Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
NGHĨ VỀ THI PHẨM "GIÓ BỤI" CỦA T.K THIỆN HỮU

 "Cánh nhạn ngày xuân", một trong những bài thơ của T.K Thiện Hữu đã có một sức lôi cuốn kỳ lạ và huyền diệu, đưa tôi trở về với con người thật trong một giây phút trực ngộ nào đó…

"Sáng nay nhẹ dở trang kinh

Trần gian lắng dịu kết tình hư vô

……………………………….

Đến đi tự thể là gì

Khác nào cánh nhạn bay đi cuối trời…"

Đó cũng là cơ duyên để tâm hồn tôi được thảnh thơi, thoải mái đi gần với những thi phẩm của Thầy, như Nụ Đào Nở Hoa, Hoa Ưu Đàm Nở, và cả những bài thơ nói về Mẹ, người hiền mẫu suốt đời hy sinh tận tuỵ cho con cái. Công ơn Trời bễ của Mẹ làm sao kể siết:

"Sóng vỗ vượt trùng dương

Tình Mẹ lớn khôn lường…" (Tình Mẹ)

Hơn thế nữa, trong Gió Bụi, lần này, người đọc lại có cảm giác là thơ của Thầy có một nét đẹp như viên kim cương, lúc nào cũng lóng lánh, chiếu sáng cả trong lẫn ngoài, đẹp về hình thức cấu trúc thơ ca lẫn phần nội dung sâu thẳm, tận cùng của ngôn ngữ Thiền và Triết lý Phật giáo. Vượt lên trên đó, mỗi vần, mỗi bài thơ đều mang đầy đủ tính chất Chân-Thiện- Mỹ cho cuộc đời thêm hoa thơm cỏ lạ.

"Con về trên đỉnh Linh sơn

Uống trăng hứng gió vui hơn cảnh nghèo

Đâu đây suối chẩy thông reo

Đỉnh chung phú quí bọt bèo ngang qua

………………………………….

Âm vang nhạc khúc vô hành

Ngàn xưa chẳng mất vẫn thành sắc không. (Suối nguồn)

"Ngàn xưa chẳng mất vẫn thành sắc không", cái chân lý mầu nhiệm, bất di bất dịch, cái Như lai tạng tánh, như nhiên thường tại chính ở chỗ này.

Vì đối với nhà thơ, cuộc đời không chỉ có vô thường, sanh tử, khổ đau, mà vấn đề là con người không giác ngộ hay chưa giác ngộ, vẫn bị luẫn quẩn trong vòng luân hồi đâu đó. Tâm loạn luôn xẩy ra, ý loạn luôn kéo tới, khổ ải, đớn đau luôn hiện hữu; hỷ, nộ, ái, ố luôn lẫn lộn, đan xen nhau không biên giới. Con người đã tự không biết mình là ai và sống trong một cảnh giới ảo hoá, không thực tánh, do nghiệp lực chi phối. Từ đam mê này đến đam mê khác, từ ham thích này đến ham thích khác, con người đã tự xây đắp cuộc đời mình bằng một lâu đài nguy nga trên bãi cát, trên biển cả hoang vu, trầm thống. Thật bi đát thay!

Mặc khác, khi tâm của con người vẫn còn đắm nhiễm, vẩn đục biểu thị ít nhiều qua lời nói, chữ viết và hành động, thì con người vẫn còn khổ luỵ, trầm luân. Cái niệm của con người vẫn còn là cái niệm, nghĩ ra được, phô bày ra được, thì con người vẫn còn chao đảo, nghiêng ngả. Khi đó, con người vẫn còn sống trong vô thường, ảo giác, mê muội. Chỉ khi nào tâm trở thành tâm "vô tâm", niệm trở thành "vô niệm" thì lúc đó con người mới có cơ hội tiếp xúc với thức tĩnh và tuệ giác. Lão Tử trong Đạo Đức Kinh cũng đã nói: “Đạo khả đạo phi thường đạo- Danh khả danh phi thường danh” là vậy.

Tập thơ “Gió Bụi”, theo tác giả, cuộc đời mặc dầu có vô thường, có giả tạo, nhưng tại sao chúng ta vẫn chưa thức tĩnh, vẫn còn ngụp lặn trong cảnh trầm luân đó? Hẳn là chúng ta phải biết sống và sống một cách thong dong, thảnh thơi trên cuộc đời này, nhà Phật gọi là người đang đi trên con đường tu tập để đạt đến trạng thái tâm lý hoàn toàn an lạc, giải thoát:

"Bao phiền não dạo chơi miền sơn thuỷ

Đem hồng trần khổ luỵ đổi an nhàn

Lẽ hơn thua xin trả lại trần gian

Lòng thanh thản đón gió ngàn non nước

…………………………………..

Đừng trao nhau những oán giận âu sầu

Đừng bày vẽ trò bể dâu thương hải

Cứ thong thả trải tâm lòng vô ngại

Như càn khôn dẹp cả những bại thành…." (Tuyệt thế tinh anh)

Dẫu biết cuộc đời đầy nghiệt ngã, thăng trầm đến đâu đi chăng nữa, nhưng nếu con người biết sống, biết quên đi những đau khổ của mình, biết trải tâm thương xót, đồng cảm với nổi khổ đau của người khác. Cố gắng sống trong cảnh hồng trần nhưng lại tạo niềm an lạc cho trần gian này. Siêng năng làm lành, tạo bao điều phước thiện để biến tâm ích kỷ, hẹp hòi thành tâm "vô tâm" chân thật, rộng lượng. Biến niệm hơn thua thành niệm "vô niệm" nhường nhịn thì cuộc đời trở nên thảm cỏ xanh tuyệt đẹp, tạo thành dòng suối mát ngọt ngào cho mọi sanh giới nhuận thắm, thưởng thức:

"Vườn đời ngát hoa thơm

Dòng đời tràn suối mát

Cuộc đời đầy an lạc

Đường đời thật bình an

…………………….

Trần gian hởi, xin trọn niềm sung sướng

Hãy quên đi những đau khổ nhiễu nhương" (Quên đi)

Lăng xăng, tất bậc cả cuộc đời truy tìm hạnh phúc, để rồi rốt cùng, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, những ước vọng thầm kín, những khao khát ngàn đời của con người lại gặp nhau trong mẩu số chung, trong khung cảnh tuyệt đẹp, an nhiên tại mảnh đất đoạ đày này:
Sáng mai lòng thanh thản

Tinh sương tiết trinh tường

Ấm nước đun ngày Tết

Chén trà đượm tình thương

……………………..

Gió não phiền sớm tắt

Hư ảo cũng lụi tàn

Ánh trăng vàng xuất hiện

Chân thiện… trải trần gian" (Chén trà ngày Tết)

Như thế, chúng ta đã thấy cuộc đời đâu đáng chán, trường đời đâu đáng sợ, tình đời vẫn đẹp, vẫn là nơi để con người dấn thân hành thiện, trân trọng trao nhau những ân tình trinh khiết, cao thượng:

"Dấn thân vào cuộc hành trình

Bên đời gió bụi đượm tình thế nhân…." (Vọng vô tâm thể)

Nhưng dấn thân vào hành trình tu tập như vậy cũng chưa hẳn là đủ, mà còn nhiều điều con người phải làm hơn thế nữa, làm nhiều hơn bội phần.

Theo T.K Thiện Hữu, điều quan yếu của việc tu tập, sống đạo là tuyệt đối phải nhận diện chính mình, nhận diện một cách rốt ráo và trực diện:

Tĩnh toạ tâm trống rỗng

Trầm hương xông ấm lòng

Vọng niệm thôi, dừng nghĩ

Hít thở, đời thong dong

……………………….

Nhận diện, hết sầu vương…. (Nhận diện)

Nhận diện ra được điều phải, điều trái, nhận diện ra được điều sấu, điều tốt, nhận diện ra được cái chân thật, cái ảo giác, cái phù du, sanh tử, cái đời đời bất diệt vô sanh, để rồi, tự quán trở về với bản thể chân tâm thường trụ bất sanh diệt:

“Ta đi giữ chốn bụi trần

Kết thêm thiên thể phù vân vào mình

……………………

Ta đi tận cõi thậm thâm

Ra vào trong chốn phù trầm thảnh thơi

Như nhiên những bước dạo chơi

Mẫn đời, thương đạo, thạo lời Có-Không” (Thảnh thơi dạo cõi phù trầm)

Khi đã chấp nhận thong dong như vậy, thì còn gì để vương vấn, còn gì để vọng động u minh; hoạ chăng chỉ còn lại những điều lành, những điều thiện, hay nói cách khác, chỉ còn lại những chân lý mầu nhiệm, kính thành dâng lên cuộc đời với những lời khuyên tu tập:

"Có một điều không bao giờ ngừng lại

Cùng chung tay cứu khổ đại trần ai

…………………………………..

Có một điều lan rộng cả ngày mai

Đó là lời ca từ miền thơm diệu lạc

………………………………

Có một điều tuyệt đẹp như nhiên

Đó là lời thiêng liêng bất tử

Nam Mô Tầm Thinh Cứu Khổ Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát” (Có một điều)

Ngoài ra, thi phẩm "Gió Bụi" đã chỉ cho con người cố gắng nhận rõ được những định luật vô thường, sự tạm bợ của cuộc đời. Sự thong dong thảnh thơi chấp nhận cuộc đời, sự vui buồn, hạnh phúc hài hoà trên hành trình tu tập, phát triển tâm linh, giúp đời, cứu đời, làm đẹp thêm cho cuộc đời. Ở đây, còn một điểm son nữa, tích cực, an nhiên, tự tại, thảnh thơi hơn, mà chúng ta không thể nào không nhắc tới, đó là một "đường về", hay một "ngày về":

"…Ở lại đây chi nữa

Sao không một đường về…” (Một đường về)

Rất tự tại, rất an nhiên và ung dung không một nét e dè sợ sệt. Điều này giống hệt như trạng thái như nhiên, tự nhiên, thường nhiên của hành giả đã đạt đến cảnh giới siêu cùng trong thế giới hữu hạn:

"....Đến đi tự thể là gì

Khác nào cánh nhạn bay đi cuối trời" (Cánh nhạn ngày xuân)

"Ngày về" còn như một thôi thúc tích cực, chấp nhận. Đây đúng là trạng thái của người đã “ngộ” để bước vào cảnh giới hoàn toàn giác ngộ bất sanh, diệt.

Ấy vậy mà, phàm ở đời, con người thường hay sợ sệt khi phải nói tới "ngày về", thậm chí có không ít người dám nghĩ tới. Sở dĩ vậy là vì con người đang sống trong vọng động, quên hẳn bản chất chân thật, tuyệt đẹp của chính mình.

Nếu như trong Nụ đào nở hoa, nhà thơ đã tĩnh tâm, lắng nghe sự vận hành vô thường huyễn hoá của cuộc đời:
"Nghe hoa thổn thức vô thường

Cuộc đời như hạt tuyết sương đầu cành

Hết sanh rồi lại tử sanh

Tấm thân tạm giả mong manh chóng tàn" (Hoa thổn thức), thì ta lại bắt gặp trong thi tập Gió Bụi, T.K. Thiện Hữu lại nhấn mạnh đến mục đích cứu cánh của ngày về:

"…Ngày về ngước xem trời đất

Có gì phải sợ ra đi

Thảo am vẫn còn nơi đấy

Tĩnh tâm soi sáng vô nghì!" (Ngày về)

Đức Dalailama có lần đã nói: “cuộc đời không chấm dứt với cái chết, lo rằng còn nhiều đời sau. Đa số chúng ta đã không chuẩn bị cho cái chết cũng như đã không chuẩn bị cho cái sống. Một thánh nhân ở Tây tạng, ông Milarapa cũng đã nói "Tôn giáo của tôi là làm sao để sống và chết không ân hận". (Sogyal Tây Tạng Đại Sư- Trí Hải dịch)

Xem thế thì qua thi phẩm Gió Bụi, cũng như "Nụ đào nở hoa" hay "Hoa ưu đàm nở" của tác giả, chúng ta cũng rút ra được rất nhiều kinh nghiệm tâm linh quí giá vun đắp cho tâm hồn khi còn ở đời. Từ nhận diện bản thân tạm giả, nhận diện cuộc đời là vô thường, nhận diện bể khổ trần gian, nhận diện sanh tử luân hồi, tác giả cũng đã dẫn dắt chúng ta trên con đường tu tập, tạo dựng cách sống ở đời sao cho hài hoà, thoải mái, thong dong, để hướng về cái tâm "vô tâm", cái niệm "vô niệm", tránh khỏi vòng luẫn quẩn vô minh, sanh tử luân hồi, để đi dần về bến bờ giác ngộ, giải thoát, chân như thật sự.

Chuẩn bị cho sự sống, cũng như thực tập như thế là để tạo dựng một cách sống sao cho có ích cho nhân quần xã hội, đó là điều cần thiết và nhất thiết phải có trong mỗi cá nhân, gia đình chúng ta và thế hệ con cháu mai sau.

"Gió Bụi" vì thế sẽ mang nhiều tính chất triết lý sâu xa cho cả đời sống tâm linh, cũng như đời sống hiện tại thiết thực nhất.

“Gió Bụi” không thể thiếu vắng trong mỗi gia đình chúng ta, vì đây là một món quà vô cùng quí giá của Thầy Thiện Hữu, hiến dâng cho mọi người và cuộc đời. Đặc biệt là trong hoàn cảnh hiện nay, hoàn cảnh của một thế giới nhiễu nhương, mang nhiều tâm loạn, ý động, màng vô minh đen tối khổng lồ đang phủ trùm trên quả địa cầu này. Những ảo giác vật chất phù phiếm, những mảnh lực đồng tiền đang bóp chết lương tâm, lương tri con người. Những tranh đua địa vị, quyền lực như mây mù đang phủ dầy, che mờ ánh sáng chân lý thậm thâm trong mỗi con người. Vì vậy, Gió Bụi có thể trở thành người bạn lý tưởng, gạt bỏ mọi ranh giới của ngã-nhân, bỉ- thử để mọi người cùng tâm sự, cùng nhìn về nhau và là điểm gặp gỡ tâm linh tươi sáng, tuyệt vời, trọn vẹn trong tình người.

 Sydney, 08-03-05

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/nhandinh-tapthoGioBui.htm

 


Vào mạng: 16-5-2005

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang