-
CÁCH
TÔN KÍNH ĐÚNG PHÁP
- Thiền Sư
S.N. Goenka, (Phóng
ghi từ pháp thoại của Ngài Goenka tại Tu Viện “Dharma Drum” – Đài Loan)
Khi nhìn thấy chư Tăng - Ni xếp
chân ngồi thiền định, tôi (T.Sư Goenka) nhớ lại lời dạy của đức Phật. Một
lần nọ, Đức Phật hỏi rằng: “Như thế nào là pháp tôn kính đấng Giác Ngộ?”
Minh chứng với hình ảnh chư Tăng – Ni đang ngồi thiền định, Ngài dạy rằng:
“đây là cách tôn kính bậc Đạo Sư.”
Theo lời dạy của đức
Phật, chỉ có thiền định mới thật sự là chân pháp tôn kính đức Như Lai.
Pháp nhủ của Ngài là thiền định và duy trì sự tỉnh giác các hiện tượng
thân – tâm để hiểu rõ bằng thực nghiệm rằng: “các pháp bất thiện sanh khởi,
chúng tăng trưởng và chế ngự tâm chúng ta như thế nào? Làm sao để điều
phục tiến trình này và chuyển hóa các tập khí ‘thói quen xấu’ trong tâm
chúng ta?” Đây là những gì đức Phật gọi là thiền tuệ quán – vipassana:
quán chiếu ‘bản chất pháp như thật” (như thị), tức là tự tánh thực tại bên
trong ‘thân thể’ chính mình và mối tương tác giữa thân và tâm trong từng
khoảnh khắc.
Vào thời đức Phật Gotama, có nhiều
pháp môn thiền định hiện hành ở Ấn Độ. Các phương pháp ấy có thể đưa hành
giả chứng đắc các cảnh giới đinh thâm sâu, chẳng hạn như các tầng thiền
chứng thứ bảy và thứ tám là cảnh giới định cao nhất mà Ngài học được từ
các bậc Thầy ở Ấn Độ thời bấy giờ. Nhưng chỉ với ‘định chứng’ (samadhi)
không thể đưa Ngài tiến đến mục tiêu tối hậu của sự giải thoát hoàn toàn,
tức là giác ngộ viên mãn. Vì vậy, khi ngồi dưới cội Bồ Đề Ngài bắt đầu
quán chiếu về sự thật bên trong ‘thân – tâm’ chính mình và chứng đắc cảnh
giới thiền tối thượng “hoàn toàn giác ngộ.”
Sự thật đầu tiên mà Ngài bắt đầu
quán chiếu đó là dòng hơi thở tự nhiên. Đây là thiền Anapana (thiền tỉnh
giác về hơi thở). Quan sát dòng hơi thở tự nhiên tại một điểm nhỏ, ngay
nơi tiếp xúc giữa hơi thở ra và vào của hai lỗ mũi; dần dần tâm trở nên
nhạy bén và nhạy bén hơn, vi tế và vi tế hơn, thuần hóa và thuần hóa hơn.
Với tâm thuần hóa và nhạy bén, thiền sinh bắt đầu thực nghiệm các cảm thọ
khác nhau nơi vị trí ‘dưới mũi và trên môi’ (hay là đỉnh nhơn trung). Rồi
từ khởi điểm này thiền sinh bắt đầu quán chiếu toàn bộ cơ cấu ‘thân thể’,
từ trên đỉnh đầu chuyển dần xuống các đầu ngón chân và từ các đầu ngón
chân chuyển dần lên trên đỉnh đầu, thực nghiệm các loại cảm thọ khác nhau
‘hiện khởi’ trên thân. Có các loại cảm thọ khác nhau: đôi khi là những cảm
thọ rất thô, cứng và căng thẳng, hoặc có lúc là các cảm thọ vi tế, nhẹ
nhàng dễ chịu, hay là trạng thái vô ký (trung hòa: không đau nhức cũng
không an lạc). Thiền sinh nên giữ (tâm bình thản) quán chiếu các cảm thọ
ấy một các khách quan và không khởi tâm phản ứng theo từng cảm thọ.
Thiền sinh bắt đầu hiểu rõ tập khí (chủng
tử) phản ứng theo bản năng của chính mình: đó là bản năng say mê và tham
đắm đối với các cảm thọ lạc (ưa thích), cũng như phản ứng giận dữ và sân
hận với các cảm thọ khổ (không ưa thích). Nhận thức rõ sự thật này, thiền
sinh sẽ cố gắng chuyển hóa các thói quen cố hữu của chính mình. Liễu ngộ
hoàn toàn bản chất sanh diệt của mỗi cảm thọ khổ hay lạc, thô hoặc tế,
chúng sanh khởi rồi tiêu diệt. Ôi! thật là vô thường qúa. Vì thế, vô
thường (anicca) là đặc tánh đầu tiên tương quan với thân và tâm được hiển
thị một cách rõ ràng trong thực nghiệm.
Khi sự thật này trở nên sáng tỏ, đặc
tánh thứ hai cũng sẽ hiện khởi rõ ràng - đó là pháp ấn về khổ (dukkha).
Với thực nghiệm thiền sinh sẽ nhận thức rõ: “bất cứ khi nào chúng ta có
phản ứng say mê và tham đắm đối với cảm thọ ưa thích, tâm ta sẽ mất trạng
thái cân bằng, cảm thấy không an vui và hài hòa. Tương tự, khi chúng ta có
phản ứng giận dữ và sân hận với cảm thọ không ưa thích; ta cũng sẽ đánh
mất trạng thái cân bằng của tâm và cảm thấy không an vui và hài hòa. Ồ!
Đây là đau khổ.”
Rồi đặc tánh thứ ba trở nên hiển lộ
rõ ràng hơn: “Cho dù cảm thọ lạc hay khổ, chúng ta không thể nào làm chủ
hay điều phục được nó. Nếu muốn đẩy lùi các cảm thọ khó chịu (khổ) chúng
ta không thể và muốn giữ lại các cảm thọ nhẹ nhàng khoan khoái (lạc) chúng
ta cũng không thể. Vạn vật luôn xảy ra theo như tự tánh của chính nó.” Hơn
nữa, trong thực nghiệm đặc tánh thứ ba sẽ khai thị rõ ràng, đó là pháp ấn
về vô ngã (anatta). Không có cái “Tôi”, cái “của Tôi” và cái “tự ngã của
Tôi” – tất cả chỉ là hiện tượng luôn luôn thay đổi trong từng khoảnh khắc.
Hiện tượng thân tâm duyên khởi không có gì để gọi “đây là Tôi” hoặc “đây
là của Tôi.” Khi thiền sinh tiếp tục hành trì ở mức độ sâu hơn, tự tánh sẽ
khai ngộ rõ ràng về hiện tượng thân tâm hoàn toàn vô ngã và không có thực
thể. Đó là ‘tánh không’ (sunnata), không có gì để chấp thủ và nói rằng “có
bản thể” hay “đây là bản thể”. Sự thật không có bản thể nào cả.
Thiền sinh sẽ chính mình thực nghiệm
về thực tại, vì đây không phải là thú vui lý trí. Đức Phật dạy rằng, thiền
sinh không nên chấp nhận một hình thức sùng tín hay cảm tính nào cả. Hiện
tại, thiền sinh chứng nghiệm được sự thật này và bắt đầu chuyển hóa các
thói quen luôn phản ứng với tâm tham ái hay sân giận. Khi tập khí tham ái
và sân giận được đoạn trừ tận gốc rễ, tâm sẽ trở nên thuần hóa và thanh
tịnh hơn. Theo quy luật tự nhiên, khi tâm hoàn toàn thanh tịnh tự tánh sẽ
tràn đầy lòng từ bi và thiện ý đối với mọi người. Một khi, trong tâm vẫn
còn các tập khí tham ái thì chắc chắn tập khí sân giận cũng sẽ ở đó; và
cho đến khi chưa đoạn trừ được tâm sân giận thì không thể nào phát khởi
lòng từ bi.
Đức Phật chứng đắc cảnh giới tối
thượng hoàn toàn giác ngộ và giải thoát nhờ hành trì thiền tuệ quán này và
đó là lý do lời tuyên ngôn đầu tiên của Ngài vềø pháp “Nhân Duyên” (paticca-samuppada).
Vạn vật sanh khởi đều do nhân duyên,
nếu (nhân) ‘cái này có’ thì (kết quả) ‘cái kia có.’ Trong tiến trình này
đức Phật giải thích rõ ràng rằng, do nhân duyên sáu căn tiếp xúc với sáu
trần sẽ hiện khởi các cảm thọ trên thân. Nếu cảm thọ ưa thích, chúng ta sẽ
phản ứng với tâm tham ái; nếu cảm thọ không ưa thích chúng ta phản ứng với
tâm bực mình (sân giận). Các cảm thọ sanh khởi trên thân đóng một vai trò
rất quan trọng. Do vì tập khí vô minh, chúng ta tiếp tục làm tăng trưởng
đau khổ của chính mình buông theo các cảm thọ và phản ứng theo chúng.
Ngược lại, với trí tuệ thực nghiệm chúng ta sẽ thoát khỏi đau khổ vì không
còn phản ứng theo các cảm thọ.
Vào thời Phật tại thế (trước cũng
như sau Ngài), ở Ấn Độ có rất nhiều pháp môn thiền định, nhưng không một
ai giảng dạy về phương pháp quán chiếu các cảm thọ trên thân. Đây là khám
phá vĩ đại của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni Buddha). Bất cứ pháp
môn thiền định nào cũng có thể đạt được tâm định tĩnh, an nhiên và thuần
tịnh nhưng chỉ trên bề mặt tâm thức, đức Phật không thỏa mãn với các loại
thiền chứng này. Ngài quán chiếu hướng sâu vào nội tâm và tận cùng trong
tầng vô thức, tâm vẫn luôn liên tục phản ứng với các cảm thọ trên thân.
Vì thế, thực hành phương pháp thiền
tuệ quán – ‘vipassana’ theo lời dạy của đấng Giác Ngộ, quan trọng hơn hết
là các cảm thọ trên thân chúng ta. Khi thực hành thiền tuệ quán, thiền
sinh vừa giữ tâm tỉnh giác với các cảm thọ, nhưng cũng vừa buông xả niệm
thọ ấy. Đây là tiến trình thanh lọc tâm mang tính khoa học, một sự thanh
tịnh tâm hoàn toàn.
Tôi rất vui mừng khi thấy một số chư
Tăng Ni tham dự các khóa thiền Vipassana và tin rằng chư Tăng Ni sẽ thực
hành thiền định hằng ngày. Tôi có lời khuyến khích chư Tăng Ni nên tham dự
các khóa thiền nhiều hơn. Những người cư sĩ có rất nhiều tục sự khác nhau,
đó là các trách nhiệm thế tục. Họ không thể dành nhiều thời gian cho thiền
định. Chư Tăng Ni là những người hữu duyên trở thành Chư Tỳ Kheo và Chư Tỳ
Kheo Ni để thực hành chánh pháp chuyên sâu hơn. Mong rằng chư Tăng Ni sẽ
chứng nghiệm kết quả cao thượng nhất trong lời dạy của đấng Giác Ngộ nhờ
thực hành thiền Vipassana. Hơn nữa, chư Tăng Ni nơi đây vô cùng may mắn có
được bậc Chân Sư (HT Sheng Yen) là vị Thầy hướng đạo.
Cầu nguyện tất cả Tăng Ni đều thành
công như ý!
Cầu nguyện chư Tăng Ni đều thành tựu
chánh Pháp tối thượng!
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/tonkinhdungphap.htm