Trang tiếng Anh |
...... ... | .. | . | .. | . | . |
Kính thưa Ban thư ký Báo Giác Ngộ (BBT) và Phúc Đoàn, Khi đọc bài báo “Đôi điều trăn trở về thực trạng du học” trên website Chuyển Pháp Luân (http://chuyenphapluan.com/traodoi), chúng tôi chỉ xem nó như những thông tin loại lá cải không đáng lưu tâm. Cũng may nhờ Phúc Đoàn nhắc nhở “Một khi đã mang trong mình một ung nhọt, muốn lành bệnh thì dù đau đớn đến mấy cũng phải giải phẫu.” Thế nên chúng tôi không nệ tài hèn sức mọn xin tiếp tay cho cuộc tiểu phẫu này. 1. Xót thương thay! “Trong những năm gần đây, với nhiều thuận duyên nên có không ít Tăng Ni được xuất dương du học.” Cụm từ ‘có không ít’ mà bạn sử dụng rất hợp với văn phong Anh ngữ [thí dụ như ‘not bad’ có nghĩa là không tệ]. Từ đây chúng tôi kính khuyên bạn nên học thêm tư tưởng cởi mở của phương Tây chứ đừng cố chấp theo kiểu "Quân xử thần tử..." rồi giữ mãi rập khuôn "Thiên trời, địa đất, cử cất, tồn còn…" mà không dám thốt nên câu "con hơn cha nhà có phúc." Còn ở Việt Nam thì có một số nơi người ta sử dụng ‘có không ít’ để làm chảnh với đời và để mỉa mai. Chúng tôi không biết bạn dùng nó vào đâu? Từ "thực trạng" cũng thế, có không ít người dùng nó trong những hoàn cảnh xuống cấp, xấu xa hàm nghĩa hướng hạ nhiều hơn hướng thượng. Ông bà ta có câu ‘nhìn vật biết chủ’ có phải chăng nó gần gũi và gắn bó với khổ chủ nên trong một bài viết hơn ba trang mà nó được nêu tên đến những 12 lần. Kỳ thật chúng tôi không biết bạn là ai, là nam hay nữ và Tăng hay tục… mà lời lẽ nặc mùi lên lớp. Bạn dùng từ "thực trạng" để lên lớp, để phỉ nhổ, để xúc não, và để bóp nghẹt bao trái tim luôn thao thức ngày đêm nơi xứ Phật mong tìm lại dấu chân xưa. Chặng đường du học của huynh đệ chúng tôi phần đông là tự túc. Cũng may, nhờ những tấm lòng vàng của quí Phật tử, quí ân nhân đã nhịn ăn, nhịn mặc để ủng hộ cho chúng tôi, chứ chúng tôi chưa nhận được gì từ bạn dù chỉ một lời động viên sách tấn. Ngược lại chúng tôi chỉ nhận được "sau loạt bài Những nẻo đường du học (Giác Ngộ số 250, 251, 252)" những phản hồi mang tính nhân tình thế thái. Nó làm chúng tôi nhớ đến Kinh Tăng Chi, Chương Bốn Pháp, IX. Phẩm Không Có Rung Ðộng, Bài (V.85) Tối Tăm, Đức Phật chỉ dạy có 4 hạng người có mặt ở đời, trong ấy có hạng người thứ 3 như sau: "Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người sống trong ánh sáng hướng đến bóng tối? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người được sanh trong một gia đình cao quý… có nhiều tài sản, vật dụng… Người ấy lại đẹp trai, dễ nhìn, dễ thương, với màu da tuyệt đẹp, xinh xắn. Người ấy lại nhận được đồ ăn, đồ uống, áo mặc, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, chỗ nằm, chỗ trú, đèn đuốc. Người ấy, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các Tỷ-kheo, như vậy là hạng người sống trong ánh sáng hướng đến bóng tối." Bài Kinh này rất giống với ý nghĩa "hé mở" của bạn để từ trong ánh sáng hướng về bóng tối. Vì bạn sống trong ánh sáng của biên tập viên báo Giác Ngộ, của Chuyển Pháp Luân nhưng tâm lại hướng về bóng tối, hướng về "các thực trạng của Tăng Ni du học tại Ấn Độ và Đài Loan, Trung Quốc." Bạn có biết không, trong Bồ Tát Giới có đoạn: “Chớ xem thường những lỗi nhỏ mà cho là không tội, như giọt nước tuy nhỏ mà lần đầy cả chum to." 2. Nồi canh bị con sâu làm rầu Thiết nghĩ, nồi canh trước mắt của chúng ta là Báo Giác Ngộ, và website Chuyển Pháp Luân giờ đã bị những con sâu: H.N, Huyền Như và Phúc Đoàn làm hư tan tác. Cầu mong chúng đừng có lây lan và làm rầu nồi canh lớn của "Phật Giáo Việt Nam." "Đành rằng có một sự đồng cảm rất lớn," nhưng thật sự kể từ ngày sang Ấn đến nay đã hơn 6, 7 năm trời chúng tôi vẫn chưa nhận được một tí gì đồng cảm dù rất nhỏ từ bạn mà chỉ nhận những lời xúc não và sự ‘đồng lõa,’ sự trung thành với loạt bài "Những nẻo đường du học." Tức là bạn tin tưởng tuyệt đối vào cái nhìn thiển cận, võ đoán sai sự thật của "HN qua bên này đã được vài tháng rồi." Chúng tôi đã sang rất lâu được đi chiêm bái cả Nam và Bắc Ấn [Tứ Động Tâm cùng những hang động ghi dấu thời vàng son của Phật giáo Đại thừa] vậy mà vẫn chưa dám kết luận một cách vội vàng về sinh hoạt cũng như phong tục tập quán tại xứ Ấn. Chính sự ‘đồng loã, lấp liếm sự thật’ như đã phân tích trên của bạn mới làm "phương hại đến uy tín, danh dự của những vị chân tu, thực học khác." Từ trước đến nay chúng tôi đã đọc được ít nhiều từ ‘tinh tấn’ trong giáo điển nhưng rất tiếc chúng tôi chưa nhận được sự "sáng biến" của bạn đã ghép “Thực trạng quá tinh tấn.” Chúng tôi nghĩ rằng không biết đến bao giờ sẽ nhận được sự mới mẽ về “thực trạng chuyển pháp luân hay thêm cánh cho những danh xưng như: thực trạng Huyền Như và thực trạng Phúc Đoàn" đây? Như bạn đánh giá “trình độ tự thân cực kỳ kém cỏi, đặc biệt là quá yếu kém về ngoại ngữ." Không biết bạn dùng loại thước nào để đo trình độ của chúng tôi? Có phải chăng bạn dựa vào cây thước H.N ? Thực ra cây thước ấy còn non nớt lắm, mới sang Ấn chân ướt chân ráo mà dám khẳng định “Ấn Độ có 26 bang.” Do vì "kém ngoại ngữ… chẳng biết tự lượng sức mình" hay nhu cầu săn tin gấp quá nên mới báo cáo vội vàng như thế. Chúng tôi xin báo cụ thể là Ấn Độ có đến 28 tiểu Bang cùng với 7 thành phố Liên Bang, nếu cần chúng tôi sẽ gửi tài liệu cho bạn biết tên của các tiểu Bang cùng với những Thành phố, mật độ dân cư cũng như mỗi bang sử dụng ngôn ngữ nào chứ không phải chỉ có Hindi và English. Bạn có nhớ người săn tin của bạn nói gì không "Dân Ấn hầu hết đều nói tiếng Anh… Tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ của họ,” tự vì chú ấy mới sang chưa được đi đâu nên chỉ nghe lóm và thu lượm những thông tin truyền miệng cho vui vậy thôi. Cho bạn biết tại Bodhagaya [Bồ Đề Đạo Tràng: nơi Đức Phật Thành Đạo] thuộc tiểu bang Bihar mà thủ phủ thì nằm ở Patna [Pataliputta: Hoa Thị Thành xưa]. Tại đây, nếu bạn vào chợ mua rau cải mà sử dụng English thì chẳng mua được gì đâu. Bạn thấy chưa, chỉ mới sơ lược có một tiểu bang Bihar thôi mà ngôn ngữ đã gặp rắc rối rồi nếu đi cả 28 tiểu bang thì sẽ ra sao? Thế mà người đưa tin của bạn dùng từ "Dân Ấn," có chăng thì chỉ tại Delhi thôi và chỉ một góc nhỏ nào đó theo "những gì mình cảm nhận và chứng kiến." Cho nên việc "… dẫn đến hiện tượng ‘chạy’ đề, ‘chạy’ điểm và làm ‘hư’ giáo sư…" chúng tôi xin gửi lại để bạn tặng cho người đưa tin yêu quí của mình. Bạn dùng cụm từ "tiến sĩ gian lận" có phải chăng là con đẻ của câu "Có trường hợp giờ kiểm tra, một vị giở tài liệu, giáo sư thấy được, bảo "doctor of cheating.” Trở lại thực tế, bạn biết không Đại học Delhi mỗi niên, mỗi khoá học đều có sự cải cách về luật lệ, và về tổ chức. Vì vậy giờ kiểm tra chỉ áp dụng cho các khoá sau này ở lớp M.A [Master of Art: Thạc sĩ văn khoa]. Hơn nữa, người đưa tin của bạn vào học năm 2004 thì phải đến trung tuần của tháng 12 này mới làm bài kiểm tra thì làm sao được tận mắt chứng kiến sự kiện: giờ kiểm tra, giở tài liệu cũng như việc gian lận gì gì đó. Có chăng là chú ấy tiếp nhận từ những câu chuyện vui truyền miệng của bạn bè để vả lả, để động viên những người mới sang, nhưng không ngờ những câu chuyện vui ấy chuyền đến tay anh em, thầy trò của bạn thì nó được diễm phúc nâng lên thành "giấy trắng mực đen" của báo Giác Ngộ. Chúng tôi rất hiểu và cảm thông với anh em của bạn luôn sống nhờ vào giấy trắng mực đen nhưng cũng phải chừa một đường hậu để đến lúc nghiên khô mực cạn, giấy nát tả tơi, thì có hối hận sẽ không kịp nữa, như cổ nhân từng dạy "hữu tiền thường niệm vô tiền nhật" là vậy. Tiếp đến, “… về nước nếu không tiếp tục ‘chạy’ thì họ sẽ làm gì cho chính họ và cho PGVN?" Thiết nghĩ, chúng tôi không cần phải chạy đi đâu cả. Vì ngay khi chúng tôi chưa về nước thì đã có người phát tâm sắp xếp và phiêu danh chúng tôi trên BGN, trên trang web chuyển pháp luân rồi. Đặc biệt là hiện đang có người lao tâm khổ trí đào tạo thợ săn, và bỏ tiền ra mua vé sang Ấn để giúp chúng tôi “nghiên cứu và khám phá." 3. Sư tử trùng thực sư tử nhục “Đành rằng ‘ẩn ác dương thiện’ là điều tối cần nhưng bao che và bưng bít là điều không nên." Câu này rất hay, nếu không phiền chúng tôi xin bạn câu này để làm quà dâng lên Ban Biên Tập Báo Giác Ngộ để quý Ngài "…nhìn thẳng vào sự thật, nhận thức đúng thực trạng" mà tuyển dụng các biên tập viên chịu trách nhiệm kiểm duyệt bài để đăng tải, và những cây bút có chất liệu Giác Ngộ. Có như thế mới thoát khỏi được thực trạng làm nghèo nàn tờ báo phải tìm tòi từ trong hộp thư điện tử (email) để đăng tải và đăng tải "nguyên xi." Và có như thế thì những hộp thư điện tử cá nhân khác mới khỏi cảnh lo âu và sợ sệt cho hộp thư mình bị "nghiên-cứu-khám-phá." "Việc học hành… như hiện nay cần gì phải lấp lửng kiểu ‘lãnh noãn tự tri’… Chuyện tiêu cực… thành giấy trắng mực đen.” Đến đây bạn đừng bảo chúng tôi hồ đồ nhé! Chính câu này đã tố cáo bạn tin tưởng hoàn toàn vào người đưa tin của mình rồi. Như bạn bảo "lấp lửng" là lấp lửng việc gì, có phải chăng chính là việc "Mình chỉ nói với thầy những gì mình cảm nhận và chứng kiến." Về "giấy trắng mực đen" thì đâu chỉ hôm nay mà từ lâu nay anh em, thầy trò của bạn luôn sống bằng cái nghề ấy. Tính chất sống của nó là vừa nghiên, vừa cứu, vừa khám lại vừa phá mà. Còn từ "đương sự" vì chúng tôi không biết bạn là ai, gái hay trai và Tăng hay tục nhưng bạn hãy xem lại từ ngữ này dùng cho ai, và dùng trong hoàn cảnh nào? Bạn nên nhớ là đang nói chuyện về Tăng Ni, với Tăng Ni chứ không phải tục gia đệ tử Phật, và chúng tôi cũng không tin bạn nghèo nàn vốn từ Phật học. 4. Tự lượng hay tha lượng "Trước những cảnh báo về một vài thực trạng tiêu cực trong du học như hiện nay, những Tăng Ni đang và sẽ du học phải tự lượng sức mình." Thật là chí lý, chúng tôi xin trang trọng đón nhận thực trạng tự lượng từ bạn để tự khắc mình không nên khua môi múa mỏ và nhất là không dám hồ đồ kết luận một điều gì khi chưa xét kỷ. Còn việc "tuyển chọn nhân sự" chúng tôi tìm mãi mà không thấy bạn đề cập đến ngành văn hoá. Vì ngành này rất quan trọng là cơ quan chủ quản của 2 phương tiện truyền thông: Báo Giác Ngộ, và Website Chuyển Pháp Luân… Nếu chúng ta tuỳ tiện đưa bài với óc thiên lệch thì sẽ gieo nọc độc cho Phật tử VN như chất Anthrax vậy. Nhất là làm mất đi ánh sáng của Giác Ngộ và Chuyển Pháp Luân. Thật là may mắn cho những cái thùng "đặc" kêu to lắm, âm thanh vang xa khắp trong và ngoài nước. Chỉ e sợ cho những cái ‘thùng’ này "không biết tự lượng" để phải "cố gắng gượng cõng thêm" bao nhiêu thực trạng nữa "trong khi lực bất tòng tâm, hữu danh vô thực thì chỉ chuốc lấy tai hoạ mà thôi." Tiện đây chúng tôi xin gởi một bài Kinh trong Tăng Chi Bộ để dằn bớt âm thanh của chiếc thùng "đặc" đó: "Này các Tỷ-kheo, có bốn loại chuột này. Thế nào là bốn? Ðào hang không ở, ở không đào hang, không đào hang không ở, có đào hang có ở. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có đào hang, nhưng không ở? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người thuộc lòng Pháp như Khế kinh, Quảng thuyết... Vị ấy không như thật quán tri: "Ðây là Khổ... Ðây là Khổ tập... Ðây là Khổ diệt... Ðây là con Ðường đưa đến Khổ diệt.” Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người đào hang, nhưng không ở." 5. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ loạt bài trên 5.a. ‘Trước hết Giáo Hội và ngành’ văn hoá Phật giáo ‘trong nước sẽ rút ra được bài học kinh nghiệm về quản lý’ cũng như tuyển dụng nhân sự cho Báo Giác Ngộ. Chẳng hạn như những cỗ xe cũ kỷ, lạc hậu, lạm dụng, cực đoan và qua mặt thượng cấp [Chư Tôn Đức trong Ban biên tập] thì nên cho họ 1 thùng báo đặc ân để ẩn sĩ qui điền. Vì nếu phần tử này còn tồn tại nơi toà soạn sẽ ‘là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến thực trạng yếu kém’ của tờ báo và làm giảm đi ánh sáng Giác Ngộ. 5.b. Chúng tôi không hiểu ‘các biện pháp quản lý du học sinh ở trong nước’ là gì? Câu này đã đủ hay dư, hoặc không dùng cụm từ ‘ở trong nước’ hay ý tác giả muốn nói gì… rồi tự nhủ: đó là từ ngữ của báo chí, của website. Đến đây chúng tôi chợt nhớ lời giới thiệu cho bài ‘Những nẻo đường du học’ ngay từ câu mở đầu ‘Một khi nhu cầu chiếm lĩnh tri thức ngày càng cao.’ ‘Nhu cầu’ là gì, chưa có túc từ lại muốn ‘chiếm lĩnh’ mà ‘chiếm lĩnh tri thức’ nữa chứ. Quả thật ngôn ngữ báo chí sâu xa khó hiểu. Vâng, ‘bằng C Anh ngữ’ hay một ngôn ngữ nào khác rất cần thiết, nhưng nó không chỉ dành riêng cho những Tăng Ni thuộc ngành giáo dục mà còn rất hữu ích cho những nhân sự thuộc ngành văn hoá. Vì nếu không hiểu ngôn ngữ của nước mà mình sắp đến thì sẽ săn tin và báo cáo sai lệch đưa đến thực trạng ‘con dại cái mang." Hơn thế nữa, bên cạnh việc "Giáo Hội phải cẩn trọng, giám sát nghiêm túc các ‘hoa trái’ của hậu du học" cũng nên chừa một chút lưu tâm mà chăm sóc những ‘chồi non’ của Báo Giác Ngộ. 5.c. Chúng tôi vô cùng cảm động khi được “Giáo hội… nỗ lực quan tâm… Quỹ hỗ trợ… học bổng…" Thực sự, chúng tôi, những người con tha phương tham học chẳng dám đèo bồng chi cả, chỉ mong ánh sáng Giác Ngộ luôn soi rọi đúng hướng, luôn phản ánh công tâm mà “đừng nghiên, đừng cứu, đừng khám, và đừng phá” theo kiểu lộng giả thành chân nữa là phước đức cho chúng tôi rồi. 5.d. "Giáo hội cần lập ngay một trung tâm tư vấn du học." Dạ vâng, nếu có được trung tâm tư vấn thì quá tốt, quý huynh đệ chúng tôi sẽ không bị xúc não và thất vọng. Tuy thế, khi chưa có ‘trung tâm’ thời chúng tôi chỉ mong đừng bị ‘tư vấn’ hay "khuynh tâm tư vấn" hoài thì khổ đế sẽ có mặt. Cũng như "Khuynh hướng quá thiên trọng về học vị như hiện nay nên chăng cần xem xét lại?" Thế còn khuynh hướng tỵ hiềm, đạp đổ học vị, làm xúc não Tăng Ni đang trong mùa thi cử thì có cần xem xét gì không? Hay cứ lấp lửng cho qua để nó mặc tình, giao du và kết bạn với ‘sở tri chướng,’ với ‘thế trí biện thông.’ Chúng tôi thấy "biểu hiện đa chiều của tham vọng và vô minh, không hữu ích thiết thực cho sự nghiệp giải thoát" nhưng nó lại là chất liệu nuôi sống sự nghiệp báo chí, văn đàn nên mới xảy ra thực trạng thao túng, lộng quyền và độc đoán. Vì sao? Vì vô minh cho nên nghe lầm tin vội vào những thông tin lá cải, rẻ tiền của 1 người mới sang Ấn được vài tháng, cộng với bao nỗi lo sợ chất chồng về bài vở, về sinh hoạt, về ngôn ngữ… Thế thì từ ngữ vô minh có cần định nghĩa lại hay không? Và chúng tôi phải ‘lắng nghe người đi trước’ hay ‘tin nhận người đi sau’? 5.e. Chúng tôi cảm động quá khi nghe bạn nói “Với tất cả lòng nhiệt thành của người con Phật" chỉ mong sao lòng nhiệt thành đó đừng thắp sáng bằng những chất liệu “tật-san-cuống-siểm-hại-kiêu." Chỉ mong sao ‘Chánh ngữ là nói thẳng và nói thật" chứ đừng có nói thẳng mà không thật thì chỉ có ngữ chứ không chánh. Hơn nữa, nói đến ‘Chánh ngữ’ thì không thể thiếu ‘Chánh kiến,’ và ‘Chánh tư duy’ còn những gì không được kiểm duyệt qua lăng kính của “Chánh kiến, Chánh tư duy, và Chánh ngữ" mà chỉ y cứ vào giấy trắng mực đen thì chúng ta vô tình ngăn chận bước tiến, và bóp nghẹt bao trái tim chân tu thực học. Sau cùng và trên hết chúng tôi xin đồng cảm với lời cuối “Nguyện tu học để xứng đáng là bậc Thầy đúng nghĩa, để đền ơn Tam Bảo” và nhất là nguyện rộng độ những tâm niệm chúng sanh "phú-não-tật-san" đang tiềm ẩn nơi tận đáy lòng. Và xin mượn Kinh Pháp Cú câu 42, Phẩm Tâm thay cho lời kết: "Kẻ thù hại kẻ thù, Oan gia hại oan gia, Không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân." Delhi ngày 05 tháng 12 năm 2004 |
Vào mạng: 17-12-2004 |