Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Ngỡ Ngàng Tiếng Vạc Kêu Sương
(Mấy suy nghĩ về Lễ Tuyên Dương Công Đức)
Giác Đạo-Như Tâm-Dương Kinh Thành
giacdao@yahoo.com

Trên đời này chỉ có một thứ mà ta phải cúi đầu thán phục – đấy là Thiên Tài,
và chỉ có một thứ mà ta phải quỳ gối tôn trọng – đấy là Lòng Tốt.
VICTOR HUGO
(1802 – 1885)

Nếu như những suy nghĩ dưới đây không được hiểu theo nghĩa tích cực, trong sáng thì hãy xem như nỗi oan ức như chính thiện ý việc tổ chức cuộc "Tuyên Dương Công Đức" (TDCĐ) Ban Văn hóa Thành hội Phật giáo nhân Phật Đản 2544 vừa qua, đã không tròn vẹn tâm nguyện, tình ngay mà lý không thuận. Phải buộc lòng bộc bạch trước như vậy, bỡi lẽ ở đời không ai dại gì cuồng loạn chọc ghẹo để bị ghét bỏ. Nói lên những điều khó nói cũng chỉ vì mục đích chung; mà nếu có bị lên án, gán cho nhiều nhãn hiệu thì cũng chẳng có gì phải buồn giận và khó hiểu cả. Tất nhiên, thế đối khán đã vô hình trung được xác lập, mà nhân bài viết này một lần nữa tôi xin mạnh dạn nói thẳng là nó được xác lập bởi chính những tư tưởng cực đoan chứ không từ những suy tư vì sự nghiệp Văn hóa – Văn nghệ Phật giáo đúng nghĩa. Bởi vì bản thân tôi cống hiến, rồi góp ý như thế này có được chút lợi lộc gì, chức gì. Đó chính là yếu tố mạnh – sáng nhất để luôn đứng thẳng và dõng dạc, ngoài ra không có gì cả.

Là một người trực tiếp tham dự cuộc TDCĐ sáng ngày 13/5/2000 tại nhà hát Bến Thành; và là một trong gần 70 người được vinh hạnh là "Đại biểu tuyên dương", theo thói quen nghề nghiệp, trước và sau buổi lễ TDCĐ tôi tiếp xúc với rất nhiều cá nhân, nhạc sĩ, nghệ sĩ nhà văn cũng như các thành phần khác có mặt lẫn không, mới chợt nhận ra một điều và hiểu vì sao xưa nay, hay gần nhất các vị tiền nhiệm Ban Văn hóa Thành hội Phật giáo (BVH/THPG) chưa hoặc không làm được cuộc TDCĐ như vầy. Vâng! nó quá lớn và mang tính nhạy cảm rất cao, không đơn giản như một buổi văn nghệ được sự có mặt hầu hết các vị tài danh nhiều lãnh vực. Theo tôi, chỉ có thể dễ thực hiện nơi những tư tưởng nóng vội, thiếu cơ sở khoa học, muốn khẳng định mình là người được quyền cảm ơn. Ngay cả bản thân tôi sáng ấy đến dự với tâm trạng hoan hỷ cao độ, rồi cũng ngần ấy dung lượng tâm trạng ngược lại mang nặng nề khi ra về. Thật vậy, đáng buồn làm sao khi một lần nữa những cố gắng mang tính đột phá của BVH/THPG lại mang về kết quả không như mong muốn. Càng xa vời hơn ý nghĩa to lớn, thiết thực của THPG qua nội dung thư tuyên dương do Hòa Thượng Trưởng ban ký tên. Như vậy, việc tổ chức cuộc TDCĐ này mới chỉ thành công ở mức độ từ trong một ý tưởng cao đẹp, còn việc thực hiện – tổ chức – thành phần được tuyên dương, Ban Tổ chức (BTC) đã biến cuộc TDCĐ thành cuộc tuyên dương cho chính mình (để thêm thành tích thẳng tiến trên lộ trình "Phát triển sự nghiệp Văn hóa – Văn nghệ Phật giáo"!), và tuyên dương cho sự cúc cung tận tụy của tướng sĩ dưới trướng lâu nay, đẩy những văn nghệ sĩ chân chính thật sự có công với Phật giáo xưa nay vào thế bị xúc phạm và đồng hóa nghiêm trọng.

Chỉ riêng phạm trù Văn hóa thôi đã là một vấn đề rất lớn, nó lớn đến nỗi như hòa tan ra vào tỏa rộng không hình tướng, khó có thể nắm bắt, sờ mó được trong cuộc sống đời thường. Do đó mà lắm khi Văn hóa bị ngộ nhận một cách hết sức tội nghiệp. Nói chi đến vấn đề Văn học Nghệ thuật Phật giáo, vẫn chưa có cơ sở chính xác để xác định, thì lấy đâu ra nguyên tố để tính rằng có hay không có công? Và nếu tính được thì lấy từ khởi điểm nào đây?

Trong một phạm vi nhỏ hẹp, chỉ cần BTC cuộc TDCĐ trước hết phân định được thế nào là có công gián tiếpcó công trực tiếp, sau đó trả lời được hai câu hỏi sau đây thì có lẽ sẽ không mắc phải "những cố tật trầ gian" để đạt đến kết quả TDCĐ như mong muốn:

1/ Ai có đóng góp (bằng tác phẩm văn – thơ – kịch bản hoặc người biểu diễn kể cả hội họa) cụ thể (xin nhấn mạnh cụ thể vì đó là thành tích và là cơ sở để thẩm định) ?.

2/ Tác dụng tích cực của sự đóng góp đó trong quần chúng xã hội ở mức độ nào – cụ thể – vào thời điểm nào, ngắn hay dài hoặc sống theo thời gian, và ý nghĩa thời điểm đó khi tác phẩm đóng góp đó ra đời đối với Phật giáo và xã hội ra sao?

Trả lời thỏa đáng hai câu hỏi đó cũng đã đủ sức mạnh lướt lên trên mọi gút mắc trong vấn đề tuyển chọn tuyên dương; kể cả giải đáp được nhiều băn khoăn như T.T Trưởng ban Văn hóa đã thố lộ với người viết trước ngày buổi lễ TDCĐ diễn ra rằng " Có nhiều vị làm được nhiều (sáng tác tác phẩm) nhưng chưa được đạt kết quả tối thiểu, ngược lại có vị chỉ sáng tác một hai tác phẩm đã thành công vang dội... ". Rõ là thiện ý của Ban Văn Hóa Thành Hội Phật Giáo rất tốt đẹp và mong muốn qua đợt TDCĐ này, phong trào văn hóa – văn nghệ Phật Giáo được thúc đẩy mạnh thêm hơn, nhưng BTC lại không đủ khả năng và sức lực để nhận thấy điều đó, làm giảm nhẹ thanh thế của Phật Giáo thêm hơn. Như vậy nếu ca ngợi cuộc TDCĐ này "thành công mỹ mãn", " có tiếng vang", "tạo được xu thế phát triển"... nói chung là "tốt đẹp", thì hóa ra tiếp thêm sức mạnh cho sự lộn xộn, mập mờ trong văn hóa - văn nghệ Phật Giáo cứ thế mà "thừa thắng xông lên" rồi sẽ được " TDCĐ" nhiều nữa ! Đã gọi là sự nghiệp thì vấn đề tổ chức - kiểm soát phải luôn đặt vị trí hàng đầu trước khi muốn tuyên dương hay khen thưởng. Vì như đã nói, vấn đề văn hóa - văn nghệ Phật Giáo vốn rất phức tạp, khó kiểm soát, đã trở thành căn bệnh cố hữu, nên thay vì trước mắt BVH/TH.PG và BTC lễ TDCĐ nên khống chế, định hình trách nhiệm văn hóa văn nghệ Phật Giáo hầu hướng dẫn nó đi đúng hướng của động cơ cá nhân như phần trên chúng tôi đã đề cập. Thật không còn chua xót nào hơn khi trước tiền sảnh nhà hát Bến Thành hôm ấy, một vị "Đại biểu được tuyên dương" hồ hởi ôm phần quà trước ngực nói với chúng tôi rằng "... như là nằmmơ, sáng ra bỗng dưng thấy mình được... tuyên dương!" Định hỏi tiếp rằng Ngài có biết vì sao (có làm được công cán gì) được tuyên dương không ? Nhưng chúng tôi không đủ can đảm đứng nghe vì qua câu nói "hồ hởi" đó cũng đủ biết anh trả lời ra làm sao rồi!.

Để phần nào rõ thêm vấn đề, xin đơn cử ra đây một vài chi tiết trong từng lãnh vực. (Văn - Thơ - Hội Họa - Sân Khấu). Xin tạm thời lấy thời điểm 1964 đến nay, vì đó là thời điểm mà Phật Giáo chính thức phổ cập, có tổ chức các mặt hoạt động rộng lớn, trong đó có văn họa nghệ thuật.

1. Văn

Nếu xét gộp hai tiêu chuẩn đóng góp gián tiếp và đóng góp trực tiếp thì sẽ khó cho BTC, vì ngoài một vài nhà văn đứng hẳn hai chân về phía Phật Giáo như nhà văn Võ Đình Cường (dẫu là ở Trung Ương nhưng là người của TP.HCM) là người mở đầu cho văn học Phật Giáo một bước đi đáng kể, bên cạnh các ngòi bút xuất gia lừng lẫy khác còn có một Võ Hồng ở xứ Thùy Dương cát trắng (nhưng trước 1975 đã đóng góp cho Lá Bối ở Sài Gòn), một Trần Kim Trắc đĩnh đạc, Sơn Nam dân giã, ... Hay các nhà nghiên cứu, giáo sư khác, ngoài một Huỳnh Ngọc Trảng được nhắc ở lễ TDCĐ và chưa kể vô số các nhà văn nhà báo đã có những tác phẩm về Phật Giáo, hay cảm tính Phật Giáo rất đạt. Nói chung họ rất xứng đáng nhận phần thưởng có công hơn là một vài cá nhân non choẹt vừa mới chen chân nhờ vào ghế dựa mà chỉ một vài ba đầu sách đã được gọi là có công (xin đọc lại câu hỏi số 2 để thẩm định)...v.v.

2. THƠ

Đa dạng nên nhiêu khê hơn, tuy vậy không thể nào quên một Vũ Hoàng Chương kiệt xuất với bài thơ bất hủ "Lửa Từ Bi"; một Bùi Giáng tuyệt vời với lớp "Áo vũ cơ hàn" mà làm nên một vũ trong thơ không dính bụi trần...(ở lễ TDCĐ lại chỉ nghe nói có mỗi Trụ vũ)...v.v.

3. HỘI HỌA

Hội họa Phật Giáo chỉ được phát triển rầm rộ trong thập niên 60 song hành với các Tổng vụ Văn hóa. đã mở được nhiều cuộc triển lãm lớn mang danh xưng Giáo hội. Các tên tuổi thời ấy phần lớn đều xa vắng và lui dần hẵn hai chân về phía đời thường. Từ đầu thập niên 90 đến nay hội họa đã có chất men gượng dậy nhưng lại không mang dáng vẻ quy mô, chỉ tập trung ở khu vực chùa và tự viện âm thầm, vì vậy ý nghĩa thiết thực đóng góp cho Phật giáo cũng chưa được chín lắm.

Đó là chưa kể đến lãnh vực nhiếp ảnh. Tuy nhiên ở Hội họa cũng như Nhiếp ảnh nếu có được cũng chỉ là gián tiếp đóng góp vì hoạt động gắn liền với đời sống bản thân người sáng tác. Trong khi người sáng tác thực thụ của Phật giáo hoàn toàn chưa có.

4. SÂN KHẤU

Lãnh vực này được chia ra hai phần: Tác giả và diễn viên (bao gồm các thể loại sân khấu như Ca nhạc - Múa - Kịch nói - Hát bội - Dân ca và Cải lương). ở đây do "sự nghiệp" văn hóa - văn nghệ Phật giáo của chúng ta còn nghèo nàn quá, chỉ nổi trội có hai lãnh vực Ca nhạc và Cải lương (còn Kịch nói thì không đáng kể). Do đó chỉ nói về hai loại hình này. Tất nhiên, cũng như ba thể loại Văn học - Hội họa - Thơ phần lớn đều đến với Phật giáo qua cảm tính nhưng cũng góp đem lại sự thuận duyên trong công cuộc Hoằng Dương Chánh Pháp ở mức độ nhất định.

  1. Soạn giả sân khấu

* Ai cũng biết vở Cải lương "Bông hồng cài áo" được công diễn thành công một thời gian dài trên sân khấu Đoàn Thanh Minh (Thanh Nga) với những diễn viên đã đi vào nhân vật rất đạt như Thành Được, Thanh Nga, Tám Vân, Ngọc Giàu, Thanh Tú, Thanh Lệ, Kim Hoa, Hoàng Giang, Minh Điền, Kinh Quang, Chí Hiếu, Hoàng Mai và Thanh Thanh Hoa. Tác giả Hoàng Khâm đã nhạy bén nắm bắt được phong trào "Bông hồng cài áo" nhân mùa Vu Lan mà HT. Thích Nhất Hạnh cổ xúy trong giai đoạn sớm nhất. Vậy tác giả Hoàng Khâm và Đoàn Cải lương Thanh Minh - Thanh Nga có xứng đang được nhận sự tuyên dương? đó là chưa xét đến phần lớn các đêm diễn của Đoàn lúc ấy đều được Viện Hóa Đạo mua dàn để gây quỹ.

* Rồi cố Nghệ sĩ nhân dân - Soạn giả Nguyễn Thành Châu (Năm Châu) nếu tính ngược thời gian 1964 trở về nữa đầu thế kỷ thì Ông là người đã có nhiều vỡ về đề tài "Tuồng Phật, tuồng Tiên" đưa lên sân khấu, đặc biệt là ở Ban Việt Kịch Năm Châu. Gần đây nhất, vào đầu thập niên 80, Ông đã chuyển thể vỡ "Ngao - Sò - ốc - Hến" cho sân khấu Sài Gòn I mà nếu là một kẻ bàng quan ít ai nhận ra được chi tiết, lại hết sức quan trọng cho riêng Phật giáo, đó là cắt bỏ hẵn nhân vật "Thầy tu Nghiêu" ( Nghiêu chớ hổng phải Ngao - Thầy bói Ngao) thành "Ngao - Sò - ốc - Hến". đây là một vỡ Hát bội dân gian cổ xưa, trong đó Thầy tu Nghiêu - Thầy bói Ngao - Tên trộm ỐC và Thị Hến lẫn quan Huyện, thầy ĐỀ lại là những kẻ xấu, ác và dâm dật. Vì vậy ông đã đưa vỡ Hát vào giữa lúc còn chưa đổi mới xã hội mà bảo vệ được giá trị của Tăng sĩ Phật giáo qua việc dõng mãnh cắt bỏ hẵn vai thầy tu Nghiêu, quả rất đáng trân trọng tấm lòng của ông. Nếu không ... (?)

* Những tác giả khác của các vỡ "Giữa chốn bụi hồng; "Khúc oan vô lượng"; "Quả báo nhãn tiền"; .v..v... vẫn có những tích cực mà Phật giáo chấp nhận được bên cạnh các vỡ tuy cũng có hình bóng Tăng sĩ nhưng sa vào căn bệnh yếm thế, bi quan, thất tình, chán đời đi tu. Những chi tiết này không nghe thấy trong diễn văn của BTC, mặc dù theo chúng tôi được biết bên cạnh BTC có rất nhiều chuyên gia tư vấn, góp ý, có phẫm trật, học hàm, học vị rất cao.

* Rồi ngay như bản thân người viết bài này, rất tiếc lại cũng là một soạn giả nên những điều đưa ra sau đây sẽ khó tránh khỏi những đánh giá. Thôi thì đành vậy, nhưng xin hiểu rằng sở dĩ tôi nêu ra chỉ vì là một soạn giả "đứng hẳn hai chân về phía Phật giáo", lại nữa trong các vỡ hát của mình đều có đứng tên hẳn hoi của Tiểu Ban Văn hóa THPG, và quan trọng các vỡ ấy ra đời giữa lúc nền móng mà cái gọi là "sự nghiệp" văn hóa - văn nghệ Phật giáo hoàn toàn chưa có gì ngoài một lổ hổng trống hoác. Và đây ! ý tôi muốn nêu ra chỉ là: Lẽ ra BTC cuộc TDCĐ này phải tuyên dương (hoặc tệ lắm cám ơn) Đài truyền hình các địa phương như Long An, Cần Thơ, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu ... vì đã "có công" liên tục và thường xuyên nhiều năm qua cho trình chiếu các vỡ Cải lương Phật giáo (Vâng ! Cải lương Phật giáo hẳn hoi)! Chuyện nhỏ ư ? Thưa không, trình chiếu vào đúng lễ Phật đản và Vu Lan (Phật Đản thì " Thoát vòng tục lụy"; Vu Lan" là Mục Liên Thanh Đề). Có ghế ngồi, có dấu tròn, có đội ngũ binh mã các "nhà báo Phật giáo kỳ cựu" xin cứ hạ lệnh đi đến các Đài người viết vừa nêu mà xác minh sự việc, sẽ không uổng chi phí và sự bực tức đâu ! Như vậy không còn là "chuyện nhỏ" rồi, mà là một nỗi nhức nhối to lớn vì những soạn giả như thế này chưa thể đưa bàn tay ra đếm; hay như cho rằng các Đài chiếu vì không có vỡ Phật giáo nào khác? Cũng đúng nốt. Vậy thì BTC từ cuộc TDCĐ này hãy trỗ hết uy đức ra mà phát huy, khuyến khích đi còn chần chừ gì nữa, hơn ba năm rồi !

* Về các Nhạc sĩ sáng tác (Tân nhạc)

Đây là điều tự hào to lớn nhất của Phật giáo, vì riêng giới nhạc sĩ sáng tác đã sớm có mặt cùng lúc sự phát triển Phật giáo nâng lên hàng tổ chức Giáo Đoàn, và là nhạc sĩ "đứng hẵn hai chân về phía Phật giáo"; nếu tính luôn các nhạc sĩ sáng tác cho lãnh vực GĐPT thì con số sẽ ngấp nghé hơn năm mươi. Ngoài những nhạc sĩ sáng tác các bài ca tiêu biểu như Bửu Bát (Trầm Hương Đốt), Lê Cao Phan (PGVN), Ưng Hội (Sen Trắng - Bài ca chính thức của GĐPT) ... còn có các nhạc sĩ thể loại trình diễn như Thẩm Oánh, Nguyên Thông, Minh Kim, Hằng Vang, Hoàng Cang, Lê Nguyên Từ, Lê Mộng Nguyên, Y Mai, Đặng Lê Nguyễn, Như Vinh, Nhật Lệ, Thiện Hoài, Trần Nhật Thành, Dương Thiện Thành, Dương Thiện Hòa ...v.v. và .v..v.. như thế cũng đủ choáng ngợp rồi, nói chi đến đầu thập niên 90 các nhạc sĩ Phật giáo mang phong cách hiện đại xuất hiện, có nghệ thuật sâu như: Hồ Văn Thành, Tống Thông Thu, Ngô Mạnh Thu, Đức Thành, ... Nhưng những vị này không bỗng dưng mất dạng ! Cùng lúc và còn lại là các nhạc sĩ Minh Trí, Uy Thi Ca, Giác An... nhưng có lẽ đạt hiệu quả cao nhất là Giác An. Tôi đặc biệt trân trọng vị nhạc sĩ trẻ này không chỉ vì anh xuất thân môi trường ĐẠO chính thống nên các tác phẩm của anh mang đậm nét thiền ngữ nhưng lại rất gần với đời sống và rất dễ cảm nhận; Mà chỉ vì anh có lối sống và sáng tác không dựa dẫm vào ai, không phổ thơ ai và nói chung không vì ai mà chỉ vì Phật giáo !

* Rồi một Giáo sư - Tiến sĩ - Nhạc sĩ Trần Văn Khê. Nếu như không đánh giá ông có công hay không qua quá trình sưu tầm, nghiên cứu và giảng giải về âm nhạc - nghi lễ Phật giáo từ nhiều chục năm qua thì đây: Nhân mùa Phật Đản 2544 NXB Thanh Niên vừa cho ra đời đúng lúc tác phẩm nghiên cứu của ông mang tên "Văn hóa âm nhạc dân tộc", trong đó ông ca ngợi, đề cao Văn hóa Phật giáo, âm nhạc, nghi lễ Phật giáo như thế nào? Xin BTC hãy cố tìm đọc để có lòi nhận định thay cho người viết bài này.

Qua bốn thành phần trên ( Giới văn học, nghiên cứu và sáng tác) hàng bao nhiêu lâu nay âm thầm lặng lẽ cống hiến ( Tất nhiên đặc biệt vẫn là người đứng "hai chân về phía Phật giáo"), suy nghĩ của họ không tầm thường. Vì vậy rất nhiều vị đã vắng mặt là điều không khó hiểu. Trong sự vắng mặt, ngoài lý do đó còn có những sự vắng mặt hết sức ly kỳ, kể cả không thể nói ra, ở đây người viết chỉ nói ra được một lý do là " Do chính người trực tiếp cầm thư mời trao tận tay họ". Họ đánh giá cuộc TDCĐ từ vị "liên lạc" ngước lên trên, và họ đã hành động đúng, tránh được sự đồng hóa và xúc phạm nghiêm trọng công lao của họ dành cho Phật Đạo, vẫn bảo toàn được giá trị cống hiến ở dạng lung linh cao đẹp.

b) Nghệ sĩ biểu diễn (ca sĩ - diễn viên)

Tôi có cảm tưởng rằng BTC tuyển chọn để TDCĐ các ca sĩ, diễn viên bằng cách lần giỡ lại tất cả các băng ca nhạc cổ nhạc và video Cải lương Phật giáo trước đây của các vị tiền nhiệm BVH/THPG (Mặc dù luôn miệng lên án). Bởi vì ngoài đó ra không thấy có một người mới nào được "có công" từ khi BCH nhiệm kỳ mới ba năm nay tạo ra? Có chăng là các vị tài danh lẫy lừng thường luôn được BTC dựa bóng làm tiền đề "phát huy" văn hóa văn nghệ. Tất cả củ mới được gộp lại và TDCĐ!

Xin thưa với BTC rằng, ngoài một số diễn viên - ca sĩ Phật tử thực thụ ra, còn lại hầu hết đều có trả cát sê hẳn hoi, nhuận bút tác quyền hẳn hoi ở trong các đầu băng ấy đấy (thị trường, sòng phẳng mà!). Đã qua ba phiên họp quan trọng của BTC để rồi đi đến quyết định thiếu cơ sở và không nghiêm túc xét chọn thì đây rõ là một cuộc tuyên dương cho chính BTC như đã nói ở đầu bài này. Một thí dụ điển hình: Trước ngày diễn ra lễ TDCĐ, khoảng hơn ba tuần, một vị trong BTC đã xấc bấc xan bang chạy đôn chạy đáo để mời cho được nghệ sĩ A, nghệ sĩ Z và yêu cầu phải ca bài "Hoa Bất Diệt" (Mà vẫn chưa biết tác giả bài đó là ai? ở đâu?) để đến nổi người "được" vị trong BTC ấy nhờ đã phải nói với tôi: "... muốn kêu toàn là thứ dữ không há !". Rất may mà những nghệ sĩ ấy cuối cùng đã không dự để được phần... "TDCĐ"! điều đó chứng tỏ BTC đã muốn biến việc làm cao đẹp thành một loại danh hiệu của một trò chơi, muốn trội nổi khi uy đức, danh phận cũng như sức lực mình không còn đủ khả năng làm ... Văn hóa Phật giáo! Chà đạp sự hy sinh cống hiến, cào bằng công đức của các văn nghệ sĩ Phật giáo chân chính khác. Nếu vậy sao không đến thẳng Hội âm nhạc, Hội Sân khấu xin sao y lại toàn bộ các danh sách các ca sĩ - diễn viên về liệt kê, lên danh sách "TDCĐ" cho khỏi nhọc công ?

Nhìn những "Đại biểu tuyên dương" lên sân khấu nhận phần TDCĐ, có vị tương đối xứng đáng thì không nói làm chi, đàng này lại có những vị không phải là nguyên tố được tuyên dương, lại có thêm những "Bầu sô" - chuyên lãnh tổ chức văn nghệ ở các chùa, tịnh xá, ... cũng có mặt (đầy vẽ tự hào) được TDCĐ? Qua thành phần này nếu có am hiểu nội tình thì cũng dễ dàng nhìn nhận ra họ có mặt được là do ai, Thầy - Sư nào "tham vấn"(nếu không muốn nói là bày vẽ). Đã là "Bầu sô" thì chuyện tiền bạc phải đứng đầu, đâu có làm công không, và nhờ vào cuộc TDCĐ này "uy tín" của các bầu sô ấy thêm được nâng cao, như vậy BTC mắc mưu họ hay họ nhờ qua các "chuyên gia bày vẽ" mà lấy điểm "có công"! Chính T.T Trưởng ban Văn hóa cũng đã từng tâm sự với người viết về điều này, vì thế e rằng sự cố gắng khống chế (CẢN - từ TT nói) liệu có sức bền bao lâu trước thuộc cấp đã quá ngữa nghiêng. Cũng vì vậy nên có người đặt dấu hỏi là ngay cuộc TDCĐ rất có thể cũng do các "Chuyên gia bày đặt" ấy mà ra !

Nói tóm lại, và xin khẳng định lại, cuộc TDCĐ này nếu chúng ta chấp nhận ở ý nghĩa thành công mọi mặt thì trước nhất cũng là đồng nghĩa với bao lộn xộn xưa nay ở lãnh vực Văn nghệ Phật giáo mà BTC muốn cứ thế ... phát huy ! Thứ hai, qua cuộc TDCĐ này mới hay ra số Văn nghệ sĩ - nhạc sĩ "có công" đông quá, đầy đủ quá mà chưa bao giờ PGVN có được ! Nhờ vào ba năm nhiệm kỳ mới chăng? Vậy thì cũng thời gian đó, các Văn nghệ sĩ có công đông đảo đó đã làm nên được những gì cho Văn nghệ Phật giáo, ít ra cũng vài vở video Cải lương Phật giáo, vài cuộn băng ca nhạc - cổ nhạc Phật giáo (xin đừng đồng hóa với các sản phẩm của chính các "chuyên gia bày đặt" tự bỏ tiền túi thực hiện rồi dán nhãn Phật giáo).

Nhân đây, người viết xin có đôi lời về GĐPT đã có mặt trong buổi TDCĐ; về mặt tổ chức xin miễn ý kiến vì nội dung cốt yếu của nó - tức cuộc TDCĐ - vốn đã không là ý nghĩa gì :

May mắn làm sao cho buổi lễ, hay chính xác là buổi Văn nghệ, có hơi hướng đặt thù Phật giáo nhờ sự hiện diện 3 tiết mục của GĐPT, trong đó có đoàn văn nghệ Hương Lam, múa hoạt cảnh "Mẹ từ bi" của GĐPT Phước Hải và đặc biệt múa "Cung đình Chăm" của GĐPT Chưởng Đức. Điều này người viết muốn nhấn mạnh ở điểm: Cho dù có phát triển, hòa nhập (chứ đừng để bị hòa tan) xã hội, văn nghệ Phật giáo phải luôn tự khẳng định mình, phải biết nắm giữ cái mình có; đó chính là nét đặc thù riêng biệt của Phật giáo mà sẽ không có một tài danh nào thay thế được. Lịch sử phát triển Văn hóa Phật giáo đã chứng minh điều đó. Ngày xưa, gần 50 năm qua - lấy thời điểm GĐPT được khai sinh, Văn hóa - Văn nghệ Phật giáo đâu có dựa hay lấy nhân tố từ các tài danh để định hình phát triển. Ngược lại còn cuốn hút tài danh trở vào, và đã để lại cho Phật giáo VN hôm nay một kho tàng âm nhạc (Cải lương - Kịch nói chưa có đâu), một đội ngũ nhạc sĩ "hai chân Phật giáo" đường hoàng. Chỉ tiếc rằng trong lễ TDCĐ này hoàn toàn không có lấy một nhân tố nào từ GĐPT - ngoài các nhạc sĩ - ngay cả những nhạc sĩ nằm trong "top" được liệt kê phần trên của Phật giáo, nếu không là người Phật tử thực thụ thì bản nhạc của họ chỉ dừng lại ở nội dung cảm tính, hời hợt, đặc biệt là những nhạc sĩ "đứng một chân phía Phật giáo". Vì vậy phát huy chất văn nghệ nơi GĐPT, biến từ truyền thống văn nghệ của tổ chức này dần lên mức chuyên nghiệp tưởng cũng là điều hợp lý. Tất nhiên đầu tư, quan tâm là mấu chốt chủ yếu làm lực đẩy. Ngày xưa khi nói đến Văn nghệ Phật giáo không ai nghĩ khác hơn là chỉ GĐPT, đủ để thấy sự quán xuyến tài ba cao vọi đến mức nào. Cho nên tích cực hổ trợ và nâng dậy chất văn nghệ GĐPT cũng tức là nâng dậy chính giá trị truyền thống Phật giáo. Hiện nay có rất nhiều anh chị Huynh trưởng vẫn tiếp tục cống hiến, phần lớn phải chịu đời sống khó khăn, rất đáng trân trọng, rất đáng được biểu dương. Hiện tại, đoàn Văn nghệ Hương Lam được hình thành dưới dạng quy mô cũng là từng bước thực hiện lý tưởng Văn hóa văn nghệ GĐPT ở dạng chuyên nghiệp cho phù hợp với thời đại phát triển mới. Tất cả chỉ là mới khởi đầu từ ý tưởng cao đẹp của các anh chị Huynh trưởng đáng kính.

Để thay cho lời kết, người viết xin bộc bạch một nỗi ưu tư mà chắc rằng những văn nghệ sĩ Phật giáo(trong bài viết này thường dùng câu "đứng hẳn hai chân về phía Phật giáo") dành trọn đời sống và lý tưởng phục vụ Đạo Pháp, sẽ chung cùng một suy nghĩ, dù rằng không đòi hỏi được tuyên dương nhưng có lẽ Giáo hội - cụ thể Ban Văn hóa - đứng về mặt tổ chức cũng không để họ chịu mãi thiệt thòi. Vì lý do gì và vì sao phải lưu ý đến họ cũng không phải là câu hỏi khó khăn với Ban Văn hóa nếu dõng mãnh tự nhận phần trách nhiệm. Vấn đề được đặt ra không phải là có sự giúp đỡ hay khen thưởng chi cả, mà đơn giản chỉ là QUAN TÂM. Từ đó đủ để họ thấy được an ủi phần nào, có ý chí và có thêm đạo lực để tiếp tục sống và cống hiến. Ai cũng biết Văn hóa nghệ thuật trong thời đại tiền hóa, cũng từng bước được nâng cao và tạo thế hòa nhập để được sống còn và tiếp tục phát huy tính đặc trưng của nó. Muốn vậy người ta tạo ra sự kích cầu bằng nhiều hình thức, trong đó có các giải thưởng, các danh hiệu tương xứng với công lao cá nhân đóng góp. Phật giáo chúng ta ở dạng phụng sự - cúng dường là chủ yếu nên các văn nghệ sĩ không đòi hỏi được tưởng thưởng là lẽ dễ hiểu. Vì vậy sự tưởng thưởng bằng hình thức biểu - tuyên dương - danh hiệu vẫn thực hiện được. Ở cấp độ Quốc gia, về Văn học có giải thưởng Hồ Chí Minh; Âm nhạc có giải Hoàng Mai Lưu; sân khấu thì tác giả vẫn có thể nhận giải Hồ Chí Minh, còn văn nghệ sĩ được trao các danh hiệu, chưa kể các giải khu vực. Ở những văn nghệ sĩ đứng một chân mỗi bên, có vị hiện đã đạt được những danh hiệu này. Thế còn những vị "đứng hẳn hai chân" - nói một cách dễ hiểu là người của Phật giáo, quá trình đóng góp của họ ai ghi nhận đây và sau đó ai là người sẽ tuyên dương họ (hay ít ra ban tặng một danh hiệu nào đó). Làm như vậy có phản logic và nghịch đạo nghĩa chăng? Không ! Hoàn toàng ngược lại. Suy nghĩ sâu về vấn đề này sẽ dễ dàng thấy được nét lấp lánh sáng rực của tiền đồ văn hóa văn nghệ Phật giáo đúng nghĩa và sẽ rõ hơn giữa gián tiếp(một chân) và trực tiếp(hai chân) đóng góp như thế nào. Tránh được căn bệnh kỳ quặc "mê tài danh" lấy họ làm tiền đề phát triển, vô cùng phản logic và đạo nghĩa, nếu nay mai họ không còn và các vị mất đi thì thế hệ kế thừa sẽ lấy đâu ra tài danh mà "phát triển" sự nghiệp văn hóa văn nghệ Phật giáo ! Bài học đau đớn từ các vị tiền nhiệm ba năm nay lại đi vào lối mòn đó thì lo ngại chăng? (xem ra còn lộ liễu khó coi hơn).

Mãi muôn đời sau ý nghĩa, nội dung thư tuyên dương của Thành hội Phật giáo và lời phát biểu khai mạc của Thượng Tọa Trưởng Ban Văn hóa vẫn là kim chỉ nam, định hướng đúng đắn trong việc tuyên dương văn nghệ sĩ thật sự có công lao đóng góp, đặc biệt là những vị đứng hẳn hai chân về phía Phật giáo, suốt đời âm thầm lặng lẽ cống hiến. Vấn đề tuy nhỏ nhưng rất lớn, đòi hỏi người có trách nhiệm ít nhiều phải có kiến thức về "Khoa học lịch sử" mới có thể thấu đáo để ... tuyên dương. đó cũng là nỗi ưu tư bức xúc của T.T Trưởng ban Văn hóa qua những lần tiếp xúc và trò chuyện với tôi lâu nay. Cho nên trước những sự việc như thế này tôi càng thêm trân trọng và rất đồng cảm với T.T, chỉ tiếc rằng đôi vai và sức lực của T.T quá bé nhỏ so với những cơn vũ bão thế tục, và bản thân người viết bài này hay những văn gnhệ sĩ Phật giáo chân chính khác chỉ là tiếng vạc kêu sương đêm vắng.

Phật Đản 2544
GIÁC ĐẠO - NHƯ TÂM
DƯƠNG KINH THÀNH

Chân thành cảm ơn tác giả và thầy Phước Niệm đã gởi tặng bài viết này. 

 


Cập nhật: 1-7-2000

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang