Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
ĐẠO PHẬT VỚI VẤN ĐỀ ĐOÀN KẾT  

 

Trong Đạo Phật tồn tại nhiều giáo lý cao đẹp mà các tôn giáo khác khó có, ví dụ như giáo lý Vô ngã, giáo lý Từ bi, các Thánh quả, giáo lý Nhân quả vân vân. Khi theo Đạo Phật, chúng ta cảm thấy yên tâm vì chân lý từ trong đó cho chúng ta sự vững chải, sự tự tin. Đạo Phật cũng cho chúng ta một lý tưởng sống đẹp đẽ khi chúng ta biết quên mình vì tất cả. Đạo Phật cũng dạy chúng ta biết giữ tâm bình yên thanh thản trước vô số nghịch cảnh của cuộc đời khiến ta đỡ đau khổ hơn. Quả thật Đạo Phật là lẽ sống đầy lợi ích cho nhân loại mãi mãi hôm nay và mai sau.

Khi nhìn những bậc xuất gia sống đời thanh bai giải thoát, chúng ta càng hy vọng nhiều hơn, tin tưởng nhiều hơn nơi giáo lý của Phật. Chúng ta tin rằng Đạo đức là điều không khó thực hiện, sự Giải thoát là điều không huyền hoặc. Nếu mỗi người cố gắng, thì chân lý vi diệu trong lời Phật dạy là hoàn toàn có thể hiện hữu trong đời sống, trong tâm hồn của từng chúng ta.

Chúng ta tự hào vì đã may mắn đặt cuộc đời mình đi theo bước chân vĩ đại của Đức Phật như thế.

Nhưng cũng từ rất lâu, mọi người đều ngạc nhiên vì sự chia rẽ trầm trọng trong Đạo Phật! Dường như ít ai bằng lòng ai trong Đạo Phật. Các tông phái cạnh tranh chia rẽ nhau đã đành, ngay cả từng chùa trong cùng một tông phái cũng hục hặc với nhau. Rồi giữa quý thầy quý cô cũng thường xuyên xảy ra xung đột về đủ thứ mọi vấn đề của đời sống. Rõ ràng là không hề có sự đoàn kết hòa hợp hợp tác trong Đạo Phật mặc dù giáo lý Lục Hòa luôn được ghi lên vách chùa.

Chúng ta hãy điểm qua một số điểm chính của sự chia rẽ như thế.

*Trước hết là cạnh tranh hơn thua về phương pháp tu hành. Trong Đạo Phật có nhiều pháp môn tu tập. Các pháp môn đó hình thành các tông phái riêng rẽ. Hai tông phái lớn là Nam tông Theravada và Bắc tông Đại thừa.

Theravada cũng chia ra nhiều trường phái thiền khai thác các ưu điểm của Tứ Niệm xứ, Minh Sàt tuệ. Nhưng nhờ trung thành với kinh điển Nguyên Thuỷ nên Trong Nam tông không có vẻ chia rẽ nhiều lắm.

Bắc tông thì thiên biến vạn hóa, kinh điển phong phú, pháp môn mênh mông. Mỗi tông phái trong Bắc tông có nét đặc thù riêng, và do đó, sự chia rẽ cũng rõ nét hơn.

Hiện nay Bắc tông tồn tại ba tông phái lớn là Thiền tông, Tịnh độ tông, và Mật tông. Bên cạnh có những tông phái nhỏ hơn như Thiên Thai giáo quán tông, Pháp Hoa tông… Nói tông phái cho vui vậy thôi chứ không hề có sự gắn bó liên kết giữa các chùa trong cùng một tông phái với nhau.

Rồi trong cùng một tông phái như Thiền tông, người ta lại chia ra nhiều nhánh nhỏ theo sở trường tu tập riêng. Có người tự nhận mình là chánh tông Tổ sư thiền để đả kích chê bai các Thiền phái khác.

Sự cạnh tranh hơn thua về phương pháp tu tập rất gay gắt và âm ỉ qua nhiều thế kỷ. Ai cũng cho pháp môn mình là hay hơn các pháp môn khác để lôi kéo tín đồ. Sự cạnh tranh hơn thua về pháp môn, kỳ thực, vẫn phảng phất sự tranh dành thế lực và lợi dưỡng.

*Kế đến là sự chia rẽ vì hình thức của tông phái.

Ở Việt Nam có 3 hình thức tông phái: Nam tông Theravada, Bắc tông Đại thừa, và Khất sĩ (trong đó Khất sĩ Minh Đăng Quang là đại diện chính).

Nam tông mặc y theo truyền thống giống như Ấn Độ. Khất sĩ giống Nam tông nhưng các mảnh điều trên tấm y thì nhỏ hơn tượng trưng cho khổ hạnh. Bắc tông thì cải cách theo gần với y phục cổ truyền dân tộc. Tùy theo mỗi quốc gia mà y phục của Bắc tông sẽ phù hợp gần như thế.

Trong 3 tông phái này thì Khất sĩ có vẻ còn giữ được mức độ liên kết hợp tác với nhau hơn cả. Có lẽ cũng vì hệ phái Khất sĩ chưa phát triển lớn trên quy mô toàn cầu như các hệ phái khác. Nhưng cũng có thể Khất sĩ sẽ giữ được sự gắn bó như thế lâu dài hơn. Riêng Bắc tông thì phân hóa trầm trọng nhất, không hề có mối liên quan giữa các chùa, các Tổ đình, mà chỉ có mối liên hệ đơn giản theo Giáo hội. Ngay trong Bắc tông, sự chống đối lẫn nhau cũng dễ xảy ra hơn.

 

* Chia rẽ vì tranh dành tín đồ.

Đây là nguyên nhân chính của mọi cuộc chia rẽ tranh chấp hơn thua trong Đạo phật. Nhiều bài kinh hay lời phát nguyện trong Đạo Phật đều nói đến lý tưởng giáo hóa tất cả chúng sinh, độ tận chúng sinh. Tuy nhiên trong Đạo Phật không hề có phương pháp cụ thể để phát triển tín đồ một cách đồng bộ nhịp nhàng giữa các tu sĩ với nhau. Mỗi vị tự đi tìm cách thức riêng, tìm những mối quan hệ riêng để phát triển tín đồ. Vì hoàn toàn riêng rẽ nên đưa đến đụng chạm với nhau. Ai cũng muốn dành nhiều tín đồ cho mình, và tìm cách cản trở vị khác phát triển tín đồ. Các vị tu sĩ Phật giáo không quan tâm đến việc phát triển tín đồ mới, mà thường là tranh nhau những tín đồ đã là Phật tử rồi. Đây là nhược điểm lớn của các tu sĩ Phật giáo. Nhìn thấy quần chúng đông đảo, tu sĩ Phật giáo ít bận tâm xem họ đã theo Đạo Phật chưa, ít bận tâm phải tiếp cận giáo hóa cách nào, trong khi các tôn giáo khác như Thiên chúa, Tin lành, Hồi giáo thì luôn tìm cách phát triển tín đồ mới, có khi lấn sang Đạo Phật.

 

* Tranh dành uy tín với nhau.

   Trong việc tranh dành tín đồ, các tu sĩ Phật giáo buộc phải tranh dành uy tín tiếng tăm lẫn nhau. Nếu việc cạnh tranh uy tín một cách lành mạnh bằng cách mỗi người tự hoàn thiện mình hơn thì rất tốt, rất có lợi cho Đạo Phật, rất có lợi cho Phật tử. Nhưng tiếc thay, các vị hay cạnh tranh bằng cách triệt hạ uy tín lẫn nhau, bằng cách nói xấu lẫn nhau mà không chịu lo hoàn thiện bản thân mình. Trên bục giảng, các giảng sư công kích, hoặc công khai, hoặc xỏ xiên với nhau. Trong tiếp xúc chuyện vãn hằng ngày, các tu sĩ hay kể chuyện xấu của những vị khác. Riết rồi nhiều vị bị bệnh tâm lý nặng là thích nói xấu người khác, như là món quà tặng mọi người trong khi gặp gỡ.

Khi nghe vị này nói xấu vị kia, Phật tử có tâm trạng là chán cả người nói xấu lẫn người bị nói xấu. Và nói chung, Đạo Phật bị mang tiếng xấu, vì ai cũng xấu.

Nếu các tu sĩ nói tốt lẫn nhau, Phật tử sẽ quý mến cả người khen và người được khen. Và nói chung, Đạo Phật được tiếng thơm chung, vì ai cũng tốt.

Nhiều người đi vào chùa xuất gia, cứ nghe những vị lớn suốt ngày nói xấu thiên hạ, nói chuyện xấu các vị khác, họ dễ bị tiêm nhiễm như là học một bài học đầu tiên đầy nguy hiểm.

Đạo Phật suy yếu vì tệ nạn nói xấu lẫn nhau giữa các tu sĩ. Các tôn giáo khác mỗi ngày phát triển tín đồ mạnh mẽ, trong khi Đạo Phật dường như dậm chân tại chỗ vì cứ lo chống đối lẫn nhau. Ai có vẻ hơi vượt trội liền bị vô số người khác níu xuống, cũng bằng cách công kích dữ dội.

Trong chiến lược phát triển tín đồ, Thiên chúa giáo không hề sợ Đạo Phật vì họ nhận định rằng Đạo Phật không đoàn kết nên không đáng ngại. Đây là nỗi đau của tất cả những người con Phật.

Có lẽ từ nay, nếu nghe ai nói xấu ai, Phật tử phải nghiêm khắc lên tiếng rằng: “Thưa thầy, hoặc cô, con không thích nghe những lời nói xấu vị khác. Hãy cho con nghe những điều tốt để con học hỏi mà thôi!”  Có lẽ Phật tử sẽ là những người đi tiên phong trong việc chống lại tệ chia rẽ trong Đạo Phật.

 

* Chia rẽ vì tranh dành quyền lợi

Tham lam lợi lộc vật chất là thói thường của người đời. Lẽ ra người tu phải thoát ra khỏi sự tầm thường đó. Nhưng do bị ảnh hưởng bởi lối sống của cư sĩ, người tu cũng dần dần có nhiều nhu cầu hơn trước. Rồi giữa những người tu cũng có sự đua đòi ngấm ngầm khi có những vị đầy phước báo nên sung túc khiến những vị khác không muốn bị thua kém.

Tuy nhiên để đạt được lợi lộc, tu sĩ phải tranh dành tín đồ, ân cần với người giàu, tranh nhau  đi dự các đám cúng kiếng… Tệ hơn nữa là nói xấu qua lại để lôi kéo tín đồ về phía mình.

Hai cộng với hai sẽ thành bốn, nhưng hai trừ đi hai sẽ bằng zero. Nếu các tu sĩ đoàn kết với nhau thì Đạo Phật sẽ có được sức mạnh phi thường để làm lợi ích cho chúng sinh. Nhưng nếu các tu sĩ chống đối lẫn nhau thì Đạo Phật tự nhiên bị triệt tiêu mất dần.

Các tôn giáo khác đang mỗi ngày ngồi đếm số tín đồ mà họ vừa mới lôi kéo được, trong khi các tu sĩ Phật giáo đang bận tâm lo chia rẽ chống đối lẫn nhau. Theo thống kê mới nhất, Việt Nam chỉ có 10 triệu tín đồ Phật giáo, xấp xỉ với 8 triệu tín đồ Thiên chúa giáo. Nhưng 10 triệu tín đồ Phật giáo thì rời rạc chia rẽ, còn 8 triệu Thiên chúa thì đồng lòng đoàn kết. Như vậy thì đủ hiểu rằng chúng ta đã sai lầm gì đó mà với một đất nước có hơn ngàn năm Đạo Phật lại thua hẳn một tôn giáo mới đặt chân đến vài trăm năm.

Các tôn giáo bạn thì vừa có nhiều tiền, vừa tổ chức giỏi, vừa đào tạo giỏi nên họ có đủ phương pháp và phương tiện để luồn lách vào các cộng đồng dân cư để truyền đạo. Thậm chí họ đủ sức mua chuộc viên chức Nhà nước để cho họ dễ dàng hoạt động. Trong thời điểm của năm 2002 này, số người tuôn chảy theo Thiên chúa và Tin lành đang tăng nhanh đánh kể.

Họ chỉ có một ít giáo lý đơn giản theo kiểu tin vào Chúa trời quyền năng tạo ra tất cả. Tín điều đó đã trở nên vô cùng lạc hậu và vô lý trong thời đại hôm nay. Vậy mà họ cứ tiếp tục lôi kéo được tín đồ với đủ phương pháp. Họ còn có thủ đoạn sử dụng Phật giáo chống Phật giáo và chống Nhà nước để họ làm “ngư ông hưởng lợi”. Phật giáo Thống nhất có tài chánh để hoạt động từ chiến lược đó. Với một ít khẩu hiệu tự cho mình là chánh thống, cộng với đòi hỏi pháp nhân, các vị bên Phật giáo gọi là Thống Nhất đang làm giúp cho tôn giáo bạn rất đắc lực trong việc gây chống đối lẫn nhau giữa Đạo Phật, và chống luôn Nhà nước. Nếu thành công, quuyền lực lại rơi vào tay Vatican và Tin lành Mỹ. Quý thầy mình chưa đủ khôn ngoan bằng các nhà truyền giáo có nhiều kinh nghiệm chính trị của tôn giáo bạn.

Xem lại trong Phật giáo, đường lối đào tạo căn bản tại chùa hầu như không có gì. Mới vào chùa, một người tập sự phải học thuộc 5 đệ mật chú Lăng Nghiêm, kinh Di đà, thập chú, vài chương Giới luật. Vậy là người này có tư cách xuất gia. Sau đó nếu thuận tiện, bổn sư sẽ gửi chú điệu này vào trường Phật học để nhờ đào tạo tiếp. Hỡi ôi!, tại trường Phật học lại dạy những bản kinh cổ cực kỳ khó áp dụng trong đời sống hằng ngày. Khi đụng đến thực tế cuộc sống, người tu vừa thiếu bản lĩnh để mở mang Đạo Phật, vừa thiếu cung cách cư xử với người chung quanh. Lại tiếp tục chia rẽ tranh dành nhau để sống! Những người theo Thiền tông thì tự thoả mãn với luận lý rằng tâm mình đã là Phật rồi, khỏi cần lo toan chuyện gì khác cho mất công!

Chúng ta đang cần những  nhà giáo dục thiên tài trong Đạo Phật để cải cách toàn bộ đường lối giáo dục trong Đạo Phật, từ bước đầu ở chùa đến các trường Phật học. Đường lối giáo dục mới này phải làm tăng khả năng Thiền định tâm linh cho tu sĩ, làm tăng đạo đức ứng xử cho tu sĩ, làm tăng khả năng mở mang giáo hóa cho tu sĩ. Ngoài ra tu sĩ còn phải được đào tạo cách đối phó khéo léo với các tôn giáo bạn đang âm mưu biến dân tộc Việt Nam thành thuộc địa của Vatican, và của Tin lành Mỹ.

Quan trọng hơn cả, tu sĩ phải được dạy những phương pháp để giữ gìn sự đoàn kết trong Đạo Phật, phương pháp đối phó với những âm mưu chia rẽ làm phân hóa Đạo Phật.

Sự chia rẽ trong Đạo Phật có nguyên nhân nội tại và nguyên nhân ngoại tại.

Nếu những người trong Đạo Phật tự chia rẽ với nhau, thì chúng ta phải điều chỉnh như thế nào. Nếu sự chia rẽ do âm mưu từ bên ngoài gây ra, thì chúng ta phải đối phó như thế nào.

Nói chung, chùa cũng như các trường Phật học phải có môn học dạy về điều này để cho tu sĩ không bị lúng túng mất phương hướng khi rơi vào tình huống bị chia rẽ như thế.

Trước hết có những điều nơi chính mình để giữ gìn sự đoàn kết trong Đạo Phật.

Ví dụ, nếu ta vừa mở miệng chỉ trích một vị tu sĩ nào khác, có nghĩa là chúng ta vừa gây chia rẽ trong Đạo Phật. Nếu chúng ta vừa cất lời xưng tán một vị nào đó, có nghĩa là chúng ta vừa góp phần tạo đoàn kết trong Đạo Phật.

Nếu ta hất hủi một tu sĩ, ta vừa gây chia rẽ. Nếu ta giúp đỡ một vị, ta vừa tạo đoàn kết.

Nếu ta chỉ tìm thấy điểm xấu của đồng đạo, ta đang gây chia rẽ. Nếu ta dễ nhìn ra ưu điểm của huynh đệ, ta đang tạo đoàn kết.

Nếu ta đố kỵ với sự thành công của đồng đạo, ta đang gây chia rẽ. Nếu ta vui mừng trước sự thành công đó, ta đang tạo đoàn kết.

Nếu ta nghe lời vị này nói xấu vị kia mà im lặng đồng ý hay thích thú chấp nhận, ta vừa góp phần gây chia rẽ. Nếu ta nghe lời nói xấu mà nghiêm mặt không đồng ý hay lên tiếng cãi chính, ta đang góp phần xây dựng lại tình đoàn kết trong đạo.

Nếu ta thấy pháp môn của mình là hơn hết không đâu bằng, ta bắt đầu gây chia rẽ. Nếu ta hiểu rằng mỗi pháp môn đều có ưu điểm riêng và có thể bổ sung lẫn nhau, ta bắt đầu tạo đoàn kết.

Nếu ta thấy có những tu sĩ đang xây dựng lực lượng phe nhóm riêng để chống đối lại Giáo hội mà ta làm thinh, tức là ta đang phụ giúp gây chia rẽ. Nếu ta quyết liệt cản trở sự chia tách và chống đối đó, ta đang được Chư Phật tán thán bởi công đức tạo hòa hợp cho Đạo.

Nếu ta ủng hộ cho huynh đệ đồng đạo mở mang giáo hóa, ta được vô lượng phước lành, nhất là bởi vì góp phần tạo đoàn kết. Ngược lại, nếu ta cản trở sự làm đạo của vị khác, ta đã gây ác nghiệp đồng thời mang thêm tội gây chia rẽ. Dĩ nhiên có khi sự làm đạo của huynh đệ có lệch lạc thì ta cũng phải mạnh dạn góp ý điều chỉnh, chứ để mặc cho huynh đệ sai lầm thì ta cũng bị tội lây. Nghĩa là trong thâm tâm ta phải luôn luôn mong muốn cho các huynh đệ làm được nhiều điều tốt cho đạo và cho chúng sinh. Ai có được niềm mong muốn cao cả đó, người đó sẽ là một vị Thánh tương lai, và hiện tại luôn được chư Phật thương yêu thủ hộ.

Những sai lầm của chúng ta thường bắt đầu từ nội tâm sâu kín mà có khi ta không tự biết được. Ví dụ ta khó chịu khi nghe sự thành công của vị khác, ta không hề nghĩ rằng ta đang khởi tâm đố kỵ, ta đang chuẩn bị gây chia rẽ, ta đang chuẩn bị làm suy yếu Đạo Phật. Ví dụ khi ta nghe vị này nói xấu vị kia mà thấy thích thú, ta đâu ngờ rằng ta đang có ước mong là người khác phải xấu xa để ta được làm người tốt hiếm hoi còn lại giữa cuộc đời.

Trường hợp phân biệt dòng phái quá đáng cũng gây chia rẽ trong Đạo Phật. Nếu ta cứ phân biệt người này đệ tử dòng này, người kia đệ tử dòng kia… cũng là ta đang gây chia rẽ. Người tu phải độ lượng xem đệ tử ai cũng thấy như em cháu của mình, nếu có duyên giúp đỡ thì giúp chứ đừng quay lưng.

Phải làm sao để cho người tu ra đường gặp nhau phải hoan hỷ thân thiện dù không hề quen nhau trước đó. Hiện nay người tu ra đường gặp nhau hay làm lơ với lý do là không quen biết nhau. Đây cũng là dấu hiệu suy thoái đạo đức và chia rẽ trong Phật giáo. Ta  phải tập làm sao có tâm xem mười phương Tăng Ni như anh em một nhà, dù chưa hề biết mặt nhau. Nếu gặp nhau nơi quán cơm chay, gặp nhau giữa phố phường đông đúc, Tăng Ni vẫn phải hoan hỷ chào nhau thân ái, ít nhất cũng có được nụ cười tươi tắn gửi cho nhau, hơn là làm ngơ như không thấy.

Thật ra để có được tâm thương yêu hòa hợp với mười phương Tăng cũng không dễ. Ta phải hằng ngày phát nguyện trước Phật một thời gian dài mới thành tựu được đại tâm hòa hợp đó. Ta có thể phát nguyện rằng:

            Xin Chư Phật gia hộ cho con biết quý kính và hòa hợp với Mười Phương Tăng Bảo. Xin cho chúng con biết chung sức chung lòng với nhau để giáo hóa chúng sinh và dựng xây Phật Pháp. Xin cho con trừ diệt tâm ích kỷ đố kỵ và chia rẽ tận trong sâu kín của tâm hồn…..”

Nếu khắp nơi ai cũng biết phát nguyện như vậy thì sự hòa hợp đoàn kết trong Đạo Phật sẽ phục hồi không lâu. Lúc đó chúng ta sẽ thấy Đạo Phật thật sự là ánh sáng chân lý chiếu soi giữa cuộc đời buồn vui sướng khổ bất thường này.

Nếu có đệ tử, ta phải răn dạy đệ tử có tâm hòa hợp đoàn kết với mười phương Tăng. Sau này lớn lên, đệ tử ta phải biết ủng hộ bất cứ Tăng Ni nào làm được điều tốt đẹp cho Đạo Pháp. Ta phải thương yêu đệ tử của huynh đệ ta giống như ta thương yêu đệ tử của ta vậy. Điều này làm cho tình thân ái trong Đạo được chặt chẽ lâu bền.

Trong chùa còn có một cái tệ nữa là một số vị bổn sư không hết lòng thương yêu đệ tử mình như con ruột, không gắng công lo nuôi dạy đệ tử mình nên người hữu dụng cho Phật Pháp mai sau. Vì vậy người đệ tử cũng không có lý do gì để thương kính thầy mình trở lại. Và đó cũng là một nguyên nhân khiến cho cái tình đạo trong Đạo Phật càng lỏng lẽo thêm.

Người xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, thì chùa chính là gia đình, các đệ tử chính là con là cái, trước khi ta nói rằng xem tất cả chúng sinh là thân quyến ruột thịt. Ta phải thương đệ tử bằng tâm từ bi và trí tuệ để thay thế cho tình thương được tạo nên bởi bản năng theo kiểu thế gian. Nếu ta không thể thương đệ tử ta một cách sâu đậm thì ta càng không thể nào thương các sư điệt (đệ tử của huynh đệ) một cách độ lượng.

Tình đạo, hay sự đoàn kết trong Đạo Phật, phải được xây dựng từ buổi ban đầu mới đặt chân đến chùa. Người xuất gia phải được dạy để nhìn thấy toàn thể Đạo Phật là một tổ ấm chung không được chia cắt tách rời. Lớn lên người này sẽ không bị rơi vào tệ chia rẽ trong Đạo Phật. Vị bổn sư phải quan tâm dạy đệ tử cái quan điểm thiêng liêng về đại tâm hòa hợp trong toàn thể Đạo Phật, kể từ khi đưa tay cắt 3 lọn tóc trên đầu của người đó.

Chúng ta còn gặp một trường hợp chia rẽ do đầu óc cục bộ địa phương. Một số tu sĩ miền Trung và miền Nam không khoan dung chấp nhận nhau. Bên này lấy cớ đề phòng sự tranh dành của bên kia để đưa ra biện pháp thủ thế và chống chọi. Cứ thế mà sự chia rẽ tăng dần. Rồi có khi cùng là miền Trung nhưng khác tỉnh cũng là yếu tố để phân biệt đối xử. Khi tâm chúng ta còn thích chia rẽ thì chúng ta sẽ dựa vào bất cứ yếu tố nào có thể để gây chia rẽ. Đạo Phật vì thế phải chịu đựng quá nhiều sự chia cắt.

Đức Phật muôn vàn tôn kính của chúng ta đã dạy đạo lý Vô ngã. Từ đạo lý Vô ngã này, chúng ta phát triển thành vô số đức hạnh đẹp đẽ khác. Ví dụ, vì không còn chấp ngã nên tâm Từ bi sẽ là vô hạn; vì không còn chấp ngã nên không còn ích kỷ, vì không còn ích kỷ nên tâm Vị tha tràn đầy; vì không còn chấp ngã nên không còn kiêu mạn hơn thua để trở thành khiêm cung hòa ái; vì không còn chấp ngã nên không phân biệt phe nhóm, tông phong để thấy mọi người đều đáng thương đáng quý; vì không còn chấp ngã nên không còn tham lam tìm cầu vơ vét cho mình…..

Nếu cố gắng thực hành đạo lý Vô ngã, người tu sĩ sẽ là tấm gương đạo hạnh sáng ngời, sẽ là chỗ nương tựa vững chắc cho Phật tử.

Tuy nhiên đạo lý này không dễ thực hành!

Nếu chúng ta không thường xuyên quán chiếu thân tâm theo lời Phật dạy thì chúng ta không thể thấm nhuần đạo lý Vô ngã, không thể hóa giải chấp ngã, không thể có phẩm chất thanh cao nhẹ nhàng của người tu theo đạo Phật. Đạo lý Vô ngã phải được tu tập suốt đời, dù chúng ta không đắc đạo thì cũng thấm nhuần vào trong đức hạnh. Dù chúng ta có tu theo bất cứ pháp môn cao siêu nào, Thiền tông hay Tịnh độ tông hay Mật tông, thì đạo lý Vô ngã vẫn luôn luôn cần thiết. Thiếu đạo lý Vô ngã, bất cứ pháp môn nào cũng có thể bộc lộ nhược điểm lớn. Đi ngược lại đạo lý Vô ngã, pháp môn đó cũng đi ngược luôn với tinh thần Giải thoát Giác ngộ của Đạo Phật. Vô ngã phải là chỗ quy đồng của mọi pháp môn tu hành trong Đạo Phật. Nếu vị nào cảm thấy từ trước đến giờ chúng ta hơi bị thiếu tu tập tinh thần Vô ngã thì nên bổ sung nhanh chóng cho chính mình và cho đệ tử, tất cả vì một đại tâm hòa hợp cho Phật giáo mai sau.

Trong thời đại mà các tôn giáo bạn biết áp dụng thủ đoạn chính trị vào việc lôi kéo tín đồ, tranh dành ảnh hưởng, phân hóa Phật giáo… thì tất cả đệ tử Phật chúng ta phải biết vượt lên khỏi những sai biệt nho nhỏ để gắn bó đoàn kết hòa hợp với nhau hơn bao giờ hết. Các tôn giáo bạn  dùng đến tiền bạc để mua tín đồ, còn chúng ta chỉ có tấm lòng chân thành đơn sơ và đạo đức để dẫn dắt Phật tử. Nếu mất luôn tấm lòng thanh cao đó thì chúng ta không còn gì để dâng cho thế gian, để cúng dường Chư Phật.

Từ nay chúng ta chỉ được quyền nói điều gì đó, làm điều gì đó để đoàn kết Đạo Phật, chứ chúng ta không được quyền nói điều gì đó, làm điều gì đó khiến suy yếu Đạo Phật. Mỗi người đệ tử Phật chúng ta, Tăng Ni hay Phật tử, đều phải thiết tha tu hành và cầu nguyện cho đại tâm hòa hợp nơi toàn thể Phật giáo. Xin cho chúng ta biết thương yêu quý trọng nhau thật sự trước khi chúng ta nói ra bên ngoài là chúng ta thương yêu tất cả chúng sinh.

            09/01/2002
            Đệ tử Phật

Nếu ai đồng quan điểm với bài viết này, xin photo thêm để phát cho mọi người. Cám ơn rất nhiều!

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/doanket.htm

 


Vào mạng: 1-2-2002

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang