-
NHỮNG Ý KIẾN NHẬN XÉT VÀ ĐÁNH GIÁ CỦA
CHƯ
TÔN ĐỨC
-
NHÂN HỘI THI GIÁO LÝ CẤP TRUNG ƯƠNG CHO CƯ SĨ PHẬT TỬ NĂM 2005
Trong không khí
tưng bừng của ngày hội thi giáo lý dành cho cư sĩ Phật tử cấp trung ương,
chúng tôi đã trao đổi với một số chư Tôn Đức giáo phẩm trong Ban Hoằng
Pháp Trung Ương và Hội Đồng Trị Sự cũng như các vị trong ban tổ chức một
số vấn đề liên quan đến hội thi giáo lý này.
---1---
HT. THÍCH HIỂN PHÁP, Phó Chủ
tịch kiêmt Tổng Thư ký HĐTS.
Hỏi: Với vai trò là Phó chủ
tịch kiêm Tổng Thư Ký HĐTS, hoà thượng có nhận xét gì về bản chất hai hội
thi vừa qua được tổ chức tại Khánh Hoà và tại TP.HCM?
HT. Thích Hiển Pháp: Tôi rất
hoan hỷ và tán thán Ban Hoằng Pháp đã có sáng kiến tổ chức các hội thi
giáo lý dành cho người cư sĩ Phật tử, với các cấp thi quận huyện, tỉnh
thành và trung ương, trong vòng sáu tháng qua. Phong trào tu học Phật đối
với người Phật tử tại gia từ lâu không được quan tâm đúng mức. Người Phật
tử đến chùa lễ Phật tụng kinh như một nhu cầu tôn giáo. Họ không thấy rõ
được tầm quan trọng của kiến thức Phật học đối với đời sống và hạnh phúc
của bản thân. Ban Hoằng Pháp đã mở ra một kỷ nguyên mới trong việc học
Phật và tu Phật của người tại gia, giúp cho họ không chỉ ôn lại những kiến
thức Phật pháp mà họ đã được học được ở các giảng đường và các lớp giáo
lý, còn tạo cho họ cơ hội giao lưu với các bạn đạo ở các tỉnh thành trong
cả nước.
Tôi khuyến khích các Ban Trị Sự
tỉnh thành hội Phật giáo nên tổ chức nhiều hội thi giáo lý khác nữa. Rồi
từ đó, chúng ta tuyển chọn các thí sinh xuất sắc tham gia hội thi giáo lý
toàn quốc.
Khi phong trào học Phật được
các Ban trị sự tỉnh thành hội được nâng thành chính sách hoằng pháp của
giáo hội, sự quan tâm của Phật giáo đối với đời sống tri thức của người
Phật tử sẽ được lớn mạnh. Từ đó, quan hệ giữa Tăng bảo và người tại gia sẽ
trở nên tích cực và năng động hơn. Người Phật tử sẽ có cơ hội dấn thân làm
Phật sự, trên cơ sở những gì họ học được từ người xuất gia.
Một trong những phương tiện
giúp cho người Phật tử gần gũi với các sinh hoạt của giáo hội, chính là
việc tổ chức các hội thi giáo lý. Thông qua các hội thi này, người Phật tử
sẽ cảm thấy gần gũi với giáo pháp hơn, hành trì giáo pháp có mục đích hơn,
và đặc biệt là vận dụng giáo pháp hỗ trợ cho người thân trong việc phóng
thích nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống mà họ có thể đối đầu như một hệ quả
của nghiệp báo.
Khi người Phật tử tiếp xúc với
giáo lý, hiểu được giáo lý thì rõ ràng đó là một điều kiện tốt để họ hiểu
đạo Phật. Từ trước đến giờ đa phần tín đồ đến chùa lạy Phật cắm nhan rồi
đi về. Ít có người hiểu được giáo lý Phật một cách có hệ thống và sâu sắc.
Thậm chí những câu hỏi đơn giản như “Đức Phật Thích Ca là ai, Ngài sinh ở
đâu” có nhiều người không biết câu trả lời. Điểm qua các đề thi trắc
nghiệm cấp thành phố và cấp trung ương lần này, tôi thấy rằng người Phật
tử đã trả lời tốt những câu hỏi khó hơn. Đó là một dấu hiệu đáng mừng. Có
nhiều Phật tử đã trả lời những câu hỏi liên hệ đến tính ứng dụng chánh
pháp trong cuộc sống, một cách có chiều sâu thực hành.
Hỏi: Mục đích của Giáo hội
thông qua các hội thi là gì?
HT. Thích Hiển Pháp: Qua các
hội thi giáo lý, giáo hội đã tạo điều kiện cho người tại học lịch sử đức
Phật và các vấn đề Phật học phổ thông một cách có hệ thống và chính xác
hơn. Nhờ đó, tâm trí họ được mở mang và niềm an vui có mặt.
Tôi nghĩ hội thi giáo lý là một
sáng kiến hay, cần nâng thành chính sách giáo dục, không chỉ của giáo hội
ta mà cho bất kỳ giáo hội Phật giáo nào, trong lẫn ngoài nước.
Nếu giáo hội không quan tâm đến
quần chúng thì giáo hội không thể phục vụ quần chúng. Không phục vụ quần
chúng thì giáo hội sẽ mất quần chúng. Do đó, mục đích “mang lại hạnh phúc
cho số đông” của đức Phật sẽ không được giáo hội thực hiện thành công, nếu
như giáo hội không quan tâm đến kiến thức và sự hành trì Phật pháp của
người tại gia. Giáo hội Phật giáo mà thiếu quần chúng do thiếu sự quan tâm
về đời sống tinh thần của họ thì tôi nghĩ rằng tông chỉ hoằng pháp lợi
sinh của giáo hội sẽ mất đi.
Lâu nay, giáo hội Phật giáo chỉ
có truyền thống quan tâm đến tín đồ thông qua hệ thống tín ngưỡng là
chính, như cúng bái, cúng dường trai tăng, lễ Phật tụng kinh trong các
ngày lễ hội Phật giáo chứ chưa mở ra được các hội thi giáo lý như trong
mấy tháng vừa qua. Trong tương lai, tôi nghĩ rằng giáo hội ta không chỉ
giới hạn các kỳ thi giáo lý thông qua một trường thi tập trung như hiện
nay. Chúng ta có thể vận dụng công nghệ thông tin và tin học hiện đại để
tổ chức các hội thi trên các đài truyền hình, truyền thanh và internet.
Làm được như vậy, chúng ta sẽ hiểu được học thuyết “phương tiện thiện xảo”
mà đức Phật đã dạy trong kinh. Nói cách khác, thi đâu chỉ có viết lách mà
thôi.
Hỏi: Trong thời gian
qua, các hội thi giáo lý thường được tổ chức trong khuôn viên tự viện hoặc
văn phòng của Ban Đại diện. Lần hội thi giáo lý cấp trung ương lần này
cũng được tổ chức tại Văn phòng 2, vốn thiếu nhiều điều kiện, do cơ sở vật
chất đang được xây dựng. Tại sao chúng ta không mượn những ngôi chùa lớn
như chùa Hoằng Pháp để tổ chức thành công hơn?
HT. Thích Hiển Pháp:
Mặc dù cơ sở vật chất của Phật giáo nhỏ và không đủ đáp ứng các nhu cầu tổ
chức quy mô, nhưng tấm lòng của chư tôn đức lãnh đạo giáo hội rất rộng
lớn. Nếu chúng ta nhìn cơ sở vật chất của giáo hội như “ngôi nhà của
bồ-tát Duy-ma-cật” thì quả thực Văn phòng 2 không phải là nhỏ. Nhỏ hay lớn
tuỳ thuộc vào cách nhìn của tâm.
Sở dĩ giáo hội quyết định tổ
chức tại Văn phòng 2 là vì chư tôn đức lãnh đạo giáo hội muốn quan tâm
trực tiếp đến việc tu học của Phật tử, có thể giám sát và đôn đốc tiến
trình tổ chức. Bên cạnh đó, khi các Phật tử trở về dự thi tại văn phòng
của giáo hội, họ có cơ hội hiểu rõ thêm sinh hoạt của giáo hội. Nhờ đó, họ
có thể tham gia tích cực hơn vào các Phật sự ích đạo lợi đời để góp phần
mang lại hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội.
PV: Chân thành cảm ơn Hoà
thượng.
---2---
HT. THÍCH TRÍ
QUẢNG, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Trị Sự THPG
TP.HCM, Trưởng Ban Hoằng Pháp TW kiêm Trưởng Ban Tổ Chức Hội Thi Giáo Lý
cấp Trung Ương.
Hỏi: Kính bạch
Hoà thượng! Có phải mục đích của cuộc thi giáo lý là nhằm tạo ra phong
trào Phật học cũng như sự thi đua lành mạnh trong tu học đối với giới cư
sĩ Phật tử?
HT. Thích Trí
Quảng: đạo Phật là đạo trí tuệ. Đức phật dạy rằng người tin phật mà không
hiểu giáo lý cũng dễ trở thành người phá chánh pháp. Vì vậy, Ban Hoằng
Pháp TW tổ chức hội thi giáo lý mở rộng để giúp người Phật tử học Phật,
hiểu Phật và làm theo điều Phật dạy. Đó là trách nhiệm mà giáo hội đã uỷ
nhiệm cho Ban Hoằng Pháp TW.
Hỏi: Thưa hoà
thượng hội thi giáo lý cấp trung ương này theo chúng con được biết là dành
cho các thí sinh các tỉnh miền Tây, miền Đông và TP.HCM. Cho đến bây giờ,
vài tỉnh thành chưa gởi danh sách thí sinh về Ban tổ chức. Đây là một điều
ngoài ý muốn. Vậy khi tổ hội thi cho các tỉnh miền Bắc sắp tới, trình
trạng này có thể khắc phục được không?
HT. Thích Trí
Quảng: Thành phố HCM là trung tâm của Phật giáo miền Nam, vì vậy tinh thần
học Phật của Phật tử tại thành phố rất cao. hiện có hơn hàng trăm đạo
tràng tu tập, vì vậy, phong trào học và thi giáo lý cho cư sĩ Phật tử từ
các cấp cơ sở cho đến quận huyện vừa rồi lên rất cao, có thể nói cao nhất
so với các tỉnh thành miền Trung và Tây Nguyên. Như vậy, lần này có khoảng
300 người thuộc hạng giỏi và xuất sắc của hai cấp thi quận huyện và cấp
thành phố sẽ tham dự hội thi cấp trung ương. Tại các tỉnh thành ở miền Tây
và miền Đông, phong trào học dường như mới bắt đầu nên còn có một số hạn
chế nhất định. Một số tỉnh, như Tp Cần Thơ và Long An đã tổ chứ thi tuyển
rất là kỹ. Một số tỉnh khác như Tiền Giang chưa tổ chức thi nhưng họ có
thể có một số Phật tử ưu tú dự thi. Qua đó, Ban tổ chức có thể rút kinh
nghiệm cho những lần tổ chức hội thi sang năm, đặc biệt trùng vào mùa Phật
lịch 2550 với một quy mô lớn và hành tráng, đánh dấu bước phát triển của
Phật giáo. Lúc ấy, Ban tổ chức sẽ huy động các tỉnh thành tham gia đông
hơn. Còn trong hội thi cấp trung ương lần này, chủ yếu dành cho Phật tử
TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phụ cận thuộc các tỉnh miền Đông và
miền Tây. Thành phố Hồ Chí Minh lần này tổ chức tốt là nhờ rút kinh nghiệm
hội thi các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên được tổ chức ở tỉnh Khánh Hoà.
Tuy nhiên ở các tỉnh miền Trung, chỉ có Khánh Hoà có truyền thống tổ chức
những lớp giáo lý cho Phật tử cư sĩ nhiều năm qua, nên việc tổ chức hội
thi ở tỉnh Khánh Hoà vừa rồi rất nghiêm túc và thành công. Qua hai cuộc
thi được chức ở Khánh Hoà và thành phố Hồ Chí Minh, Ban Hoằng Pháp Trung
Ương sẽ đúc kết những kinh nghiệm để tổ chức hội thi cấp toàn quốc. Trong
hội thi lần này, có đại diện Ban Hoằng Pháp TW miền Bắc vào tham dự để rút
kinh nghiệm cho việc tổ chức tại Hà Nội sắp tới, để rồi từ đó gây ra một
phong trào học Phật đồng đều khắp cả nước. Đó là chủ trương của Giáo Hội
cũng như Ban Hoằng Pháp Trung Ương.
Hỏi: Thưa hoà
thượng theo chúng con được biết thành phần lãnh đạo của Giáo hội cũng như
của Ban Ban Hoằng Pháp Trung Ương có trên 70-80 % đang cư trú tại TP.HCM .
Vậy tại sao, Ban Hoằng Pháp TW đã không tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh
trước khi tổ chức ở Khánh Hoà. Xin hoà thượng cho biết việc này có dụng ý
như thế nào?
HT. Thích Trí
Quảng: Việc này không có dụng ý gì. Nguyên là tại miền Trung, đặc biệt là
ở tỉnh Khánh Hoà, phong trào học Phật dành cho người tại gia đã tổ chức
trước mình. Ban Trị Sự tỉnh Khánh Hoà đã đăng cai tổ chức trước thành phố
Hồ Chí Minh, như một thí điểm có tính chiến lược. Bởi vì số lượng thí sinh
ở không bằng thành phố Hồ Chí Minh nên việc tổ chức trở nên dễ dàng hơn.
Khi Khánh Hoà làm thành công thì việc tổ chức tại TP. HCM sẽ mang lại kết
quả tốt đẹp, theo công thức “sóng sau đẩy sóng trước.” Hơn thế, năêm nay
chúng ta tổ chức các hội thi cấp tỉnh thành để rút kinh nghiệm cho kỳ thi
cấp toàn quốc được thành công, toàn diện và hoàn hảo hơn.
Hỏi: Bạch hoà
thượng, trong tháng qua các cuộc thi ở cấp quận huyện diễn ra khá thành
công với trên 80% các thí sinh đạt điểm giỏi và xuất sắc. Chúng con được
biết, các câu hỏi ôn thi được công bố rộng rãi. Nhiều nơi đã tổ chức ôn
thi. Đề thi chính thức do Ban tổ chức ra hoàn toàn giống với câu hỏi ôn.
Đó là chưa nói đến tình trạng có những câu hỏi quá dễ và có những câu hỏi
không phù hợp cho giới cư sĩ Phật tử. Hội thi cấp giáo lý cấp trung ương
lần này, xin hoà thượng cho biết có cải cách gì trong cách ra đề thi so
với trước đây hay không?
HT. Thích Trí
Quảng: Vấn đề thi thì Ban tổ chức đã có ra thông báo ôn thi theo cách này.
Cho nên trong hội thi cấp trung ương vào ngày mai trên căn bản không thay
đổi. Đề thi phần lớn dựa vào hai tập đầu của bộ Phật Học Phổ Thông của cố
Hoà thượng Thích Thiện Hoa, nhằm đáp ứng trình độ chung cho cả nước. Tuy
nhiên, có một số câu hỏi không phù hợp trong tình hình các hệ phái Phật
giáo, và do đó, thông qua góp ý của các giảng sư của các hệ phái khác
nhau, Ban tổ chức đã thay đổi cho thích hợp hơn trong hội thi giáo lý cấp
trung ương lần này,
Hỏi: Có vài câu
hỏi giáo lý cấp quận huyện và thành phố vừa qua với những đáp án của Ban
tổ chức gây ra sự bất đồng trong quan điểm, hay nói đúng hơn, có vài đáp
án chưa hoàn chỉnh lắm, có thể khiến Phật tử có những nhận thức sai lầm,
có thể dẫn đến sự ứng dụng lệch lạc do hiểu sai, vì vậy mà phong trào học
phật sẽ có thể mất tác dụng. Theo hoà thượng, có cách nào để điều chỉnh
các đáp án có vấn đề hay không?
HT. Thích Trí
Quảng: Quan niệm về giáo lý và học thuyết trong đạo Phật, hầu như chưa có
sự thống nhất quan điểm giữa các giáo phái Phật giáo một cách như mong
đợi. Ban tổ chức đã cố gắng tránh những đáp án có thể dẫn đến sự bất
đồng. Khi phát hiện đáp án nào có vấn đề thì Ban tổ chức phải điều chỉnh
thôi! Các đáp án cho các câu hỏi trong các hội thi vừa qua đều dựa vào bộ
Phật Học Phổ Thông của hoà thượng Thích Thiện Hoa. Dĩ nhiên dưới sự nghiên
cứu và tài liệu mới, một số vấn đề cần phải được Ban Hoằng Pháp TW điều
chỉnh lại cho thích hợp hơn.
Hỏi: Bạch hoà
thượng, các hội thi giáo lý cấp quận huyện và thành phố chủ yếu dựa vào bộ
Phật Học Phổ Thông cuốn 1 và cuốn 2. Xin hoà thượng cho biết hội thi cấp
trung ương lần này có dựa vào các tài liệu khác không?
HT. Thích Trí
Quảng: Theo tinh thần của Ban Hoằng Pháp Trung Ương thì vẫn dựa trên tập 1
và tập 2 bộ Phật Học Phổ Thông. Bên cạnh đó có một số câu hỏi mới, mang
tính cách sáng tạo để các Phật tử có cơ hội trình bày quan điểm và lập
luận logic của mình trong phương diện ứng dụng, mới có thể ăn điểm được.
Hỏi: Với tư cách
Trưởng Ban Hoằng Pháp Trung Ương và Trưởng Ban Tổ Chức cuộc thi giáo lý
dành cư sĩ Phật tử cấp trung ương, hoà thượng có những dặn dò gì cho những
thí sinh trước khi bước vào cuộc thi.
HT. Thích Trí
Quảng: Tất cả thí sinh cũng như tất cả tăng ni trẻ nên nỗ lực học Phật với
niềm hỷ lạc vô biên thì mới có thể ứng dụng và hành trì lời Phật dạy một
cách có hiệu quả. Vấn đề khác biệt về cách lý giải tạo ra các học thuyết
khác nhau đã có từ thời xa xưa, khi Phật niết-bàn. Chúng ta không đặt nặng
vấn đề khác biệt này. Chủ yếu của các hội lý giáo lý là nhằm khẳng định
tinh thần học Phật cần thiết đối với mọi người, như con người cần không
khí để thở, thực phẩm để ăn. Tôi mong rằng tất cả mọi người thấy được
những cái hay trong đạo Phật để tu tập cũng như áp dụng trong đời sống
thường nhật một cách tốt hơn, để có an vui và hạnh phúc trong đời.
---3---
TT. THÍCH THIỆN BẢO, Phó ban
Hoằng Pháp TW, Trưởng Ban Văn Hoá
THPG TP.HCM, Phó Ban Tổ Chức Hội Thi Giáo Lý Cấp Trung Ương.
Hỏi: Thưa Thượng toạ,
qua các hội thi giáo lý do giáo hội tổ chức, các thí sinh sẽ có cơ hội
học Phật và kiểm nghiệm lại những gì đã được học như một phong trào tích
cực. Tuy nhiên, thời gian tổ chức các hội thi quá ngắn, làm cho nhiều Phật
tử gặp nhiều khó khăn trong việc ôn tập và sắp xếp công việc gia đình để
tham dự hội thi. Nên chăng, trong các hội thi sắp tới, Ban tổ chức nên để
thí sinh có khoảng vài tuần ôn thi, và khi thi thì tập trung về một tự
viện nào đó để có cơ hội thực tập và hành trì giáo pháp, nhờ đó, họ có thể
phóng thích nỗi khổ niềm đau. Thượng toạ nghĩ gì về vấn đề nêu trên?
TT. Thích Thiện Bảo: Do hoàn
cảnh và điều kiện không cho phép như cơ sở vật chất không đủ để đáp ứng,
các thí sinh ở các tỉnh thành quá xa nên sự trở ngại về di chuyển và tổ
chức không thể tránh khỏi.
Trong hơn 30 năm qua, đây là
lần đầu tiên, sau tỉnh Khánh Hòa, phải nói thành phố Hồ Chí Minh có những
nỗ lực tích cực trong việc phát động phong trào học Phật một cách rộng rãi
và quy mô. Mặc dù chúng ta còn thiếu sót về kinh nghiệm tổ chức, nhưng
chúng ta đã làm được nhiều việc đáng khích lệ. Tôi nghĩ Ban Hoằng Pháp TW
sắp tới nên đặc trách một vị phụ trách các phong trào học Phật, thông qua
việc tổ chức các lớp giáo lý. Các Ban Đại Diện Phật giáo nên quan tâm hơn
nữa trong việc thành lập thêm các giảng đường và các lớp giáo lý cho các
Phật tử.
Phần lớn các Phật tử học hỏi
giáo lý bằng cách đến giảng đường nghe giảng. Khi giảng xong rồi đi về.
Người truyền đạt Phật pháp chưa có điều kiện để kiểm nghiệm lại sự tiếp
thu của người nghe giảng. Khi chưa đảm bảo được kiến thức Phật pháp của
người tại gia thì hành trì Phật pháp vào đời sống có thể có những lỗ hỏng
nhất định.
Khi người Phật tử hiểu rõ được
bản chất đạo Phật một cách có ý thức họ sẽ không bị chao đảo trước những
khuynh hướng khuyến dụ bỏ đạo theo chính sách “theo đạo có gạo mà ăn” của
các tôn giáo Nhất thần. Một khi người Phật tử nhận thức được rằng chánh
pháp là thức ăn tinh thần không thể thiếu của họ thì họ sẽ không bao giờ
bỏ đạo. Họ có niềm tin với Tam Bảo. Do đó, tôi nghĩ rằng, bên cạnh việc tổ
chức các khoá tu Bát quan trai giới trong các chùa, giáo hội nên tổ chức
thêm các lớp giáo lý cho người tại gia để họ có cơ hội học hỏi giáo pháp
một cách có hệ thống hơn.
Hỏi: Thưa thượng tọa, được
biết hai hội thi được tổ chức tại tỉnh Khánh Hòa vừa qua rất quy mô có
nhiều chương trình phong phú. Chẳng hạn như ban tổ chức cho các thí sinh
du lịch văn hóa tâm linh tại tỉnh nhà và một đêm văn nghệ giao lưu rất
hoành tráng. Hội thi giáo lý Trung ương sắp tới diễn ra tại Văn phòng giáo
hội, rất chật chội và thiếu phương tiện. Thượng toạ có suy nghĩ gì về hội
thi giáo lý tại Khánh Hoà và tại TP. HCM lần này?
TT. Thích Thiện Bảo: Thành
phố Hồ Chí Minh là thành phố lớn, đông dân và nhiều Phật tử. Các điểm du
lịch văn hoá của Sài Gòn thật ra cũng không có lạ lùng gì với các Phật tử
ở các tỉnh miền Tây và miền Đông như Đầm sen và Suối tiên. Khánh Hòa là
một thành phố du lịch biển, cho nên nó có những thuận lợi hơn ở Sài Gòn.
Các chùa trong Sài Gòn phần lớn đều có diện tích chật hẹp. Các Phật tử ở
các tỉnh miền Đông và miền Tây chưa quen với văn hoá du lịch và du lịch
văn hoá. Nhưng nếu chúng ta quan tâm đúng mức đến nội dung và phương cách
tổ chức thì chúng ta có thể tạo ra các du lịch văn hoá và tâm linh Phật
giáo, vì Sài Gòn có nhiều ngôi chùa cổ và chùa lớn theo phong cách hiện
đại. Vấn đề ở chỗ là chúng ta có định hướng tổ chức du lịch cho các thí
sinh hiểu thêm về bản sắc văn hoá chùa và tâm linh của Phật giáo Gia Định
và Sài Gòn hay không. Với các nỗ lực và cải tiến phương cách tổ chức các
hội thi giáo lý, tôi nghĩ rằng phong trào học Phật hàng năm mà Giáo hội tổ
chức sẽ có những diễn biến tốt hơn trong những năm sau, dù được tổ chức ở
đâu.
PV: Chân thành cảm ơn Thượng
toạ.
---4---
TT. THÍCH ĐẠT ĐẠO, Tổng thư ký
Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại
TP.HCM, Trưởng Ban Hướng Dẫn Phật Tử của THPG TP.HCM, kiêm Phó Ban tổ chức
Hội Thi Giáo Lý cấp Trung Ương
Hỏi: Với vai trò là Trưởng Ban
Hướng Dẫn Phật Tử của Thành Hội Phật Giáo TP. HCM, xin thượng tọa cho biết
sau hội thi dành cho cư sĩ Phật tử cấp trung ương lần này, thượng toạ có
hướng tổ chức các hội thi tương tự dành cho Ban với quy mô tương tự hay
lớn hơn?
TT. Thích Đạt Đạo: Trong những
chương trình của Ban Hướng Dẫn Phật Tử Trung Ương cũng như của TP. HCM
trong những năm qua có đề cập đến vấn đề tổ chức hội thi giáo lý cho Phật
tử và khi tổ chức sẽ kết hợp với Ban Hoằng Pháp Trung ương. Vì vậy, trong
thời gian qua Ban Hoằng Pháp Trung ương đã chỉ đạo cho các tỉnh thành hội
Phật giáo tổ chức hội thi giáo lý cấp quận huyện và tuyển các thí sinh
xuất sắc tham dự hội thi cấp thành phố và hôm nay là cấp Trung ương. Như
vậy, giữa Ban Hướng Dẫn Phật Tử Trung ương, Ban Hướng Dẫn Phật tử TP. HCM
với Ban Hoằng Pháp Trung ương có một bước đi đồng bộ với nhau trên cùng
một mục đích. Định hướng cùng mục đích đó đáng được hoan nghinh.
Hội thi giáo lý cấp trung ương
tại tỉnh Khánh Hòa vừa qua đã mở đầu cho việc tổ chức hội thi tương tự ở
các miền còn lại của đất nước. Ban Trị Sự THPG TP.HCM cũng vừa mới tổ chức
hai hội thi: một hội thi ở cấp quận huyện và một hội thi ở cấp thành phố.
Hội thi ở cấp quận huyện rất là sôi nổi. Tuy nhiên khi lên thành phố thì
càng sôi nổi hơn, tạo thành một phong trào gây cho quần chúng Phật tử ham
thích học hỏi giáo lý. Đây là lần đầu tiên Ban Hoằng Pháp TW tổ chức hội
thi dành cho cư sĩ phật tử, chính vì vậy mà hội thi ngày mai diễn ra mang
tính cách quan trọng trong sự phối hợp với Giáo hội Trung ương.
Chúng tôi được biết Phật tử ở
các tỉnh thành như Bến Tre, Long An và TP. HCM v.v… rất là nôn nao. Trong
mấy tuần qua, các Phật tử ôn thi ngày đêm. Họ náo nức, rạo rực học tập cho
vững vàng hơn để có thể tham gia hội thi với kết quả cao. Các Phật tử ở
các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp cũng đã lần lượt đến tại Văn Phòng 2 để tối
hôm nay sẽ tham dự một buổi giao lưu vào lúc 19h00 tối thứ Bảy hôm nay,
chuẩn bị cho ngày hội thi chính thức vào ngày mai. Chúng tôi nghĩ rằng hội
thi này chỉ là bước khởi đầu cho những hội thi về sau. Nếu hội thi được tổ
chức hằng năm hoặc hai năm một lần thì tốt hơn, vì nó tạo ra phong trào
thi đua, học hỏi giáo lý và nâng cao trình độ hiểu biết giáo lý của các
Phật tử nhiều hơn. Chính vì thế, Ban Hướng Dẫn Phật tử TW và của Thành Hội
Phật giáo TP. HCM lúc nào cũng kết hợp với Ban Hoằng Pháp Trung ương để
tiến hành những hội thi như hiện nay.
Hỏi: Qua kỳ thi này Thượng
tọa có nhắn nhủ hay sách tấn với Phật tử cho các hội thi sau này không?
TT. Thích Đạt Đạo: Chúng tôi
biết rằng các Phật tử ở TP. HCM cũng như các Phật tử ở các tỉnh thành khác
trong hàng chục năm qua đã nỗ lực vừa tu ở các đạo tràng Bát Quan Trai vừa
học ở các đạo tràng giảng pháp giáo lý. Các Phật tử dù có cơ hội học hỏi
giáo lý nhiều nhưng chưa qua một lần kiểm tra do chư tôn đức trong Giáo
hội tổ chức. Cho nên chúng tôi biết rằng các Phật tử rất lo lắng trong các
hội thi này. Chẳng hạn như họ sẽ lo rằng: “Mình làm có được hay không?
Mình có được kết quả tốt hay không?” Cho nên người nào cũng phập phòng,
lo lắng. Sau khi kinh qua hai lần thi ở cấp quận huyện và thành phố trạng
thái lo lắng đó đã không giảm xuống mà cồn gia tăng nhiều hơn, bởi vì đây
là lần đầu tiên họ dự thi giáo lý cấp trung ương.
Chúng tôi mong rằng các Phật tử
trong hội thi lần sẽ rút kinh nghiệm cho những lần thi tới. Các Phật tử
không có cơ hội tham dự hội thi lần này và sẽ dự thi trong các lần sau sẽ
học được những kinh nghiệm của các hội thi trước, có thể trả lời chính xác
những câu hỏi do Ban tổ chức hội thi đề ra.
---5---
TT. THÍCH TẤN ĐẠT, Phó Văn
Phòng 2, Phó Ban kiêm Tổng Thư Ký Ban
Hoằng Pháp TW, kiêm Phó Ban Tổ chức Hội thi Giáo lý cấp Trung Ương.
Hỏi: Thưa Thượng tọa hội thi
giáo lý cấp địa phương và thành phố đều lấy từ bộ Phật Học Phổ Thông tập
một và tập hai. Hội thi giáo lý cấp trung ương này theo chúng con được
biết cũng lấy từ tác phẩm trên. Như vậy, đề thi và nội dung của nó có đủ
sức tạo ra phong trào học Phật, đáp ứng cho Phật tử nhu cầu ứng dụng
trong cuộc sống đời thường hay không?
TT. Thích Tấn Đạt: Chương trình
hội thi giáo lý do Ban Hoằng Pháp Trung Ương đề ra bước đầu thì dùng cuốn
Phật Học Phổ Thông của hòa thượng Thích Thiện Hoa mà đặc biệt chỉ bắt đầu
từ khóa I và khóa II với khoảng 20 bài giáo lý cơ bản. Nếu các Phật tử
thông hiểu hết 20 bài giáo lý cơ bản đó thì họ có thể thay đổi nhận thức
cũng như sinh hoạt thường nhật theo tinh thần chánh pháp. Tất nhiên mục
đích của hội thi không phải chỉ dừng lại ở đây. Có thể sang hội thi lần
thứ hai sẽ nâng lên rồi mỗi năm như vậy chúng ta có thể tiếp tục nâng lên
cho tới khóa III , khóa IV của Phật Học Phổ Thông. Và nếu được chúng ta sẽ
nâng lên cho đến khi nào Phật tử am hiểu được giáo lý một cách trọn vẹn,
chứ không phải có chừng này.
Trong hơn 30 năm qua, đây là
lần đầu tiên Hòa Thượng phó chủ tịch kiêm trưởng Ban Hoằng Pháp Trung Ương
đã có sáng kiến tổ chức các hội thi giáo lý, đáp ứng lại tâm tư nguyện
vọng của các Phật tử khắp nơi. Theo tôi nhận thấy giống như ở Khánh Hòa
đã tổ chức 13 tỉnh thành ở miền Cao Nguyên và Miền Trung, tại thành phố Hồ
Chí Minh chúng ta tổ chức cho các Phật tử ở các quận, huyện thành phố và
các tỉnh miền Đông và miền Tây thì phải nói rằng đây là hội thi sôi nổi và
rất có hiệu quả. Nếu chúng ta phát huy được tinh thần hội thi này thì Phật
tử sẽ hiểu giáo lý của Đức Phật nhiều hơn và nhờ đó, Phật giáo sẽ được
phát triển tốt hơn.
Hỏi: Là một thành viên trong
Ban Hoằng Pháp Trung Ương và cũng là người đã từng tham học các khoá hoằng
pháp cho tăng ni, Thượng Tọa có suy nghĩ và kiến nghị Ban Hoằng Pháp mở
thêm những lớp dành cho Phật tử, để họ có thể tham gia các hoạt động hoằng
pháp trong phạm vị gia đình và ngoài xã hội ?
TT. Thích Tấn Đạt: Là một thành
viên của Ban Hoằng Pháp Trung Ương, chúng tôi rất tâm đắc khóa giáo lý
Phật Học Hàm Thụ ở trên Báo Giác Ngộ diễn ra cách đây khoảng 3-4 năm. Kết
quả của các khoá học trên rất tốt. Đối với giới cư sĩ Phật tử, chư tôn đức
tăng ni cũng luôn luôn quan tâm đến. Cho nên tại các giảng đường, các trú
xứ tự viện, phải nói rằng hầu hết nơi nào cũng có sự truyền trao giáo pháp
của Thế Tôn. Tuy nhiên Phật tử từ xưa đến giờ nghe pháp thì nhiều nhưng
chưa có dịp chứng minh kiến thức Phật học của mình, cũng như việc truyền
giảng lại sự hiểu biết cho người khác. Cho nên trong các hội thi giáo lý,
người Phật tử có dịp ôn lại những gì đã học và đồng thời kiểm tra lại kiến
thức của mình. Về phía giáo hội chắc chắn sẽ có trong tương lai những
phương thức truyền trao giáo pháp hiệu quả hơn nữa.
---6---
ĐĐ. Tiến sĩ THÍCH NHẬT TỪ, Phó
tổng thư ký Viện Nghiên Cứu Phật Học
Việt Nam và Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TP. HCM, Uỷ viên Ban Tổ Chức
và thư ký đặc trách tổng kết điểm Hội Thi Giáo Lý Cấp Trung Ương.
Hỏi: Được biết đại đức là người
được Ban Tổ chức cử làm công tác biên tập bản tin và tổng kết kết quả hội
thi, đại đức có nhận xét gì về bản chất hội thi giáo lý lần này với kỳ thi
tuyển sinh vào Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TP.HCM trong tháng 9-2005
vừa qua?
ĐĐ. Thích Nhật Từ: Về bản chất,
hai kỳ thi này rất khác nhau. Kỳ thi tuyển sinh vào HVPGVN tại TP.HCM
thuộc kỳ thi tuyển sinh đại học, dành cho tăng ni đã tốt nghiệp lớp 12 và
trung cấp Phật học, nhằm đào tạo ra một thế hệ tăng ni tài, có thể trở
thành các nhà nghiên cứu và hành trì pháp trong tương lai, cũng như nhằm
đào tạo ra thế hệ tăng ni có đầy đủ hạnh đức, tâm đức và trí đức phục vụ
cho các hoạt động Phật sự theo tinh thần dấn thân của đạo Phật. Trong khi
đó, hội thi giáo lý dành cho người cư sĩ Phật tử nhằm mở ra một phong trào
học Phật một cách có hệ thống với kết quả của ứng dụng hành trì ở hiện tại
cũng như tương lai.
Về nội dung, kỳ thi tuyển sinh
vào HVPGVN tại TP.HCM bao gồm ba bài: bài thi Phật pháp hệ số 2 với điểm
20/20, bài luận văn cũng như ngoại ngữ chọn lựa (Anh, Hán hay Pali) cùng
hệ số một, với điểm 10/10. Đề thi Phật pháp nhằm khẳng định trình độ học
Phật và tu Phật của tăng ni trẻ, được trình bày dưới dạng phân tích và lý
luận, trong tinh thần học và hành không tách rời nhau. Đề thi Việt văn
nhằm khẳng định kiến thức lý luận văn học của tăng ni sinh trong ngữ cảnh
của chủ nghĩa nhập thế mà vua Trần Nhân Tông đã giới thiệu trong tác phẩm
“Cư Trần Lạc Đạo” hoặc xác định vai trò văn hoá, giáo dục, đạo đức, chính
trị và tâm linh của ngôi chùa Phật giáo, hay nói rõ hơn, vai trò của Phật
giáo trong việc mở nước, bảo vệ nước, xây dựng nước và phát triển nước
Việt Nam, theo quan niệm của vua Lê Thánh Tông. Trong khi đó, đề thi của
hội thi giáo lý dành cho người Phật tử chỉ nhằm trắc nghiệm những kiến
thức Phật học Phổ thông, về cuộc đời đức Phật và những lời dạy căn bản của
ngài. Bên cạnh đó, Hội thi còn trắc nghiệm kiến thức Phật học của Phật tử
về một số vấn đề giáo lý và ứng dụng giáo lý ở mức độ căn bản, chưa đòi
hỏi đến kỹ năng phân tích, lý luận như một học thuyết, cũng như chưa cần
đến sự ứng dụng xã hội như của đề thi của tăng ni sinh thi vào HVPGVN tại
TP.HCM.
Hỏi: Thưa đại đức, thời gian tổ
chức thi quá ngắn, kết quả hội thi phải công bố sau vài ba giờ thi, làm
thế nào đại đức có thể cho ra kết quả nhanh chóng như vậy? Liệu việc chấm
thi của ban giám khảo có qua loa không? Nói chung là làm thế nào để đảm
bảo được tính chính xác, công bằng trong thi cử và kết quả được công bố?
ĐĐ. Thích Nhật Từ: Việc công bố
kết quả nhanh chóng, ngay sau khi thí sinh nộp bài thi vài ba giờ đồng hồ,
không có gì là lạ, vì Ban tổ chức đã cử ra một ban giám khảo gần 50 vị tôn
đức trong Ban Hoằng Pháp cấp Thành phố và Trung ương và nhiều đại đức tăng
ni tiến sĩ đang giảng dạy tại Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TP.HCM.
Ban giám khảo có đáp án mẫu cho
bài thi trắc nghiệm, bằng cách đóng lỗ vào vị trí các câu trả lời đúng
trong giấy đáp án. Ban giám khảo chỉ cần áp sát giấy đáp án lên trên bài
thi của thí sinh sẽ có thể cho ra kết quả chính xác trong vòng vài phút.
Dĩ nhiên đối với các câu hỏi mà đáp án được bôi xoá và viết lại, người
chấm buộc phải xem thật kỹ để khỏi chấm nhầm điểm. Trường hợp, các thí
sinh có dụng ý chọn hai đáp án cho một câu hỏi thì câu đáp án đó được xem
là không hợp lệ, do đó, sẽ không được điểm nào cho câu hỏi đó.
Đối với đề thi viết với các câu
hỏi vừa mang tính lý thuyết và ứng dụng, Ban giám khảo cũng đưa ra một đáp
án tiêu chuẩn với thang điểm cụ thể. Điểm thông minh và sáng tạo trong ứng
dụng hành trì sẽ được khuyến khích và chấm điểm cao. Các thành viên trong
Ban giám khảo sẽ được thông báo tinh thần thang điểm ngay đang khi các thí
sinh làm bài thi, để bảo mật đề thi và đáp án một cách tuyệt đối. Làm như
vậy để tạo ra một tinh thần học Phật thật sự nghiêm túc và công bằng, chứ
không chỉ đơn thuần là một phong trào hình thức và lấy lệ.
Đối với các bài làm được điểm
giỏi, Ban giám khảo sẽ phân công chấm chéo, để giảm thiểu một cách tối đa
thang điểm chênh lệch giữa các giám khảo. Điểm chênh lệch cho phép giữa
hai giám khảo về một bài thi là 2 điểm. Điểm thành chính là điểm trung
bình của hai giám khảo chia đôi. Số điểm chênh lệch quá 03 điểm giữa hai
giám khảo sẽ phải chấm lại. Với thang điểm chuẩn và phương pháp chấm điểm
như vậy, sự chênh lệch do khác nhau về quan niệm thang điểm giữa các giám
khảo sẽ được rút ngắn lại. Và do đó, kết quả mà thí sinh đạt được trong
hội thi phản ánh khá chính xác kiến thức Phật pháp mà họ có.
PV. Chân thành cảm ơn đại đức.
---7---
NS. Tiến sĩ THÍCH NỮ HUỆ LIÊN,
Thành viên Hội Đồng Khoa Học và Giáo
Vụ, Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TP.HCM, Uỷ viên Ban Hoằng Pháp TW,
kiêm Uỷ viên Ban Giám Khảo Hội Thi Giáo Lý Cấp Trung Ương.
Hỏi: Là một vị giám khảo trong
Hội thi Giáo Lý cấp Thành phố trong nửa tháng qua, đồng thời cũng là vị
Giám khảo và Ủy viên Ban tổ chức Hội thi Giáo lý cấp Trung ương lần này,
Ni sư có suy nghĩ gì về vai trò Ni giới trong việc tổ chức hội thi?
NS. Thích Nữ Huệ Liên: Vai trò
của Ni giới trong hội thi Giáo lý lần này đã được đề cập đến, mặc dầu chưa
nhiều lắm, nhưng đã cho thấy một điều là Giáo hội đã bắt đầu quan tâm đến
vai trò của Ni bộ trong Tăng đoàn, như một dấu hiệu trở về truyền thống
tâm linh mà Đức Phật đã chủ trương về sự bình đẳng giới tính trong tu tập
và làm Phật sự.
Tôi nghĩ rằng, với tuệ giác của
Tăng đoàn Phật giáo thời hiện đại, truyền thống “Tứ chúng đồng tu” và làm
Phật sự sẽ được khẳng định như một chiến lược phát triển Giáo hội. Trong
thời đại mà 2/3 dân số là người nữ, và đặc biệt, gần gũi hơn là đã có trên
90% thí sinh tham dự các hội thi là các Tín nữ. Việc mời ni tham gia vào
ban tổ chức và ban giám khảo là điều không thể thiếu. Trong hội thi Giáo
lý lần này, Ban Giám khảo Ni giới phần lớn là những vị tốt nghiệp Tiến sĩ
Phật học ở nước ngoài về, được chư tôn đức Ban tổ chức tin tưởng phân công
chấm bài thi như các vị tôn đức Tăng. Hơn nữa, trong kỳ thi tuyển sinh Học
viện Thành phố Hồ Chí Minh khóa VI vừa qua, cũng đã có 1/3 Ban giám khảo
là Ni giới. Tất cả những điều này cho thấy Giáo hội đã thấy được năng lực
và tâm huyết của Ni bộ và xác định vai trò đó bằmg chủ trương cụ thể.
Khi khuynh hướng này được nhân
rộng và nâng thành một chủ trương hay chính sách, thì tôi tin chắc rằng,
Giáo hội Phật giáo chúng ta không còn là một cái ghế ba chân (Tỳ kheo, Cư
sĩ nam, Cư sĩ nữ), Như có một học giả đã đề cập trong Đại hội Đại biểu
toàn quốc lần VI
Tôi nhìn thấy hội thi này là
một dấu hiệu tốt đẹp cho sự nâng cao kiến thức và trình độ Phật học cho
giới tại gia, để họ có thể áp dụng lời Phật dạy vào trong đời sống. Từ đó
xóa đi các quan điểm cho rằng: “Đạo Phật chỉ dành cho người xuất gia,
không dành cho người Cư sĩ, hoặc Đạo Phật là yếm thế v.v…”
Nói cách khác, thông qua chính
sách và sự quan tâm của Giáo hội, người Cư sĩ Phật tử sẽ sống Đạo và hành
đạo tốt đẹp hơn.
Kính chúc qúy vị thí sinh có
được hội thi tràn đầy pháp hỷ, với nhiều thành quả an lạc từ những gì mình
học được thông qua hội thi này.
PV. Chân thành cám ơn Ni sư.
---8---
NS. THÍCH NỮ TẮC HẠNH, trụ trì
chùa Hòa Bình, tỉnh Long An, người cùng
dẫn đoàn Phật tử Long An tham dự Hội thi.
Hỏi: Thưa Ni sư, hôm nay lần
đầu tiên Giáo hội tổ chức Hội thi Giáo lý cấp Trung ương cho Cư sĩ Phật tử
các tỉnh Miền Đông, miền Tây và Thành phố Hồ Chí Minh, Ni sư suy nghĩ gì
về Hội Thi này?
NS. Thích Nữ Tắc Hạnh: Qua thời
gian Phật tử đến chùa học hỏi Giáo lý rất chuyên cần. Nhân có dịp Trung
ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tổ chức hội thi giáo ly cho cư sỉ, nên
tôi đã hướng dẫn Phật tử ôn tập Giáo lý tại tỉnh nhà, tôi thấy quý Phật
tử, ai ai cũng hoan hỷ và luôn cố gắng nghiên tầm Giáo lý. Phương hướng
mới này đã tạo sự thôi thúc mãnh liệt cho các Phật tử hướng tâm về Chánh
pháp nhiều hơn.
Lâu nay, quý Phật tử chỉ thường
đến chùa nghe pháp, tụng kinh mà không có dịp thể hiện năng lực học tập
giáo lý của mình. Ở thế gian thì có rất nhiều sân chơi với nhiều phương
thức, nhằm tạo tinh thần học hỏi hướng đến văn hóa dân tộc. Năm nay, Phật
giáo tổ chức nhằm hổ trợ sự học Phật cho Cư sĩ Phật tử tạo niềm phấn khởi
và hỷ lạc của họ đối với chánh pháp. Bên cạnh đó, còn tạo thêm tinh thần
đoàn kết giữa Phật tử các nơi. Tôi mong rằng, mỗi năm Giáo hội đều có tổ
chức một lần hội thi để các Phật tử có thêm điều kiện thể nhập giáo pháp
của Đức Như Lai.
Chân thành cám ơn Ni sư
Ghi chú: Riêng phần 8 do Bửu
Cẩm – Hạnh Nguyện thực hiện
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/nhanxet_hoithi_pt.htm