- TÌNH VÀ LÝ
Nếu một người được đánh giá
là tâm tư tốt nhưng về mặt giao tế thì không được hay lắm, như vậy
người đó có được xem là người tốt không ?
Đứng trên phương diện cá nhân để
nhìn thì người đó là người tốt. Trên phương diện xã hội người ấy
mới chỉ tốt được 50%. Nhìn bằng quan điểm Phật Giáo thì nếu đối xử
không tốt được với người khác thời không phát huy được tác dụng Tịnh
hoá xã hội nên không được coi là người tốt.
Bàn đến vấn đề Tình và Lý là
bàn thảo đến mối quan hệ giữa người với người phải được xây dựng
như thế nào ? để cho mối quan hệ ấy được hoà hợp hơn.
I./ Định nghĩa về tình và
lý :
Thế nào gọi là tình và thế nào gọi là lý? Thái độ chủ quan gọi là
tình, thái độ khách quan gọi là lý. Quan điểm tự tư là tình, quan điểm
công bình là lý. Mưu cầu chuyện cá nhân và cầu lợi trước mắt là
tình, cầu lợi lạc cho số đông và tính toán cho lợi ích lâu dài là lý.
Làm việc có mưu cầu là tình, làm việc không mưu cầu là lý.
Tình duy trì kích thích sự tồn tại và hoạt động của thế giới loài
người nó như là chất nhờn làm cho cuộc sống của con người có ý nghĩa
hơn. Nhưng với người học Phật phải biết từng bước hoá giải tình để
đi vào lý. Thái độ chủ quan chính là cái nhìn, cái nghĩ chỉ biết đến
bản thân mà không hề nghĩ đến người khác hay đặt mình vào địa vị
của người ta mà suy nghĩ, đó là biểu hiện của tình. Ngược lại, lúc
nào cũng vì người khác, từng bước xoá bỏ những tâm lý và những hành
vi tự tư, tự lợi. Đấy chính là lý.
Tuy nghĩ đến bản thân nhưng cũng đồng thời giúp đỡ người khác đạt
được lợi ích. Cũng như cùng bạn thuyền Đồng cam cộng khổ đưa thuyền
cập bến an toàn chính là đưa bản thân mình cùng những người cùng chuyến
thuyền cập bến an toàn. Tấm lòng rộng lượng giúp người càng nhiều
thì sự tiến bộ và thành tựu của bản thân càng lớn. Do vậy dù là
không màn đến lợi ích của cá nhân nhưng kết quả thì chính mình lại
được lợi nhiều nhất. Phương thức này chính là Không cầu tất cả mà
được tất cả vậy.
II./ Phân loại tình và lý.
Hình thái của tình có thể chia
làm năm loại
Ái tình (tình yêu) giữa nam và nữ
Tình thân (thân tình) giữa người thân trong gia quyến
Tình bạn với bạn bè
Ân tình giữa người làm ơn và người thọ ơn
Đạo tình giữa những người trong đạo
Bốn loại trước gọi là tục tình (tình cảm thế gian), loại thứ năm gọi
là Pháp tình. Cho nên Đạo Phật gọI chúng sanh là Hữu tình chúng sanh'
Nói đến ái tình giũa nam và nữ không chỉ là ái tình đơn giản thôi mà
trong đó có tình bạn và ân tình nữa. Còn với người học Phật trong
quan hệ vợ chồng vẫn đầy đủ đạo tình giữa những người đồng tu.
Xã hội trước đây giữa cha mẹ và con cái chỉ có thân tình và ân tình
mà thôi nhưng ở các nước Phương Tây hiện nay người ta cũng coi cha mẹ
như bạn. Đồng thời giữa những người thân với nhau cũng có tình yêu,
cha mẹ yêu thương con cái, con cái thì yêu kính cha mẹ. Còn trong tình bạn
vẫn chất chứa ân tình và đạo tình. Trong việc thi ân và thọ ân có một
số người chỉ đơn thuần vì bố thí mà bố thí không hề nghĩ đến việc
thi ân cho người những người này chính là vô ngã bố thí. Dùng Phật
Pháp, tiền bạc, sức lực để giúp đỡ người làm cho họ có được lợi
lạc trong đạo đó chính là Đạo Tình.
Trên quan điểm phổ thông và quan
điểm Phật Pháp thì lý được chia làm sáu loại.
Định lý về vật chất gọi là vật lý
Cơ cấu của thật thể gọi là sinh lý
Quỹ tích của của tâm niệm gọi là tâm lý
Phạm trù giao tế với người gọi là luân lý
Chân lý của triết học vàø tôn giáo
Trong phật giáo có chân như hay lý
tánh.
Mọi hiện tượng đều có nhân
duyên của nó cũng như nhân duyên qủa báo trong Phật giáo vậy đó là định
lý về vật chất hay vật lý. Nói về sinh lý thân thể của con người chúng
ta như bộ máy, không được dùng qúa sức mau hao mòn, cũng không được không
dùng bỏ phế sẽ bị rĩ sét. Sử dụng và duy tu bảo trì kịp thời, luôn
cần được chú trọng, có như vậy mới sử dụng được bền bỉ. Trên
phương diện tâm lý. Tổ đức dạy tâm lý của chúng ta là Tâm viên ý mã
nhưng một khi đã tìm thấy con đường chân lý, hiểu rõ được nguyên
nhân sanh diệt của tâm niệm thời sẽ không phiền não bởi sự vọng động
của tâm lý. Hiện nay có những bác sĩ chuyên gia tâm lý họ có thể giúp
người khác phân tích những nguyên nhân phát sinh ý niệm của tâm lý và
đưa ra phương pháp giải quyết, giúp cho những người có vấn đề về tâm
lý có được sự an ổn và trị liệu trong nhất thời nhưng đây chỉ là
phương thức trị bệnh trên ngọn chứ chưa diệt trừ tận gốc được vì
lý, tuy được giải quyết phần nào nhưng tâm thời vẫn loạn động.
Phật pháp có năng lực làm thanh tịnh
cả gốc lẫn ngọn. Trước hết là chỉ ra được phiền não của tâm lý
phát xuất từ đâu ( có phần giống phương pháp của tâm lý học ). Kế
tiếp bất kể là vấn đề gì đều Gặp Phật chém Phật, gặp ma chém ma.
Ýù niệm xấu phải bỏ, ý niệm tốt cũng phải bỏ, buông bỏ hết thảy
mọi tư tưởng ở mọi lúc, mọi nơi. Đạt được trình độ này thời mọi
dấu vết của tâm niệm đều không tồn tại, thử hỏi lúc này tâm lý
còn có vần đề nữa không ? đương nhiên là không đây chính là sự khai
ngộ, trừ phiền não, chứng bồ đề. Bác sĩ tâm lý có thể giúp được
nhiều người còn phật giáo lại có khả năng giúp các Bác sĩ tâm lý. Do
vậy Đức Phật còn được gọi là Đại y vương.
Người Phương Đông chú trọng đến
luân lý nhấn mạnh và đề cao Ngũ luân tức nghĩa vụ và trách nhiệm
trong luân lý cần làm đúng nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người trên
cương vị của mình trong mỗi từng công việc. Nếu không làm tròn trách
nhiệm và nghĩa vụ trên cương vị của mình thì không thể là người tốt
được. Chúng ta thường chỉ biết yêu cầu người khác mà quên đi nhiệm
vụ của chính mình.
Chân lý chính là quan điểm lý luận
và tư tưởng trên phương diện hình nhi thượng, từ hiện thực của xã hội
hình thành nên lý tưởng về chân lý bất biến. Hiện tượng thì biến động,
còn chân lý thì bất biến, cho nên các triết gia, các nhà tôn giáo đều
cho rằng có chân lý tối sơ và chân lý cuối cùng. Nếu tin tưởng có
chân lý tâm hồn sẽ được an ổn, tin tưởng sẽ được trở về. Do vậy
người có tư tưởng về triết học thường là người tốt, tánh tình
không thô tháo, nhân cách tốt đẹp. Bởi vì họ tin rằng dù cuộc sống
hiện thực tuy bất công nhưng chân lý mãi mãi công bình.
Chân như còn gọi là Niết Bàn, Phật
tánh hay Pháp thân Phật. Nhiều người cứ ngỡ rằng Chết là Niết Bàn.
Thật ra Niết Bàn là Tự Tại vô Ngại, sự tự do tự tại không bị ràng
buộc bởi hoàn cảnh thuận nghịch, quan niệm thiện ác và những chuyện
thị phi tốt, xấu của đời, tâm như mặt nước phẳng lặng. Gặp việc
tâm luôn bình thảng để đối mặt và giải quyết như vậy sẽ có được
sự giải thoát trong hiện tại.
III. Tình lý Viên dung sự sự vô ngại.
Từ bi và trí tuệ trong Phật Giáo
chính là sự tịnh hoá của tình và lý. Tịnh hoá là không bị sự chi phối
ràng buộc của phiền não. Dùng từ bi và trí tuệ để giải quyết mọi mối
quan hệ giữa người với người, để những mối quan hệ ấy không trở
nên phức tạp. Quan tâm đến người khác chính là vun vén nghĩa tình. Có
người rất ương ngạnh không thể dùng lý lẽ để khuyên răn nhưng nếu
dùng tình cảm thì họ lại chuyển lòng mà chấp nhận nghe theo. Mặc dù vậy
nhưng không thể nghiêng hẳn về tình vì như vậy sẽ xáo trộn mọi lẽ
phải, không phân biệt tốt, xấu, trắng, đen. Trong mối quan hệ với gia
đình và người thân có thể dùng tình , còn trong những mối quan hệ xã hội
thời phải dùng lý. Hay nói cách khác xử lý vấn đề cá nhân có thể
dùng tình nhưng giải quyết việc công cần phải dùng lý. Dùng tình có thể
tạo môi trường hòa giải, nhưng dùng lý lại xây dựng được nền tảng
công bình, hai mặt không thể thiếu một.
Từ bi có phần nào giống với cảm
thông nhưng được thăng hoa và thanh tịnh hơn. Tình thương có màu sắc
tình cảm cá nhân nhưng từ bi thì không. Trong cuộc sống nhiều chuyện bất
bình hay nhiều người làm điều không phải, chiếu theo lý thì họ phải
ngồi tù, nhưng nếu nhìn bằng ánh mắt và lòng từ bi thì có thể do hoàn
cảnh gia đình, môi trường xã hội hoặc yếu tố tâm lý khiến họ như vậy.
Ta có thể từ gốc độ khác để nhìn, để tha thứ và tìm phương pháp
khác để khuyến hoá và dẫn dắt họ. Đó chính là từ bi vậy. Từ bi với
người nhưng không có nghĩa là sao cũng được, cái gì cũng tốt. Đối với
bản thân phải biết dùng trí tuệ để hoá giải, chỉ đạo và sửa đổi
mọi vấn đề, đây chính là việc tụ tập hằng ngày của tự thân. Những
việc phiền phức mà chúng ta thường gặp trong đới sống hằng ngày hoặc
do hoàn cảnh đưa đến, hoặc do tự mình tạo ra. Khi gặp phải những
hoàn cảnh này nếu chỉ dằn vặt trách cứ mình hay trách móc oán hận người
khác đều không có lợi ích gì. Tốt nhất là dùng quan điểm nhân qủa
trong Phật Pháp để hoá giải, nếu không sẽ mãi mãi buồn bực, oán hận
trong lòng. Theo định luật Nhân qủa mọi phiền não bứt rứt đều do Nhân
quá khứ phát sinh thành qủa hiện tại thông suốt được nhân qủa thì
phiền não tan biến không còn khả năng chi phối chúng ta nữa. Nhưng nhân qủa
không có nghĩa là chúng ta không cần thay đổi, cải tạo hoàn cảnh, không
cần giải quyết vấn đề. Ngược lại cần nổ lực bồi đắp thiện duyên
để cải tạo hoàn cảnh và giải quyết vần đề, đây chính là thái độ
sống bằng trí tuệ.
Phật giáo chú trọng từ bi và trí
tuệ, truyền bá Phật Pháp cũng chính là cuộc vận động sâu rộng về từ
bi và trí tuệ. Khi mọi người đều có lòng từ bi và thái độ sống bằng
trí tuệ thì xã hội nhất định sẽ được thăng hoa, trong sạch, cuộc sống
của chúng ta nhất định sẽ hạnh phúc. Do vậy, chúng ta cần phải hoằng
dương, truyền bá sâu rộng Phật Pháp, khuyến hoá mọi người tin Phật, học
phật và tu Phật. Đó là nền tảng căn bản của hạnh phúc con người và
tịnh hoá xã hội.
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/tinh&ly.htm