Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
HỘI THẢO PHẬT GIÁO THẾ GIỚI LẦN 3
NHÂN ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN CỦA LIÊN HỢP QUỐC TẠI BANGKOK

 

I. DIỄN TIẾN HỘI THẢO

Lễ  khai mạc hội thảo Phật giáo thế giới lần 3 tại Bangkok

Kể từ khi Liên Hiệp Quốc chính thức thừa nhận ngày lễ Tam hợp, mừng đức Phật đản sinh, thành đạo và nhập niết-bàn là ngày lễ quốc tế, tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc (LHQ) vào 15-12-1999, đây là lần thứ ba Thái Lan đăng cai tổ chức Hội thảo Phật giáo quốc tế nhân đại lễ Phật đản của LHQ, từ ngày 7-10/5/2006.

Vào ngày 29-30/8/2005, sau khi tham khảo với nhiều lãnh đạo và học giả Phật giáo thế giới, trong phiên hợp trù bị tại Bangkok, Ban tổ chức quốc tế của Hội thảo Phật giáo quốc tế và đại lễ Phật đản của LHQ được thành lập gồm 38 thành viên, với nhiều thành phần, đến từ nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có TT. Thích Quảng Ba và chúng tôi (Thích Nhật Từ) là người Việt Nam.

Trong số gần 2000 đại biểu ngoại quốc đến từ 46 quốc gia và khu vực, có khoảng 300 người Việt Nam trong và nước tham dự. Đoàn Phật giáo Việt Nam gồm có HT. Thích Trí Quảng, HT. Thích Thiện Tâm, TT. Thích Giác Toàn, GS. Lê Mạnh, quý giảng viên của các Học Viện Phật Giáo Việt Nam và Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam cùng chư tôn đức ba miền và quý Phật tử tín tâm. Đoàn Phật giáo Việt Nam tại Úc châu do TT. Thích Quảng Ba làm trưởng đoàn.

Từ trái qua HT. Thích Thiện Tâm và HT. Thích Trí Quảng tại Hội thảo Phật giáo thế giới.

Phái đoàn PGVN có bốn bài thuyết trình: a) HT. Thích Trí Quảng với bài “Đức Phật trong Chúng Ta”, b) HT. Thích Thiện Tâm với bài “Thông Điệp của đức Phật,” c) GS. Lê Mạnh Thát với bài “Vài kinh nghiệm bảo vệ di sản văn hoá Phật giáo Việt Nam,” và d) Thích Nhật Từ với bài “Không có kẻ thù: Cách tiếp cận của Phật giáo về hoà bình” (thuyết trình trong nhóm hội thảo chuyên đề “Phật giáo và Hoà Bình”).

Cũng như năm 2005, hội thảo Phật giáo quốc tế và đại lễ Phật đản của LHQ năm nay do trường đại học Phật giáo Mahachulalongkorn tổ chức, được sự bảo trợ của chính phủ và hoàng gia Thái Lan, dưới sự chứng minh của Hội đồng Tăng thống Thái Lan. Đại lễ được diễn ra tại ba địa điểm khác nhau: Trung tâm Liên Hiệp Quốc châu Á Thái Bình Dương (dành cho hội thảo khoa học), Buddhamonthon, Trung Tâm Phật Giáo Thế Giới (lễ khai mạc, biểu diễn văn nghệ và triển lãm) và Sanam Luang (khu vực lễ hội hoá Phật đản dành cho Phật tử địa phương).

Về phương diện học thuật, chủ đề chính của Hội thảo Phật giáo quốc tế lần thứ ba này là “Sự đóng góp của Phật giáo cho hoà bình thế giới và phát triển bền vững.” Chủ đề của hội thảo đã được các giáo hội Phật giáo từ các truyền thống khác nhau trình bày và thảo luận xoay quanh sáu chủ đề lớn là Phật giáo và hoà bình thế giới, vai trò giáo dục Phật giáo, hoằng pháp trong thời hiện đại, bảo tồn di sản văn hoá Phật giáo, phát triển bền vững và sự hợp tác Phật giáo thế giới. Bên cạnh đó còn có diễn đàn phụ nữ Phật giáo. Các vị danh tăng và trưởng đoàn Phật giáo các nước lần lượt chia sẻ quan điểm và phương thức ứng dụng hành trì, liên hệ đến các chủ đề của hội thảo.

Phương diện tôn giáo của đại lễ Phật đản bao gồm các khoá lễ tụng kinh chúc mừng 60 năm lên ngôi của đức vua tại Chánh điện của Hoàng Cung, lễ đốt nến diễu hành, cầu nguyện hoà bình thế giới tại Buddhamonthon và các thời kinh ngắn của các truyền thống Phật giáo Nam tông, Bắc tông và Mật tông tại Hội trường Liên Hiệp Quốc. Các bài kinh ngắn của các nước đại biểu đã tạo ra sắc thái đa dạng về pháp môn hành trì, giọng tụng, tạo ra không gian tâm linh trầm lắng và tĩnh tại trong lòng của các đại biểu.

Phương diện văn hoá của đại lễ Phật đản năm nay tập trung vào hai mãng chính là triển lãm văn hoá Phật giáo thế giới và biểu diễn văn hoá truyền thống của các quốc gia tham dự. Khu vực triển lãm nằm trong Viện bảo tàng Buddhamonthon, một toà nhà có kiến trúc hình tròn, với những nét trang trí mang đậm màu sắc văn hoá Phật giáo Thái Lan. Bên cạnh các sắc thái điêu khắc và trang hoàng lộng lẫy của Phật giáo Thái Lan, phần trưng bày của Việt Nam đã gây sự chú ý của nhiều tăng ni và Phật tử khắp thế giới. Như chủ đề chính của triển lãm do chúng tôi (Thích Nhật Từ) biên tập, góc triển lãm Việt Nam, theo đánh giá của Ban tổ chức, chỉ đứng sau đất nước chủ nhà, không chỉ là cánh cửa mà còn được xem là “con đường đến với văn hoá Phật giáo Việt Nam” (A Gateway to Vietnamese Buddhist Culture).

28 bức tranh nghệ thuật của Phượng Hồng mang cung cách trầm lắng và thiền quán, làm cho người thưởng lãm ngây ngất trước những nét sơn nước trước những nét đặc thù của văn hoá Phật giáo Việt Nam.

Mãng tranh của Võ Văn Tường đã phác hoạ chân dung văn hoá Phật giáo trong thời cận đại với các chủ đề lễ hội Phật giáo, đại lễ Phật đản, các ngôi chùa tiêu biểu của ba miền, 10 kỷ lục của PGVN, hình nhục thân xá lợi của các thiền sư Việt Nam. Bên cạnh đó, còn có phó bản quả tim từ bi bất diệt của Bồ-tát Quảng Đức, các chú tiểu thong dong tự tại và đặc biệt bộ Kinh Tạng Việt Nam (dịch từ văn hệ Pali và chữ Hán) dạng MP3, do Thích Nhật Từ chủ nhiệm gây sự chú ý đặc biệt ở các phái đoàn Phật giáo, vì âm thanh hoá Đại Tạng Kinh là mô hình khá mới mẻ đối với Phật giáo thế giới.

Sau bốn ngày làm việc trong hoà hợp, đoàn kết và dân chủ, Hội thảo Phật giáo thế giới và đại lễ Phật đản của LHQ đã khép lại với một bản nghị quyết gồm 13 điều, trong đó có một số điều xác định con đường nhập thế của Phật giáo thế giới, chẳng hạn như yêu cầu HLQ, UNESCO và các chính phủ liên hệ bảo vệ các di sản văn hoá Phật giáo thế giới, đồng thời ủng hộ nghị quyết của Diễn Đàn Phật Giáo Thế Giới trong việc xác quyết rằng Pháp Luân Công không phải là học thuyết và hành trì cuả Phật giáo. Đặc biệt, Ban tổ chức quốc tiếp tục tin tưởng, giao trích nhiệm cho trường Đại học Phật giáo Mahachulalongkorn đảm trách niệm thư ký điều phối của LHQ về việc tổ chức đại lễ Phật đản quốc tế lần thứ 4, dự kiến diễn ra vào năm 2007.

II. NGHỊ QUYẾT CỦA HỘI NGHỊ PHẬT GIÁO THẾ GIỚI LẦN THỨ 3

NHÂN NGÀY PHẬT ĐẢN CỦA LIÊN HIỆP QUỐC

Hội trường hội thảo Phật giáo thế giới lần 3

Tất cả tham dự viên từ 46 nước và khu vực của Hội Thảo Phật Giáo Thế Giới nhân ngày Phật đản của Liên Hiệp Quốc tại Buddhamonthon, Nakhon Pathom, Trung tâm Hội thảo của Liên Hiệp Quốc, Bangkok, từ ngày 7-10/5/2006 (PL. 2550) chân thành ghi nhận với lòng biết ơn rằng Hội thảo đã được sự bảo trợ của chính phủ hoàng gia Thái Lan và Hội đồng Tăng già tối cao Thái Lan, khi toàn vương quốc Thái Lan trọng thể tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm lên ngôi của đức vua, đã đồng thuận với nội dung sau đây:

Ứng với nghị quyết được chấp nhận vào ngày 15-12-1999 tại Đại hội của Liên Hiệp Quốc lần thứ thứ 54, mục nghị sự 174, văn bản đề nghị tập thể của 34 quốc gia đã nhất trí rằng ngày lễ Tam hợp của đức Phật rơi vào trăng rằm tháng 4 (tương đương với tháng  năm DL). Đại lễ Phật đản của Liên Hiệp Quốc được quốc tế thừa nhận và được tất cả các truyền thống Phật giáo đồng tổ chức tổ chức kỷ niệm tại các trụ sở và các văn phòng khu vực của Liên HIệp Quốc từ năm 2000 trở đi.

Phát huy sự hiểu biết và hợp tác song phương giữa các truyền thống, tổ chức và cá nhân Phật giáo, thông qua các đối thoại với các lãnh tụ và học giả Phật giáo;

Quyết định truyền bá thông điệp hoà bình, dựa trên tinh thần lời Phật dạy về từ bi và trí tuệ. Sau khi nhận chân các vấn đề liên hệ đến Phật giáo và thế giới, Hội thảo Phật giáo quốc tế đã chấp nhận bản nghị quyết gồm 13 điều sau đây:

(1) Tăng cường và hợp tác hơn nữa giữa các trường phái Phật giáo để phát huy hoà hợp và đoàn kết giữa những người con Phật. 

(2) Thúc đẩy các hoạt động nhập thế nhằm tạo ra các xã hội chánh pháp thông qua sự nhấn mạnh vai trò trọng tâm của việc phát triển hoà bình nội tại và bằng cách biểu lộ động cơ tạo ra sự hoà hợp từ cảm giác, tư tưởng, phát biểu và hành động. 

(3) Thành lập các trung tâm thiền Phật giáo khắp thế giới và đào tạo các giảng sư thiền. 

(4) Biên tập và phổ biến các tài liệu giáo dục Phật giáo nhất quán và dễ sử dụng cho lưới tuổi thiếu nhi, thiến niên và người lớn, thông qua việc thành lập thư viện điện tử như trung tâm dữ liệu Phật học điện tử hoá. Khởi đầu của chương trình này sẽ do trung tâm Giáo Dục Phật Pháp, trang nhà BuddhaNet và trường đại học Phật giáo Mahachulalongkorn đảm trách.

(5) Biên tập và xuất bản kinh tụng quốc tế hay tác phẩm tiêu chuẩn về Phật giáo. Tác phẩm này sẽ được ấn tống rộng rãi cho các khách sạn trên khắp thế giới như một phần nỗ lực hoằng pháp. Để tiến hành Phật sự này một cách có hiệu quả, Ban tổ chức quốc tế sẽ thành lập Uỷ ban chuyên trách biên soạn.

(6) Thành lập cơ quan Phật giáo quốc tế để giải quyết các vấn đề quan hệ và giao tế Phật giáo.

(7) Kêu gọi mọi thành phần, Liên Hiệp Quốc, UNESCO, các chính quyền và tổ chức hữu quan bảo vệ và giữ gìn các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của Phật giáo.

(8) Truyền bá sự hành trì có khả năng chuyển hoá nội tại, giúp cho con người có được các phẩm chất tự kỷ luật, tình nguyện, giản dị trong thanh cao và tiêu thụ với tâm phương tiện chân chánh, cũng như các nỗ lực thiết thực đóng góp vào các hoạt động xã hội và cùng dấn thân vào sự phát triển một mô hình kinh tế mới.

(9) Khuyến tấn cách tiếp cận sự phát triển bền vững dựa trên lời dạy trung đạo của đức Phật, vốn được đức vua Bhumibol Adulyadej của Thái Lan ứng dụng qua học thuyết về “nền kinh tế tự túc.” 

(10) Thừa nhận nhu cầu bức thiết trong việc hiệu chỉnh về tình trạng và vai trò nữ giới trong đạo Phật, nhằm chấm dứt tình trạng tổn thất cá nhân, cộng đồng và sinh thái phát triển không huân bình và không công bằng, đồng thời tái điều phối các nỗ lực về phát triển bền vững, dựa trên tổng thể tương thuộc về các quan tâm về sinh thái và kinh tế đối với hoà bình và an ninh.

(11) Ghi nhận sự thành công của Diễn Đàn Phật Giáo Thế Giới lần 1, được tổ chức tại Châu Sơn, Trung Quốc, trong đó sự khởi động của diễn đàn này đã được Hội Thảo Phật Giáo Thế Giới năm 2005 về Ngày Phật Đản của Liên Hiệp Quốc, nhằm xác quyết rằng Pháp Luân Công không thích ứng với các giáo pháp nền tảng trong đạo Phật. 

(12) Khuyến tấn các quốc gia và quận huyện thành phố tổ chức các Hội Thảo Phật Giáo Thế Giới, đặc biệt là việc tổ chức Hội Thảo Phật Giáo Thế Giới lần 4 nhân đại lễ Phật đản của Liên Hiệp Quốc ở Thái Lan vào năm 2007 (PL. 2551) để chúc mừng sinh nhật lần 80 của đức vua Thái Lan, Bhumibol Adulyadej.

(13) Tiếp tục tin tưởng và giao trách nhiệm thư ký quốc tế cho trường đại học Phật giáo Mahachulalongkorn trong việc thành lập và tổ chức Ban tổ chức quốc tế để tiến hành các bước chuẩn bị chu đáo cho Hội Thảo Phật Giáo Quốc Tế lần 4 nhân ngày Phật đản của Liên Hiệp Quốc.

(Tường thuật từ Bangkok, 11-5-2006)

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/hoithao_thegioi3.htm

 


Vào mạng: 13-5-2006

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang