- Trăng tròn tháng Giêng
Có ba dịp lễ lớn trong truyền thống Phật giáo Nguyên
thủy: Magha Puja là ngày lễ Rằm tháng Giêng, kỷ niệm ngày Đức Phật
thuyết kệ Ovada-patimokkha (Giải thoát giáo), là căn bản cho các giới
luật sau này; Vesakha Puja là ngày lễ Rằm tháng Tư, tức là ngày lễ
Tam Hợp Đản Sinh - Thành Đạo - Đại Niết Bàn; và Asalha Puja là
ngày lễ Rằm tháng Sáu, kỷ niệm ngày Đức Phật giảng kinh Chuyển Pháp
Luân, và sau đó, chư Tăng Nam tông bắt đầu mùa An cư Kiết hạ.
Rằm tháng Giêng còn gọi là ngày
Phật Di Chúc, kỷ niệm ngày Đức Phật tuyên bố xác định nền tảng của
giáo pháp và giới luật đã thiết lập vững vàng, và Ngài sẽ nhập diệt
(bát niết bàn) 3 tháng sau ngày đó.
*
1) OVADAPATIMOKKHA
Khi Đức Phật ngụ tại khu vườn
trúc (Trúc lâm) trong thành Vương xá, có 1250 vị tỳ-khưu dù không hẹn trước
đến lễ bái Ngài vào ngày trăng tròn tháng Magha theo lịch Ấn Độ,
tương ứng với tháng Giêng âm lịch. Các vị ấy là những đệ tử đầu
tiên đã xuất gia với Ngài và đều đắc quả A-la-hán. Có sách ghi rằng
trong số đó, 1000 vị là thuộc nhóm Jatila tức nhóm đạo sĩ tóc bính đã
xin xuất gia theo Đức Phật sau khi được nghe Ngài giảng bài kinh Lửa
cháy (Tương Ưng 35.28); và 250 vị kia là thuộc nhóm Aggasavaka trước kia là
đệ tử của ngài Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên.
Trong dịp nầy, Đức Phật giảng bài
kinh Ovadapatimokkha (Giải thoát giáo), tóm tắt căn bản của giáo pháp
giải thoát và đời sống tu tập của bậc xuất gia như sau:
Chư Phật thường giảng dạy,
Nhẫn, khổ hạnh tối thượng,
Niết-bàn, quả tối thượng,
Xuất gia không phá người,
Sa-môn không hại người.
Không làm mọi điều ác,
Thành tựu các hạnh lành,
Giữ tâm ý trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy.
Không phỉ báng, phá hoại,
Hộ trì giới căn bản,
Ăn uống có tiết độ,
Sàng tọa chỗ nhàn tịnh,
Chuyên chú tăng thượng tâm,
Chính lời chư Phật dạy.
Giới bổn căn bản này được ghi
lại trong kinh Đại Bổn (Trường Bộ 14). Trong kinh Pháp Cú, ba câu kệ
trên cũng được tìm thấy trong Phẩm Phật-đà, với câu kệ thứ hai được
chuyển thành câu kệ đầu (kệ số 183, 184, 185). Theo Chú Giải kinh Pháp
Cú, ba câu kệ này được Đức Phật nhắc lại lúc Ngài ngụ ở tinh xá Kỳ
Viên, để trả lời câu hỏi của Tôn giả A-nan.
Lúc đó, vào ngày Bố-tát đêm rằm
tháng Magha, Tôn giả A-nan chợt nghĩ: "Ðức Thế Tôn đã dạy rõ về
cha mẹ của bảy đời chư Phật, đã dạy về thọ mạng, cội cây của chư
Phật ngồi thành đạo, đệ tử, vị thống lãnh Tăng đoàn và người ngoại
hộ chính thức. Tất cả điều đó đã được đức Thế Tôn nói rõ, nhưng
Ngài không nói về phương cách giáo giới của bảy đời chư Phật trong ngày
Bố-tát. Không biết phương cách có giống như hôm nay hay khác?".
Nghĩ thế, Tôn giả đến bạch Phật
và thưa hỏi những điều như trên. Đức Phật trả lời:
- Chư Phật tuy khác nhau về thời
gian bố-tát, nhưng tương đồng về lời dạy khi giáo giới. Đó là:
Không làm mọi điều ác,
Thành tựu các hạnh lành,
Giữ tâm ý trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy. (PC 183)
Chư Phật thường giảng dạy,
Nhẫn, khổ hạnh tối thượng,
Niết-bàn, quả tối thượng,
Xuất gia không phá người,
Sa-môn không hại người. (PC 184)
Không phỉ báng, phá hoại,
Hộ trì giới căn bản,
Ăn uống có tiết độ,
Sàng tọa chỗ nhàn tịnh,
Chuyên chú tăng thượng tâm,
Chính lời chư Phật dạy. (PC 185)
Lời giáo giới trên chỉ được mỗi
vị Phật tuyên bố lần đầu tiên khi hội đủ 4 điều kiện (Caturansasannipata):
- Ðúng vào ngày trăng tròn tháng Magha,
- Có các vị tỳ-khưu tự động đến bái kiến Ðức Phật, không hẹn trước,
- Các vị đó đều là Thánh tăng A-la-hán có lục thông, và
- Các vị đó đều xuất gia với Đức Phật như là Thiện Lai Tỳ Khưu (Ehi-bhikkhu).
Trong thời kỳ Đức Phật Thích Ca
của chúng ta, số các vị tỳ khưu đó là 1250 vị.
Vì thế, ngày rằm tháng Giêng mỗi
năm được xem như là ngày lễ kỷ niệm Đại hội Chư Thánh Tăng. Ngày nầy
được cử hành bằng nhiều hình thức nghi lễ khác nhau, như lễ hội đặt
bát đến chư Tăng, lễ thọ giới, lễ quy y, lễ thuyết pháp, lễ nhiễu
Phật, lễ thọ đầu đà, v.v... nhằm giúp người Phật tử có cơ hội
gieo duyên lành trong chánh pháp. Ðặc biệt là lễ thọ đầu đà (dhutanga),
trong đó, Phật tử đến chùa, thọ bát quan trai giới, thức trọn đêm để
tham thiền, tham vấn, nghe pháp, luận đạo.
*
2) PHẬT DI CHÚC
Trong 45 năm hoằng pháp, Đức Phật
truyền dạy tất cả những điều cần thiết cho những ai quyết tâm cố gắng
theo chân Ngài, cả bậc xuất gia lẫn hàng cư sĩ tại gia, và chẳng những
các vị này đã nắm vững Giáo Lý mà còn có đủ khả năng để rộng
truyền đến kẻ khác. Như đã ghi lại trong kinh Đại Bát Niết Bàn (kinh số
16, Trường Bộ): "... các vị đó đã trở thành những đệ tử
chơn chánh, sáng suốt, có kỷ luật, sẵn sàng, đa văn, duy trì Chánh pháp,
thành tựu Chánh pháp và tùy pháp, sống chơn chánh, sống theo Chánh pháp,
sau khi học hỏi giáo lý đã có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày,
xác định, khai minh, phân tách, và giải thích rõ ràng Chánh pháp; khi nào
có tà đạo khởi lên, đã có thể chất vấn và hàng phục một cách khéo
léo, có thể truyền bá Chánh pháp một cách thần diệu". Vào năm tám
mươi tuổi, Ngài quyết định từ bỏ từ bỏ thọ, hành, không duy trì mạng
sống lâu hơn nữa. Lúc ấy, Ngài đang ngự tại thành Vesali.
Vào ngày trăng tròn tháng Magha, sau
khi đi khất thực và thọ trai, Ngài đến nghỉ trưa tại đền Capala. Sau
đó, Ngài cùng Tôn giả A-nan đi đến giảng đường Kutagara tại rừng Ð?i
Lâm. Ngài bảo Tôn giả A-nan đi mời tất cả Tỳ-khưu sống ở gần Vesali
tụ họp tại giảng đường này.
Đức Thế Tôn nói với các vị Tỳ-khưu:
- "Này các Tỳ-khưu, nay những
pháp do Ta chứng ngộ và giảng dạy, quý vị phải khéo học hỏi, thực chứng
tu tập và truyền rộng để phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì
hạnh phúc cho chúng sinh, vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng
cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người.
Này các Tỳ-khưu, thế nào là các
pháp do Ta chứng ngộ và giảng dạy, quý vị phải khéo học hỏi, thực chứng,
tu tập và truyền rộng để cho phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu,
vì hạnh phúc cho chúng sinh, vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng
cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người?
Chính là Bốn Niệm xứ, Bốn Chánh cần, Bốn Thần túc, Năm Căn, Năm Lực,
Bảy Bồ-đề phần, Tám Thánh đạo phần. Này các Tỳ-khưu, chính những
pháp này do Ta chứng ngộ và giảng dạy, mà quý vị phải khéo học hỏi,
thực chứng, tu tập và truyền rộng để phạm hạnh được trường tồn,
vĩnh cửu, vì hạnh phúc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì
lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người".
Rồi Ngài nói với các Tỳ-khưu:
- "Này các Tỳ-khưu, đây là
lời Ta nhắn nhủ quý vị. Các hành là vô thường. Hãy tinh tấn lên để
tự giải thoát, vì không bao lâu Như Lai sẽ diệt độ. Sau ba tháng bắt đầu
từ hôm nay, Như Lai sẽ diệt độ".
Ðó là lời Đức Thế Tôn dạy.
Sau khi nói vậy, Ngài lại nói thêm:
Ta đã già, dư mạng chẳng còn bao,
Từ biệt quý vị, Ta đi một mình.
Tự mình làm sở y cho chính mình,
Hãy tinh tấn, chánh niệm, giữ giới luật,
Nhiếp thúc ý chí, bảo hộ tự tâm.
Ai tinh tấn trong Pháp và Luật này
Sẽ diệt sanh tử, chấm dứt khổ đau.
Dựa vào sự kiện lịch sử đó,
ngày rằm tháng Magha (tháng Giêng âm lịch) mỗi năm được hàng Phật tử
trong truyền thống Nguyên thủy tổ chức để kỷ niệm ngày Phật Di Chúc,
3 tháng trước khi Ngài nhập diệt.
Perth, Tây Úc
Tháng 1-2005
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/ramthanggieng.htm