Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
NGÀY XUÂN LUẬN NÓI VỀ TIỀN
Thích Thiện Chơn

Khi nói đến mùa xuân thì mọi người đều nghĩ đến mùa của muôn hoa khoe sắc thắm, mùa của cây cỏ xanh tươi với tiếng chim ca, mùa mà mọi người luôn hướng về bao ước mơ tốt đẹp. Do vậy, vào ngày tết Nguyên Đán gặp nhau luôn nói những điều lành, cầu chúc gặp những vận may, làm ăn phát đạt và đến chùa lễ Phật cầu nguyện cho những điều xấu ác nên đi theo năm cũ; còn tiền bạc, danh vọng, địa vị, cùng những điều may mắn luôn đến với mình, với gia đình mình. Do đó, chúng ta thường có lệ để tiền thật mới vào những bao xinh xắn mừng tuổi trẻ em, nhằm chúc cho các em được tiền, được lộc, được may mắn nhân dịp đầu năm. Thế nên, trong suốt năm mọi người phải cật lực vất vả để kiếm những đồng tiền cho bản thân, cho gia đình mình. Vậy giá trị đích thực của tiền là gì mà chi phối đời sống con người đến thế ?

Thật ra, tiền là những tờ giấy, hoặc những mảnh kim loại nhỏ được con người gán cho sự quí báu và định vị cho nó một giá trị nhất định, xem nó là cán cân để cân đong đo lường giá trị tất cả các vật dụng, có khi nó còn đo được cả tình cảm của con người. Song song với các giá trị ấy, tiền có khi đồng nghĩa với tội ác, với danh vọng, địa vị và mọi thứ làm nên cuộc đời. Thế nên nó đem đến cho con người bao niềm vui cùng với bao nỗi buồn. Dựa vào tiền, bên ngoài con người hiện tướng phân chia giai cấp, bên trong là lệ thuộc; bên ngoài là an vui hạnh phúc, bên trong là khổ đau tột bực, …

Từ khi con người định vị giá trị đồng tiền thì nó đã đóng vai trò chính yếu quyết định đời sống con người. Đồng tiền gắng liền khúc ruột của cá nhân, chia cách tình cảm anh em ruột thịt, vì thế mà bao gia đình cốt nhục chia lìa, biết bao người vì đồng tiền mà vào tù ra khám, vì đồng tiền mà cướp nước đoạt ngôi, vì đồng tiền mà gây nên cảnh chiến tranh chết chóc, máu đổ thịt rơi. Ngày nay, đồng tiền đóng một vai trò chính yếu, thậm chí còn quyết định đời sống sinh họat con người. Đồng tiền có thể thay mắt ghép tim, sửa xấu thành đẹp, có thể thay đổi cuộc đời nghèo khổ thành giàu sang tột bực, đồng tiền có thể nâng cao dân trí, cải thiện đời sống người dân, đưa đất nước tiến bước theo nền văn minh đương đại, làm thay đổi vận mạng đất nước, ảnh hưởng lớn đến cộng đồng xã hội, …

Đầu tiên, ta dùng tiền làm phương tiện giao dịch, nhưng dần dần quên mất phương tiện ban đầu, ngày một đắm chìm vào giá trị do ta đặt ra, lệ thuộc vào tiền tài cho đó là của ta, chấp giá trị quy ước đó là thật của mình nên sinh tâm tham đắm. Từ đó, do tiền nên ta sanh ra buồn giận, yêu, ghét, muốn. Tâm mãi vận hành theo chu kỳ có không của vật chất nên chẳng mấy lúc ta được bình an, hằng ngày luôân nắm bắt vào ảo giác mà tưởng lầm đó là có thật. Làm sao thật được khi cái thân này không phải chính của ta thì vật chất làm sao mà trường tồn vĩnh cửu được. Tiền tài thuộc về của ta hay không còn tuỳ thuộc vào khối phước đức chúng ta tạo dựng từ trong quá khứ, phước có thì tiền đến, phước hết thì tiền đi đó là lẽ thật của cuộc đời. Chúng ta viện cớ cần tiền để tạo phương tiện nhưng thật ra ta cần tiền vì tiện nghi, vì phương tiện do đồng tiền mang đến thì ít mà muốn hơn người khác thì nhiều. Ta sợ mọi người đánh giá thiếu phước báu, thiếu phương tiện, … đó chính là do bản ngã. Thực tế vấn đề nghèo giàu, vấn đề phước đức đều do sự phân biệt chấp mắc của ta mà ra chớ không có một tiêu chuẩn nào chính yếu để cho ta đem ra phân định, so sánh. Sự phân biệt giàu nghèo sang hèn, sự phân biệt hưởng phước giàu sang hay chịu quả báo khổ đau đều là do vô minh mà ra. Vô minh che tối nên chỉ thấy vào cái ta, chỉ thấy vào tướng trạng phân biệt mà quên đi cái chân lý đích thực của cuộc đời.

Thật ra, giá trị của tiền được tạo thành theo tâm tưởng của ta, nên cho rằng người có nhiều tiền thì có phước đức điều ấy chưa chắc đúng.  Bởi có ai đem tiền ra mua được tuổi thanh xuân hay dùng tiền hối lộ với tử thần chưa ? Chúng ta thấy rằng những thầy thuốc giỏi, những bác sĩ danh tiếng hay những nhà tỷ phú có ai thoát dược cái chết chưa ? Tiền chỉ có thể giúp người ta thoát bệnh chớ không thoát chết. Có ai dùng tiền mua được cái thân khoẻ mạnh, cái tâm an lành hạnh phúc chưa ? hay ít tiền thì gặp những chứng bệnh thô sơ, còn người nhiều tiền thì biến thành những bệnh nan y thời đại mà tiền nào cũng không chữa khỏi. Những người nghèo thì giấc ngủ bình an còn hơn những người giàu mà không đêm nào được an giấc. Vậy có tiền nhiều để làm gì nếu tiền không giúp ta được an vui hạnh phúc. Tiền không thật là của ta nên đừng cố tâm gìn giữ, nếu đích thực là của ta thì tại sao lại bỏ ta mà đi, còn như không phải của ta thì dù có ra tâm gìn giữ nó cũng vô ích mà thôi.

Có nhiều người quan niệm thông thoáng hơn bằng cách đem tiền của ra bố thí giúp đỡ người nghèo khổ. Nhưng người kia có vui gì khi  nhận những đồng tiền ấy, dù ta có cho họ bạc triệu đi nữa nhưng vẫn không làm cho họ thực sự vui. Cái họ cần chính là thân thể khoẻ mạnh, áo quần sạch sẽ, tự do đi lại… Tiếp xúc với người bệnh nhân nhiễm HIV, hay bệnh nhân phong ta sẽ thấy rõ điều này. Cái người ta cần không phải là những đồng tiền, hay những món quà do ta mang đến mà cái ước mơ lớn nhất, cần nhất của họ chính là được hoà mình vào sinh hoạt cộng đồng như chúng ta. Cho nên, tiền có thể cứu nghèo chớ không giúp người thoát khổ, tiền có thể tạo điều kiện giúp con người sống sung sướng hơn chớ không phải là hạnh phúc thật sự. Do vậy, có người thọ hưởng tiền tài, danh vọng tột bực cũng chưa thấy mình thật sự hạnh phúc. Người đuổi theo ảo giác này là thiên thu chìm đắm trong mộng trường bởi những tờ giấy bạc vô nghĩa, kiếp này, kiếp sau và sau nữa chẳng bao giờ thoát khỏi vòng lẩn quẩn của luân hồi.

Thái tử Tất Đạt Đa thật sáng suốt khi quyết định xuất gia học đạo, nhằm vượt khỏi cảnh hệ lụy của tiền bạc vật chất. Với năm năm tầm đạo, sáu năm khổ hạnh và suốt 49 năm trường vân du thuyết pháp hóa độ chúng sanh, đức Phật không bao giờ quan tâm đến tiền tài danh vọng. Hàng Tỳ-kheo đệ tử Ngài trên bước đường du hóa cũng không bị chi phối bởi tiền tài. Các thầy luôn sống trong tinh thần thánh thiện của một hành giả trên lộ trình giải thoát, nên đa số sớm chứng được Thánh quả.

Trong xã hội ngày nay, một xã hội đang phát triển với nền công nghệ thông tin văn minh hiện đại, một xã hội luôn bị tác động bởi tiền tài vật chất. Các Thầy Tỳ-kheo ngày nay không thể đầu trần chân đất nay đây mai đó, không thể ba y một bình bát ngày ngày du phương khất thực. Các thầy ở trong những trụ xứ nhất định hàng ngày vẫn tiếp xúc cuộc sống đời thường để hoá độ chúng sanh và tuỳ duyên sử dụng tiền tài vật chất để làm phương tiện trong trách nhiệm hoằng truyền chánh pháp theo tinh thần tứ thánh chủng. Thế nên, cho dù xã hội có văn minh tiến bộ đến đâu đi nữa, nếu hàng Tỳ-kheo thực hành theo lời Phật dạy thì vẫn không bị chi phối bởi tiền tài, vẫn an lạc trong đời sống tu tập thường nhật của mình và con đường tiến đến Niết-bàn giác ngộ ngày một thu ngắn.

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/luan_vetien.htm

 


Vào mạng: 3-4-2006

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang