-
ĐỘNG LỰC CỦA TA LÀ ĐỂ DÀNH CHO
NHỮNG NGƯỜI HY VỌNG NƠI CHÚNG TA
Bài giảng
của Jetsunma Ahkon Lhamo
Tôi thường cầu
nguyện rằng tất cả chúng ta sẽ luôn luôn tiếp cận Pháp như những đứa trẻ
con. Bởi khi chúng ta bám chấp vào tâm thức của riêng ta, hình ảnh của bản
thân ta, năng lực trí thức của ta, ta đánh mất một điều gì đó. Tâm ta trở
nên chai cứng. Đối với hành giả Giáo Pháp lâu năm, điều tối cần thiết là
họ cần tiếp cận với Pháp như những đứa trẻ, bởi chúng ta có cảm tưởng rằng
ta không phải kiểm soát bản thân nữa. Ta không phải khảo sát tâm ta thêm
nữa. Ta không phải thực sự nhìn vào trong và xem điều gì xảy ra. Vì thế ta
trở nên khô cạn. Ta làm hư hại Pháp.
Nếu ta tiếp cận
Pháp như những đứa trẻ con, ta có thể nhớ lại giây phút đầu tiên ta gặp
Giáo Pháp, nó trở nên quan trọng đối với ta ra sao, nó đáp ứng những vấn
đề của ta như thế nào, và làm cách nào nó dẫn dắt ta tới việc thiết lập
những quyết định chắc chắn. Sự chuyển tâm hướng về Pháp của ta được đặt
nền tảng nơi đâu? Ta có được những chứng ngộ nào? Những câu trả lời của ta
cho các vấn đề căn bản này vẫn còn cần thiết; chúng vẫn còn thúc đẩy chúng
ta.
Chúng ta luôn
luôn pha trộn động lực cho việc tiếp cận Giáo Pháp. Điều chúng ta quên
lãng là động lực của ta phải tuyệt đối được đặt lên hàng đầu. Nó cày bừa
mặt đất là nơi hạt giống sẽ được gieo. Những người gặp rắc rối nhất trong
việc giữ gìn động lực trong sạch và trong việc thực hành phù hợp dường như
là những người thực hành chậm trễ nhất. Bởi ta từng thực hành trong một
thời gian dài, ta tin chắc rằng giờ đây ta đã nắm bắt được Pháp. Ta có thể
phóng thẳng vào và thực hiện nó. Ta có khuynh hướng quên rằng mỗi ngày
trong đời ta, là những hành giả, ta cần đi trở lại qua cùng tiến trình mà
ta đã kinh nghiệm vào lúc bắt đầu khi ta nỗ lực hoàn toàn xoay chuyển tâm
ta hướng về Pháp. Những quyết định ta đã lập ra, quan điểm ta đã có, những
sự thấu hiểu ta đã đạt tới, những điều đó phải được chứng ngộ lần nữa và
lần nữa. Mỗi ngày ta phải xem xéùt lại những lỗi lầm của luân hồi sinh tử.
Ta phải xét xem điều ta phải đương đầu là gì.
Trong phạm vi của
sự tự khảo sát, những tân hành giả có một sự thuận lợi. Họ đang xem xét
động lực của họ. Họ phải làm thế bởi họ không hiểu tại sao họ cần trở
thành những hành giả. Họ không thực sự thấu hiểu những lỗi lầm của luân
hồi sinh tử . Họ đang đi qua một tiến trình rất thô sơ, rất mới mẻ. Hoàn
toàn ở vòng ngoài. Thật hết sức quan trọng đối với họ. Họ biết họ bắt đầu
củng cố bản thân một cách vững chắc, và vì thế họ thường xuyên suy nghĩ về
những vấn đề này. Họ khảo sát luân hồi sinh tử, thậm chí có cả những tư
tưởng như: “Phải chăng mọi người mà bạn biết và bạn yêu mến sẽ phải chết?
Có thật là cho tới lúc này mọi người đều phải chết? Như thế, cuộc đời mà
ta biết thì hết sức vô thường. Phải chăng mọi đối tượng vật chất từng mang
lại hạnh phúc cho bạn đều vô thường? Có thật là bạn không thể trông chờ gì
ở những mối quan hệ – bởi chúng cũng vô thường? Phải chăng bạn không thể
hy vọng vào bất kỳ điều kiện độc nhất nào, kể cả diện mạo, sức khoẻ, trạng
thái tâm lý của riêng bạn?”
Ngay cả khi bạn
cảm thấy ở trên chóp đỉnh của nó, ngay cả khi bạn cảm thấy bạn đã thắng
thế, khi bạn cảm thấy mình đang nắm thế giới ngay trong lòng tay, bạn biết
rằng chiếc bánh kếp nhỏ xíu đó chắc chắn sắp bị lộn nhào! Chúng ta phải
thường xuyên suy nghĩ như thế. Vào lúc bắt đầu chúng ta nghĩ tưởng như
thế. Nhưng các hành giả Giáo Pháp là những người ở một mức độ nào đó đã
được nếm trải, là những người có giáo lý nào đó dưới dây lưng của họ, là
những người cảm thấy họ đã tiếp tục trên con đường vào một lúc nào đó, là
những người cảm thấy một mức độ xác quyết nào đó (nếu không phải là sự làm
ra vẻ hiên ngang giả dối) – những hành giả Giáo Pháp này đã quên lãng.
Chúng ta không nhận ra rằng ta đang không thực hành từ sâu thẳm của con
người ta, ta đang không thực hành từ trái tim ta. “Giờ đây chúng ta được
nếm trải trong Pháp,” chúng ta nói. “Ta có thể ăn mặc như những người của
Giáo Pháp, có vẻ là người của Giáo Pháp, và ta có thể ghi chép Pháp ngữ.”
Nhưng những điều
này quan trọng ra sao nếu tâm thức vẫn khô cứng như một cái sừng? Những
điều này cần thiết ra sao nếu nội dung của dòng tâm thức vẫn không thay
đổi? Bạn cho rằng việc mặc những bộ Pháp phục và thực hành vũ điệu Pháp có
thể cần thiết đối với bạn nếu như trái tim không chuyển hoá? Hoàn toàn
không phải vậy.
Bất hạnh thay,
khi ta tiếp cận các Giáo lý, ta có khuynh hướng thâu thập chúng. Giống như
những đồ vật xinh xắn. Giống như những kho tàng. Và rồi không thấu hiểu
các kho tàng, chúng ta đặt chúng trên một ngăn kệ, chiêm ngưỡng chúng và
nói: “Ồ, ta có một trăm kho tàng, và điều đó có nghĩa là có một điều gì đó
ở trong ta.” Nhưng nếu bạn không thay đổi tận sâu thẳm con người bạn, và
nếu động lực của bạn không đúng đắn, bạn có thể có một triệu kho tàng và
nó không có nghĩa là cái gì đó thuộc về bạn ngoại trừ việc bạn đã quên
mất vấn đề.
Động lực mà bạn
nên có khi tiếp cận Giáo lý là gì? Các Lạt ma liên tục chỉ dạy chúng ta.
Đó là Bồ Đề tâm. Bạn nên nghĩ: “Vì lợi ích của chúng sinh, tôi sẽ thực
hành một cách phù hợp.” Và chỉ vì lợi lạc của chúng sinh, bởi giá trị của
Pháp nằm ở chỗ nó có thể đem lại việc chấm dứt đau khổ – một lời hứa mà
chính Đức Phật đã lập nên. Nếu chúng ta thực hành một cách chân thành thì
bản thân ta có thể đem lại một vài lợi lạc cho chúng sinh đau khổ. Và cuối
cùng chúng ta có thể quay trở lại trong một Hoá Thân để thúc đẩy những
người khác hướng tới sự giác ngộ hay để trực tiếp ban tặng họ những giáo
lý.
Bạn cũng có thể
không là một hành giả nếu bản thân bạn không quán sát thế giới và nhìn
thấy nỗi khổ ở đó và nói LÀM THÊM ĐIỀU GÌ NỮA THÌ KHÔNG CẦN THIẾT MÀ CÒN
CÓ THỂ CÓ HẠI! Có quá nhiều người đói khát, quá nhiều chiến tranh, quá
nhiều đau khổ, quá nhiều vô minh, quá nhiều hận thù, và quá nhiều người
không hiểu tính chất không sai lạc của định luật nhân quả. Chẳng quan
trọng gì nếu bạn là một hành giả lâu năm hay ngay cả là một nhà sư hay ni
cô. Nếu Bồ Đề tâm không phải là động lực nguyên sơ mỗi khi bạn nghe một
lời của Giáo Pháp, đọc một lời Giáo Pháp, hay ngay cả nhìn thấy một hình
ảnh có liên hệ với Pháp, thì bạn đã quên mất vấn đề, và ân phước sẽ không
chín mùi trong dòng tâm thức của bạn.
Một trong những
vị Thầy của tôi nói với tôi rằng ngài cảm thấy đã tiêu phí toàn bộ đời
ngài khi gieo hạt giống ra ngoài và có quá ít hạt trong số đó rơi được
trên mặt đất. Hầu hết hạt giống rơi trên những hòn đá và những vùng đất
khô cằn. Điều mà vị Thầy này – người hết sức quý báu đối với tôi – có thể
cảm nhận như thế làm tan vỡ trái tim tôi. Nhưng đó là lỗi của chúng ta,
bởi chúng ta quên lãng. Nếu động lực để thực hành của ta không phải là
lòng bi mẫn – là bất kỳ điều gì khác hơn là việc cứ liên tục nhận ra vấn
đề mà ta không thể chịu đựng nổi, đó là nỗi khổ của chúng sinh – thì động
lực ấy thật là vô ích.
Mỗi buổi sáng
chúng ta nên thức dậy trong sự thấu hiểu rằng những người khác khắp thế
giới đang thức giấc trong sự đói khổ. Chúng ta có thể đi dùng điểm tâm; họ
thì không. Mỗi buổi sáng chúng ta nên thức dậy trong sự thấu hiểu rằng
ngày hôm nay ta có thể thực hành Pháp. Ta có thể làm điều gì đó nhằm cải
thiện thân phận của ta. Chúng ta có một uy lực đối với cuộc đời chúng ta.
Những người khác chỉ tiếp tục – một cách vô thức, thiếu tỉnh thức, không
có ý niệm gì về những mối liên hệ nhân và quả. Những người khác tiếp tục
với nỗi khổ không thể tin nổi.
Tôi nhớ lại nỗi
buồn chân thành và khủng khiếp khi nhìn những con bò ở Ấn Độ kéo những cỗ
xe khổng lồ từ sáng sớm cho tới tối mịt và bị quất bằng roi suốt ngày. Nó
không chỉ là nỗi khổ của con người – đó là nỗi khổ của tất cả chúng sinh
mà chúng ta cần được nó xúc chạm bởi về bản chất tất cả họ đều như nhau.
Tất cả họ đều có Phật tánh; họ có hạt giống đó. Và đây là những chúng sinh
đặt hy vọng vào chúng ta. Bởi nếu chúng ta có thể nghĩ tưởng về họ thì sẽ
có một sự nối kết. Họ không có phương pháp. Họ không có thực hành. Họ
không có gì ngoài bất kỳ ý hướng thanh tịnh nào chúng ta có thể tập trung.
Và vì thế chúng ta không thể phí phạm một chốc lát. Chúng ta không thể
lãng phí ngay cả một giây. Đây là những chúng sinh mà chúng ta phải chịu
trách nhiệm.
Khi bạn thực hành
bạn nên nghĩ tưởng tới tất cả vô lượng chúng sinh là những người từ đời
này sang đời khác lang thang và trôi lăn vô tận trong vòng luân hồi mà với
nó bạn từng có một vài tiếp xúc có ý nghĩa hay vô nghĩa. Tôi có thể nói
với bạn một cách chắc chắn – tuyệt đối chắc chắn– là sẽ có một ngày bạn sẽ
gặp lại họ. Và do bởi sự thuần tịnh của ý hướng của bạn và bởi sức mạnh
của sự thực hành của bạn, bạn sẽ ôm chặt họ trong đôi tay bạn. Và chỉ độc
nhất lòng từ và bi của bạn là sẽ đem lại lợi lạc cho họ. Bạn sẽ có thể đưa
họ tới chỗ chấm dứt nỗi khổ của họ. Bạn phải ghi nhớ điều đó – và thực
hành một cách phù hợp.
Bạn phải nhớ rằng
giờ đây bạn không có năng lực để nhìn thẳng vào mắt của ngay cả những đứa
con của riêng bạn, những người thân yêu nhất của bạn – người yêu, chồng,
vợ của bạn – bạn không có năng lực để nhìn vào mắt họ và nói: “Tôi sẽ luôn
luôn chăm sóc quý vị. Tôi sẽ theo sau quý vị. Tôi sẽ bảo đảm rằng quý vị
bình an vô sự.” Bạn không thể hứa ngay cả với con cái bạn rằng bạn sẽ luôn
luôn nuôi dưỡng chúng. Bạn không thể thực hiện lời hứa đó cho họ bởi họ sẽ
chết, và nếu bạn không thực hành, bạn sẽ không có năng lực để thấy rằng họ
sẽ hạnh phúc trong đời sau. Chỉ có một cách khiến bạn có thể giữ lời hứa
ấy. Và đó là nhờ sự chân thành và thuần tịnh của ý hướng và nhờ sự thực
hành của bạn. Nhưng bạn có thể làm điều đó. Nhờ sự ban phước của Guru
Rinpoche (Đức Liên Hoa Sanh), giờ đây bạn có thể thực hiện những điều
này.
Bạn có thể cầu
nguyện rằng trong đời sau bạn sẽ có thể ôm trong tay những người mà giờ
đây bạn rất yêu quý và giữ lấy họ cho tới khi họ thành tựu sự chứng ngộ
khiến họ sẽ tìm được Pháp và bước đi vững chắc trên con đường. Và uy lực
của lời cầu nguyện đó sẽ tạo nên một sự khác biệt. Trong dòng đời của bạn,
bạn nên thực hành, hiểu rõ rằng bạn có trách nhiệm đối với họ, hiểu đích
xác rằng bạn sẽ ôm giữ họ trong đôi tay bạn. Hãy thấu hiểu rằng đó là cách
thế duy nhất nhờ đó bất kỳ loại tình yêu thương nào có thể có ý nghĩa.
Vì thế bạn nên
đến với Pháp với trái tim của một đứa trẻ, hy vọng rằng trong tương lai
bạn sẽ có thể giải thoát khỏi đau khổ những ai mà với họ bạn có một mối
liên hệ. Các Lạt ma dạy chúng ta rằng một ngày nào đó những ai chúng ta
yêu thương sẽ nằm trong đôi tay ta. Bây giờ là lúc thực hành để chúng ta
không bỏ rơi họ. Đừng ruồng bỏ họ. Đừng lãng quên họ. Hãy ôm giữ họ một
cách cẩn trọng như bạn giữ gìn hơi thở của riêng bạn. Và với sự quan tâm
hơn nữa. Bởi giờ đây nếu bạn thực hành, bạn sẽ gặp lại họ. Đừng quên rằng
họ là những người đặt hy vọng nơi bạn.
Jetsunma Ahkon
Lhamo
Nguyên tác: Our
Motivation is For Those Who Have Hopes of us
http://tara.org/teachings.htm
Bản dịch
Việt ngữ của Thanh Liên
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/donglucchungta.htm