- SỰ HÌNH THÀNH
VÀ PHÁT TRIỂN GIÁO HỘI NI TẠI ẤN ĐỘ
Như chúng ta biết Đức Phật đạt
giác ngộ tại Bồ-đề-đạo-tràng lúc 30 tuổi. Sau đó, ngài trải qua thời
gian 49 năm (theo Phật giáo Nguyên thuỷ là 45 năm) để du hành thuyết pháp.
Ngài đã thành lập tăng đoàn, ni đoàn, nam và nữ Phật tử.
Thật ra đầu tiên, Đức Phật chỉ
thành lập tăng đoàn, vấn đề cho người nữ xuất gia (pabbajja) là
vấn đề hết sức đắn đo thận trọng.
Bối cảnh xã hội Ấn độ lúc bấy
giờ, việc trọng nam khinh nữ, thích sanh con trai hơn con gái và chế độ
phân chia bốn giai cấp: tu sĩ (Bà-la-môn), vua quan (Sát-đế-lợi),
nông-công-thương (Tỳ-xá) và cùng đinh (Thủ-đà-la) đã ảnh hưởng
rất mạnh trong đời sống người dân Ấn. Tuy hiện nay dù có giảm nhưng
vẫn còn tồn tại. Hiện tượng người nữ ẩn dật tu hành dù là ít nhưng
cũng là đã có ở Ấn độ cổ đại ngay trước khi Phật giáo xuất hiện.
Xa lánh xã hội và sống một đời sống độc thân là tánh cách đặc biệt
của mẫu đời sống Ấn độ.
Trong Vệ-đà và kinh sách của đạo
Loã thể (Jain) cũng chứng minh cho thấy có các ni khất sĩ tồn tại
và tiếp tục phát triển cho đến thời Đức Phật: "Ba mươi sáu ngàn
phụ nữ chống lại mười bốn ngàn đàn ông để được rời bỏ đời sống
gia đình và trở thành ni khất sĩ của phái Svetambara thuộc đạo Loã thể".
Giáo hội ni Phật giáo hình thành
và xuất hiện như bổ sung thêm vào phong trào cộng đồng ni giới của các
tôn giáo khác: "Đây không phải là một ý tưởng mới lạ. Đã rất
nhiều nữ giới đã sẵn sàng từ bỏ những ràng buộc trần gian đã từng
trói buộc họ và trở thành bậc xuất thế".
Vào thời kỳ đầu của Phật giáo,
phụ nữ đã đấu tranh một cách liều lĩnh quyết liệt để được sống
đời sống phạm hạnh viễn ly và thoát khỏi những ràng buộc trần gian.
Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề và năm
trăm nữ quý tộc dòng họ Thích là những người đầu tiên từ bỏ những
ràng buộc trần gian và thành lập ni đoàn. Di mẫu mặc dù xuất thân từ
hoàng thân, nhưng là người phụ nữ đầu tiên hy sinh tất cả phú quý
vinh hoa để sống một đời sống viễn ly. Di mẫu phải đối diện trước
những thực tế cực khổ của đời sống, tranh đấu vượt qua nhiều chướng
ngại và thành kiến về nữ giới lúc bấy giờ.
Tình thương và lòng vị tha của Đức
Phật đối với người nữ là vô hạn. Ngài đã mở một con đường mới
cho người nữ có thể dự vào nấc thang giải thoát để họ trở thành hữu
ích, lợi mình và lợi người. Lịch sử đã minh chứng ngài là vị đã
mang nhiều lợi ích lớn cho phụ nữ, đã đưa ra tiến trình giải thoát
tâm linh và công nhận họ cũng có khả năng thành tựu các thánh quả như
chư tăng.
Các câu chuyện trong Trưởng lão ni
kệ là một minh chứng hùng hồn cho thấy ni giới có thể đạt bốn quả
thánh như Tu-đà-hoàn (Sotapanna), Tư-đà-hàm (Sakadagami), A-na-hàm
(Anagami) and A-la-hán (Arahant) và cũng có thể dấn mình hoằng
pháp như chư tăng. Giới nữ lưu đã trở nên an lạc và hạnh phúc trong nếp
sống quy củ thiền môn, sống hạnh viễn ly thanh tịnh. Họ đã trải qua
phần lớn đời mình trong tu tập giới-định-tuệ, giải thoát và giải
thoát tri kiến. Trong đó, có nhiều ni ưu tú như cô Bhadda Kundalakesa là nữ
hùng biện tài giỏi. Không ai có thể đánh bại luận thuyết của cô,
ngoài trừ tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Sư cô Patacara là nữ
pháp sư nổi danh, đã hoá độ năm trăm người nữ trong một lần và sư cô
cũng là nữ luật sư tài ba trong các luật sư (vinayadhara) thời bấy
giờ. Các tỳ kheo ni như Nguyệt-tinh (Soma), Ci-sa Kiều-đàm-di (Kisa
Gotami), Bạt-đà Ca-tì-la (Bhadda Kapilani), A-no-pa-ma (Anopama),
Ca-la (Cala), U-pa-ca-la (Upacala), Si-su-pa-ca-la (Sisupacala)… cũng
đã đóng góp rất nhiều trong sự nghiệp du hành hoằng dương Phật pháp.
Tỳ kheo ni Bhadda Kundalakesa nói: "Tôi đã du hành khắp xứ Ương-già (Anga),
Ma-kiệt-đà (Magadha), Bạt-kỳ (Vajji), Ca-si tức Ba-la-nại (Kasi)
và Kiều-tát-la (Kosala) vì lợi ích cho chúng sanh đau khổ mà thuyết
pháp trên 50 năm nay". Trong Tương ưng bộ kinh kể tỳ kheo ni Thanh-tịnh
(Subha) đã thuyết pháp giữa một hội chúng đông đảo tại Vương-xá
(Rajagaha). Trong Dipavamsa (Nam truyền Phật giáo Sử thư / Đảo sử,
chương XVIII) đã nói tỳ-kheo-ni Bảo-an (Khema), (trước đây là hoàng
hậu của Bình sa vương, nước Ma-kiệt-đa)ø là pháp sư nổi tiếng, có
trí tuệ và là thầy dạy luật. Tỳ kheo ni Dhammadinna là một triết sư Phật
giáo. Trong Trung bộ tường thuật có cuộc tranh luận về triết học giữa
cô và chồng trước của cô là Visakha, người đã đưa các vấn đề liên
quan về ngã kiến (sakkayaditthi), Bát chánh đạo (Ariya Atthangika
Magga), hành (sankhara), diệt (nirodha)… Tỳ kheo ni Dhammadinna
trả lời một cách thuyết phục những điều này trước hội chúng đông
đảo. Tỳ kheo ni Bảo-an (Khema), Uppalavanna, Dhammadinna là những hình
ảnh của ni giới tài ba và trí tuệ trong Ấn độ cổ đại. Uppalavanna là
một tỳ-kheo-ni nổi tiếng về thần thông (iddhi), trong khi tỳ kheo ni
Hoan Hỉ (Nanda) và Kundalakesa nổi bật trong thiền và trí. Chẳng những
tiếng thơm được biết trong chốn thiền môn mà còn lan nhanh cả ra giới
bên ngoài.
Điều này đã cho thấy ni giới có
khả năng thành tựu các Phật sự và đạt thánh quả như chư tăng.
Trước khi giáo hội ni được thành
lập, trong sự giới hạn của xã hội và nữ giới nói chung khó tìm được
cơ hội để nghe Phật pháp. Sau khi Đức Phật từ bi cho thành lập ni đoàn,
sự ảnh hưởng của ni giới đã góp phần khiến cho Phật pháp được lan
truyền khắp nơi trong một thời gian ngắn. Có nhiều trường hợp, trong đó
toàn gia đình trở thành phật tử thuần thành, quy y Tam bảo chỉ do được
một tỳ kheo ni thuyết pháp cảm hoá. Ni giới có thể tiếp cận dễ dàng
các nữ quý tộc hoặc phụ nữ nói chung để chỉ ra con đường an lạc hạnh
phúc giữa những lo toan của cuộc đời (tự tại giữa khổ đau) để họ
có thể quy y Tam bảo trở thành phật tử tại gia hoặc xuất gia theo tuỳ
nhân duyên của từng vị. Những phụ nữ giàu có như Đại-mãn (Visakha),
Am-ba-pa-ly (Ambapali), Bảo-an (Khema), U-pa-la-van-na (Uppalavanna),
Sa-ma-va-ty (Samavati), con gái của Anathapindika và nhiều nữ Phật tử
khác đã tận tâm, tận lực ủng hộ trong việc phổ biến Giáo hội ni. Kỹ
nữ xinh đẹp Ambapali gia nhập vào ni đoàn và đã đem tài sản của mình
để xây dựng một đại tùng lâm trang nghiêm tráng lệ cho chư tăng ni tu học.
Con gái của Anathapindika thuyết phục các thành viên bên cha chồng quy y Tam
bảo và cô ấy cũng thành lập một trung tâm Phật giáo tại Anga. Còn nhiều
ví dụ nữa rải rác trong các kinh tạng Pali. Phật tử đã cúng dường
chư ni thực phẩm, quần áo, giường nằm, thuốc men… Ngược lại, chư ni
cũng đã tặng họ các món quà tinh thần bất tử của pháp nhũ. Cứ như
thế trong nhiều thời đại, chư ni đã nhiệt tình trong việc hoằng pháp,
xây dựng một thế giới an lạc cho con người.
Các bằng chứng khảo cổ và văn học
đã minh chứng sự hưng thịnh nhanh chóng của giáo hội ni trong vài trăm
năm nữa sau khi được thành lập. Các bia ký Ấn độ khắc ghi sự tồn tại
của giáo hội ni tại Ấn độ. Các sắc lệnh trên trụ đá Bhabru và
Schism của hoàng đế A-dục đã ghi dấu sự tồn tại của các tỳ-kheo cũng
như tỳ-kheo-ni và cũng cho thấy các tỳ-kheo-ni bình đẳng năng lực trong vấn
đề thống nhất hay phân chia trong Tăng già Phật giáo. Các thông tin về sứ
mệnh truyền bá đạo Phật vào Tích lan của tỳ-kheo-ni Sanghamitta cũng được
tìm thấy ghi trong sắc lệnh của vua A-dục. Sau khi lên ngôi, trước và
trong suốt triều đại Sunga-Maurya, nhiều bia ký trên mái chắn các tháp tại
Sanchi, Bharhut, Bodh-gaya (Bồ-đề-đạo-tràng) đã ghi nhận nhiều Phật sự
của các tỳ-kheo-ni. Nhiều trung tâm khác gần Sanchi, Bharhut… cũng lưu dấu
những bước chân hoằng pháp của giới ni.
Có nhiều (17 tấm) bia khắc trên
rào chắn ở Bồ-đề-đạo-tràng tôn vinh tán dương tỳ-kheo-ni Kurangi như
là bậc A-la-hán (Aya / Arya Kurangi). Trước khi trở thành tỳ-kheo-ni,
Kurangi là hoàng hậu của vua Indragnimitra. Khi vua băng hà, bà đã xây hai tu
viện lớn cho tăng và ni để hồi hướng công đức cho vua và sau đó bà
đi xuất gia. Trong bia khắc ở hang động Phật giáo Junnar ghi có một ni viện
(Bhikkhuni-upasaya) thuộc phái Dhammuttariya toạ lạc trong thị trấn. Tấm
bia ký ở tháp Amaravati đề cập có bốn chúng đệ tử của Đức Phật là
tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, cận-sự-nam và cận-sự-nữ.
Theo tường thuật của ngài Pháp Hiền,
giáo hội ni đã tồn tại ở Mathura cho tới thế kỷ V-VI: "Các tỳ-kheo-ni
chính nhờ sự ủng hộ các tôn giả A-nan, ngài đã khẩn xin đức Thế Tôn
cho phép người nữ được xuất gia".
Trong bia khắc tiếng Phạn thuộc
năm 549-550 triều đại Gupta, tỳ kheo ni Jayabhatta thuộc dòng tộc Thích Ca
đã cúng dường xây dựng tu viện Yasovihara.
Ngài Nghĩa-tịnh viếng thăm Ấn độ
vào cuối thế kỷ thứ VII đã tường thuật: "Chư ni tại Ấn độ khác
với chư ni tại Trung quốc. Họ sống một đời sống nghèo nàn, đơn giản
và sinh kế bằng khất thực". Subandhu trong Vasavadatta nói rằng các tỳ-kheo-ni
tín tâm vào Bồ tát Đa la hay Quan thế âm (Tara) … Không có các tác
phẩm của Phật giáo hay Bà-la-môn giáo đề cập đến các tỳ-kheo-ni ở
thế kỷ IX-X. Dường như rằng trước thời gian này giáo hội ni không còn
tồn tại ở Ấn Độ nữa hoặc chỉ còn rải rác. Cuối cùng thì cùng với
số phận của Phật giáo, giáo hội ni cũng bị tiêu diệt trước cuộc càn
quét của Hồi giáo vào thế kỷ X trở đi.
Tóm lại, nói về những nguyên
nhân đưa đến sự phổ biến Phật pháp tại Ấn độ, thì sự đóng góp
của ni giới cũng là một yếu tố quan trọng. Sự cống hiến của họ cũng
rất đáng kể. Giáo hội ni trong hầu hết mọi lãnh vực cũng có chức năng
như tăng và trở thành một phần không thể thiếu trong tăng già, đã cùng
chư tăng xây dựng ngôi nhà Phật pháp và đặt viên đá nền móng đầu tiên
để từ đó, hương thơm giải thoát của Đức Phật được lan rộng đượm
nhuần khắp thế giới như ngày nay.
Cuộc đời tu hành của chư tổ ni
là những tấm gương sáng ngời để giới nữ lưu cùng suy gẫm và noi theo
trên con đường hành đạo của mỗi người con Phật chúng ta và cũng cho
thấy con đường của Đức Phật mở rộng cho mọi người, không phân biệt
nam hay nữ. Tấm gương dũng cảm quyết tâm tu tập để đắc đạo quả
cao thượng của các tỳ-kheo-ni tiên phong trong ni đoàn của Đức Phật luôn
là một nguồn cảm hứng cho tất cả mọi người con Phật chúng ta trong hơn
hai ngàn năm trăm qua.
WUS University Hostel,
Delhi 24-01-05
THAM KHẢO
- Monastic Life of the Early Buddhist Nuns, Subhra Barua
Atisha, Calcutta, 1997.
- The Buddha and his Teachings, Narada, Buddhist Missionary
Society, Malaysia, 1977.