Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
PHẬT GIÁO HỌC ĐƯỜNG NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM

Ngày nay trái đất dường như được thu hẹp bởi sự thông minh và tài năng của con người qua các thông tin nhanh, những thành tựu khoa học, từ đó tạo ra cho con người nhân cách sống, không còn nhiều tư thù, ích kỷ, thỏa mãn tham vọng cá nhân… được đổi lại bằng sự thông cảm và hiểu biết lẫn nhau hơn. Qua đó, xu hướng xích lại gần nhau bằng lối đi chung cho cả thế giới là toàn cầu hóa, mục đích cũng không ngoài đề cao nhân bản, không phân chia màu da hay sắc tộc. Lập cước đó cho thấy rằng, từ ý tưởng cho đến quan niệm về con người khá tương đồng với giáo lý của đạo Phật, con người là quan trọng, chỉ cần "giáo dục" thì nhân tính đó sẽ được thăng hoa vì Phật tính đã có sẳn!

GIÁO DỤC PHẬT GIÁO 1/ Giáo dục truyền thống Thời kỳ truyền giáo của đức Phật được các nhà nhân chủng, lịch sử và giáo dục học thông qua sự nhận định của Kritnamoti: "Ngài đã dùng Đa nguyên luận, dựa trên căn bản chất tố của con người mà khai triển Ngũ Uẩn, Mười Hai Xứ và Mười Tám Giới, giúp cho con người nhận ra được giá trị tuyệt đối nhân tính hay thực tại như một vị đại Y Vương tùy "bệnh" mà cho thuốc". Vì thế mãi đến 12 năm sau giới luật mới được đề cập và những qui định khác cũng được nêu ra... để phục vụ cho sự nghiệp làm giáo dục! Điều đó cho chúng ta thấy rằng đức Phật là một nhà giáo dục vĩ đại của nhân loại, thông qua giáo lý của Ngài người ta nhận ra được điều lý thú là nhân tính của mỗi cá nhân giống như “quặng mỏ” nếu được hướng dẫn và sống đúng thì nhân cách, ý tưởng và trí tuệ được thay đổi mà con người ít khi nghĩ đến! Vì thấy được giá trị vô song đó, nên các vị Thánh Tăng đã tiếp nối ý tưởng “truyền đăng tục diệm” cho đến ngày nay. Tuy nhiên, trên bước đường hội nhập thì Phật giáo đã uyễn chuyển hình thức vốn sẳn có của mỗi nơi, văn hóa, phong tục tập quán của địa phương đó nhưng nội dung vẫn được tuyệt đối trân trọng. Phật giáo Việt Nam cũng không đứng ngoài nguyên tắc đó! 2/ Giáo dục chuyển tiếp. Hội nghị Phật giáo Thế giới lần thứ nhất vào ngày 25-5-1950 đến 8-6-1950 có 26 nước tham dự, phái đoàn Phật Giáo Việt Nam do Hòa Thượng Tố Liên, trụ trì chùa Quán Sứ Hà Nội làm đại biểu. Sau lần góp tiếng nói chung đó đã làm tiền đề cho các vị danh Tăng Việt Nam thêm nhiều sáng tạo trong cuộc cách tân giáo đoàn ở 3 điểm chính yếu: "Giáo lý, giáo chế và giáo sản". Tư tưởng đó được hầu hết Tăng Ni và quần chúng Phật tử trong nước hưởng ứng, vì nó đã mang lại một luồng sinh khí mới cho nhận thức. Nhân nơi sự cách tân đó mà bộ giáo án Phật học phổ thông đầu tiên của Phật giáo Việt Nam ra đời đáp ứng cho nhu cầu thực tế. Từ đó, giáo lý được phổ cập rộng rải ở nhiều thành thị, qua sự chuyển tiếp ngôn ngữ từ âm Hán Việt sang tiếng Việt nên ý nghĩa của giáo lý trở nên khúc chiết, gãy gọn và rõ ràng hơn . Tuy nhiên, sáu mươi năm trôi qua ngôn ngữ đó giờ đây vẫn chưa thể khẳng định ưu thế của mình trong công tác giảng dạy cho Tăng Ni và Phật tử mà đặc biệt là phong cách truyền đạt rất thiếu tính chuyên môn trong sư phạm để đáp ứng cho nhu cầu tiếp thu kiến thức hiện đại!

II. GIÁO DỤC TỔNG THỂ. Thiết nghĩ, ngày nay đất nước đang gia tăng phát triển để hội nhập thế giới về mọi mặt thì trong giới Phật giáo cũng phải bắt nhịp cùng chủ trương mới, chứ không thể "thụ động" ứng dụng những thành quả đã qua của các vị tiền nhân. Tinh thần khế lý khế cơ của Phật giáo có thể nói "trên cả tuyệt vời", nó đáp ứng được mọi thời đại. Như bản chất của gạo là cung cấp nguồn dinh dưỡng cho sự sống, cho nên con người đã khéo léo lấy tinh bột của nó làm ra nhiều hình thức khác nhau để đáp ứng cho nhu cầu chứ không cục bộ chỉ biết nấu thành cơm mà thôi! Vì thế trong tương lai gần, đất nước Việt Nam sẽ đi vào công nghiệp hóa thì chắc chắn cách ứng dụng giáo lý cũng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế, như thay đổi giờ công phu, tụng niệm và những buổi lễ chính để Phật tử dễ dàng tham dự, đồng thời không gây trở ngại về giờ giấc cho những khu dân cư chung quanh. Những buổi thuyết giảng không chỉ ở giảng đường mà còn được phát trên đài phát thanh hay đài truyền hình để đáp ứng cho những người không có đều kiện đi nghe giảng. Chuyển tải toàn bộ kinh điển từ âm Hán-Việt sang thuần Việt, để trong những buổi lễ vẫn ‘Tán, Tụng’ theo nghi thức thiền môn, nhưng mọi tầng lớp đều có thể hiểu trọn vẹn lời Phật dạy... và đặc biệt là thay đổi cách trình bày ở học đường cho Tăng Ni. Thập niên 50 nhu cầu Phật sự chừng ấy đã cân đối giữa cung và cầu, nhưng nửa thế kỷ trôi qua nhu cầu đó lại một lần nữa cần phải thay đổi như một “chiếc áo” năm xưa không còn phù hợp với thời trang và một cơ thể đang "trưởng thành", đó là điều kiện ắt có và đủ cho xã hội và con người đương đại! Vì thế, chúng ta không thể giữ cách học từ chương, chữ đâu nghĩa đó, học thuộc lòng, cách làm đó không phù hợp với danh xưng và kiến thức của Tăng Ni mà nó mang tính thầy truyền cho trò! Hiện nay cả nước có 30 trường cơ bản, nhưng trên "mặt bằng" giáo khoa cho Phật giáo học đường thì không đồng đều qua cách hướng dẫn. Trong đó có sự khách quan của thời kỳ quá độ và chủ quan của Giảng viên đứng lớp không tự nâng cao cách truyền đạt tư tưởng, đồng thời không mang tính khoa bản nên phương pháp đào tạo chủ yếu trong các trường Trung cấp ở trong nước vẫn chủ yếu phương pháp "độc thoại" và "thụ động" (mà những người thuộc thế hệ của người viết bài này hay trước nữa đã từng trải qua): thầy giảng bài, trò chép bài. Tăng, Ni sinh phải tuân theo sách vở một cách máy móc. Hậu quả của phương pháp dạy học này làm cho người học sinh trở nên thụ động, không phát triển được kỷ năng thực hành, sáng tạo và tính chủ động, tự lập. Ngoài ra, mối quan hệ tương tác giữa quí thầy và quí sư cô đối với học sinh còn quá cổ kính. Tăng, Ni sinh không được khuyến khích chất vấn thầy cô, mà phải tuân theo họ một cách gần như tuyệt đối. Học sinh nào dám chất vấn thầy cô liền bị mang nhãn hiệu là "vô lễ" hay "hỗn hào" và có thể bị trù dập! Hậu quả của lối giáo dục thụ động và một chiều này là nó tạo ra một thế hệ Tăng, Ni sinh học vẹt, lười suy nghĩ, thiếu chủ động, kém tưởng tượng và tư duy thực tế để có thể giảng dạy, truyền thụ kiến thức cho mọi người trong lúc còn đang học và sau khi rời ghế nhà trường…Trong vấn đề này dường như thiếu sự quan tâm; nói cách khác là chưa đặt ra tầm quan trọng "sản phẩm" có chất lượng hay không, hoặc có thể "giới thiệu" sang các nước Phật giáo bạn trong khu vực và thế giới!

III. CẦN PHẢI CẢI CÁCH VƯỜN ƯƠM TRÍ TUỆ. Khi nói đến học đường là người ta nghĩ ngay đến tính Sư Phạm: Cách cầm viên phấn như thế nào, trình bày bảng ra sao? Bố cục của tiết giảng có "cháy" giáo án hay không? Có tạo ra được sự hấp dẫn trong mỗi tiết bởi kiến thức được “cập nhật” hay vẫn nói chuyện của 20 năm về trước? Để Tăng, Ni không phải nghĩ rằng, chuyện chẳng đặng đừng nên phải ngồi đây nghe, kiến thức đó không giúp ích gì từ tư duy đến nhu cầu giảng dạy cho mình trong tương lai sau khi rời mái trường! Giáo dục đã, đang và sẽ là một chỉ tiêu quyết định sự khác biệt giữa các quốc gia và giữa cá nhân. Phật giáo Việt Nam hiện nay có tất cả là 30 trường Trung cấp và ba Học viện nên không thể đứng ngoài ba chức năng chính của giáo dục là nâng cao Tăng, Ni trí thức, đào tạo nhân sự có trình độ chuyên môn cao và nuôi dưỡng nhân tài. Hiện nay, chúng ta chỉ mới làm được chức năng số một, còn hai chức năng sau thì còn rất hạn chế. Phật giáo Việt Nam ngày nay đã có một thế hệ tương đối "trẻ" hơn 50% so với thập niên 60 Tăng, Ni trong cả nước là dưới 40 tuổi. Phật giáo học đường phải làm sao trang bị cho lực lượng trí thức trẻ này những kiến thức chuyên môn cần thiết để họ có "chánh kiến" và nhận thấy trách nhiệm học tập để họ tự hoàn thiện theo châm ngôn "Duy Tuệ Thị Nghiệp", nhằm đáp ứng cho mọi tầng lớp và đặc biệt là nơi vùng sâu vùng xa đang thiếu dòng "suối từ" của Phật giáo chảy đến những mảnh đất “khô cằn” trí tuệ và nhận thức! Nếu Phật giáo không huy động được nguồn nội lực trí tuệ, thì giáo hội sẽ lạc hậu và Tăng, Ni Phật tử sẽ bị nô lệ tri thức ở các tôn giáo khác! Vì thế, những chuyện cần làm ngay và tương lai:

a. Các Lớp Trung cấp

1/ Hiện tại:

- Hệ thống hành chánh của trường như Ban giám hiệu, Ban giảng huấn và văn phòng hành chánh cần phải đúng qui cách (Liên lạc, khảo thí, học vụ và sư phạm v.v…).

- Thi cử phải nghiêm túc.
- Nội dung học của từng môn phải được cân nhắc, chứ không nên nhồi nhét mang tính số lượng.
- Mỗi cơ sở phải có một thư viện Nội và Ngoại điển cho Tăng Ni sinh tham khảo để mở rộng kiến thức.

- Qui định về luận văn tốt nghiệp phải đạt yêu cầu, nếu không chỉ cấp chứng chỉ.

- Không chạy theo thành tích, làm cho nền Phật giáo học đường suy kém!

- Mỗi năm cần có sự giao lưu các trường khác và học giả ngoài ít nhất một lần.

- Cần tổ chức nâng cao cách giảng dạy trong 2 năm 1 lần.

2/ Tương Lai:

- Thống nhất bộ giáo án.

- Các Tỉnh thành trong khu vực nên chọn ra một địa điểm để làm trường, chứ không nên mỗi tỉnh 1 trường, không có đủ học viên, kinh phí hoạt động và giáo sư.

- Mỗi năm phải có kỳ tuyển sinh.

- Tăng Ni sinh không đạt số điểm chuẩn thì phải học lại.

- Ngoài tiếng Hán cổ cần tăng thêm Anh ngữ và Hán hiện đại.

- 3 tháng An Cư chỉ để cho Tăng Ni tu tập, nhằm tiêu hoá những gì đã tiếp thu.

- Chỉ mời những Giảng viên có sư phạm để truyền đạt kiến thức. Tuy nhiên những vị "tu giỏi" thì vẫn phải mời giảng ngoại khoá.

- Khen thưởng và xử phạt phân minh.

- Dành nhiều thời gian cho Tăng Ni sinh tiếp xúc với Thư Viện.

- Mỗi tuần, lớp học phải có buổi thảo luận vào ngày thứ 7.

- Mời nhiều giáo sư và giảng sư để tránh tình trạng nhàm chán của người nghe.

- Tổ chức lễ nhận văn bằng tốt nghiệp trọng thể .

- Đề cao người học giỏi tu hay

- Có phần thưởng xứng đáng để kích thích trong học tập nhằm xóa bỏ tính chủ quan học giỏi hay dở cũng được lên lớp

- Bố trí ngay công việc khi tốt nghiệp để tránh tình trạng một người gánh nhiều nhiệm vụ (ở cấp tỉnh hội, hoặc bổ nhiệm trụ trì), tạo nên giữa cung và cầu cân đối

b. Đối với các lớp Học Viện.

-Tuyển sinh và thi cử nghiêm túc.
-Chương trình học phải được thông báo trước khi nhập học.
-Nội dung học của từng môn phải chi tiết hoá.
- Sách tham khảo của thư viện phải phong phú đa dạng cho từng môn và nhiều ngoại ngữ.
- Qui định về luận văn tốt nghiệp, bao nhiêu trang, trình bày như thế nào, khổ chữ và khoảng cách của hàng này đến hàng kia là bao nhiêu?

- Mỗi trường phải có riêng một biểu tượng.

- Tuyển sinh hàng năm.

- Đánh rớt những sinh viên không đạt điểm chuẩn sau 1 năm.

- Lớp học không qua 40 sinh viên để tiện cho Giáo sư trao đổi.

c. Đối với hậu Đại Học

- Chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ

- Chế độ tuyển sinh.
- Thời gian ghi danh.
- Yêu cầu bản tóm tắt về chương trình nghiên cứu của luận án phải hoàn toàn mới.
- Qui định về nội dung của luận án.

- Bao nhiêu phần trăm điểm thì được học thẳng.

- Sau mấy năm không xong Luận án thì phải đăng ký lại.

- Chế độ thi cử và phát văn bằng phải nghiêm túc và trịnh trọng.

- Mọi đối tượng đều được ghi danh.

Bố trí cho Tăng Ni ngay công việc ở cấp Tỉnh Thành và Trung ương sau khi tốt nghiệp

IV. NHỮNG YÊU CẦN CẦN THIẾT CỦA MỘT GIẢNG VIÊN:

1/ Mô phạm và thân giáo Thân giáo có thể được xem như bài học giáo dục thâm thúy nhất và thiết thực nhất. Sự phạm hạnh và thanh tịnh của người thầy có sức tác động mạnh vào tâm thức Tăng Ni sinh, khiến họ phát khởi chánh tín, làm trổi dậy hạt bồ-đề, làm động lực cho sự tu tập... Tất cả hành vi thân giáo của người thầy như cách đi, đứng, nằm, ngồi, cho đến mặc áo, ăn cơm, rửa mặt v.v... là những giáo huấn sinh động, không thể tìm thấy qua ngôn ngữ văn tự trong trường lớp. Do đó, có thể nói sự mô phạm hay thân giáo của người thầy Phật học được đánh giá rất cao và đóng vai trò quan trọng trong sự tu học của Tăng Ni sinh. 2/ Sư phạm Sư phạm là quá trình khoa học của giáo dục được thể hiện và đánh giá qua sự vận dụng quy luật trong quá trình dạy học và còn là yếu tố không thể thiếu trong việc thành tựu khế lý và khế cơ. Đối tượng của thầy giáo là con người và do đó đối tượng của người thầy Phật học là Tăng Ni sinh. Muốn giáo dục con người thì người thầy phải biết thuyết phục, nêu gương đồng thời tổ chức các hoạt động thực tiễn để cho các học viên có dịp rèn luyện. Tính khoa học trong giáo dục sư phạm Phật học được thể hiện cách chính xác, hợp lý khi nó xác hợp với các quy luật phát triển của lưới tuổi và đặc điểm của đối tượng. Sư phạm trong giảng dạy Phật học thật chất là một nghệ thuật truyền trao chánh pháp và huấn luyện trí tuệ, đạo đức một cách hữu hiệu. Đây là nghệ thuật đòi hỏi nhiều ở sự nỗ lực tự trau dồi của người thầy nhiều hơn bất cứ nghề nào khác. Phật giáo học đường phải là một nền giáo dục hoàn mỹ, mới cung cấp được cho Tăng đoàn và xã hội những con người vững về chuyên môn (chánh kiến và kiến thức phổ thông uyên bác) và mạnh mẽ về đạo đức. Nói cách khác, giáo dục phải mang lại cho người một kỷ năng học và cái tâm an lạc khi phục vụ. Nhưng lâu nay vấn đề này ít được đề cao mà chỉ xoay quanh một vấn đề duy nhất là đạt được “chất lượng kiến thức” mà không quan tâm đến “chất lượng đạo đức”! Chẳng những chất lượng đạo đức không chỉ được xem là quan trọng ngày hôm nay mà còn là sự quan tâm hàng đầu của đức Phật từ ngàn xưa. Nên "vườn ươm Tăng tài" của Đồng Tháp phải vào cuộc cải cách để mang lại hiệu quả thiết thực trong công cuộc "trồng người", nếu không, chúng ta chỉ có những sản phẩm "kém chất lượng", những con người "què cụt nhân cách" với những bước chân khập khiễng đi vào cuộc đời. Vì vậy, bên cạnh những giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học, chúng ta cũng cần phải đặc biệt chú trọng đào tạo về phẩm chất cho một "thiên nhân chi đạo sư" trong tương lai và hiện tại là công dân hữu dụng, có một trình độ nhất định ở nhiều lĩnh vực để đóng góp cho đất nước trong công cuộc tiến đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chứ đừng để cho Tăng, Ni cứ mãi ngủ vùi trong vầng hào quang hào hùng của Thầy tổ từ thời Đinh, Lê, Lý và Trần mãi! Tóm lại, điều kiện kinh tế hiện nay còn khó khăn không cho phép chúng ta làm nhiều việc cùng một lúc. Nhưng không thể chờ đợi đến lúc có đầy đủ hết rồi mới làm. Giảng viên là người hơn ai hết, biết rõ từng vấn đề trong giao thức để đổi mới nội dung của môn học, trong phương pháp giảng dạy và xu thế phát triển của Phật giáo. Muốn có được thế, cần phải tiếp xúc với xã hội qua nhiều lĩnh vực: tin tức qua báo đài, giao lưu nhiều tầng lớp từ trí thức cho đến bình dân, để hiểu được mình đang đứng ở đâu, mạnh về mặt gì, yếu về mặt gì? Nội dung và phương pháp giảng dạy ảnh hưởng quyết định đến chất lượng học đường. Vì thế giảng viên phải soạn lại giáo trình và giáo án nghiêm túc trước khi lên lớp. Đừng bắt "con em"chúng ta ê a học bài như chính chúng ta đã làm cách đây mấy mươi năm. Hãy tìm cách rút ngắn bài học nhưng đầy đủ ý nghĩa và súc tích, để dành thời gian còn lại cho họ thư giản và tu tập những gì đã học, đó mới là biện pháp có hiệu quả trong giáo dục Phật giáo. Với trách nhiệm thay Phật "truyền đăng tục diệm” buộc giảng viên không được tụt hậu về nhân cách và sư phạm mà phải nỗ lực thật nhiều trong công cuộc truyền đạt kiến thức cho thế hệ hiện tại và mai sau một lối đi hiệu quả cho xu thế phát triển của xã hội và Phật giáo ngày nay, để làm giàu thêm phong cách của một giảng viên trong sự nghiệp trồng người!

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/hocduong.htm

 


Vào mạng: 8-7-2004

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang