Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

Vài cảm nhận từ giảng đường Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM

Thích Nhuận Thạnh


 

Mùa thu, một lần nữa lại trở về. Ngoài kia, trên con đường Nguyễn Kiệm, tràn ngập những lá me bay. Ngày khai trường đầy ấp những sắc áo nâu, áo lam từ mọi ngã đường ngược xuôi về đại học Vạn Hạnh. Ngày khai giảng cũng là ngày tràn ngập niềm vui mừng của hơn 600 tăng, ni sinh trúng tuyển. Từng ánh nhìn, từng nụ cười và cả trong hơi thở của họ, dường như đang tỏa ra một năng lượng của sự chánh niệm chiến thắng mình. Bởi vì, để được ngồi trên chiếc ghế này, họ phải trải qua biết bao tháng ngày ôn tập, thậm chí có người ôn tập ròng rã đến bốn năm trường. Niềm tự hào của thầy tổ, cha mẹ và chư huynh đệ đồng tu trong chùa, cũng dường như có mặt trong từng hơi thở của họ. Điều đó như đánh dấu một bước ngoặc quan trọng tiên của những người xuất gia trẻ, có đạo tâm và bầu nhiệt huyết cống hiến cho đạo, cho đời.

Học viện Vạn Hạnh hay còn gọi là đại học Phật giáo, một cánh cửa luôn luôn rộng mở nhưng lại rất khó bước vào. Vì rằng, để được ngồi chính thức vào giảng đường này, tăng ni sinh phải mất ròng rã sáu năm trời ngồi trên ghế giảng đường của các trường Phật học – hai năm Sơ cấp và bốn năm Trung cấp. Cái thời gian ấy đã đủ dài để mà người ta lớn lên và dần trưởng thành hơn trong nhận thức và định hướng về tương lai của mình, với tiêu chí (cũ) bốn năm tuyển sinh một lần, khóa này kết thúc mới tiếp tục một khóa học khác. Bản thân tôi cũng là một tăng sinh, hôm nay cũng được ngồi trên ghế giảng đường này, cũng với biết bao vui mừng bỡ ngỡ, thấp thỏm lo âu như bao vị đồng tu khác. Nhưng sự lo sợ kia lại nhường chỗ cho niềm vui mới khi chúng tôi bắt gặp được hình dáng dù nhỏ bé của một vị đại đức, nhưng với tấm lòng cởi mở và nụ cười lúc nào cũng rạng rỡ trên môi, và cặp kiến cận luôn toát lên một nét thông minh kỳ vĩ, làm chúng tôi cảm thấy ấm lòng. Chúng tôi muốn trân trọng nhắc đến tên của con người ấy – chính đại đức tiến sĩ Thầy Thích Nhật Từ. Thầy đã hướng dẫn cho chúng tôi và rất nhiều học tăng, học ni khác vào hội trường dưới tầng hầm với sức chứa hơn sáu trăm người. Và thầy cũng đã sinh hoạt hơn một tiếng đồng hồ về chương trình cải cách của học viện theo chương trình giáo dục hiện đại của các nước Âu Mỹ.

Đó là một chương trình học đặt người học lên vai trò chính còn giáo sư chỉ là người hướng dẫn, và người học đòi hỏi phải có sức phấn đấu và tư duy sáng tạo. Tiếng chuông lại vang lên báo hiệu giờ khai giảng sắp đến, toàn thể tăng ni sinh chúng tôi đều đứng dậy để đón chào chư tôn đức trong Hội đồng điều hành và hơn 48 vị đại đức, sư cô có học vị tiến sĩ và thạc sĩ đã trở về từ khắp mọi nơi trên thế giới để đảm nhận công việc phụ trách các bộ môn trong học viện. Sau lời giới thiệu, chúng tôi được diện kiến Hòa thượng Thích Minh Châu –  vị trưởng lão thượng thủ đã dẫn đầu trong sự nghiệp giáo dục tăng ni tại Việt Nam thời hiện đại. Tuy Ngài tuổi hạt đã cao, nhưng đôi mắt ngời sáng tinh anh, đã hướng ánh nhìn đầy thánh thiện và an lạc về phía tăng ni sinh chúng tôi như gởi gắm biết bao thương yêu và hi vọng, làm chúng tôi xúc động bồi hồi. Có người đã không kiềm được lòng mình và đã rơi nước mắt. Đặc biệt là lần đầu tiên, chúng tôi được nhìn thấy dung mạo của vị thượng tọa giáo sư tiến sĩ Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát) – người có trí nhớ siêu việt mà từ lâu chúng tôi đã ngưỡng mộ thanh danh. Trong mắt chúng tôi, Ngài là biểu tượng của thiên tài. Do vậy, khi được đọc những tác phẩm của thầy, chúng tôi cứ nghĩ thầy chắc hẳn phải là một con người cao to và trịnh trọng. Nhưng giờ đây, trước mắt chúng tôi, thầy như hiện thân của một sự khiêm cung, từ ái. Thầy có dáng người nho nhã, luôn mỉm cười hiền hậu, rất thân thiện và dễ gần gũi. Thầy hiện là Phó viện trưởng thường trực điều hành học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM. Thầy cho biết, chương trình dạy và học trong khóa 6 này đã được cải cách rất nhiều theo tiêu chuẩn của nền giáo dục hiện đại và tiên tiến trên thế giới. Tất cả các tăng, ni sinh muốn tốt nghiệp cử nhân Phật học phải hoàn tất 54 tín chỉ về các môn đại cương. Hoàn tất ít nhất 70 tín chỉ từ một trong sáu nhóm chuyên ngành (gồm Pali, Phạn – Tạng, Trung – Nhật – Hàn, Lịch sử Phật giáo, Phật giáo Việt Nam và Triết học Phật giáo). Chương trình học được chia theo mùa, như học trong mùa Thu thì có những bộ môn nào, và cuối mùa là thi. Mùa Xuân cũng vậy. Tăng ni sinh sẽ được nghỉ trong ba tháng mùa hè để về trú xứ của mình an cư – kiết hạ. 

Đó là một vài nét về chương trình học mà theo chúng tôi, là rất mới lạ và hiện đại, mang sắc thái đặc thù riêng của Phật giáo Việt Nam. Sau đó, chúng tôi được giao lưu với đại đức tiến sĩ tại Hoa Kỳ, thầy Thích Hạnh Tuấn. Thầy đã tâm sự với chúng tôi về những khoảng thời gian khó khăn, vất vả trong khi ngồi trên ghế giảng đường của đại học ở xứ người. Những lời tâm sự của thầy là một bài học kinh nghiệm sâu sắc và bổ ích cho chúng tôi trên bước đường học tập. Sau đó, thầy Nhật Từ cũng đã có phần trả lời cho những thắc mắc của tăng, ni sinh…

Một hồi chuông vang dài, đồng hồ trên tay chúng tôi cũng điểm đúng là 11 giờ trưa, buổi lễ khai giảng tại giảng đường học viện kết thúc, tất cả đại chúng đồng chấp tay hồi hướng. Trong lòng, ai cũng rộn lên một niềm vui vì được học trong một đường hướng cải cách giáo dục mới của học viện, mở ra trước mắt tăng ni sinh một chân trời tương lai tri thức mới mẻ mà mình sẽ được tiếp thu.

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/camnhan_hocvien.htm

 


Vào mạng: 1-10-2005

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang