Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
PHẬT GIÁO HÒA HẢO 
NĂM LÝ DO GIẢI THÍCH SỰ PHÁT TRIỂN NGOẠN MỤC TỪ 1939 ĐẾN 1944, ĐƯA CON SỐ TÍN ĐỒ LÊN KHOẢNG 5 TRIỆU.
                       
Trước hết, quý vị có thể đặt câu hỏi: Con số 5 triệu tín đồ xuất xứ ở đâu, có đáng tin cậy không?
Xin trả lời: Quý vị đặt nghi vấn là rất phải. Bởi lẽ ngay các con số thống kê tín đồ các tôn giáo lớn trên thế giới, mặc dù in thành sách trong các tự điển bách khoa tôn giáo, như cuốn “World Chrishan Encyclopedia” (Tự điển bách khoa Kitô giáo thế giới) do Oxford xuất bản, hay cuốn “Dictionaire des Religions” của Paul Poupart xuất bản (Pháp ngữ), cũng đều bị các học giả đặt nghi vấn. Lý do dễ hiểu, niềm tin tôn giáo là chuyện sâu kín trong lòng mỗi người, khó mà thống kê chính xác, chỉ có thể thống kê đại khái với sai số hàng vạn, thậm chí hàng triệu.
Còn con số 5 triệu tín đồ Hòa Hảo, tôi trích trong cuốn “Print and Power” (In ấn và quyền lực), của tác giả Shawn Frederick Mc Hale, trường đại học Hawai xuất bản, trang 4. Hơn nữa trong con số 5 triệu, phải kể cả số tín đồ của Bửu Sơn Kỳ Hương, đã từng đi theo Phật Thầy Tây An, Đức Phật Trùm, ông Sư sải bán khoai v.v…
Nhưng phải đến khi Huỳnh Phú Sổ bắt đầu truyền đạo, con số tín đồ mới tăng vọt.
Vào năm 1939, Huỳnh Phú Sổ lúc bấy giờ còn là một thanh niên 19 tuổi, tự tuyên bố mình là giáo chủ; là phái viên của đức Phật ở cõi đời này, kêu gọi mọi người sống thiện và tin theo tôn giáo của ông ta rao truyền.
Tôn giáo mới do Huỳnh Phú Sổ thành lập, có tên Hòa Hảo, phát triển rất nhanh. Đến năm 1944, đã có tới 5 triệu tín đồ. Nhưng sau đó, trong một cuộc xung đột tình tiết không rõ, Huỳnh Phú Sổ lâm nạn. Tôi xin phép không phân tích tình tiết của sự việc, chỉ ghi nhận Huỳnh Phú Sổ tỏ ra không đồng tình với một vài hành động của các đệ tử mình làm, mà ông cho là trái với chủ nghĩa từ bi, bác ái của nhà Phật.
Trong bài phát biểu ngắn gọn này, tôi chỉ nói lên điều tâm đắc của tôi về “Sự thành công ngoạn mục của một phong trào tôn giáo – Đạo Phật Hòa Hảo” do Huỳnh Phú Sổ khởi xướng, năm 1939, khi ông còn là một thanh niên 19 tuổi, chỉ trong vòng không đầy 5 năm, tức năm 1944 đã đạt con số tín đồ 5 triệu. Tài liệu nước ngoài và trong nước đều nhất trí xung quanh con số 5 triệu tín đồ (Xem “Print and Power”, sđd).
Câu hỏi: “Nguyên do ở đâu?”. Câu hỏi đã nhận được nhiều câu trả lời mà tôi xin phép khái quát lại như sau:
I. Khéo khai thác truyền thống kể chuyện miệng bằng thơ ở Nam Bộ:
Một lý do là đạo Hòa Hảo biết khai thác – có thể là một cách tự nhiên, không cố ý – truyền thống kể chuyện miệng của đồng bằng Tây Nam Bộ. Phải chăng, với một quần chúng đa số là nông dân ít học, lối truyền giáo bằng thi ca, bằng vè là thích hợp nhất, bởi vì dễ nghe, dễ nhớ.
Tôi trích dẫn dưới đây một vài vần thơ do ông Huỳnh Phú Sổ sáng tác và được lưu hành rộng rãi:
“Non sông rực rỡ chói ngời
Mãnh gương Phật đạo soi đời cổ kim”
Theo đời gương phẩm Thích Ca
Dốc đem tâm chí tìm ra đạo mầu”
“Ta thừa vâng sắc lệnh Thế Tôn
Khắp hạ giới truyền khai đạo Pháp”
Người ta nói Huỳnh Phú Sổ ít học (chỉ đến bậc tiểu học trở lại). Nhưng các bài sấm vè của ông dùng rất nhiều từ Hán Việt, từ Phật học, chứng tỏ một trình độ Phật học cao, một sự vận dụng kho từ Hán Việt phong phú. Đó lại một ẩn số nữa của Huỳnh Phú Sổ.
II. Đạo Hòa Hảo tuy về mặt giáo lý, chủ yếu dựa vào đạo Phật, nhưng về mặt tổ chức lại chịu ảnh hưởng nhiều của phương Tây.
Thí dụ, Hòa Hảo thành lập Đảng chính trị, sử dụng phương tiện in ấn để truyền đạo. Sử liệu Hoà Hảo cho biết, từ năm 1939 đến 1965, nhiều bài giảng của Huỳnh Phú Sổ tái bản hơn 200 lần, với tổng số bản in là 800.000 bản.
Phải chăng đây là một lý do nữa giải thích sự thành công nhanh chóng và ngoạn mục của đạo?
III. Mùi vị “Tận thế” (Apocalyptic) của giáo lý được rao giảng:
Huỳnh Phú Sổ tuyên bố nhân loại đang ở trong thời kỳ “Hạ ngươn” là kỷ nguyên của tội ác hoành hành, chiến tranh liên miên, thiên tai dồn dập, bệnh dịch cùng khắp. Huỳnh Phú Sổ viết: “Thiên tào đã xét định, khắp chúng sanh trong thế giới, trong cái buổi Hạ ngươn này, say mê vật dục, chìm đắm trong biển lợi danh gây nên nghiệp quả, luật trời đã trị tội v.v…” (Xem “Tôn chỉ hành đạo Phật giáo Hòa Hảo của đức Huỳnh giáo chủ”, trang 7, NXB Tôn giáo, 2002).
Đúng như vậy, thời kỳ Huỳnh Phú Sổ bắt đầu truyền giáo là thời kỳ bắt đầu cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai, với những tổn thất nhân mạng và tài sản không kể xiết. Vì là một cuộc đại chiến thế giới, cho nên Việt Nam lúc bấy giờ là thuộc địa và xứ bảo hộ của Pháp, cũng bị họa lây và trở thành chiến trường xung đột giữa Pháp và Nhật, trở thành hậu phương góp công của cho cuộc chiến tranh Đại Đông Á do đế quốc Nhật khởi xướng. Nạn đói khủng khiếp làm hơn 2 triệu người Việt Nam chết năm 1945 là con đẻ của tình hình này. Trong một thời kỳ nhiễu nhương, tội ác, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, đói kém, dân chúng khốn khổ, lầm than như vậy, thì lời kêu gọi của giáo chủ Hòa Hảo, mang hình thức sấm truyền, tất nhiên là có một sức hấp dẫn đặc biệt.
Nhưng theo chúng tôi nhận định 3 lý do trên là lý do phụ. Hai lý do 4 và 5 là chủ yếu, cho nên tôi xin phép nói dài hơn.
IV. Phật giáo Hòa Hảo coi nhẹ hình thức, bồi dưỡng đức tự tin ở bản thân, đơn giản hóa nghi lễ, coi trọng lối hành đạo gần gũi dân chúng, đặc biệt là dân chúng nghèo.
 Huỳnh Phú Sổ đích thân chữa bệnh – kể cả những bệnh hiểm nghèo và theo sử liệu để lại ông đã thành công trong nhiều trường hợp. Ngày nay, với nền y học hiện đại, với những thành tựu mới, vang dội về khoa chữa bệnh bằng tâm lý (Psycho therapy), phải thừa nhận ảnh hưởng lớn của trạng thái tâm lý người bệnh đối với việc chữa bệnh. Trong cuốn “Con người, một ẩn số” (“L’Homme, cet inconnu”), tác giả bác sĩ  Carrel (giải thưởng Noben) đã nêu một số trường hợp do ông đích thân quan sát người mắc bệnh hiểm nghèo đã được chữa khỏi bệnh, chỉ dựa vào niềm tin và cầu nguyện mà thôi. Đấy là những chuyện cá biệt, nhưng có thực, xảy ra không phải riêng cho Thiên Chúa giáo mà cho nhiều tôn giáo khác.
Nhưng ở đây, chúng ta đang nói về Phật giáo Hòa Hảo. Thành công ngoạn mục của đạo Hòa Hảo, trong  một thời gian ngắn, từ 1939 đến 1944 đã đưa con số tín đồ lên 5 triệu, không phải chỉ ở nội dung giáo lý dễ hiểu, hình thức giáo lý dễ thực hành, mà còn ở tác phong của người truyền giáo nói và làm đi đôi, lý thuyết và thực hành nhất trí. Một tác phong mà trước Huỳnh Phú Sổ, các lãnh tụ của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương có liên quan mật thiết với đạo Hòa Hảo đã làm rồi như Phật Thầy Tây An, đức Phật Trùm, Sư sãi bán khoai.

Nói một cách khác, các lãnh tụ truyền giáo Hòa Hảo không phải chỉ rao giảng giáo lý của họ, mà toàn bộ cuộc sống của họ là hiện thân của giáo lý đó, không những họ giảng hòa hiếu mà thực sự họ sống hòa hiếu, và khi họ giảng và sống hòa hiếu, họ tin là quần chúng tín đồ đi theo họ, đều muốn và sống hòa hiếu như họ. Hãy hỏi: Ai, dù là tín đồ hay không phải tín đồ Hòa Hảo, ai lại không muốn sống hiếu thuận với ông bà tổ tiên, ai lại không muốn sống hòa hài đoàn kết với hàng xóm, láng giềng, bè bạn? Phải chăng, thưa quý vị, một bí mật của sự thành công ngoạn mục của đạo Hòa Hảo là các nhà truyền giáo của họ đã rao truyền một giáo lý mà cả đời họ là hiện thân sống động: Cái gì họ nói là họ sống, họ làm; cái gì họ làm, họ sống thì họ mới nói, theo đúng phương châm "Ngôn hành hiệp nhất" của triết gia Vương Dương Minh đời Tống, tuy rằng họ có thể không biết Vương Dương Minh là ai.

Họ có thể không biết Vương Dương Minh là ai, nhưng giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, tự tuyên bố mình là đệ tử của Phật Thích Ca rất có thể đã ghi lòng tạc dạ lời Phật Thích Ca giải thích Như Lai, tức Phật là gì?
“Này các Tỷ kheo, Như Lai nói gì làm vậy, làm gì nói vậy. Vì rằng nói gì làm vậy, làm gì nói vậy, nên được gọi là Như Lai.” (Tiểu Bộ kinh, tập I, bản dịch của HT.Thích Minh Châu, trang 509).
Trong sách Phật giáo, có từ thân giáo, nghĩa là lấy tự thân mình làm gương sáng giáo dục cho người khác. Không những các lãnh tụ Hòa Hảo như Phật Thầy Tây An, và đức Huỳnh Phú Sổ thực hành như vậy, mà mỗi tín đồ Hòa Hảo đều làm như vậy. Họ đều thực hành thuyết bốn ân, sống hòa hiếu với cha mẹ, tổ tiên, hàng xóm láng giềng v.v… Họ truyền đạo không chỉ bằng lời nói, mà bằng cuộc sống cả đời họ, cuộc sống hằng ngày của họ. Phải chăng nhờ đó mà đạo Hòa Hảo lan truyền rất nhanh từ năm 1939.
V. Tôi xin phép gút lại bài tham luận của tôi trong điểm V:
Sự thành công ngoạn mục của Phật giáo Hòa Hảo, chủ yếu còn ở chỗ, từ tiền thân của nó là đạo Bửu Sơn Kỳ Hương cho nên năm 1939, khi với Huỳnh Phú Sổ, nó mang tên chính thức Phật giáo Hòa Hảo – tức là Phật giáo ở làng Hòa Hảo, luôn luôn các thế hệ giáo chủ của nó đều khẳng định “cốt lõi giáo lý của đạo Hòa Hảo chính là giáo lý của Phật Thích Ca tuy cội nguồn ở Aán Độ, nhưng đã được truyền đến nước ta vào những năm đầu CN, tức là một tôn giáo có truyền thống hơn 19 thế kỷ của một đạo dân tộc, hòa vận mệnh của mình vào vận mệnh của dân tộc, đến mức thi sĩ cận đại Hồ Dzếnh có câu thơ:
                                    “Trang sử Việt
                                    Đồng thời là trang sử Phật
                                    Trải qua bao độ hưng suy
                                    Có nguy mà chẳng mất”
                       Hay là hai câu thơ của thi sĩ Huyền Không:
                         Mái chùa che chở hồn dân tộc
                         Nếp sống muôn đời của tổ tông.
Thơ ca có phần thi vị hóa thực tế, một phần nào huyền thoại hóa thực tế, nhưng cốt lõi của thực tế vẫn được bảo tồn, cùng với bản sắc dân tộc. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, vào buổi tiếp đoàn đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam sau ngày mới thành lập (1981), có nói một câu mà không rõ vì sao báo chí lúc bấy giờ không nhắc tới: “Trong bụng người Việt Nam nào cũng có ông Phật”.
Phật giáo Hòa Hảo tự nhận mình là kế tục đạo Phật, không có một tín đồ Hòa Hảo nào phủ nhận sự kiện này, trái lại còn lấy đó làm tự hào. Cuốn “Để hiểu Phật giáo Hòa Hảo” của Thanh Sĩ và Vương Kim, in ngay ở trang bìa 4 câu thơ:
                                    Phật xuất An Giang đủ phép mầu
                                    Giáo truyền đạo Thích rất cao sâu
                                    Hòa trong sanh chúng gieo điều thiện
                                    Hảo ý đưa về Kiến Bửu Châu.
Quan hệ giữa đạo Phật nói chung và Phật giáo Hòa Hảo nói riêng trên bình diện giáo lý và thực hành là một đề tài rộng lớn, rất lý thú, không thể bàn ở đây. Chúng tôi chờ đợi ở quý học giả của Phật giáo Hoà Hảo một công trình khoa học có tầm cỡ về chủ đề này. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam sẽ rất hoan nghênh một công trình như thế.
Xin trân trọng cảm ơn sự chú ý của quý vị.

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/phatgiaohoahao.htm

 


Vào mạng: 8-7-2004

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang