Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
CHUYỆN BÊN LỀ VỀ DU LỊCH TÂM LINH TẠI ĐẤT PHẬT

 

  Tổng thống Ấn-độ, tiến sĩ APJ Abdul Kalam, cha đẻ của bom nguyên tử của nước Ấn Độ, phân biệt rạch ròi giữa du lịch thông thường tức tham quan các đền đài bằng xi măng cốt sắt với du lịch tâm linh. Ông lý luận rằng: “du lịch tâm linh hoàn toàn khác với việc tham quan các địa danh và ngắm nhìn các chiều kích vật lý. Du lịch tâm linh có nghĩa là thăm viếng trái tim và tâm trí của những bậc hiền triết tại nhiều địa điểm khác nhau và nhất là những nơi có môi trường văn minh phong phú. Sau khi giác ngộ, đức Phật đã vân du 45 địa điểm thuộc bang Bihar và Utta Pradesh. Có thể khẳng định rằng những nơi đó đều là những nơi giác ngộ, trao tặng cho ta các thông điệp tuyệt vời. Đó là thông điệp của một trường đại học về hiểu biết và hoà hợp thế giới.”

Theo ngài Dalai Lama, du lịch tâm linh là cơ hội quý báu để mở rộng hiểu biết về truyền thống tâm linh của tôn giáo khác, và nhờ đó, góp phần xây dựng hiểu biết và thương yêu cho mục đích phục vụ nhân loại. Ngài tâm sự: “Sau lần đầu tiên đặt chân lên Bồ-đề Đạo Tràng tôi đã vân du khắp nơi trên đất nước Ấn-độ và nhiều nơi khác trên thế giới. Cơ hội tham quan các điểm hành hương của các truyền thống tôn giáo khác đã giúp tôi nhận chân rằng du lịch tâm linh đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi lớn sự hiểu biết và thiết lập sự hoà hợp liên tôn. Tôi tin tưởng rằng chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đảm bảo rằng các tôn giáo lớn trên thế giới sẽ liên kết tiềm năng con người lại, nhằm phục vụ nhân loại và cứu sống hành tinh chúng ta một cách tốt đẹp hơn. Đồng thời, thông qua đó, chúng ta cùng nỗ lực giảm thiểu tối đa các xung đột dưới danh nghĩa tôn giáo.”

Bằng nghệ thuật chơi chữ độc đáo, thượng toạ Dhamma Chariya Ribaun Korn thuộc bộ Tôn giáo và Tín ngưỡng Campuchia, không đồng tình với khái niệm “du lịch tâm linh” và đề nghị đổi thành “du lịch chánh pháp” bởi vì theo thượng toạ: “khái niệm ‘pháp’ chỉ cho thực tại, trong khi khái niệm ‘tâm linh’ hàm ý nhị nguyên. Du lịch chánh pháp có nghĩa là cuộc hành trình với chánh pháp. Không có gì hạnh phúc và an vui cho bằng khi chúng ta đồng hành với chánh pháp. Du khách thường đi trên con đường (walk on a path) trong khi người Phật tử thì thực hành con đường (walk a path). Chỉ khi nào thực hành con đường chân chánh, chúng ta mới hướng đến giải thoát thật sự.”

Hoà thượng Hwang Pyong Jun, phó chủ tịch Hội Đồng Trung Ương, Hiệp Hội Phật Giáo Triều Tiên, đánh giá cao cuộc hội ngộ của các nhà lãnh đạo Phật giáo trong hội nghị này. Theo Hoà thượng, “Thông qua các chuyến hành hương tâm linh về đất Phật, chúng ta có cơ hội hiểu rõ hơn giáo pháp của Phật, đồng thời, trao đổi quan điểm và kinh nghiệm, thiết lập tình hữu nghị, hoà hợp, đoàn kết giữa các pháp lữ trên khắp thế giới. . . Nói cách khác, hành hương về đất Phật là cách thức đưa giáo pháp vào thực tế của hành trì.”

Hoà thượng Tep Vong, tăng thống Phật giáo Campuchia nhấn mạnh đến góc độ các giá trị truyền thống và văn hoá của các Phật tích, và do đó, bảo vệ các Phật tích sẽ trở thành động lực thúc đẩy các chuyến du lịch tâm linh sang đất Phật. Hoà thượng cho biết: “Du lịch tâm linh đến các Phật tích sẽ giúp chúng ta tháo gở được các cảm xúc khổ đau, vun bồi tâm trí và tinh thần minh triết. Du lịch tâm linh rất cần thiết cho tâm trí con người. Nó bao hàm hành trình văn hoá và tìm kiếm các giá trị truyền thống. Duy trì và bảo vệ tốt các Phật tích là phương cách tốt để thu hút các du khách Phật tử đến Ấn-độ.”

Đại đức D.S. Uchida, trưởng phái đoàn Hội Nghiên Cứu Văn Hoá Ấn Độ của Nhật Bản cho biết hằng năm ông hướng dẫn khoảng 300 khách hành hương từ Nhật Bản đến các thánh tích Phật giáo, vì Ấn-độ là đất nước mẹ của đạo Phật. Theo ông, “du lịch Ấn-độ giúp cho du khách không chỉ biết về kiến trúc, lịch sử và văn hoá Ấn-độ cổ đại mà còn là dịp để họ sống với các giá trị tinh thần và tâm linh của đức Phật.”

Tsolmon Omon Emkhbayar, phu nhân của thủ tướng Mông Cổ tâm sự: ‘‘Hội nghị này chắc chắn sẽ đẩy mạnh công nghệ du lịch ở Ấn-độ. Nhưng nếu chính phủ chỉ đầu tư về các phương tiện vật chất mà thiếu đi các phương tiện để phát triển về đời sống tinh thần thì ý nghĩa du lịch tâm linh sẽ không còn.”

Theo Thượng toạ Yataro Daikobara, chủ tịch Hội đồng Ngoại Giao của Hiệp Hội Phật Giáo Nhật Bản, chính phủ Ấn-độ cần tăng cường hệ thống an ninh ngay khu vực tháp Đại Giác cũng như đảm bảo tánh mạng của nhiều nhà truyền giáo Phật giáo tại thánh địa quan trọng này. Bởi vì, theo ông, “Bihar là bang mà phần lớn các thánh tích Phật giáo đang hiện hữu nổi tiếng về thiếu an ninh, nổi loạn, tệ nạn xã hội, đời sống quần chúng nghèo nàn, nạn ăn xin và xả rác. Nếu chính phủ Ấn-độ không quan tâm về những vẫn đề này, du khách ngoại quốc sẽ không an tâm khi đặt chân lên thánh tích Phật giáo.”

Đại đức Ānanda tổng thư ký Hội Phật Giáo Thế Giới tại Bồ-đề Đạo Tràng cho rằng ngoài tháp Đại Giác, “chính phủ Ấn-độ cũng nên lưu tâm hơn nữa đến các di sản văn hoá khác của Phật giáo ở Dharmarajika, Chaukhandi và Dharnek v.v... Các di tích này cần phải được duy trì  và bảo vệ, để tránh tình trạng dân Ấn giáo địa phương làm hư hỏng.” Điều mà đại đức quan tâm hơn là “toàn thể thành viên Hội Đồng Quản Trị tháp Bồ-đề Đạo Tràng phải là những người theo Phật giáo. Bằng không thánh địa Bồ-đề Đạo Tràng sẽ không thể phát triển ngang tầm vóc với MeccaVatican.”

Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây rằng Bồ-đề có được cục diện hôm nay là nhờ vào công của Đại đức Anagarika Dharmapāla, người đã cất tiếng nói yêu cầu chính phủ Ấn-độ giao trả thánh địa này cho cộng đồng Phật tử thế giới. Năm 1891, Anagarika Dharmapala thăm viếng tháp Đại Giác. Khi nhận thấy đại Tháp là nơi linh thiêng nhất và quan trọng nhất của Phật giáo, ông đã nỗ lực vận động bảo vệ thánh địa này làm nơi chiêm bái cho tăng ni và Phật tử. Hội Đại Giác Ngộ (Maha Bodhi Society) được ông thành lập từ đó. Như một chiếc xe tiên phong, ông đã kiện thưa chính phủ Ấn-độ. Kết quả là, vào ngày 23-5-1953, phó tổng thống Ấn-độ lúc bấy giờ là tiến sĩ Sarvapalli Radhakirshnan đại diện cho chính phủ ký sắc lệnh giao trả thánh địa này cho Ban Quản Trị Bồ-đề Đạo Tràng, trong đó, chỉ có một phần ba thành viên là người Phật giáo và 2/3 còn lại là người Ấn giáo. Tình trạng không tương xứng và bất công này vẫn còn tiếp diễn đến ngày nay, thông qua bộ luật về Tháp Bồ-đề Đạo Tràng (Bodhgaya Temple Act) do chính phủ bang Bihar ban hành vào ngày 19-6-1949.

Bồ-đề Đạo Tràng là một trong số 84.000 công trình chùa tháp và các cấu trúc Phật giáo được đại đế A-dục kiến lập vào khoảng 218 năm sau khi đức Phật nhập niết-bàn. Búa thời gian tàn phá và nhất là trận động đất năm 1935 đã làm cho một số bề mặt của tháp bị hư. Những phần hư hỏng đã được phục chế theo nguyên dạng trong mấy năm qua. Nhờ vào những nỗ lực phục chế và bảo quản này, UNESCO mới công nhận Bồ-đề Đạo Tràng là di tích văn hoá thế giới.

Phải nói rằng chính sách liên kết du lịch Ấn-độ với tâm linh Phật giáo là chủ trương rất sáng suốt của chính phủ Ấn-độ. Để tạo cho du khách một cảm giác thoải mái khi đến các Phật tích và làm trổi dậy đời sống giác ngộ của họ tại những nơi tâm linh này, tôi cho rằng chính phủ Ấn-độ cần phải đầu tư nhiều hơn nữa để phát triển công nghệ du lịch, nhưng đừng để cho yếu tố thương mại hoá chi phối du lịch tâm linh. Nói khác đi, một mặt chính phủ nên tạo phương tiện đầy đủ và tiện nghi cho các du khách như nâng cấp đường xá, thiết lập thêm các phương tiện giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường ở những nơi công cộng và các sân ga, đặc biệt là những khu phụ cận các Phật tích v.v... nhưng mặt khác cần khuyến khích và tạo điều kiện cho các giáo hội Phật giáo trên khắp thế giới mở các khoá tu thiền trong khuôn viên của các Phật tích, giúp cho du khách thanh lọc tâm trong những ngày ở trên đất Phật.

Để các Phật tích mãi là sự thu hút tâm linh của du khách, chính phủ Ấn-độ nên tăng cường các đường bay mới từ các thủ đô của các bang quan trọng đến thẳng các thánh địa Phật giáo. Cũng nên có thêm các chuyến xe lữa độc lập dành cho du khách hành hương đến đất Phật. Với hệ thống giao thông trì trệ hiện tại của Ấn-độ, khách hành hương phải mất trung bình 16 ngày mới có thể tham quan được tám thánh tích Phật giáo ở Ấn-độ, đó là chưa nói đến các công trình kiến trúc Phật giáo khác nằm ở Nam Ấn. Trong khi đó, thời gian thông thường mà các du khách có thể có được là 10 ngày. Do vậy, tăng cường thêm các đường bay cũng như các chuyến xe lữa đặc biệt đến các Phật tích là điều rất cần thiết cho công nghệ du lịch tâm linh được phát triển ở bình diện rộng.

Ngoài ra, chính phủ Ấn-độ cũng nên bải miễn visa cho những du khách châu Á hoặc ít ra cũng nên giản tiện thủ tục visa để du khách dễ dàng thu xếp các chuyến hành hương theo ý muốn, không phải lệ thuộc vào sự chờ đợi Sứ quán hay Tổng lãnh sự Ấn-độ xét duyệt. Trong vùng phụ cận các thánh tích, nên xây dựng nhiều khách sạn đủ loại và các căn hộ cho thuê để du khách có thể lưu trú nhiều ngày tại đây. Cũng nên có các nhà hàng với nhiều loại thực phẩm châu Á để giúp cho du khách chưa quen với hương vị thực phẩm Ấn-độ, có thể ăn uống được dễ dàng. Thiết lập các điểm dịch vụ y tế, đáp ứng kịp thời và đảm bảo sức khoẻ cho du khách. Không chỉ xung quanh khu đại Tháp mà toàn bộ quần thể Bồ-đề Đạo Tràng nên được bao bọc bởi một hàng rào với kiến trúc Phật giáo thời kỳ Gupta, vừa đảm bảo được an ninh trong khuôn viên, đồng thời đảm bảo được tính tương thích của hai giai đoạn kiến trúc xưa và nay.

Để biến Bồ-đề Đạo Tràng thành thánh địa linh thiêng nhất của Phật giáo, chính phủ Ấn-độ nên chọn ngày rằm tháng 4, ngày Phật đản sinh, làm ngày hành hương Phật giáo. Lễ hội hành hương về Bồ-đề Đạo Tràng nên được truyền hình và đưa tin trực tiếp. Để biết được số lượng du khách trở về hành hương trong dịp này cũng như trong các thời điểm thuận tiện khác trong năm, Hội Đồng Quản Trị đại Tháp nên phân phối vé vào cửa (dĩ nhiên là miễn phí). Dựa vào số lượng vé vào cửa, chúng ta dễ dàng biết được số lượng khách hành hương đến mỗi năm.

Với những nỗ lực tối thiểu như vậy, tôi tin rằng Bồ-đề Đạo Tràng không chỉ là di tích văn hoá thế giới mà còn tạo tiền đề cho các thánh tích Phật giáo khác được công nh?n với danh hiệu tương tự.

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/chuyenbenle.htm

 


Vào mạng: 4-7-2004

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang