Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
DI MẪU MA-HA-BA-XÀ-BA-ĐỀ

Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề được xem là vị ni nổi bậc xuất chúng hoặc vị sơ tổ trong ni đoàn từ sự kiện di mẫu là người đầu tiên thọ giới làm ni và là người thành lập ni đoàn giới đức. Di mẫu được xưng tán về phương diện tuệ tri chứng đắc bởi vì người là vị lãnh đạo nhóm nữ giới dòng Thích ca đầu tiên, từ bỏ cuộc đời trần tục, sống đời sống viễn ly phạm hạnh, tinh tấn tu tập giới-định-tuệ và chứng quả A-la-hán. Người cũng được biết đã từng là hoàng hậu của vua Tịnh Phạn và là kế mẫu của Đức Phật.

Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề sinh ở Devadaha trong gia đình của vua Suppabuddha, là em gái của Hoàng hậu Maya (Mahamaya), phu nhân của vua Tịnh Phạn (Suddhodana). Di mẫu có hai người con là công chúa Nandà và hoàng tử Nanda. Về sau, cả hai cũng đều xuất gia theo Phật. Bảy ngày sau khi bồ tát Sĩ-đạt-đa (Siddhattha) đản sanh, hoàng hậu Maya qua đời, di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề đã gởi con ruột cho vú nuôi để tận tay di mẫu chăm sóc bồ tát.

Sau khi thành đạo, Đức Phật về thăm lại kinh thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu) và giảng kinh Trì Pháp Túc Sanh Truyện (Dhammapala Jataka) thì di mẫu chứng được quả Tu-đà-hoàn (Sotapanna).

Lúc vua Tịnh Phạn băng hà, Đức Phật đang ở Tỳ-xá-ly (Vesali, còn gọi là Vaishali). Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề quyết định từ bỏ cuộc sống thế gian và đợi dịp thuận lợi để xin phép Đức Phật xuất gia. Cơ hội này đã đến, khi Đức Phật về viếng thành Ca-tỳ-la-vệ để hoà giải việc tranh giành quyền lấy nước của sông Rohini giữa hai dòng tộc Thích ca và Koliya. Khi cuộc tranh cải đang được dàn xếp ổn thoả, Đức Phật thuyết kinh Tranh luận (Kalahavivada), liền đó năm trăm thanh niên dòng Thích Ca được cảm hoá và xin xuất gia. Các bà vợ của họ, do di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề hướng dẫn cũng đến cung thỉnh Đức Phật cho phép họ được xuất gia:

"Bạch Đức Thế Tôn! Thật là một đại hạnh nếu người nữ được phép từ bỏ gia đình, sống đời sống không nhà, theo pháp và luật của đức Như Lai tuyên thuyết".

Đức Phật từ chối liền mà không nói lý do gì cả: "Thôi đủ rồi. Hãy đừng thỉnh cầu việc đó nữa, này Ma-ha-ba-xà-ba-đề!"

Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề lập lại lời thỉnh cầu 2, 3 lần như thế, nhưng Đức Phật một mực từ chối.

Sau đó, Đức Phật về lại Tỳ-xá-ly và ngự tại Mahavana trong giảng đường Kutagara.

Với ý nguyện kiên cường, không nản chí với lời từ chối của Đức Phật, di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề tự xuống tóc, đắp y vàng cùng nhiều nữ quý tộc dòng Thích ca trải qua nhiều gian khổ đi bộ từ thành Ca-tỳ-la-vệ đến Tỳ-xá-ly dài 150 dặm (khoảng hai trăm cây số). Với đôi chân sưng vù, thân thể lấm đầy cát bụi, di mẫu đứng bên ngoài của giảng đường Kutagara. Sự kiện này đã tìm thấy trong Sự Thành lập Ni đoàn chương X của Tiểu Phẩm. Tôn giả A-nan thấy di mẫu đang khóc lóc, đến hỏi nguyên do và sau đó vào bạch cùng Đức Phật rằng:

"Bạch Đức Thế Tôn! Xin hãy nhìn xem di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề đang đứng ngoài cổng với đôi chân sưng vù, mình lấm lem đầy cát bụi và trông rất buồn khổ. Kính xin Như lai hoan hỉ cho phép người nữ được từ bỏ gia đình, sống đời sống không nhà, theo khuôn khổ giáo pháp và giới luật mà đức Như Lai tuyên thuyết. Thật là đại hạnh, nếu người nữ được từ bỏ gia đình, sống đời sống không nhà".

"Đủ rồi, A-nan, Như-lai không thể chấp nhận cho nữ giới xuất gia!"

Mặc dù, A-nan cố van nài 2, 3 lần, nhưng Đức Phật vẫn mực từ chối. Ngài A-nan kính cẩn bạch: "Bạch Đức Thế Tôn! Người nữ có khả năng đạt được thánh quả Tu-đà-hoàn (Sotapanna), Tư-đà-hàm (Sakadagami), A-na-hàm (Anagami) and A-la-hán (Arahant), nếu họ có thể tiến bước từ bỏ gia đình, sống đời sống không nhà, theo khuôn khổ giáo pháp và giới luật mà đức Như Lai tuyên thuyết?"

Đức Phật trả lời rằng người nữ có đủ khả năng để thành tựu các thánh quả.

Khi nghe câu trả lời ấy như được thêm niềm khích lệ, ngài A-nan liền thiết tha kính bạch rằng:

"Bạch Đức Thế Tôn, nếu vậy, người nữ cũng có khả năng đạt các thánh quả. Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề đã có công lớn đối với Đức Thế Tôn. Người vừa là dì ruột và vừa là mẹ nuôi. Người đã nuôi Đức Thế Tôn bằng chính sữa của mình và thương yêu ngài thay cho mẫu hậu. Thế nên, bạch Đức Thế Tôn, hãy từ bi cho các người nữ được phép từ bỏ gia đình, sống đời sống không nhà, theo khuôn khổ giáo pháp và giới luật mà đức Như Lai tuyên thuyết."

Cuối cùng Đức Phật trả lời rằng: "Này A-nan, nếu di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề có thể chấp nhận tuân giữ Tám kính pháp này thì ta sẽ đồng ý cho Bà xuất gia và thành lập giáo hội ni".

Tám kính pháp như sau:

      1. Tỳ-kheo-ni dù cho thọ đại giới 100 năm cũng phải cung kính chấp tay, đảnh lễ và xử sự đúng pháp đối với một tân tỳ kheo dù mới thọ giới một ngày.
      2. Một tỳ-kheo-ni không được an cư nơi không có tỳ kheo tăng.
      3. Mỗi nửa tháng tỳ-kheo-ni cần hỏi thỉnh chúng tỳ kheo tăng ngày đến giáo giới.
      4. Sau mùa an cư kiết hạ, tỳ-kheo-ni cần phải làm lễ tự tứ trước hai bộ tăng già để cầu thỉnh chỉ lỗi nếu có thấy, nghe và nghi.
      5. Tỳ-kheo-ni phạm trọng tội, nửa tháng phải hành pháp Ma-Na-Đoả trước cả hai bộ tăng già.
      6. Sau khi học tập sáu giới pháp trong hai năm, vị ni ấy phải đến trước hai bộ tăng già cầu xin thọ cụ túc giới.
      7. Không vì duyên cớ gì, một tỳ-kheo-ni có thể mắng nhiếc hoặc chỉ trích một tỳ kheo tăng.
      8. Tỳ-kheo-ni không được phê bình tỳ kheo, nhưng tỳ kheo tăng có quyền phê bình tỳ-kheo-ni.

Tám kính pháp này phải tuân giữ trọn đời, phải tôn trọng, kính nễ, không được thay đổi.

Khi nghe ngài A-nan tường thuật lại, di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề rất đổi vui mừng và chấp thuận ngay tám kính pháp này. Do vậy, di mẫu được xuất gia và thọ cụ túc giới.

Vào một ngày nọ, bà đã đích thân đến Đức Phật hỏi về việc phân rõ vị trí đối với nữ giới dòng họ Thích ca. Đức Phật cho triệu tập chư tăng và công bố rằng tăng có thể truyền giới cho ni, nhưng chư ni thì không thể truyền giới cho chư tăng. Bà Ma-ha-ba-xà-ba-đề một lần nữa nhờ ngài A-nan thỉnh xin Đức Phật liệu điều khoản đầu tiên của tám kính pháp có thể được bỏ hoặc thay vào đó bằng việc cung kính đảnh lễ đối với chư tăng và chư ni tuỳ theo hạ lạp. Lời thỉnh cầu này đã bị Đức Phật từ chối vì các bậc trưởng lão và chư tăng luôn ở vị trí cao hơn ni. Điều này giúp cho chư ni tu tập hạnh hạ ngã và khiêm cung.

Trong lịch sử nhân loại, Đức Phật là vị giáo chủ đầu tiên đã thành lập giáo hội ni với đầy đủ giới và luật. Và Đức Phật cũng đã chỉ định tỳ kheo ni Khema và Uppalavanna là trưởng ni trong giới ni, trong khi chỉ định tỳ kheo Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên là chúng trưởng trong tăng đoàn.

Sau khi thọ giới, tỳ-kheo-ni Ma-ha-ba-xà-ba-đề đến đảnh lễ Đức Thế Tôn và xin ngài ban pháp nhũ để di mẫu có thể đạt mục tiêu tối hậu. Đức Phật liền dạy rằng:

"Này tỳ-kheo-ni Ma-ha-ba-xà-ba-đề, cần phải tỉnh thức rõ ràng trong bất cứ giáo thuyết nào nếu có những điều dẫn đến tham vọng – không dẫn đến an lạc, đến lòng ngạo mạn – không dẫn đến tính khiêm cung, đến ham muốn nhiều – không biết đủ, thích cảnh phồn hoa đô thị – không thích ẩn dật, thích hôn trầm lười biếng – không nỗ lực, khó được thoã mãn – không biết đủ; nếu đúng như vậy, thì giáo thuyết ấy không phải là chánh pháp, không phải là giới luật, không phải là lời dạy của bậc đạo sư.

Nhưng cần phải tỉnh thức rõ ràng trong bất cứ giáo thuyết nào nếu có những điều dẫn đến an lạc – không dẫn đến tham dục, dẫn đến lòng tôn kính – không đến tính ngã mạn, dẫn đến muốn ít– không tham nhiều, thích ẩn dật – không thích phồn hoa đô thị, thích nỗ lực – không hôn trầm lười biếng, có hạnh biết đủ– không đòi hỏi; nếu đúng như vậy, thì giáo thuyết ấy hẳn là chánh pháp, là giới luật, là lời dạy của bậc đạo sư".

Sau đó, di mẫu thực tập với lòng tập trung cao độ, đã phát tuệ và chứng đắc A-la-hán trong khi năm trăm vị đồng hành với di mẫu cũng chứng đắc quả vị này sau khi được nghe bài kinh Nandakovada. Trong Trưởng-lão-ni-kệ có ghi lại tám thi kệ của di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề. Bài kệ thứ hai đã bộc lộ sự giác ngộ, niết bàn của di mẫu như sau:

Tất cả khổ đau Ta đã biết,

Khát ái nguyên nhân đã khô kiệt,

Ta đã nương theo Bát chánh đạo,

Con đường chấm dứt sự tử sanh.

"Sabadukkha parinnata hetu tanha visosita,

Ariyatthangiko maggo nirodho phusito maya".

Một dịp khác, tại Trúc lâm (Jetavana) giữa cả hai hội chúng tăng và ni, Đức Phật đã tuyên bố trưởng lão ni Ma-ha-ba-xà-ba-đề đã chứng đắc bởi giới đức, giới hạnh. "Etad aggam bhikkhave mama Savikanam bhikkhuninam rattannunam yadidam Mahapajapati Gotami".

Sau khi thọ giới nhiều năm, Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề đã nỗ lực tu tập, đấu tranh nội tâm, thanh lọc tâm ý đưa đến giác ngộ, giải thoát.

Trong kinh kể rằng một lần nọ, di mẫu đã may một tấm y rất quý và đẹp dâng cho Đức Phật. Nhưng Đức Phật đã từ chối nhận và đề nghị tốt nhất là cúng cho chúng tăng. Di mẫu vô cùng thất vọng, ngài A-nan vì lợi ích của di mẫu nên đã can thiệp. Đức Phật giải thích rằng nếu giữ tâm bình đẳng cúng đều cho chúng tăng thì công đức của di mẫu vô lượng vô biên vì ‘đức chúng như hải’ và cũng là để làm gương cho những ai phát tâm cúng dường tương tự trong tương lai. Nhân dịp đó, Đức Phật thuyết kinh Phân biệt cúng dường (Dakhinavibangavada).

Vào một dịp khác, lúc di mẫu lâm bịnh không có vị tăng nào đến thăm bởi vì giới luật cấm tăng không được thăm ni bị bịnh, chính Đức Phật đã điều chỉnh lại điều khoản này và đã đích thân đến thăm di mẫu.

Thỉnh thoảng sau khi thọ giới rồi trong lúc ở Tỳ-xá-ly, di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề nhận thấy rằng mạng sống của người đã tàn, sắp chấm dứt. Trong Bách khoa Phật học cho biết rằng ngài đã sống thọ đến 120 tuổi. Di mẫu đã đến cáo từ Đức Phật và do Đức Phật yêu cầu người đã thị hiện thần thông để xua tan nghi ngờ về sự chứng đắc của nữ giới. Điều này có ghi trong Apadana như sau:

"Thinam dhammabhisamaye ye bala vimatim gata tesam ditthipahanattham iddhim dassehi gotami".

Cũng có nhiều điềm lạ trong tang lễ của di mẫu. Như thế di mẫu là người duy nhất thứ hai (sau Đức Phật) xuất hiện phép lạ sau khi đã tịch.

Nhiều sớ luận về huyền thoại liên quan đến các Trưởng lão ni ghi rằng vào thời của Đức Phật Padumuttara, di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề đã lập nguyện cầu chứng đắc trí tuệ. Rồi ngài sanh vào một gia đình trưởng giả ở Mamsavati, và khi nghe Đức Phật giảng đến ‘Rattannuta’ cho một vị ni nọ thì di mẫu đã nguyện rằng cầu cho ngài sẽ được sự chứng đắc tương tự và làm nhiều nghiệp lành.

Trong vài kiếp quá khứ, có vài lần di mẫu được sanh ở Ba-la-nại và là người nổi bật nhất trong năm trăm hầu nữ. Khi sắp đến mùa an cư, năm vị Bích chi Phật từ Nadamulaka tới Chư Thiên Đoạ Xứ (Isipatana) tìm nơi trú ẩn. Di mẫu thấy họ bị một trưởng giả từ chối không cho chỗ trú, di mẫu mới thuyết phục những nữ hầu kia. Chồng của một số vị đó đã dựng năm túp lều tranh và cúng dường tứ sự cho các vị Bích chi Phật. Cuối mùa hạ đó, họ còn dâng ba y cho mỗi vị Phật. Sau đó, di mẫu tái sanh ở ngôi làng dệt vải gần Ba-la-nại và một lần nữa cúng dường cho năm trăm vị Bích Chi Phật….

Trong kinh Bổn sanh có đề cập tên Ma-ha-ba-xà-ba-đề vài lần. Di mẫu đã từng là một con khỉ mẹ trong kinh Culanandiya, nàng Canda trong kinh Culla-Dhammapala và Bhikkhadayika, con gái của Kiki, vua xứ Ba-la-nại.

Có một câu chuyện về di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề đã từng là vú nuôi sanh ở Devadaha. Người đã từ bỏ cuộc đời trần gian với nhiều sầu khổ và bị quấy rối bởi tham, sân, si suốt trong hai mươi lăm năm qua. Cuối cùng khi nghe được ngài Dhammadinna thuyết giảng, người đã nhiếp tâm hành thiền, sống hạnh viễn ly và thành tựu đạo quả A-la-hán.

Tóm lại, từ quan điểm lịch sử ni giới, di mẫu là người phụ nữ đầu tiên quan tâm đến quyền lợi nữ giới nếu không muốn nói là quyền con người. Giáo lý Đức Phật là giáo lý duy nhất vào thời đó đã nhận ra sự bình đẳng tâm linh giữa mọi giới tính. Đi theo đạo Phật là con đường duy nhất để thoát khỏi xiềng xích nô lệ. Đạo Phật tôn trọng và đối xử tất cả mọi người một cách bình đẳng. Di mẫu đã thuyết phục được Đức Phật cho nữ giới xuất gia, vì lời thỉnh cầu của di mẫu là hợp lý với quan điểm này của Đức Phật.

WUS University Hostel, Delhi 25-01-05

THAM KHẢO

  1. Encyclopaedia of Buddhism, Vol. VI, published by the Department of Buddhist Affairs, Ministry of Buddhasasana, Sri Lanka, 2002.
  2. The Buddha and his Teachings, Narada, Buddhist Missionary Society, Malaysia, 1977.

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/dimau.htm

 


Vào mạng: 26-02-2005

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang