Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
ĐÀ LẠT  VẪN  LẠNH
Minh Mẫn

 

Hai giờ chiều mà trời trở lạnh như những năm rừng còn vây phủ thị xã, tuy Đà Lạt có mở rộng, xây dựng khá nhiều, thoáng và đẹp; những con đường quen thuộc của xứ sương mù vẫn lặng lẽ nằm vắt trên đồi dốc, núp dưới rừng thông, thỉnh thoảng khoe mình nơi phố thị đông người để tiển chân du khách, đón các tà áo trắng nữ sinh lãng đãng về trường.Hai bên vệ đường hoa dại vàng đỏ chen  ra khỏi bụi rậm để nhìn phố phường tươi trẻ dưới bầu trời không nắng, phủ tràn gió núi hương rừng.

 Trong thành phố, hình như lượng số nhà tăng không đáng kể, nhưng tăng vẻ thanh lịch về kiến trúc, khách sạn nhiều hơn xưa. Trên đồi cao nhìn xuống các thung lũng quanh Đà Lạt, chùa tháp, nhà thờ xen dặm nhà dân nằm yên ả trong mờ ảo của khí lạnh. Những lũng rẫy trồng rau sạch, phủ màng che chắn như cuộc sống còn ngái ngủ trong mùng. Thật êm ả thanh bình của xứ sở du lịch bốn mùa. Nếp sinh hoạt của phố thị cũng ảnh hưởng sự hối hả của thời đại, nhưng không dấu được nét trầm lắng từ tốn của người dân ẩn tàng vẻ kiêu sa. Các bác xe thồ thong dong vây quanh bên chung trà nóng; Các cô gánh rong đỏng đảnh trong cánh áo len và chiếc nón lá thuỳ mị. Công nhân viên chức các cơ quan công và tư lịch sự trong bộ âu phục veston; ngay cả nhân viên của các nhà xe cũng tươm tất với sắc phục cá biệt, tất cả ăn nói nhỏ nhẹ, thể hiện nếp sống văn minh trong cuộc sống còn nhiều nghèo khó!

Chùa Bửu Châu cách xa Đàlạt trên 10km, nằm trên con lộ sỏi đá, đổ dốc xuống Prenn một thời bị bỏ quên, giờ đây đường đã tráng nhựa, mở rộng và được làm lộ chính song song với đường đèo; sư cô từng gánh gạo, nhan dầu băng qua rừng sâu để từ chợ về chùa, những năm tháng cơ cực đã qua, tuy không có Phật tử tại địa phương, không vận động kêu gọi, ngôi chùa rách nát mưa sa gần 50 năm, thầy trò từng dồn vào một góc, trùm chăn ngủ ngồi mỗi khi mưa về, giờ đây cũng đã khai móng, cơ bản hoàn thành đà kiền nằm chờ đủ duyên lên vách; quý cô  tản mác về Sài Gòn, Nha Trang để đi học, còn lại sư cô trụ trì tuổi tác trên 50, vẫn vui vẻ an lạc ở lại lo cho Tam Bảo giữa bộn bề thiếu thốn!

 Chùa Linh Sơn tại TP Đà Lạt không thay đổi; nghe tin có mặt tại Cao Nguyên, thầy Viên Như điện nhiều lần buộc phải ghé thầy, vì thế vội chia tay với thầy L.T trưởng Ban Từ Thiện Vạn Hạnh, đến hầu chuyện cùng thầy mãi đến 22 giờ. Thầy say sưa trình bày dạng chữ Nôm tân tạo, đơn giản như Hiragana, Katakana; Thầy ưu tư cho một loại mẫu tự dân tộc khi mà Hàn Quốc và Nhật Bản đã có. Thầy hát rất hay và sáng tác đậm nét Phật giáo mang âm hưởng dân ca! TT Tâm Vị, Càng về khuya, cái lạnh từ xương tủy lạnh ra, mặc nhiều lớp áo ấm mà cứ như cơ thể được ướp đá, H.Y chạy xe qua dốc đồi cứ như loài chim biển lượn lờ trên sóng nước; tọa chủ chùa Linh Phước ở Trại Mát cũng liên tục gọi điện cho thầy L.T để về chùa thầy : Anh có tính đi chơi đâu không? Chùa có xe hơi, tôi đưa anh đi! Tuy từng ở Đà Lạt thập niên 60 –70 vào thế kỷ trước, nhưng  chẳng có nơi nào thích đi và cũng không biết đường để đi. Ăn sáng cùng thầy L.T và H.Y, thế mà chưa đầy 15 phút thầy đã gọi ba lần, cuối cùng, một chú ở Vạn Hạnh đưa qua  gặp thầy, cách đó trên dưới 10 cây số. Thầy đứng đợi từ trước sân chánh điện. Chùa Linh Phước còn gọi là chùa sành, chùa miểng, bởi lẽ, tường cột, trần, đều áp lát bằng miểng sành chén dĩa kiểu. Một kho chứa các loại vật liệu ve chai thu mua từ các Thành phố đem về, rất may không ai gọi là chùa ve chai!

Một ngôi tháp chuông bảy tầng, cao 38m, treo  quả Đại Hồng Chung cao 4m34, đường kính gần 2,5m nặng 8.500ký  .Ai có đến thăm chùa mới thấy kỳ công khi đưa quả chuông lên cao mà tầng một chừa khoảng trống vừa bằng miệng quả chuông. Rồi mỗi tầng lên cao đều an vị một tôn tượng bằng gỗ quý, điều ngạc nhiên là tháp xây trước, sau đó  các tôn tượng đều do  người phát tâm cúng sau, không dự tính mà rất tương xứng diện tích nội tháp mỗi tầng.Từng mái cong rồng lượn đều lát miểng kiểu, sắc màu tương hợp và sáng. Trong nội điện  cũng được những người thợ tín tâm làm ngày làm đẽm tỉ mỉ từng màu sắc miểng chọn để trần nhà có sắc màu hài hoà rất nghệ thuật. TT trụ trì chưa qua trường lớp thẩm mỹ, nhưng qua lối cấu trúc tổng thể, cũng toát hiện một tầm cở nghệ thuật cao. Hằng ngày đều có du khách nước ngoài thăm viếng, cũng từ đó, những anh chị mắt xanh mũi lõ biết đến  một ngôi chùa vùng kinh tế mới, cách Đà Lạt độ 40km,  chùa Linh Ẩn, cũng do TT Tâm Vị kiến tạo khi bà con từ Hà Nội vào đây lập nghiệp.

 Thầy đánh xe đưa đến thăm khu Hà Nội  hai.nằm về phía Tây Nam TP Đà Lạt, giáp giới Daklak, Đức Trọng. Tuy là vùng Kinh tế mới, nhưng nơi đây mang dáng dấp một thị trần vùng núi. người dân gọi đây là bãi rác Hà Nội; Sau ngày hoà bình, tội phạm xã hội được đưa vào an trí, vì thế trộm cắp, đâm chém, xì ke tràn lan. Giữa trưa, ít ai dám vào sâu khu thác Voi, kim chích và mọi loại ô tạp đều nằm rãi rác đường xuống thác.Một cô gái đã bị đám thanh niên dẫn vào hãm hiếp rồi vứt xác xuống hố; Chó quanh vùng đều bị sát hại bởi loại thuốc cực độc;( chó là thức ăn phổ biến của miền Bắc hiện nay, họ gọi là văn hoá ẩm thực, đường từ Hà Nội về  sân bay Nội Bài, có một vùng chuyên doanh thịt chó, người dân gọi đùa là khu liên hiêp xí nghiệp thịt cầy.

 Đặc biệt, mãi đến hôm nay, số lượng tử vong của vùng này vẫn ở mức cao, trung bình hàng tháng gần 20 người bỏ mạng. Chết vì bệnh tật thì ít mà chết vì nước và giao thông rất nhiều. Vùng núi mà chết nước, vùng cao ít xe mà chết tai nạn giao thông là chuyện lạ, có người đi xe đạp, ngã sấp vào vũng nước mưa bên đường cũng ra đi! Chùa có hai chú Sa Di, cứ đi đám suốt. Ngày nay, tội phạm đã giảm nhiều nhờ sự hiện diện của ngôi Linh Ẩn. Người Bắc rất có đức tin, mỗi rằm đều đổ về chùa hàng ngàn người, lễ lớn vài mươi ngàn người là chuyện thường. Có người ở xa nhiều km đường rừng, vẫn sốt sắng đi lễ Cách 500m từ cổng chùa, những ngày ấy biến thành chợ nhang. Chính quyền địa phương cũng xác nhận hiệu quả ổn định xã hội nhờ vào nhà chùa. Lịch sử cũng minh chứng, thời đại nào Phật giáo hưng thịnh thì tổ quốc sẽ thanh bình, quốc gia thịnh vượng, thế mà không ít thể chế lãnh đạo đất nước đã từng lũng đoạn chia rẽ Phật Giáo mà không hề nghĩ đến quyền lợi của dân tộc!

Người dân địa phương cũng e sợ sự linh hiển của đền miếu chùa chiền.Có người bị phạt ngay đền thờ hai Bà khi tiểu tiện bừa bãi. Những cán bộ miền Bắc từng một thời ngổ ngáo bất tín, giờ đây cũng tin vào quả báo nhãn tiền, tin là tin mà tham lam của thường trụ vẫn khó bỏ. Một cán bộ Tôn giáo  Lâm Đồng, vợ bị tai nạn giao thông, biến thành  đời sống thực vật, người dân cho đó là quả báo nhãn tiền, nhưng liệu đó là tâm gương cho những ai đang cầm cân nẩy mực công lý?

 Ngôi chánh điện được xây dựng rộng thoáng, bốn mái cong không bị đè nặng bởi rồng phượng  như các chùa vốn có. Phòng ốc đủ tiện nghi; Tuy vùng rừng núi xa phố thị, chùa vẫn có lớp giáo lý hàng tháng cho quần chúng. thầy tổ chức nhiều đoàn thể sinh hoạt theo mô hình các chùa miền Trung.và sắc phục giống đoàn Thanh Niên Thiện Chí trước 1975. Phật tử chia làm 30 tổ, mỗi tổ từ 15 đến 30 người, thay phiên công quả tại chùa mỗi ngày. Vụ mùa gặt hái cà phê thì họ tạm ngưng công quả. Chùa cũng nuôi một số cụ già neo đơn hoặc con cháu quá nghèo, lúc trúng mùa thu hoạch, họ đem cha mẹ về nuôi lại. Có một cụ trên 80 tuổi, thường bị con đánh đập chửi mắng vì nấu ăn phục dịch không vừa lòng con, khi chúng say sưa, bà mẹ đáng thương là chỗ trút mọi bực dọc của chúng. Tuy nước mắt luôn chảy, nhưng cụ bà không chịu về trú ngụ  chùa nuôi.

Linh Ẩn tự từng cúng trai tăng cho 2.000 vị lúc chùa lạc thành, và những bậc danh

tăng, thạc đức cũng đã từng đáo lai thăm viếng

 Nơi đây,Tin lành khó hoạt động, Công giáo cũng không là bao so với chùa Phật.  ở các xã xa xôi, thầy Tâm Vị xin phép cất mỗi xã một niệm Phật đường cho quần chúng dễ bề lễ bái, nhưng không được phép, họ đành vượt hàng chục km núi đồi để rằm nguơn đến chùa.

Đứng trên nền chùa, nhìn núi vây trùng điệp, cứ như là ứng với câu sấm : Hoành sơn nhất đáy vạn đại dung thân. Quả thật, Linh Ẩn hội tụ một phong thái đường bệ, báo hiệu phát triển dài lâu, hiện đang là thắng cảnh cho du khách lai vãng.

 Trên đường về,  ghé Trúc Lâm thiền viện của Thiền sư Thanh Từ, hiện lên cảnh non bồng tuyệt mỹ. Hồ nước lắng im phủ mờ hơi sương chiều, được nâng niu bởi đồi thông và núi xanh; Trên cáp treo nhìn xuống thung lũng, vườn tược, nhà cửa phơi mình dưới ánh nắng chiều le lói như trên máy bay nhìn xuống vùng Thanh Tạng hoang sơ!

 Sau buổi cơm chiều, đàm đạo cùng thầy trụ trì Linh Phước, mới thấu rõ tâm hồn cao cả của chư Tăng trong BTS PG Lâm Đồng, thầy Tâm Vị nói: Chúng tôi là kẻ hậu sinh, chưa từng biết gì về sư ông Nhất Hạnh, cũng không tìm hiểu pháp hành của Làng Mai, nhưng trước sự khó khăn của Bát Nhã, bốn trăm trai trẻ nheo nhóc không nơi nương tựa, mà đáng ra, tuổi đó ở ngoài đời ăn chơi phá phách, chịu khép mình trong tu viện là điều đáng trân trọng, tại sao chúng ta không dang tay giúp đỡ! Có thầy từng can ngăn BTS can thiệp,với lý do – Làng Mai không trực thuộc sự quản lý của Giáo Hội; sư ông làng Mai đáng ra nên có thư gửi gắm  nhờ Giáo Hội giúp, tuyệt nhiên không có một lời.Thế mà chúng tôi vẫn nhiệt tình bảo lãnh để họ tiếp tục tu.Bởi vì ở ngoài xã hội, cha mẹ chia tay, để con bơ vơ bụi đời thì có các cơ quan xã hội từ thiện nuôi dưỡng, trong đạo mang giòng họ Thích, Giáo Hội phải có trách nhiệm cưu mang.

 Nói theo lời của một vị trong BTS PG Lâm Đồng trong buổi phát biểu tại cuộc họp liên tịch vào ngày 19/11/08 tại 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, ngài dí dỏm góp ý: TS Nhất Hạnh và TT Đức Nghi là cặp tình nhân đưa đến hôn nhân hợp pháp qua các văn kiện sinh hoạt tại Bát Nhã, đã sanh ra 400 đứa con, giờ cơm không lành, canh không ngọt, ly dị, chia tay thì phải có trách nhiệm với 400 đứa con đó, Thiền sư không lên tiếng, không có phương án giải quyết, TT Đức Nghi phủi bỏ trách nhiệm.Giáo Hội có trách nhiệm yêu cầu TT Đức Nghi phải giải quyết trực tiếp chứ không thể bỏ mặc như thế.

Toàn BTS đều đồng thuận với quan điểm nhân đạo và hợp lý như thế; do vậy, để nuôi dưỡng 400 đứa con vô thừa nhận và chịu sự hướng dẫn của Giáo Hội, BTS đã tiến hành cho các tân tu được thọ giới trong Đàn truyền sắp tới của Giáo Hội, do thầy L.T chịu trách nhiệm hướng dẫn Tăng Thân lập thủ tục đăng ký.

Và nếu chùa nào có cơ sở nuôi dưỡng được những tu sĩ theo pháp môn Làng Mai như thế, có thể làm đơn xin bảo lãnh, nghĩa là các tu sĩ tại Việt Nam có quyền chọn pháp tu của Làng Mai chứ không phải làng Mai xây dựng cơ sở tại quốc nội. Như thế, trong bất cứ già Lam nào sinh hoạt theo truyền thống, đều có thể dung nạp những tu sĩ hành trì theo bất cứ pháp môn nào, trong đó có pháp Môn Làng Mai, như thế, Làng Mai chỉ có trách nhiệm cung ứng Giáo Thọ để hướng dẫn chứ không thể điều động tu sĩ đó theo tổ chức riêng của Làng Mai. Nếu được thế cũng là điều ổn thoả cho nội tình Phật Giáo Việt Nam.

 Qua sự kiện Bát Nhã ngỡ chừng giữa cá nhân TS Nhất Hạnh và TT Đức Nghi, nhưng âm ỷ bùng nổ để cuối cùng Trung ương Giáo Hội phải vào cuộc. Điều rất lạ là TT Đức Nghi đã ngoại giao từ Trung Ương đến địa phương, nhưng phút chót BTS Lâm Đồng đoàn kết đế tác động Trung Ương giao nhiệm vụ cho Địa Phương xử lý theo chiều hướng êm xuôi nhất. BTS PG LĐ đã thể hiện tính đoàn kết và lòng vị tha, cũng như bản lãnh trước sự tồn vong của đàn hậu tấn, đây là việc làm chưa từng có đi ngược lại quyết định của BTG CP ( Toàn bộ nhân sự BTS PG LĐ không hề vì cảm tình riêng tư hay có mối liên hệ với Làng Mai, nếu không nói các ngài chưa chắc đồng thuận với việc làm của sư ông Nhất Hạnh ) thể hiện tinh thần trách nhiệm của người lãnh đạo tôn giáo phải như thế. Sự liên kết giữa Giáo Hội và chính quyền là điều tất yếu, nhưng không vì thế mà mọi cái Giáo Hội phải chấp hành một cách phi lý. BTS PG LĐ là một giáo hội hội đủ nhiều yếu tố thuận lợi cho Phật giáo địa phương phát triển, vì thế các chùa đều  hoành tráng, tu sĩ phong nhã và Phật tử kiên cố niềm tin hơn.

 Mãi đến hôm nay, Giáo Hội Trung Ương vẫn chưa đưa ra một Thông báo hay quyết định về vấn đề giải quyết Bát Nhã, thì BTS Lâm Đồng căn cứ vào đâu để thi hành. Đã thế, một số nguồn tin cho biết vẫn có cuộc thăm dò, xách động xuyên tạc vụ Bát Nhã theo chiều hướng xấu trước đây. Toàn bộ BTS PG LĐ vẫn một lòng trước sau như một, phải biết rằng, cuộc họp liên tịch chỉ là kế hoản binh, chữa cháy tạm thời khi dư luận đang bộc phát hay là sự sửa sai của những người có trách nhiệm?

 Đà Lạt đang vào mùa Đông, nhà thờ Con Gà tại TP miền cao cũng như các nhà thờ dọc quốc lộ dẫn về Sài Gòn đang quét vôi và chỉnh trang để đón  Noel sắp tới. Ai cũng biết rằng Kito giáo Việt Nam năm nay sẽ thể hiện một mùa Giáng sinh rầm rộ để khỏi bị chìm sau Vesak và không bị thất vọng bởi vụ Thái Hà. Đà Lạt vẫn lạnh nhưng không làm lạnh lòng người trước  bồng bềnh của kinh tế nước nhà, quần chúng Phật tử Đà Lạt cũng không bị cái lạnh làm nguội niềm tin của mình trước xáo trộn trong Phật giáo Lâm Đồng. Khí lạnh làm cho sức khoẻ tốt thêm, cây cối xinh tươi hơn, hoa thêm màu khoe sắc. Khí lạnh đã tác động nhiệt lượng nội tại tăng trưởng, vì thế thần khí của Phật giáo cao nguyên nói chung và BTS LĐ nói riêng tăng trưởng theo cái đẹp của phố phường sương mù. Hy vọng ai đó nghĩ đến sự tồn vong của dân tộc, hãy nghĩ đến sự an bình và đoàn kết của Phật giáo Việt Nam, có như thế Việt Nam mới xanh tươi bốn mùa cho dù không còn khí lạnh mùa Đông.

  

                                                                                   MINH MẪN

                                                                                      04/12/08

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/dalatvanlanh.htm

 


Vào mạng: 25-4-2009

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang