Đêm
Thơ-Nhạc Chốn Cũ Ngày Về tổ chức tại Hội Trường Thanh Lương, Chùa Phật Đà
ngày 05-05 vừa qua, quả là một tác động không nhỏ đối với người thưởng
thức.
Sự có
mặt của giới trí thức văn hào nhân sĩ đã chứng tỏ sức chú ý, quan tâm của
họ tới dòng nhạc Thiền vừa êm ả nhẹ nhàng, lại thanh thoát thong dong.
Nơi đây, phải kể đến nhà thơ T.K.Thiện Hữu, qua phong cách bình dân, đã
thể hiện những nét chấm phá độc đáo, vừa truyền thống, vừa sáng tạo, vừa
hiện thực, vừa siêu thực, lại tế nhị khéo léo, kết hợp được nét đẹp của
đạo Phật, trong đời có đạo, đạo chẳng lìa đời một cách đậm đà, sống động.
Từ chất
thơ nhẹ nhàng trong sáng êm mát như dòng sông hiền hoà, luôn được phù sa
tụ lại đắp bồi thêm những dưỡng chất ngọt ngào, đã phần nào xoa dịu bao
nỗi đắng cay khô cằn, phần nào xẻ chia những mảnh đời đau thương của trần
thế. Người thơ và nhạc sĩ đã dùng đôi tay tài hoa, khối óc nghệ thuật tinh
tường, chuyển tải thành dòng âm thanh an lạc thanh thoát, giúp cho người
nghe có được những phút giây trầm lắng tâm hồn.
Hơn nữa,
sự có mặt của những tiếng hát, những giọng ngâm thơ, vừa điêu luyện, vừa
nhập tâm, ngọt ngào như dòng chảy tình thương, cao vút như tiếng chim non
hót, hoặc trầm lắng u huyền như tiếng chuông ngân vang trong đêm tịch mịch
thần tiên, đã làm cõi lòng người nghe dấy lên những dòng cảm xúc thán phục,
đã làm trái tim người thưởng thức đi từ những rung động trần tục đến những
rúng động tâm linh và đã để lại trong cõi lòng tất cả mọi người những lung
linh huyền ảo của đêm thiền ca tuyệt vời.
Thật vô
cùng cảm tạ thi sĩ T.K.Thiện Hữu đã cho những áng thơ êm ả, chứa đầy những
chất liệu bình thường trong cuộc sống và những tố chất thanh cao chân
thiện mỹ phi thường.
Bằng
những cảm xúc chất ngất yêu thương tình người, hoà lẫn với sự thẩm thấu
tận cùng bản chất của mọi sự việc và cuộc đời, nhà thơ đã mở ra một chân
trời mới, tưởng lạ mà thân quen muôn thuở, tưởng xa vời mà gần gủi ấm áp
muôn trùng. Chỉ vì chúng ta bị lớp màn ảo hoá hỉ, nộ, ái, ố trong tâm bao
phủ và biến hoá đủ mọi hình tướng, nên cứ đi đông chạy tây vọng cầu suốt
cả cuộc đời.
Còn
người tu sĩ trẻ khác hơn, đã đi vào chốn hồng trần với một tâm hồn thanh
thản, rồi tự mình trang bị thêm những thiên thể tinh anh thoát thai từ vô
lượng kiếp và lòng từ bi bát ngát nhặt được từ cõi Ta bà, để làm gấm hoa
trang nghiêm cuộc thế, để làm vơi nhẹ kiếp người đang trầm luân trong bụi
cát sinh tử luân hồi.
Cát bụi
sinh tử đối với người thơ, chỉ là vòng tròn tiếp nối của sinh diệt không
ngừng, chỉ là chốn tạm dung cho hành giả trên đường trở về cội nguồn tâm
thức thanh tịnh, sâu thẳm vô biên. Từ đó, tác giả sống nội quán sáng ngời
và phát nguyện tuỳ duyên hành đạo:
Ta đi
giữa chốn bụi trần
Kết
thêm thiên thể phù vân vào mình
Ta đi
từ thuở bình mình
Xoay
tròn bụi cát diệt sinh làm nhà
……………………………….
Ta đi
bắt nhịp xây toà
Nắng
vàng rực sáng chói loà chân tâm
Ta đi
tận cõi thậm thâm
Ra vào
trong chốn phù trầm thảnh thơi…
Tuy cõi
Ta bà có trăm hoa đua sắc nở, nhưng cũng không thiếu những úa tàn của hệ
luỵ đắng cay. Chỉ vì con người và cuộc đời để cho tâm hồn chao đảo trong
thế giới nhị nguyên của được-mất, hơn-thua, danh thơm-tiếng xấu, hạnh
phúc-đau khổ. Nhưng nhà thơ đã khuyên chúng ta hãy cố gắng nhìn thật sâu
vào những vết sầu vương trong tâm thức, để một ngày không xa, có thể tự
nhận diện, tự ngắm nhìn đoá hoa chân thường vô ưu hé nở trên vạn nẽo đường
đời:
…………………..
Nơi đây
đoá chân thường
Vui mãi
khách bên đường
Tiêu
dao bao ngày tháng
Nhận
diện hết sầu vương.
Nơi đây
trăm hoa nở
Toả
hương sắc Ta bà
Đừng
trao nhau vị đắng
Không
nhỏ giọt sương sa.
Mặn mà
rồi chóng qua
Cay
đắng cũng chiều tà
Đường
trần ai nào biết
Chân lý
một mình ta.
Thơ ca
đã theo nhà thơ chắp cánh vượt ra khỏi biên giới hạn hẹp của ngôn từ, để
hoà nhập trong thiền định nhất như. Khi tâm linh của tha nhân chưa được
ngọn đèn trí tuệ thắp sáng, thì cõi lòng vẫn còn ngã nghiêng xao động
trong tiếng ồn náo của chợ đời thị phi.
Như một
giao điểm giữa ngày và đêm, giữa vui tươi và sầu khổ, thiền ca đã thực sự
mang lại những hài hoà giữa âm thanh sắc tướng và sẽ đưa con người vào cõi
thậm thâm vi diệu của tình người mênh mông.
Trên
con đường Trung đạo không nghiêng hẳn về hưởng thụ lợi dưỡng hay khắc khổ
nghiệt ngã, nhà thơ đã cho chúng ta thấy giá trị siêu tuyệt của trạng thái
yên tịnh, vượt lên trên cõi thực và mộng. Nhắm mắt tưởng không thấy gì mà
lại thấy tất cả. Còn chúng ta luôn mở mắt, tưởng thấy rõ ràng nhưng có ngờ
lại bị lục trần vây phủ, nên không thấy tường tận điều gì. Tất cả những ảo
ảnh phù du của cuộc đời rồi cùng đi qua như ánh chớp như sương sa. Nên
chi:
Đừng
sống trong lòng dĩ vãng
Tiếc
chi những khối muộn màng
Gửi lại
cho người năm tháng
Trả lại
cho đời thời gian.
Áo vàng
khép trong thành trụ
Chân đi
mở lối vô hành
Tâm
không sẵn sàng đón nhận
Ba ngàn
thế giới diệt sanh.
Nhà thơ
sống giữa cõi trần sừng sững với những bước chân thanh thoát như độc lộ vô
hành. Vô hành cũng là một mắc xích quan trọng trong chuỗi dài sinh tử
trùng trùng điệp điệp. Cái sát na giữa sinh diệt, diệt sanh là vô sinh vô
hành. Đạt đến trạng thái tâm lý này rồi thì có gì mà không buông xả, để
“tâm không” hoá thân vào ba ngàn đại thiên thế giới, gieo mầm sống an lành
trong tâm thức chúng sanh. Rồi nhà thơ trong tư thái tĩnh toạ, ngồi an
nhiên ngắm những yên bình của tâm kinh hạnh phúc:
Thuyền
ai về đổ bến đông
Cho em
gửi trọn tim hồng trắng tinh
Cô liêu
giữa cuộc thế tình
Mà sao
em vẫn minh minh sắc thiền….
Trong
thơ có nhạc, trong nhạc có thơ của thế giới thi ca T.K.Thiện Hữu, chúng ta
luôn thấy nét đẹp trữ tình trong từng giọt sương long lanh óng ả, trong
từng câu kinh vô tự, trong từng sự tĩnh thức mênh mông chờ Phật tâm trùng
khơi mẩn thế:
Sáng
nay nụ sương trên lá
Câu
kinh Bát nhã tìm về
Phật
tâm trùng khơi mẩn thế
Chờ giờ
giải thoát cơn mê…
Và nhà
thơ tìm thấy chân hạnh phúc thanh cao, vượt qua cái nhìn của người đời, mà
tâm không bận vướng trong vòng ngã nhân bỉ thử. Vì đối với thi sĩ, khi con
người tự khám phá và trực nhận ra những đoá sen vàng đang đơm hoa nở nhuỵ
giữa bùn lầy phiền não, thì, cũng chính nơi não phiền ô nhiễm, với sức
công phu của con người, chúng ta có thể biến thành Bồ đề niết bàn tại trần
gian hạnh phúc tươi đẹp này:
………………………
Đoá sen
vàng thơm tinh khiết
Ban bao
thi thiết ngọt ngào
Sáng
nay biết bao phiền não
Trở
thành hạnh phúc thanh cao.
Với
cương vị của một tu sĩ, chúng ta cứ tưởng T.K.Thiện Hữu sẽ không phải
đương đầu với những đau thương của kiếp phong trần. Nhưng, nơi đây, với vị
trí của một nhà thơ, chúng ta lại thấy thi sĩ mời gọi mọi người hãy
thưởng thức những cảnh đẹp của vườn đời và quên đi những bất hạnh nhiểu
nhương của cuộc sống, để cuộc đời đủ đầy sức sống:
Vườn
đời ngát hoa thơm
Dòng
đời tràn suối mát
Cuộc
đời đầy an lạc
Dòng
đời thật bình an…
Nhà thơ
dẫn dắt chúng ta đi về vùng tâm thức ngút ngàn. Qua các nẽo đường chập
chùng tử sinh, để về lại quê hương yêu dấu vô sinh, mà từ vô thỉ tới giờ
chúng ta mãi lạc lối trên đường trần huyễn hoặc.
Trở về
chốn cũ yên ả của thường lạc ngã tịnh, của chân tánh sáng ngời như vầng
nhật nguyệt, mà trãi bao tháng năm chúng ta vô tình để rêu phong bụi bặm
tơ nhện giăng đầy. Chỉ cần trong một phút giây, tiếng chuông ngân đánh
thức tâm hồn, chỉ cần trong một đêm trăng tròn, nhìn ánh trăng long lanh
chiếu sáng, cũng đủ đưa khác lữ hành rong chơi nơi chốn cũ:
………………………...
Sao
không về chốn cũ
Tiếng
chuông ngân từng hồi
Trăng
tròn nơi đồng nội
Như mời
khách sang chơi…
Trước
đây, chúng ta mãi sống trong hoang mang sợ hãi, không biết mình từ đâu đến
và sau này sẽ đi về đâu. Bây giờ biết rõ đường về quê hương tâm thức an
bình, thì có gì lo lắng một ngày sum hợp sẽ trở về. Khách phiêu bạt lãng
tử trở về để nhìn lại diện mục bản lai, nhìn lại chân tánh thanh tịnh của
lòng mình, để xem đoá hoa chân thường hé nụ:
Ngày về
bên dòng suối nhỏ
Ngắm
nhìn diện mục bản lai
……………………….
Quỳnh
hoa tinh tường sắc thể
Mười
phương mai nở chân thường….
Nhà
thơ đã sống hoà đồng với loài người thân thương và vũ trụ nhiệm mầu, bằng
trọn vẹn trái tim yêu thương rộng lớn. Không phân biệt chủ thể và ngã thể,
với cái nhìn Thiền học, nhà thơ như đã thấu thị thân tâm ta và tất cả
chúng sinh đều cùng một bản thể nhứt như. Dẫu vậy, nhưng đôi khi trái tim
thơ cũng rung cảm trước những sinh thể mênh mông để hoà đồng vào đại thể
siêu cùng, hầu phụng hiến cho đời muôn đoá hồng nhung tươi mát, nhằm xua
tan những nóng bức của tháng năm sống trong đau khổ đoạ đày:
Đẹp
thay một cành hoa
Vừa có
hương có sắc
Đẹp
thay mỗi chúng ta
Xuân
lòng sống chân thật…
Bởi vì
nhà thơ không chỉ nhìn cái đẹp qua con mắt nhân gian, mà còn qua cái nhìn
của trí tuệ siêu nhiên bạt ngàn. Vì chỉ có hoa trí tuệ bạt ngàn, hoa lòng
mới không sớm nở tối tàn, không bị rêu phong cùng tuế nguyệt, không bị
trần gian làm huyễn hoặc, mà là những đoá hoa xuân bất diệt:
Đẹp
thay nụ tâm hoa
Nở bông
Ba La Mật
Đẹp
thay khúc thiền ca
Vang
lời Xuân chư Phật.
Trên
hành trình về lại chốn cũ, đôi khi chúng ta cũng vấp ngã và phải ăn năn
sám hối với lòng mình. Sự thành tâm sám hối đó là một phần không thể thiếu
trên đường dài thanh lọc thân tâm trong sạch, để những phiền muộn không
xâm chiếm, để những bước chân không tư lự ngập ngừng, mà mạnh dạn dấn thân
cất bước:
Gió đưa
phảng phất hương trầm
Bao
nhiều phiền luỵ lỗi lầm lắng trong
Dẫu cho
biến cũ ngược dòng
Đò xưa
vẫn đó, khách xưa vẫn chờ….
Nhà thơ
hơn chúng ta vì nhà thơ sống với chính mình. Được khoác lớp áo giáp sắt
Giới Định Tuệ hùng mạnh, được mang trái tim trinh thành và được sống thực
với cõi lòng nơi thiền tự:
…………………
Về nơi
thiền tự làm thơ
Ca bài
vĩnh cửu đốt tờ tâm kinh
Sương
mù chẳng phải vô minh
Nắng
vàng cũng khéo lách mình đi xa….
Không
có sợi dây vô minh nào buộc chặt được bước chân hành giả trên đường về cội
nguồn tâm thức thanh tịnh. Những phù ảo cuộc đời như sương mù long lanh
đọng trên vai người trong thoáng chốc, rồi tan biến dưới nắng vàng rực rỡ.
Chỉ có tình thương chân thật như dòng nước mát vượt qua bao chặng đường
ngăn che, cản trở của núi khe, cuối cùng cũng xuôi chảy ra biển lớn, hoà
nhập vào đại dương bao la ngút ngàn. Đó mới thật là một bài toán mà không
có phép cộng trừ nhân chia nào giải được. Toán số của cuộc đời để đong đo
cân đếm những giọt nước mắt đau thương của nhân thế, nhưng sẽ bất lực và
bị huỷ diệt trên hành trình trở lại biển cả quê hương an bình.
Nói tóm
lại, thơ của T.K.Thiện Hữu như kim cương đã gọt giủa lung linh sáng ngời.
Lời thơ nhẹ nhàng êm dịu thanh cao. Giản dị mà óng ánh pha lê tuyệt sắc.
Ý thơ
vô cùng sâu thẳm mà người thưởng ngoạn chỉ khám phá được chút bề mặt nhỏ
bé mà thôi. Càng đi sâu vào thế giới thơ của T.K.Thiện Hữu, chúng ta càng
thấy mình bất lực trước những trái thơ kỳ diệu của Người. Càng nghe những
lời hát, giọng ngâm của các ca-nghệ sĩ, ta càng thấy chất thơ của Chốn Cũ
Ngày Về càng phong phú đa dạng. Có khi hồn nhiên như trăng đồng cỏ nội, có
khi thâm trầm như ông đồ sáng tối bậu bạn với lý đạo chung trà. Và âm nhạc,
nhạc sĩ đã thăng hoa những lời thơ huyền ảo này thành những âm điệu có lúc
nhẹ nhàng như lời gió thì thầm thương yêu, có lúc phóng khoáng sôi nổi như
sóng thuỷ triều giởn đùa với ghềnh đá chập chùng.
Cuối
cùng, xin cám ơn một đêm Thơ-Nhạc đáng nhớ mà ký ức đã lưu lại như tiếng
chuông ngân vang mãi trong tâm hồn.
Xin cám
ơn CD nhạc Chốn Cũ Ngày Về đẹp như một thông điệp yêu thương bát ngát
hương hoa, chào đón những người con phiêu bạt trở về quê xưa cha đất tổ.
Xin cám
ơn T.K.Thiện Hữu, một tu sĩ thanh cao với tấm lòng vàng, một nhà thơ lớn
trong mắt chúng ta và trong vườn hoa thơ ca dân tộc, với trái tim trinh
khiết chân thành, dám sống, dám làm, hiên ngang như một tráng sĩ thời đại,
một người chèo thuyền quả cảm đưa lữ khách vượt thoát sông mê tìm về bờ
giác. Thật là một đời sống đáng sống, một đời sống đáng cho mọi người
nương theo.
Xin cám
ơn Phạm Cao Tùng, một nhạc sĩ tài hoa, đã đưa những nốt nhạc trầm hùng
thiên thu của dòng nhạc đời vào lời thơ đạo, làm cho người nghe nhẹ bước
đăng trình.
Xin cám
ơn mọi ân tình của ca-nhạc sĩ và những người thưởng thức đêm Thơ-Nhạc đã
phần nào làm tươi mát cuộc đời bằng lời ca tiếng hát, bằng giọng ngâm thơ
và bằng sự hiện hữu ấm áp tình người.
Brisbane,
ngày 09-05-2007
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/choncu_ngayve.htm