Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Những Tiếng Súng Oan Khiên
04-19-07

 

Lại một lần nữa cơn ác mộng tái diễn nơi công cộng ở nước Mỹ.  Lần này các nạn nhân là những giáo sư và sinh viên một trường đại học được nhiều người biết đến ở đông nam Virginia, Virginia Tech.  Hung thủ là một nam sinh viên 23 tuổi gốc Nam Hàn tên Cho Seung-Hui.  Cho đến Mỹ năm 1992 khi được 8 tuổi và đang học năm cuối của chuơng trình Văn Chương Anh.  Sáng sớm thứ hai, khoảng 7 giờ Cho đến một ký túc xá, ở đó anh ta đã bắn chết hai người.  Trong lúc nhà chức trách đang truy tầm hung thủ và nghĩ là kẻ giết người đã ra khỏi khuôn viên đại học, Cho đã đến Norris Hall, nơi có những lớp dạy về ngành kỹ sư.  Tại đây, hung thủ đã dùng xích cột cửa ra vào và bắn xối xả vào những nạn nhân không hề quen biết.

Cuộc thảm sát đẫm máu này khiến chúng ta phải tự hỏi: vì đâu nên nông nỗi ấy?  Đây không phải là lần đầu tiên nước Mỹ chứng kiến thảm cảnh máu đổ lệ rơi kinh hoàng đến thế.  Vụ thảm sát tại Virginia Tech xảy ra gần đúng 10 năm sau vụ thảm sát ở trường trung học Columbine, Colorado khi hai thiếu niên bắn chết 12 bạn học và 1 thày giáo rồi cùng tự sát ngày 19 tháng 4, 1997.  Trước đó vài năm, trong một vụ bắn giết người đồng loạt (mass massacre) 22 người đã thiệt mạng tại Texas…Những người bạn của Hoa Kỳ ở khắp năm châu đều lên tiếng ái ngại:  cho đến bao giờ thì người Mỹ mới từ bỏ lòng ham thích súng đạn nhân danh tự do cá nhân.  Mỗi bốn năm trong các kỳ bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ vấn đề lại được đưa ra bàn cãi sôi nổi nhưng lần nào cũng như lần nấy, Hội Súng Trưòng Quốc Gia (National Rifle Association) với những  lobbyist (người vận động) lão luyện đã khuynh đảo đám cử tri cũng như chính khách, câu chuyện cũng bị cho ra ngoài lề thời cuộc.  Hiển nhiên là việc súng ống quá thừa thãi dễ dàng là một vấn nạn lớn cho nước Mỹ.  Một thí dụ điển hình là toàn nước Anh với dân số 59 triệu người mà năm 2006 chỉ có 49 người bị thiệt mạng vì súng đạn trong khi đó thành phố Nữu Ước với dân số 8 triệu, 590 người đã bị giết trong cùng một năm do súng đạn.  Song ta hãy tạm gác câu chuyện chính trị về súng ống qua một bên để nói đến cái gốc rễ của những cuộc thảm sát, đó là lòng sân hận và thử tìm hiểu xem mỗi chúng ta, trong tư cách là cha mẹ, bạn bè, hàng xóm có thể làm gì nếu hung thủ là một người mà chúng ta quen biết.

Trước hết, ta hãy tự hỏi: giả thử người thanh niên trẻ này là con trai của mình, ta đã có thể làm gì khác hơn để cháu không trở nên một kẻ sát nhân lạnh lùng, giết người mà không hề thay đổi sắc mặt như nhiều nhân chứng đã thuật lại.  Điều đáng nói ở đây là không một kẻ sát nhân nào tự trên trời rơi xuống, bỗng nhiên xuất hiện ra giữa đám đông.  Mầm mống của những cuộc bạo động ấy đã được gieo trồng từ rất lâu trước khi thảm cảnh xảy ra.  Jeffrey Dahmer, hung thủ giết nhiều người và sau đó giữ lại các xác chết để ăn dần vào thập niên 1990, bắt đầu những hành động gớm ghiếc của y từ những năm còn thơ ấu, giết những thú rừng nhỏ chung quanh nông trại rồi  chôn dấu xác tại vườn sau.   Những hành động độc ác nhỏ không người ngăn cản dần dà dẫn đến những cái ác to lớn hơn khi những con người lầm lạc này cần một cảm giác mạnh hơn

Nhiều bậc cha mẹ ngày nay vì quá bận rộn không quan tâm đến việc con cái mình đang chơi những trò chơi gì trên các video game box hoặc Internet.  Những trò chơi bạo động mà trong đó người thủ vai chính xách xe chạy gây thương tích cho người khác hoặc bạo hơn, xách súng đi lùng bắt giết những nạn nhân vô tội.  Những trò chơi này có những tên gọi thật sỗ sàng và khiêu khích như First Person Shooter, Grand Theft Auto, Doom, Counter Strike…Nhiều vụ sát nhân đã xẩy ra sau khi hung thủ bỏ thì giờ ngày đêm miệt mài trước những  trò chơi ác ôn như vậy.  Hai hung thủ giết 12 bạn học và một thầy giáo tại trường trung học Columbine, Colorado năm 1999 đã  đam mê  trò  chơi First Person Shooter.  Năm 2003 tại Fayette, Alabama hung thủ Devin Moore, 18 tuổi, một người mê trò chơi Grand Theft Auto, đã bắn gục ba nhân viên công lực,  sau khi bị bắt đã lập đi lập lại với những người thẩm vấn: “Cuộc đời là một trò chơi.  Ai rồi cũng đến lúc phải chết.”  Nhiều người lầm tưởng rằng các trò chơi điện tử này chỉ là một thú giải trí thông thường nhưng thực tế hoàn toàn khác hẳn.  Chỉ cần suy nghĩ một chút là ta có thể thấy là nếu ăn những thứ thức ăn độc hại ta sẽ bị ngộ độc thì cũng vậy, khi ta bơm vào đầu óc mình những hình ảnh chém giết, máu me, dần dà ta sẽ quen đi và xem việc chém giết đó là bình thường.  Cộng thêm vào đó là  việc súng ống có thể mua một cách quá dễ dàng ở hầu hết các tiểu bang ta có thể thấy ngay là bất cứ một ai trong một phút cả giận mất khôn có thể trở thành kẻ giết người không gớm tay như Cho Seung-hui.

Một vấn đề cốt lõi của xã hội Mỹ là viêc nhấn mạnh đến tự do cá nhân mà lơ là đến trách nhiệm liên đới mà những thành viên của xã hội cần phải có.  Trong bối cảnh xã hội đó, những giá trị của đời sống tâm linh trở nên càng quan trọng hơn nữa.  Một thanh thiếu niên ở tuổi đang lớn nếu đuợc sự chăm sóc của cha mẹ và người thân, nếu được thấm nhuần tình thương yêu muôn loài muôn vật thì sẽ không nhẫn tâm giết một con côn trùng nhỏ chứ đừng nói là một mạng người.  Cầu mong cho vong linh những nạn nhân của cuộc thảm sát vừa qua sớm siêu thoát và nguyện là chúng ta sẽ rải tâm từ đến tất cả mọi người chung quanh để thảm cảnh Virginia Tech ngày 16 tháng 4 sẽ không bao giờ tái diễn.

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/tiengsung_oankhien.htm

 


Vào mạng: 19-4-2007

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang