Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
ẢNH HƯỞNG PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI PHÁP LUẬT TRIỀU LÝ

 
 PHÁP LUẬT TRIỀU LÝ
( 1010 - 1225 )

 Cách đây 10 thế kỷ, nước ta dưới đời nhà Lý, về phương diện chính trị, đã giữ vững nền độc lập. Bắc chống Tống, Nam bình Chiêm. Trong thời gian làm vua hơn 200 năm (1010 - 1225), ngoài những chiến công rực rỡ ấy, nhà Lý đã hoàn toàn tổ chức lại nội bộ. Lý Thái Tổ, năm 1010 đã thiên đô từ Hoa Lư ra La Thành và đổi tên gọi La Thành là Thăng Long (Hà Nội bây giờ) kể từ đó. Năm 1054, triều Lý đặt quốc hiệu mới cho nước ta là Đại Việt (Năm 1164, nhà Tống phải công nhận nước ta là một quốc gia riêng. Từ đấy, Trung Quốc gọi nước ta là An Nam quốc).

Từ đời Lý trở đi, cơ sở chính trị đã ổn cố, vững vàng và nhà Lý đã đường hoàng thiết lập các triều nghi điển chế luật pháp.

Tuy nhiên, nếu về phương diện công pháp, vấn đề nghiên cứu nền cai trị nội bộ ngày nay tương đối dễ dàng (vì còn nhiều tài liệu) thì trái lại, sự nghiên cứu về nền tư pháp triều Lý gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt, nếu không "trì chí" thì khó mà vượt qua được.

Theo sử, vua Lý Thái Tông, năm Minh Đạo Nguyên Niên (1042), có ban bố một bộ Hình Thư. Song khốn thay, sách ấy ngày nay không còn nữa ! Theo bộ Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú (Văn Tịch Chí) thì trong thời kỳ nhà Minh đô hộ nước ta vào đầu thế kỷ thứ 15 (1407 - 1427), họ đã dã tâm tịch thu các sách vở của ta đem về Kim Lăng, mục đích làm tiêu ma nền văn hoá cổ truyền của dân Việt và do đó mưu giữ vững nền thống trị của họ bằng hai lợi khí cực kỳ thâm độc, đó là : Chính sách ngu dân và đồng hoá. Ta hãy nghe một đoạn trong chỉ dụ của vua Minh Thành Tổ gửi Trương Phụ ngày 21 - 8 - 1406 :"Một khi binh lính đã vào nước Nam...thì hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến các loại ca lý dân gian, các sách dạy trẻ nhỏ...một mảnh, một chữ phải đốt hết. Khắp trong nước, các bia do An Nam dựng thì phải phá huỷ tất cả, một chữ chớ để sót lại".

Chưa đủ. Chín tháng sau đó, một lần nữa, Minh Thành Tổ lại gửi chỉ dụ thúc giục :"Nhiều lần đã bảo các ngươi rằng phàm An Nam có sách vở văn tự gì, kể cả các câu ca lý dân gian, các sách dạy trẻ và tất cả các bia mà xứ ấy dựng lên, thì dù một mảnh, một chữ, hễ trông thấy là phá huỷ ngay lập tức, chớ để sót lại" (Theo Minh Sử). Cũng theo Minh Sử thì, trong những năm này, chỉ một viên quan hạng bét như Lưu Hiểu cũng đã lấy được 93 chiếc trống đồng đem về Tàu !

Trong số các sách vở đã bị tiêu huỷ, bị tịch thu như vậy, có quyển Hình Thư nói trên. Như vậy, ta đã mất một tài liệu quí báu nhất, để nghiên cứu rành rọt, chính xác về nền pháp luật triều Lý.

Tuy, quyển Hình Thư của Lý Thái Tông ngày nay đã thất lạc, song không phải vì vậy là mất hết hy vọng nghiên cứu luật pháp triều Lý.

Ta có thể căn cứ vào các điều đã ghi chép trong Sử và trong những sách khác để có được một ý niệm tổng quát nhưng cũng không đến nỗi quá sơ lược về thời đại ấy.

Như ta đã biết, nhưng nếu nhắc lại cũng không đến nỗi quá thừa, khi hiểu được rằng : Luật pháp của mỗi quốc gia phải phản chiếu trung thực (nếu không tuyệt đối trung thực) tất cả các điều kiện xã hội (hiểu theo nghĩa rộng), có nghĩa là các điều kiện chính trị, kinh tế, văn hoá..., cũng như các nguyện vọng của người dân sống trong những điều kiện nói trên. Vì phải phản ảnh hoàn cảnh của xã hội cũng như ý nguyện của nhân dân, nên nền pháp luật của bất luận ở quốc gia nào cũng biến chuyển cùng với thời gian. Như vậy, nền luật pháp của ta dưới thời nhà Lý đã có những sắc thái nào ? Có phát huy được tinh thần cố hữu và bản sắc của dân tộc hay không ? Đó là đối tượng và tinh thần nghiên cứu của môn cổ luật, trong đó có : Luật pháp triều Lý.

(Cho dù đến như Đức Khổng Phu tử khi muốn xem lại cái lễ chế nhà Hạ, nhà Ân, còn phải than rằng những thứ còn lại ở nước Kỷ, nước Tống là không đủ để khảo cứu...: Ta hồ ngô thánh nhân dục quan Hạ, Ân chi đạo, nhi thán Kỷ, Tống nhi bất túc trủng...). Huống hồ là chúng ta ngày nay, thì cũng đành "hoan hỉ" với những gì mình đang còn và đang có trong tay vậy. Và, ta hãy bắt đầu bằng cách căn cứ vào các bộ Sử, như : Bộ Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (quyển 33) của Phan Huy Chú. Sau đó đem đối chiếu sách ấy với các điều đã được ghi chép trong các bộ khác, như Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư do Lê Văn Hưu soạn dưới đời Trần (không cách thời Lý quá 3 thế kỷ) và sau lại được Ngô Sĩ Liên dưới đời Lê hiệu bổ. Gần đây, còn có thêm sách Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn cũng giúp ích nhiều chi tiết liên quan đến các hoạt động của dân tộc ta thời Lý, về phương diện tôn giáo (nhất là về Phật giáo).

Nhờ vào các tài liệu tản mác trong sử cũ, ngày nay ta cũng có thể có một quan điểm tổng hợp về tinh thần đặc sắc của luật pháp triều Lý; phản chiếu rõ rệt cá tính độc lập truyền thống của dân tộc Việt Nam. Hơn nữa, những tài liệu ấy còn chứng minh rằng trên lập trường thực tế, dân ta tuy bị vùi lấp trong chính sách ngu dân non một ngàn năm (Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu), song, chỉ cần một thời gian độc lập không đầy một trăm năm cũng tiến đến một trình độ pháp lý hết sức rực rỡ, khả quan. Như thế, lịch sử đã hùng hồn minh chứng là, dân tộc Việt Nam có đủ những khả năng tiến triển về phương diện tinh thần, trí tuệ, nếu không hơn hẳn, thì, cũng không thua kém bất cứ một dân tộc nào trên thế giới này.

TINH THẦN ĐẶC SẮC CỦA PHÁP LUẬT TRIỀU LÝ

Như ta đã biết, nền pháp luật triều Lý không phải chỉ gồm vỏn vẹn có bộ Hình Thư của Lý Thái Tôn mà thôi. Các triều vua sau, cũng có ban hành một số điều luật hiện còn ghi chép trong Sử. Một đôi khi, những điều luật còn được phân tích rành mạch và giúp ích nhiều cho sự nghiên cứu.

Ngoài ra, luật pháp triều Lý cũng không thể nào không chịu ảnh hưởng của luật Tàu, nhất là bộ luật nhà Đường (Đường Luật Sớ Nghị). Đến triều Lý, ảnh hưởng của bộ luật này vẫn còn.

Chứng cứ đầu tiên là, đến những 500 năm sau, ảnh hưởng ấy vẫn chưa phai lạt, đó là : một phần lớn của bộ Quốc Triều Hình Luật của nhà Lê soạn ra về cuối thế kỷ thứ 15 vẫn còn phản chiếu một phần nào các điều khoản của luật nhà Đường.

Ngay trong các điều khoản luật pháp triều Lý (được ghi lại trong Sử) ta cũng nhận thấy ảnh hưởng này. Trong luật nhà Lý chép rằng :"Các người già cả hay trẻ con niên thiếu, phạm tội thì được xử nhẹ". Trường hợp giảm khinh này vốn mượn trong luật nhà Đường. Các bộ luật Hồng Đức (nhà Lê) và Gia Long (nhà Nguyễn) sau này cũng có quy định tương tự như vậy.

Một chứng cớ thứ hai là, theo Sử, bộ luật nhà Lý rất khoan hồng và cho phạm nhân được chuộc tội bằng tiền (trừ khi phạm vào tội Thập ác). Đây cũng là một điều khoản mượn ở luật nhà Đường (quyển 1, điều 14). Điều đáng nhớ là điều khoản về tội Thập ác này, các bộ luật Hồng Đức và Hoàng Việt Luật Lệ sau này cũng vẫn giữ.

Nếu muốn biết rõ, thì trong luật nhà Đường, tội Thập ác gồm các trường hợp như sau :

    1. Mưu phản = lật đổ nền cai trị của vua.
    2. Mưu đại nghịch = phá đền đài, lăng tẩm nhà vua.
    3. Mưu bạn = phục vụ nước địch.
    4. Ác nghịch = mưu giết hay đánh ông bà, cha mẹ, tôn thuộc.
    5. Bất đạo = vô cớ giết ba (3) người cùng nhà.
    6. Đại bất kính = lấy trộm các đồ tế trong lăng tẩm, làm giả ấn vua.
    7. Bất hiếu = cáo giác hay chưởi rủa ông bà, bố mẹ hay ông bà, bố mẹ chồng. Không phụng dưỡng bố mẹ, tự ý bỏ nhà phân chia tài sản, cưới xin khi có tang cha mẹ, vui chơi trang sức trong khi tang chế, được tin bố mẹ, ông bà chết không chịu tang hoặc phát tang giả dối.
    8. Bất mục = mưu giết hay bán các thân thuộc (cho đến ngũ đại), đánh hoặc cáo giác chồng hay các tôn thuộc (cho đến tam đại).
    9. Bất nghĩa = giết quan lại sở tại, hoặc thầy dạy, không để tang chồng, ăn chơi và tái giá.
    10. Nội loạn = tức là tội loạn luân (thông dâm với thân thuộc hay với các thiếp của bố hay của ông).

Cũng cần nói rõ thêm, tội Thập ác ở Trung Hoa đặt ra dưới đời nhà Tề (479-502) và đến đời nhà Tuỳ thì được bổ cứu. Song phải đến đời nhà Đường, tội Thập ác này mới được quy định rõ ràng lần đầu tiên trong bộ luật Hình. Như thế, đây là một chứng cớ minh xác rằng luật triều Lý còn chịu ảnh hưởng của luật nhà Đường.

Tuy nhiên, ta cần nhấn mạnh rằng, ảnh hưởng của luật nhà Đường đối với luật pháp triều Lý không có nghĩa là một sự bắt chước triệt để (như trường hợp bộ luật Gia Long đối với bộ luật nhà Thanh).

Một chứng cớ cụ thể là : Bộ luật nhà Đường về hình thức gồm có 12 thiên. Trái lại, luật nhà Lý (theo sách Đại Việt Thông Sử (Nghê Văn Chí) của Lê Quý Đôn và sách Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí) thì chia ra làm ba quyển. Lẽ tự nhiên, sự dị biệt trong cách bố cục phải đi đôi với một sự thay đổi quan trọng về nội dung. Qua các tài liệu rất hiếm hoi mà ngày nay ta còn tìm được, tỏ rõ tinh thần đặc sắc của nền pháp luật triều Lý đã phát huy mạnh mẽ, dã biểu lộ một trạng thái tân kỳ của dân Việt thời ấy, với một nền độc lập mới được phục hồi. Ơí một thời đại mà nền văn hoá Trung Hoa đang thịnh vượng đến cực độ khiến các nước trong khắp cõi Viễn đông coi như một văn hoá khuôn mẫu, mà nền pháp luật của triều Lý vẫn giữ được cá tính đặc thù riêng biệt đó, thực là một sự kiện vinh dự hiếm có, đáng tự hào, cần được xiển dương, đề cao để tỏ rõ tinh thần tự chủ của dân ta (vốn đã sẵn có) tự ngàn xưa :

"Quê hương ấy còn vang lời ước thệ

Ai ngàn xưa non bể hẹn hò nhau".

Đất nước và con người đã kết hợp thật hài hoà qua một cuộc "hẹn hò" thật tuyệt diệu ấy. Ngày nay nếu muốn thấy, ta có thể tìm trong các pháp luật của triều Lý, về hai phương diện :

    1. Pháp luật triều Lý chịu ảnh hưởng của Đạo Phật.
    2. Pháp luật triều Lý thích ứng với nhu cầu xã hội Việt Nam.

ẢNH HƯỞNG ĐẠO PHẬT

Ơí Trung Quốc, như ta đã biết, về phương diện pháp luật, một tranh luận đã diễn ra rất sôi nổi trên lập trường lý thuyết giữa hai phái Nhân trị và Pháp trị chủ nghĩa.

  1. Quan niệm Nhân trị tin tưởng ở lòng thiện thiên nhiên của nhân loại, nhà cầm quyền chỉ tài bồi cái tính thiện ấy, săn sóc vấn đề tu dưỡng nhân cách thì mọi sự khó khăn trong xã hội sẽ tiêu tan. Trọng ở Lễ khiến mọi người tu thân theo kịp đức độ của người quân tử, chính sách Nhân trị sẽ coi luật pháp là thừa. Từ chổ tu thân đến các vấn đề tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, chỉ có một tiêu chuẩn và một phương pháp duy nhất là dùng Lễ và Nhạc.
  2. Trái với quan niệm Nhân trị, chính sách Pháp trị rất bi quan về điểm tin tưởng ở bản tính toàn thiện của con người. Để giữ trật tự trong xã hội, cùng thúc buộc các xu hướng vị kỷ và hỗn độn của cá nhân, nhà cầm quyền phải dùng đến pháp luật. Luật pháp càng đâỳ đủ, càng nghiêm khắc và công minh, lòng người càng sợ hãi và không dám làm điều càn rỡ. Hạnh phúc của xã hội loài người không phải căn cứ ở Lễ, mà căn cứ ở Luật.

? nước ta, trong hai quan niệm Nhân trị và Pháp trị, quan niệm nào đã làm giềng mối cho luật pháp nhà Lý ?

Phần đông các nhà khảo cứu, mãi phân tích cuộc tranh luận gay go và đầy hứng thú giữa hai thuyết trên, đã quên rằng ngay từ đời Lý cách đây cả ngàn năm, nước ta đã phát huy được một nền pháp luật có một tinh thần tự chủ đặc sắc. Không hẳn là Nhân trị mà cũng không phải là Pháp trị.

Luật pháp triều Lý đã chọn được một phương pháp chiết trung nhờ ảnh hưởng của Đạo Phật.

  1. NGUYÊN NHÂN PHÁT TRIỂN ĐẠO PHẬT.
  2. Khái quát, có hai nguyên nhân :

    1. Yếu tố thứ nhất là chính sách ngu dân của người Tàu áp dụng tại nước ta một cách triệt để trong 10 thế ky íđô hộ. Vì thế đến triều Lý, Nho học (của Tàu) vẫn còn ở thơì kỳ rất phôi thai mãi đến đời Lý Nhân Tông, năm Ất mão (1075) mới có kỳ thi Tam trường tuyển người văn học ra làm quan.
    2. Kỳ thi đầu, chọn được hơn 10 người, thủ khoa là Lê Văn Thịnh.

      Xem như vậy, quan niệm của Nho giáo như Nhân trị và Pháp trị chưa thể có ảnh hưởng gì rõ rệt và mạnh mẽ đối với pháp luật triều Lý được.

      Sau này, vào đời Trần-Lê có sự phát triển của Nho học trên đất Việt, là một sự kiện hoàn toàn do ở ý chí của dân Việt, chứ không phải là kết quả trực tiếp của nền Bắc thuộc.

       

    3. Yếu tố thứ hai là Đạo Phật đã được truyền bá sang Việt Nam từ lâu, trước cả ở Trung Quốc.

Sách Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục (viết dưới đời nhà Trần), đã ghi chép một câu chuyện giữa Thái hậu Linh Nhân (tức Ỷ Lan, vợ vua Lý Thánh Tông, mẹ vua Lý Nhân Tông) với một vị sư uyên bác là Tri Không :

  • Ngày rằm tháng hai năm Hội phong thứ 5 (1096), Thái hậu đặt tiệc chay ở chùa Khai Quốc, thết các Tăng và đàm luận về Đạo Phật với các vị sư già học rộng. Về nguyên lý của Đạo Phật , sư Tri Không trong cuộc luận đàm này đã cho ta biết là sự truyền bá không phải do Trung Quốc mà do Ấn Độ trực tiếp truyền sang nước ta.

Để chứng minh lời nói trên, sư Tri Không đã viện lời của Pháp sư Đàm Thiện : Vua Tề Văn Đế (479-483) vốn dĩ mộ Đạo Phật , đã cho xây dựng chùa chiền khắp trong nước Tề và ngỏ ý với sư Đàm Thiện muốn đem Đạo Phật sang truyền bá ở Giao Châu :"Xứ Giao Châu tuy nội thuộc nhưng chỉ là một xứ giàng buộc mà thôi. Vậy ta chọn các Sa môn có danh đức sang đó để giảng hoá, may dân chúng sẽ được pháp Bồ đề chăng ?". Nhân dịp ấy, Pháp sư Đàm Thiện đã ngỏ cho vua Tề biết là Giao Châu đã được giáo hoá từ lâu, trước cả vùng Sơn Đông (tức là nước Tề) nữa :"Giao Châu vốn tiện đường thông với Thiên Trúc (Ấn Độ) cho nên khi Đạo Phật chưa tới Giang Đông (tức là nước Tề) thì ở Luy Lâu (trị sở quận Giao Chỉ, ay thuộc địa phận làng Lũng Khê, phủ Thuận Thành, Bắc Ninh) đã có xây hơn 20 ngôi chùa, chọn 500 vị Tăng và đã dịch 15 bộ Kinh rồi, thế là xứ ấy theo Đạo Phật trước ta". Vì đó, mà người ta cho rằng Giáo Châu đã theo Đạo Phật trước Tề. Trong số các vị sư tới Giao Châu hồi ấy có Ma-la-kê-vực (tên Phạn là Marajivaka), Khương Tăng Hội, Chi-cương-lưu-chi (tên Phạn là Kataruci) và Mâu Bác: Những vị sư này đều là những nhân vật có thật trong sử.

- Mâu Bác, nguyên người Thương Ngô, sang Giao Châu ở với mẹ năm 189. Thời ấy, Sĩ Nhiếp coi quận Giao Châu. Bên Tàu có loạn, nên nhiều người có học đã tản cư sang Giao Châu để tìm an ninh. Trong số những người tị nạn có Mâu Bác, trước theo học Đạo Giáo, nhưng vào khoảng năm 194-195, nghĩa là sau khi sang Giao Châu độ 5, 6 năm, lại theo Đạo Phật . Đó là chứng cớ Đạo Phật đã được truyền sang Việt Nam từ trước.

  • Ma-la-kê-vực, Khương Tăng Hội, Chi-cương-lưu-chi đều là người Ấn Độ hay Tây Vực (xứ Sogdịane) ở phía bắc Ấn Độ. Các vị sư này, sau khi ở Giao Châu lâu, có sang Trung Quốc giảng đạo. Chính sư Đàm Thiện cũng là người Indo-Scythe (Trung Hoa dịch là Nhục Chi) ở phía bắc Ấn Độ. Sở dĩ am hiểu tình hình Giao Châu, chắc cũng vì đã lưu trú ít lâu bên ta, trước khi qua bên Tàu. Một điều lý thú là, một trong những người được sư Khương Tăng Hội truyền đạo (qui y) cho, đó là Ngô Tôn Quyền. Có nhiều khả năng là từ Luy Lâu (Việt Nam hồi ấy) Phật giáo đã truyền sang Bành Thành (thời Chiến quốc đã là kinh đô của Sở Hoài Vương, nay là Từ Châu, thuộc Giang Tô), rồi từ Bành Thành truyền đến Lạc Dương (là kinh đô của nhà Đông Hán), nay thuộc Hà Nam (Trung Quốc) từ đầu công nguyên. Xem như vậy, từ lâu, Đạo Phật đã có những cội rễ rất sâu xa tại Việt Nam, và, mỗi ngày một thêm bành trướng...

Trong khi chính sách ngu dân của Tàu làm tê liệt các khả năng tinh thần của dân Việt, thì, riêng các nhà sư đã họp thành giai cấp trí thức trong nước...Vì vậy, mà qua các triều Đinh, Lê, Lý, đã bao nhiêu lần các nhà sư đã giữ một vai trò quan trọng trong các cuộc giao thiệp với sứ Tàu.

Dưới triều Lý, có thể nói Phật giáo đã chiếm hẳn địa vị độc tôn (quốc giáo) trong xã hội Việt Nam.

Do thâm nhập một cách hoà bình, trọng đức hiếu sinh, chẳng những đối với con người mà cả với muôn loài muôn vật, đến tận đất trời, mây nước, cây cỏ, thiên nhiên nữa. Chính tinh thần từ bi (cứu khổ cho vui) ấy đã thâm nhiễm và phổ biến bàng bạc khắp nơi nơi trong từng hơi thở -ngay từ thời Bắc thuộc- Chỉ nội một việc vua nhà Tiền Lý (Sử cũ còn gọi là Hậu Lý Nam Đế) có tên là Lý Phật Tử (555-602) cũng cho thấy ảnh hưởng của Phật giáo trong thời kỳ này như thế nào.

  1. ẢNH HƯỞNG ĐẠO PHẬT ĐỐI VỚI PHÁP LUẬT

Nhớ lại, năm Kỷ dậu (1009) sau khi Ngoạ triều Lê Long Đỉnh mất, đại diện cho giới quan lại là Đào Cam Mộc và đại diện cho giới trí thức là Thiền sư Vạn Hạnh đã cùng nhau hợp lực tôn phù Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ (chức quan đứng đầu ngành võ, tương đương với chức Tổng Tham mưu trưởng quân đội ngày nay) là Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng Đế. Tháng 10 năm đó, người con hoang được nhà sư Lý Khánh Vân nhận làm con nuôi lúc mới lên ba tại một ngôi chùa ở Bắc Ninh, đã lên ngôi Cữu ngũ, mở đầu một triều đại lớn, rực rỡ, huy hoàng nhất trong lịch sử dân tộc, đã để lại dấu ấn sâu sắc nhất trên nhiều lĩnh vực khác nhau - cố nhiên trong đó bao gồm cả pháp luật - mà sau này, về văn hoá (nói chung), triều Lý được các nhà nghiên cứu ghép chung với triều Trần và lấy tên chung : Văn Hoá Lý -Trần, để nói lên thời đại vàng son trong sử sách, kéo dài từ thế kỷ thứ X đến hết thế kỷ thứ XV. 500 năm đó đã là niềm kiêu hãnh, tự hào, đã là nguồn cảm hứng bất tuyệt của nhân dân ta, được soi sáng bởi trí tuệ nhà Phật : Đạo đã vào Đời; con người đã có một phần an vui, một chút hạnh phúc... Chẳng những Lý Thái Tổ mà các vua chúa, Thái hậu, Vương công đại thần thảy đều rất sùng mộ Đạo Phật và tôn quý các sư Tăng. Sử chép rất kỹ các công việc liên quan đến Đạo Phật đã được thực hiện dưới các triều vua đời nhà Lý (Trong sách Lý Thường Kiệt, trang 423-430, của cố Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, có liệt kê các công việc này thành một bản rất tường tận, từ đời Lý Thái Tổ đến Lý Huệ Tông (1010-1225).

Trạng nguyên Lê Quát, nhà Nho, học trò của Chu Văn An, trong bia chùa Thiên Phúc (dựng đời Trần) đã phải mặc nhiên công nhận rằng :"Làng xóm nào cũng có chùa mà không đâu thấy thờ Đức Khổng Thánh" (Hoàng Xuân Hãn- Sách Lý Thường Kiệt, trang 402). Không biết nhà Nho Trạng nguyên (Lê Quát) có "lấy làm khó chịu" lắm không khi ông nói (nguyên văn) :"Phật chỉ lấy điều hoạ phúc mà động lòng người, sao mà sâu xa và bền chắc đến như vậy ? Trên từ Vương công dưới đến thứ dân, hễ làm cái gì thuộc về việc Phật, thì hết cả gia tài cũng không tiếc. Nếu hôm nay đem tiền của để làm chùa, xây tháp thì hớn hở vui vẻ, như trong tay đã cầm được cái biên lai để ngày sau đi nhận số tiền trả báo lại. Cho nên, trong từ kinh thành, ngoài đến châu phủ, đường cùng ngõ hẻm, chẳng khiến đã theo, chẳng thề mà tin, hễ chỗ nào có nhà ở thì có chùa Phật, bỏ đi thì làm lại, hư đi thì sửa lại...".

Rất nhiều chùa tháp có qui mô to lớn, có kiến trúc độc đáo đã được xây dựng trong thời gian này, như : Chùa Phật Tích, chùa Dạm (chùa Đại Lãm), chùa Diên Hựu (chùa Một Cột), chùa Phổ Minh, chùa Quỳnh Lâm, chùa Hương Lãng, chùa Linh Xứng, chùa Bối Khê, chùa Thái Lạc, hệ thống chùa Yên Tử, tháp Bình Sơn, v.v.... chỉ nói riêng về chùa Phật Tích, còn có tên là Vạn Phúc Tự ở xã Phật Tích, huyện Tiên Sơn (Bắc Ninh), được xây dựng vào năm 1057. Theo bia Vạn Phúc Đại Thiền tự bi, thì, chùa có 100 toà. Trên đỉnh núi mở ra một toà nhà đá, trong điện tự nhiên sáng như ngọc lưu ly, điện ấy đã rộng lại to, sáng sủa lại kín. Trên thềm bậc đằng trước có bày 10 con thú đá (đến nay vẫn còn), phía sau có ao rộng, gác cao vẽ chim phượng và sao Ngưu, sao Đẩu sáng lấp lánh, đầu rồng và tay rồng với tới trời cao. Trong khuôn viên chùa dựng cây tháp cao ngàn trượng, trong tháp có pho tượng Phật mình vàng cao 6 thước = 2,5m (tượng Đức A-Di-Đà).

Kể thêm một chùa nữa : Chùa Dạm (ở xã Nam Sơn, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) do Nguyên phi Ỷ Lan chủ trì xây dựng năm 1086. Chùa lớn đến mức, riêng việc đóng cửa hàng ngày phải cần đến 72 người, dân gian mới có câu :"Mười tám đóng cửa chùa Dạm", để thay thế cho câu "Mười ám rám đống trấu". Vua Trần Nhân Tông (tức Trúc Lâm Tam Tổ, Hương Vân Đại Đầu Đà) trong bài Đại Lãm Thần Quang Tự, đã ca ngợi ngôi chùa bằng những câu :

"Thập nhị lâu đài khai hoa lục

Tam thiên thế giới nhập thị mầu".

(Tạm dịch là : Mười hai lâu đài mở ra như bức hoạ. Ba nghìn thế giới thu vào tầm mắt rộng muôn trùng).

(Đến nay, còn lại dấu tích khu nền chùa rộng 8000 mét vuông, bậc cấp chính dẫn lên chùa rộng 16 mét, dài 120 mét).

Khâm phục những thành tựu văn hoá Việt Nam thời Lý-Trần, sách vở Trung Hoa đời Minh truyền tụng nhiều về bốn công trình nghệ thuật lớn, mà họ gọi là An Nam Tứ Đại Khí, gồm :

    1. Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm.
    2. Tháp Báo Thiên.
    3. Chuông Quy Điền.
    4. Vạc Phổ Minh.

Ngoài ra, nhiều đền cũng được xây dựng dưới triều Lý, mà nay vẫn còn di tích ở ngoài Bắc như : Đền Trấn Vũ, tục gọi là đền Quan Thánh (1100), đền Hai Bà (1160), v.v...

Tiếc không thể kể hết mọi chi tiết ! Nhưng đáng tiếc hơn cả, là tuyệt đại bộ phận các thành tựu văn hoá Lý-Trần, đều đã bị quân Minh tàn phá hết sức dã man, thì, một điều "nghịch lý" là trước đó, sách vở Trung Hoa lại viết khá nhiều về Phật giáo Giao Châu, nhiều sĩ phu Trung Hoa đã đến thăm thú chùa chiền Việt Nam, đã có nhiều thi văn ca ngợi các nhà sư ở đây. Các vua Đường đã từng nhiều lần mời các Cao Tăng An Nam sang kinh đô Trung Hoa thuyết pháp, giảng kinh và cũng tại đây, họ được các văn hào thi sĩ Trung Hoa hết sức mến mộ và làm nhiều thơ tặng...

Một điều cũng hơi "nghịch lý" nữa là, trong nước ta, tuy sau này nhà Lê tuyên bố lấy Nho giáo làm quốc giáo - Phật giáo dần dần suy thoái - thì, tuy trog phần nói có phần "cay" một chút, nhưng Nho thần Lê Quát, quan trạng nhà Lê, lại phản ảnh một cách rất trung thực, chính xác (nếu không nói là hoàn toàn chính xác, chả thế thì làm sao mà ngài đỗ Trạng được !) rằng : Hầu hết dân ta thời Lý-Trần đã theo Phật và Đạo Phật thân thiết đến nỗi dường như một người Việt Nam nếu không theo một tôn giáo nào khác thì ắt là theo Phật, hoặc ít ra là có cảm tình với Đạo Phật.

Cũng lẽ tất nhiên, trong bầu không khí thấm nhiễm sâu xa giáo lý Từ Bi của Đạo Phật như vậy, thì nền pháp luật tránh sao không chịu ảnh hưởng ấy ???

- Sách Lịch Triều Hiến Chương của Phan Huy Chú (trong quyển 33) đã chép rõ, nói rõ nguyên nhân thúc dục vua Lý Thái Tông ban hành quyển Hình Thư năm 1042.

- Trước các cuộc cải cách quan trọng ở trong nước, các việc án tăng gấp bội, vì vậy các quan xử kiện, áp dụng luật một cách quá nghiêm, nhiều khi đã trở nên bất công và hà khắc.

Tình trạng đã khiến vua Lý Thái Tông phải động lòng trắc ẩn và ra lịnh cho viên Trung Thư san định luật Hình (các luật lệ hiện hành được xét lại và chọn lọc, xếp thành loại và biên soạn thành một bộ luật để tiện việc tra cứu...).

Lý Thái Tông là một vị vua chịu ảnh hưởng sâu xa của Đạo Phật nên rất giàu từ tâm. Vua làm Luật là vì...thương dân. Chẳng những với dân mà ngay với kẻ địch như Nùng Trí Cao, sau khi y bị bắt, vua cũng đã tỏ độ lượng khoan hồng, không bắt tội chết.

Tấm lòng Từ Bi ấy ta đã thấy rõ rệt qua lệnh vua truyền san định Bộ Hình Thư. Lẽ tất nhiên các điều khoản trong luật Đường, nếu có được dùng kiểu mẫu làm cho bộ Hình Thư triều Lý; thì những hình phạt ấy cũng được thay đổi rất nhiều.

Trên đây ta đã có dịp nhấn mạnh là theo Sử, Luật nhà Lý có cho phạm nhân được chuộc tội bằng tiền, trừ những tội Thập ác.

Tinh thần Từ Bi ấy và ảnh hưởng của Đạo Phật, ta cũng sẽ còn nhận thấy dưới các triều vua khác.

Mùa đông, năm 1055, trời giá rét, Lý Thánh Tông nói với các quan rằng:"Ta ở trong cung kín, sưởi lò than, khoát áo bông mà còn rét như thế này. Ta nghĩ đến tù nhân bị nhốt trong ngục thất chịu trói buộc khổ sở, mà chưa biết phải trái ra sao. Ăn không no bụng, áo không đủ che thân, vì rét mà bao nhiêu người chết, không nơi nương tựa. Ta thật lấy làm thương". Rồi vua sai phát chăn chiếu cho tù nhân và cấp cho mỗi ngày hai bữa cơm. (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư).

Lại nữa, mùa hạ, năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 6 (1064), vua Lý Thánh Tông ngồi xử kiện ở điện Thiên Khánh, có công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh. Vua chỉ công chúa nói với các quan coi việc kiện tụng :"Lòng ta yêu dân như ruột thịt chẳng khác gì con đẻ. Vì dân không hiểu luật nên mắc tội, ta rất xót xa. Vậy từ rày về sau ta muốn rằng các tội dù nặng dù nhẹ cũng được xử một cách khoan hồng".

Có lẽ vì chịu ảnh hưởng Phật giáo sâu xa như vậy, cho nên đối với vua Chàm là Chế Củ, sau khi thân chinh bắt được, vua Thánh Tông cũng tha cho tôị chết.

Ubisocietas ibi jus : Ở đâu có xã hội thì ở đó có luật pháp. Đó là lẽ tất nhiên, là chuyện đã đành rằng thế. Nhưng, trên lập trường pháp lý, thì, những chuyện kể trên cho ta rõ, giáo lý Từ Bi của Đạo Phật đã trực tiếp ảnh hưởng trên nền pháp luật triều Lý một cách rất nhuần nhuyễn, rất tinh tế, qua :

a) Sự tôn trọng Nhân quyền :

Theo quan niệm cổ điển của Trung Hoa, dù là quan niệm Nhân trị hay quan niệm Pháp trị thì cá nhân sống trong khuôn khổ chế độ quân chủ chuyên chế và dưới quyền người gia trưởng, hoàn toàn không được pháp luật công nhận một quyền nào cả. Trái lại, "Lễ cũng như Luật" đã chồng chất lên vai họ không biết bao nhiêu là nghĩa vụ : trong gia đình, nghĩa vụ đối với chồng, với cha; ngoài xã hội nghĩa vụ đối với thầy, với vua...

Trong các mối tương quan cổ điển của xã hội, tuyệt nhiên không bao giờ người ta nghĩ đến vấn đề "Nhân quyền", đến những tự do cá nhân, mà, mọi phần tử xã hội phải được hưởng với tư cách làm người. Quan niệm ấy đã đem lại bao nhiêu nỗi đau thương, bao nhiêu bất công hà khắc, không hề được ai nghĩ tới.

Việc vua Lý Thánh Tông xét tới cảnh khổ của các tù nhân đang bị giam cầm trong khi tội vạ chưa xét rõ và truyền đối đãi tử tế với họ quả thật là bước đầu tiên công nhận Nhân quyền trong lịch sử nước nhà. Đó là một đặc điểm rất vinh dự cho luật pháp triều Lý.

Do ảnh hưởng của Đạo Phật, phương pháp ấy đã vượt khỏi, vượt xa những quan niệm thông thường của các nhà làm luật Trung Hoa.

Nếu đem so sánh những ý tưởng cao thượng thấm đượm trong nền luật pháp ấy với những nguyên tắc của bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc Tế do Liên Hiệp Quốc công bố ngày 10-12-1948, điều thứ 11, khoản thứ nhất về quyền của bị cáo, ta sẽ rõ : Từ 1000 năm trước, luật pháp của ta đã tiến tới một trình độ vinh quang chói lọi về vấn đề này :

"Joute personne accusee d'un acte delictueux est presumee innocente jusqu'a ce que sa culpabilite ait ete legalement etablie au cours d'un proces public ou toutes les garanties necessaires a sa defense lui auront ete assurees : Phàm ai bị cáo về một tội phạm gì đều được phỏng coi như vô tội, cho đến khi tội trạng ấy được chứng minh rõ rệt trong một vụ xử công khai có đủ hết đảm bảo cho bị cáo về quyền bào chữa" (Điều 11, khoản thứ nhất trong bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc Tế)

Sự so sánh này sẽ đưa ta đến chỗ kết luận rằng quan niệm cũ của luật pháp Việt Nam không phải nhất thiết thoát thai ở quan niệm nhân trị hay pháp trị của Trung Hoa. Nó có tinh thần đặc thù, riêng biệt, và, ngay trong thời kỳ phôi thai ta "đã nhận thấy" một sự tôn trọng nhân quyền mà ta chỉ "mới thấy" phát huy trong một vài nước Âu-Mỹ vào cuối thế kỷ thứ XVIII ! Và, mãi đến giữa thế kỷ XX, tổ chức Liên Hiệp Quốc mới công nhận (10-12-1948).

b) Áp dụng chính sách cải quá đối với tội nhân :

Chính sách Nhân trị trọng Lễ, không dùng Hình, đứng về phương diện lý thuyết thuần tuý, có một tính cách rất cao siêu. Song, có lẽ vì mục đích quá cao siêu nên khó lòng thực hiện được hoàn toàn trong xã hội loài người.

Chính sách Pháp trị, trái lại, dưới "đôi mắt yếm thế" của phái Pháp Gia thì, loài người đối xử với nhau như bầy thú dữ; phải cần có những hình pháp nghiêm ngặt mới hòng giữ được trật tự cùng thuần phong mỹ tục trong xã hội.

Do quan niệm ấy, không những luật phải dự trù những hình phạt rất nặng mà hơn nữa, trong việc xét xử các phạm nhân, không thể có sự nhân nhượng và cũng không hề có sự khoan hồng.

Luật triều Lý đã không theo đuổi hẳn một phương pháp nào trên này cả.

Chỉ thị của vua Lý Thánh Tông về việc xét xử các tội nhân một cách khoan hồng, không kể tội nặng nhẹ, là một ý niệm rất cao cả, là một hình ảnh rất mới lạ của một chính sách về Hình sự (Politique criminelle) chưa hề thấy ở Trung Hoa : Chính sách cải quá tội nhân. Và chính sách này chỉ mới thấy phát triển ở Âu-Mỹ vào thời đại cận kim.

Cũng cần nói rõ thêm, theo chính sách ấy, các phạm nhân được coi như nạn nhân của xã hội. Đối với họ, không nên dùng những hình phạt quá nghiêm khắc như muốn loại bỏ họ ra khỏi xã hội; đó là một sự bất công. Mà trái lại, cần phải xét xử họ như đối với một người có bệnh. Các sự trừng phạt phải được cân nhắc và ấn định một cách hợp lý và nhân đạo để, đối với họ sẽ biến thành một phương thuốc tinh thần, đem lại cho họ lòng hối cải...

Sự khoan dung mà ta đã thấy ở vua Lý Thánh Tông là phản ảnh của lòng Từ Bi và sự Sám Hối được đề cao trong ạo Phật.

Sự khoan dung ấy phát sinh ra một cuộc cải tổ quan trọng trong chính sách về Hình sự mà ít người để ý tới.

Nếu khéo được tổ chức, sự cải tổ trên có lẽ đã đưa ước ta đến chỗ thực hiện một chính sách về Hình sự có thể làm khuôn mẫu cho cả thế giới, cho toàn nhân loại.

Nhưng dẫu sao, đó cũng đã là một vinh dự thứ hai cho triều Lý là đã ý thức được một quan niệm mới mẻ trong Hình Luật.

c) Phái Nho gia không hiểu tinh thần luật pháp triều Lý :

Lẽ tự nhiên, tinh thần đặc thù của sự cải tổ này (Cải quá tội nhân) phái Nho gia không sao thấu hiểu được (vì thâm căn cố đế đã quá thiên về các quan niệm Nhân trị hoặc Pháp trị). Bởi lẽ đó, trong Sử cũ, luật pháp triều Lý thường bị phái Nho gia chỉ trích như một Hình luật nhu nhược, uỷ mị.

Về những xét đoán này, những lời phê bình của Ngô Thì Sĩ trong quyển Đại Việt Sử Ký đã là một chứng cớ hùng biện về "thái độ cố chấp" của phái Nho gia. Chỉ cần đơn cử một thí dụ sau, cũng rõ: Năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 6 (1125) một đạo luật được ban hành bắt phạt những kẻ đã đánh chết người phải tội đồ làm khao giáp, 100 trượng và khắc vào mặt 50 chữ (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư). Nhân đạo luật này, Ngô Thì Sĩ đã phê bình như sau : "Bắt kẻ giết người chịu tội tử, đó là luật cũ, cớ sao chỉ phạt những kẻ đánh chết người một hình phạt nhẹ như tội đồ và tội trượng ? Nhân đấy, những kẻ càn rỡ có thể tư ý phóng tâm trả các mối tư thù, không coi trọng nhân mạng nữa, các kẻ tiểu nhân rất dễ không tôn trọng luật pháp, mà người quân tử hiền lành thì phải chịu các sự bất công của chúng ! Đó là một điều lầm rất lớn trong sự quy định luật pháp !" (Đại Việt Sử Ký). Để kết luận, nhà Sử học danh tiếng họ Ngô đã tiếc rằng các nhà hữu trách triều Lý, trong khi cai trị dân đã không noi theo lời của Tử Kiều, Thôi Thực !

- Tử Kiều, biệt hiệu là Tử Sản hay Tử Mỹ, là một Luật gia danh tiếng tại nước Trịnh vào thế kỷ thứ VI trước Thiên Chúa giáng sinh (581-522) và cũng là một đại biểu lỗi lạc của phái Pháp gia. Sinh thời, ông giữ chức Tể tướng ở nước Trịnh, ông đã đúc vạc đồng khắc rõ các hình phạt cho dân gian biết, như một bộ Luật hình đầy đủ. Chính sách thị uy ấy có thể tóm tắc trong lời sau đây của Tử Sản :"Thấy lửa cháy dân sợ hãi đứng nhìn cho nên ít người chết vì lửa. Trái lại nước dịu mát nên khiến dân khinh thị, chơi đùa, vì vậy mà nhiều người chết vì nước. Trong sự cai trị cũng vậy, khó mà cai trị bằng sự hiền từ".

Yï kiến ấy, cũng là ý kiến của Thôi Thực đã viết trong sách Chính Luận:"Đối với những người không có tư cách siêu việt, nếu ta nghiêm khắc họ sẽ phải ở theo đạo, nếu ta khoan dung họ sẽ làm loạn".

Những lý tưởng cố chấp của phái Nho gia không vượt khỏi giới hạn cổ điển của hai quan niệm Nhân trị và Pháp trị, lại càng làm tôn thêm vẻ đặc sắc của tinh thần luật pháp triều Lý.

Song, ngoài sự phát huy bản sắc dân tộc, luật pháp ấy còn có một phương diện tân kỳ khác nữa : Đó là tính cách thực tế và thích ứng với nhu cầu xã hội đương thời.

NỀN PHÁP LUẬT TRIỀU LÝ THÍCH ỨNG VỚI XÃ HỘI ĐƯƠNG THỜI

 Ngày nay, sau khi đã làm quen với các quan niệm về luật pháp của Tây phương, ta coi sự thích ứng với nhu cầu của xã hội là một tính cách tất nhiên của luật pháp.

Song, nếu ngược dòng thời gian, ta trở về với các bộ luật cũ của Trung Hoa và gần đây với bộ Hoàng Việt Luật Lệ, tức luật Gia Long, ta sẽ rõ các nhà làm luật ngày trước có một quan niệm khác hẳn. Vốn sẵn có tinh thần bảo thủ, nhà làm luật bao giờ cũng coi các bộ luật cổ như những công trình bất hủ, những khuôn mẫu bất di bất dịch. Vì vậy, bộ luật nhà Đường (Đường Luật Sớ Nghị) tuy được thảo ra từ năm 653, song qua bao thế kỷ, vẫn được dùng làm "khuôn vàng thước ngọc" cho các bộ luật Trung Hoa về sau. Và, cũng vì vậy, trong bộ luật của Tàu hay bộ luật Gia Long, người ta đã "quen tay" chép lại nhiều điều luật cũ, tuy đã quá lỗi thời, không còn giá trị thực tế hiện tại nữa rồi !

Trái lại, luật pháp triều Lý, theo các tài liệu hiện nay còn tìm thấy, chứng minh rõ là các vua triều Lý đã từng săn sóc đến tình trạng của dân một cách rất thực tế, trong địa hạt nông nghiệp cũng như trên phương diện tố tụng.

I. PHƯƠNG DIỆN NÔNG NGHIỆP

Ngày nay, các nước tiên tiến trên thế giới đã tiến đến một nền kinh tế kỹ nghệ - nước ta vẫn còn trong giai đoạn kinh tế nông nghiệp. Vậy lẽ tất nhiên cách đây 10 thế kỷ, nghề nông phải là nguồn lợi chính yếu và là ngành hoạt động quan trọng nhất của dân ta.

Trong khuôn khổ một xã hội trọng nông, nhà làm luật triều Lý đã chăm sóc đến sự thịnh vượng của nghề chân lấm tay bùn, làm giảm bớt nỗi khổ cực của giai cấp nông dân (hằng ngày vẫn phải chịu bao nỗi đắng cay đè nén, hăm doạ từ mọi phía). Khác hẳn với luật Trung Quốc, đồng thời, dưới đời Lý Nhân Tông (1072-1127), các vụ trộm trâu bò thường xảy ra rất nhiều ở các làng mạc, khiến người dân quê làm ăn không được yên ổn. Hơn nữa, nhiều kẻ chỉ chuyên môn trộm cướp trâu bò của dân gian khiến việc cày bừa phải đình trệ, có khi bốn, năm gia đình phải chung nhau một con trâu hay một con bò.

Vốn sinh trưởng ở nơi dân giả, Linh Nhân Hoàng Thái Hậu (tức Ỷ Lan Nguyên phi, vợ vua Lý Thánh Tông) thấu rõ nỗi thống khổ của dân quê trong tình trạng ấy, nên đã khuyên nhà vua ra tay trừng trị các kẻ gian làm hại dân lành.

Năm Hội Tường Đại Khánh thứ 8 (1117), vua Lý Nhân Tông ban hành một đạo luật về việc trộm và thịt trâu bò :"Kẻ nào ăn trộm hay thịt trâu bò phải phạt 80 trượng và tội đò làm "Tang thất phu" nghĩa là tội đồ ở các sở nuôi tằm. Ngoài ra còn phải hoàn trả lại tiền con vật. Các người lân bang không tố cáo tội phạm cũng bị phạt 80 trượng" (Đại Việt Sử Ký). (Có lẽ, trong sử không ghi chép điều luật này được đầy đủ. Theo sử, trong luật trù liệu tội đồ làm "Tang thất phu", nhưng đây chỉ là một hình phạt đối với đàn bà (đàn bà phải làm việc tại sở nuôi tằm). Vậy chắc chắn là sử đã bỏ sót không ghi hình phạt đối với người đàn ông ăn trộm trâu, trộm bò).

Song, sự che chở dân cày không phải chỉ tóm tắt giới hạn trong việc trừng phạt các sự đạo thiết trâu bò là đủ. Đối với dân Việt, câu ca dao "Tấc đất tấc vàng" tự ngàn xưa đã phản chiếu một sự kiện kinh tế căn bản. Tất cả các cơ nghiệp của người dân quê đời xưa chỉ vỏn vẹn gồm vài thửa ruộng, thửa vườn. Cuộc sinh nhai hàng ngày, các thuế má, ma chay và mọi việc đóng góp trong làng, trong xóm, thảy đều trông mong vào mối lợi độc nhất ấy.

Trong trường hợp phải cần tiền, nếu không sẵn của dư của để, họ chỉ còn cách đem cầm, bán cái bất động sản ấy. Vì vậy, trong đời sống chất phát của dân quê, các việc cầm bán ruộng đất có tính cách quan trọng đặc biệt. Ta có thể nói là hầu hết các việc dính líu đến pháp luật ở sau luỹ tre xanh đều do các việc mua bán, cầm cố ruộng đất gây nên. Hiểu được tình trạng ấy, vua Lý Anh Tông (1138-1175), năm Đại Định thứ 3 (năm Nhâm tuất, 1142) đã ban hành một điều luật về việc kiện tụng và chuộc lại ruộng đất :

"Các ruộng cầy cấy đã đem cầm cố có thể chuộc lại trong một hạn là 20 năm. Các vụ tương tranh về điền thổ không thể xin vua xét xử sau một thời hạn 5 hay 10 năm. Phàm ruộng vườn bỏ hoang, đã có người cầy cấy, người chủ chỉ có quyền đòi lại trong hạn 1 năm. Trái lệnh này, sẽ phạt 80 trượng.

Kẻ nào tranh nhau ruộng ao mà dùng dao đả thương hoặc đánh chết người sẽ bị phạt 80 trượng và bị tội đồ. Các ruộng ao tương tranh sẽ đền cho người bị thương hay bị giết.

Các ruộng cầy cấy hoặc bỏ hoang, đã có văn tự bán đứt, không thể chuộc lại. Ai trái lệnh, cũng phải phạt cùng một tội". (Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục. Đại Việt Sử Ký).

Đây là điều luật Việt Nam cổ nhất mà ngày nay ta còn thấy ghi chép rõ ràng trong sử về qui chế các điền thổ. Đạo luật ấy đã bênh vực quyền lợi của nông dân về 2 phương diện : Xã hội và Pháp lý.

1) PHƯƠNG DIỆN XÃ HỘI :

Phương diện xã hội, là một yếu tố quan trọng trong sự qui định về ruộng đất vừa nói trên.

Có thể nói, những lý do xã hội đã thúc đẩy nhà làm luật triều Lý, cách đây 1000 năm, đặt cơ sở cho một nền cải cách điền địa mà các nước Âu-Mỹ mới chỉ thực hiện gần đây thôi.

Một trong những giải pháp được ban hành là sự tôn trọng quyền lợi của người nông dân đã thực sự cầy cấy những ruộng đất bỏ hoang và coi họ như sở hữu chủ những ruộng đất ấy, sau một thời gian cầy cấy là 3 năm.

Sự thực, những trang sử ta vừa đọc qua về triều Lý, đã nhắc cho ta rõ chính sách xã hội khôn ngoan ấy, đã đựơc đem áp dụng ở nước ta cách đây 10 thế kỷ. Cuộc cải cách của triều Lý còn triệt để hơn nữa vì, theo điều luật ban hành vào năm Đại Định thứ 3: "Các ruộng bỏ hoang đã được người khác cầy cấy, chỉ sau thời hạn 1 năm là không thể đòi lại được nữa".

2. PHẠM VI PHÁP LUẬT :

a) Trước hết, đây là lần đầu tiên, nhà làm luật xác định sự phân biệt việc cầm cố vườn ruộng (ta thường gọi là điển mại) với sự bán đất (ta thường gọi là đoạn mại).

Danh từ "Điển" (nghĩa là cầm cố) đã thấy được dùng lần đầu tiên, trong tài liệu pháp luật Việt Nam.

Trong luật đã dùng danh từ "Điển thục điền", nghĩa là cầm cố ruộng đã cầy cấy. Danh từ " Điển mại" hiện nay vẫn còn được lưu dụng. Một danh từ không thấy trong hai bộ luật nhà Đường và nhà Thanh.

Để cho người dân quê tránh khỏi nạn bóc lột của chủ nợ thường manh tâm chiếm đoạt của họ, vua Lý Anh Tông đã ấn định một thời gian khá dài là 20 năm cho phép họ được chuộc lại ruộng đất trong thời gian ấy. Với qui chế này, người dân quê sau khi cầm cố ruộng nương còn có hy vọng một ngày kia sẽ lại được làm chủ thửa ruộng của mình như trước.

b) Để sự bảo đảm của luật pháp được hiệu quả, nhà làm luật còn nghiêm phạt kẻ nào ỷ vào sức mạnh để tự ý giải quyết các việc tương tranh về đất cát. Vì vậy, kẻ nào đã dùng dao đánh (đâm, chém) hoặc giết người, không những phải tội về mặt Hình, còn bị mất cả ruộng ao tương tranh để đền bù cho kẻ bị thương hay thiệt mạng. Với điều khoản này, ta cần đánh dấu một đặc điểm mới của luật pháp triều Lý. Ơí đây, ta đã bước từ địa hạt luật Hình sang địa hạt luật Hộ thuần tuý.

Để bênh vực người dân quê bị kẻ cường hào hà hiếp; như một người muốn chuộc ruộng bị người chủ nợ đánh, nhà làm luật cảm thấy là phải đi xa hơn là các sự trừng phạt về hình sự. Thực là một vinh dự , vẻ vang thay cho nhà làm luật thời ấy đã hiểu rằng : duy trì trật tự công cộng trong xã hội bằng Hình luật chưa đủ, mà còn cần phải hoà mình vào đời sống của dân chúng, hiểu thấu nỗi đau khổ oan ức của họ, phải nâng đỡ họ và làm êm dịu những sự bất công mà họ đã phải chịu đựng. Vì lẽ đó, những kẻ cầm dao đánh người, ngoài các hình phạt, còn phải mất ruộng ao tương tranh để đền cho kẻ bị đánh, bị giết...

c) Tuy nhiên, ta cũng không nên lãng quên rằng, luật pháp triều Lý có một tính cách rất thiết thực : Sự bênh vực quyền lợi của tầng lớp nông dân không phải là một chính sách hoàn toàn đạp đổ quyền sở hữu trong mọi trường hợp. Vì vậy, nhà làm luật, đã phân biệt rõ ràng sự cầm cố với sự bán đứt hay đoạn mại các ruộng nương. Trong trường hợp có văn tự biên rõ là đoạn mại, các ruộng nương không thể chuộc lại được.

Đây là một nguyên tắc rất cần thiết cho tính cách vững ổn các hợp đồng đã được ký kết giữa các tư nhân. Nhờ nguyên tắc ấy, các sự mua bán mới có một căn bản vững chắc, và các sự kiện tụng mới mong giảm bớt được.

2. PHƯƠNG DIỆN TỐ TỤNG

Về phương diện tố tụng, nền luật pháp triều Lý cũng có tính cách rất thực tiễn.

Để tránh cho dân quê các vụ kiện tụng tố kém, nhiều khi quá lâu ngày; vua Lý Anh Tông đã định rằng :"Các vụ tương tranh về ruộng đất không được xin vua xét xử nữa, sau hạn 5 hoặc 10 năm, tuỳ trường hợp". (Cũng bởi một lý do là trước vua Lý Anh Tông, vua Lý Thần Tông (1127-1138), năm Thuận Thiên thứ nhất (1127) đã ra lệnh rằng : Các vụ kiện đã được xét xử dưới các triều vua trước, không thể đem ra thưa kiện lại được. Ai trái điều khoản này, sẽ bị phạt).

Xem như vậy, ta thấy các vua nhà Lý rất am hiểu tâm lý của dân quê ta là thường hay thích kiện cáo. Để diệt trừ thông bệnh ấy, các điều luật trên đây không những là một liều thuốc rất hiệu quả, mà còn nêu cao trình độ pháp lý thời ấy và chứng minh rằng : Luật pháp Việt Nam, ngay trong thời kỳ phôi thai đã có những phương pháp rất tinh vi về phương diện chuyên môn như thời hạn tiên định (Délai préfix) hay nguyên tắc = Res judicata pro veritate habetur (Nguyên tắc là phàm các vụ kiện đã được xử đều coi như chân lý), mà ngày nay, nền luật pháp tân tiến nào cũng coi là căn bản trong các thủ tục tố tụng.

(Délai préfix = thời hạn tiên định, là một thời hạn do nhà làm luật đặt ra (định). Nếu trong thời hạn ấy, đương sự không sử dụng tới quyền của mình, thì sau này không được quyền khởi tố nữa, thí dụ như thời hạn 5 hay 10 năm trong Đạo luật ăm Đại Định thứ ba).

(Res judicata pro veritate habetur = Nghĩa là một vụ kiện đã được xử xong thì được coi như chân lý bất di bất dịch, không thể xin toà án xử lại nữa).

Những trang trên đây đã nêu rõ những điểm đặc sắc trong nền luật pháp triều Lý. Song, nếu muốn khảo sát một nền pháp luật mà chỉ đứng riêng về mặt lý thuyết không thôi thì chưa đủ, còn phải bước từ địa vực nguyên tắc sang địa hạt thực hành, để xem xét cách áp dụng những luật lệ ấy và kết quả đã thâu hoạch được là như thế nào.

SỰ ÁP DỤNG LUẬT PHÁP DƯỚI TRIỀU LÝ

Đã sẵn thấm nhuần một tinh thần Từ Bi do ảnh hưởng của Phật giáo, nền luật pháp của triều Lý còn được áp dụng trong thực tế một cách khoan hồng. Về sự áp dụng ấy, ngày nay trong Sử vẫn còn nhiều bằng chứng tỏ rõ các biện pháp và kết quả đã thu được, rất mỹ mãn.

Đó là hai điểm cần phải bàn đến, sau khi đã phân tích tinh thần của nền pháp luật đời Lý.

I. TÍNH CÁCH KHOAN HỒNG TRONG VIỆC ÁP DỤNG LUẬT PHÁP

Như chúng ta đã rõ, vào năm Chương Thánh Giả Khánh thứ 6 (1064) dưới đời vua Lý Thánh Tông. Mùa hạ, vua đang ngồi xử án ở điện Thiên Khánh, có công chúa Động Thiên đứng cạnh, vua chỉ công chúa, rồi nói với các quan xét việc án :"Ta thương dân như con ta vậy. Song dân không biết lòng ta, phạm các điều tội lỗi, ta rất xót xa. Từ nay, ta muốn tất cả các tội nặng, nhẹ đều được xử một cách rất khoan hồng" (Đại Việt Sử Ký - Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục). Riêng trong sách Lịch Triều Hiến Chương thì chép sai là năm Long Thụ Thái Bình thứ 6 (niên hiệu Long Thuỵ Thái Bình chỉ gồm tất cả có 5 năm (1054-1058). Theo sách Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú - Ngô Thì Sĩ, một Sử gia có tài (1725-1780) đã bình luận về việc này, như sau :"Đọc việc này, ta thấy vua Thánh Tông rất chân thành. Tất cả sự khoan hồng trong sự áp dụng luật pháp và tấm tình thân mật giữa vua và dân, không, không hề bị bệ ngọc xa cách".

Muốn dẫn chứng một thí dụ tính cách khoan hồng trong việc áp dụng luật pháp triều Lý; thiết tưởng có thể mượn trong Sử ký vài trường hợp rất rõ rệt, rất cụ thể.

1) Trường hợp Chế Củ quấy rối biên thuỳ :

Xứ ta vốn giáp với Chiêm Thành. Người Chiêm thường hay sang quấy rối các đất đai ở biên thuỳ, nên vua Lý Thánh Tông đã cầm binh trừng giới. Từ ngày vua Chiêm là Rudravarman II (tức Chế Củ, hay còn gọi là Đệ Củ) lên ngôi, người Chiêm đã quan hệ, giao thiệp với nhà Tống bên Tàu, để mua lừa ngựa, tổ chức lại quân đội, chuẩn bị, lăm le đánh nước ta. Vua Lý Thánh Tông có Lý Thường Kiệt phụ tá, thân chinh đi đánh dẹp, phá được kinh thành Chiêm Vijaya (hay Đồ Bàn, còn gọi là Phật Thệ), bắt được vua Chiêm đem về kinh đô Thăng Long.

Đối với một kẻ được gọi là "thù địch" như vậy, lẽ tất nhiên, hình phạt thông thường ngày trước, phải là tử hình ! Tuy nhiên, Lý Thánh Tông đã tha cho Chế Củ về nước, không giết. Và, Chế Củ, đã xin dâng cho ta ba châu là Bố Chánh, Ma Linh và Địa Lý, để chuộc tội.

Đất đai ấy ngày nay là địa phận Quảng Bình và phía bắc tỉnh Quảng Trị (1069).

2) Trường hợp Lê Văn Thịnh mưu phản :

Hơn thế nữa, ngay với những kẻ mang tội mưu phản trong nước; một chính sách mềm dẻo và khoan hồng, cũng được đem áp dụng :

Lê Văn Thịnh, vốn là người đỗ Thủ khoa trong kỳ thi đầu tiên tổ chức dưới triều Lý năm 1075, làm quan đến chức Tể tướng. 12 năm sau, bị cách chức và đày lên miền nước độc. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, thì, ông bị đày lên miền Thao Giang (thượng lưu sông Nhị). Nhưng, theo Việt Nam Sử Lược, thì, ông bị đày đến Lương Giang (miền Thanh Hoá).

Vì đâu Lê Văn Thịnh đã bị cách chức và bị đày như vậy ?

Sử chép : Lê Văn Thịnh có một người hầu cận nguyên quán ở Vân Nam, biết làm phép thả hơi mù và biến thành hổ báo. Ông học được phép ấy và lập tâm giết vua để cướp ngôi báu.

Năm ấy, vua Lý Nhân Tông dạo chơi ở hồ Dâm Đàm (tức Hồ Tây bây giờ), xem đánh cá. Vua ngự trên một chiếc thuyền chài, có Mục Thận, người phường Tây Hồ, đứng hầu đằng mũi, buông lưới. Khi thuyền đến giữa hồ, thình lình trời mù tối, không nhìn rõ gì nữa. Bỗng, có một chiếc thuyền chèo vùn vụt tới, lướt qua thuyền vua. Trên thuyền, qua màn sương mù, ai cũng trông thấy một con hổ lớn đương nhe răng gầm gừ. Vua cả sợ. Mục Thận trong cơn nguy cấp, sẵn lưới trong tay, tung ra, tưởng bắt được hổ, lúc xem,ai ngờ lại là Lê Văn Thịnh !

Vua sai lấy giây sắt trói vào cũi mà giam. Song nghĩ tới công lao cũ, nên đã tha tội chết, chỉ đày lên miền nước độc mà thôi.

Chuyện này, có thể là một nghi án lịch sử, không khác gì vụ án Nguyễn Trãi - Thị Lộ. Song dầu sao, cách gia hình của vua Lý Nhân Tông đối với Lê Văn Thịnh cũng tỏ rõ là luật pháp triều Lý nhiều khi đã được giảm nhẹ, trong lúc xét xử.

Nếu ta nhớ lại rằng, năm 1071, đã có đạo luật định rõ các số tiền nộp để chuộc tội, trừ trường hợp tội "Thập ác", trong đó có tội mưu phản; ta sẽ thấy rõ các hình pháp dưới triều Lý đã áp dụng khoan hồng đến mức nào... khi Lê Văn Thịnh được tha tội chết.

CÁC BIỆN PHÁP VÀ KẾT QUẢ

Trong thực tế, các vua triều Lý đã áp dụng nhiều biện pháp để thể hiện được những kết quả khả quan về mặt pháp lý :

1) Tổ chức kỳ thi các pháp quan :

Trái với các triều vua sau, chuyên về Nho học và trọng từ chương. Đời nhà Lý, đã có một biện pháp tuyển lựa các pháp quan và luật gia một cách rất xác đáng:

Ngoài mục đích tuyển lấy những người văn học, Sử còn chép là năm Đinh tỵ (1077), có những kỳ thi chuyên môn để chọn lấy những người chữ tốt, giỏi về toán và luật Hình, để bổ vào làm Lại viên (danh từ "Lại viên" có nghĩa như công chức ngày nay) ở các viện, như Thư xã và ở các bộ như bộ Hộ, bộ Hình. Sự phân công đích đáng ấy, cố nhiên phải là một sự khích lệ cho phong trào học Luật. Mà có lẽ cũng vì vậy, ta thấy trình độ luật pháp đã tiến tới một mức khá cao, không những giữa các giới hữu trách mà còn ở cả giai cấp bình dân.

2) Quan lại giỏi luật:

Tuy ngày nay không còn nhiều chứng cớ, song cũng có thể "lượm lặt" ở trong Sử một vài chuyện để chứng dẫn trình độ hiểu biết Luật khá cao dưới triều Lý.

Trước khi bị tội, Lê Văn Thịnh được vua rất tin dùng. Sau khi phá Tống, vua sai Lê Văn Thịnh đi sứ sang Tàu để đòi các đất bị người Tàu xâm chiếm ngoài biên cương và các đất đã do thổ dân nơi biên ải đem dâng cho vua Tống để thần phục Trung Hoa.

Tuy binh lực Tống đã bị Lý Thường Kiệt đánh thua tan tác, xiểng liểng. Song, vua quan nhà Tống khó lòng mà gột sạch ngay được "đầu óc thực dân" mà họ đã bị tiêm nhiễm quá lâu ngày. Vì vậy, nên vua Tống chỉ sẵn lòng trả lại nước ta các đất đai do người Tống xâm chiếm tại nơi biên thuỳ. Còn các đất đai do thổ dân nộp để thần phục nhà Tống là hai động Vật Dương và Vật Aïc, họ ngoan cố không chịu trả lại. Viện lý những đất ấy là của thổ dân "tự ý" đem sát nhập vào Trung Quốc chứ không phải là đất đai của nước Việt.

Cho hay, vấn đề dân tộc "thiểu số" không phải là vấn đề mới được nêu lên vào thế kỷ XX này ! Một nghìn năm trước đây, nó cũng đã từng được đem lên tấm thảm xanh quốc tế để che đậy cho cái dã tâm, tham lam của vua quan nhà Tống. Và, Lê Văn Thịnh đã trả lời Tống :"Đất thì có chủ, các viên quan giữ mang đất ấy nộp cho người khác và trốn đi thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ. Sự chủ giao cho mà lấy trộm đã không tha thứ được, mà trộm của hay "tàng trữ" thì luật pháp cũng không cho phép. Huống chi, nay lại mang đất lấy trộm dâng để làm dơ bẩn sổ sách nhà vua ". ( Hoàng Xuân Hãn - Lý Thường Kiệt, trang 377 ).

Đại diện cho Việt Nam, Lê Văn Thịnh đã trả lời một cách cứng cỏi, khiến cho ngày nay ta đọc Sử cũng hân hoan có được một người đại biểu xứng đáng, biết binh vực quyênư lợi tổ quốc một cách hợp lý như vậy.

Đối với luật trong một nước, khi người nào nhận một vật gì để canh giữ, nếu đem vật ấy bán hoặc huỷ đi, tất nhiên còn phải tội. Huống hồ là các thổ dân, chẳng qua chỉ là những người được vua nước ta tin dùng, cho cai quản các châu quận ở nơi biên ải xa xôi. Lẽ nào họ tự tiện đem đất đai nước ta dâng cho Tống, để xin thần phục, để mà xâm phạm vào lãnh thổ của Việt Nam được ?

Luận cứ trên đây còn tỏ cho ta biết rằng nền Pháp lý thời ấy đã tiến đến một mức khả quan, cho nên Lê Văn Thịnh đã phân biệt được rõ ràng các khế ước uỷ nhiệm (mandat), hoặc ký thác (dépot), với quyền sở hữu (droit de propri été).

Người thụ uỷ nhận cai quản vật gì phải trọng quyền sở hữu của người chủ vật ấy.

Đối với các nền luật pháp Đông phương, thường không hay nói tới Dân luật và quy định rất sơ lượt các khế ước. Lời biện minh của Lê Văn Thịnh trên đây đã cho ta nhận chân giá trị chuyên môn của các người được cử ra cầm cân nẩy mực ở thời ấy.

3) Dân chúng tôn trọng luật :

Không những các kết quả khả quan chỉ thu hoạch được ở các giới trí thức và Pháp quan. Mà, ở chính trong chốn bình dân, ta cũng nhận thấy một tinh thần tôn trọng luật pháp (dưới nhiều hình thức) :

Dưới thời Lý, việc buôn bán giữa người Tống và dân ta thường được giao dịch tại các đồn đóng ở gần biên thuỳ và quan ải, goi là "Bạc Dịch trường". Cách tổ chức mua bán như vậy, cũng chẳng lấy gì làm lạ. Vì ngày xưa, các nước thường nghi kỵ những người ngoại quốc không muốn cho vào lưu thông trong nước, sợ họ manh tâm do thám tình hình nội bộ. Về việc mua bán như vậy, dân hai nước tải các phẩm vật cần dùng đến nơi, rồi đôi bên mặc cả mua bán, như ngày nay. Sử chép rằng :"Khi đã thoả thuận, thì sau có người trả giá đắt gấp bội, dân ta cũng không bán". Xem như vậy, dân Việt Nam thời ấy rất trọng chữ "Tín" trong sự giao dịch. Đó là một bằng chứng tỏ rõ là dân tình, dân trí đã có một quan niệm vững chắc về mặt Pháp lý. Sự trọng lơiì hứa trong hợp đồng là một nguyên tắc thiết yếu trong luật pháp. Có nguyên tắc ấy, mới có sự ổn định, an toàn trong sự giao thiệp, về luật pháp không những đối với đồng bào, mà ngay đối với người Tống là người lạ ở nơi xa đến, dân ta vẫn giữ được tính thực thà ấy; thật là một điều quý báu chứng minh sự thượng tôn pháp luật, như là lẽ phải đương nhiên, ở trong giới bình dân thời ấy...

 KẾT LUẬN

  Để kết luận, ta có thể tóm tắt lại trong hai điều, kết tinh các đặc sắc của Pháp luật triều Lý :

  1. Vượt qua khuôn khổ cổ điển, những học thuyết Nhân trị và Pháp trị của Trung Quốc, nên pháp luật triều Lý đã bắt nguồn ở tinh thần Từ Bi và Trí Tuệ của Phật giáo, để xây dựng một nền pháp lý đặc biệt, thuần từ và hết sức tiến bộ. Đó là nền pháp lý duy nhất ở nước ta chịu ảnh hưởng trực tiếp của tôn giáo : Phật giáo.
  2.  

  3. Dưới triều Lý, nhiều biện pháp chuyên môn đã được áp dụng và đưa lại nhiều kết quả rất khả quan. Trong sự áp dụng luật pháp cũng như trong công cuộc bang giao, nhà Lý đã có những nhân tài xuất chúng, có thể không hổ thẹn khi đem so sánh pháp luật nước ta với những nền pháp lý nước ngoài, kể cả luật La Mã - về các nghĩa vụ và khế ước - mà thiên hạ thường coi là "tấm gương" cho tất cả các nền luật pháp của Âu-Mỹ...

Xưa, nay, có lẽ cả về sau này, con người vẫn mãi bàn thảo về những vấn đề nào là chính trị, kinh tế, quân sự, luật pháp, văn hoá, vân vân...

Chẳng phải là chúng ta cũng vừa mạn đàm, tìm hiểu một vài nét về văn hoá triều Lý đó sao ?

Nhưng, tục ngữ có câu :"Chín người, mười ý". Tây phương cũng nói gần như vậy :"Mỗi người (đầu), mỗi ý". Không khéo chỉ hai người thôi mà, có đến ba ý, cũng nên !?

Biết đến bao giờ thì mới có được một sự "Đồng tâm nhất trí" của toàn thể nhân loại ? E rằng không, không bao giờ !?

Nhưng, ít ra, thì cũng có thể có được một "khái niệm chung chung", ví dụ như về một từ :"Văn Hoá" chẳng hạn, để mà "hiểu" nhau, có "hiểu" nhau rồi, mới để "gần" nhau, "gần" nhau rồi, mới dễ "thương" nhau hơn..., phải vậy không ? (Thưa : Anh, Chị = Chúng ta).

Vậy thì, "Văn hoá" là gì, nếu không phải là cái còn lại khi người ta đã quên đi tất cả; là cái vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả ?

( La Culture c'est ce qui reste quand on a tout oublié; c'est ce qui manque quand on a tout appris ? - Edouard Herrist )

"Pháp luật triều Lý" cũng là một "bài" chúng tôi đã được "học" cách đây gần năm mươi năm, nhưng, cũng may, chưa "quên đi tất cả", còn nhớ những gì, nay xin ghi lại, coi như là "cái còn lại"......

Và, sau cùng là :

Xin cúi đầu niệm ơn Giáo sư Thạc sĩ Vũ Văn Mẫu. Xin thành kính đảnh lễ Ngài.

Nam mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ tát.
Nam mô Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ tát Ma ha tát.
Ma ha Bát Nhã Ba la mật đa.

http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/pgtrieuly.htm

 


Vào mạng: 1-10-2004

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang