- Học Đạo Và Hành Đạo
Ngày nay, cùng với sự phát triển
của khoa học, kỹ thuật hiện đại đã nâng trình độ con người lên một
tầm nhận nhức cao hơn. Trong đó, Phật giáo nói riêng và các lĩnh vực khác
nói chung cũng từng bước hoàn thiện về chất lẫn về lượng, nhằm thích
ứng với sự phát triển của xã hội loài người. Đặc biệt ở Việt
Nam, Phật giáo ngày càng hưng thịnh và phát triển bởi sự kết hợp hài
hoà giữa các yếu tố văn hoá truyền thống và tâm linh Phật giáo. .
Bên cạnh sự phát triển là những
vấn đề tồn tại, tuy không nói là biến tướng nhưng cũng có thể cho thấy
sự lệch hướng về mặt tư duy, dù hình thức là sự phát triển. Ở đây
có 2 mặt của một vấn đề cần phải được làm rõ, đó là giáo pháp
và giáo đoàn. Nếu thiên về giáo pháp thì giáo lý của Phật sẽ được
khai thác rốt ráo; còn ngược lại nếu thiên về giáo đoàn, thì sẽ phát
triển về mặt giáo hội; hình thức tốt nhất là vừa phát triễn giáo
lý và vừa phát triển giáo hội, nhưng điều này khó có thể thực hiện
được vì đòi hỏi điều kiện ràng buộc khách quan của xã hội.
Ở việt nam, việc xiển dương chánh
pháp thông qua đào tạo tăng tài đã được trú trọng từ việc nâng cao
trình độ hệ thống tăng lữ đến việc phát huy các trụ sở Phật giáo.
Chính nó đã làm cho trình độ lý luận về triết lý Phật giáo ngày càng
trở nên sâu sắc và đa dạng bởi tính dung thông của giáo pháp nhà Phật.
Mặt phát triển nhất chính là
ngôn ngữ trong Phật giáo. Ngôn ngữ vốn dĩ đa dạng và phong phú. Mỗi từ,
ngữ của ngôn ngữ nhằm biểu thị một khái niệm của sự vật hiện tượng
thông qua trực giác hay tưởng tượng của con người. Vì thế, ngôn ngữ
đóng vai trò chính trong quan hệ xã hội và trở thành một phương tiện
giao tiếp của con người. Và tất nhiên con người ngày càng phát triển
thì ngôn ngữ cũng ngày càng hoàn chỉnh và thích nghi một cách tương xứng.
Tuy nhiên, đối với Phật giáo,
ngôn ngữ có thể có hoặc không cần thiết tuỳ vào phương tiện giáo
hoá của người truyền giáo. Phật giáo, đặc biệt là Thiền tông không
chủ trương thiết lập văn tự, vì chính bản thân văn tự lại không lột
tả hết được bản chất của sự vật hiện tượng mà nó đang khái niệm,
bởi sự hình thành của nó chủ yếu dựa vào sự đối lập của các sự
vật hiện tượng. Vì vậy, một trạng thái (Chơn Như) không đứng trên
quan hệ đối lập về mặt ngữ nghĩa thì không thể dùng ngôn ngữ để
diện đạt được, mà phải nhờ vào sự quán chiếu của người hành đạo
để triện ngộ về nó.
Ngược lại, ta thấy văn tự Phật
giáo ngày càng trở nên sâu sắc và hoàn chỉnh bởi những lý luận dựa
trên sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ của triết học, khoa học
và Phật giáo. Điều này cũng nói lên được bản chất của " thế
gian pháp là Phật pháp"
Hiện nay, các tăng ni thường vào
các trường đại học trong và ngoài nước để theo học các ngành về triết
học, xã hội học, văn hoá học, tâm lý học,...chính điều này đã tạo
ra mặt bằng chung cho lý luận về triết lý của Phật Giáo ngày càng nâng
cao. Cái hay nhất mà Phật Giáo làm được là hoá giải được sự bác bỏ
của triết học duy vật đối với tôn giáo nói chung và Phật giáo nói
riêng, đến lượt nó đã trở lại giải thích và làm sáng tỏ chân lý đạo
Phật.
Mặt khác, cái đặc sắc của đạo
Phật là ở chỗ đột phá của tư duy vào tâm thức bằng sự quán chiếu
nội tâm và tỏ ngộ, chứ không phải bằng sự lập luận chặt chẽ để
tồn tại trước sự đã kích của các hệ phái khác. Cho nên, dù là lý luận
có sâu sắc đến đâu thì cũng chỉ là hình thức thể hiện chứ không
nói lên được bản chất của Phật giáo. Cái thiết yếu nhất là đừng
lầm phương tiện với mục đích. Mục đích tu hành của chúng
ta là thâm nhập tri kiến và giải thoát tri kiến, chứ không tạo lập một
tri kiến. Lý luận chỉ là phương tiện, giải thoát tri kiến mới
là mục đích. Nếu xem lý luận là mục đích phát triển của Phật
Giáo thì lúc này Phật Giáo sẽ trở thành xiển giáo, sẽ trở thành lý luận
hình thức để chứng tỏ đạo Phật là chân lý, là rốt ráo so với các
tôn giáo khác, và như vậy Phật Giáo sẽ phát triển ở mặt lượng mà
tàn lụi ở mặt chất.
Không ít thấy những trường hợp
ở một số nơi đã hiểu theo cách này, thường dùng những lý luận của
triết học, hay khoa học về tâm lý để giảng giải cho những nhu cầu vốn
phức tạp trong cuộc sống của con người. Vì thế, có thể làm cho Phật
Giáo lệch đi theo một hướng khác, một hướng phù hợp với thị hiếu
con người mà không nhằm đưa con người vào chân lý tối thượng của nhà
Phật. Chẳng hạn như các hình thức xem bói, xem tướng, xem phong thuỷ, hoặc
đốt giấy tiền vàng bạc cho người chết,... là những hình thức không
có trong kinh điển nhà Phật. Phải chăng sự phát sinh này là từ tinh thần
nhập thế của đạo Phật hay từ những xuất phát trần tục của con người.
Nếu nói từ kinh điển Phật Giáo, thì Phật Giáo đâu khác các hệ phái của
các anh đồng, chị bống; còn nếu xuất phát từ tâm hồn trần tục của
còn người, hay từ những nhu cầu của cuộc sống mà làm theo họ thì Phật
Giáo chẳng khác nào một nhà kinh doanh chuyên thoả mãn thị hiếu người
tiêu dùng, thông qua đó đạt được lợi nhuận, trong trường hợp này có
cần thiết để theo Phật giáo hay không.
Người xưa thường nói “học đi
đôi với hành”, hay trong triết học duy vật cũng đề cập đến lý luận
và thực tiễn: "có lý luận mà không có thực tiễn kiểm chứng là
lý luận suông, ngược lại thực tiễn mà không có lý luận là thực tiễn
mù quán".
Vì vậy, dù là sự đời hay đạo
đức thì sự "hành" cũng có tầm quan trọng đối với bản thân của
mỗi con người. Cho nên, tuy học rộng hiểu nhiều mà không có sự hành
thì cũng rỗng tếch, nhưng hành mà không nắm nguyên lý căn bán thì sự
hành sẽ bị sai lạc.
Ngày nay, trình độ tri thức của các
tăng, ni, Phật tử tương đối cao, đây là điều đáng mừng đối với sự
duy trì chánh pháp. Nhiều chùa thường cho các tăng sinh trẻ tuổi đến học
đời ở các trường đại học, bên cạnh là việc học chánh pháp
ở các trụ sở Phật giáo. Việc đào tạo tăng tài là tất yếu khách
quan trong sự phát triển giáo lý và duy trì chánh pháp. Nhưng vấn đề đặt
ra là đào tạo như thế nào? Đào tạo theo kiểu liên thông giữa đời và
đạo hay chỉ đơn thuần về mặt kiến thức phổ thông. Nếu không khéo
kiểm soát sẽ làm cho việc đào tạo trở nên chệch hướng, tất yếu dẫn
đến tình trạng tăng sinh có trình độ nhưng lại thiếu về mặt hạnh đức,
mà một khi thiếu hạnh đức thì chẳng khác với người phàm phu. Người
đời đôi lúc còn am hiểu về đạo Phật, sống đúng theo giới luật của
Phật, ngược lại khi nhìn thấy hình ảnh của các vị tăng sinh trẻ tuổi
buông lung trong giới hạnh, như nói cười, đùa giỡn, chát với bạn bè
trên internet, sử dụng di động và xe gắn máy sành điệu,... thì người
đời có kính trọng và xem mình là thầy về tinh thần nữa không, hay chỉ
xem mình như một người bình thường mang lốt áo nhà Phật. Không nói cũng
biết ảnh hưởng thế nào đến hình ảnh đạo Phật trong lòng mọi người,
nhất là người ngoại đạo. Nếu nói những hoạt động trên chỉ là phương
tiện thì đâu là oai nghi của Phật giáo; nếu nói là phá chấp để sống
hoà nhập với mọi người thì cũng phải rõ đâu là hạnh đức cần giữ
để tạo sức ảnh hưởng đến tâm linh mọi người.
Mặc khác, người xuất gia theo học
chuyện đời là bình thường, nhưng người đời dạy đạo không biết có
thường không. Ngày xưa, các bực vương tôn, chí sĩ hay đến Thiền lâm, tự
viện để tham bái các vị cao tăng đại đức nhằm hành xử trong sinh hoạt
thường ngày. Ngày nay thì ngược lại, các giáo sư ở các trường đại học
đến các trụ sở Phật giáo để dạy đạo cho tăng, ni. Nếu xét ở giác
độ chơn đế mà nói thì dù tăng hay tục nếu đại triệt đại ngộ thì
vẫn có đủ tư cách trùng tuyên kim ngôn chỉ huấn của Phật. Chúng ta cũng
từng biết thị giả A-Nan là bậc đa văn, có trí nhớ siêu việt. Nhưng
ở đại hội kết tập kinh điển lần nhất ông không được vào động
Thất Diệp, bởi vì đại hội chỉ chọn những bậc A-La-Hán vào động để
trùng tuyên kinh điển. Vì chỉ có bậc A-La-Hán vô ngã, vô lậu, không còn
chấp trước điều gì mới có đủ quyền năng tuyên dương chánh pháp của
Phật. Đại hội đã gặp rất nhiều khó khăn vì không ai có thể nhớ hết
lời Phật như Ngài A-Nan. A-Nan đã phải trải qua 7 ngày đêm mất ăn mất
ngũ mới hiểu rõ ý chỉ tâm truyền của Ma-Ha-Ca-Diếp, cuối cùng Ngài cũng
tỏ ngộ và đắt A-La-Hán để cùng với các chư vị kết tập kinh điển.
Qua điển tích này càng nói lên
chánh pháp của Phật quan trọng như thế nào, dù A-Nan là em của Phật, là
bậc đa văn nhưng chưa tỏ ngộ cũng không dám giảng giải kinh điển của
Phật, chứ không phải ai nắm hết, thuộc hết kinh điển, hoặc là giáo sư
thì có thể tuỳ tiện giảng nói kinh Phật được. Nếu hiểu biết kinh Phật
mà không tỏ ngộ tự tánh thì mới chỉ là học giả nghiên cứu Phật học
mà thôi. Khi nào vừa nắm giáo lý vừa hành đạo và liễu ngộ chơn tánh
thì mới gọi là hành giả, và chỉ có hành giả mới giảng giải kinh điển
đúng nghĩa được.
Người học giả giống như bệnh
nhân chỉ biết đọc toa thuốc của bác sĩ một cách mạch lạc nhưng bản
thân vẫn chưa hết bệnh, ngược lại người hành giả là người vừa
nghe toa thuốc vừa uống thuốc, làm theo, uống theo và sẽ hết bệnh.
Cho nên, trong thực tế rất dễ thấy
ai là hành giả, ai là học giả. Ngày nay học giả thì nhiều, hành giả
thì rất ít. Mà đã là hành giả thì họ cũng ít chịu lý luận và cũng
ít xuất hiện để thiên hạ biết. Những bậc này có lẽ đang ẩn nơi
Thiền lâm, tự viện, quét dọn sân chùa, muốn tìm để học đạo âu cũng
khó. Còn sách vỡ lý luận thì ở hiệu sách không thấy thiếu, chỉ sợ
không đủ chi phí và thời gian cho việc tham khảo.
Tóm lại, Phật Giáo ngày nay tuy
phát triển về mặt ngôn ngữ, về số lượng và hình thức nhằm phù hợp
với những đòi hỏi của yêu cầu cuộc sống nhưng vấn đề về chất, về
hành đạo, về hạnh nguyện thì chưa thấy có sự thống nhất giữa các
quan điểm trong sự nghiệp chấn hưng Phật giáo. Suy cho cùng nếu không
hành đạo thì không đạt được mục đích cứu cánh. Vì vậy, đã trú trọng
nâng cao trình độ tri thức thì cũng phải phát huy năng lực hành đạo mới
có thể duy trì chánh pháp của Phật phát triển ổn định và bền vững.
"Bởi chử tu liền với chữ
hành
Hành bất chánh người đời mới nói"
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/hoc&hanh.htm