na. Phật rất vui và mừng vì ông cư sĩ này giúp đỡ cho những người cư sĩ khác trở thành Phật tử. Vì vậy cho nên chúng tôi nghĩ rằng ở những nước tây phương hoặc ở trong xã hội mới, hình thức cư sĩ làm cho đạo Phật đi vào cuộc đời dễ dàng và ít nhất là gia đình của cư sĩ đó được Phật hóa, và để xây dựng nề nếp phát triển về đạo đức trong xã hội.

Trong đề tài của tôi có bao gồm ý niệm đừng khinh Ni như trong các nước nguyên thủy, nghĩa là Ni, người nữ tu, không có địa vị gì. Mà cũng đừng trở lại tình trạng trong một cái chùa có vài bà vải tới nấu ăn, không làm gì hết. Cũng chớ nên trở lại hình thức Tăng Ni sống lộn xộn trong một chùa. Bây giờ người phụ nữ có tư cách riêng của người ta, có khả năng quản lý cuộc đời của người ta, có khả năng truyền bá các đạo đức của người ta qua công tác từ thiện, qua công tác xã hội, thành vì vậy chúng tôi nghĩ rằng chúng ta cũng phải coi người phụ nữ hoặc là đi tu hoặc là không đi tu, có một địa vị xứng đáng.

Tôi nghĩ rằng PGVN có cơ sở, có gốc rễ và nó gắn liền với văn hóa VN. Vì vậy mà phát triển định hướng cho PGVN đồng thời cũng là giúp cho sự phát triển Văn Hóa VN, và chúng tôi cũng nhìn nhận văn hóa VN được phát triển ví dụ như là kiều bào chúng ta nói tiếng Việt nhiều, thì người đó dễ gần dễ hiểu đạo Phật hơn, trái lại không hiểu tiếng Việt thì khó mà hiểu đạo Phật. Nói đạo Phật bằng tiếng Pháp cũng được nhưng mà chưa chắc đã sâu, nói đạo Phật bằng tiếng Anh cũng được nhưng mà chưa chắc đã thu lượm được tất cả những cái siêu việt của đạo Phật. Vì vậy cho nên hai cái đó là một, phát triển PGVN cũng là Phát triển Văn Hóa VN, mà phát triển Văn Hóa VN cũng là giúp cho phát triển PGVN.

Tôi có vài ý kiến như vậy, kính thưa với quý vị, chúng ta làm sao cố gắng phát triển PGVN. Để làm gì? không phải để phục vụ cho PG mà để phục vụ cho người VN, cho gia đình VN, cho xã hội VN và từ đó lan dần ra cho đến những người bạn của VN như là người Pháp, người Đức, người Anh, người Mỹ.

HT. Thích Thiện Châu


(1) - Bài mở đầu buổi Hội Thảo "Hướng Phát Triển Phật Giáo Việt Nam" tổ chức tại Trúc Lâm Thiện Viện ( Pháp ) ngày 8-9-1996. Trong buổi Hội Thảo này, có Thượng Tọa Thích Chơn Thiện, Cư sĩ Võ Đình Cường, Cư sĩ Trần Tuấn Mẫn từ trong nước qua tham dự.

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/005-tambao.htm


Chân thành cảm ơn cư sĩ Lại Như Bằng đã gởi tặng phiên bản điện tử của bài viết này. ĐPNN, 25-6-2000

 


Cập nhật: 1-7-2000

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang