Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
THẾ MẠNH CỦA ĐẤT NƯỚC
Minh Mẫn

 

 Đất nước Ấn thu hồi độc lập từ tay Vương quốc Anh vào ngày 15/8/1947. Một thời gian dài dân tộc  tranh đấu bất bạo động do Thánh Cam Địa lãnh đạo chống thuế muối, cũng được các nhà  lãnh đạo như Sardar Vallabhbhai Patel, Bal Gangadhar Tilak, Jawaharlal Nehru, đưa đất nước đến thành công, thoát khỏi sự đô  hộ của Anh.

 Tuy nhiên, mãi đến  năm 1950, hiến pháp được ban hành, Ấn đã chọn ngày 26/01 làm ngày kỷ niệm Quốc khánh của Cọng Hoà Ấn. Suốt  60 năm chấn hưng đất nước, so với Nhật,  Ấn đựơc nhiều thuận lợi, đất rộng, người đông, trong khi Nhật chịu hai quả bom nguyên tử, nhân lực suy kiệt, tài lực tổn giảm, địa hình bất lợi, sống trên ốc đảo không có điều kiện canh tác nông nghiệp; núi lửa khống chế; động đất, sóng thần, bảo tố thường xuyên…ngược lại Ấn độ được chuyển giao chủ quyền tương đối êm thắm; suốt thời thuộc địa, Ấn cũng không hao mất nhiều về vật chất và con người. Nhưng trong vòng 30 năm, kể từ ngày 3/5/1947 Hiến pháp Nhật được áp dụng, mãi đến 28/4/1952 Nhật Bản mới thật sự có chủ quyền, nhưng về mặt quân sự còn dưới sự bảo hộ của Mỹ, thế mà Nhật Bản đã vượt xa trên lãnh vực khoa học kỷ thuật, hoàn thành công nghiệp hoá, và phát triển kinh tế nhanh chóng; vào đầu thế kỷ 21, Nhật phát triển vị thế chính trị và quân sự trên thế giới, trong khi đó, Ấn độ, không lâm vào cuộc chiến dai dẳng như Việt Nam; diện tích lục địa của Ấn là 3.287.590km2, trong khi Nhật chỉ có 377.835km2 của hàng ngàn hòn đảo. Thế mà GDP của Nhật đã vượt khỏi 4 nghìn tỷ  mỗi năm; Ấn độ thì 3.602 tỷ USD.

Nhật đã có nhiều chính sách canh cải thức thời về giáo dục, xã hội, tôn giáo, khoa học; Lợi thế của Nhật là một ngôn ngữ duy nhất và một tín ngưỡng Tam giáo duy nhất, chủ đạo tôn giáo vẫn là Đạo Phật; Ấn thì có quá nhiều tôn giáo và tín ngưỡng, có quá nhiều thổ ngữ; Tín ngưỡng cổ đã  thấm sâu vào xương máu người dân, vì thế  xã hội giai cấp trải qua hàng ngàn năm vẫn không hề thay đổi. Với niềm tin  “cuộc sống được an bài” nên đưa đến an phận, hành xử thong dong, không bon chen chụp giựt. Sinh hoạt trong xã hội thường bắt đầu sớm lắm cũng phải 9 giờ sáng. Các cơ quan công sở  10 giờ mới mở cửa. Quan niệm thân người do tứ đại cấu thành, họ không cần vệ sinh lắm; Một nhân viên công sở, giờ nghĩ trưa, có thể ra công viên, thành cầu, vỉa hè hay bất cứ nơi đâu để ngả lưng ngon giấc. Người không nhà thì bất kể dơ sạch, lạnh nóng, đều tự tại qua đêm. Ngoài những thành phố lớn, một vài con đường tương đối sạch, nhưng bụi bặm tung đầy, thì các ngỏ đường của thị trấn  xa xôi đều không thiếu rác.  Bò, chó, chim chóc tự do đi lại hoặc nằm xuống bất cứ nơi nào nó thích, xe có bổn phận phải tránh chúng, không ai xua đuổi hay đánh đập chúng; Tôn giáo cổ cũng giúp cho người dân  hồn hậu khoan dung, không xẩy ra đánh nhau, không nhậu nhẹt, đua đòi. Nề nếp gia môn có truyền thống tôn sư trọng đạo, kính mộ tiền nhân. Ấn độ cố gắng bảo tồn giá trị văn hoá đặc thù khi phải đối lưu với thế giới thực dụng. Nhưng với lượng số gần tỷ mốt nhân khẩu còn duy trì cổ tục giai cấp trong xã hội, làm cản trở không ít cho chương trình đưa đất nước đi lên!

 Một số thành phần trí thức được giáo dục theo Tây học, cuộc sống khá hơn, vệ sinh hơn, và đó là nhân tố phát triển để đưa Ấn độ lên tầm mức cường quốc trong một số lãnh vực như khoa học công nghệ - thông tin, không gian, và một số lượng lớn lao động có trình độ chuyên môn, có kiến thức ngoại ngữ đã đáp ứng được nhu cầu cho một số quốc gia phát triển;  Không lạ khi Ấn là một trong những cường quốc Châu Á, nhưng đời sống của người dân vẫn còn quá thấp; So với Bắc Triều Tiên, tuy mạnh về vũ khí hạt nhân hay quân đội, quốc phòng, người dân vẫn đói khổ do chính trị độc tài của giai cấp lãnh đạo, thì Ấn độ là đất nước có nền dân chủ  đứng đầu thế giới, một nền dân chủ liên bang, các bang tự trị, sự cố gắng vươn lên do giới lãnh đạo có kế sách cụ thể và tận dụng nguồn nhân lực đủ kiến thức, có khả năng, tuy ít so với dân số, nhưng chuyên nghiệp; Do  tính dân chủ áp dụng trong các bang tự trị nên thiếu nhất quán trong vấn đề xoá bỏ giai cấp trong xã hội; Ấn chưa  áp dụng được giáo dục triệt để cho quần chúng về học vấn, đức tin và môi sinh nên trên 70% đời sống thiếu kém của quần chúng, trở thành gánh nặng khó lay chuyển để Ấn độ là một cường quốc trên mặt quốc tế lẫn chỉ số GDP tính theo đầu người trong quốc dân như Nhật Bản.Vì vậy chính phủ Ấn chỉ đạt được thành quả khiêm tốn trong công cuộc cải cách kinh tế từ năm 1991;

 Thêm vào đó, Ấn độ gặp phải những cuộc xung đột ngoài ý muốn đối với Trung quốc, tuy ngắn ngủi, vào năm 1962; với Pakistan năm 1965, 1971, 1999 tại Kargil. Ngày nay thỉnh thoảng có sự căng thẳng giữa India – Pakistan về vụ chạy đua vũ khí hạt nhân và những thành viên Taliban trú ngụ trên đất Pakistan, đã đưa đến vụ Mumbay gần đây, tình cảm giữa đôi bên có phần ngột ngạt, tuy nhiên Pakistan tỏ thiện chí chứng minh sự vô can của mình bằng cách bắt các thủ lãnh của Taliban. Những xáo trộn nhất thời như thế cũng không đủ để làm chựng lại sự phát triển  để đưa Ấn vào vị thế cường quốc; Ngoài ra còn có sự tranh chấp giữa Hồi giáo và Ấn Giáo.

 Nhìn trên bình diện quốc tế về công nghệ tin học, vũ khí, quốc phòng… thì Ấn là một cường quốc, nhưng xét nghĩa toàn diện trong sinh hoạt xã hội thì Ấn còn quá nhiều bất cập, thậm chí mâu thuẩn. Nền giáo dục  tại những thành phố lớn như New Delhi, Mumbay, Kolkata.Kathmandhu.. có giá trị quốc tế thì các bang ngoại vi như Bihar, mô thức giáo dục đã bị xem thường, dân chúng phần lớn thất học, con em không đến trường, trình độ học sinh rất kém; có nơi, cả niên khoá thầy trò không hề biết mặt nhau; một vài trường tư, gần 10 giờ vào lớp thì 15 giờ thầy trò rủng rỉnh ra về; Mức sống người dân dưới mức nghèo khó trong khi  Ấn có những tỷ phú đứng đầu thế giới.

 Không riêng Bihar, một vài thàng phố  của các bang, phương tiện truyền thông, điện khí và thủy lợi chưa tương xứng với mỹ danh cường quốc. Khi miền Nam Việt Nam vừa kết thúc cuộc chiến, vấn đề thuỷ lợi đã được xúc tiến, tuy lúc bấy giờ tiến hành bằng thủ công, vì máy móc đang thiếu xăng dầu, nhưng cũng hình thành và giúp vào công cuộc canh nông; Ấn độ hiện nay, một số vùng đất khô nứt nẻ, ruộng đa phần đất sét, người dân tự lo việc dẫn thủy nhập điền. Công cuộc cách mạng xanh đến nay vẫn chưa đạt thành quả đúng mức. Những hàng ngàn năm trước, qua kinh điển cho thấy, người dân đội từng nồi đất nung đi vài cây số để lấy nước uống, ngày nay, Liên hiệp quốc và một số nhà sư Việt Nam, Phật tử Việt Nam đóng giếng cho các tụ điểm dân cư, họ xử dụng nước quá ư phung phí, chảy suốt ngày đêm không cần khóa, những cư dân ở xa, cũng vẫn tiếp tục đội các nồi nhôm (hiện đại hơn), đi lấy nước về dùng, thay vì dùng đôi thùng gánh nước như chúng ta tải được nhiều hơn. ( mỗi nồi nước không quá 5 lít, phải  đi vài cây số, mất rất nhiều thời gian, có lẽ họ có nhiều thời gian nhàn rỗi. đàn ông gánh vác mọi việc, kể cả bán buôn, chợ búa, giao tế thì đàn bà ở nhà trông con).

 Về điện khí, người dân xài không phải đóng tiền, thế là cứ xả láng ngày đêm, trong khi đó, những người nước ngoài phải gồng lưng trả với mức phí gấp 20 lần. Phần lớn người dân các bang ngoại vi chưa biết xử dụng Internet, vì thế, những khu du lịch, khách nước ngoài phải chấp nhận với phí rất cao, tại Bodhgaya, một giờ từ 10 đến 15 ngàn đồng VN tuỳ theo shop  trang bị máy. Nhưng cũng như điện, mạng Internet cứ chập chờn khó chịu, trong khi tại Việt Nam, các tỉnh lẻ, người dân đã biết xử dụng mạng truyền thông toàn cầu; theo thống kê, Việt Nam đứng hàng thứ 6 về số lượng người xử dụng nối mạng. Hiện nay có khoảng 25% dân số đã dùng Internet, dĩ nhiên sau Trung quốc, nhưng trên Ấn độ. Lớp người trẻ của Ấn cũng bắt đầu ưa chuộng điện thoại di động; Các làng mạc xa xôi, điện thoại hữu tuyến chưa đến được thì cell phone đã trở thành món hàng tiện lợi nhất, nhưng số lượng  mobile bán được so với dân số , cũng chưa được bao nhiêu.

 Ngoài những thành phố ngoại vi còn vất vả èo uột trong đời sống của người dân, nhưng thành phố lớn vẫn sầm uất kinh doanh, các cơ sở thương mại, văn phòng liên kết với nước ngoài, cơ sở xây dựng có bề thế hơn, vẫn chưa khỏa lấp được  nét ảm đạm u uất của lối kiến trúc người dân, tương phản với sự lộng lẫy của các đền thờ, Ấn độ ít có dân nhập cư, chỉ có nhân viên chính phủ các nước, du học sinh hoặc giao lưu chuyên ngành.

 Ấn độ có lượng du khách hành hương vào mùa lạnh rất đông, nhưng chính phủ và ngành du lịch không có sáng kiến tận dụng; Các Thánh tích Phật giáo và các đền thờ Ấn giáo có hàng chục ngàn người mỗi ngày vào mùa nầy. Khách sạn tư nhân nhếch nhác không đủ  đáp ứng thì một số chùa trở thành quán trọ cho khách phương xa với giá hợp lý. Các quán giải khát không hợp vệ sinh bằng những lều bạt tạm bợ đầy bụi bẩn. Nếu những điểm thu hút khách mà được nhà nước quan tâm, quy hoạch nề nếp, vệ sinh tương đối thì giải quyết rất nhiều công ăn việc làm cho dân bản địa. Nhà nước không có nhân viên vệ sinh quanh các Thánh tích, thì các chùa của nhiều quốc gia có mặt cũng không đoàn kết để thuê mướn người làm vệ sinh hầu bảo vệ giá trị của Thánh địa. Ấn độ có rất nhiều tiềm năng kinh tế  của du lịch, thế mà họ chưa biết tận dụng. Một năm, tại phi trường Gaya chỉ mở cửa 6 tháng do  Thái airlines độc quyền với giá khá cao; Nếu Ấn không đủ khả năng kinh doanh hàng không thì phương tiện giao thông đường bộ cũng quá ư tồi tệ. Một phương tiện phổ thông duy nhất trên toàn cỏi đất Ấn là tàu hoả, mỗi ngày vận chuyển từ 5 đến 6 triệu lượt khách, thế mà ít khi khởi hành đúng giờ. Đoạn đường từ Gaya về New Delhi trên ngàn km, tàu hoả ít khi nào khởi hành đúng giờ; Trể một vài tiếng là thường. Bodhgaya về Nepal trên 600km, khó ai đoán được thời gian đi đến; Một người sống lâu năm ở Ấn bảo rằng: Đối với đất nưóc Ấn và người dân Ấn, mọi việc không có thời gian;  Tại Việt Nam ngày nay, các con đường hạ tầng cơ sở, kể cả  dẫn vào các thôn làng, cũng đều khá tốt và rộng, trong khi những trục lộ chính của Ấn, có đoạn, nếu không dừng lại một trong hai xe tránh nhau, có thể lọt ruộng. Mùa khô, đường vào ga tàu hoả hay chợ Gaya, sình đen nhão nhoẹt lút cả mắt cá thì mùa mưa khó có thể hình dung; người dân, có lẽ da đen sẳn nên không ngại cái đen của sình, cái mốc của bụi bặm và cái nắng thiêu người trên đất Ấn, họ rất tự tại vô ngại như chuyện phải thế!

 Tóm lại, quốc gia Ấn  là một trong những cường quốc trên thế giới về nhiều lãnh vực, đã nói lên sự cố gắng của chính phủ vượt qua nhiều rào cản kể cả rào cản tín ngưỡng, tôn giáo; riêng lãnh vực dân số, thật sự nan giải, trẻ con quá đông, mỗi gia đình không dưới năm con, do vậy khó giữ được vệ sinh và giáo dục chu đáo, phần lớn thất học. Nhà nước khó tuyên truyền giáo dục về kế hoạch hoá gia đình. Dẫu sao Ấn vẫn có nhiều thuận lợi trên tiểu lục địa bao la đứng hàng thứ 7 về diện tích so với các quốc gia rộng lớn trên thế giới, nhưng dân số đứng vào hàng thứ nhì sau Trung quốc. Mức sống người dân Ấn cũng không khá hơn với các quốc gia lân cận như Myanmar, Bangadesh, Bhutan, Nepal, Afghanistan. Tuy bằng lòng với hiện tại, người dân Ấn cũng không được liệt kê vào danh sách có chỉ số hạnh phúc cao của người dân như Bhutan.

Từ góc nhìn Ấn Độ, dù sao Việt Nam cũng có những ưu thế trên nhiều lĩnh vực. dù chúng ta chỉ mở cửa từ thập niên 90, Cường quốc không chỉ có nghĩa vượt trội về khoa học kỷ thuật, kinh tế tài chánh, quân sự vũ khí, dân trí hoặc  tiện nghi vật chất…Điều không kém phần quan trọng là chỉ số hạnh phúc của nhân dân. Thời Lý Trần đã minh chứng người dân sống đoàn kết và mãn nguyện với hiện hữu mới đủ dũng lực đối đầu xâm lược. Bhutan là nước rất nhỏ nằm giữa Trung Cộng và Ấn, thế mà vẫn giữ được độc lập hoà bình do tinh thần an vui hạnh phúc và đoàn kết của người dân. Tài năng  thời nào cũng có, nhưng phải có không gian để tài năng vượt trội. Mọi thành quả vật chất tối ưu đều do con người  mà có, điều tối cần từ con người phải có tâm chất thì xã hội mới lành mạnh. Chỉ số hạnh phúc không chỉ bó hẹp trong phạm vi truyền thống gia môn hay quan hệ tốt trong xã hội. Nội tâm an lạc, thân thiện, trách nhiệm, không vị kỷ góp phần xoá dần tham ô nhũng lạm mới là thế  mạnh của đất nước. Chỉ số hạnh phúc không  thể y cứ trên vật chất mà phát xuất từ tâm linh do tín ngưỡng tôn giáo tạo thành. Con người càng yếu mới cần trang bị nhiều thứ tự vệ vật chất. Việt Nam không nên bỏ lỡ cơ hội thể hiện bản sắc và bản lãnh của một dân tộc từng phong phú về tâm linh để chạy đua vật chất vô hạn. Bhutan và những quốc gia có chỉ số hạnh phúc của người dân cao nhất thế giới đã chứng minh họ không căn cứ vào vũ khí hiện đại mà vẫn là thế mạnh của một đất nước vươn lên.

Nếu Ấn độ có một Suhas Gopinath, 17 tuổi đã làm chủ một công ty Global Inc về công nghệ phần mềm thì Việt Nam cũng từng có những khoa học gia trẻ tuổi từng có mặt trong nhiều lãnh vực  trên thế giới. Chúng ta chỉ thiếu một tâm linh ổn định cho người dân để góp phần tăng trưởng nội lực đưa  đất nước đi lên; Đó là thế mạnh của đất nước.

                                                                                            MINH MẪN

                                                                                                06/3/09

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/themanhcuadatnuoc.htm

 


Vào mạng: 24-4-2009

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang