- Cơ Hội Lớn Cho Tất
Cả Chúng Ta
Liên hệ thầy trò
Tôi còn nhớ khoảng năm 1959 tại chùa
Xá Lợi đường Bà Huyện Thanh Quan, Sài Gòn, có một buổi lễ trao truyền
Tam Quy và Ngũ Giới cho một người Pháp. Khoảng hai mươi thầy ở chùa Ấn
Quang, lúc ấy là Phật Học Đường Nam Việt, trong đó có tôi, được mời
tới tham dự với tư cách chứng minh. Ông Mai Thọ Truyền, pháp danh Chánh
Trí, hội trưởng Hội Phật Học Nam Việt, người có công đầu trong công
trình xây dựng chùa Xá Lợi, đã đứng ra thay mặt chư Tăng để làm lễ
truyền Quy Giới. Đã từng là công chức thời Pháp thuộc, ông Chánh Trí
nói tiếng Pháp rất thành thạo, và ông đóng vai trò chủ lễ từ đầu đến
cuối, nghi thức hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Cố nhiên nghi thức này chỉ
được cử hành theo kiểu tuyên đọc, từ dâng hương cho tới hồi hướng,
mà không có âm điệu tán tụng và xướng lễ đi theo như trong nghi thức
truyền thống bằng tiếng Hán Việt.
Hồi ấy có một người Âu châu quy y
theo đạo Bụt là cả một hiện tượng hiếm có. Vì vậy ông Chánh Trí
Mai Thọ Truyền đã xem lễ quy y của người Pháp này như là một biến cố
quan trọng xảy ra cho Phật Giáo Việt Nam và đã tổ chức lễ quy y một
cách rất long trọng. Tôi là ông thầy tu duy nhất trong số các thầy tham dự
lễ quy y nói được tiếng Pháp, nhưng ông Chánh Trí lại không mời tôi
làm chủ lễ truyền giới, có lẽ vì tôi đang còn trẻ quá, chỉ mới
trên ba mươi tuổi. Ông muốn các thầy ngồi đó với tư cách chứng minh
thôi. Dù sao Tam Bảo phải có đủ Bụt, Pháp và Tăng; nếu không có mặt
chư Tăng thì lễ quy y sẽ không có ý nghĩa. Ông Chánh Trí, cũng như rất
nhiều Phật tử Việt Nam, rất hãnh diện khi có một người Tây phương
quy y theo đạo Bụt, nghĩa là theo đạo của mình; vì lý do ấy tổ chức lễ
quy y long trọng cũng là để cho niềm tự ái tôn giáo của mình có dịp
được vuốt ve.
Hồi còn là ông thầy tu trẻ, tôi rất
ghét truyền giới và thu nhận đệ tử. Tôi tự nói: mình dạy cho người
ta học và tu là đủ rồi. Đệ tử xuất gia hay tại gia cũng thế, tôi
không muốn thu nhận. Việc này nên để các thầy khác làm. Nhưng từ tuổi
năm mươi trở đi, nhận thức của tôi đã thay đổi. Tôi bắt đầu thấy
rằng nếu không có liên hệ thầy trò vững mạnh, nếu người tu học không
chấp trì giới luật nghiêm chỉnh thì sự học hỏi và tu tập của họ
không dễ thành công. Điều này tôi thấy rất rõ từ khi tôi đi giảng dạy
tại các thiền viện và trung tâm tu học của người Tây phương. Tôi thấy
sự hành trì giới luật tại các trung tâm ấy có tính cách lỏng lẻo. Họ
có vẻ nghĩ rằng thiền tập không cần phải đi đôi với sự nghiêm trì
giới luật, trong khi đó họ lại chấp hành rất nghiêm chỉnh những hình
thức nghi lễ. Vì không nhấn mạnh tới sự hành trì giới luật và uy nghi
cho nên trong những trung tâm tu học kia thường xảy ra chuyện phạm giới
đưa tới nhiều vụ tranh chấp, tan rã và tai tiếng.
Từ ngày có nhận thức ấy, tôi nhất
quyết đưa ra điều kiện là muốn tu tập với tôi, người thiền sinh phải
phát nguyện tiếp nhận và hành trì giới luật và uy nghi. Tôi bắt đầu
truyền năm giới và giới Tiếp Hiện tại gia. Sau đó tôi cũng bắt đầu
thu nhận đệ tử xuất gia, truyền giới Sa di, Sa di ni, Tỳ khưu, Tỳ khưu
ni và giới Tiếp Hiện xuất gia. Chỉ trong vòng mười lăm năm tôi đã truyền
giới xuất gia cho 120 vị, giới Tiếp Hiện cho 500 vị, giới Tiếp Hiện Xuất
Gia cho trên 100 vị, và năm giới cho trên 50.000 vị, đa số tuyệt đối là
người Âu Mỹ. Có những lễ truyền giới tại Hoa Kỳ trong đó có tới
700 người Mỹ quỳ xuống để tiếp nhận Ba Quy và Năm Giới. Tất cả đều
nhận pháp danh bằng tiếng Mỹ, và pháp danh nào cũng có chữ Tâm (of the
Heart) dấu hiệu cho biết họ thuộc về thế hệ thứ chín phái Liễu Quán
và thế hệ thứ 43 tông Lâm Tế.
Lễ quy y truyền giới cho thiền sinh thường
được tổ chức vào ngày chót của các khóa tu . Những khóa tu đầu tiên
được tổ chức thường chỉ có khoảng từ 50 đến 70 thiền sinh tham dự,
cùng cư trú và tu tập với nhau 24 giờ một ngày suốt trong sáu ngày, tại
một địa điểm chọn lọc thuận tiện, có nơi ngồi thiền, có đường
đi thiền hành, có phòng pháp đàm, có bếp nấu cơm chay. Từ từ số thiền
sinh tham dự các khóa tu càng ngày càng đông. Tu tập có chuyển hóa, có hạnh
phúc, tháo gỡ được khó khăn và phiền não, người ta đồn với nhau, cho
nên các khóa tu từ 50 người tăng dần lên 70, 120, 250, 400, 500 người, ...
Hiện giờ mỗi khi tôi đi hướng dẫn các khóa tu ở Bắc Mỹ thì mỗi
khóa có ít nhất là 1000 thiền sinh tham dự. Nếu có những trung tâm cung cấp
được điều kiện ăn ở cho thiền sinh thì số thiền sinh tham dự các
khóa tu có thể lên tới 1500 người hoặc 2000 người mỗi khóa. Nhưng những
trung tâm như thế hiếm lắm. Hiện giờ tại các trung tâm như Omega,
Ascutney hay trường đại học California ở Santa Barbara có thể quy tụ được
chừng 1200 thiền sinh trong mỗi khóa. Và các trung tâm ấy phải dựng thêm
những chiếc lều vải lớn để đủ chỗ sinh hoạt cho thiền sinh. Vào những
khóa tu có tầm vóc lớn như thế thì vào ngày cuối có thể có tới 700 người
tiếp nhận ba quy và năm giới. Trong số những thiền sinh còn lại, có nhiều
người đã được quy y và thọ giới trong những khóa tu trước rồi. Đặt
pháp danh cho người quy y là cả một vấn đề. Cung cấp 700 pháp danh trong
vòng vài ngày là chuyện không đơn giản. Thường thường các thầy và
các sư cô phụ tá phải dùng tới máy vi tính để chọn và đặt pháp
danh. Pháp danh thay vì có hai chữ thì có tới ba chữ để tránh sự trùng lặp.
Ví dụ pháp danh Tâm Từ (Loving kindness of the Heart) hai chữ, có thể sử dụng
để làm thành rất nhiều pháp danh ba chữ như Tâm Đại Từ (Great loving
kindness of the Heart), Tâm Diệu Từ (Wonderful loving kindness of the Heart) và Tâm
Minh Từ (Shining loving kindness of the Heart) v.v.. Nếu khóa tu được tổ chức
ở Đức thì pháp danh được đặt bằng tiếng Đức, ở Nga thì pháp danh
được đặt bằng tiếng Nga, ở Ý thì bằng tiếng Ý, v.v .. Luôn luôn
trong các khóa tu có những vị xuất gia và tại gia thông hiểu tiếng bản
xứ, do đó đặt pháp danh bằng tiếng địa phương không phải là một vấn
đề khó khăn. Tỷ số thiền sinh thọ quy giới tại Nga là cao hơn hết. Vào
cuối mỗi khóa tu ở Mạc Tư Khoa hay ở St. Petersburg , tỷ số thiền sinh
thọ giới thường lên tới 95%. Tỷ số thiền sinh thọ quy giới tại Ý cũng
rất cao.
Con Đường Sáng
Người xin quy y không cần phải đóng
một phụ phí nào hết, nhưng cần cam kết là sau khi quy y phải thường xuyên
đọc tụng ba quy và năm giới và tham dự các buổi pháp đàm tổ chức bởi
tăng thân địa phương. Nếu trong vòng ba tháng mà không tụng giới ít nhất
là một lần thì lễ quy y tự động mất hết hiệu lực và liên hệ thầy
trò sẽ được xem như là không còn. Nếu muốn thiết lập lại liên hệ
ấy để tu học cho nghiêm chỉnh thì phải xin quy y và thọ giới trở lại.
Mỗi người sau khi quy y được tiếp nhận một Điệp Hộ Giới (Precepts
Supporting Certificate) bằng tiếng mẹ đẻ của mình, trong đó ba quy và giới
tướng năm giới được trình bày đầy đủ. Có trên 600 tăng thân đã
được thiết lập ở các nước để làm nơi nương tựa cho người thiền
sinh đã quy y. Các tăng thân này thường tập họp mỗi tuần để ngồi thiền,
thiền hành, tụng giới và pháp đàm. Thỉnh thoảng họ tổ chức một
ngày quán niệm, một khóa tu cuối tuần, hoặc một khóa tu năm ngày do họ
tự hướng dẫn, hoặc mời một vị xuất gia hoặc một vị Tiếp Hiện tại
gia tu học lâu năm tới hướng dẫn. Thiền sinh đã quy y thường được
khuyến khích đến tham dự vào sinh hoạt tăng thân của địa phương mình
để tụng giới và nuôi dưỡng sự hành trì của mình.
Đa số những người Tây phương quy y
thọ giới là những người gốc đạo Ki Tô hoặc Do Thái. Quy y theo đạo Bụt
đối với họ là một hành động can đảm có tính giác ngộ. Người Á Đông
quy y chỉ là làm theo truyền thống tổ tiên, nhưng đối với người Tây
phương hành động quy y thực sự có tính chất của một cuộc cách mạng
tâm linh. Mỗi khi có một lễ quy y mà thấy hàng trăm người quỳ xuống đọc
lên câu: Con về nương tựa Bụt, người đưa đường chỉ lối cho con
trong cuộc đời, cảnh tượng luôn luôn rất trang nghiêm và cảm động, thấy
mà muốn rơi nước mắt. Người Tây phương tu học theo đạo Bụt đa số
thuộc về giới trí thức và còn trẻ. Những người thủ cựu và ít học
là những người chống đối đạo Bụt, cho đạo Bụt là tà ma ngoại đạo,
so với đạo Ky Tôu:
Xin quý vị đọc bản văn Năm Giới
sau đây trước khi tôi kể tiếp câu chuyện:
Giới Thứ Nhất: Ý thức được những
khổ đau do sự sát hại gây ra, con xin học theo hạnh đại bi để bảo vệ
sự sống của mọi người và mọi loài. Con nguyện không giết hại sinh mạng,
không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác giết hại, dù là
trong tâm tưởng hay trong cách sống hàng ngày của con.
Giới Thứ Hai: Ý thức được những
khổ đau do lường gạt, trộm cướp và bất công xã hội gây ra, con xin học
theo hạnh đại từ để đem niềm vui sống và an lạc cho mọi người và mọi
loài, để chia sẻ thì giờ, năng lực và tài vật của con với những kẻ
đang thật sự thiếu thốn. Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một
của cải nào không phải do mình tạo ra. Con nguyện tôn trọng quyền tư hữu
của kẻ khác, nhưng cũng nguyện ngăn ngừa kẻ khác không cho họ tích trữ
và làm giàu một cách bất lương trên sự đau khổ của con người và của
muôn loại.
Giới Thứ Ba: Ý thức được những khổ
đau do thói tà dâm gây ra, con xin học theo tinh thần trách nhiệm để giúp
bảo vệ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người và mọi gia đình trong
xã hội. Con nguyện không ăn nằm với những người không phải là vợ hay
chồng của con. Con ý thức được rằng những hành động bất chánh sẽ
gây ra những đau khổ cho kẻ khác và cho chính con. Con biết muốn bảo vệ
hạnh phúc của mình và của kẻ khác thì phải biết tôn trọng những cam
kết của mình và của kẻ khác. Con sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ
trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia
đình và của đời sống đôi lứa.
Giới Thứ Tư: Ý thức được những
khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm gây ra, con xin học theo hạnh ái ngữ
và lắng nghe để dâng tặng niềm vui cho người và làm vơi bớt khổ đau
của người. Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hoặc khổ
đau cho người, con nguyện chỉ nói những lời có thể gây thêm niềm tự
tin, an vui và hy vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng sự hiểu
biết và hòa giải. Con nguyện không nói những điều sai với sự thật, không
nói những lời gây chia rẽ và căm thù. Con nguyện không loan truyền những
tin mà con không biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những
điều con không biết chắc. Con nguyện không nói những điều có thể tạo
nên sự bất hòa trong gia đình và đoàn thể, những điều có thể làm tan
vỡ gia đình và đoàn thể.
Giới Thứ Năm: Ý thức được những
khổ đau do sự sử dụng ma túy và độc tố gây ra, con xin học cách chuyển
hóa thân tâm, xây dựng sức khỏe thân thể và tâm hồn bằng cách thực tập
chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện chỉ tiêu thụ những
gì có thể đem lại an lạc cho thân tâm con, và cho thân tâm gia đình và
xã hội con. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy,
không ăn uống hoặc tiêu thụ những sản phẩm có độc tố trong đó có một
số sản phẩm truyền thanh, truyền hình, sách báo, phim ảnh và chuyện
trò. Con biết rằng tàn hoại thân tâm bằng rượu và các độc tố ấy là
phản bội tổ tiên, cha mẹ và cũng là phản bội các thế hệ tương lai.
Con nguyện chuyển hóa bạo động, căm thù, sợ hãi và buồn giận bằng
cách thực tập phép kiêng cữ cho con, cho gia đình con và cho xã hội. Con biết
phép kiêng khem này rất thiết yếu để chuyển hóa tự thân, tâm thức cộng
đồng và xã hội.
Con Đường Tự Do
Văn bản Ngũ giới mà quý vị vừa đọc
là kết quả của sự hành trì và giảng dạy trong suốt 25 năm qua. Giới bản
xưa bao giờ cũng bắt đầu bằng câu: Không được sát sinh hay Cấm sát
sinh. Giới trẻ Tây phương rất ghét cái công thức ra lệnh và cấm cản
đó, cho nên mới nhìn thấy giới tướng năm giới họ đã bị dội, và thường
lắc đầu từ chối. Họ đã từng bị ép buộc, ra lệnh và cấm cản quá
nhiều trong truyền thống cũ của họ. Họ muốn đi tìm một khung cảnh nhẹ
nhàng, dễ thương và có nhiều thoải mái hơn. Vì vậy giới tướng năm giới
phải được trình bày lại để một mặt bản chất của giới pháp còn
nguyên vẹn và hình thức của giới pháp được chấp nhận dễ dàng hơn.
Giới tướng năm giới mà quý vị vừa đọc ở trên đã trải qua ba lần
tu chỉnh. Trong văn bản năm giới hiện thời không có danh từ Phật học
chuyên môn, người không theo đạo Bụt khi đọc hoặc nghe cũng có thể chấp
nhận được như những nguyên tắc hướng dẫn nếp sống tâm linh, gia đình
và xã hội của mình. Có nhiều vị linh mục công giáo và mục sư tin lành
đã tiếp nhận năm giới dưới hình thức ấy và cảm thấy rất thoải
mái, không thấy có gì mâu thuẫn với truyền thống tâu: ‘‘ Không được
sát
Người Tây phương đã không thọ giới
thì thôi, thọ rồi là họ đem ra hành trì ngay. Không nhưngười Á Đông,
quy y và thọ giới xong có khi cả mấy năm sau cũng không có cơ hội nhìn lại
điệp hộ giới, và có thể là không bao giờ đi tụng giới. Thậm chí có
một số các thầy lại quá dễ dãi, nói với đệ tử mình rằng có thể
trì giới một cách linh động: thỉnh thoảng có thể uống một ly rượu,
miễn không say thì thôi, không sao. Ở đây chúng tôi nhất định không chấp
nhận thái độ đó: không thọ giới thì thôi, mà hễ thọ giới thì phải
tụng giới và hành trì một cách nghiêm chỉnh. Về giới uống rượu: một
giọt rượu cũng không được uống. Ly đầu tuy không làm cho ta say nhưng có
tác dụng đưa ta tới ly thứ hai và thứ ba, vì vậy ta phải từ khước
ngay ly đầu. Tại đại hội The State of the World Forum do ông Gorbachev triệu
tập năm 1995 ở San Francisco, tôi đã được mời lên thuyết trình về tương
lai thế giới trước mặt nhiều nhà lãnh đạo văn hóa, khoa học và chính
trị, trong đó có rất nhiều vị nguyên thủ quốc gia tham dự. Tôi chỉ đã
thuyết trình về năm giới, xem năm giới là con đường thoát của nhân loại
trong thế kỷ thứ hăm mốt, và khuyến khích mọi người trở về truyền
thống tâm linh mình để khám phá ra những yếu tố tương đương với năm
giới trong đạo Bụt mà hành trì.
Năm giới không phải là những điều
cấm cản có mục đích giới hạn tự do của con người, trái lại là những
hành trì có công dụng bảo vệ tự do, không để ta rơi vào trạng huống
hệ lụy, chìm đắm, vướng mắc và khổ đau. Bản chất của năm giới là
chánh niệm, là ý thức sáng tỏ biết ta đang nghĩ gì, làm gì, nói gì, là
ánh sáng soi đường dẫn lối cho chúng ta. Học hỏi cho sâu sắc ta thấy năm
giới chứa đựng đầy đủ tuệ giác của Bụt, Pháp và Tăng; hành trì
theo năm giới ta sẽ được Bụt, Pháp và Tăng soi sáng, che chở và yểm trợ.
Có những người hỏi: ‘‘ Tôi chỉ thọ năm giới mà không thọ ba quy,
được không ? ’’ Tôi trả lời: ‘‘ Được lắm chứ. ’’ Theo họ
thì thọ trì ba quy có thể là không còn trung thành với đạo gốc, nhưng
thọ năm giới họ vẫn còn có thể trung thành với đạo gốc của họ
như thường. Thật ra thọ năm giới cũng đã là thọ ba quy rồi, bởi vì nội
dung của năm giới cũng là ba quy. Và quy giới chỉ có thể giúp cho họ hiểu
thêm, bồi đắp và làm giàu cho truyền thống tâm linh gốc của họ thôi
chứ không làm cho họ mất đi gốc rễ. Năm giới không phải là những huấn
thị (commandments) của một vị thần linh ban xuống bắt ta phải làm theo
mà là tuệ giác và kinh nghiệm đạt được do sự thực tập chánh niệm của
nhiều thế hệ. Ta có thể sử dụng kinh nghiệm và trí tuệ ta để học hỏi
về năm giới và để thấy được rằng sự hành trì năm giới đem tới
an ninh, vững chãi và hạnh phúc của ta, của gia đình và đoàn thể ta. Cuốn
sách tôi viết về năm giới xuất bản bằng Anh ngữ là cuốn For A Future
To Be Possible (Để Có Một Tương Lai) đã bán rất chạy và đã soi sáng và
cứu chữa được biết bao nhiêu cá nhân và gia đình. Khi sách này được
xuất bản bằng tiếng Pháp với tựa đề là Changer le Future (Đổi Mới
Tương Lai), nó được tổ chức Club Du Livre mua bản quyền và xuất bản
ngay lập tức trong loại Sách Hay Trong Tháng (Le Livre Du Mois). Sách này đã
được ấn hành trên mười thứ tiếng. Bản tiếng Việt có tên là Kinh Người
Áo Trắng .
Đi Vào Cuộc Đời
Mỗi lần thấy một người quỳ xuống
nhận lãnh ba quy và năm giới là tôi thấy trong lòng ấm áp và hạnh phúc.
Không phải ấm áp và hạnh phúc là vì tôi có thêm một người đệ tử mà
vì tôi có ý thức rằng nhờ sự thực tập quy giới theo thể thức của
Làng Mai mà người ấy sẽ được bảo hộ, chuyển hóa và có cơ hội xây
dựng được gia đình của mình để cùng sống trong an lạc. Cảnh tượng
sáu hoặc bảy trăm người Tây phương quỳ xuống tiếp nhận quy giới luôn
luôn là một cảnh tượng có thể làm rơi nước mắt. Các vị từ Việt
Nam qua có cơ duyên đi dự những khóa tu cho người Âu Mỹ đã có cơ hội
chứng kiến các cảnh tượng ấy, như hòa thượng Minh Thành, ni sư Đàm
Nguyện, v.v.. Ở Việt Nam tại các tổ đình vào những ngày lễ lớn, mỗi
lần có lễ quy y cũng chỉ có năm bảy chục người quy y, thành ra nghe chuyện
sáu hoặc bảy trăm người Mỹ hoặc người Đức quỳ xuống nhận ba quy và
năm giới, người ta khó tin là chuyện có thực, dù cảnh tượng đã được
quay vào băng hình. Ngồi trên bục truyền giới với các vị xuất gia
khác, tôi quán chiếu và thấy đây là công trình hoằng pháp của Bụt và
chư tổ. Chúng tôi chỉ là cánh tay của các ngài. Tôi thường nhắc nhở các
vị đệ tử xuất gia là khi người cư sĩ hướng về người xuất gia để
đảnh lễ, ta phải quán chiếu là họ đang tỏ bày lòng tôn kính của họ
đối với Tam Bảo, và ta phải ngồi thật yên và thở cho có chánh niệm
để họ có dịp thực tập, thấy rằng họ đang kính lạy Tam Bảo chứ
không phải đang sùng kính cái ngã của một ông thầy tu. Quán chiếu như vậy
thì sự cung kính kia sẽ không bao giờ đụng được tới mình và mình
luôn luôn còn duy trì được đức khiêm cung và tuệ giác vô ngã. Nếu
không thực tập thì mình sẽ chết vì sự cung kính của người ta. Tôi
luôn luôn nhớ câu chuyện của quốc sư Ngộ Đạt và vì vậy mỗi khi có
người đảnh lễ, dù là hàng ngàn người đảnh lễ, tôi vẫn an nhiên bất
động, vì tôi thấy rất rõ đối tượng của sự hành lễ của người ta
là Bụt, Pháp và Tổ sư, do đó sự tự hào không bao giờ nẩy sinh trong
tôi. Các vị mới xuất gia lần đầu được mặc áo nhật bình và mang
pháp phục luôn luôn được tôi dạy dỗ như vậy, bởi vì tôi thấy đã
có biết bao nhiêu người xuất gia bị sự cung kính và lợi dưỡng làm cho
hư hỏng và tôi không muốn quý vị ấy bị cuốn theo con đường kia.
Tôi có người đệ tử theo học với
tôi từ hồi còn mười bảy tuổi, tên là Pierre Marchand, người Pháp. Hồi
đó Pierre đã có tài tổ chức những đại nhạc hội để kiếm tiền giúp
Phái Đoàn Phật Giáo tại Paris bảo trợ cô nhi chiến tranh Việt Nam . Sau
đó, lớn lên, Pierre đã thành lập một tổ chức yểm trợ trẻ em thiếu
ăn và thiếu học trong các nước chậm tiến. Tổ chức này là tên là
Partage Avec Le Monde. Tổ chức này đã hoạt động trên hai mươi năm, đã trở
thành một trong những tổ chức thiện nguyện lớn nhất ở nước Pháp.
Pierre rất thương chị Nhất Chi Mai của dòng Tiếp Hiện và cũng đã thọ
giới Tiếp Hiện tại gia với pháp tự là Chân Đại Hội. Từ 1998, Pierre
cùng các bạn bắt đầu vận động để tổ chức Liên Hiệp Quốc đi theo
đường hướng Từ Bi và Bất Bạo Động của năm giới trong ý hướng bảo
vệ và nuôi dưỡng cho trẻ em trên thế giới. Trong số những người yểm
trợ chương trình vận động này có tới gần 20 vị từng được nhận giải
Nobel Hòa Bình. Cuối cùng đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong một buổi
họp vào mùa Đông năm 1998 đã ký nghị quyết số A / RES / 53 / 25 lấy năm
2000 làm ‘‘ Năm Quốc Tế của sự Tu Tập Hòa Bình (International Year For
The Culture of Peace) và lấy thập niên 2001-2010 lành ’’ ‘‘ Thập Niên quốc
tế xiển dương việc tu tập bất bạo động và hòa bình để làm lợi lạc
cho tất cả trẻ em trên thế giới ’’ (International Decade For A Culture of
Peace and Non Violence For the Children in the World.) Tổ chức UNESCO, tức là tổ
chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (United Nations
Educational, Scientific and Cultural Organisation) lãnh trách nhiệm bảo trợ, điều
hợp và xúc tiến việc vận động tu tập và xiển dương này. Tổ chức
UNESCO đã ấn hành một bản Tuyên Cáo (Manifesto) gồm có sáu điểm mà nội
dung tương tợ như năm giới mà ta đang học hỏi và hành trì, nhưng được
trình bày vắn tắt hơn để đại đa số dân chúng trên thế giới thuộc
nhiều truyền thống tâm linh khác nhau có thể đọc, hiểu và tiếp nhận một
cách dễ dàng. Mọi công dân của thế giới được khuyến khích đọc bản
Manifesto này, gắng đem áp dụng trong đời sống hàng ngày trong phạm vi cá
nhân, gia đình và xã hội, rồi quảng bá, giáo dục và yểm trợ cho nếp
sống tỉnh thức theo tinh thần bản Manifesto. Tổ chức UNESCO cũng muốn mỗi
người trong chúng ta sau khi đọc và chấp nhận đường hướng tu tập này,
ký tên vào bản Manifesto và gửi về cho họ. Chúng ta cần ký tên và gửi
về cho UNESCO trước ngày 30.6.2000. Tổ chức này cần một trăm triệu chữ
ký trước ngày đó để trình lên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc họp về
Thiên Niên Kỷ Mới trong tháng chín năm 2000. Tôi rất muốn các bạn tôi,
quen hay chưa quen biết, khởi sự hành động ngay lập tức và vận động
được một triệu người ký từ Việt Nam. Không những người Phật tử cần
ký mà người Nho Giáo, Công Giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, Nhân Bản,
Không Tôn Giáo, Mác Xít cũng cần ký. Mỗi người trong chúng ta nên vận động
ít nhất là 100 người ký, gửi và thực tập bản Manifesto này. Sau khi ký
tên, ta bỏ vào phong bì, dán tem và đề:
Cuộc Vận Động Manisfesto 2000 -
Bưu Chính / UNESCO
BP 3 - 91167 Longjumeau Cedex 9, France
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/cohoilon.htm