- Phật
giáo Việt Nam bình đẳng hay bất bình đẳng với Ni giới?
Nhân đọc bài viết của
Thích Nữ Minh Tâm đăng trên tạm chí Pháp Âm số 71, “MONG THAY ĐỔi CÁCH
NHÌN VỀ PHÍA NI CHÚNG”. (tháng 08/năm 2001) Nhận thấy bài viết có vài
quan niệm chưa thấu đáo và dễ dẫn đến sự ngộ nhận nên chúng tôi
nhín chút thì giờ để trao đổi với Sư Cô Minh Tâm và cùng quí đọc giả. Trong bài viết của
Sư Cô Minh Tâm, tôi thấy có vài vấn đề cần được đem ra trao đổi:
“…Trong
gia đình và ngoài xã hội, người nữ có một chổ đứng quá khiêm nhường,
nên khi bước vào Tăng đoàn, Ni giới vẫn chìm trong sự thờ ơ lãnh đạm
của Tăng chúng và Phật tử qua sự câu thúc của Bát Kỉnh Pháp và tệ hơn
hết là tư tưởng “nghiệp chướng thân nữ”. Nếu cho phép đổi thì
chúng tôi xin đổi lại rằng: “Tại gia tòng phụ, Xuất gia tòng Tăng,
Tăng xử, Ni lãnh chỉ…”
Qua
nhận định trên của tác giả, tôi thấy tác giả đã so sánh 1 cách khập
khiểng giữa phong tục tập quán của xã hội Việt Nam, và đạo đức của
người xuất gia rồi chụp mũ cho là Phật giáo Việt Nam thiếu bình đẳng
trong cư xử giữa Tăng và Ni! Tôi cho ý kiến trên của tác giả là vì bức
xúc trước một vài cá nhân Tăng sĩ
nào đó yếu kém về mặt tu và học, rồi đưa Bát kỉnh pháp ra như lá
“bùa hộ mạng” để “bắt nạt” người khác là một thiểu số chứ
không thể nói “hồ đồ” như vậy được! Vì “bát kỉnh Pháp” là do
đức Phật chế ra để có lợi cho chư Ni chứ không phải vì Đức Phật thương “con trai” hơn là “con
gái”. Phải chăng với trí tuệ siêu việt của Ngài như thế mà vẫn chưa
thấu đáo hết mọi chuyện để hướng
dẫn cho hàng đệ tử của mình cùng
đạt một mục tiêu là giải thoát hay sao mà phải đợi đến thế kỷ thứ
21 này có Sư Cô Minh Tâm mới nhìn ra được cái sai của Đức Phật là “lỡ
chế ra Bát kỉnh pháp” để di hại đến ngày hôm nay! Và phải chăng Đức
Phật cũng đã “lỡ quên” để cho chư Ni giữ đến 348 giới và chư Tăng chỉ giữ có 250 giới (theo Bắc
Tông). Và phật giáo Việt Nam bị sai luôn nên “Ni giới vẫn chìm trong
sự thờ ơ lãnh đạm của Tăng chúng và Phật tử…” ???
Tôi
cho đây là cách nhận định lệch lạc và tai hại cho chính bản thân và
những người mới bắt đầu nghiên cứu giáo lý Phật giáo để hướng đến
giải thoát! Nên rất chính xác khi Giáo Sư Eliot cũng đã nhận định: “Lần
đầu tiên trong lịch sử thế giới, đức phật đã tuyên bố và mở ra một
con đường giải thoát mà mỗi người có thể đạt được cho mình ngay
trong đời này, tại thế gian này bằng nỗ lực của bản thân mà không cần
một sự giúp đỡ tối thiểu nào từ các vị thần hay một vị Thượng
đế. Ngài đã kiên quyết chủ trương và áp dụng mạnh mẽ chủ thuyết về
sự tự lực, tự tin, sự thanh tịnh, sự giác ngộ, bình ổn nội tâm, và
lòng đại từ đại bi. Ngài khẩn thiết nhấn mạnh chú trọng phát triển
đến trí tuệ, vì không có trí tuệ thì không làm sao chứng nghiệm tâm
linh và an lạc giải thoát ngay trong đời sống thường nhật mà ngôn ngữ
thế gian không làm sao đáp ứng được”. (Buddhism and Hinduism) Thế đấy,
chỉ là một học giả sau khi nghiên cứu giáo lý của đức Phật mà còn
nhận thấy được cốt tuỷ của đạo Phật là ở chỗ Trí tuệ và giải
thoát. Vậy mà Sư cô Minh Tâm là một hành giả lại không nhận ra, rồi chạy
theo một vài học giả nghiên cứu chưa thấu đáo và có một nhìn thiển cận
đối với Phật giáo, trong đó có quyển “Equal or Non-equalitarian in Buddhism”
của một giáo sư trường đại học Delhi! Trong khi đó Albert Enstain đã nhận
định một cách hùng hồn về Phật giáo: “Tôn giáo của tương sẽ là một
tôn giáo toàn cầu, vượt trên mọi thần linh, giáo điều và thần học.
Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn thiên nhiên, đặt
trên căn bản của ý thức đạo lý phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm
mọi phương diện trong cái nhất thể đầy ý nghĩa. Chỉ có đạo Phật đáp
ứng đủ các điều kiện ấy”. Nên các học giả có nhận định sai và
thậm chí có vo tròn bóp méo đến đâu đi nữa thì cũng không vì thế mà
Phật giáo phải nói theo cho vừa lòng họ. Còn chuyện thân nữ có “Ngũ
chướng” và “Long Nữ” thành Phật trong phẩm hiện Bửu Tháp của Kinh
Pháp Hoa là cả một kho tàng triết lý của Phật Giáo Đại Thừa, nhằm dẹp
bỏ mọi vọng tưởng phân biệt “chấp có và chấp không”. Nên đọc
kinh điển Đại Thừa là phải biết đi tìm nghĩa lý uyên thâm, chứ không
phải “cày bừa” cho từng chữ nát ra để tìm nghĩa lý trong đó, thì
có khác gì Tổ Đơn Hà chẻ tượng Phật tìm Xá-Lợi!
Trở
lại vấn đề, từ dựa vào những quan niệm lệch lạc trên nên Sư Cô đã
cảm nhận là chư Ni Việt Nam đã và
đang sống trong thời kỳ đen tối của Phật giáo Việt Nam! “điểm lại
suốt chiều dài lịch sử nhân loại cho đến ngày nay, giới nữ đã lãnh
chịu trăm bề cai đắng khổ nhọc, ngay khi bước chân vào Ni đoàn cũng
chưa hẳn xoá hết những bất công ngày nào của tập tục để lại…”
Tập tục nào bất công ở trong Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam
nói riêng? Phải chăng tác giả muốn đề cập “Bát Kỉnh Pháp” là tập
tục bất công? Nên tác giả lại đi xa hơn “Dựa trên kinh nghiệm xác
thực và mục kích những thảm kịch gia đình xã hội trong thời gian tu học
tại Ấn Độ, chúng tôi không khỏi bàng hoàng đau xót thương cho thân phận
phụ nữ và chạnh lòng nghĩ đến hiện trạng Ni giới Việt Nam” Phải
chăng tác giả đang là người mắc một chứng bệnh hoang tưởng, nên so
sánh 2 vấn đề chẳng ăn nhập vào đâu! Một đàng là do những định kiến
của xã hội và tôn giáo thống trị gây
ra trạng thái bất bình đẳng cho xã hội, một đàng là năm lần bảy lượt
tha thiết xin được gia nhập Tăng đoàn của đức Phật và tự nguyện
gìn giữ “Bát Kỉnh Pháp” để có lợi cho chính mình được an lạc và
giải thoát. Nên chính tác giả cũng đã thừa nhận ở một đoạn khác “
Trên 2500 năm trước, Đức Phật chế định ra Bát Kỉnh Pháp không phải
dùng để phân biệt kỳ thị giữa Tăng và Ni mà thực ra dùng để đối
trị tánh cống cao ngã mạn của các bậc Vương phi, công chúa khi xuất gia
đầu phật…” Nên vào thời ấy, hầu như toàn bộ chư Ni đều đạt
đạo quả giải thoát. (xin xem trưởng lão Ni kệ) Còn ở Việt Nam ngày nay
thì có quí Sư Trưởng Huê Lâm, Từ Nghiêm, Dược Sư, Phước Hải, Phước
Hoà, Ni Viện Diệu Đức Nha Trang, Huế và Ni Sư Trí Hải, Sư Cô Diệu Thuỷ…là
những bậc tòng lâm thạch trụ của của Ni giới và đã đạo tạo ra vô
số chư Ni tài giỏi đã và đang phục vụ cho Phật giáo Việt Nam.
Như
vậy, suốt chiều dài lịch sử của
Ni giới từ Kiều Đàm Di Mẫu cho đến hiện nay chẳng có ai than phiền vì
sự hiện hữu của Bát Kỉnh Pháp đã làm cản trở họ đi vào Thánh quả,
mà chỉ có Sư Cô Minh Tâm là thấy chướng ngại, thấy Tăng sĩ có cái
nhìn “miệt thị Ni chúng mà ngay cả các Phật Tử tại gia cũng theo gót
chư Tăng xem nhẹ các Ni Cô không kém; nhất là các vị cư sĩ có bằng cấp
học thức thế gian và bảo thủ trọng nam khinh nữ, trọng Tăng khinh Ni…”
Vào trường hợp này, trong nhà Thiền có câu rất hay “phản quan tự kỷ”
tức là hãy nhìn vào thực tại, hãy nhìn vào chính mình. Tôi tạm mượn
nghĩa bóng của câu trên để làm rõ ý, tại sao những trí thức Phật tử
coi thường quí Ni Cô mà cụ thể là Sư Cô minh Tâm, phải chăng không có
cái gì để cho họ sinh tâm cung kính? Trong khi tu sĩ phải là “bậc thiên
nhân chi đạo sư” mà chẳng chịu nhìn lại chính mình rồi đi trách cứ
mọi người sao chẳng “tung hô vạn tuế”, trong khi “tôi” cũng đầu
tròn áo vuông như bao nhiêu tu sĩ khác! Hoặc nói theo tư tưởng của Khổng
Tử: “tiểu nhân trách người, trung nhân trách mình và đại nhân chẳng
trách mình và người”. Hay thật, những câu nói nhắc cho mọi người luôn
luôn lúc nào cũng phải tự quán xét lại chính mình để xem mình đang ở
đâu mà tiếp tục hoàn thiện!
Tôi mượn
lời của một học giả người Anh, giáo sư tiến sĩ Edward Conze, đã phát
biểu để thay cho lời kết: “Càng đi sâu vào giáo lý Phật giáo, tôi
càng thấy thích thú, vì tôi đã tìm thấy nhiều hoa thơm cỏ lạ qua kinh Bát
Nhã. Sau 40 năm nghiên cứu, đã mở ra trong tôi một cái nhìn trực quan sinh
động, mà không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào!” Thiết nghĩ, giáo
lý Phật giáo như mặt trăng vẫn hằng hữu chiếu sáng trên mặt hồ, nhưng
chúng ta không nhìn thấy trăng phản chiếu dưới đáy hồ, vì mặt hồ dỡn
sóng. Khi nào mặt hồ phẳng lặng, thì sẽ nhìn thấy trăng dưới hồ! Có
lẽ Sư Cô Minh Tâm lười làm bài tập, (nghĩa là không chịu tìm hiểu một
vấn đề cho cặn kẽ, vì vậy, mới nhận định quá đơn giản về giáo
lý Phật giáo), nên nhìn mọi sự vật hiện tượng đều bị khúc xạ.
Delhi 08/06/2002
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/binhdang-nigioi.htm