- Một vài suy nghĩ về:
- MỐI QUAN HỆ GIỮA TÂN TRỤ
TRÌ VA BAN HỘ TỰ
Sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh
là một mục tiêu cao cả mà bất cứ người xuất gia nào cũng phải có
trách nhiệm gánh vác. Trong sự nghiệp chung đó, không thể không kể đến
sự trợ lực nhiệt thành của hàng phật tử tại gia – một trong thất
chúng đệ tử Phật. Ngay từ thời dức Phật, sự liên hệ giữa hàng xuất
gia và kẻ tại xa đã trở thành một thực thể bất khả phân ly và trở
thành một đặc trưng không thể thiếu trong sự nghiệp hoằng truyền
chánh pháp.
Tuy nhiên, đứng trước tình hình
thực tế còn nhiều điều bất cập trong mối quan hệ này, được thể hiện
rõ nét nhất là sự hỗ tương giữa người làm công tác trụ trì và ban hộ
tự; thiết nghĩ cần phải có một cái nhìn thật nghiêm túc về thực chất
của mối quan hệ này, ngõ hầu tìm ra một giải pháp tối ưu để hướng
dẫn quần chúng Phật tử trở về với Chánh pháp.
- Những điểm tích cực và hạn chế của một
tân trụ trì.
Trụ trì, nguyên nghĩa là người giữ
gìn và truyền bá mạng mạch chánh pháp của chư Phật (trụ pháp vương
gia, trì như lai tạng).Qủa thật, đó là một trọng trách không đơn giản.
Khái niệm "trụ trì" có một ngoại diên rất rộng, nhưng theo
nghĩa qui ước, thì đó là một cá thể xuất gia, có trách nhiệm giữ
gìn, phát huy một cơ sở cụ thể của Phật giáo và hướng dẫn quần chúng
nam nữ Phật tử tại nơi đó, tu học theo chánh pháp của Phật.
Như vậy, người làm công tác trụ
trì có một trách nhiệm rất lớn về nhiều mặt và phải đối diện
cũng không ít khó khăn . Để thực hiện tốt trọng trách này, vị xuất
gia đó phải có kiến thức lãnh đạo chuyên môn, trình độ giáo lý nhất
định cũng như một chiều sâu tâm linh nội tại khả dĩ. Những vị tân
trụ trì mà bài viết đề cập, về cơ bản đã đáp ứng tương đối đầy
đủ những yêu cầu này. Đây là một thành quả khả quan từ chiến lược
đào tạo nhân sự của giáo hội.
Từ thực tế cho thấy, các tân trụ
trì có một khả năng mẫn cảm rất cao, sẳn sàng tiếp cận, chia sẽ với
quần chúng Phật tử những nghịch cảnh, khó khăn. Họ chấp nhận đối
diện với thực tế, không ngại khó, ngại khổ và thậm chí dám đề ra
những chủ trương, những hoạch định táo bạo trong việc hướng dẫn quần
chúng tu học hay các chương trình phúc lợi mang tính xã hội cao tại địa
phương. Có nhiều người bạn của chúng tôi, về nhận trụ trì tại các
vùng xa xôi, hẻo lánh đã kể lại rằng: họ phải đi ứng phó (cúng đám)
đến hụt hơi, lắm khi vừa về đến chùa, chưa kịp ăn vội miếng cơm
thì đã có người thỉnh đi lo đám khác. Chưa kể đến, chuyện con cái bất
hoà, dâu rễ ăn ở chưa phù hợp, con cái bệnh đau…và vô vàn những éo
le trong cuộc sống của quần chúng phật tử mà vị trụ trì cần phải lắng
nghe và chia sẽ. Ngoài ra, những công việc đột xuất và chưa hề có trong
dự tính cũng là điều mà trụ trì cần phải giải quyết. Mặc dù áp lực
công việc đa đoan như thế, nhưng trong tâm tưởng các vị tân trụ trì
luôn có một niềm vui vì lần đầu tiên trong cuộc đời tu học, họ đã
trực tiếp góp phần đem đến cho tha nhân một chút gì đó phúc lạc an
nhiên. Kết quả từ một cuộc khảo sát tình hình thực tế đã cho chúng
tôi thấy rõ điều này. Ngay đây, đã chứng tỏ những điều tích cực cần
phải ghi nhận từ những vị xuất gia mới đảm nhiệm cương vị trụ trì.
Tuy nhiên, cũng chính phát xuất từ nơi đây, đã bộc lộ ra những hạn chế
nhất định.
Điều ghi nhận đầu tiên, đó là
do tuổi tác chưa cao, chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong thực tế
muôn màu, do những lý thuyết mà họ tiếp cận trên bước đường học tập
chưa đi sát với thực tế, do bản tính của tuổi trẻ là nóng vội, do
thiếu một nội tâm vững chãi cùng vô vàn những yếu tố khác; nên vị
tân trụ trì đã có những sự cố nhất định trong khi quan hệ với quần
chúng phật tử mà đại diện là Ban hộ tự. Cần phải thấy rằng, kinh
nghiệm cuộc sống không bao giờ thừa, nhất là những kinh nghiệm phải đánh
đổi bằng mất mát, đau thương. Có những tri thức hết sức cần thiết
trong cuộc sống đời thường mà việc cóp nhặt chúng cần phải thông qua
con đường kinh nghiệm. Mặt khác, từ lý thuyết đến thực tiển không phải
chỉ bó hẹp trong một vài gang tay mà lắm khi cách xa nhau đến vô tậän.
Để áp dụng những tri thức đó, điều cần yếu là phải có một thái
độ linh động uyển chuyển, nói như thành ngữ nhà Phật là phải "
khế lý, khế cơ, khế thời và khế xứ".
Một yếu tố mang sắc thái của tuổi
trẻ, đó là bản tính nóng vội. Đây là một thái độ không nên có, nhất
là một người đảm đương chức vụ trụ trì. Hạt lúa muốn nảy mầm,
cần phải đợi đầy đủ thời tiết nhân duyên, khi nhân duyên chưa đến
thì đừng gượng ép thực hiện. Việc quán niệm sâu xa lý thuyết nhân
duyên và thái độ "đãi thời" là một liệu pháp cần thiết để
khắc phục bản tính nóng vội. Trong một số trường hợp ngoại lệ, như
nhữõng vị nhận trú trì ở những khu vực vùng sâu, vùng xa. Tại nơi đây,
chính sự quí mến, cung kính của quần chúng Phật tử đã vô tình góp phần
dung dưỡng "cái tôi" cho những vị tân trụ trì. Hãy nghe "Thầy",
"thầy dạy" như thế, như thế….trong nhiều trường hợp, có vị
trụ trì dường như coi mình luôn là cái rốn của vũ trụ, mọi chỉ thị,
yêu cầu luôn bắt buộc mọi người nhất nhất tuân theo và hầu như không
bao giờ chấp nhận những ý kiến ngược lại.
Tất cả những hạn chế kể trên
đã gây nên một sự khập khiểng trong mối quan hệ giữa trụ trì và quần
chúng Phật tử; cụ thể hơn, nơi xung đột diễn ra gay gắt nhất đó
chính là giữa trụ trì và ban hộ tự.
2. Ban hộ tự - nhìn từ các mặt
Xuất phát từ cơ sở là hàng tại
gia tích cực phụng đạo. Ban hộ tự có thể xem là nơi hội tụ những tâm
tư, nguyện vọng, của quần chúng Phật tử tại một ngôi chùa. Họ là người
gánh vác một trách nhiệm vinh quang là cùng với trụ trì, xây dựng một
đạo tràng ngày càng phát triển.
Chúng tôi được biết, có những
ngôi chùa, mặc dù chưa có trụ trì nhưng sinh hoạt phật sự vẫn đảm bảo
dưới sự hướng dẫn của Ban hộ tự. Điều đó cho thấy rằng, ở một
chừng mực nào đó, ban hộ tự vẫn khẳng định một năng lực nhất định.
Tuy nhiên, để xây dựng , bảo tồn
và phát huy ngôi chùa ấy qua nhiều thế hệ và thiết thực nhất là hướng
dẫn về mặt tâm linh cho quần chúng Phật tử là điều mà ban hộ tự
không thể đảm đưong. Vì lẽ, mặc dù có kiến thức về Phật học, có
nhiều kinh nghiệm về cuộc đời, có khả năng hoá giải trong mọi tình huống
nhưng đối với sự nghiệp hoằng pháp độ sanh nói chung thì có những
ranh giới mà hàng tại gia cư sĩ mà trong đó có ban hộ tự khó có thể vượt
qua được. Điều dễ dàng nhận thấy, đó là tính thống nhất giữa hành
động và việc làm, giữa sự hiểu biết của mình và khả năng áp dụng
vào hoàn cảnh thực tế. Đó là chưa kể đến chiều sâu nội tâm, nguồn
năng lượng không thể thiếu để chuyển hoá và dẫn dắt mọi người trên
tiến trình tu tập.
Một trong những bất cập cần phải
kể đến, đó là có nhiều ngôi chùa ở vùng sâu, vùng xa, đã năm lần bảy
lượt cầu thỉnh các cấp giáo hội bổ nhiệm về đó một vị trụ trì,
nhưng chỉ trong khoảng vài năm, đã liên tục thay thế nhiều vị trụ trì
khác nhau. Điều đó đã dẫn đến một quan niệm mang tính nghịch lý:
chùa mà có ban hộ tự thì trụ trì rất khó ở!! Ngịch lý hết sức khôi
hài này vẫn hiện hiện trong thực tế ngày hôm này ở một số nơi. Vậy
thử hỏi, đâu là lý do để phát sinh ra nghịch lý đó?
Lý do thì có nhiều và trong những
lý do chủ yếu là do chưa có một sự cảm thông, nối nhịp nhuần nhuyễn
và xác định rõ ranh giới về chức năng, quyền hạn, phạm vi giữa trụ
trì và ban hộ tự. Đã có nhiều ngôi chùa, ban hộ tự dường như vượt
khỏi phạm vi là hàng cư sĩ tại gia. Họ yêu cầu vị trụ trì phải thế
này thế nọ, đưa ra những yêu sách hết mực quá quắt, khắt khe và bắt
buộc vị tân trụ trì phải thực hiện. Đôi khi, có những ban hộ tự khống
chế toàn bộ nguồn kinh tế của chùa, mặc dù ngôi chùa ấy đã được
GH bổ nhiệm trụ trì hẳn hoi.
Một vấn đề khác, đã có một số
ngôi chùa, ban hộ tự dường như định đoạt toàn bộ ý kiến mở mang
xây cất mà dường như không hề đoái hoài đến ý kiến của trụ trì.
Trong vấn đề này, cho dù ban hộ tự dù là những người có kiến thức
bác lãm về kiến trúc, xây dựng, có nghiên cứu một chút ít về văn hoá
Phật giáo và điều quan trọng hơn hết là nắm trong tay nguồn kinh phí
xây dựng thì thử hỏi họ đã từng sống trong một ngôi già lam được
bao nhiêu ngày? Họ đã từng nghiên cứu về tính chất đặc thù của kiến
trúc Phật giáo hay chưa? Và trên hết là thái độ "vượt rào"
trong việc xin ý kiến chỉ đạo – tức ý kiến của trụ trì. Thỉnh thoảng
trong những tháng ngày dong ruỗi ở thực tế, chúng tôi đã phát hiện thấy
có những ngôi chùa xây cất theo chủ kiến này và từ đây đã ít nhiều
làm mất đi nét văn hoá đặc thù trong kiến trúc Phật giáo.
Tất cả những điều đó đã tạo
nên một tâm lý gò bó, thụ động và đôi khi dễ dàng nảy sinh sự buồn
phiền bực bội ở người làm công tác trụ trì. Cũng cần nói thêm rằng,
đây cũng chính là chổ khơi nguồn cho mọi bất đồng nảy sinh trong mối
quan hệ giửa trụ trì và ban hộ tự.
- Những giải pháp khắc phục.
Cần phải thường xuyên ý thức vị
trí cũng như vai trò của mình. Nhờ xác định rõ ràng điều kiện tự thân
– là một hàng cư sĩ tại gia còn nhiều ràng buộc – ta sẽ nỗ lực phụng
đạo bằng tất cả năng lực sẳn có và biết khai thác thế mạnh riêng
có của mình. Bởi lẽ, một khi cùng điều kiện sống, cùng hoàn cảnh tu
học, Ban hộ tự dễ dàng tiếp cận những con người, những mảnh đời cần
được nâng đở và hướng họ trở về với thánh đạo. Mặt khác, nhờ
phân định rõ vị trí nhân thân, căn cứ vào giáo, luật thì đứng sau hàng
ngũ xuất gia; cho nên nhất nhất mọi việc làm cần phải tham khảo, thảo
luận hoặc xin ý kiến chỉ đạo của trụ trì. Và đây chính là biện
pháp hữu hiệu để ngăn ngừa cánh cửa tội lỗi do thái độ ngã mạn
phát sinh.
Trong một số trường hợp đặc biệt
như vị trụ trì chưa vững chãi, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế trong
việc hướng dẫn quần chúng Phật tử cũng như khả năng kiến thiết đạo
tràng thì ban hộ tự phải tìm cách khéo léo để giúp vị trụ trì ấy
hoàn thiện công tác của mình. Điều cực ký lưu ý là phải cân nhắc,
thiện xảo trong ý kiến đóng góp. Hơn đâu hết, Ban Hộ tự là những người
thân cận Phật pháp lâu năm thì ít nhất hương vị giải thoát sẽ thấm
đượm trong suy nghĩ và hành động của chính họ. Cho nên, gặp phải những
trường hợp vị trụ trì quá ư nóng nảy, bảo thủ ý kiến của mình
thì thủ pháp nhẫn chịu, hoặc im lặng như chánh pháp là một giải pháp
tạm thời đầu tiên để gắn kết quan hệ. Sau đó, tùy theo từng trường
hợp riêng để có một giải pháp khắc phục cụ thể. Nếu thực hiện
được như thế, tức tên gọi Ban hộ tự sẽ trở về đúng với nguyên
nghĩa đầy vinh dự của nó.
Một khi chấp nhận công tác trụ
trì, người xuất gia đó phải thấy rõ tính khó khăn và phức tạp nhưng
hết sức cao quí của nhiệm vụ này.Đành rằng người xuất gia, là chỗ
dựa tinh thần của quần chúng Phật tử. Thế nhưng cần phải nhận thấy
rằng để đáp ứng hoàn toàn thỏa đáng mọi yêu cầu của quần chúng Phật
tử thì cần phải có một điều kiện tương đồng. Do đó, việc lắng
nghe, thảo luận cùng Ban hộ tự để tìm một giải pháp tối ưu là một
hành động hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, yêu cầu của hiện thực
đôi khi cần phải có từng trãi kinh nghiệm và hiệu quả sẽ cao hơn nếu
như được phối hợp với khả năng thẩm định sâu sắc của tâm linh.
Nguyên tắc ái ngữ, đồng sự trong trường hợp này đã tỏ ra có giá trị
hơn bao giờ hết. Vì lẽ, một khi ta hoá thân, thể nhập vào cuộc sống của
những người Phật tử bình thường; lúc ấy, sự cảm nhận về hiện thực
sẽ sâu sắc hơn, đúng đắn hơn và đây là một trong những yếu tố đẩn
đến một cách thức gỉai quyết công việc hiệu quả.
Câu nói :" làm trụ trì như làm
dâu trăm họ" vẫn có giá trị tương đối của nó. Nhờ nuôi dưỡng
quán niệm đó thường xuyên, vị trụ trì dễ dàng hoà cùng nhịp dập với
hàng vạn con tim và dễ dàng thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của mọi đối
tượng để đáp ứng. Nếu như chưa kiện toàn đầy đủ những tri thức
về giáo lý, kinh nghiệm cuộc đời và các kiến thức bổ trợ cần yếu
khác thì cần phải sắp xếp thời gian để kiện toàn. Thái độ tự mãn
vì được mọi người tán đồng, ủng hộ là nguy cơ dẫn đến những bế
tắc thiệt thòi sẽ vấp phải trong nay mai. Một điều nữa, khi tiếp xúc
với quần chúng phật tử mà trực tiếp là ban hộ tự, dù bất cứ tình
huống nào, tinh thần hài hoà, mềm dẻo sẽ là cơ sở cho một không khí
xây dựng và phát triển. Tránhh trường hợp chủ quan và chấp chặt quan
điểm của mình mặc dù quan điểm ấy có đôi chút hợp lý. Chúng tôi cũng
được biết, không ít vị tân trụ trì do quá nóng nảy, do mù quáng trong
việc bảo vệ quan điểm riêng của mình mà đã gặp phải những hiểu lầm
đáng tiếc trong mối quan hệ với ban hộ tự . Vấn đề tự chiến thắng
bản thân thông qua hành động nổ lực tu tập, cùng với tinh thần cầu thị,
học hỏi và một thái độ hoà nhã bao dung sẽ là những chất liệu cần
thiết để tạo nên sự thống nhất hoà hợp giữa vị trụ trì vàban hộ
tự trong việc kiến lập một đạo tràng vững mạnh.
Thực sự, đây là một vấn đề
nhạy cảm và không dễ gì làm sáng tỏ trong một vài trang viết. Chúng
tôi chỉ xem đây là những thao tác gợi mở bước đầu và phần còn lại
xin chờ sự chia sẽ, hưởng ứng của những người đương cuộc.
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/trutri-hotu.htm