Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
PHẬT PHÁP TRONG CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY
Thích Giải Hiền
NCS Thạc Sĩ Đông Nam Á Học.
Biên dịch từ Sinh họat thực dụng, tu tập hàng ngày.

A. PHẬT PHÁP LÀ GÌ ?

Cách nghĩ thông thường cho rằng Phật Pháp là những pháp yếu mà Đức Phật đã giảng dạy. Thật ra trong bốn mươi chín năm thuyết pháp ở cõi đời, những lời pháp mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng thuyết giảng không phải để cho chúng ta dùng làm tri thức học vấn nghiên cứu, mà chủ yếu là phương pháp chỉ dạy cho chúng ta làm thế nào để lìa khổ được vui. Do vậy bản thân của Phật Pháp vốn đầy đủ giá trị của thực tế ứng dụng.

B. TƯ TƯỞNG CĂN BẢN CỦA PHẬT PHÁP LÀ BIẾT RÕ VỀ KHỔ VÀ LÌA KHỔ.

Tư tưởng căn bản của Phật Pháp không gì khác hơn là Tri khổ và ly khổ . Tri khổ hay biết rõ về khổ chính là sự thật của cuộc sống, còn Ly khổ hay lìa khổ chính là mục tiêu của cuộc sống.
Mỗi người chúng ta tự kiểm điểm xem, có ai vợ chồng sống chung với nhau đã trên mười năm mà chưa hề cãi vả lần nào không ? Chỉ có những người Phật Tử thuần thành. Vợ chồng thường lấy quan niệm Bạn Đồng Tu để đối đãi với nhau, mới không gây cải nhau trong cuộc sống thường ngày.

Muốn cho vợ chồng không gây cải với nhau hình như rất khó nhưng thật ra thì dễ vô cùng, chỉ cần biết suy nghĩ, khi người ta muốn gây cấn với mình, mình liền lẫn tránh và nghĩ rằng không có hứng thú làm việc này.
Nếu không như vậy, chỉ cần Trợn mắt phùng mang thôi thì cũng như thêm dầu vào lửa, đã khổ còn thêm cực. Tự mình khổ thôi còn chưa đủ còn muốn người khác cùng khổ với mình hay sao ? Điều chí lý này nghe thời dễ hiểu nhưng khi làm lại chẳng dễ chút nào. Có người tuy là Phật Tử nhưng khi gặp việc cũng không thoát ra được sự chi phối của niềm Sân hận. Như có một số người thường nói Nó hại tôi đau khổ như vầy, tôi cũng phải cho nó nếm mùi khổ đau chứ. Nếu không thì chả lẽ trên đời nầy không có nhân quả báo ứng gì hay sao?

Nhân quả báo ứng thật ra không phải như vậy, nhân quả thông suốt cả ba đời. Hiện thế thọ khổ chính là quả báo, chấp nhận quả báo chính là chấp nhận sự trả báo, cũng như mắc nợ thì phải trả, nếu không chịu trả thì lãi mẹ đẻ lãi con, cục nợ chất chồng làm sao trả nổi ? Còn cứ ăn miếng trả miếng, kết oán kết thù mãi, thì oan gia nghiệp chướng đến bao giờ mới chấm dứt đây ?

Phật dạy:

Đừng lấy gươm giáo trả thù gươm giáo
Mà hãy lấy tình thương tưới xuống hận thù

Người thật sự hiểu rõ nhân quả thì hiểu rõ nỗi khổ và sự thọ khổ như thế nào nên không tạo thêm nhân khổ nữa. Cho nên vợ chồng cũng vậy, đối nhân xử thế cũng vậy, nếu cứ làm khó cho nhau, kết oán, kết thù thì là người không có lòng từ bi và không có trí tuệ vậy.

C. PHƯƠNG PHÁP ĐỂ LÌA KHỔ

Chánh Tri Kiến (Cái Nhìn Đúng Đắn)

Phật Pháp chỉ rõ sự thật của khổ đau mục đích là giúp cho chúng ta xa lìa đau khổ. Nhưng làm thế nào để rời xa được sự khổ đau?

Tứ thánh đế : Khổ-Tập-Diệt-Đạo trong Phật Pháp là con đường để chuyển hóa Phàm Phu thành Thánh Hiền. Khổ đế là nhân sanh luận, Đạo Đế là Tu Đạo luận. Nội dung của Đạo đế phân thành tám hạng mục gọi là Bát chánh đạo :

Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Niệm, Chánh Định, Chánh Tinh Tấn. Chỉ cần tu tập thành công về Bát Chánh Đạo thời chính là cảnh giới giải thoát đạt được từ sự lìa khổ.

Một sự thấy biết chính xác là điều rất quan trọng thấy, biết chính xác chính là tin tưởng vào nhân quả ba đời. Sau khi có được sự thấy biết chân chánh thì hiểu rõ và tin tưởng chắc chắn rằng thọ quả khổ của đời nầy chính là nghiệp nhân đà tạo từ vô thỉ kiếp. Có người thường trách Tôi cả đời ăn ở hiền từ chưa từng hại ai sao lại bị hại như vầy? Nên hiểu quả báo hiện tại phát sinh từ những nghiệp nhân mà mình đã gieo trồng từ trước.

Chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay trôi lăn mãi trong con đường sanh tử, trong vòng sinh tử luân hồi dài lâu như thế không biết chúng ta đã từng gieo bao nghiệp thiện và gây bao nghiệp ác với mọi loài chúng sanh ? Gieo trồng nghiệp thiện thì gặp quả thiện, gây tạo ác nghiệp thời phải trả báo. Do vậy, quả báo chỉ trong hiện thế, nhiều người không hiểu và không nhìn thấy rõ hết Hiện Thế Báo nên cho rằng không có nhân quả. Thật ra, nếu đời này đã gây tạo nghiệp ác mà trong hiện thế không thọ quả báo cũng chỉ vì nhân duyên chưa chín muồi, chớ không ai có thể chạy thoát khỏi luật nhân quả được.

Không Tạo Nghiệp Ác - Bình Tâm Trả Báo.

Làm thế nào mới có thể lìa khổ được vui ? Điều đầu tiên hết là đình chỉ tất cả các nhân ác, cũng tức là không gây tạo nên ác nghiệp ác mới nữa, rồi sau đó là bình tâm chấp nhận nhân quả, chấp nhận trảû báo. Trong lúc tự mình thọ nhận quả báo cũng phải biết mở lòng để giúp đỡ người khác khi họ gặp cơn hoạn nạn, phải biết phát tâm làm thiện cứu đời. Cho dù người ta hại mình nhưng mình cũng từ bi để lấy tình thương đối đãi với họ gây nhân duyên phước báo cho họ. Đó cũng chính là tinh thần của Bồ Tát vậy nếu biết thực hành hạnh Bồ Tát thì dù cho trong cuộc sống có bị khổ, bị nhục, bị thiệt thòi đôi chút trong lòng vẫn không cảm thấy bất bình, bởi vì Bồ Tát luôn vì chúng sanh mà hy sinh mình sống vì mọi người.

Có một vị Cư sĩ Phật tử khi sinh ra đời chưa được ba ngày thì bị cha mẹ đem bán cho người khác. Đến nữa đời người sau khi cha mẹ nuôi đã qua đời, lại đón rước cha mẹ đẻ về nuôi dưỡng. Nhiều người nói với anh ta rằng sao cuộc sống lại không công bình đối với anh ta nhưng anh ấy chỉ mĩm cười nói : Tôi thật hạnh phúc, thật có phước vì người ta chỉ có một cha, một mẹ. Tôi lại có đến hai cha, hai mẹ. Vì nghĩ được như vậy nên trong lòng anh ta luôn bình thản, an lạc. Còn nếu anh ta lại oán hận rằng : Cha mẹ nhẫn tâm đem tôi đi bán, khi mới được ba ngày tuổi, nay đến tuổi già lại bắt tôi nuôi dưỡng. Thì chắc chắn rằng anh ấy sẽ đau khổ vô cùng.
Trong cuộc sống những trường hợp con cái phải lo cho cha mẹ thường là rất ít mà đa phần là cha mẹ phải lo cho con cái nhiều hơn hết thảy. Như vậy có bất bình đẳng có bất hợp lý không ? Trên đời nầy không có gì là bất bình đẳng, bất hợp lý điều quan trọng là trong mỗi tự thân chúng ta có được tâm bình, khí hòa thì cuộc sống tự nhiên sẽ được an lạc.

Xã hội bây giờ mọi người thường nói đến sự công bình nhưng có làm được hay chăng ? Bản chất của mỗi sự vật vốn đã không có tính công bình như người nữ mang thai nhưng người nam lại không. Cho nên ý nghĩa chân thật của sự công bình là mỗi người phải làm tròn trách nhiệm của bản thân trên cương vị của mình. Đây chính la sự công bình hợp lý nhất .

Đặt biệt là khi có đủ sự thấy biết chân chính bằng nhãn quang của Phật Pháp thông qua nhận biết xác thực về định luật nhân quả thời nhận thức được rằng : Mỗi người đều có phước báu riêng, nhân duyên, trí tuệ của mỗi người đều không đồng nhau. Nếu biết rõ được chân lý nầy thì trong tâm không còn sự oán trách, công bình hay không công bình mà tự tâm sẽ cảm thấy được an lạc, bình thản không thấy phiền não, trong mắt mình kẻ thù hầu như không có.

TÁC DỤNG CỦA PHẬT PHÁP :

Tác dụng của Phật Pháp có thể phân thành ba tầng thứ như sau :

Sự Ứng Cơ Tiếp Vật Trong đời sống hàng ngày.

Đoạn trừ phiền não.

Viên mãn thành Phật.

Từ ba tầng thứ trên ta có thể thấy được rằng trong quá trình tu tập không thể hấp tấp, vội vã, mong muốn nhảy những bước dài, mà cần phải chân thành, thiết thực bắt đầu từ trong cuộc sống đời thường của mình. Hơn nữa dù ở tầng thứ tu tập nào cũng cần có sự tự nổ lực của bản thân làm động lực, còn sự gia trì của chư Phật, Bồ Tát là yếu tố trợ lực, trợ duyên. Đương nhiên sự gia trì của ngoại lực không phải là không cần thiết nhưng không thể nào hoàn toàn ỷ lại vào đó được. Cổ nhân có nói: Tự trợ nhi nhân trợ, Nhân trợ nhi thiên trợ. Nếu tự mình không có nổ lực thì một khi yếu tố ngoại viện chấm dứt chắc chắn sẽ rơi vào chỗ khốn khổ khôn cùng. Ví như hôm nay không có cơm ăn, người khác có thể tạm thời cho mình nhưng ngày mai thì sao? Giả như ngày mai có người thương giúp thì những ngày tháng kế tiếp trông dựa ai đây ? Lại như có người giúp mình cơm ăn hàng ngày nhưng rồi một ngày nào đó lỡ họ sa cơ thất thế hay rời đi nơi khác thì mình biết dựa vào đâu ? Hoặc như có người tin vào quyền uy của thần thánh hy vọng rằng Thượng Đế sẽ cho mình một ân điển lâu dài. Đáng thương thay đó chỉ là sự tín ngưỡng chưa chắc đã là sự thật. Nhưng cũng cần lưu ý một điều tuy là Phật Pháp dạy chúng ta tự lực là yếu tố quan trọng nhưng nếu chỉ dựa vào tự lực mà phủ nhận người khác thì sẽ biến thành người cố chấp tự mãn. Chúng ta vẫn cần sự chỉ dạy của người hiểu biết hơn mình để dẫn lối cho chúng ta đi vào với đạo, vận dụng Phật Pháp cho cuộc sống hàng ngày cũng phải tin tưởng lòng từ bi và sự gia hộ của Chư Phật Bồ Tát, Long Thiên Hộ Pháp.

E. NGƯỜI CƯ SĨ TẠI GIA PHẢI TU HÀNH NHƯ THẾ NÀO ?

Nhiều người thường nói Tôi rất hâm mộ những người không bị sự ràng buộc của gia đình, họ có thể chuyên tâm tu hành. Thật ra mọi người không biết rằng mỗi gia đình đều có những bộ kinh mà hằng ngày mình phải thọ trì và tu tập đó chính là kinh cha chồng và mẹ chồng, kinh ba, kinh má, kinh chồng, kinh con. Người Cư Sĩ phải biết làm sao để trong cuộc sống hằng ngày mình có thể đọc tụng thông suốt được những bộ kinh ấy.

1. Người Cư Sĩ tại gia phải biết thực hành theo Lục phương lễ kinh.

Lục phương lễ kinh, tên gọi đầy đủ là Thi Ca La Việt Lục Phương Lễ Kinh. Đây là bộ kinh chỉ dạy cho người cư sĩ tại gia về phương pháp trì gia và tu tập. Thế nào là Lục Phương ? Trong kinh chỉ rõ : Cha Mẹ ở phương Đông, Sư trưởng ở phương Nam, Vợ chồng ở phương Tây, bạn bè ở phương Bắc, người thuộc cấp ở phương Dưới, Bậc đạo cao đức trọng, Tỳ kheo, Sa môn ở phương Trên. Sáu phương nầy là bao hàm tất cả không gian và những mối quan hệ của con người trong cuộc sống. Trong kinh cũng chỉ bày rõ ràng trách nhiệm, bổn phận của mỗi người trong mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội. Mỗi người phải hoàn thành chức trách đúng với cương vị của mình. Tuy hiện nay xã hội biến đổi nhưng điều căn bản trong kinh dạy đó là phải biết Kính trọng và tin tưởng lẫn nhau. Đây là điều căn bản của tất cả mọi mối quan hệ.

2. Phải có thời gian làm việc và nghĩ ngơi hợp lý trong cuộc sống.

Là một người Cư Sĩ tại gia phải có cuộc sống đạo đức chân chính, không nên ăn chơi, rượu chè, bài bạc, trác táng.

3. Phải biết kết bạn với các bậc thiện tri thức.

Nếu chỉ biết kết bạn với những người ăn nhậu và muốn có được một cuộc sống lành mạnh thời thật khó thay. Nho gia chủ trương kết bạn với ba hạng người đó là:

• Người thành thật

• Người biết bao dung

• Người có đạo đức và tri thức phong phú

Phật Giáo chủ trương phải kết bạn với bậc thiện tri thức cũng như Nho Gia khuyến hóa Gần người quân tử và xa lánh kẻ tiểu nhân. Mỗi người chúng ta nếu chưa phải là thiện tri thức thì cũng phải biết học thiện tri thức của người khác.
4. Làm tròn bổn phận, không màng quyền lợi.

Chúng ta thường nghe nhiều người than van, chồng không chung thủy, vợ không hiền thục, bà gia qúa khắt khe, con dâu, con rể không nghe lời, con cái không hiếu thuận. Thế ai là người xấu đây ? Thật ra nếu chúng ta biết xem mỗi thành viên trong gia đình mình đều là các bậc Bồ Tát. Tự mình phải làm tròn bổn phận, trách nhiệm thì việc gì phải than vãn, oán trách. Thường gia đình xào xáo là bởi vì trong tâm mình có vấn đề, Trong mắt mình người thân là kẻ thù, trong lòng mình xem họ là tài sản riêng để mặc tình chi phối.
Có đôi thanh niên trẻ đến bạch với Thầy : Bạch Thầy! Chúng con sắp kết hôn. Vị Thầy nói : Chúc mừng. Hai vị ấy lại thưa Sau nầy nếu chúng con có cãi nhau sẽ đến xin thầy phân xử. Vị thầy cười nói : Xin hai con chớ tự tìm phiền não, vì chưa kết hôn mà đã chuẩn bị gây cãi với nhau rồi. Sau khi nghe vị thầy nói. Người con trai liền nói với người yêu rằng: Nghe rõ chưa? Sau này phải nghe lời anh, không được cãi anh đấy nhé !. Cô gái liền phản đối : Không, không, là anh phải nghe lời em, không được tranh cãi với em, có như vậy chúng ta mới không làm phiền đến thầy. Sự thật ra hai vị nầy chưa lấy nhau mà đã bắt đầu cãi nhau rồi. Đời người là vậy, nếu mỗi người không biết làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình thì sẽ mãi mãi phiền não đau buồn .

5. Từ bi thì không có kẻ thù, Trí tuệ thì không sanh phiền não

Có người trước khi bị mất việc làm, Ông chủ lại bảo người ấy làm tăng ca rất nhiều, mọi người cứ ngỡ anh ấy sẽ được thăng cấp không ngờ lại bị mất việc. Mọi người đều bất bình nhưng anh ta lại bình thản không hề oán hận mà lại nghĩ rằng mình đã được cơ hội để học tập và tiến triển hơn.
Do đó, trước mọi sự việc nếu chúng ta cứ nổi lòng sân hận thì không thể giải quyết được vấn đề. Điều mấu chốt là phải chấp nhận hiện thực với lòng dũng cảm, đối mặt với nó, dùng trí tuệ để cải thiện nó. Đó mới thật là ứng dụng giáo lý Phật giáo vào trong cuộc sống hàng ngày.

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/phatphap&cuocsong.htm

 


Vào mạng: 1-11-2004

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang