Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
THAM LUẬN CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
CẢI CÁCH HÀNH CHÁNH GIÁO HỘI
Hội thảo Kỷ niệm 25 năm thành lập GHPGVN, ngày 15-16/1/2007
Thích Nhật Từ
Phó thư ký
VIỆN NGHIÊN CÚU PHẬT HỌC VIỆT NAM


 

GHPGVN là một tổ chức hành chánh Phật giáo. Vì là một tổ chức hành chánh, nó cũng phải tuân theo các nguyên tắc hành chánh chung, bên cạnh các nguyên tắc hành chánh riêng của Phật giáo (yết-ma). Trong bài tham luận này, thay mặt Hội đồng Quản trị VNCPHVN, chúng tôi xin đóng góp vài ý kiến liên hệ đến cải cách hành chánh giáo hội, đặc biệt là cơ chế, nhiệm kỳ, chuyên môn hoá nhân sự, tuổi tác và nội dung hoạt động của HĐTS và các ban ngành trực thuộc.

 

I. THÁO GỠ CƠ CHẾ TẬP QUYỀN TRUNG ƯƠNG VÀO BAN THƯỜNG TRỰC

Cơ chế hành chánh của GH hiện nay mang tính tập quyền trung ương vào Thường trực HĐTS và Thường trực BTS các Tỉnh Thành hội PG. Tính cách nhất quán trong các hoạt động Phật sự từ TW đến địa phương có thể đạt được từ cơ chế hành chánh này. Mặt hạn chế của cơ chế tập quyền TW trong lãnh đạo và hành chánh GH sẽ dẫn đến tình trạng dẫm chân tại chỗ, vì các ban ngành viện TW bị lệ thuộc quá nhiều vào Thường trực HĐTS, trong khi các ban ngành Tỉnh Thành hội lệ thuộc vào Thường trực BTS Tỉnh Thành hội.

Theo cơ chế hành chánh này, các ban ngành dù có nhiều nhưng phạm vi hoạt động thì chẳng bao nhiêu. Lý do chính yếu là ban ngành có chức danh nhưng thẩm quyền và vai trò chuyên môn thì không tương thích, ngoài việc tư vấn cho Ban Thường thực trực tiếp giải quyết mọi vấn đề liên hệ đến các hoạt động Phật sự, thay vì thực tế nó phải ngược lại.

Từ nhiều nhiệm kỳ qua, Thường trực BTS các Tỉnh Thành hội PG đã trở thành cái đà ngăn cản sự đóng góp Phật sự của các ban ngành trực thuộc. Trong nhiều BTS, Thường trực được hiểu trên ý nghĩa và quyền hạn thực tế thuộc về vai trò của Trưởng ban, Phó thường trực, Tổng thư ký hay Chánh văn phòng. Vai trò nào quyết định mọi hoạt động Phật sự của các ban ngành tuỳ thuộc vào quyền lực hành chánh của một trong bốn vị này, hay sự phối hợp giữa các vị ấy.

Lẽ ra Thường trực chỉ nên đóng vai trò chỉ đạo bằng chính sách và sự thực thi nghị quyết của HĐTS đối với các Ban ngành trực thuộc. Các hoạt động Phật sự mang tính chuyên môn của ban ngành nào thì giao cho ban ngành đó. Làm như vậy thì khối lượng, chất lượng Phật sự sẽ gia tăng và sản phẩm Phật sự theo đó sẽ mang tính giá trị phục vụ cao. Tính cách tập quyền trung ương hiện nay của Thường trực Ban Trị Sự các Tỉnh Thành hội PG sẽ làm tê liệt hoàn toàn các hoạt động Phật sự của các ban ngành. Trong rất nhiều công việc, Thường trực BTS các Tỉnh Thành hội đã dẫm chân lên phạm vi hoạt động của các ban ngành, vì trong Hiến chương và Nội quy các ban ngành không phân định rõ ràng ranh giới hành chánh.

Phương thức hành chánh tập quyền này đi ngược lại tinh thần nhập thế đa dạng của Phật giáo Đại thừa. Hình ảnh của đức Thiên Thủ Thiên Nhãn là một minh hoạ điển hình cho các hoạt động Phật sự đa dạng. Mỗi bàn tay là một cách dấn thân làm Phật sự, được tượng trưng cho mỗi ban ngành. Mỗi con mắt là một tầm nhìn xa thấy rộng, đạo diễn cho bàn tay Phật sự đi đúng quỹ đạo chánh pháp, tượng trưng cho chính sách và giám sát sáng suốt của GH. Đức Phật dù có ngàn tay ngày mắt nhưng chỉ có một thân thể duy nhất, tượng trưng cho một giáo hội hợp nhất các tông môn pháp phái Phật giáo. Chính sách phải thống nhất nhưng thực hiện chính sách phải có nhiều bàn tay và nhiều khối óc. Sự thống nhất về chính sách tượng trưng cho một giáo hội hoà hợp. Mỗi bàn tay và khối óc thực hiện chính sách là mỗi ban ngành và thành phần nhân sự của ban ngành này. Muốn cho chính sách được thực thi với kết quả cao nhất, sự tập quyền vào Thường trực phải được thay thế bằng sự phổ cập đến từng ban ngành và mỗi ban viên.

Để giảm bớt sự tập quyền vào Thường trực HĐTS và Thường trực BTS, các ban ngành trực thuộc TW và các BTS Tỉnh Thành hội và các Ban đại diện PG quận huyện cần có văn phòng làm việc độc lập và cần có con dấu tròn hành chánh độc lập. Thường trực không nên dẫm đạp lên công việc của các Ban ngành. Có như vậy thì các ban ngành mới phát huy hết vai trò Phật sự được giao phó.

Nếu không mạnh dạn thay đổi cơ chế tập quyền cho Thường trực thì các ban ngành sẽ không thể phát huy hết chức năng ban ngành của mình. Sự thiệt thòi thuộc về GH và quần chúng Phật tử.

Một điều nghịch lý khá phổ biến là các Học viện Phật giáo và các trường Trung cấp Phật học đều có con dấu tròn thể hiện hành chánh giáo dục trong khi Ban Giáo Dục Tăng Ni TW và Ban Giáo Dục Tăng Ni thuộc các BTS lại không có con dấu tròn. Cơ quan chủ quản thì không có con dấu hành chánh, trong khi các cơ sở trực thuộc thì lại có đàng hoàng. Nghịch lý đó cũng hiện hữu đối với tất cả các ban ngành TW và tỉnh thành cũng như các Ban Đại Diện PG quận huyện.

Để giảm bớt sự tập quyền vào Thường trực HĐTS và Thường trực BTS, các ban ngành trực thuộc TW và các BTS Tỉnh Thành hội và các Ban đại diện PG quận huyện cần có văn phòng làm việc độc lập và cần có con dấu tròn hành chánh độc lập. Nếu không mạnh dạn thay đổi cơ chế tập quyền cho Thường trực thì các ban ngành sẽ không thể phát huy hết chức năng ban ngành của mình. Sự thiệt thòi thuộc về GH và quần chúng Phật tử.

 

II. NÊN ĐẶT NẶNG NỘI DUNG THAY VÌ HÌNH THỨC

Hoạt động chính yếu của Ban thường trực HĐTS trong các kỳ họp sáu tháng đầu năm và cuối năm là tổng hợp và báo cáo các công tác Phật sự do các ban ngành TW và các BTS Tỉnh Thành gởi về.

Thường trực HĐTS cần phải bầu ra một bộ phận chuyên môn đặt trách về chiến lược và sách lược phát triển GH theo tiêu chí chu kỳ từ ngắn hạn đến dài hạn, chẳng hạn như một năm, năm năm, mười năm, hai mươi năm. Bên cạnh đó phải có ban thanh tra cấp TW và cấp tỉnh thành để giám sát tiến độ thực thi các nghị quyết của GH TW và BTS các tỉnh thành hội PG.

Trong các đại hội thường niên và cuối nhiệm kỳ của HĐTS, chúng ta quá đặt nặng về báo cáo thành tích và khen thưởng, trong khi quá xem nhẹ phương hướng hoạt động cho nhiệm kỳ mới. Hầu như không có phần thảo luận chi tiết để đi đến các chính sách phát triển từng ban ngành sau nhiều năm dấn thân làm Phật sự. Cơ chế tổ chức này làm cho hành chánh PG thiếu tính chuyên môn.

Để có đủ thời gian để giải quyết các vấn đề phát sinh trong suốt quá trình thực hiện các nghị quyết của GH gắn liền với chủ trương nhập thế của PG, mỗi kỳ họp sáu tháng của HĐTS phải kéo dài ít nhất 3 ngày. Nửa ngày dành cho báo cáo và nửa ngày bế mạc, hai ngày còn lại nên phân bổ thời gian thích hợp cho các Phật sự thuộc các ban ngành cần đến sự đóng góp chất xám tập thể của chư tôn đức. Tất cả các uỷ viên của HĐTS cần phải làm việc tích cực để nhằm tìm ra được giải pháp tối ưu cho các Phật sự trọng tâm trong mỗi sáu tháng, nhờ đó, giá trị phục vụ và nhập thế của Phật giáo mới đạt được kết quả cao nhất.

Đối với đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc trước khi bầu lại thành phần lãnh đạo GH, thời gian làm việc của đại hội ít nhất là 11 ngày. Nửa ngày đầu dành cho nghi thức khai mạc và báo cáo thành quả nhiệm kỳ trước, nửa ngày cuối là dành cho phương hướng hoạt động và bế mạc. Trong mười ngày còn lại thì mỗi ngày họp dành cho mỗi ban ngành TW.  Trong lễ khai mạc và bế mạc cần có đông đảo tăng ni và Phật tử tham dự, ngay cả những người không thuộc uỷ viên HĐTS và các ban ngành TW. Trong mười ngày chính của đại hội, chỉ có uỷ viên HĐTS, các BTS tỉnh thành hội, các ban ngành TW và tỉnh thành tham dự, nhằm thảo luận một cách nghiêm túc chính sách phát triển các ban ngành đó, gắn liền với tinh thần nhập thế vốn có của Phật giáo và học thuyết nhập thế đặc thù của PGVN.

Cách làm việc này sẽ giúp chúng ta bỏ đi các nghi thức và chủ nghĩa hình thức rườm rà không cần thiết, tập trung vào các vấn đề trọng tâm, vừa có chiến lược và chiến thuật cho từng ban ngành cụ thể, để mang lại kết quả Phật sự cao nhất.

 

III. GIỚI HẠN SỐ NHIỆM KỲ PHỤC VỤ

Mặc dù không được quy định trong Hiến chương của GH nhưng hầu như các vai trò quan trọng trong HĐTS và các Trưởng ban ngành TW đều là “tại vị vĩnh viễn” theo nghĩa có nhiều vị đảm trách vai trò được GH giao phó từ lúc mới thành lập cho đến bây giờ, ngót 25 năm, không hề thay đổi. Một người dù tài năng đến đâu nếu phải gánh vác một vai trò nào đó nhiều nhiệm kỳ liền thì không thể có nhiều sáng kiến để đóng góp cho ban ngành đó các giá trị phục vụ mới.

Tình trạng tái nhiệm liên tục trong GH, nhìn từ bề mặt cơ cấu hành chánh, tạo cho chúng ta cảm giác “an tâm và an toàn” rằng đường hướng của người tái nhiệm đều đã được hai HĐCM và HĐTS của GH chứng biết, không có gì phải lo lắng. Nhưng về phương diện phát triển GH, sự lưu nhiệm quá hai lần sẽ dẫn đến tình trạng “bị bảo hoà” về chính sách, nội dung, kế hoạch và chiến lược phát triển ban ngành chuyên môn đó.

Đối với HĐCM, sự lưu nhiệm và đôi lúc tại vị vĩnh viễn là cần thiết vì đây là nơi hội tụ chư tôn đức đạo cao đức trọng nhất, hầu làm tiêu điểm về giới hạnh và hành trì. Giới lạp và tuổi hạt của chư tôn đức HĐCM nhiều chừng nào thì giá trị chứng minh sẽ gia tăng chừng đó. Các vai trò quan trọng trong HĐTS như chủ tịch, phó chủ tịch, tổng thư ký và các trưởng ban TW chỉ nên lưu nhiệm tối đa một lần. Tức là tổng thời gian phục vụ cho các vai trò quan trọng của HĐTS không nên quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Hậu quả lớn nhất của hệ thống lưu nhiệm này là chư tôn đức có khả năng gánh vác sẽ nghĩ rằng không ai có đủ năng lực hơn mình để làm tốt công tác Phật sự được GH giao phó. Từ đó có thể nảy sinh thái độ cho rằng tre đã tàn mà măng chưa mọc, dù trên thực tế, các măng tre đã trở thành tre từ nhiều năm trước và đã bắt đầu trở thành tre vàng, thế mà vẫn bị quan niệm là măng chưa mọc!

Chỉ khi nào chúng ta mạnh dạn loại bỏ tình trạng lưu nhiệm ba nhiệm kỳ liền trở lên, cơ cấu hành chánh của GH mới có chỗ cho những tôn đức khác có tâm huyết và đủ tài đức tham gia gánh vác các Phật sự của GH.

 

IV. GIẢI PHÓNG CƠ CHẾ HÀNH CHÁNH KIÊM NHIỆM

Có thể nói mà không sợ sai lầm rằng không có một GH Phật giáo nào trên thế giới có số người kiêm nhiệm nhiều vai trò quan trọng trong một tổ chức GH từ TW đến Ban trị sự Tỉnh Thành Hội như GHPGVN trong vòng 25 năm qua.

Có những lý do khách quan để giải thích sự kiêm nhiệm này. Một trong những lý do căn bản là, lúc đầu, khi GH mới được thành lập, cơ cấu hành chánh hoàn toàn mới mẻ, hơn nữa GH cũng không được trọn vẹn quyền quyết định thành phần nhân sự của mình. Để đảm bảo được tính an toàn trong hành chánh GH nhằm giúp GH định hướng phát triển, việc kiêm nhiệm đã trở thành tình huống bất đắc dĩ. Nhưng dần dà sau 25 năm thành lập và phát triển GH, tình trạng kiêm nhiệm đã trở thành một truyền thống không lành mạnh, làm cho các vai trò quan trọng của HĐTS và các ban ngành TW đã trở thành “tượng trưng.”

Người kiêm nhiệm nhiều ban ngành khác nhau trong GH không có đủ thời gian và sức khoẻ để tham dự các buổi họp dù rất ít ỏi của cơ chế hành chánh GH hiện nay. Nói chi nếu các ban ngành của GH năng động, thường xuyên hội họp và hội họp trong tinh thần hoà hợp để cùng nhau phát triển thì chắc chắn rằng người kiêm nhiệm dù có hoá thân cũng không thể làm tròn Phật sự được giao phó.

Có nhiệm kỳ, chủ tịch HĐTS lại kiêm nhiệm luôn Trưởng BTS Thành hội của một tỉnh thành, phó chủ tịch HĐTS kiêm luôn Trưởng ban ngành TW và thậm chí các phó trưởng ban TW. Có vị kiêm luôn Phó BTS Tỉnh. Tình trạng kiêm nhiệm này đã tạo ra thế chéo cẳng ngỗng theo cách, ở cấp TW thì vị kiêm nhiệm được hiểu là vị có vai trò lớn, trong khi dưới địa phương thì vị kiêm nhiệm đó lại nhỏ hơn các vị lớn nhất của địa phương này.

Có nhiều vị không chỉ có mặt trong cả mười ban ngành TW của GH, mà còn có mặt với tư cách kiêm nhiệm những vai trò quan trọng nhất trong ban ngành được kiêm nhiệm đó. Nếu làm công việc thống kê đơn giản nhất, ta sẽ thấy một điều khá nghịch lý là dù GH có 9 ban ngành TW (mỗi ban 35 thành viên chính thức) và Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam (số lượng thành viên nhiều hay ít tuỳ theo nhu cầu nghiên cứu) thì chúng ta sẽ không có được con số nhân 35 x 9 = 315 thành viên (nếu không tính VNCPHVN). Con số thực tế chỉ đạt được khoảng hơn phân nửa 315 vị. Đó là chưa nói đến tình trạng phần lớn các thành viên trong một ban ngành TW đều có liên hệ và sống cùng nơi với vị Trưởng hoặc Phó thường trực của Ban TW, nên con số thành viên vốn ít ỏi này chỉ tập trung ở TP. HCM, nên không thể nào phổ cập các Phật sự đến các tỉnh thành trên toàn quốc. Từ đó, phát sinh tình trạng các ban ngành TW không làm việc đồng bộ với các ban ngành tỉnh thành Hội PG.

Tình trạng kiêm nhiệm này đã tạo ra sự ách tắt các hoạt động Phật sự của GH. Do vì kiêm nhiệm quá nhiều, tình trạng “nhận chức chứ không nhận việc” đã xảy ra trong GH, từ đó, phát sinh tình trạng dậm chân tại chỗ. Chỉ khi nào chúng ta mạnh dạn giải phóng cơ chế kiêm nhiệm trong GH, chúng ta mới có thể đưa ngôi nhà GH ngày càng phát triển và vững mạnh.

Trên tinh thần phát triển GH, chúng tôi kính đề nghị GH nên tỉnh giảm tình trạng kiêm nhiệm bằng các quy định như sau:

- Chủ tịch HĐTS không nên kiêm nhiệm bất kỳ một vai trò nào thuộc các ban ngành TW và các Ban Trị Sự Tỉnh Thành.

- Phó chủ tịch HĐTS không nên kiêm nhiệm Trưởng hay Phó Ban Trị Sự Tỉnh Thành hội và các Trưởng hoặc Phó trưởng ban thuộc các Ban ngành TW.

- Tổng thư ký và Phó tổng thư ký của HĐTS không được kiêm nhiệm bất kỳ vai trò nào khác, vì đây là trung tâm hành chánh quan trọng nhất của GH, cần phải đầu tư trọn thời gian.

- Các Trưởng và Phó trưởng Ban của các ban ngành TW không nên kiêm nhiệm các Trưởng và Phó trưởng Ban TW khác, đồng thời cũng không nên làm Trưởng hoặc Phó các Ban trị sự Tỉnh Thành hội.

- Trưởng BTS Tỉnh Thành hội không nên kiêm nhiệm bất kỳ vai trò Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐTS hoặc các Trưởng hay Phó trưởng ban các Ban ngành TW, và dĩ nhiên không kiêm nhiệm các Trưởng ban tỉnh thành trực thuộc cấp quản lý của mình.

- Các Phó trưởng BTS Tỉnh Thành hội không nên kiêm nhiệm các vai trò Trưởng ban chuyên môn và chánh phó đại diện PG quận huyện, nói chung các cấp hành hành chánh dưới mình.

- Các Trưởng và Phó trưởng ban các ban ngành Tỉnh Thành hội không kiêm nhiệm chéo lẫn nhau, và dĩ nhiên không nên là thành viên của nhau.

- Trưởng Ban và Phó trưởng ban giáo dục TW không nên kiêm nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó của bất kỳ cấp trường Phật học nào. Hiệu trưởng của các cấp học sơ đẳng, trung đẳng, cao đẳng hoặc học viện không được kiêm nhiệm các cấp học trên hoặc dưới cấp trường mà mình phụ trách.

- Thành viên các ban ngành TW và các ban ngành Tỉnh thành hội, nếu không vì lý do thiếu nhân sự trầm trọng, không nên kiêm nhiệm quá hai ban ngành.

- Các giáo sư và giảng viên các trường Phật học không nên giảng dạy kiêm nhiệm luôn cả các cấp học khác nhau. Tình trạng vừa dạy sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và học viện phải được thay đổi. Nên phân bố các vị tốt nghiệp Cao đẳng loại giỏi giảng dạy các lớp sơ cấp, các vị tốt nghiệp cử nhân Phật học giảng dạy trung cấp và cao đẳng Phật học. Chư tôn đức lão thành và các vị cao học và tiến sĩ Phật học chỉ giảng dạy cấp cao đẳng năm cuối và cử nhân trở lên.

Nói tóm lại, theo cơ chế hành chánh mới này, mỗi người mỗi việc, tuỳ theo sở trường, khả năng, hạnh nguyện và khuynh hướng dấn thân mà chọn ban ngành thích hợp với mình. Mạnh dạn không kiêm nhiệm nhiều chức vụ để tạo điều kiện cho các vị đồng phạm hạnh khác có cơ hội tham gia phụ vụ GH ngày càng phát triển.

 

V. TUỔI TÁC NÀO LÀM PHẬT SỰ ĐÓ

Khi cơ chế hành chánh kiêm nhiệm được giải phóng thì các thành viên của GH từ cấp TW đến Tỉnh Thành và địa phương sẽ chọn cho mình các ban ngành thích hợp với sở trường, chuyên môn, năng lực và hạnh nguyện dấn thân. Để năng lực phục vụ đó đảm bảo được chất lượng phục vụ, tuổi tác cần phải được áp đặt cho các vai trò tương thích trong bộ máy hành chánh của GH.

- Đối với các ngôi vị Pháp chủ và các Phó pháp chủ, tuổi đời tối thiểu phải là 75 và tuổi đạo là 50 hạ lạp trở lên. Vì là những vị đạo cao đức trọng, đã trải qua nhiều năm tháng tu tập và Phật sự hoặc khi hết nhiệm kỳ trong HĐTS, các ngôi vị này được suy tôn và tại vị vĩnh viễn. Khi pháp chủ và phó pháp chủ về cõi Phật, hai HĐCM và HĐTS cần hội họp trong vòng 49 ngày để suy cử một vị tôn đức thích hợp nhất. Không thể để trống ngôi vị pháp của GH, theo cách chờ đến đại hội đại biểu của GH mới suy tôn.

- Đối với các chức vụ trong HĐTS, các ban ngành TW, Trưởng và Phó trưởng ban các BTS Tỉnh Thành hội và các vai trò hành chánh khác của GH đều phải được bầu cử một cách dân chủ, để tìm ra được người có năng lực và tuổi tác thích ứng nhất.

- Chủ tịch, các Phó chủ tịch HĐTS không được quá 75 tuổi đời. Nếu quá tuổi 75 thì nên suy tôn vào hàng chứng minh trong HĐCM. Không nên vừa kiêm nhiệm trong HĐCM lẫn HĐTS. Thư ký HĐTS không quá 70 tuổi. Các vai trò Phó thư ký và chánh văn phòng HĐTS không quá 65 tuổi.

- Các Trưởng Ban Trị Sự các tỉnh thành hội không được quá 75 tuổi. Các Phó trưởng BTS các tỉnh thành hội không được quá 70 tuổi. Tổng thư ký, chánh văn phòng và các trưởng ban thuộc các tỉnh thành hội không quá 65 tuổi.

- Tuổi tối thiểu tham gia vào HĐTS, BTS và các ban ngành TW và tỉnh thành là 30 tuổi đời và 10 hạ lạp. Khuyến khích các tăng ni tài trẻ tuổi có đạo hạnh và năng động vào tất cả các ban ngành của GH.

- Hầu hết các vị uỷ viên HĐTS đều là những vị có tuổi đời từ 50 đến 90 tuổi. Các tỉnh thành miền Bắc do thiếu nhân sự trầm trọng do PG bị suy vong trong thời gian 1945 đến nay và Phật giáo Khmer như những trường hợp ngoại lệ, một vài vị trẻ thuộc U-40 được cơ cấu vào HĐTS. Chưa có một vị tăng ni tài trẻ nào ngoài thường trực BTS tỉnh thành được giới thiệu và trở thành uỷ viên HĐTS. Trong 5 nhiệm kỳ qua, uỷ viên thư ký HĐTS toàn là các vị thuộc hàng U-50. Trong nhiệm kỳ mới này, Ban thư ký HĐTS cũng cần có các vị tăng ni trẻ có tài.

So với nhóm tuổi và nhân sự hành chánh quan trọng của hầu hết các tổ chức Phật giáo trên thế giới thì HĐTS và BTS các Tỉnh Thành hội PG ta có nhóm tuổi lớn nhất. Hàng U-30 và U-40 chưa được một hai phần trăm trong HĐTS và các BTS. Từ gần 10 năm nay, nguồn nhân sự trẻ có nhóm tuổi từ 25-35 chiếm 50% trong các tổ chức Liên Hợp Quốc (United Nations) trên khắp thế giới. Tham khảo mô hình này, đề nghị nên có ít nhất 1/3 số tăng tài trẻ có nhóm tuổi từ 30-45 trong HĐTS và 1/2 trong các BTS tỉnh thành, để vừa tiếp nối truyền thống tốt đẹp của GH và vừa để phát huy nguồn tiềm năng bị bỏ rơi trong nhiều năm qua.

Có thể vì lý do này mà PG chúng ta tuy “dư mà thiếu” nhân sự là vậy. Dư là vì ngày càng có nhiều tăng ni tài tốt nghiệp từ nhiều nước trên thế giới trở về và tốt nghiệp từ các trường Phật học trong nước. Thiếu là vì dù họ có đủ năng lực và tài đức để gánh vác, họ vẫn là những người ngồi chờ cơ hội không biết bao giờ mới đến phiên mình được phục vụ GH. Thành quả 11 năm của GHPGVNTN là một khảo cứu cần thiết cho GHPGVN về cách tuyển dụng và phân bổ nhân tài trẻ. Thành phần nhân sự lãnh đạo Viện Hoá Đạo và các Tổng vụ trưởng thời trước năm 1975 đều là những vị thuộc hàng U-30 và U-40. Sau 30 năm đất nước hoàn toàn giải phóng, lẽ ra, GH hiện tại phải tiến bộ hơn GH trước về phương diện này, nhưng trên thực tế lại lạc hậu hơn nhiều, do vì quá cẩn trọng và thiếu sự tin tưởng vào thế hệ kế thừa.

Hiện nay, nhiều tăng ni trẻ đã mất phương hướng, vì không tìm thấy cơ hội phục vụ GH, do các thế hệ tôn đức đi trước quá “kiên trì” với các vai trò mà mình đã nắm và phục vụ trong nhiều năm qua, đã có khuynh hướng định cư hải ngoại sau khi tốt nghiệp. Nếu HĐTS và các BTS tỉnh thành hội không tạo điều kiện tuyển dụng các tăng ni tài trẻ có đạo hạnh và tâm huyết được cơ hội phục vụ GH thì làn sóng chất xám chảy ra hải ngoại là điều không thể tránh khỏi, như trong mấy năm trở lại đây. Chúng ta tốn quá nhiều công sức để đào tạo nhưng khi thành tài, chúng ta lại đánh mất cơ hội sử dụng sự phục vụ Phật giáo của họ, để các GHPG hải ngoại được may mắn hưởng hoa trái đào tạo này. Mặc dù vẫn biết rằng hiện tượng chảy chất xám ra hải ngoại không phải là hiện tượng “được và mất,” chúng tôi vẫn tha thiết đề nghị GH nên tuyển dụng nhân tài đúng với sở trường và tuổi tác để thành quả Phật sự đạt được ngày càng cao hơn.

 

VI. CHUYÊN MÔN HOÁ NHÂN SỰ

Ngoài đạo hạnh, tâm huyết và tuổi tác tương thích với công việc, nếu các Phật sự không được phân bố theo tính chuyên môn, kết quả không thể đạt được như mong đợi, là điều không phải bàn cải.

Nếu sở trường tạo ra năng lực và hiệu quả Phật sự thì việc chuyên môn hoá cơ cấu nhân sự là điều không thể thiếu. Người có sở trường và chuyên môn nào thì phải được đặt đúng chuyên môn đó thì mới có kết quả tốt nhất trong các Phật sự. Các uỷ viên thư ký của HĐTS phải là những người tốt nghiệp về quản trị hoặc hành chánh, nếu không phải là người ngoại lệ có năng lực hành chánh đặc biệt mà không cần phải trải qua bất kỳ trường lớp nào.

Trưởng phó ban và thư ký của Ban Từ Thiện TW và Tỉnh Thành hội phải được đào tạo về ngành Công tác xã hội hay XHH và phải là những người có thành tích dấn thân vào các hoạt động từ thiện. Các uỷ viên còn lại phải có quá trình tham gia từ thiện và kinh nghiệm hoá độ trong khi làm từ thiện, mang tình thương và tuệ giác của Phật đến với đời.

Giáo Dục TW là ban mũi nhọn quan trọng, vì đó là nơi quy định chính sách và chiến lược giáo dục tăng ni tài của PG. Do đó, Trưởng và Phó trưởng Ban Giáo Dục TW phải có bằng tiến sĩ. Các vai trò thư ký, phó thư ký phải có bằng tối thiểu là cao học. Các uỷ viên còn lại phải có tối thiểu bằng cử nhân Phật học, ngoại trừ đã là những nhà nghiên cứu Phật học lão thành.

Trong nhiều năm qua chúng ta vẫn chưa có được một giáo tài cho bất kỳ ngành học nào từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và học viện. Lý do là vì chúng ta chưa chọn đúng người đúng việc, phù hợp với trình độ chuyên môn. Làm ngành giáo dục PG mà không có kiến thức về GD thế gian và văn bằng tương thích thì nếu không lái sai đường hướng Phật pháp thì cũng không thể đưa giáo dục PG đi lên ngang tầm với nền giáo dục của các nước Phật giáo bạn.

Các Viện trưởng và các Phó viện trưởng của VNCPHVN, Phân viện NCPHVN và các HVPGVN tại ba miền phải là những người có văn bằng, bên cạnh năng lực thực sự và chuyên môn. Chỉ có năng lực chuyên môn mà không có bằng cấp thích hợp theo quy định chung của các nền giáo dục và học thuật thế giới thì các Viện của chúng ta không thể có được tình trạng “được thừa nhận tương đương về văn bằng” trong các cấp đào tạo Phật học của ta so với các đại học cấp quốc gia ở các nước.

Quy định hành chánh và văn bằng của giáo dục PG phải tương thích với quy định của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo trong mỗi quốc gia. Một người không có văn bằng không thể đảm chức vụ quan trọng trong hệ thống giáo dục và VNCPHVN và do đó không thể cấp phát văn bằng cho các nhà nghiêu cứu và các sinh viên theo học. Thành viên Ban Giáo dục Tăng Ni TW mà không có văn bằng cao học, hoặc chỉ có văn bằng cử nhân thì không thể quản lý các Học viện, nơi phần lớn các giáo sư và giảng viên đã hoàn tất tiến sĩ. Cơ chế quản lý ngược đời này cần phải được mạnh dạn thay đổi.

Để làm hiệu trưởng, hiệu phó và giáo thọ trường Sơ cấp Phật học, tối thiểu phải có bằng Trung Cấp Phật học. Để làm hiệu trưởng, hiệu phó và giáo thọ trường Trung Cấp Phật học, tối thiểu phải có bằng Cao đẳng Phật học. Để làm hiệu trưởng, hiệu phó và giáo thọ trường Cao đẳng Phật học, tối thiểu phải có bằng Cử nhân Phật học. Để làm hiệu trưởng Học viện Phật giáo (với cấp đào tạo cao nhất là cử nhân), phải có bằng Cao học Phật học. Để làm hiệu trưởng trường Đại học Phật giáo (với cấp đào tạo cao nhất là tiến sĩ và hậu tiến sĩ), phải có bằng tiến sĩ Phật học hoặc các ngành học liên hệ.

Cũng có thể chấp nhận trường hợp ngoại lệ rằng vị hiệu trưởng, hiệu phó và các giảng viên trường Cao đẳng Phật học không có văn bằng là một vị tôn túc có nhiều thành quả nghiên cứu và xuất bản sách Phật học. Thành quả thực tế này có giá trị tương đương với bằng cấp thực tế được quy định. Nhưng đối với cấp Học viện và Đại học Phật giáo, sự ngoại lệ đó không nên có, ngoại trừ vị ấy được phong hàm giáo sư do các công trình nghiên cứu có giá trị được công bố.

Tương tự, đối với các ban ngành trực thuộc TW và các ban thuộc BTS tỉnh thành còn lại, thành phần nhân sự cũng cần được phân bổ theo tiêu chí sở trường và chuyên môn, để cơ hội đóng góp của họ có thể mang lại nhiều giá trị Phật sự nhất.

***

Trên đây chỉ là vài ý tưởng mang tính mô tả, chưa đi sâu vào phần phân tích và minh hoạ, vì yêu cầu giới hạn số trang. Trước khi dứt lời, kính chúc chư tôn đức HĐCM và HĐTS thân tâm thường an lạc, thành tựu mọi Phật sự, để góp phần đưa vận nước đi lên con đường công bằng, dân chủ và văn minh, và nhất là làm cho Phật giáo Việt Nam rạng rỡ và trở thành sự chọn lựa tâm linh của dân tộc Việt Nam.

 

                                                                            Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11-1-2007

                                                                                                  Thích Nhật Từ

                                                                                                      Phó thư ký

                                                                          VIỆN NGHIÊN CÚU PHẬT HỌC VIỆT NAM

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/caicach_hanhchanh.htm

 


Vào mạng: 1-2-2007

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang