- NHÂN ĐỌC “NHỮNG
NẺO ĐƯỜNG DU HỌC”
- TRÊN TRANG NHÀ CHUYỂN PHÁP
LUÂN
Tôi được một pháp hữu, hiện
là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Ấn Độ, chuyển qua email bài viết "Những
nẻo đường du học" của hai thầy Huyền Như - Tr Nguyên đăng trên
trang nhà "Chuyển Pháp Luân." Lần theo trang nhà này, tôi đọc được
thêm hai bài khác của Viên Minh và Phúc Đoàn. Đọc xong, tôi đã trao đổi
trực tiếp trên Paltalk với Thượng toạ Thích Thiện Bảo, thư ký Báo
Giác Ngộ, người chủ trương cho đăng loạt bài này. Bài viết dưới đây
ghi lại một phần nội dung của cuộc trao đổi.
ĐỪNG “SUY BỤNG TA RA BỤNG NGƯỜI”
"Thư gửi từ Delhi" của
nguyenhoa24vn@yahoo.com chỉ là một email mang tính "nhỏ to tâm sự" của
người viết gởi cho thầy Q.N. Lời tâm sự cá nhân đó đã biến chuyện
"nhỏ" thành ra "to." To hơn nữa, lời tâm sự với nhiều
thông tin sai và đánh giá thấp trình độ tiếng Anh của nhiều du học
tăng đã được thầy Q.N. chuyển [?] và đưa lên báo, tạo tiền đề nhận
định tốt xấu chuyện du học của tăng ni sinh Việt Nam trong gần hai thập
niên qua.
Nguyenhoa24vn@yahoo.com quá khinh thường
trình độ tiếng Anh của quý du học tăng Ấn-độ khi cho rằng “Nhiều
người tiếng Anh viết chưa đầy cái lá mít mà vẫn tìm cách du học.”
Rồi từ đó, suy luận võ đoán rằng “nhiều người chạy tiền để
cho giáo sư nâng điểm.” Một người mới sang Ấn-độ du học, không
hề chứng kiến những sự kiện diễn ra trước đó, lại dám bạo gan nhận
xét như vậy, quả thực là chủ quan. Nối kết sự kiện "kém tiếng
Anh của sinh viên" với việc "chạy tiền xin nâng điểm" là
cách suy diễn có thể có logic nhưng chưa chắc có chân lý. Suy diễn cảm
tính và tuỳ tiện là điều nên tránh trong "chánh ngữ" của nhà
Phật.
Tôi không biết trình độ tiếng
Anh của Nguyenhoa24vn@yahoo.com giỏi cỡ nào mà lại dám chê nhiều tăng ni
sinh du học Ấn-độ “tiếng Anh viết chưa đầy cái lá mít.” Thái
độ ngạo mạn như vậy thật là quá đáng, khi trình độ tiếng Anh của bản
thân Nguyenhoa24vn@yahoo.com (theo lời tự sự của tác giả) chỉ thuộc vào cở
"sách của tụi con nít lớp 2, lớp 3 thôi mà mình đọc cũng thấy mệt
lắm rồi.” Lời tự sự đó có thể là lời khiêm nhường (!?) nhưng
cũng có thể là sự thật. Để diễn tả cụm từ "phí sinh viên ngoại
quốc" Nguyenhoa24vn@yahoo.com đã dịch sai bét "foreigner student
fee" thay vì phải viết "foreign students fee" (nếu là
sinh viên thuộc Đại học Delhi thì phải viết là foreign students
registration fee tức “lệ phí ghi danh đối với sinh viên ngoại quốc,"
vì ngoài lệ phí này còn có học phí và những phí tổn khác nữa (tuition
fees and other fees) hay "international students fee” hoặc thỉnh
thoảng được viết là "The fee for self-financed foreign students” để
phân biệt với sinh viên ngoại quốc được cấp học bỗng.
Nguyenhoa24vn@yahoo.com viết sai văn phạm vỡ lòng như thế lại dám chê quý
du học tăng khác "tiếng Anh viết chưa đầy là mít" thì thật
là quá đáng. Điều đáng nói là email tâm sự "nhỏ" thành "to
dzỏm" đó lại được quý thầy thư ký và biên tập viên báo Giác Ngộ
xem là "bình phong chân lý" nên đã trân trọng đưa lên báo, làm tiền
đề đánh giá về chuyện du học của hàng trăm tăng ni sinh Việt Nam, đã
trở thành "to thật."
Tệ hơn nữa, Nguyenhoa24vn@yahoo.com còn
buộc tội "người Việt mình qua đây [Ấn-độ] làm "hư" giáo
sư [Ấn-độ]". Không biết "chuyện làm hư giáo sư Ấn-độ”
có hay không, chứ chính Nguyenhoa24vn@yahoo.com đã làm "hư thiệt" một
nhân viên hành chánh theo lời tự sự của y: "Mà mình làm "hư"
họ thiệt, vì khi vô phòng một anh nhân viên quèn để ký giấy tờ nhập
học, anh ta ngồi ì ra đó, chỉ khi đưa tiền rồi mới chịu làm nhanh.”
Đừng lấy bụng ta suy ra bụng người rồi quơ đủa cá nắm. Thiết nghĩ
các biên tập viên của Báo Giác Ngộ nên làm việc với sự cân nhắc kỹ
lưỡng hơn trước khi đem lên báo phân tích như một sự kiện “điển mẫu,”
mà trên thực tế, nó chỉ đáng là một sự kiện "điên đảo."
Không biết quý thầy thư ký và
biên tập viên báo Giác Ngộ có thấy được góc độ pháp lý của vấn đề,
nếu các nạn nhân của loạt bài báo "Những Nẻo Đường Du Học"
bao gồm vài giáo sư bộ môn Phật học, trường Đại học Delhi và hàng trăm
tăng ni sinh đang du học tại đây thưa kiện không? Nếu các giáo sư và giảng
viên Phật học trường đại học Delhi đọc được tiếng Việt và biết
được rằng họ bị bôi nhọ danh dự như vậy thì họ sẽ nghĩ gì về
Hoà thượng Tổng biên tập và Thượng toạ Phó tổng biên tập, hai vị đã
có ít nhất hai "cuộc giao lưu rất tâm đắc" trong mấy năm gần
đây với ban giảng huấn của bộ môn Phật học này? Quý thầy thư ký và
biên tập viên đừng vì cá nhân mình mà làm tổn hại đến danh dự của
ban biên tập. Đăng thông tin sai lầm trên báo Giác Ngộ mà lại không dám
đính chính là chuyện quá đáng rồi, quý thầy thấy vẫn chưa đủ hay
sao, lại còn đưa lên trang nhà Chuyển Pháp Luân do chính quý thầy biên tập,
bất chấp lời góp ý chân thành và đúng đắn của nhiều người. Đừng
vì mặc cảm và thành kiến cá nhân mà quá liều mạng như vậy!
Đừng nên mượn cớ của một
email không xứng đáng để nhận định đúng hay sai, nên hay không nên,
tiêu chí của du học và những chuyện liên quan, mà bất chấp hay không
nhìn thấy trước được mức độ tác hại của vấn đề khi được phân
tích trên báo. Tại sao chúng ta lại không thảo luận chuyện du học bằng
một sự bắt đầu thật sự nghiêm túc?
DU HỌC ẤN ĐỘ: NÊN HAY KHÔNG?
Dĩ nhiên, khi đọc xong loạt bài
"Những nẻo đường du học” có nhiều tăng ni trẻ sẽ không khỏi
băn khoăn tự hỏi là có nên đi du học Ấn-độ không? Những thông tin và
nhận định trên báo Giác Ngộ là đúng hay sai, bôi đen hay tô hồng hiện
thực? Câu trả lời “nên hay không" tuỳ thuộc vào "mục đích"
của người đặt câu hỏi.
Nếu mục đích đi du học Ấn-độ
để có dịp trau dồi kiến thức Anh ngữ thì thật là phí phạm, vì tiền
học phí và ăn ở tại Ấn-độ mắc hơn nhiều so với học tiếng Anh
trong các trung tâm Anh ngữ tại Việt Nam.
Nếu du học để kiếm một tấm
văn bằng thì lại càng không nên vì giữa văn bằng và kiến thức có thể
có một khoảng cách rất lớn. Đó là chưa nói đến tình trạng, học
nghiêm túc mà không thi đậu thì làm sao có được văn bằng. Hơn nữa,
văn bằng có thể trở thành bệ phóng cho bản ngã đối với ai có thói
quen hãnh diện trước những thành tựu của mình.
Nếu du học Ấn-độ để trang bị
cho mình một kiến thức nội điển và thế học vững vàng, làm hành trang
cho các Phật sự, đặc biệt trong hoằng pháp và giáo dục về sau, hoặc
xem du học là cơ hội để trải nghiệm tu học trên mảnh đất tâm linh của
Phật giáo, thì đó là động cơ đáng tán thán.
THỂ CHẾ GIÁO DỤC ẤN-ĐỘ
Phần lớn, hệ thống giáo dục đại
học ở Ấn-độ hiện nay mang phong cách của nền giáo dục Anh hơn 100 năm
về trước. Đây là nền giáo dục niên chế, mỗi năm thi một lần.
Chương trình cử nhân gồm 3 năm. Chương trình cao học gồm 2 năm. Chương
trình phó tiến sĩ từ 1 năm đến 3 năm (có thể được bải miễn nếu
điểm của khoá Cao học đạt được từ hạng tiên tiến trở lên). Chương
trình tiến sĩ gồm từ 2 đến 5 năm. Số lượng năm của mỗi cấp học vừa
nêu có thể thay đổi tuỳ theo từng trường và từng ngành học. Sinh viên
cử nhân và cao học của hầu hết các trường đại học khỏi phải làm
luận văn tốt nghiệp như hệ thống giáo dục của Việt Nam hiện nay. Chỉ
có hai cấp học phó tiến sĩ và tiến sĩ mới viết luận án nghiên cứu.
Các sinh viên cũng không phải làm các bài nghiên cứu (research papers) trong
suốt chương trình học như ở các hệ thống giáo dục khác. Trường đại
học Delhi và nhiều trường đại học khác tại Ấn-độ bải miễn kỳ
thi tuyển sinh cho sinh viên ngoại quốc. Sự thuận lợi này đã tạo nghịch
cảnh cho việc học của một số sinh viên ngoại quốc chưa trang bị cho mình
kỹ năng nghe, đọc và nói tiếng Anh vững.
Vì thi cử mỗi năm một lần,
khuynh hướng giáo dục của các trường Đại học tại Ấn-độ đề cao
tinh thần tự học, tự nghiên cứu và biến các sinh viên thành các "tự
điển bỏ túi" về lãnh vực mà họ theo học. Nhiều sinh viên Ấn-độ
đã trở thành những bộ "tự điển sống" về "kiến thức tổng
quát" (general knowledge) trong các kỳ thi "Master Mind India”
do đài truyền hình BBC tổ chức. Phương pháp giáo dục như vậy tương đối
thích hợp với người Ấn-độ có truyền thống “học thuộc lòng” vốn
ít nhiều gắn liền với truyền thống tôn giáo Veda, nhưng lại gây không
ít khó khăn cho sinh viên ngoại quốc, được đào tạo từ các truyền thống
giáo dục Mỹ, Pháp và Việt Nam. Cách thức học "mưa rào thấm đất"
yêu cầu sinh viên phải học và soạn bài nghiêm túc từ đầu năm, bằng
không, sinh viên có thể lúng túng trong thi cử: cả một chương trình học
làm sao nhớ hết nỗi. Từ đó đã có khuynh hướng trong số sinh viên ngoại
quốc ở những nước mà tiếng Anh chỉ là ngôn ngữ phụ như ở Việt
Nam, phải "soạn tủ" và "học tủ" từ 10 đến 20 câu hỏi
cho mỗi bài thi (paper). Với cách học này, dù không giỏi tiếng Anh, người
học vẫn có thể thi đậu trong các kỳ thi cuối năm.
Do đó, đừng bao giờ hỏi rằng
người đi học Ấn-độ có trình độ thật sự sau khi tốt nghiệp hay không.
Người chuẩn bị du học nên hỏi rằng mình có đủ kiến thức Anh ngữ và
kiến thức chuyên môn để theo học thành công tại các trường đại học
Ấn-độ không.
Hơn thế, cần nói thêm rằng giáo
dục đại học, bất kỳ đại học ở quốc gia nào, là tự giáo dục.
Giáo sư và giảng viên đại học chỉ cung cấp cho sinh viên những kiến thức
cần thiết. Sinh viên không thể trông chờ hoặc lệ thuộc vào kiến thức
của người thầy. Kiến thức và thông tin của người thầy chẳng qua
cũng chỉ là một dữ liệu tham khảo như bao nhiêu quyển sách khác, mà
sinh viên có thể đọc được trong thư viện. Nếu có tinh thần tự học
thì lo gì không có thực chất. Nếu không có tinh thần tự học thì dù tốt
nghiệp từ các trường đại học nổi tiếng nhất thế giới vẫn không
đảm bảo được trình độ chuyên môn.
CÁCH THỨC SỬ DỤNG NGƯỜI CÓ HỌC
Bác học đa văn được đức Phật
liệt vào một trong bảy loại tài sản của bậc thánh, mà tất cả những
ai muốn giải thoát không thể không trau dồi. Trong thời đức Phật, con
đường hành trì (tu) thường bắt đầu bằng học thông qua cái nghe (văn)
có tư duy (tư). Tiến trình học, tư duy và tu là ba giai đoạn của con đường
hành trì tâm linh trong đạo Phật. Rất tiếc gần đây, vai trò của học
không được xem trọng, vì nhiều vị tôn túc sợ rằng tăng sĩ đi học có
thể vì duyên tiếp xúc với các ngành thế học và học chung với người
đời nên dễ "ra đời." Trong thực tế, có nhiều tăng sĩ Phật giáo
thời hiện đại có học thức, có văn bằng học vị vẫn tiếp tục là
những vị tu sĩ có phẩm hạnh và tâm huyết, đóng góp rất nhiều cho việc
hoằng pháp và giáo dục.
Trong thời của đức Phật, hai ngài
Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên mặc dù xuất gia và chứng đắc quả
A-la-hán nhờ vào ngài Mã-thắng, một trong năm anh em Kiều-trần-như nhưng
vai trò đóng góp của hai ngài cho sự lớn mạnh của tăng đoàn và Phật
giáo là vô song. Số là trước khi đến với đạo Phật, hai ngài đã từng
là các nhà tri thức, nhà tư tưởng lớn. Như vậy, có thể nói, kiến thức
nội ngoại điển là hai phương tiện rất hiệu quả, giúp nhà hoằng pháp
thành tựu nhiều Phật sự độ sinh. […]
Thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe một
số tôn đức than vắn thở dài tình trạng Phật giáo Việt Nam lâm vào cảnh
"tre tàn mà măng chưa mọc." Trên thực tế, cứ sau mỗi khoá học
Trung đẳng, Cao đẳng và Cử nhân Phật học, cũng như hai lớp Trung Cấp và
Cao Cấp Hoằng Pháp, PGVN có thêm hằng trăm tăng sĩ trẻ có học lực vững
vàng, có thể phụ giúp và gánh vác các công việc Phật sự của các bậc
thầy của họ. Măng vẫn thường xuyên mọc bên cạnh các cụm tre già. Nhiều
măng đã không còn là măng nữa, mà đã thành tre xanh. Trong số đó, cũng
đã có một số đã trở thành tre vàng, rồi sẽ trở thành tre già. Ấy thế
mà, vẫn còn đó thói quen nhìn hàng trăm luỹ tre xanh trên khắp các thôn
xóm PG Việt Nam là "măng chưa nhú" hay “măng dự khuyết." Chỉ
cần một ngọn gió thổi lao xao thôi, các cụm tre già sẽ nhận ra rằng
các luỹ tre xanh con cháu của mình đã, đang và tiếp tục sẽ vững mạnh
bên cạnh mình. Sự vững mạnh của những luỹ tre sẽ làm cho họ hàng
nhà tre sẽ không bị quật ngã trước những trận cuồng phong của cuộc
đời. Chúng ta không chỉ cần có một bụi tre, mà cần nhiều luỹ tre và
rừng tre, để các thành tựu Phật sự của các rừng tre có thể mang lại
hạnh phúc và an vui cho số đông. […]
BẰNG CẤP, KIẾN THỨC VÀ HÀNH ĐẠO
Giữa văn bằng của học đường và
kiến thức trong thực tế có thể có một khoảng cách rất lớn. Bởi lẽ,
văn bằng chỉ là tấm giấy xác nhận người học đã hoàn tất một chương
trình hay khoá học thuộc về một lĩnh vực nào đó trong học đường;
trong khi đó, kiến thức bao hàm tất cả những gì liên hệ học đường,
hay ngoài học đường, ngay cả thông qua con đường tự học, tự suy nghiệm,
kinh nghiệm và thể nghiệm tôn giáo hay tâm linh. Trong các nước có nền
giáo dục tiên tiến, văn bằng tiến sĩ không có gì là ghê gớm. Do đó,
không ai rãnh đi làm công việc "hạ bệ" người có văn bằng để
chứng tỏ mình không có văn bằng mà vẫn hơn kiến thức của họ. Mặc dù
vậy, nhiều nước phát triển vẫn khuyến khích người có văn bằng, bằng
cách trả lương tuỳ theo văn bằng và trình độ chuyên môn mà đương sự
có. Người không có văn bằng giáo dục ít khi được sử dụng trong học
đường, ngoài trừ trường hợp ngoại lệ. Trong các chức nghiệp khác,
không có văn bằng mà hành nghề là vi phạm luật, do đó, sẽ bị phạt.
Trong PGVN có quá ít người có văn bằng tiến sĩ. Do đó, bên cạnh những
lời tán thán và khích lệ tăng ni có văn bằng này, vẫn còn có nhiều người
có thành kiến với văn bằng. Người có văn bằng có thể có kiến thức
chuyên môn về ngành (departments) mà mình đã học và nghiên cứu, nhưng
chưa hẳn đã có kiến thức chuyên sâu về lãnh vực đó. Người không có
văn bằng nếu biết phương pháp tự nghiên cứu vẫn có thể giỏi bằng
hoặc giỏi hơn người có văn bằng. Kiến thức có thể liên hệ hoặc
không liên hệ đến văn bằng hay không văn bằng. Do đó, có gì đâu mà
tranh hơn thua và cao thấp.
Giữa kiến thức và hành đạo
cũng có thể có khoảng cách tương tự. Biết vận dụng kiến thức như một
công cụ, sự nghiệp hành đạo dễ thành công hơn. Sử dụng sai kiến thức
thì khó tránh tình trạng "thế trí biện thông nạn." Hành đạo không
có kiến thức và không có phương tiện thì khó độ được giới trẻ
trong các thời đại, và đôi lúc có thể hành đạo đi ngược lại với các
tông chỉ và pháp môn của đức Phật đã dạy trong kinh điển.
Do đó, giữa kiến thức, hành trì
và hành đạo có mối quan hệ đa chiều, hỗ tương lẫn nhau. Kiến thức có
thể giúp cho hành giả đi trên con đường hành trì và hành đạo một cách
có phương pháp hơn, và do đó, thành công Phật sự nhiều hơn, với thời
gian và công sức có thể đầu tư ít hơn, so với trường hợp hành trì
và hành đạo thiếu phương pháp, do thiếu kiến thức chuyên môn về phương
pháp tu tập.
===
Để kết luận bài viết ngắn
này, người viết xin khẳng định rằng theo tinh thần nhà Phật, nếu
nghiên cứu, văn bằng và kiến thức không phải là bệ phóng, giúp cho con
người có thể thành Phật, thành thánh, thì ngược lại, chúng cũng không
phải là những thứ làm cho con người rớt vào địa ngục, ngạ quỹ và
súc sinh. Vấn đề ở chỗ là chúng ta sử dụng sở học như thế nào,
trong tiến trình nhân quả "văn-tư-tu." PGVN có quá ít người có văn
bằng, có đạo tâm, có tiềm năng phục vụ, so với các nước Phật giáo
Nam tông như Tích-lan và Thái Lan v.v... Chúng ta nên tạo điều kiện để
cho số lượng tăng ni trẻ có tài có đức đi du học nhiều hơn, để sau
này khi tốt nghiệp, dấn thân làm việc Phật sự nhiều hơn với thành tựu
cao hơn. Đừng vì thiển cận, ác cảm, thành kiến mà có những lời chỉ
trích, phê phán một chiều giá trị của du học, nhất là du học tại Ấn-độ,
mãnh đất tâm linh đã khai sinh ra đạo Phật, nhờ đó, nhân loại có được
ánh sáng tuệ giác như hôm nay.
Viết tại Washington State, USA
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/duhoc.htm