- Vài suy nghĩ về thiết
chế
- Phật giáo Việt Nam
- Thích Hiển Chánh
Phát họa ra đường hướng phát
triển Phật giáo VN là công việc vô cùng quan trọng, bức thiết, nhưng không
dễ dàng, do các điều kiện khách quan của xã hội và nội bộ Phật
giáo. Đó là một công trình đòi hỏi sự góp sức của toàn thể tăng ni
và Phật tử trong và ngoài nước. Các đóng góp đó bao gồm nhân lực, vật
lực, tài lực, chất xám, trí tuệ và quan trọng nhất là sự thực tu thực
học của người con Phật. Nếu "chỉ khi nào đời sống đạo đức của
người con Phật còn thì Phật giáo còn hưng thạnh" (Tỳ-ni tạng trụ
Phật pháp diệc trụ) thì công việc phát triển Phật giáo trước nhất phải
là công việc phát triển đời sống đạo đức và trí tuệ của những người
con Phật. Do đó, khi đề cập đến một đường hướng phát triển Phật
giáo trong thời đại mới, trong thế kỷ mới không có nghĩa cho rằng đạo
Phật cần phải được canh tân, về giáo nghĩa hay phương pháp hành trì,
mà đúng ra là và quan trọng hơn là chính những người con Phật, những
người hành trì lời Phật cần phải canh tân tư duy, hành động và phương
pháp tu tập của mình để thông điệp từ bi, trí tuệ và giải thoát của
đức Phật trổ hoa trái an lạc và hạnh phúc cho nhân sinh. Một công trình
như vậy tuy lớn lao, khó khăn nhưng không có nghĩa là không làm được.
Với tư cách là một tu sĩ Phật giáo,
người viết xin trình bày một vài thiển ý về thiết chế Phật giáo VN.
Hy vọng các ý kiến này sẽ góp phần như một viên gạch cho một phong
trào phát triển Phật giáo trong thế kỷ mới. Để chuẩn bị và đáp ứng
nhu cầu đa dạng của thời đại mới, điều quan trọng nhất, theo chúng
tôi, là thiết chế Phật giáo Việt Nam cần phải được thay đổi. Thiết
chế giáo hội có thể thay đổi theo các điểm căn bản sau đây:
1. Liên kết
các giáo hội Phật giáo
Giáo hội nên có chính sách và từng
bước xóa bỏ ý thức hệ giáo hội PG trước và sau 1975. Giáo hội nên chủ
động "nới rộng vòng tay," mời đón các tầng lớp trí thức và
thật tu của Phật giáo trong và ngoài nước, không phân biệt ý thức hệ
GHPGVN và GHPGVNTN, tăng ni hay cư sĩ, để cùng nhau khôi phục, chấn chỉnh
và phát huy tiềm năng đã và đang bị phân hóa của Phật giáo, trên bình
diện ý thức hệ và địa dư. Sự phân hóa ý thức hệ giáo hội PG trong
hai thập niên qua chỉ làm cho tổng thể PGVN nói chung yếu đi về nhiều
phương diện, nhất là mặt hoằng pháp.
Có một sự thật mà chúng ta phải
thừa nhận đó là, nơi nào có sự phân biệt ý thức hệ, nơi đó có sự
phân hóa. Nơi nào có sự phân hóa, nơi đó có sự đổ vỡ các mối quan hệ
con người. Nơi nào có sự đổ vỡ, nơi đó vắng mặt của hạnh phúc và
an lạc. Nơi nào không có mặt của an lạc, nơi đó không phải là con đường
hướng đến đạo từ bi, giác ngộ và giải thoát của đức Phật. Do đó,
chúng con kính mong các vị lãnh đạo PGVN nên sớm ngồi lại với nhau, xóa
đi các điểm dị biệt, phát triển các điểm tương đồng, cùng hợp sức
truyền bá chánh pháp của đức Phật theo tinh thần 84.000 pháp môn, mỗi
pháp môn đều có công năng hướng hành giả thẳng tiến trên con đường
giác ngộ của đức Phật. Nếu sự phân hóa ý thức hệ giáo hội làm cho
PGVN thành những mảnh vụn rời rạt thì sự liên kết và hợp tác rộng
rãi các giáo hội PGVN trong và ngoài nước sẽ là một trục xoay làm cho
PGVN vững mạnh thực sự, đáp ứng được nhu cầu tâm linh và tu tập của
quần chúng Phật tử Việt Nam trên khắp thế giới.
Hơn thế nữa, nếu đức Phật đã
từng dạy "máu của chúng sanh có cùng màu đỏ, nước biển chỉ có một
vị mặn, đạo Phật duy nhất có một vị giải thoát" thì PGVN nên có
chung một con đường, một chí hướng, đó là con đường và chí hướng
đoàn kết, hòa hợp các tổ chức giáo hội PG trên tinh thần trăm hoa đua
nở, để cùng nhau chia xẻ, hành trì và truyền bá hương vị giải thoát của
lời Phật dạy, đem lại hạnh phúc cho nhiều người.
2. Xóa bỏ ý
thức hệ vùng miền và địa phương
Song song với sự liên kết các
giáo hội Phật giáo trong và ngoài nước, giáo hội nên đẩy mạnh cuộc
thanh lọc, nhằm xóa bỏ ý thức hệ vùng miền, địa phương, hệ phái
đang lan tràn dưới nhiều hình thức trong từng ban ngành của giáo hội.
Chính ý thức hệ phân chia này đã làm cho giáo hội vốn đã ít nhân sự
lại trở nên ít hơn; làm cho người có tâm huyết không có cơ hội phục
vụ, và tệ hại hơn, óc bè phái chỉ có thể liên kết được các phần
tử thiếu chuyên môn và do đó không đủ khả năng để làm việc phật sự,
đưa giáo hội vào vực thẩm của cục bộ và lạc hậu.
Chính vì thế, PGVN nên noi theo mô
hình tăng đoàn thời đức Phật, không phân chia giai cấp và vị trí xã hội
của các thành viên. Giá trị đạo đức của các cá nhân tùy thuộc hầu
hết vào đời sống đạo đức và trí tuệ của từng thành viên đó, bất
luận họ thuộc tổ chức hay giáo hội Phật giáo nào. Chỉ khi nào ý thức
phân chia vùng miền, hệ phái được nhổ sạch tận gốc rễ khỏi mảnh
đất PGVN thì con đường Phật sự của PGVN mới thật sự nở hoa trí tuệ
và trổ quả an vui cho con người và đất nước VN.
3. Ấn định số
nhiệm kỳ lãnh đạo các ban ngành giáo hội
Cho đến ngày hôm nay, có nhiều vị
tôn túc đã liên tục "tái nhiệm" vai trò lãnh đạo các ban ngành
giáo hội, mặc dù các ngài đã quá "cao niên" không còn đủ sức
khỏe để đảm trách các Phật sự đó một cách hiệu quả. Chính vì
tình trạng này, các ban ngành của giáo hội trở nên thiếu sáng tạo và vắng
mặt hẳn các đóng góp có ý nghĩa Phật sự cao. Hầu như các ban ngành chỉ
lập đi lập lại các công việc của nhiều năm trước mà không hề có
các hoạt động hay phương hướng Phật sự mới mẻ nào.
Do vậy, giáo hội nên qui định hẳn
hòi số nhiệm kỳ tối đa và thể thức bầu chọn các vị tôn túc lãnh
đạo Hội đồng trị sự toàn quốc và Ban trị sự các tỉnh thành, đặc
biệt là Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam và các Học viện Phật giáo
Việt Nam. Mỗi vị tôn túc lãnh đạo các ban ngành giáo hội tối đa là 3
nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 4 năm. Nghĩa là các vị tôn túc chỉ được tái
nhiệm tối đa là 2 lần, nếu các ngài có nhiều đóng góp to lớn cho lãnh
vực phụ trách.
Đành rằng PGVN nghèo nhân sự nhưng
không phải nghèo nhân sự đến nỗi không có ai có thể thay thế các chức
vụ trên một cách có hiệu quả, để làm cho bộ máy giáo hội cũng như sự
nghiệp nghiên cứu, giáo dục Phật giáo được mới mẻ hơn, tầm vóc hơn
và hiệu quả hơn. Việc tổ chức bầu chọn một cách dân chủ các nhân sự
lãnh đạo mới vào các ban ngành giáo hội, sau mỗi nhiệm kỳ ấn định,
sẽ giúp cho giáo hội tránh được óc địa phương, bè phái và tình trạng
dậm chân tại chỗ, do hệ quả của sự tập quyền về một nhóm.
4. Trẻ hóa
thành phần lãnh đạo các ban ngành giáo hội
Giáo hội nên trẻ hóa thành phần
lãnh đạo các ban ngành của giáo hội và Hội Động Trị Sự, bằng cách
quân bình tỷ số lứa tuổi trong các thành phần. Thành phần 25 đến 40 tuổi
chiếm tối thiểu 30% trong bộ máy hành chánh giáo hội; thành phần 41 đến
50 tuổi chiếm 30%; thành phần 51 đến 60 tuổi chiếm 25% và thành phần sau
61 tuổi chỉ chiếm 15%. Nghĩa là lớp trẻ từ 25 đến 50 tuổi nên chiếm
ít nhất 60% trên tổng số các vị lãnh đạo hành chánh giáo hội, và chư
tôn túc sau 61 tuổi chiếm tối đa là 40%. Giáo hội nên qui định tuổi
hưu trí cho các vị tôn túc lãnh đạo các ban ngành của giáo hội, để mở
đường cho lớp trẻ có tâm đạo, khả năng và nhiệt huyết, góp phần phục
vụ và đưa giáo hội đi lên.
5. Đào tạo
nghiệp vụ chuyên môn
Giáo hội nên bầu chọn và giao trọng
trách cho những vị lãnh đạo các ban ngành giáo hội có trình độ nghiệp
vụ chuyên môn. Nếu các vị được bầu chọn thiếu trình độ nghiệp vụ
chuyên môn thì giáo hội phải tổ chức các khóa huấn luyện cấp tốc và
dài hạn cho các vị lãnh đạo đó.
Sự bầu chọn người thiếu trình
độ chuyên môn vào các ban ngành cũng như không có chương trình đạo tạo
nghiệp vụ giáo hội, chắc chắn, sẽ làm giảm đi tính hiệu quả của
các công việc phật sự, như chúng ta đã chứng kiến trong nhiều năm qua.
Không thể chấp nhận tình trạng, chẳng hạn, các thành viên trong ban từ
thiện xã hội lại không có kiến thức, không được đào tạo từ các trường
lớp "Công tác xã hội" (Social work) hay bộ môn xã hội học, song
song với tinh thần nhập thế của hạnh Bồ-tát. Tương tự, các thành
viên trong ban giáo dục phải có trình độ chuyên môn về giáo dục học;
ban tăng sự phải có trình độ về quản trị, v.v. . .
6. Xóa bỏ hệ
thống "kiêm nhiệm"
Giáo hội nên hạn chế một cách tối
đa tình trạng "kiêm nhiệm nhiều chức" như trong các nhiệm kỳ
qua cũng như hiện nay. Sự kiêm nhiệm nhiều chức chắc chắn sẽ dẫn đến
tình trạng thiếu sáng tạo, kém hiệu quả và ứ đọng trong công việc phật
sự. Mỗi vị nên đảm trách tối đa hai chức vụ (được hiểu như một
trọng trách phật sự) để nhường chỗ cho các vị khác có khả năng và
tâm đạo có cơ hội phục vụ. Sự kiêm nhiệm một chức sắc thứ hai
không nên áp dụng cho chư tôn túc sau 70 tuổi. Giáo hội nên hạn chế một
cách tối đa, và tốt nhất, nên xóa bỏ tình trạngquot;chéo cẳng ngổng"
một cách nghịch lý trong sự phân bổ các nhân sự lãnh đạo các ban
ngành giáo hội. Không thể chấp nhận tình trạng vị Trưởng ban Giáo Dục
Trung Ương lại kiêm chức Hiệu trưởng hay Hiệu phó Học Viện PGVN, hay Hiệu
trưởng trường Cơ Bản PH. Sự nghịch lý này trở nên rõ nét hơn nếu ta
so sánh với vị Bộ trưởng Bộ Giáo Dục của một quốc gia lại kiêm nhiệm
chức Hiệu truởng, Hiêu phó của một trường đại học / cao đẳng sư phạm,
hay trung học! Tương tự, không thể chấp nhận tình trạng các vị giới
chức trong Học Viện Phật Giáo tại Hồ Chí Minh cũng lại là các vị giới
chức trong Học Viện Phật Giáo tại Huế v.v. . . Sự trùng lấp một cách
nghịch lý này hiển nhiên không phải là hệ quả của sự thiếu nhân sự,
mà thật chất là hệ quả của sự phân bổ nhân sự không hợp lý.
7. Mở rộng mạng
lưới hoằng pháp
Ngoài việc tăng cường các trung
tâm giảng dạy Phật pháp và chuyên tu, giáo hội nên mở rộng sự nghiệp
hoằng pháp qua các mạng internet, để làm cho thông điệp của đức Phật
thật sự siêu việt thời gian và không gian. Hội đồng trị sự trung
ương và các ban ngành của giáo hội nên có các trang nhà riêng biệt, bằng
hai thứ tiếng Việt và Anh. Nghĩa là, chúng ta nên có một trang nhà riêng
cho PGVN, nhằm giới thiệu:
- (i) tổng quát về lịch sử Phật giáo và căn bản
Phật pháp
- (ii) lịch sử PGVN, các tông phái và pháp môn của
PGVN xưa và hiện nay
- (iii) các di tích văn hóa của Phật giáo trên thế
giới
- (iv) các danh lam sơn thắng của PGVN
- (v) các hoạt động phật sự của PGVN
- (vi) các trước tác Phật học dưới nhiều hình
thức (sách, bài chuyên khảo, thơ, nhạc, kịch, họa, điêu khắc, kiến
trúc v.v…)
- (vii) phát thanh băng giảng giáo lý của chư tôn
đức giáo phẩm PGVN
- (viii) các trang nhà liên hệ (links) với các ban
ngành của giáo hội cũng như các trang nhà khác của Phật giáo trong và
ngoài nước.
Mỗi ban ngành của giáo hội cũng nên
có trang nhà riêng, giới thiệu về tông chỉ, phương huớng, chương trình
và các hoạt động của ban ngành mình. Cũng giống như trang nhà của PGVN,
các trang nhà của các ban ngành cũng phải có địa chỉ của các trang nhà
Phật giáo khác, trong và ngoài nước.
Điểm cần lưu ý là các mạng Phật
pháp của các ban ngành giáo hội cũng như của các hội đoàn, cá nhân Phật
giáo nên phổ biến các phương pháp tu tập và hành trì lời Phật dạy
theo tinh thần tôn trọng các pháp môn khác; không nên chỉ trích cá nhân do
bất đồng về tư tưởng và phương hướng hành trì trong nội bộ Phật
giáo. Thay vào đó, các mạng Phật pháp nên là nơi liên kết các tổ chức,
đoàn thể Phật giáo trên khắp thế giới; là nhịp cầu thông cảm và
chia xẻ kinh nghiệm tu học của tăng ni Phật tử khắp nơi; là món ăn tinh
thần không thể thiếu trên siêu xa lộ thông tin.
8. Tiếp nhận
và phân bổ hợp lý
Chỉ trong vòng 5 năm tới, PGVN sẽ
có trên 200 vị tăng ni trẻ có học vị tiến sĩ, thạc sĩ và phó tiến sĩ
Phật học từ nhiều nước trở về. Giáo hội nên đón nhận và phân bổ
họ vào các ban ngành thích hợp với sở trường của họ, từ cấp toàn
quốc cho đến các tỉnh thành. Ngoài ra, một điều đáng mừng khác nữa
là có trên 100 tăng ni đã đi chuyên tu tại các trung tâm tu tập của Phật
giáo Tây Tạng, Miến Điện, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan và Ấn Độ v.v…
Dòng chất xám của quý tăng ni có học vị sẽ là nguồn nhân lực to lớn
của giáo hội trong sự nghiệp hoằng pháp và truyền bá văn hóa Phật
giáo trong tương lai. Trong khi dòng chất xám của quý tăng ni chuyên tu sẽ
trở thành nguồn tiềm năng "Thánh hóa" và trong sáng hóa các hoạt
động Phật sự của PGVN. Hai nguồn tiềm năng này sẽ bổ sung cho nhau,
trong sự nghiệp chấn hưng Phật giáo VN, đem lại nguồn sống đạo thực
sự cho con người VN.
9. Việt hóa
nghi thức tụng niệm
Việt hóa nghi thức tụng niệm
không chỉ là niềm mơ ước của tăng ni Phật tử mà còn là nhu cầu
không thể thiếu như cây cỏ cần ánh sáng và con người cần không khí để
thở. Hiện nay, hệ phái Khất Sĩ có 2 nghi thức tụng niệm bằng tiếng Việt,
một bản lưu hành bên Ni giới và bản lưu hành bên chư Tăng. PG Nam Tông
VN cũng đã có nghi thức tụng niệm Pali-Việt. Nghi thức tụng niệm của
phái Khất Sĩ là nghi thức duy nhất bằng tiếng Việt được biên soạn
theo thể thơ lục bát và song thất lục bát. Nghi thức của PG Nam tông còn
nặng về chữ Pali, mặc dù có bản tiếng Việt đối chiếu. Tuy nhiên cả
hai nghi thức này bị giới hạn trong một số bài kinh và bài tụng ít ỏi,
thiếu vắng các kinh điển quan trọng và căn bản của đức Phật.
Trong khi đó, PG Bắc tông VN có quá
nhiều quyển nghi thức tụng niệm thuần Việt do các chùa và các cá nhân
biên soạn, không theo một tiêu chuẩn nào cả. Còn quyển nghi thức tụng
niệm của GHPGVN thì hoàn toàn xa lạ với văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam.
Nghi thức này, ngoài việc tụng đọc các kinh điển bằng âm Hán Việt,
còn là nghi thức hoàn toàn lệ thuộc vào nghi thức của Trung Quốc. Nghi thức
tụng niệm của GHPGVN hiện nay thực chất là bản sao của Nghi thức tụng
niệm của GHPGVNTN, được biên soạn cách đây trên 30 năm. Văn phong của
nghi thức hoàn toàn xa lạ với ngôn ngữ Việt Nam, và do đó, sẽ gây
không ít khó khăn cho người Phật tử trong khi đọc tụng, nếu không muốn
nói là không có ích lợi gì về phương diện "hiểu để hành
trì" lời Phật dạy.
Người viết rất mong giáo hội
nên thỉnh cầu các vị cao tăng và các trí thức Phật giáo sớm soạn thảo
một nghi thức tụng niệm thuần Việt tiêu chuẩn, chứa đựng các bài
kinh quan trọng của hai truyền thống PG Nam tông và Bắc tông. Nghi thức thuần
Việt này một mặt nhằm tách khỏi sự nô lệ văn tự Trung Quốc và Pali,
mặt khác giới thiệu sắc thái độc lập và riêng biệt của PGVN trong phương
pháp tu tập và hành trì lời Phật dạy. Được như vậy, người Phật tử
Việt Nam có thể đọc tụng kinh điển bằng tiếng mẹ đẻ, dễ dàng hiểu
rõ lời Phật dạy (văn), tư duy lời vàng ngọc của đức Phật (tư), để
ứng dụng lời vàng đó (tu) trong cuộc sống hằng ngày. Có như thế thì sự
đọc tụng kinh điển của người Phật tử Việt Nam mới thật sự có lợi
ích (đọc kinh giả minh Phật chi lý).
10. Tương tác
với các tôn giáo và các trào lưu tư tưởng
Giáo hội nên có một ban ngành hay
một phân ban chuyên nghiên cứu về các tôn giáo bạn cũng như các trào lưu
tư tưởng triết học trên thế giới. Các tôn giáo lớn mà ban ngành hay
phân ban này cần nghiên cứu là Ky-tô giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo, Khổng
giáo và Ấn giáo v.v… Các trào lưu tư tưởng bao gồm triết học hiện
sinh, triết học Krishnamurti, triết học Osho v.v… Ngoài ra, cũng nên nghiên
cứu các đạo giáo và tín ngưỡng Việt Nam như Cao Đài, Hòa Hảo, Bửu Sơn
Kỳ Hương và các tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Sự nghiên cứu về tôn
giáo và trào lưu tư tưởng nên bao gồm các khảo cứu về nguồn gốc ra
đời, các hình thái phát triển, các văn bản kinh điển và các sáng tác
nói chung, các hình thái lễ hội văn hóa và sự hội nhập của chúng trong
từng bối cảnh lịch sử và địa dư khác nhau.
Sự nghiên cứu này một mặt tiếp
thu những cái hay của tôn giáo và trào lưu tư tưởng khác để áp dụng
và phát huy trong phương tiện hành đạo của đạo Phật, mặt khác vạch
ra những điểm tương đồng và dị biệt giữa đạo Phật với các tôn
giáo và triết học, và quan trọng hơn là, cho thấy được sự siêu việt
của đạo Phật so với các tôn giáo và triết học trên thế giới.
Ngoài ra, ban ngành này còn làm nhiệm
vụ giải hoặc các sáng tác văn học và nghệ thuật của những người khác
đạo hoặc không có đạo, khi họ vu khống, xuyên tạc đức Phật và đạo
Phật dưới nhiều hình thức khác nhau. Công việc giải hoặc này nên được
phổ biến rộng rãi dưới nhiều hình thức khác nhau của các phương tiện
truyền thông đại chúng, để giúp cho người Phật tử và người khác đạo
tránh được các ngộ nhận đáng tiếc có thể xảy ra.
11. Mở rộng
các trung tâm tu học
Một trong những điểm quan trọng bậc
nhất mà PGVN nên làm trong tương lai là giáo hội nên tạo điều kiện mở
các trung tâm tu học khắp nơi trong nước và ngoài nước.
Đối với trong nước, giáo hội
nên mở các khóa tu Thiền và Tịnh Độ trong thời gian 7 ngày (thiền thất,
Phật thất). Các khóa tu này có thể được tổ chức ở các nơi riêng biệt
yên tĩnh, nhưng cũng có thể tổ chức tập trung ở những địa điểm thích
hợp. Các khóa tu ngắn hạn này sẽ là nơi trao đổi và học hỏi kinh nghiệm
tu tập của người con Phật khắp nơi. Giáo hội cũng nên mời các vị thiền
sư, pháp sư nổi tiếng trong nước và khắp thế giới về hướng dẫn các
khóa tu, để tăng trưởng đạo tâm và trình độ tu tập của người con
Phật. Ngoài ra, giáo hội cũng nên có kế hoạch và chính sách hẳn hòi,
đưa ban hoằng pháp vào các vùng sâu và vùng xa của đất nước, những
nơi mà Phật giáo chưa được biết đến.
Đối với nước ngoài, giáo hội
nên có chương trình đào tạo các vị pháp sư tinh thông kinh điển, thế học
và ngoại ngữ (Anh, Hoa và Pháp) gởi ra nước ngoài để truyền bá Phật
Pháp như các nước Phật giáo Thái Lan, Tích Lan, Miến Điện, Đài Loan đã
làm. Để làm được viêc này, giáo hội nên mở các tu viện, thiền viện
ở nước ngoài để công việc truyền bá và tu học được dễ dàng hơn.
Ngoài ra, giáo hội cũng nên có các tạp chí Phật học hay nhà xuất bản
Phật giáo bằng 2 thứ tiếng quốc tế là Anh và Pháp để truyền bá
thông điệp của đức Phật đến giới độc giả phương Tây. Các xuất bản
này tốt nhất là phát hành theo dạng ấn tống, hay ít nhất là các ấn bản
giá rẽ, không vụ lợi để truyền bá Phật pháp. Các trung tâm tu học như
vậy chắc chắn không chỉ xác định vai trò nhập thế của Phật giáo VN
mà còn là nguồn truyền bá Phật pháp trong tinh thần bao dung, hòa hợp và
hiệu quả.
-oOo-
Người viết tin chắc rằng, với sự
thay đổi thiết chế giáo hội theo các điểm căn bản trên, PGVN sẽ là một
trong những nguồn năng lực quan trọng trong sự nghiệp hoằng truyền thông
điệp từ bi và trí huệ của đức Phật một cách vững mạnh, hiệu quả
và đáp ứng được nhu cầu mong đợi của con người VN nói riêng, con người
nói chung, trong thiên niên kỷ mới.
- Tháng 12-1999, bổ sung tháng 6-2000
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/009-tnt-thietche.htm