Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
LỄ BÔNG HỒNG CÀI ÁO
Minh Mẫn

Ngày cuối của khóa tu cho cư sĩ, 4/3/07 ( 16/1/ Đ.Hợi ) tại tu viện Bát Nhã, lễ cài Hoa Hồng diễn ra tại Thiền đường lúc 9g sáng.

 Tất cả đều có mặt trong Thiền đường từ rất sớm; một số em Phật tử phân phát hoa cho cư sĩ trước, vì số lượng người tham dự hôm chủ nhật lên đến 10 ngàn. Sinh viên học sinh, công chức, tiểu thương…rất nhiều thành phần trong xã hội đã tranh thủ tham dự lễ vào ngày chủ nhật; người dân quê gương mặt khắc khổ, tay chân khô đét, bộ đồ tươm tất nhất vẫn còn dấu vết lao động nơi đất ruộng phèn chua, tại địa phương hay các vùng Hà Bắc, Nam Ninh, tuyến đầu tổ quốc đến tận mũi Cà Mau; họ tự động rũ nhau thuê xe cùng đi, có người trốn gia đình, tay bế con nhỏ, tranh thủ tìm một góc sân, treo võng  để con nằm, nhét núm vú giả  đưa bé vào giấc ngũ thơ, để mẹ yên tâm lắng nghe từng lời giảng của sư ông vọng ra trên loa thùng, đặt ngoài hành lang Thiền đường.

Tuy số lượng người tự phát như thế, nhưng rất trật tự và im ắng; Bắt đầu cho bất cứ buổi lễ nào, sư ông cũng hướng dẫn theo dõi hơi thở, khởi xướng đãnh lễ Tam Bảo, lịch đại Tổ sư.Lễ cài Bông Hồng là lễ không những tưởng nhớ ân sanh thành dưỡng dục của Mẹ Cha, còn ghi nhận công ơn thầy tổ, bạn hữu tri thức, quốc gia thủy thổ, đặc biệt là môi trường sống, tất cả mọi loài! Với tinh thần tri ân của người Phật tử như thế, làm sao có thể làm khổ và chống đối nhau, phải chăng những vu vạ bêu rếu vu khống sư ông  cũng  đã giúp làm nổi bật tinh thần Từ Hòa đó, thuận duyên, nghịch cảnh đều vận hành theo lý Duyên khởi của nhà Phật, và biết đâu, cũng từ chống báng của những người yêu nước đứng ở góc độ cực đoan, đã giúp cho nhà nước VN hiện nay tốt đẹp, hơn là những kẻ dua nịnh. Với giáo lý nhà Phật như thế, tất cả đều là Thiện Hữu tri thức, cần phải biết ơn!

Thiền sư T. Nhất  Hạnh kể lại nguyên nhân có lễ cài hoa tại phương Tây, từ đó, tại Medford, năm 1962, Ngài viết một bài về Mẹ, nói lên giá trị Tình Thương của Mẹ và về Mẹ, khuyên tất cả hãy trân quý tình Mẹ, khi còn Mẹ, và một cảm xúc của người mất Mẹ, Ngài nói:              

Năm xưa tôi còn nhỏ

Mẹ tôi đã qua đời

Lần đầu tiên tôi hiểu

Thân phận trẻ mồ côi.

Quanh tôi ai cũng khóc

Im lặng tôi sầu thôi

Để giòng nước mắt chảy

Là bớt khổ đi rồi…

Hoàng hôn phủ trên mộ

Chuông chùa nhẹ rơi rơi

Tôi thấy tôi mất mẹ

Mất cả một bầu trời!

Một đoản văn khác về cha, nói lên nổi cơ cực nhọc nhằn của cha, dầm sương đội nắng để nuôi gia đình, gửi gắm hy vọng và tình thương nơi con, nhưng  giòng lệ nóng  đã ngấm vào lòng khi cha mẹ gặp phải đứa con ngổ nghịch bất hiếu…

Bên dưới, nhiều khóe mắt rướm đỏ, không riêng phụ nữ, nhiều ông cũng lấy khăn chặm nước mắt. Đây là lần thứ hai chúng hội  xúc động, buổi vấn đáp tối qua, một tu sinh đã giải bày nổi bức xúc với thái độ thiếu cảm thông với mẹ, hai mẹ con và chúng hội cùng thút thít khi nội kết được giải toả, sinh khí gia đình được làm mới, tái lập cảm thông; Lễ cài Hoa hôm nay, xác định ân trọng đối với muôn loài, gần gụi nhất là mẹ cha mình.

Hợp xướng Bông Hồng Cài Áo được Tăng Thân Làng Mai trình bày, lời thơ Nhất Hạnh, nhạc Phạm thế Mỹ; một nhạc bản nổi tiếng, có giá trị vượt thời gian, và tạo niềm xúc cảm vào mùa Vu Lan trên đất nước ta nhiều thập niên qua; hai hàng tu sĩ nâng hoa tiến về chư tôn đức, từng cánh hoa trắng đỏ đã nở trên mãnh áo dà, thấm vào huyết quản của những người hiện diện. Hoa trắng , màu tang tóc cho những ai mất mẹ, hay là một tình thương tinh khiêt trắng trong dành cho đấng sinh thành đã khuất. Màu Hồng, màu kiêu sa hãnh diện khoe sắc cho những ai mẹ cha vẫn còn có mặt trong đời, thế nhưng, Thiền sư Nhất Hạnh vẫn chọn cho mình cánh hoa màu Đỏ thắm, tuy mẹ cha đã khuất núi lâu rồi, bởi vì, từng tế bào trong Ngài, vẫn là mạch sống huyết thống lưu diễn của ông bà cha mẹ, cha mẹ vẫn có mặt trong Người qua từng hơi thở, nhịp đập con tim, đó là sự có mặt thường hằng, sự tồn tại miên viễn của tình thương và ân nghĩa;

Tiếng sáo đệm cho lễ cài hoa qua nhạc bản Bông Hồng Cài Áo, Lòng mẹ, tạo một sinh khí đầm ấm, cảm động và nghệ thuật; Cả hội chúng, ánh mắt, nụ cười và giọng nói trao nhau như phưởng phất cái gì cảm thông, êm dịu và biết ơn!

Tiếp theo chương trình, sư ông và đại chúng tiến ra sân, đối diện Thiền đường, cách hơn hai trăm mét là công viên Bông Hồng, một biểu tượng hoan hỷ của những người con tung tăng bên chân mẹ, vì em còn mẹ; một tác phẩm sinh động lớn bằng người thật, đứng trên đế cao, giữa vườn hoa, núi đá và hồ nước, dưới bầu trời thoáng rộng giữa đồi thông, một áng mây trắng vờn qua điểm tô sắc xám bức tưuợng thêm duyên dáng, mẹ VN.

Sư ông, TT trụ trì và chư Tôn Đức hiệp tâm chú nguyện khánh thành công viên Bông Hồng, quan khách và tu sinh vây quanh chiêm ngưỡng, dưới cái nắng cao nguyên, đủ xóa tan sương lạnh của đêm; rải rác dưới cội thông, trên đường mòn, thấp thoáng các tăng thân thanh thản thiền hành, các tu sinh đàm đạo; cảnh thanh bình hay cỏi Tịnh Độ được thiết lập, bầy chim rừng lãnh lót thi đua với hồi chuông tỉnh thức nhắc nhỡ hành giả trở về với hơi thở và bước chân!

Sau 5 ngày tham dự khóa tu, mọi người như thâm nhập được lối truyền thông với xã hội, như cảm thông với huyết thống và tâm linh, tất cả hòa một, mình là tất cả, tất cả là mình, một sự thẩm thấu sâu xa, cơ sở phát triển tình thương và hiểu biết.

Lễ cài Bông Hồng để kết thúc khoá tu mang một ý nghĩa tạ ơn vạn loại, nhắc nhở người tham dự một sự biết ơn để hoá giải mọi mắc mứu trong cuộc sống, vì tất cả đều là ân nhân của chúng ta trên tinh cầu có nhiều quan hệ ràng buộc lẫn nhau, vì thế cần phải Hiểu và Thương, đó là con đường của hòa hợp và an lành.

Những ngày sau cùng khóa tu, lượng người đổ dồn về quá đông, mỗi ngày  phải hơn 10 tạ gạo, chưa kể điểm tâm sáng, các lò bánh mì  ở Blao,  sáng hôm nay không đủ cung cấp ngoài thị trường, xe tải lương thực cho tu viện phải túc trực tại các lò từ 4g  khuya, vậy mà, buổi cơm trưa cuối cùng, một số tu sinh phải ra ngoài tiệm, vì ngày hôm trước, cơm không nấu thêm kịp, các thùng mì gói cũng sạch nhẵn, mọi người nhường nhau một các vui vẻ;

Một khoá tu không những tạo sự thân thiết cho người đồng tộc, ngay cả  người Tây phương, người Thái, người Nhật, Đài Loan… có mặt trong pháp hội cũng cảm nhận được mình là con chung của đấng cha lành.

MINH MẪN

04/3/07
 

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/le_BongHongCaiAo.htm

 


Vào mạng: 13-3-2007

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang